Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2008

Trái Cấm bao giờ cũng là Trái Ngon

Truyền thuyết Thiên Chúa giáo chép rằng: Adam và Eva là hai người được Thượng Đế tạo ra đầu tiên trên thế gian này. Do nghe lời của con rắn, Eva đã ăn Trái Cấm nơi vườn địa đàng (vườn Eđen), sau đó cũng đã đưa cho Adam ăn theo. Khi vừa nếm được hương vị đầu tiên của Trái Cấm thì Thượng Đế phát hiện ra, Người rất giận dữ và hét lên : “Hai con là người mà ta tin yêu nhất, vậy mà cũng làm ta thất vọng”. Cùng với tiếng hét đó, Thượng Đế vung tay đập mạnh con rắn kia, làm cho xương trên người nó vỡ vụn ra, nên tới nay, loài rắn phải đi uốn éo trên đường chứ không thể đi thẳng như trước kia. Thượng Đế cũng bắt Adam và Eva phải xuống hạ giới sống, chịu sinh-lão-bệnh-tử, vui buồn, khổ đau như bao người khác. Khi bị đày xuống hạ giới, Adam và Eva hẹn sẽ đi tìm một nửa Trái Cấm của mình, rồi cho chúng ghép lại với nhau. Nếu không thì chúng buồn lắm, vì không thể nào sống xa nhau, thiếu nhau được. Vì vậy, hai người luôn đi tìm hạnh phúc cho mình, rồi dùng hai nửa hạnh phúc đó để ghép lại thành đôi. Hai nửa của Trái Cấm cũng quyết định sẽ lăn đi tìm nhau, dù cho phải chịu bao nhiêu gian khổ, hiểm nguy đi chăng nữa.
Như vậy đó, con người vốn tự hào là những động vật thông minh bậc nhất, vậy mà cũng mắc phải lỗi lầm ngớ ngẩn, khù khờ, để suốt đời luôn phải đi tìm, phải sửa sai cho những lỗi lầm của mình.
Khi cầm trên tay tập thơ Trái Cấm của Nguyễn Phan Quế Mai, bất chợt tôi lại nhớ tới câu chuyện kia, rồi cứ ám ảnh bởi những bài thơ, bởi giọng thơ của một tâm hồn nhạy cảm, dung dị nhưng cũng đầy chân thành của chị. Ngay ở những câu thơ đầu tiên tôi đã bắt gặp điều này:
Trí khôn bảo em “Thôi đừng yêu anh”
Vậy mà con tim vẫn cứ dùng dằng

Thế đấy, trí khôn-lý trí của em đã nhắc em là không yêu anh nữa, vậy mà con tim-bản năng lại vẫn cứ dùng dằng, phân vân trước tấm chân tình của anh. Em cũng biết đến hiện thực đang hiện ra trước mắt, nhưng trái cấm tình yêu đã mời gọi trên cành, rồi chua ngọt, rồi nồng nàn, toàn những điều gây tò mò, gây đê mê, gây khoái cảm cả. Nói như Pascal, con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không hề biết đến, vậy thì, làm sao em cưỡng lại được, dù em hiểu rằng:

Con đường trần gian bàn chân rong ruổi
Cắn vào tình yêu
muôn đời
mắc tội….

Tình yêu muôn thuở là sự mỏng manh, sự hữu hạn. Có ai lý giải được tình yêu là gì, và cũng có ai dự kiến được tình yêu đến khi nào, đi khi nào. Do vậy, tâm trạng khi yêu là một tâm trạng hiến dâng, khao khát và có thêm một chút lo âu, phấp phỏng, có khi chỉ là những ý nghĩ vu vơ, mơ hồ chợt đến vì sợ tình yêu tan vỡ. Đối với phụ nữ, vốn yếu đuối, tâm trạng này lại càng hiện rõ:
- Những nỗi buồn sẽ nghiêng về một phía
Em biết rằng, đó là phía không anh
...
Em sẽ nghĩ gì ở phía không anh?
Sẽ làm gì với những bài thơ không xanh, hồng, tím, đỏ?
- Nụ hôn nào ở rất xa
Mà em sẽ ngỡ như là trên môi?
Sợ gì nước chảy mây trôi?
Sợ anh
níu
cả
biển
trời
phương
em
Từ nỗi sợ hãi rất bản năng đó, họ khao khát một sự bình yên, một bến bờ hạnh phúc, bến bờ mà chỉ có Anh mới mang lại cho Em:
- Trăng chọn dòng sông làm bến đợi
Em chọn anh làm bến đỗ đời mình
Em đã qua bao mùa trăng khát
Để cháy bừng một vầng sáng cho anh!
- Với tay hái ánh trăng mềm
Luồn vào gối ấm ru êm mộng người!
Hạnh phúc đối với họ cũng đâu ghê gớm, to tát gì, mà chỉ là những niềm vui thường nhật, giản đơn. Đó là những niềm vui, những ước ao như thế này:
- Mình cầm tay nhau nghe câu vọng cổ du dương
Lòng thấy mới với bao điều hẹn ước
Rơm rạ đơn sơ mỉm cười hạnh phúc
Về quê nha anh, về quê nha anh!
- À ơi... gió mát trăng thanh
Ru con mơ giấc mơ xanh tuổi đời
- Ước gì bẻ được câu thơ
Giấu nụ cười vào trong đó
Ước gì được là ngọn gió
Bay về xuân của ngày xưa

Trong tình yêu, ai cũng muốn cháy hết mình, muốn xả thân hết mình theo đúng nghĩa của tình yêu. Với phụ nữ, tình yêu của họ rạo rực, say đắm nhưng họ thường kín đáo hơn đàn ông. Họ có thể cho hết mình không tính toán, dù rằng họ phải chịu bao đau khổ, thiệt thòi hơn phái mày râu:
Người con gái cũng yêu như thế đó
Cũng cháy hết mình cho một tình yêu

rồi cũng rơi trong gió một buổi chiều
Để sáng mai, sẽ chẳng còn hoa đỏ
Đọc Trái Cấm, tôi có cảm giác vì tình yêu mà sự chờ đợi, sự hy sinh, sự ghen tuông của người phụ nữ trở nên trong sáng, đáng yêu và đáng trân trọng hơn. Họ có thể:

- Ở phía không anh...trái tim em vẫn thức
đập từng tích tắc
khắc khoải
đợi hoàng hôn....
- Vẫn biết rằng anh không thuộc về em
Sao ký ức vẫn đan xen vào ngày vào tháng?
Khắc khoải đợi từ khi bình minh rạng...
- Trái tim em vào mùa
Khát khô trong nắng hạn
Ký ức anh mát lành
Đem mưa về làm bạn
Có lẽ vì thế mà tình yêu của người phụ nữ thường thánh thiện, thường vĩ đại hơn người đàn ông?
Nhà văn nổi tiếng Victor Hugo đã từng nói: Ai khổ vì yêu, hãy yêu hơn nữa. Chết vì yêu là sống trong tình yêu. Tình yêu khiến ta phải chờ đợi, phải si mê, hiến dâng tất cả thì tình yêu cũng sẽ cho ta tất cả: sự chân thành, bao dung, độ lượng, và trên hết, đó là sự sẻ chia, cảm thông giữa con người với con người. Tình yêu ở đây không chỉ đơn thuần là tình yêu nam nữ, mà cũng là tình yêu thương quê hương, xứ sở, tình yêu thương giữa những người thân ruột thịt, những cảnh đời bất hạnh xung quanh ta.
Quế Mai là như vậy, thơ chị là như vậy, không cầu kỳ, không là những triết lý sáo rỗng, không là cách viết làm dáng, ngoa ngôn. Thơ chị tự nhiên, giản dị, gần gũi nên dễ đi vào lòng người. Chị đã có lý khi đặt tên tập thơ là Trái Cấm, và cũng không phải ngẫu nhiên khi chọn bức ảnh cùng tên của nghệ sỹ nhiếp ảnh Thái Phiên làm trang bìa, vì rằng Trái Cấm bao giờ cũng là Trái Ngon. Và tôi cũng để ý đến một điều này nữa, phần lớn những bài thơ về tình yêu trong tập thơ này được Quế Mai viết trong khoảng thời gian gần đây (2007, 2008). Phải chăng chị đang yêu?

Tương lai đang ở phía trước, chúc chị đạt được mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống. Chị hãy là ngọn lửa cháy hết mình vì những ước mơ và hoài bão của mình. Tôi tin là chị sẽ làm được, vì chị biết chắp cánh những ước mơ cao đẹp của mình với cõi đời này.

Hà Nội, một ngày thu tháng mười 2008

Người yêu thơ họ Trịnh