Thứ Năm, 25 tháng 2, 2010

Ba Lan xuất bản Thơ Việt Nam

Nguyễn Trọng Tạo: Có một nhà thơ Việt ở Ba Lan, có thể gọi là "sứ giả của các nhà thơ Việt" đã tận tụy kết hợp cùng các nhà thơ Ba Lan truyền bá thơ ta sang tiếng Ba Lan, đó là nhà thơ, tiến sĩ vật lý Lâm Quang Mỹ. Nhiều nhà thơ Việt đã được anh giới thiệu trên các tạp chí thơ Ba Lan. Tập thơ song ngữ của anh "ECHO" cũng đã được xuất bản tại Warsawa cách đây 6 năm. Và vừa đây, anh đã cùng nhà thơ Ba Lan Paweł Kubiak tuyển chọn và dịch hơn 100 tác phẩm thơ cổ điển Việt Nam từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX, và được nhà xuất bản IBIS ấn hành. Khi tôi nhận được tin này từ anh, tôi không khỏi mừng vui đến ngỡ ngàng khi biết thơ Việt sẽ được đọc một cách hệ thống tại Ba Lan. Xin chia vui cùng những người dịch, nhà xuất bản IBIS và thơ Việt trên hành trình hội nhập cùng thế giới.
----------------------------------------------
TUYỂN TẬP THƠ VIỆT NAM từ thế kỉ 11 đến thế kỉ 19 bằng tiếng Ba Lan đã được xuất bản

Nhà thơ Lâm Quang Mỹ
Sau gần hai năm làm việc, các dịch giả Lâm Quang Mỹ và Paweł Kubiak đã hoàn thành bản dịch và xuất bản „Tuyển tập thơ Việt Nam từ thế kỉ 11 đến thế kỉ 19" bằng tiếng Ba Lan.
Lá cờ Thơ tại Ngày Thơ Việt Nam do nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thiết kế
Tập sách gồm những áng thơ trong một giai đoạn lịch sử hào hùng và chói lọi của nhân dân ta chiền đấu kiên cường chống ngoại xâm để giữ vững nền độc lập Tổ quốc và bảo vệ bản sắc dân tộc, đăc biệt là ngôn ngữ Việt.
Hai mươi tám tác giả tiêu biểu cho nền thơ nước ta trong nhiều thế kỉ, mở đầu là giọng thơ sang sảng, hùng hồn của Lý Thường Kiệt (1019 - 1105) trong bài „Sông núi nước Nam" - được xem là Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của nước ta, tiếp đến là những tuyệt tác của các tác giả quen biết với chúng ta từ thuở còn ngồi trên ghế học sinh như Trương Hán Siêu, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, và cả những nhà thơ vì hoàn cảnh nào đó ít đươc nhắc đến, nhưng ánh sáng thi ca trong các tác phẩm của Họ vẫn chói lòa bao thế kỉ nay, như Mãn Giác Thiền sư, Đạo Hạnh Thiền sư, Trần Quang Khải, Huyền Quang Thiền sư, Trần Nhân Tông, Mạc Đỉnh Chi, Nguyễn Ức, Nguyễn Tự Thành, Lê Cảnh Tuân, Lê Hữu Trác, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Trần Thiện Chánh.
Với 115 bài thơ, 96 câu „Chinh phụ ngâm" và 256 câu Kiều cùng nhiều tranh ảnh minh họa, tuy quyển sách còn khiêm tốn và có thể còn sai sót vì là cuốn đầu tay của các dịch giả và trong điều kiện tài liệu tham khảo ít ỏi, thiếu thốn.
Trong thời gian tiến hành dịch tuyển tập này, các tác giả đã gửi những bài thơ đã được dịch đăng dần trên các báo và tạp chí văn hóa nghệ thuật của Ba Lan để thăm dò dư luận và đã được các bạn đọc hoan nghênh, đóng góp nhiều ý kiến bổ ích và khích lệ. Xin trích dẫn để làm ví dụ bài viết sau đây dưới tiêu đề: „Tiểu luận ngắn về những điều vĩnh cửu" của ông Andrzej Grabowski, nhà thơ, chủ tịch Chi hội Nhà văn Ba Lan ở Krakow, trưởng ban tổ chức Liên hoan Thơ Quốc tế Galicja hàng năm, tổng biên tập báo „Tia lửa" :

„Người châu Âu chúng ta biết gì về văn học, đặc biệt là về thơ Việt Nam?
Một người châu Âu bình thường được nuôi dưỡng bằng thế giới quan của Mỹ chỉ biết về nó một cách phiến diện. Nhưng người Ba Lan chúng tôi do dày dạn kinh nghiệm trong lịch sử chống ngoại xâm của mình, chúng tôi hoàn toàn hiểu rõ quyền bảo vệ những giá trị đích thực của dân tộc Việt Nam, đó là quyền thiêng liêng và vĩnh cửu.
Càng làm quen với những người bạn Việt Nam, tôi càng nhận thâý rằng mối quan hệ giữa chúng ta được thắt chặt bởi thế giới quan giống nhau như: nhạy cảm với thiên nhiên, lòng yêu cái đẹp, tôn trọng những giá trị mà thiếu chúng con người không thể phát triển được, lòng yêu nước hơn cuộc sống của mình, sự hiến dâng cho gia đình, kính trọng nền văn hóa và lịch sử đất nước. Có nước nào trên thế giới có các vị tướng lĩnh - người bảo vệ tổ quốc lại làm thơ?
Trong số những người cầm quyền ở Ba Lan, vua Jan III Sobieski, người chiến thắng quân Thổ dưới thành Viên, đã thể hiện tác phẩm của mình bằng nghệ thuật đặc biệt dưới dạng những bức thư tinh tế gần như thơ. Nhưng phải đến thời kỳ Phục hưng của những nhà thơ xuất sắc Ba Lan như Miklai Rej ở vùng Naglovic, người đầu tiên đấu tranh chống viết chữ La-tinh, đã viết lời kêu gọi để mọi người Ba Lan viết bằng chữ của mình như sau: „Những kẻ bên ngoài hãy luôn luôn biết rằng người Ba Lan không phải là những con ngỗng và biết ngôn ngữ riêng của mình". Tôi dẫn ra Rej, mặc dù có thể cũng tốt khi nhắc đến một người yêu nước vĩ đại là Jan Kochanowski từ Czarnolas, những bậc thầy đã được những người kế tục họ sau này trong thời kì lãng mạn của Ba Lan vào những năm của thế kỉ 19 như Norwid, Mickiewicz hay Slowacki nhắc đến.
Cũng như vậy các nhà thơ Viêt Nam đã chăm lo gìn giữ ngôn ngữ của mình. Cần quảng bá cho thế giới rằng, sự tinh tế của thi ca là một trong những đặc tính có giá trị hiếm thấy giữa các dân tộc của những người có trách nhiệm với dân tộc mình. Ví dụ như vị tướng LÝ THƯỜNG KIỆT hay hoàng tử TRẦN QUANG KHẢI, nhà vua TRẦN NHÂN TÔNG, một trong những nhà lãnh đạo và anh hùng lớn nhất trong lịch sử Viêt Nam là tác giả của hai tập thơ. Có thể những Người vĩ đại ấy đã mang lại chiến thắng vì họ có trí tưởng tượng lớn lao đồng thời biết dự đoán và nhìn thấy trước nhiều hơn những người khác...Có thể đưa ra rất nhiều ví dụ, nhưng đối với những người cha của nền thi ca, những nhà lãnh đạo thiên tài, sau vài thế kỉ, sẽ được những người kế tục của họ sẽ nhắc đến. Vì quan trọng nhất là những gì khởi thủy, nhắc đến nó là chúng ta tìm về cội nguồn. Không có gì tạo ra trong không khí, không tự nhiên được sinh ra. Và giờ đây tôi lại nhớ đến bài thơ rất xưa của ĐẠO HẠNH THIỀN SƯ, nhà thơ sống trước đây một ngàn năm như sau:
" và „Không"
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
Kìa xem bóng nguyệt lòng sông
Ai hay không có, có không là gì ?
(Người dịch: Huyền Quang tam tổ)

Phải chăng là chưa đến lúc để đề cao một Dân tộc đã có những nhà thơ như vậy trước đây nhiều thế kỉ ?! Một câu hỏi có tính hoa mỹ. Cố gắng tiếp cận với triết học của cội nguồn thơ Viêt Nam, luôn luôn dừng lại với cái đẹp và sự thông minh của nó, tôi lặng yên để nhiều lần nhận rõ chân lí vĩnh cửu rằng sự khiêm nhường và đức kiên nhẫn không bao giờ làm hại ai trong cuộc sống.
Dân Ba Lan, trong suốt quá trình lịch sử gian khó của mình, đã không ngừng buộc phải chiến đấu giành tự do cho dân tộc. Dân tộc Việt Nam cũng đã luôn luôn buộc phải đấu tranh chống lại sự thèm muốn của những láng giềng hiếu chiến. Điều từng trải đó của hai dân tộc Ba Lan và Việt Nam rất giống nhau.
"Từ có vũ trụ, đã có giang san." Ông quan thời Trần TRƯƠNG HÁN SIÊU từ thế kỉ 14 đã viêt như vậy trong bài "Bạch Đằng giang phú". Và nữa: "Quả là trời đất cho nơi hiểm trở, cũng nhờ nhân tài giữ cuộc trị an".
Cùng với sự thán phục, tôi xin nghiêng mình trước nền thơ cổ điển Việt Nam, đặc biệt làm tôi quan tâm là giai đoạn khởi thủy của nó, trong đó con người được gieo trồng vào thiên nhiên, hòa vào nó làm một và qua đó càng hiểu rõ thêm số phận của con người tự do. Tôi nhận thấy rằng đây gần như là sự mở đầu cho cuộc thảo luận về thơ thế giới, trong đó có nhiều điều đáng nói, nhưng cũng có nhiều điều để chia sẻ. Nền thơ này (thơ cổ điển Việt Nam - chú thích của người dịch) không ngừng được thử thách, khám phá và được đặt đúng vị trí của mình trên thế giới."

Cuốn sách do nhà xuất bản IBIS của tạp chí Thơ Ngày Nay phát hành tại Vac-Sa-Va. Thế là đã xuất hiện một Tuyển tập Thơ cổ điển Việt Nam bên cạnh những Tuyển tập Thơ cổ điển của nhiều nước khảc trên thế giới, nhất là các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật, Triều Tiên...đã có mặt từ lâu trên các kệ sách ở tất cả các thư viện lớn bé, trong các trường học các cấp, các nhà văn hóa từ trung ương đến địa phương của đất nước vẫn được xem là một Cường Quốc Nobel Văn chương này. Hy vọng rằng điều đó trước hết sẽ là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam sống ở đây. Bởi lẽ đã từ lâu rất nhiều người trong chúng ta mong ước có nó.
Qua bài giới thiệu tóm lược này, các dịch giả xin gửi lời chân thành cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ thiết thực và động viên khích lệ của các tổ chức cùng bạn bè xa gần, đồng thời mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp để rút kinh nghiệm cho những tập sau hoàn thiện hơn.

NHỮNG NGƯỜI DỊCH

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2010

Tản mạn về Tết của người Việt


Đối với người dân Việt, những ngày Tết Nguyên đán là một dịp để mọi người cùng nhau sum họp, đoàn viên, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm buồn vui, nhìn lại những bước chân đã qua của năm cũ và mang theo một tinh thần lạc quan, tươi trẻ để bước sang một năm mới với nhiều sức khỏe và thành công hơn. Tết Nguyên đán cũng là dịp mà những tinh hoa của văn hóa Việt được thể hiện đậm nét, rõ ràng nhất. Nào là bánh chưng, bánh tét, giò lụa, dưa hành, xôi nếp, thịt gà, nem rán, mâm ngũ quả, các loại mứt, cây nêu, hoa mai, hoa đào,… những sản vật đó đều là đặc trưng của văn hóa nông nghiệp lúa nước.

Trước Tết cả tháng trời, các bà các chị đã chuẩn bị chu đáo mọi thứ. “Quần áo mới thì đã giải quyết xong từ tháng mười một. Người vợ ngày nào cũng dậy từ tinh mơ để mua các đồ nấu cất sẵn, vì sợ để đến giáp Tết mới mua thì kém ngon mà lại đắt. Hầu sì, bong bong, bào ngư, bột ngọt, măng tây, vây cá,…tất cả những thứ đó đã cất sẵn vào trong chạn.” [1]. Rồi dọn dẹp, trang trí nhà cửa, sửa lại cái cây, cái bình hoa trước cửa, chăm chút cho cái bếp luôn được đỏ đèn, ấm lửa trong những ngày Tết, sắm sửa cây mai, cành đào hay cây quất, rồi chuẩn bị củi rơm để nấu bánh chưng, chuẩn bị câu đối Tết treo trong nhà. Toàn những việc không tên như vậy mà cũng hết cả ngày. Có nhà ăn Tết sang hơn hoặc mừng vui về thành quả của năm cũ thì giết lợn, mổ bò, tiếng kêu đinh tai nhức óc trong ngõ, ngoài xóm. Vậy nhưng, không thấy ai than vãn hay gắt gỏng, mà trái lại trong mắt của mọi người đều ánh lên niềm hân hoan, rạo rực, ánh lên niềm vui, đôi mắt sáng hơn và hai má cũng hồng hơn. Hương vị Tết có một sức hấp dẫn kỳ lạ như vậy đấy.

Tết là thời điểm trời đất giao hòa, gió mây lả lơi, khí ấm tụ hội, cỏ cây đơm hoa kết trái, báo hiệu sự sống, sinh sôi nảy nở của muôn loài, thời điểm của “…mưa xuân phơi phới bay/hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy” mà thi sĩ Nguyễn Bính đã từng viết cách đây hơn nửa thế kỷ. Tết cũng là khoảng thời gian để con người ta hành hương trong tâm tưởng và trong cuộc đời thực tại. Họ chiêm nghiệm lại quá khứ đã hình thành nên mình, tưởng nhớ ông bà tổ tiên, đi lễ đền chùa cầu bình an trong năm mới hay đi xin chữ của những ông đồ thời @. Họ nghĩ suy, thành kính hướng về các bậc tiền nhân nước Việt, những người đi mở cõi, những người đã hy sinh biết bao máu xương để bảo vệ nền độc lập và chủ quyền của dân tộc.

Họ cũng đến thăm nhà những người thân quen, bạn bè chòm xóm, chúc tụng nhau những lời hạnh phúc, lì xì năm mới cho trẻ con, tránh nóng giận, nặng lời với nhau, sẵn sàng bỏ qua cho nhau những lỗi lầm trước kia, kiêng hốt rác, kiêng mắng chó chửi mèo. Tết là lúc để người ta cùng sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là cơ hội để con người xích lại gần nhau, chia sẻ những hiểu biết và cảm thông với nhau. Các trò chơi dân gian, những câu hát, những điệu múa nơi đình làng, thôn xóm hay là việc lập ra các chợ mua bán cấu may được dịp phô diễn trong những ngày Tết này. Không ai máu mê thắng thua, kẻ bán người mua đều không quan tâm đến lời lãi, mà tất thảy đều coi đó như một dịp vui chơi, lấy may mắn trong ngày đầu năm. Những hành động đó thực ra là để hy vọng một năm mới bản thân mình, gia đình mình, quê hương mình mạnh khỏe hơn, no ấm và yên vui hơn. Không làm như vậy thì sẽ không yên lòng, sợ rông, sợ bị xúi quẩy, xui xẻo cả năm. Sự mê tín như vậy có lẽ xuất phát từ một thực tế, đó là Tết.

Những hình ảnh quen thuộc, thậm chí tầm thường hàng ngày bỗng trở nên quyến rũ, lung linh và tràn đầy sắc màu trong những ngày Tết. Một chút lạnh của cái rét mùa đông xứ Bắc, chút nắng ấm áp của phương Nam, cái mặn mòi gió biển của khúc ruột miền Trung. Một chú chim đang ríu rít gọi bạn tình trên cành cao, chú cá đang quẫy mình tung tăng dưới nước, cây lộc vừng lặng lẽ, hờ hững thả những cánh hoa mỏng xuống mặt hồ xanh trong. Ở phía bên kia hồ, những đôi trai gái tình tứ đi dạo trong tiết trời xuân sáng sủa. Xa xa có chàng nghệ sỹ đang mải mê đi tìm cảm hứng trữ tình cho những tác phẩm mới của mình, để rồi ngẩn ngơ trước một cái nhìn nhẹ nhàng và quyến rũ của một cô gái vô tình bước qua. Đâu đây có tiếng còi xe, tiếng leng keng sớm khuya của những mảnh đời còn rong ruổi mải lo cơm áo gạo tiền. Có ai đó đang rao bán những quả bóng bay, đồ chơi tò he hay là những quẻ bói tiền tài, nhân duyên, sự nghiệp đầu năm. Nhiều khi cũng chỉ là những chữ viết vu vơ, đoán mò, vậy mà ai cũng thích mua để coi xem trong năm nay mình sẽ ra sao, công việc, tình duyên của mình có thuận lợi, tốt đẹp hay không. Hàng bún riêu cua, bún ốc, phở bò, hàng nước, quán café,… lúc nào cũng đông khách. Mà giá cả đâu có rẻ gì, cái nào cũng đắt gấp ba, bốn lần ngày thường, nhưng người nào cũng vui vẻ móc ví trả tiền. Ô hay, ngày Tết nhìn vào cái gì cũng thấy đẹp, nhìn ai cũng thấy xinh, thấy cái gì cũng muốn mua...

Ở nơi xứ tuyết lạnh lẽo suốt mùa đông thế này, mọi người ai cũng bận rộn với cuộc mưu sinh nhọc nhằn và đầu óc luôn trăn trở với những câu hỏi xương xẩu, trừu tượng khiến cho cái sợi dây lưu giữ tâm hồn người Việt với nguồn cội, với quê hương nhiều khi lỏng lẻo, thì Tết chính là chất keo hàn gắn những đổ vỡ, rạn nứt trong lòng mỗi con người. Khác với người phương Tây, họ không có Tết, chỉ có Năm Mới (New Year), cái Tết với mỗi người Việt không đơn giản chỉ là năm mới, mà là một lễ hội, tín ngưỡng thiêng liêng, một “đặc sản văn hóa” mang thương hiệu Việt Nam. Những người ở xa vào dịp cuối năm thường hỏi “Năm nay anh/chị có về ăn Tết không?” hay “Ở bên nhà năm nay ăn Tết ra sao?” như để hoài niệm về một cái Tết mà họ đã từng trải qua ở quê nhà. Khi đó, trong lòng mỗi người xa quê chắc cũng ngậm ngùi một nỗi chạnh nhớ, chạnh thương người thân quen ruột thịt, bè bạn và những người yêu thương của mình. Tết là một chuỗi các cảm xúc được dung dưỡng, tri nhận trong quá khứ, được cụ thể và chi tiết hóa trong hiện tại, và vì thế, Tết là bến bờ dấu yêu cho những con thuyền tha hương lưu trú tâm hồn mình sau những hành trình phiêu dạt.

Những người Việt xa quê không có cái may mắn được sum họp, được đoàn tụ với gia đình, bè bạn ở quê nhà, nhưng họ lại được sống trong tình yêu thương của những người cùng nghề nghiệp, cùng chung một văn hóa, một màu da, một giọng nói, những người mà trước kia vốn xa lạ thì nay đã trở thành những người thân quen. Họ coi nhau như anh em ruột thịt trong một nhà, cùng nối những vòng tay thân tình trở thành những vòng tay lớn, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, cách trở để khiến mình thêm cứng cỏi, can đảm hơn trên những chặng đường sắp tới. Họ cố gắng sắp xếp thời gian để cùng nhau đón một cái Tết ấm cúng. Cũng có bánh chưng, giò lụa, nem rán, xôi ếp, mâm ngũ quả. Cũng có hoa đào, hoa mai, những ly rượu ấm tình đồng bào trong những ngày Tết…

Trong nhịp gõ chầm chậm và vô tình của ông già thời gian, những người Việt xa quê như tôi đang rung cảm trước cái giao mùa của một thời khắc mới, để cảm thấy rằng mình thêm một tuổi, và cũng để tiếp tục con đường đi mà mình đã chọn lựa với một tinh thần Nhật nhật tân, hựu nhật tân [2].

Nhân dịp Xuân mới đã về, mến chúc bè bạn khắp mọi miền đất nước dồi dào sức khỏe, gặp nhiều may mắn, an khang và thịnh vượng

Berlin, 15.02.2010

Trịnh Quốc Dũng
--------------------------
[1]. Vũ Bằng. Thương nhớ mười hai
[2]. Lời chúc Tết của cụ Phan Bội Châu gửi tới thanh niên, tạm dịch: Mỗi ngày là một nỗ lực làm mới chính mình.

Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2010

Khúc hát sông quê

Đây có lẽ là bài hát để đời của nhà thơ, nhạc sỹ tài hoa Nguyễn Trọng Tạo. Anh viết bài hát này vào năm 2002, dựa theo trường ca "Thời gian khắc khoải" của nhà thơ Lê Huy Mậu, hiện đang sống và làm việc tại Vũng Tàu. Tôi đã nghe và hát bài hát này nhiều lần, và lần nào cũng đọng lại một tâm trạng xúc động. Tôi chợt nhớ đến lời nói của một nhà văn nào đó: "Trong mỗi con người Việt đều tồn tại một cái quê. Quê là cội nguồn. Cái chất quê này chỉ chờ đúng thời điểm là nó trỗi dậy...". Điều này có lẽ đúng với tất cả những ai đã từng nghe và từng hát bài hát này.

Bài hát này đã được ca sỹ Anh Thơ biểu diễn rất thành công. Tuy nhiên, video clip mà các bạn theo dõi thì không phải của cô, mà là của NSƯT Minh Phương. Tôi đã có lần được nghe chị độc diễn bài hát này. Giọng đẹp da diết, ám ảnh và hút hồn người nghe, mặc dù không cần có nhạc đệm. Chỉ có rượu và người hát lẫn người thưởng thức. Khi chị hát xong, tôi hỏi chị: "Trong tiếng hát của chị, em thấy có hình ảnh quê hương, hình ảnh của tuổi thơ chị trong đó? Có đúng vậy không?" Chị nhìn tôi thật lâu, nhưng không trả lời. Tôi thoáng thấy trong mắt của người đàn bà đẹp đó ánh nhìn dạt dào của hương vị quê hương.

Trân trọng giới thiệu với bạn bè gần xa "Khúc hát sông quê".

Thứ Hai, 8 tháng 2, 2010

Bài hát tôi yêu


Xa khơi. Bài hát để đời của nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ. Không thể nhớ được tôi đã nghe bài hát này biết bao nhiêu lần, nhưng lần nào nghe cũng để lại trong tôi một cảm xúc rất đặc biệt. Đó là nỗi nhớ nhung của hai người yêu nhau, nỗi nhớ trong sự xa cách, đơn côi khi hai miền còn bị chia cắt bởi chiến tranh, bởi đau thương.
Nắng tỏa chiều nay
Chiều tỏa nắng đôi bờ anh ơi
Gió lộng buồm mây ươm chân trời
Biển lặng sóng thuyền em dong khơi
Khoan giọng hò thương anh cách vời
Kìa biển rộng con nục, con măng
Lướt sóng liền đôi bờ tung tăng
Con chuồn còn bay nơi nơi
Con giang chiều gọi bạn đường khơi...

Hình ảnh về nắng đẹp tuyệt vời, theo tôi, có thể nói là một trong những hình ảnh đẹp nhất trong các bài hát đương đại Việt Nam khi viết về nắng: "nắng tỏa". Lần đầu tiên nghe bài này, tôi rất ngạc nhiên về cách dùng từ "nắng tỏa" của nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ. Thông thường khi viết về nắng, ta thường hay viết "nắng hồng", "nắng vàng", "nắng quê",... xa hơn một chút là "nắng dệt", "nắng lụa", "nắng thủy tinh",... Vậy mà tác giả lại dùng chữ "tỏa". Tại sao ông lại viết như vậy? Phải chăng Nắng không còn là một hiện tượng tự nhiên nữa, mà hiện thân cho sự sống, sự sống lan tỏa một cách ấm áp, chầm chậm nhưng cũng đầy rạo rực, mãnh liệt khắp không gian và thời gian?
Trong buổi chiều đầy ắp sự sống với những gió lộng, mây vờn phía cuối trời, xuất hiện hình ảnh một người con gái với chiếc thuyền êm ả đang dong buồm ra khơi. Nàng đang hát, giọng hát lan tỏa trên từng con sóng. Phía dưới kia sống động với những con nục con măng, con giang chiều gọi bạn, và cũng để lắng nghe giọng hát ngọt ngào của nàng. Thử hỏi còn ở nào trên thế giới này có một hình ảnh đẹp hơn thế?

Nắng tỏa chiều nay
Thuyền về mái động chiều nay
Nhìn phương Nam con nước vơi đầy, thương nhớ...
Nhớ thương anh ơi...

Có một nỗi nhớ, một sự chia ly. Ai nhớ? Nhớ ai? Đó là nỗi nhớ, chia ly của em với anh, của anh với em. Nỗi nhớ thế nào? Da diết, cồn cào, mòn mỏi, như điên như dại, chắc chỉ có con nước vơi đầy mới chia sẻ được cho ta mà thôi.
Và thế là:
Ơi mênh mông sóng xô du thuyền ta xa bờ
Âm vang tiếng hò nhịp chèo ta mong chờ
Thuyền ta xa khơi đưa nhịp chèo nối liền
Đường đi muôn khơi mái chèo chung đôi miền,
Mênh mông biển khơi câu hò thương nhớ thương
Vang về miền Nam quê ta
Biển dập dìu, biển tâm tình
Biển nói lên lời sóng cả ta chung lứa đôi

Cô gái cất lên tiếng hát, tiếng hát để xua tan đi nỗi nhớ đang gầm gào, đang cào xé trong lòng, và mong muốn biển cả sẽ gửi nỗi nhớ đến chàng trai đang ở miền Nam xa cách. Tôi đã từng có cảm giác này ở biển. Đó là một cảm giác nhung nhớ vô cùng đặc biệt, nhất là khi đi thuyền lướt trên những con sóng bạc khiến cho "Đời anh nghiêng ngả, nỗi sầu...nhớ em". Nhưng ngoài nỗi nhớ nhung của đôi trai gái, còn là niềm mong mỏi đất nước được độc lập, để được "mái chèo chung đôi miền". Đây chính là nỗi nhớ lớn nhất, niềm mong mỏi lớn nhất của hàng triệu con người, của cả một dân tộc đang khao khát độc lập, tự do.

Ơi phong ba lướt xô mái chèo ta xa bờ
Phong ba sóng cồn lòng ta luôn vững bền
Kề vai bên nhau nắng biển cùng mưa nguồn
Kề vai bên nhau em kề bên anh thương,
Anh ơi lời ca câu hò thương nhớ thương
Vang về cùng anh không xa
Biển rộng ơi, biển chung tình
Biển nói lên giùm bao ngày thương nhớ, biển ơi...
Nhớ thương cách vời, ơi biển chiều nay
Nhớ thương cách vời, ơi biển chiều nay...
Anh ạ, dù cho cuộc đời còn có nhiều gian khổ, khó khăn, phong ba bão tố thì em mong anh hãy luôn vững vàng ý chí. Em mãi ở bên anh, luôn nhớ anh, và em mong biển, điệu hò, lời ca hãy mang giùm nỗi nhớ của em tới anh. Nhớ thương cách vời, ơi biển chiều nay....

Bài hát đã được nhiều ca sỹ thể hiện. Riêng tôi, tôi thích nhất nghệ sỹ Tân Nhân hát bài này. Rất mộc mạc, giản dị nhưng cũng tràn đầy tình cảm (có lẽ vì chất giọng miền Trung). Dưới đây là tâm sự của nghệ sỹ Tân Nhân sau khi hát bài này (trích trong nhật ký nghệ thuật của bà):

Bước ra sân khấu là như tắm trong nắng chiều của biển, với mặt biển lung linh, những đám mây bay vớn, có khi che mặt biển thành tím ngát... Tất cả sống động, những ký ức tuổi thơ trỗi dậy khiến tim tôi rung lên, từng đường gân thớ thịt chan hòa theo tiếng hát.

“Nắng tỏa chiều nay...” Giờ này mẹ cầm cào trở lúa lần cuối trên sân, giờ mọi người làm đồng về, ăn xong bữa xế lại tiếp tục công việc vội vàng trước khi nắng tắt. Người con gái chèo thuyền êm nhẹ lướt ra khơi, giọng hò lan trên mặt nước. Buổi chiều chim bay về tổ, khói bếp vờn tỏa trên mái nhà, những bước chân hối hả tìm về mái ấm.

Xót xa thay trong buổi chiều êm ả ấy, “con chuồn con nục gọi bạn đường khơi” thì còn biết bao trái tim khao khát yên vui hạnh phúc trên đất nước Việt Nam lại phải xa cách, chia ly...

Hoàng My – nghệ sỹ piano - đã nâng cho trí tưởng tượng và cảm xúc tôi bay bổng. Tôi mơ ước cả ba chúng tôi: nhạc sỹ Tài Tuệ, người đệm đàn Hoàng My và người hát Tân Nhân như cùng hòa chung tiếng đàn giọng hát cho ngày mai đẹp đẽ, không xa sẽ đến.

“Biển dập dìu... Biển chung tình... Biển nói lên lời thương nhớ, biển ơi!”. Tim tôi thổn thức, tiếng hát tôi vút lên với cả sự dào dạt của tâm hồn, tình thương nhớ nhiều năm tích tụ và sức mạnh của tuổi thanh xuân. Cảm ơn nhạc sĩ, cảm ơn các nhạc công...

Đã bốn mươi bốn năm trôi qua, “Xa khơi” còn tươi rói với tình cảm của các nghệ sĩ. Nhiều thính giả nhắc nhớ “Xa khơi” – Tân Nhân. “Xa khơi” còn sống mãi với lời ca ngợi thiên nhiên, Tổ quốc và lòng chung thuỷ của con người Việt Nam. “Xa khơi” là niềm vui sướng và tự hào của tôi.


Các nghệ sỹ khác đã biểu diễn bài hát này:






11.04.2007

Trịnh Quốc Dũng

Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2010