Thứ Tư, 24 tháng 3, 2010

Xuân về nhớ bạn


Xuân tới đào mai nở ngập đường
Ngồi uống rượu suông nhớ bạn xưa
Đêm nay trăng lạnh sao còn nửa?
Tan rồi một nửa nát hồn tôi


Xưa bạn và tôi cùng hội ngộ
Liêu xiêu quán nhỏ mái đầu xanh
Lất phất bụi mưa ngoài phố lạnh
Trong quán lò than ấm lửa hồng


Rồi một đêm đông tôi vẫn nhớ
Ông trời vô cớ cướp bạn tôi
Dầu biết nhân sinh do thiên mệnh
Mà sao vẫn thấy trống trải lòng


Gặp gỡ chừng như mộng hoàng lương
Ra đi khiến lòng tôi xót thương
Bạn ơi! lửa tắt bình khô rượu (*)
Đời vắng bạn rồi say với ai?


Xuân nay tôi lại về thăm bạn
Mắt rầu đẫm lệ máu rơi tuôn
Người đi kẻ ở thêm sầu muộn
Thương nhớ Tử Kỳ, khóc Bá Nha

-----------------------------------------
(*) - Mượn ý thơ Vũ Hoàng Chương

Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2010

Màu tím hoa sim

Thi nhân Hữu Loan (14.6.1919 - 18.3.2010)
 Màu tím hoa sim
Sáng tác: Hữu Loan
Diễn ngâm: Quốc Anh



Áo anh sứt chỉ đường tà
Nhạc: Phạm Duy
Lời: Thơ Hữu Loan
Biểu diễn: Đức Tuấn

Thứ Năm, 18 tháng 3, 2010

Tùy bút Nguyễn Tuân


(Chân dung Nguyễn Tuân - tranh của họa sỹ Đinh Quang Tỉnh)
“Tháng giêng là tháng ăn chơi…”, câu ca dao của người xưa có lẽ muốn nhấn mạnh tới cái nét văn hóa Chơi của người Việt. Cái sự Chơi này, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã lý giải trong những bài bút ký của mình: “Trong mỗi người Việt chúng ta có một Người Làm (homo fabien), một Người Nghĩ (homo sapien) và có thêm một Người Ham Chơi (homo ludus). Người Ham Chơi này Tây rất thèm nhưng không đạt nổi. Ham Chơi đâu phải là do lười biếng. Ham Chơi là cách sống đạt đạo của con người đã nhìn thấy từ lâu bản chất phù hư của thế giới, hiểu rõ rằng những giá trị vật chất có khả năng đến đâu trong cuộc mưu cầu hạnh phúc cho con người.”. Người Ham Chơi này đã để lại những dấu ấn rất sâu đậm qua lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc. Từ những đồ trang sức cho đàn bà ở thời kỳ tiền sử, từ chiếc Trống Đồng cho đến những làn điệu quan họ Kinh Bắc, rượu làng Vân, tranh làng Hồ, lễ hội phương vải, hát ả đào, đờn ca tài tử phương Nam,… tất cả đều phục vụ cho nhu cầu thưởng thức văn hóa của con người, cho những cuộc chơi la đà năm tháng. Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Tản Đà, Tú Xương, Phan Bội Châu,…là những Người Ham Chơi trong thời đại của họ.

Nguyễn Tuân là một trong những tên tuổi lớn trong nền văn học Việt Nam và là một Người Ham Chơi của thời hiện đại. Sở trường của ông là tùy bút. Với phong cách uyên bác, lịch lãm, tùy bút Nguyễn Tuân đã làm say đắm trái tim của biết bao thế hệ độc giả. Nguyễn Tuân yêu những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc, muốn tìm lại những vẻ đẹp của quá khứ còn “vang bóng một thời”. Ông mô tả những phong tục đẹp, những thú tiêu dao hào hoa và trang nhã. Ông cũng đóng góp cho nền văn học mới những trang viết đầy nghệ thuật ngợi ca quê hương đất nước, đề cao những đóng góp của nhân dân trong lao động và sản xuất. Đọc những áng văn của Nguyễn Tuân, ta thấy tiếng Việt lấp lánh mà gần gũi, văn hóa Việt Nam dân dã mà tinh tế, chân tình mà nén thẫm. Ta thảng thốt chợt nhận ra những nét tinh diệu trong văn hóa Việt, để thêm hiểu, thêm thương, thêm yêu và tự hào về di sản văn hóa mà cha ông đã gửi lại cho cháu con, từ đó có ý thức gìn giữ và bảo tồn những di sản này.

Trân trọng giới thiệu với bè bạn câu chuyện “Những chiếc ấm đất” trong tùy bút nổi tiếng của ông: “Vang bóng một thời”.
----------------------------------
NHỮNG CHIẾC ẤM ĐẤT

Bóng nắng gần tới đỉnh đầu. Sư cụ chùa Đồi Mai thủng thẳng trở về trai phòng. Nhà sư già gỡ chiếc nón tu lờ, sắp ngồi vào thụ trai thì có tiếng con trẻ gọi ở ngoài cổng chùa. Một chú tiểu lễ phép bước lên tam cấp:
- Bạch cụ, có người con trai cụ Sáu xin vào.
- Vậy chú vẫn đóng cửa chùa đó à? Chú ra mở mau không có người ta phải đứng nắng lâu. Cổng nhà chùa bao giờ cũng nên để ngỏ. Từ giờ chú nên nhớ: sáng sớm tụng kinh nhật tụng và thỉnh chuông xong là phải mở rộng cửa chùa và tối đến, lúc nào học xong kệ thì mới đóng. Kẻo nữa khách thập phương họ kêu đấy.
Tiểu ra được một lát thì một người con trai trạc mười bảy tuổi xúng xính trong chiếc áo dài thâm, chân xéo lấm, tay bưng cái khay tiến vào tăng xá, vái sư cụ:
- Bạch cụ, thầy con cho con mang xuống biếu cụ bình trà đầu xuân. Và xin phép cụ cho ra giếng chùa nhà gánh một gánh nước.
Nhà sư già đã quen với những việc biếu và xin mượn này ở dưới cụ Sáu, khẽ cất tiếng cười. Trên khuôn mặt khô xác, nụ cười không có gì là ấm áp thiết tha. Nó chỉ đủ là hiền lành thôi.
- Thế cháu đựng nước bằng cái gì?
- Dạ có người nhà quẩy nồi và gánh đi theo còn chờ ở ngoài.
- A di đà phật? Nắng này mà đi từ làng trên xuống tận đây lấy nước, cụ Sáu nhà có công quá. Cháu ngồi nghỉ chân đã. Để già bảo chú tiểu đưa tên bộc ra giếng. Cháu đi từ sớm, chắc bây giờ đã ngót dạ rồi; sẵn oản chuối vừa hạ xuống, già ép cháu thụ một ít lộc Phật.
- Bạch cụ, cháu ăn mặn ở nhà vẫn còn lửng dạ.
Sư cụ chùa Đồi Mai không nài thêm và vẫn chỉ cười rất thuần hậu.
- Cháu có biết cụ Sáu nhà đến xin nước ở chùa đây đã mấy năm nay rồi không? Gần mười năm. Uống trà tàu như thầy cháu thì cũng có một. Cứ nước giếng chùa đây mới chịu pha trà. Lắm lúc già tự hỏi về cái tiền thân của thầy cháu xem là như thế nào. Nghĩ đến cái nhân duyên của thầy cháu với nhà chùa đây, thực cũng là bền và kỳ lắm cháu ạ.
Thoáng thấy tên lão bộc đã quảy xong gánh nước đang ngơ ngác tìm mình và làm ướt cả khoảng giữa sân chùa lát toàn đá tảng xanh, người con cụ Sáu, với cái từ tốn của một thư sinh ngồi hầu chuyện bực phụ chấp đã xuất gia, liền vội vàng đứng dậy xin phép về.
- Bạch cụ, cháu vội phải về, vì ở nhà hôm nay có khách uống trà. Có lẽ thầy cháu ở nhà đang chờ nước về.
Nhà sư già cũng vội theo bọn xin nước ra tới thềm ngoài. Sư cụ rút trong tay áo vải rộng ra một chiếc quạt thước, xòe rộng hết cả nan quạt, nghiêng che đầu cho đỡ nắng và bảo chú tiểu:
- Chú chạy mau ra vườn, bẻ mấy cành lá đào.
Rồi cụ giữ con cụ Sáu lại:
- Ấy, ấy, thong thả một chút. Thả mấy cành đào có lá vào nồi nước, lúc gánh đi đường xa nó đỡ sóng ra ngoài và về đến nhà, nước vẫn mát.
Bọn xin nước vái chào nhà sư. Trên con đường đất cát khô, nồi nước tròng trành theo bước chân mau của người đầy tớ già đánh rỏ xuống mặt đường những hình ngôi sao ướt và thẫm màu. Những hình sao ướt nối nhau trên một quãng đường dài ngoằn ngoèo như lối đi của loài bò sát.
Ví buổi trưa hè này là một đêm bóng trăng dãi, và ví cổng chùa Đồi Mai là một cửa non đào thì những giọt sao kia có đủ cái thi vị một cuộc đánh dấu con đường về của khách tục trở lại trần. ánh nắng già dặn buổi trưa nung đốt mặt cánh đồng dưới chân đồi, làm rung rinh lớp không khí bốc từ mặt đất. Giống như vệt khói nhờ, nắng vờn qua những màu xanh bóng loáng của một dãy xóm làng cây cối im lìm. Đứng trong cổng chùa từ bề cao nhìn xuống cái thấp dưới chân mình, nhà sư già nheo nheo cặp mắt, nhìn cái nắng sáng lòa. Bọn người xin nước chỉ còn là mấy cái chấm đen, mỗi chuyển động lại làm tung lại phía sau mình một chùm cát bụi mờ mờ. Gió nồm thổi mạnh, nhiều cơn, đã đem cả mảnh bụi trần kia vào lọt cổng ngôi chùa cao ráo.

Nhà sư nghĩ đến cụ Sáu, thở dài tỏ ý tiếc cho một kiếp chúng sinh còn vướng mãi vòng nghiệp chướng. Cụ Sáu vốn đi lại với chùa đây kể ra đã lâu. Từ trước cái hồi nhà sư già tới trụ trì. Mấy pho tượng Phật Tam thế bằng gỗ mít đặt ở trên bệ và mấy pho Kinh in giấy đại thừa là của cụ Sáu cúng đấy. Cái chuông treo ở trên nhà phương trượng cũng là của ông cụ Sáu cúng vào hồi trùng tu lại chùa. Và mỗi lần nhà chùa lập phả khuyến thì ông cụ Sáu đứng đầu sổ. Chùa Đồi Mai ở xa làng mạc biệt lập trên một khu đồi nên cũng ít bị phiền nhiễu bởi đám tạp khách. Thỉnh thoảng trong bọn khách đến chơi, ông cụ Sáu được sư cụ biệt đãi nhất. Tháng một lần, nhà sư già lại giữ ông cụ Sáu lại ăn một bữa cơm chay và lần nào từ biệt, nhà sư cũng chân thành tặng khách một rò lan Chu Mặc. Thường thường mỗi lần gặp gỡ, thể nào hai ông già cũng kéo nhau ra cái giếng nước mà chuyện vãn rất lâu. Nhà sư ít nhời, trầm tĩnh ngắm bóng cụ Sáu trong lòng đáy giếng sâu. Cái bóng nhà sư già ít khi được đậu hình cho lâu trên phiến gương nước giếng mát lạnh: chốc chốc một vài giọt nước ngọt lại rời mạch đá tổ ong, thánh thót rớt xuống, tiếng kêu bì bõm. Ông cụ Sáu tỳ tay vào thành giếng nhờn mịn rêu xanh, chỉ ngón tay xuống lòng giếng sâu thẳm gần hai con sào mà nói: "Chùa nhà ta có cái giếng này quý lắm. Nước rất ngọt. Có lẽ tôi nghiện trà tàu vì nước giếng chùa nhà đây. Tôi sở dĩ không nghĩ đến việc đi đâu xa được, cũng là vì không đem theo được nước giếng này đi để pha trà. Bạch sư cụ, sư cụ nhớ hộ tôi câu thề này: "Là giếng chùa nhà mà cạn thì tôi sẽ lập tức cho không người nào muốn xin bộ đồ trà rất quý của tôi. Chỉ có nước giếng đây là pha trà không bao giờ lạc mất hương vị. Mà bạch cụ, chúng tôi không hiểu tại sao ngọn đồi này cao mà thủy lại tụ. Địa thế chùa này, xem ra còn dụng võ được...". Chừng như sợ cụ Sáu bàn rộng tới những chuyện không nên trao đổi với kẻ tu hành đã lánh khỏi việc của đời sống rồi, sư cụ vội nói lảng sang chuyện mấy cây mít nhà chùa năm nay sai quả lắm. Rồi kéo cụ Sáu vào trai phòng dùng một tuần nước.

Theo một ước lệ rất đáng yêu đặt ra từ ngày mới làm quen với nhau, đã mươi năm nay, bao giờ uống nước trà của nhà chùa, ông cụ Sáu cũng được cái vinh dự pha trà và chuyên trà thay nhà chùa. Dạo này, chắc ông cụ Sáu bận việc nhiều nên đã mấy tuần trăng rồi mà không thấy vãn cảnh chùa uống nước thăm hoa, để cho sư cụ cứ nhìn mấy chậu Mặc lan rò trổ hoa mà tặc lưỡi. Cùng bất đắc dĩ phải ngắt cắm vào lọ con vậy. Dạo này cụ Sáu chỉ cho người nhà xuống xin nước giếng thôi. Và trưa hôm nay lúc lặng ngắm hai thầy trò người con ông cụ Sáu đem nước ra khỏi chùa, lúc trở vào, nhà sư già thở dài cùng sư bác chờ đấy: "Ông cụ Sáu này, nếu không đam mê cái phong vị trà tàu, đam mê đến nhiều khi lầm lỗi, nếu ông ta bỏ được thì cũng thành một ông sư tại gia. Danh và lợi, ông ta không màng. Phá gần hết cơ nghiệp ông cha để lại, ông ta thực đã coi cái phú quý nhỡn tiền không bằng một ấm trà tàu. Nhưng một ngày kia, nếu không có trà tàu mà uống nữa thì cái ông cụ Sáu này sẽ còn khổ đến bực nào. Phật dạy rằng hễ muốn là khổ. Biết đâu trong bốn đại dương nước mắt chúng sinh của thế giới ba nghìn, sau đây lại chẳng có một phần to nước mắt của một ông già năng lên chùa nhà xin nước ngọt về để uống trà tàu. Mô Phật!". Ông cụ Sáu, hôm nay lấy làm thích cái người khách lạ đó lắm. Người khách lạ vừa kể cho chủ nhân nghe một câu chuyện cổ tích. Lê trôn chén vào lợi chiếc đĩa cổ vài ba lần, người khách kể:
"Ngày xưa, có một người ăn mày cổ quái. Làm cái nghề khất cái là phải cầm bằng rằng mình không dám coi ai là thường nữa; thế mà hắn còn chọn lựa từng cửa rồi mới vào ăn xin. Hắn toàn vào xin những nhà đại gia thôi và cố làm thế nào cho giáp được mặt chủ nhân rồi có xin gì thì hắn mới xin. Có một lần hắn gõ gậy vào đến lớp giữa một nhà phú hộ kia, giữa lúc chủ nhà cùng một vài quý khách đang ngồi dùng bữa trà sớm. Mọi người thấy hắn mon men lên thềm, và ngồi thu hình ở chân cột một cách ngoan ngoãn, mọi người không nói gì cả, để xem tên ăn mày định giở trò gì. Hắn chả làm gì cả, chỉ nhìn mọi người đang khoan khoái uống trà. Hắn đánh hơi mũi, và cũng tỏ vẻ khoan khoái khi hít được nhiều hương trà nóng tản bay trong phòng. Thấy mặt mũi người ăn mày đã đứng tuổi không đến nỗi bẩn thỉu quá, chủ nhân bèn hỏi xem hắn muốn xin cơm thừa hay là canh cặn, hay là hơn nữa, hắn lại muốn đòi xôi gấc, như kiểu người trong phương ngôn. Hắn gãi tai, tiến gần lại, tủm tỉm và lễ phép xin chủ nhân cho hắn "uống trà tàu với!". Mọi người tưởng hắn dở người. Nhưng tại sao không nỡ đuổi hắn ra và còn gọi hắn lại phía bàn cho hắn nhận lấy chén trà nóng. Hắn rụt rè xin lỗi và ngỏ ý muốn được uống nguyên một ấm trà mới kia. Hắn nói xong, giở cái bị ăn mày của hắn ra, cẩn thận lấy ra một cái ấm đất độc ẩm. Thấy cũng vui vui và lạ lạ, mọi người lại đưa cho hắn mượn cả khay trà và phát than tàu cho hắn đủ quạt một ấm nước sôi, thử xem hắn định đùa định xược với bọn họ đến lúc nào mới chịu thôi. Hắn xin phép đâu đấy rồi là ngồi bắt chân chữ ngũ, tráng ấm chén, chuyên trà từ chén tống sang chén quân, trông xinh đáo để. Lúc này không ai dám bảo hắn là ăn mày, mặc dầu quần áo hắn rách như tổ đỉa. Uống một chén thứ nhất xong, uống đến chén thứ nhì, bỗng hắn nheo nheo mắt lại, chép môi đứng dậy, chắp tay vào nhau và thưa với chủ nhà: "Là thân phận một kẻ ăn mày như tôi được các ngài cao quý rủ lòng thương xuống, thực kẻ ty tiện này không có điều gì dám kêu ca lên nữa. Chỉ hiềm rằng bình trà của ngài cho nó lẫn mùi trấu ở trong. Cho nên bề dưới chưa được lấy gì làm khoái hoạt lắm". Hắn lạy tạ, tráng ấm chén, lau khay hoàn lại nhà chủ. Lau xong cái ấm độc ẩm của hắn, hắn thổi cái vòi ấm kỹ lưỡng cất vào bị, rồi xách nón, vái lạy chủ nhân và quan khách, cắp gậy tập tễnh lên đường. Mọi người cho là một thằng điên không để ý đến. Nhưng buổi chiều hôm ấy, cả nhà đều lấy làm kinh sợ người ăn mày vì, ở lọ trà đánh đổ vung vãi ở mặt bàn, chủ nhân đã lượm được ra đến mươi mảnh trấu".
Ông cụ Sáu nghe khách kể đến đấy, thích quá, vỗ đùi mình, vỗ đùi khách, kêu to lên:
- Giá cái lão ăn mày ấy sinh vào thời này, thì tôi dám mời anh ta đến ở luôn với tôi để sớm tối có nhau mà thưởng thức trà ngon. Nhà, phần nhiều lại toàn là ấm song ấm quý.
- Cổ nhân cũng bịa ra một chuyện cổ tích thế để làm vui thêm cái việc uống một tuần nước đấy thôi. Chứ cụ tính làm gì ra những thứ người lạ ấy. Ta chỉ nên cho nó là một câu giai thoại.
- Không, có thể như thế được lắm mà. Tôi chắc cái lão ăn mày này đã tiêu cả một cái sản nghiệp vào rừng trà Vũ Di Sơn nên hắn mới sành thế và mới đến nỗi cầm bị gậy. Chắc những thứ trà Bạch Mao Hầu và trà Trảm Mã hắn cũng đã uống rồi đấy ông khách ạ. Nhưng mà, ông khách này, chúng ta phải uống một ấm trà thứ hai nữa chứ. Chẳng nhẽ nghe một câu chuyện thú như thế mà chỉ uống với nhau có một ấm thôi.
Thế rồi trong khi cụ Sáu tháo bã trà vào cái bát thải rộng miệng vẽ Liễu Mã, ông khách nâng cái ấm quần ẩm lên, ngắm nghía mãi và khen:
- Cái ấm của cụ quý lắm đấy. Thực là ấm Thế Đức màu gan gà. "Thứ nhất Thế Đức gan gà; - thứ nhì Lưu Bội; - thứ ba Mạnh Thần". Cái Thế Đức của cụ, cao nhiều lắm rồi. Cái Mạnh Thần song ẩm của tôi ở nhà, mới dùng nên cũng chưa có cao mấy.
Cụ Sáu vội đổ hết nước sôi vào ấm chuyên, giơ cái ấm đồng cò bay vào sát mặt khách:
- Ông khách có trông rõ mấy cái mấu sùi sùi ở trong lòng ấm đồng không? Tàu, họ gọi là kim hỏa. Có kim hỏa thì nước mau sủi lắm. Đủ năm cái kim hỏa đấy.
- Thế cụ có phân biệt thế nào là nước sôi già và nước mới sủi không?
- Lại "ngư nhãn, giải nhãn" chứ gì. Cứ nhìn tăm nước to bằng cái mắt cua thì là sủi vừa, và khi mà tăm nước to bằng mắt cá thì là nước sôi già chứ gì nữa.
Chủ khách cả cười, uống thêm mỗi người hai chén nữa. Cụ Sáu tiễn khách ra cổng với một câu:
- Thỉnh thoảng có đi qua tệ ấp, xin mời ông khách ghé thăm tôi như một người bạn cũ. Mỗi lần gặp nhau, ta lại uống vài tuần nước. Hà, hà.
Năm ấy nước sông Nhĩ Hà lên to. Thảo nào mấy nghìn gốc nhãn trồng trên mặt đê quanh vùng, vụ đó sai quả lạ. Cái đê kiên cố đã vỡ. Nhưng vốn ở cuối dòng nước chảy xiết, nhà cửa cụ Sáu chưa đến nỗi bị cuốn phăng đi. Lúc nước rút, ở cái cổng gạch nguyên vẹn, hai mảnh giấy hồng điều đôi câu đối dán cửa vẫn còn lành lặn và nét chữ vẫn rõ ràng: Họ lịch sự như tiên, phú quý như giời, quất con ngựa rong chơi ngoài ngõ liễu/Ta trồng cỏ đầy vườn, vãi hoa đầy đất, gọi hề đồng pha nước trước hiên mai.
Năm sau, quãng đê hàn khẩu, chừng hàn không kỹ, lại vỡ luôn một lần nữa. Cái cổng gạch nhà cụ Sáu vẫn trơ trơ như cũ. Nhưng lần này thì đôi câu đối giấy hồng điều, gió mưa đã làm bợt màu phẩm mực, ngấn nước phù sa đã phủ kín dòng chữ bằng những vạch bùn ngang dày dặn. Ông khách năm nọ - cái người kể câu chuyện ăn mày sành uống trà tàu - đi làm ăn xa đã mấy năm, nhân về qua vùng đấy, nhớ nhời dặn của cụ Sáu, đã tìm tới để uống lại với ông già một ấm trà tàu nữa. Nhưng người khách hỏi nhà ông đến, người khách đã bùi ngùi thấy người ta bảo cho biết rằng nhà cụ Sáu đã bán rồi. Thấy hỏi thăm tha thiết, người vùng ấy mách thêm cho ông khách: "Có muốn tìm cố Sáu thì ông cứ xuống Chợ Huyện. Cứ đón đúng những phiên chợ xép vào ngày tám thì thế nào cũng gặp. Chúng tôi chỉ biết có thế thôi".

Phải, bây giờ ông cụ Sáu sa sút lắm rồi. Bây giờ ông cụ lo lấy bữa cơm cũng khó, chứ đừng nói đến chuyện uống trà. Thỉnh thoảng có xin được người nào quen một vài ấm, cụ lấy làm quý lắm: gói giấy giắt kỹ trong mình, đợi lúc nào vắng vẻ một mình mới đem ra pha uống. Vẫn còn quen cái thói phong lưu, nhiều khi qua chơi ao sen nhà ai, gặp mùa hoa nở, cụ lại còn cố bứt lấy ít nhị đem ướp luôn vào gói trà giắt trong mình, nếu đấy là trà mạn cũ. Những buổi có phiên chợ, cụ Sáu ngồi ghé vào nhờ gian hàng tấm của người cùng làng, bày ra trên mặt đất có đến một chục chiếc ấm mà ngày trước, giá có giồng ngay cọc bạc nén cho trông thấy, chửa chắc cụ đã bán cho một chiếc. Có một điều mà ai cũng lấy làm lạ, là cụ bán lũ ấm đất làm hai lớp. Mấy kỳ đầu, cụ bán toàn thân ấm và bán rất rẻ. Còn nắp ấm cụ để dành lại. Có lần vui miệng, cụ ghé sát vào tai người bà con: "Có thế mới được giá. Có cái thân ấm rồi, chẳng nhẽ không mua cái nắp vừa vặn sao? Bán thân ấm rẻ, rồi đến lúc bán nắp ấm, mới là lúc nên bán giá đắt. Đó mới là cao kiến".
Cụ Sáu cười hề hề, rồi vội quay ra nói chuyện với bạn hàng đang mân mê những cái thân ấm đất đủ màu, cái thì dáng giỏ dâu, cái thì múi na, hình quả vả, quả sung, quả hồng. Cụ đang bảo một ông khách:
- Thế nào tôi cũng tìm được nắp cho ông. Cứ phiên sau lại đây thế nào cũng có nắp. Không, đúng ấm tàu đấy mà. Nếu không tin ông cứ úp ấm xuống mặt miếng gỗ kia. Cho ấm ngửa trôn lên. Cứ xem miệng vòi với quai và gờ miệng ấm đều cắn sát mặt bằng miếng gỗ thì biết. Nếu muốn thử kỹ nữa, quý khách thả nó vào chậu nước, thấy nó nổi đều, cân nhau không triềng, thế là đích ấm tàu.

Nguyễn Tuân

Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2010

Cảm xúc tháng ba


Duyên thầm em tiết tháng ba
Lòng mơ xao xuyến thương xa nhớ gần
Thướt tha hình bóng giai nhân
Mong nàng sẽ đến tỏ thầm chút thôi


Ngân Hà lấp lánh đêm trôi
Tìm giùm sao tới với tôi một lần...

Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010

Giáo sư Bùi Trọng Liễu (1934 - 2010)


GS. Bùi Trọng Liễu và GS. Trần Đại Nghĩa
Hôm nay nhận được tin buồn, Giáo sư Bùi Trọng Liễu (Pháp) đã qua đời ngày 5 tháng 3 năm 2010, hưởng thọ 76 tuổi, tôi không khỏi bàng hoàng. Những ai quan tâm đến tình hình giáo dục nước nhà trong thời gian qua chắc chắn đều biết đến những bài viết đóng góp đầy chân thành của Giáo sư Bùi Trọng Liễu. Là Giáo sư của Đại học Lille và Paris từ năm 1963 cho đến khi về hưu năm 2003, lúc nào ông cũng hướng trái tim và khối óc về quê nhà. Với hàng trăm bài viết, tiểu luận đóng góp về giáo dục, bài nào cũng mang trong mình một tấm lòng đau đáu của một người con hướng về quê hương đất Mẹ Việt Nam. Lớp hậu sinh chúng tôi học hỏi được rất nhiều điều từ những bài viết gần gũi và giản dị của ông. Về sau này, khi viết về giáo dục, ông thường hay sử dụng những điển tích của người xưa để nói chuyện nay, rất thâm thúy, điều đó có lẽ khiến cho người đọc càng thêm day dứt và bị ám ảnh bởi những ý kiến đóng góp của ông. 

Nay thì giọt mực ấy đã cạn, để theo các bậc tiền nhân về bên kia thế giới. Nhìn vào đâu cũng thấy vắng một Người. Tôi mượn trang blog này để gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình ông. Cầu mong hương hồn Ông an nhiên miền Cực Lạc.   

Dưới đây là bài viết cuối cùng của ông "Tự nguyện", được viết khi ông vào bệnh viện. Bài đã đăng trên Diễn đàn. Giáo sư Bùi Trọng Liễu còn có một trang web: http://www.buitronglieu.net/
---------------------------------------------------
TỰ NGUYỆN

Tôi mượn đầu đề của bài ca « Tự nguyện » của Trương Quốc Khánh [1].

Tôi xin mào đầu cho kỹ, kẻo gây hiểu lầm, bị chửi oan.

Thời nay, “ Nhân sinh thập thập cổ lai hi ” (người thọ 100 tuổi xưa nay hiếm), khác với thời nhà Đường Trung Quốc với câu của nhà thơ Đỗ Phủ “ Nhân sinh thất thập cổ lai hi ” (Người thọ 70 tuổi xưa nay hiếm). Nhưng ở khoảng tuổi 70 này, không ít người muốn kiểm lại đời mình xem có gì đáng hối tiếc không.

Khi người ta tự nguyện để đóng góp cho một mục đích cao cả trừu tượng, thì chẳng có gì phải hối tiếc. Vấn đề chỉ đặt ra khi mục đích cao cả do một người hay một nhóm người vạch đường chỉ lối cho. Nếu họ vô tình hay cố ý vạch sai mục đích, thì sao? Lại càng có vấn đề khi sự tự nguyện này mang nghĩa tình nguyện gia nhập vào một đội ngũ để đạt tới mục đích cao cả được vạch ra như thế. Tôi đã từng nghe có bạn nói rằng bạn ấy được « giác ngộ », và tình nguyện gia nhập vào đội ngũ kiểu như nói trên. Tôi thiết tưởng không dễ như vậy. Ở những nước có truyền thống dân chủ, tự do, sự tình nguyện gia nhập là có thực – thí dụ như ở Pháp, tôi thấy không ít người ghi tên lấy thẻ đảng viên vào này đảng nọ, đảng cầm quyền hay đảng đối lập, kể cả đảng Cộng sản, rồi lúc nào không đồng ý, thì bỏ ra khỏi đảng. Nhưng ở một thể chế nào toàn trị, chỉ có một đảng cầm quyền chuyên chế, dù là chuyên chế dựa trên tôn giáo hay dựa trên một học thuyết trần tục, ai cho phép tự nguyện gia nhập hàng ngũ ? Ở những thể chế đó, phải được « kết nạp » (tiếng Pháp là cooptation). Ai đã quen thuộc với hình thức kết nạp – thí dụ như ở Pháp [2], các nhà khoa học ở hàng giáo sư đại học hạng cao kết nạp lẫn nhau, chính quyền không can thiệp vào, mặc dù Tổng thống Pháp ký sắc lệnh bổ nhiệm cho long trọng, và vì giáo sư đại học ở Pháp tới nay (nếu có quốc tịch Pháp) là công chức nhà nước [3] – tất nhiên biết bầu bán như thế nào. Với hồ sơ khoa học, đôi khi còn có vấn đề. Huống chi dưới một thể chế toàn trị, ai cho biết tiêu chuẩn kết nạp là gì ? Nhưng chắc tiêu chuẩn không phải là sự kết nạp theo may rủi ngẫu nhiên [4].

Nói vậy, chẳng phải tại là tả khuynh hay hữu khuynh [5].

Ngoài ra lại còn vấn đề «chính thống » (« chính đáng », légitimité / legitimacy) nữa. Nếu thoáng nhìn lịch sử nước ta qua các triều đại, thì cũng thấy mở đầu một triều đại mới, người lên cầm quyền đều viện cớ này cớ nọ để chứng tỏ sự chính thống của mình, đôi khi kèm theo bằng chứng về sự suy thoái, biến thể của triều đại trước. Đầu triều Lý và cuối triều Lý, đầu triều Trần và cuối triều Trần, thịnh, suy cũng có khác. Ngay cả Cách mạng tháng 8.1945 với Hồ Chủ tịch cũng tìm nguồn « chính thống / chính đáng » của mình, đặc biệt là qua cuộc bầu cử Quốc hội đầu năm 1946.

Tôi định cư đã lâu ở Pháp, không đủ tiêu chuẩn để làm người Việt Nam, nên tôi chỉ là kẻ bên lề, nhưng tôi có thể thông cảm với những ai đặt lại vấn đề « tự nguyện » trong quá khứ của mình.

Bùi Trọng Liễu

[1]. Trương Quốc Khánh là người quê gốc Trà Vinh nhưng được sinh ra tại huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh ngày 10.10.1947. Năm 21 tuổi, trong phong trào Thanh niên Sinh viên Học sinh miền Nam, ông sáng tác tác phẩm nổi tiếng nhất của mình, Tự nguyện. Cám ơn anh KV và một số anh chị khác đã cho tôi chi tiết này.

[2]. Xin nhắc lại là Pháp, tuyệt đại đa số các đại học (Universités) đều là công lập – có vài đại học tư (6 đại học công giáo) hầu như không đáng kể – và các giáo sư (professeurs) chính thức (nếu có quốc tịch Pháp) đều là công chức nhà nước.

[3]. Không phải tình cờ mà các đại học (Universités) chủ yếu là công lập. Nước Pháp thuở xa xưa bắt đầu theo đạo Ki-tô (Christianisme) kể từ vua Clovis (thế kỉ thứ 2 Công nguyên). Sau đó, dần dần Công giáo (Catholicisme) mới lấn tới, và trở thành quốc giáo. Tuỳ theo thời đại, có lúc các đạo khác, kể cả Tin lành (Protestantisme), có lúc được dung túng, có lúc bị đàn áp. Các đại học Pháp thuở xưa – thí dụ như Sorbonne, do tu sĩ Robert de Sorbon thành lập vào thế kỉ XIII, do tên ông này mới gọi là Sorbonne – đều có gốc gác Công giáo mà ra. Có lúc vua Pháp còn « ép » cả giáo hoàng mang về đặt ở Avignon, làm cho quân quyền và thần quyền hoà lẫn với nhau. Phải trải qua nhiều biến cố, cách mạng, Nhà nước Pháp, qua các thỏa ước (Concordats) mới tách được Universités ra khỏi tay của giáo hội, vì lợi ích của dân tộc và nước Pháp. Nước Pháp là nước tư bản chủ nghĩa, không phải là Cộng hoà « xã hội hoá » – « xã hội hoá » theo nghĩa môt số người Việt Nam loạn ngôn dùng hiện nay, nghĩa là « tư nhân hoá » ngày nay – nhưng coi Nhà nước có bổn phận bảo đảm quyền lợi, tự do, công bằng, cho mọi công dân. Nói vậy, không có nghĩa là mọi việc đều « an bình », mặc dù chế độ này theo tam pháp phân quyền, có sự độc lập giữa quyền lập pháp, quyền tư pháp, và quyền hành chính. Một thí dụ tiêu biểu nhất có lẽ là trường hợp hai ông cựu tổng thống : cựu tổng thống Chirac (người phái hữu) khi hết nhiệm kỳ, bị mấy tay quan toà (magistrats) truy tố về việc lạm tiêu cách đây đã hơn 15 năm – khi ông ta làm thị trưởng Paris (1977-1995) – trong khi cựu tổng thống Mitterrand (người phái tả), khi tại chức cũng như khi về hưu, không hề bị ai kiện cáo về tội dùng tiền Nhà nước để nuôi nhân tình và con gái hoang trong suốt 14 năm tại chức (1981-1995) – [nguồn : « Des juges au-dessus de tout soupçon ? », (Không nên nghi ngờ đám quan toà ?), bài của Guy Sorman, đăng trong nhật báo Le Figaro, 9/2/2010, trang 14], không kể những lúc lợi dụng phương tiện quyền thế để bịt miệng những ai có khả năng tiết lộ sự tồn tại của con gái hoang của mình.

Nhắc thêm là Avignon là một thành phố ở miền Nam nước Pháp, cách thủ đô Paris khoảng 700 km. Năm 1309, xứ La-mã loạn, giáo hoàng Clemens V chuyển toà thánh từ Roma về Avignon, và toà thánh đóng ở đó, trải 7 đời giáo hoàng cho đến 1376 (bảy vị này là Clemens V, Joannes XXII, Benedictus XII, Clemens VI, Innocentius VI, Urbanus V, Gregorius XI). Nay ở đó còn thành quách, và Château des Papes (lâu đài các giáo hoàng), một lâu đài kiến trúc kiểu gô-tíc (gothique) lớn nhất thế giới. Sau đó, trong cuộc « Đại phân ly trong giáo hội » kéo dài từ 1378 đến 1417, hai giáo hoàng « không chính thống » là Clemens VII và Benedictus XIII, vẫn ở Avignon. Vị Benedictus XIII này không chịu thoái vị khi hội nghị giám mục Concile de Constance họp truất ngôi năm 1417 ; vị lánh nạn sang Tây-ban-nha, và chết ở đó. Vì hai vị này là « giáo hoàng không chính thống », nên danh hiệu của các vị sau này có các giáo hoàng (chính thống) khác dùng lại như Clément VII và Benedictus XIII.

Cũng xin nói thêm là tôi rất lúng túng trong việc nói về niên đại : tôi bất đắc dĩ phải dùng cụm từ « trước Công nguyên » hay « Công nguyên », vì dùng từ Tây lịch như một số tác giả cũng rất lơ mơ, vì Tây lịch nào ? Lịch Julien hay lịch Grégorien ? Rất lộn xộn.

Nhắc lại là lịch Grégorien vốn là lịch Julien (lịch mà Julius Caesar phổ biến năm 46 trước Công nguyên, vì vậy mới mang tên « Julien ») được giáo hoàng Gregorius XIII ra lịnh sửa năm 1582 (vì vậy mới mang tên « Grégorien »). Sửa như vậy để năm « lịch » phù hợp hơn với với nhịp quay của trái đất so với mặt trời 1 năm là 365,2422 ngày. Nói chi tiết hơn một chút : Năm 532, theo những tính toán của Denys le Petit, một tu sĩ ở La-mã, giáo hội Công giáo tính năm kể từ năm sinh của Chúa Ki-tô. Tu sĩ này cho rằng năm sinh của Chúa Ki-tô là năm 753 sau khi La-mã được thành lập ; (nhưng ngày nay có thuyết cho rằng ông ta nhầm mất 5 năm). Tuy vậy cách đề năm này cũng phải đợi nhiều thế kỉ mới được các nước theo đạo Công giáo chấp nhận. Thí dụ như vào thế kỉ thứ IX, thời hoàng đế Charlemagne, người ta còn đề năm theo năm lên ngôi của vua, đại khái theo kiểu Tàu, kiểu ta thuở xưa. Đến cuối thời Trung cổ, một số nhà thiên văn nhận xét rằng sự chênh lệch giữa mỗi « năm lịch Julien » và « năm mặt trời » là 11 phút 14 giây. (Có thuyết cho rằng kỳ thật ra, nhà thiên văn Hy-lạp Hipparque, thế kỉ thứ II trước Công nguyên, đã biết « năm mặt trời » lâu bao nhiêu, trước khi Caesar định lịch Julien). Đến thế kỉ 16 thì tổng cộng sự chênh lệch giữa «lịchJ » và « lịch mặt trời » lên đến 10 ngày, cho nên năm 1582, giáo hoàng Gregorius XIII cho sửa lại cho hợp (và do đó được gọi là lịch Grégorien) : Trước hết là quyết định rằng sau ngày thứ năm mồng 4 tháng 10 năm 1582 là ngày thứ sáu 15 tháng 10 năm 1582 (nghĩa là nhảy cóc 10 ngày). Thứ nhì là bỏ đi một số năm nhuận (năm đầu của 3 thế kỉ trên 4 thế kỉ, chỉ có 365 ngày ; vì thế nên những năm 1700, 1800, 1900 không có ngày 29 tháng 2, nhưng năm 2000 thì lại có). Với sự hiệu chỉnh như vậy, ngày nay sự chênh lệch giữa « lịch Grégorien » và nhịp quay của trái đất chỉ khoảng là 1 ngày sau 3 nghìn năm. Thoạt đầu chỉ có hai nước Tây-ban-nha và Bồ-đào-nha là áp dụng ngay lịch Grégorien ; nước Pháp thì 2 tháng sau ; nước Anh theo năm 1752 ; Nhật và Trung Quốc năm 1911, Nga năm 1918, Hy-lạp năm 1923, vv. Ngày nay hầu hết các nước, có lẽ trừ các nước Hồi giáo, đều theo lịch này. Nhưng vì các nước không áp dụng lịch này cùng một lúc, cho nên cần thận trọng việc « đọc » thời điểm các sự kiện lịch sử. Thí dụ cuộc « Cách mạng tháng Mười » của Nga, lúc đó đang dùng lịch Julien, xảy ra vào tháng 11. Hoặc có người lưu ý rằng hai nhà văn hào Cervantes (Miguel de Cervantes Saavedra, người Tây-ban-nha, tác giả của Don Quijote de la Mancha, ...) và Shakespeare (William Shakespeare, người Anh, tác giả của Othello, Macbeth, Romeo và Juliet, ...) cùng được ghi chết ngày 23 tháng 4 năm 1616, nhưng hóa ra lại chết cách nhau 11 ngày. Thời Cách mạng Pháp thì dùng lịch Cộng Hoà với 12 tháng Germinal, Floréal, Prairial, Messidor, Thermidor, Fructidor, Vendémiaire, Brumaire, Frimaire, Nivôse, Pluviôse, Ventôse. Napoléon Bonaparte, thuở trước là tướng, rồi Consul thời cộng hoà, sau khi lên ngôi và trở thành hoàng đế Napoléon I, bỏ lịch cộng hoà năm 1806, và lập lại lịch Grégorien. Lịch cộng hòa còn được « hồi sinh » trong thời gian ngắn ngủi thời Công xã Paris (La Commune de Paris : từ 6 đến 23/5/1871).

[4]. Ý tôi muốn nói may rủi như mấy thí dụ sau đây :

Trong cuốn Cổ học tinh hoa của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân, bản nxb Thọ Xuân Sài Gòn 1962, quyển 1, trang 119 và 120), các tác giả kể :

Theo Úc Ly tử : Có một anh nông dân phơi cỏ ở chân giậu, nghe tiếng kêu « tích tích », lật cỏ lên thì bắt được một con trĩ. Anh ta mừng, cứ để cỏ đấy hy vọng hôm sau lại bắt được con trĩ khác. Hôm sau ra lại nghe tiếng kêu « tích tích », lật cỏ lên thì có con rắn cắn vào tay, anh ta bị nọc độc mà chết.

Trong sách của Hoài Nam tử : Có ông già, nhà ở biên thuỳ nước Tàu với nước Hồ (Hung-nô), có con ngựa tự nhiên sổng chuồng chạy sang nước Hồ. Người quen đến thăm, ai nấy đều than phiền hộ. Ông ta bảo : “ Mất ngựa đây, nhưng biết đâu lại là cái may ”. Sau một thời gian, con ngựa bỗng trở về, kéo theo một con ngựa tốt nữa. Người quen đến mừng, ông lão nói : “ Được ngựa đấy, nhưng biết đâu lại là cái rủi ”. Từ khi được ngựa tốt, con giai ông già thích cưỡi, chẳng may ngã ngựa, bị què. Người quen đến hỏi thăm, ông lão nói : “ Con tôi què, nhưng biết đâu lại là cái may đấy ! ”. Một năm sau, có giặc Hồ, vua sai bắt lính đi đánh giặc, lính chết nhiều. Con trai ông lão vì què, nên không bị đi lính, cha con vẫn gần nhau.

[5]. Xin « loạn bàn » một chút về câu chuyện tả hữu. Tả và hữu đây, tới nay, vẫn dùng theo nghĩa nhìn từ chủ toạ nghị viện về phía các nghị viên. Nhưng nếu lý luận theo kiểu hồng vệ binh Trung quốc thời Mao, thì chính quyền phải thuộc về nhân dân, nhân dân làm chủ, cho nên, hữu thành tả, và tả thành hữu. Tiếng Việt Nam nay trong nước dùng theo nghĩa nào, tôi thực sự không biết.

Thứ Hai, 8 tháng 3, 2010

Sự bất hiếu ngọt ngào

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ mồng 8 tháng 3, trân trọng giới thiệu với các bạn bài viết hay về người mẹ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Bài đã đăng trên Tuanvietnam.net.

Nhọc nhằn  
 (Ảnh: namlo.conggiao.net)
Có một sự thật là: tình thương yêu và hy sinh vô bờ của người mẹ cho những đứa con từ khi có loài người đến nay chẳng hề thay đổi, nhưng lòng hiếu thảo của những đứa con đối với mẹ mình càng ngày càng trở thành một nguy cơ trầm trọng.

Hai bộ phim hành động Mỹ nổi tiếng mà tôi xem đi xem lại nhiều lần là Godfather và American Gangster. Và trong cả hai bộ phim đầy cảnh bắn giết này có một câu chuyện luôn luôn làm tôi thực sự xúc động. Đó là tình yêu của hai ông trùm Mafia Mỹ đối với người mẹ của mình. Lòng hiếu thảo là một chiếc thước đo đạo đức có giá trị nhất. Đó cũng là phần nhân tính cuối cùng của con người mà nếu đánh mất thì con người không còn gì để nói nữa. Có lẽ vì ý nghĩa ấy mà những nhà làm phim Hollywood đã cố níu giữ lại cho xã hội một niềm tin cuối cùng về nhân tính con người. Bởi phần nhân tính này với nhiều yếu tố là phần nhân tính khó bị suy đồi nhất.

Những năm gần đây, chúng ta phải đau đớn chứng kiến những chuyện bất hiếu. Và có những chuyện bất hiếu đã trở thành những tội ác man rợ. Đó là những câu chuyện bất hiếu đã được các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin và lên tiếng cảnh báo. Nhưng còn có một phía khác của sự bất hiếu mà chúng ta chưa lên tiếng hoặc chưa ý thức rõ về nó mà có người gọi nó bằng một cái tên "Sự bất hiếu ngọt ngào".

"Sự bất hiếu ngọt ngào" là chỉ những đứa con có đủ điều kiện vật chất để nuôi những người mẹ. Nhưng những đứa con đó không cho mẹ mình được tham gia vào những sinh hoạt tinh thần của gia đình. Sự thật là có những bà mẹ chỉ sống giữa những đứa con như một thực thể sống tự nhiên chứ không phải là một trung tâm của tình cảm. Với lý do công việc và với muôn vàn lý do khác, những đứa con đã để mẹ mình sống cô độc ở một làng quê gần, xa nào đó hoặc ngay trong chính thành phố mà họ đang sinh sống.

Thay cho sự hiện diện của họ trước mẹ mình trong những ngày nghỉ là sự hiện diện của một gói quà và những đồng tiền. Thay cho những lời tâm sự của những đứa con với mẹ mình trong những buổi tối khó ngủ của người già là những người giúp việc được trả lương cao. Với đức hạnh của sự hy sinh vô bờ của mình, những người mẹ lại một lần nữa đã ghánh chịu một cuộc sống cô đơn như vậy cho đến khi chết.

Một thời gian chúng ta có nói đến việc những đứa con gửi cha mẹ vào nhà dưỡng lão trong các nước phương Tây hoặc châu Âu. Và có không ít người quan niệm đó là sự trốn tránh trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ khi cha mẹ về già. Nhưng sau một thời gian quan sát và có nghiên cứu thực tế ở các nước đó, tôi thấy đó là cách những đứa con tìm cho cha mẹ họ một không gian thích hợp và có ý nghĩa nhất với cha mẹ khi ở tuổi già và đó cũng là một trong những văn hoá sống của các nước đó. Nhất là khi cha mẹ họ có những vấn đề của tuổi tác, sức khoẻ và tâm lý. Nhưng hầu như hàng ngày, họ gọi điện trò chuyện với cha mẹ và hàng tuần, họ vẫn đến thăm cha mẹ trong nhà dưỡng lão. Họ ở lại với cha mẹ có khi cả ngày để trò chuyện và vui chơi cùng cha mẹ.

Có những người mẹ trong những năm cuối đời chỉ mơ một giấc mơ giản dị nhưng thật đau đớn và thương cảm là có một cái Tết được ăn Tết với con cháu mình. "Con bận lắm. Nhiều khách khứa đến làm việc lắm. Mà nhà cửa bỏ đấy trộm nó vào nó khuân hết. Tết con không về được. Bà cần gì thì cứ bảo. Con sắm sửa đầy đủ cho bà". Đấy là những ngôn từ càng ngày càng trở lên quen thuộc của những đứa con nói với mẹ mình trong một ngày cuối năm về thăm mẹ vội vã. Những lý do trên chỉ là sự bao biện cho thói ích kỷ và sự hoang hoá tình thương yêu của những đứa con đối với mẹ mình. Còn vị khách nào quan trọng hơn mẹ mình nữa? Còn của cải nào quí hơn mẹ mình nữa? Và đối với những bà mẹ, tài sản duy nhất có ý nghĩa là những đứa con.

Nhưng những đứa con đó không bao giờ hiểu được người mẹ của chúng không cần bất cứ quyền chức hay tiền bạc chúng đang có mà chỉ cần chúng ngồi xuống bên bà như thuở nhỏ đầy yếu đuối, sợ hãi và tin cậy trong sự che chở của bà hoặc thấy chúng lớn lên làm một người tốt. Nhưng chúng đã xa rời bà mà bà không có cách nào kéo chúng gần lại. Không phải chúng xa rời xa bà bởi không gian và thời gian do điều kiện sống và công việc mà chúng đang xa rời xa sự thiêng liêng của tình mẫu tử. Bà đã và đang mất chúng.

Tôi đã chứng kiến một bà mẹ gần 90 tuổi mắt đã mờ lần mò làm một con gà cúng đêm giao thừa trong khi những đứa con của bà đang quây quần vui vẻ đón giao thừa với gia đình riêng của họ ở thành phố chỉ cách nơi bà ở không quá 30 km. Không có bất cứ lý do gì có thể biện minh cho những đứa con khi bỏ quên mẹ mình trong những ngày đặc biệt và quan trọng như thế.

"Sự bất hiếu ngọt ngào" còn để chỉ những đứa con bỏ quên những người mẹ trong chính ngôi nhà của họ. Nhưng những người mẹ đó không bị bỏ đói mà ngược lại được "nuôi giấu" trong một đời sống vật chất đầy đủ. Trong không ít những ngôi nhà to, đẹp và đầy đủ tiện nghi, những đứa con đã "giấu" mẹ mình mà nhiều lúc chúng ta không làm sao có thể phát hiện ra là trong ngôi nhà đó có một bà mẹ.

Có những người thi thoảng lại đến thăm bạn mình trong suốt mấy năm trời nhưng không bao giờ được gặp bà mẹ của anh ta. Anh ta đã "giấu" mẹ trong một căn phòng trên tầng 3, tầng 4 gì đó của ngôi nhà. Anh ta dậy sớm đi làm vội vã nhiều lúc không còn kịp leo lên tầng chào mẹ. Trưa thì đương nhiên anh ta không về nhà. Tối anh ta về muộn. Vợ anh ta hoặc người giúp việc đã cho bà mẹ ăn cơm trước với lý do để cụ đi nghỉ sớm kẻo mệt. Anh ta trở về nhà ăn tối cùng vợ con và chuyện trò rồi điện thoại và cuối cùng lăn ra ngủ. Có không ít ngày anh ta hoàn toàn quên mẹ mình đang sống trong cùng ngôi nhà và âm thầm mong nhìn thấy con mình và trò chuyện mấy câu với con.

Càng ngày chúng ta càng được chứng kiến những đứa con khi có khách đến chơi thì khoe hết đồ này vật nọ đắt tiền, thậm trí khoe một con chim cảnh quí hàng ngàn đô la với một giọng nói thật "say đắm" mà chẳng thấy họ khoe một người mẹ vừa ở quê ra chơi hay đang ở đâu đó trong ngôi nhà to, rộng của họ.

Có những người không bao giờ để mẹ ngồi ăn cơm cùng khi vợ chồng anh ta có khách. Có lẽ sự xuất hiện của người mẹ đã già nua không còn phù hợp với những thù tạc, những vui buồn của anh ta nữa chăng. Nhưng anh ta đâu biết rằng, có những đêm khuya bà mẹ không thể ngủ và đầy lo lắng khi nghe tiếng ho của anh ta hay khi vợ chồng anh ta to tiếng. Bà mẹ sống giữa con cháu mà như sống trong một thế giới xa lạ.

Vì thế, có không ít người mẹ đã bỏ về quê sống một mình trong ngôi nhà cũ của mình. Bởi cho dù ở đó bà không được sống với những đứa con của mình thì bà cũng được sống với những gì vốn rất thân thương với bà như con chó, con mèo, cái cây, cái cối. Và thay vào sự chia sẻ, an ủi của những đứa con là sự chia sẻ và an ủi của những thứ kia kể cả những thứ vô tri vô giác. Và thực sự điều này làm cho chúng ta vô cùng xấu hổ và đau đớn.

Đức Phật dạy: Tội lớn nhất của đời người là bất hiếu. Có những kẻ đánh đập, nhiếc mọc mẹ mình, có những kẻ bỏ đói, bỏ rét mẹ mình, có những kẻ xưng "bà" xưng "tôi" với mẹ mình như với một người qua đường, qua chợ... Tất cả những kẻ đó đều là kẻ có tội. Và những kẻ vẫn cho mẹ mình ăn ngon, mặc đẹp nhưng bỏ quên mẹ mình trong thế giới tình cảm của họ thì họ cũng mang tôi như những kẻ nói trên.

Nguyễn Quang Thiều