Thứ Ba, 30 tháng 9, 2008

Thơ trên blog đang làm xao động người đọc


1. NET MÙA THU là tập thơ có ‎‎ý tưởng lạ: kết hợp bài thơ đăng trên mạng và các comment. Điều này có thể thu hút bạn đọc. Song ngoài điều đó, có phải điểm chính là những bài thơ lạ, mới và hay?

Nhà thơ NGUYỄN TRỌNG TẠO: Trước hết tôi khẳng định đây là tập thơ NET đầu tiên xuất bản tại Việt Nam được chọn trên cơ sở "bầu chọn trực tiếp" của bạn đọc bằng comment (cảm nhận, góp ý) của người đọc văn học mạng (Internet) và quan điểm của Ban Tuyển Chọn (Nguyễn Trọng Tạo - Hà Linh - Phan Chí Thắng). Có bài thơ hiện hàng trăm cảm nhận của bạn đọc và cũng có bài thơ không nhiều comment. Tuy vậy, hầu hết những bài thơ được chọn trong NET MÙA THU đã gây được sự chú ý của "dư luận" bạn đọc văn học mạng. Một tập thơ phong phú về đề tài, đa dạng về phong cách và đặc biệt có nét táo bạo về cách tân cả nội dung và hình thức, thậm chí có bài mà báo giấy "sợ" không dám đăng.

2. Khi tham gia tuyển chọn, điều gì làm cho anh thấy hứng thú ở tập thơ này? Anh đánh giá Net Mùa Thu ở mức độ nào: một tập thơ kỷ niệm hay một tập thơ đáng đọc...?

Nhà thơ NGUYỄN TRỌNG TẠO: Có lẽ hứng thú nhất là hình thức in bài thơ kèm những comment. Tôi nghĩ tới bạn đọc rộng rãi khi đọc xong bài thơ rồi đọc "ý kiến nóng" của người khác về bài thơ đó, họ sẽ có sự so sánh với cảm nhận của chính họ, và điều thú vị sẽ xảy ra là người đọc sẽ "động não" và có "ý thức phê bình" hơn khi đọc thơ. Điều đó làm cho thơ gần gũi và đi sâu vào bạn đọc hơn. Vì vậy, nó vượt qua quan niệm in thơ hiếu hỷ, và tất nhiên tôi tin nó có sức hấp dẫn bạn đọc.


3. "Nhà nhà làm thơ, người người làm thơ"- gần như ai cũng biết. Thế nhưng chúng ta thấy Nhà thơ thực sự có câu thơ in vào trí nhớ bạn đọc lại không phải nhiều. Và các tập thơ hàng ngày, hàng tháng xuất hiện nhưng số lượng chỉ 500-1000 cuốn. Lâu rồi chưa có 1 tập thơ, bài thơ ấn tượng truyền tai nhau, chưa có một nhà thơ trẻ nào được tôn vinh như thời các anh. Cái này theo anh do bối cảnh văn chương hay do chính tác giả, tác phẩm?

Nhà thơ NGUYỄN TRỌNG TẠO: Tôi từng tin "thơ ta vẫn hay", và hiện nay tôi vẫn tin như thế. Nhưng kinh tế thị trường xáo động đã chi phối xã hội thưởng thức thơ. Nếu nhà thơ trước những năm 1990 được sủng ái hâm mộ vào bậc nhất trong công chúng yêu thơ, thì bây giờ được thay thế bằng minh tinh màn bạc, bóng đá hay hoa hậu. Tôi đọc thơ trên mạng, đặc biệt trên các blog thỉnh thoảng ngạc nhiên về những giọng thơ lạ, những bài thơ lạ và hay mà không thấy xuất hiện trên báo giấy. Có những "tài thơ" như thế đấy, họ chỉ đi tìm tri âm trên mạng.

4. Tình trạng nhà thơ trẻ gần như được nhắc đến hay bị dư luận tranh cãi bởi các xu hướng mới, nhưng cũng mới chỉ được nhớ đến tên hoặc vài câu thơ. Một phần vì chỉ có một số người quan tâm, một phần chỉ được nhắc trên báo, thiếu những bài phê bình thực sự thấu đáo. Phê bình nhờ nhờ, thiếu trình độ hay thiếu bản lĩnh. Phải chăng có một l‎ý giải khác: chúng ta thiếu nhà phê bình như Hoài Thanh, Hoài Chân để có thể mang tới những chọn lựa và cái nhìn sắc sảo hơn với thơ?

Nhà thơ NGUYỄN TRỌNG TẠO: Chỉ những nhà phê bình thực sự đam mê thơ mới có thể phê bình thơ hay. Lòng đam mê cho họ sự gần gũi, hiểu biết về thơ, và đặc biệt là chân thành với thơ. Nhiều comment trên các blog như những bài bình thơ thực sự, những bài "bình nóng" và trực tiếp thường bộc lộ rất rõ chính kiến, cảm xúc của "nhà-phê-bình-bạn-đọc". Nếu Hoài Thanh còn sống để đọc thơ trên blog, chắc ông cũng sẽ là "nhà phê bình nóng" mà nhà thơ nào cũng sẽ vinh dự khi được ông gõ comment vào bài thơ của họ. Về phê bình thơ hiện nay, tôi lo lắng nhưng chưa hề thất vọng.

5. Với anh, những bài thơ của anh được bạn đọc nhớ đến và thuộc có xuất hiện chậm so với thời gian sáng tác hay là ngay lập tức được đón nhận?

Nhà thơ NGUYỄN TRỌNG TẠO: Khi bài thơ xuất hiện trên blog, sự phản hồi của bạn đọc rất nhanh: khen, chê, hoặc thờ ơ. Những bài nhiều comment cảm nhận, thậm chí thành bài bình luận ngắn, thường để lại ấn tượng cho người đọc. Thời hoàng kim của công chúng thơ trước đây, những bài thơ hay của tôi được người đọc nhớ rất nhanh. Chỉ loại thơ cách tân quá bạo liệt mới phải chờ thời gian "xếp hạng".

6. Thơ văn rõ ràng đang đi ngược: rất nhiều tác phẩm đăng trên mạng rồi mới quay trở lại in sách. Anh có cho rằng đây là xu hướng của văn học hiện đại? (Trung Quốc đã khá thành công với mô hình này)

Nhà thơ NGUYỄN TRỌNG TẠO: Nếu nhà văn công bố tác phẩm và giữ bản quyền trên mạng trước khi in báo, in sách thì không thể gọi là ngược. Nó như là giai đoạn thăm dò và điều chỉnh khiếm khuyết của tác phẩm cho đến hoàn hảo. Nhiều tác giả đã sửa lại tác phẩm qua ý kiến sâu sắc, thong minh, bất ngờ của bạn đọc mạng. Ngay trong một thời gian nằm trên mạng, có tác phẩm được sửa chữa nhiều lần khác nhau. Vấn đề công chúng mạng khuyến khích nhà văn rất nhiều trong sáng tạo. Cách biên tập và xuất bản chưa chuẩn của ta cũng góp phần thúc đẩy văn học mạng phát triển. Xu hướng hiện đại là xu hướng tự do cho văn học phát triển.

7. Tiểu thuyết, truyện ngắn để tạo nên những cuốn best seller trong bối cảnh hiện nay đang là điều vô cùng khó khăn. Nhưng khi thơ văn đẩy lên mạng ta cũng có thể thấy có một lượng độc giả khá và các bài thơ đã có sự phản hồi. Theo anh, thơ liệu có sự bứt phá nào đấy, hay chỉ là những tác phẩm in đẹp, kỷ niệm, còn giờ là thời của internet-các bài thơ cũng chỉ được đón nhận từ mạng?

Nhà thơ NGUYỄN TRỌNG TẠO: Thời nay cuốn sách bestseller thường cộng hưởng với quảng cáo, tiếp thị. Tất nhiên nó cũng phải có "nội lực" nhất định. Có chiêu quảng cáo độc hơn là "thuê thu hồi sách rồi phạt vi phạm hành chính dăm triệu thôi". Ha ha, thế đấy, "của cấm là của quí", bạn đọc tha hồ tìm sách cấm qua chợ đen. Lợi nhuận trôi vào nhà sách, còn tác giả thì ngoài tiền bạc còn được công chúng phong danh hiệu "hiệp sĩ bị trù dập". Vấn đề thực chất của văn chương phát triển lại nằm ở chỗ khác, đó là văn tài và văn hay.

8. Thời gian vừa qua cũng có một số nhà thơ, khuynh hướng thơ được coi là lạ lẫm, bạo dạn và gây sock xuất hiện. Tuy họ chưa tạo được một khuynh hướng mới, một tên tuổi thơ đủ sức hấp dẫn và lôi cuốn bạn đọc nhưng họ đã dám thể nghiệm, dám sống với suy nghĩ của mình. Ông nghĩ thế nào về các cây viết trẻ và sự đón nhận của công chúng với thơ mới - thơ hậu hiện đại?

Nhà thơ NGUYỄN TRỌNG TẠO: Không ai muốn làm thơ như cũ, phải làm mới. Nhưng rất nhiều, rất nhiều người kể cả người đã nổi tiếng vẫn lực bất tòng tâm. Ngay cả trẻ cũng vậy, nhưng trẻ bao giờ cũng có lợi thế của họ, lợi thế nhất là họ trẻ nên nhìn thế giới mới mẻ hơn. Thơ hiện đại hay thơ hậu hiện đại chủ yếu là thay đổi hình thức, cách nói. Nó cũng chẳng hơn lục bát hay xon-nê Đường luật... về hình thức. Nhưng nếu nó làm cho công chúng thích thì kho tàng thơ sẽ phong phú và mới mẻ hơn. Tôi tin rồi sự pgas cách và phá phách của lớp trẻ sẽ đến lúc trưởng thành hơn.

9. Con đường của các nhà thơ trẻ bây giờ gần giống nhau: ban đầu say mê, miệt mài với thơ, với rất nhiều tuyên ngôn và sự dấn thân. Song dần dần bị giảm nhiệt và làm thơ như một sự trang trí, còn hầu hết chuyển nghề báo, văn, hội họa, biên kịch... Con đường thơ văn vì thế mà cũng rời rạc? Đây có phải là cách làm không chuyên nghiệp và ngõ cụt của các nhà thơ?

Nhà thơ NGUYỄN TRỌNG TẠO: Đó là đồ thị phổ biến của các nhà thơ trẻ, một đồ thị lên nhanh xuống nhanh rồi đi ngang. Có lẽ nó nhuốm phải căn bệnh "đi tắt đón đầu" "ăn xổi ở thì" mà cha ông đã chỉ ra. Đó không phải phẩm cách của nhà thơ. Cuộc sống khó khăn cũng xô đẩy họ và ta có thể ngậm ngùi thông cảm và chia tay họ. Nhưng với những tài năng văn chương thật sự thì ta vẫn có quyền hy vọng họ sẽ vẽ một đồ thị khác lạc quan hơn.

10. Nếu được chọn 5 gương mặt thơ trẻ, anh sẽ chọn ai? Liệu đủ đủ để chọn 5 hay đông hơn, có thể chọn được 10?

Nhà thơ NGUYỄN TRỌNG TẠO: Thú thực tôi không thích làm giám khảo để lựa chọn nhà thơ. Đối với người trẻ, tôi thích cá tính và dấu hiệu bí ẩn của tài năng. Những tên tuổi thơ trẻ giao thời giữa hai thế kỷ tôi đã nói nhiều đến Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly... và họ đã dần tự khẳng định tên tuổi của mình. Giờ thấy xuất hiện Trang Thanh, Dương Anh Xuân, Trương Quế Chi, Nguyên Anh hay Nguyễn Thế Hoàng Linh... Hy vọng thì nhiều, nhưng quan trọng phải là sự tự bứt phá của chính họ. Nếu họ tung thơ lên blog riêng chắc sẽ hiểu rõ mình hơn qua bạn đọc, bởi thơ trên blog đang làm xao động và thu hút sự chú ý của công chúng thơ hiện nay.

9.2008

Hằng Nga thực hiện

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2008

Không đề

Niềm buồn cứ đến bất ngờ
Để ta chín đợi mười chờ nỗi vui
Về đâu trăm lối ngậm ngùi
Mưa xưa ướt áo sụt sùi lá rơi...

Thứ Tư, 3 tháng 9, 2008

Có thể bạn chưa biết Nguyễn Trọng Tạo...


Nguyễn Trọng Tạo là một thương hiệu hấp dẫn suốt mấy chục năm nay. Đó là thương hiệu thơ với hàng chục tập thơ ấn tượng, có rất nhiều câu thơ tài hoa ai cũng nhớ: Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/ Câu trả lời thật không dễ dàng chi... Mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ/ Mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió... Sông Hương hoá rượu ta đến uống / Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say... Bạn bè ở Huế thương nhau thiệt/ Một đứa vợ la chục đứa kinh...Tin thì tin không tin thì thôi... Thương hiệu nhạc với những bài hát nổi tiếng cả nước: Làng quan họ quê tôi. Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang... mà không ít nhạc sĩ thèm thuồng. Thương hiệu hoạ với hàng trăm cái bìa sách lạ lùng, hiện đại, trong đó có mấy cái được giải bìa sách đẹp. Đặc biệt Nguyễn Trọng Tạo là người đã vẽ lá CỜ THƠ, được công nhận và trở thành biểu trưng được kéo lên trong Ngày thơ Việt Nam từ nhiều năm nay. Thương hiệu "tửu" với những cuộc uống thâm đêm thâm ngày. Nhạc sĩ Ngọc Đại từng chứng kiến Tạo uống có cuộc 25 tiếng đồng hồ. Uống đến mức Gặp nhau là nhớ mùi rượu Hiếu/ Mưa nắng sá gì dốc Phú Cam... Đã có nhiều học giả, nhà văn nổi tiếng viết về Nguyễn Trọng Tạo như Hoàng Cầm, Vũ Cao, Hoàng Ngọc Hiến, Hoàng Phủ Ngọc Tường,... Tôi chỉ xin lan man đôi chuyện đời thường đằng sau cái thương hiệu Nguyễn Trọng Tạo để bạn đọc hiểu thêm về con người tài hoa mà gần gũi này. Những câu chuyện đã kết thành hạt trong lòng tôi mà có thể bạn chưa biết...
-----------------------------------------------------------------------

Năm 1978, báo Nhân Dân tổ chức chọn thơ hay viết sau ngày giải phóng miền Nam. Kết quả có 16 bài thơ của 16 tác giả được tặng thưởng trong đó có bài thơ "Làng có một ngày như thế" của Nguyễn Trọng Tạo và bài " Nón bài thơ và hương đất cao nguyên" của tôi. Tôi quen biết Nguyễn Trọng tạo từ đó. Mùa đông năm 1985, Nguyễn Trọng Tạo vô Huế chơi. Anh ở trọ tại nhà tôi ở lưng chừng dốc Bến Ngự. Vợ tôi phát hiện ra cái áo ra-két anh lâu ngày không dặt, cứ bốc mùi "thơm" khắp nhà. Hình như suốt mùa rét chưa được giặt thì phải. Thế là vợ tôi bắt Tạo thay quần áo để ngâm giặt. Một bộ quần áo mà Minh Tâm giặt hết cả một bánh xà phòng loại 72% của Liên Xô rất cứng thuở đó, mà vắt vẫn ra nước đục. Khiếp thật. Những ngày đó tôi và Tạo đạp xe chở nhau đi uống rượu đàm đạo thi ca suốt ngày với bạn bè.

Những năm Tạo ở Huế, buổi sáng bao giờ cũng chén một tô cơm nguội đầy ụ có con cá nục kho gác ngang và một tô canh rau. Trông như ăn để đi cày. Tôi hỏi sao không ăn phở, bún, cháo, nghĩa là những thứ "nóng nóng nước nước" theo cách gọi của Phùng Quán. Tạo bảo ăn cơm cho chắc bụng để nhỡ phải uống cả ngày, đề phòng say. Tôi ngồi viết ở nhà, khoảng mười giờ sáng nghe tiếng xe máy Simsơn vè vè lên dốc, biết ngay Tạo chưa uống ở đâu. Thế là lục tủ lấy chai quốc lủi, rồi điện gọi Hoàng Phủ Ngọc Tường hay Mai Văn Hoan... Thế là cuộc nhậu kéo đến chiều, vợ tôi lại phải mua thêm rượu, tiếp thêm đồ mồi. Uống với Tạo tốn thời gian lắm. Ai muốn chuồn trước cũng rất khó. Nhưng Tạo ra Hà Nội rồi thì lại nhớ, lại thèm những cuộc say sang mùa...

Uống rượu thơ phú ngất ngưỡng cả ngày, nhưng Tạo là người chăm lo gia đình lắm. Vốn là người lính nên Nguyễn Trọng Tạo nấu ăn rất sành điệu (Chỉ có pha tiết canh lợn là phải điện thoại nhờ Ngô Minh). Tạo băm chặt, xào nấu, pha nước chấm, dọn mâm... như một người nội trợ thực thụ. Loáng một cái đã có mâm đồ mồi thịnh soạn bưng lên cho bạn bè nhậu. Ở một mình trên tầng 6 khu chung cư ở Hà Nội, có khách, Tạo cũng xách đồ từ chợ về nấu nướng. Vì chợ sát nhà nên các bà bán thực phẩm dưới phố ai cũng quen biết Tạo. Tôi ra Hà Nội, đến khu chung cư chưa cần hỏi thăm, mọi người đã chỉ dẫn lối lên nhà Nguyễn Trọng Tạo rất tận tình. Hồi ở Huế có phong trào nuôi cá trê phi, Tạo xây một cái bể lớn, thả ngàn con cá không để làm "kinh tế" mà để nhậu. Nhưng mới hai tháng rưỡi, cá chưa kịp lớn Tạo đã câu để làm mồi đãi bạn. Câu nhiều quá, cá nó sợ không dám lớn, không dám cắn câu nữa. Bạn nhậu đã đến mà cá chưa câu được con nào. Lão tức khí trổ lù cho nước thoát để bắt cá. Mới mấy tháng mà hết sạch bể trê phi!...

Tạo nuôi con gái lớn học đại học ở Hà Nội. Con học xong lo việc làm cho con, rồi lo cưới chồng cho nó, góp tiền cho vợ chồng con mua nhà chung cư. Hai đứa nhỏ ở Huế đứa nào cũng có máy vi tính từ bé. Lo cho con như Tạo không phải ông bố nào cũng làm được. Đối với bạn bè, Tạo cũng thật chí tình. Ai nhờ vẽ bìa sách, đọc bản thảo, viết giới thiệu sách, hay viết lời tựa cho các tập thơ, Tạo cũng giúp rất nhiệt tình. Tạo thức cả đêm để viết lời tựa cho người này người khác. Nhất là đối với các nhà thơ trẻ hay những người mới viết. Nhà thơ Văn Cầm Hải khi còn tuổi hai mươi, in tập thơ đầu "Người đi chăn sóng biển", Nguyễn Trọng tạo đã chăm chú đọc, viết lời tựa , vẽ bìa rồi liên hệ với Nhà xuất bản Trẻ cho tập thơ ra mắt công chúng. Riêng tôi, trong số 18 đầu sách đã xuất bản thì Nguyễn Trọng Tạo vẽ bìa, viết lời bạt hết 6 cuốn. Có mấy cuốn thơ, tiểu luận, tôi từ Huế email bản thảo ra nhờ giúp, thế là Nguyễn Trọng Tạo lui cui đi xin giấy phép, vẽ bìa, đưa đến nhà in, chấm mo-rát, rồi lại lo gửi sách vô Huế cho bạn. Có khi phải thêm tiền vào cho đủ để lấy sách ra. Không chỉ riêng tôi, mà Tạo giúp rất nhiều người như vậy. Hồi ở Huế, Nguyễn Trọng Tạo tuyển "Hai thập kỷ thơ Huế", tôi còn nhớ một hình ảnh rất cảm động. Vì tập tuyển có in ảnh từng tác giả, mà nhà thơ Thanh Hải đã quá cố không có ảnh lưu ở Hội, Nguyễn Trọng Tạo phải tìm đến nhà chị Thanh Tâm đơm hoa quả, thắp nhang vái anh Thanh Hải mới đưa được cái ảnh thờ xuống để chụp lại. Đó là nét văn hoá tâm linh rất chỉnh chu.

Nguyễn Trọng Tạo là người thích quảng giao. Bạn bè anh đông đảo từ trong nước đến hải ngoại. Bạn bè và các tổ chức mời anh đi ngao du nhiều chuyến ở Ba Lan, Châu Âu, Trung Quốc, Canada... để bàn luận, trao đổi văn chương, học thuật. Trong một chuyến thăm Bỉ, Nguyễn Trọng Tạo có bài thơ Cu đái khẩu khí, rất đời: nó đứng trên cao cười tít / đái qua đầu bạn đầu tôi / hoa hậu ngước nhìn vẫy vẫy.../ vòi nước cứ tuôn không ngừng / những bàn tay tranh nhau hứng / nước trời nước thánh rưng rưng". Bảng danh sách điện thoại của anh có cả ngàn tên người. Người mến mộ anh khắp cả nước không đếm xuể. Một đêm, đi ngang Tam Điệp, anh ghé vào thị xã, ông chủ tịch đi vắng. Nghe cán bộ điện báo tin có nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ghé thăm, ông chủ tịch thị xã đang ở cách xa 30 cây số cũng phóng xe về chỉ để ôm hôn anh Tạo và xin được hát bài hát "Khúc hát sông quê" trước mặt tác giả. Tạo chơi thân từ ông Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh, huyện cho đến chủ một cây xăng, một người đạp xích lô. Tạo không câu nệ ông này sang, ông này không sang. Sẵn sàng gõ đũa hát Làng quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê theo yêu cầu của bạn. Tạo có giọng hát vang và ấm. Hình như rượu càng sương thì Tạo hát càng bốc, càng hay. Mỗi lần về Huế, Tạo thường tổ chức tại nhà những cuộc "nhậu mặt trận". Gọi là "nhậu mặt trận" là vì đủ thành phần tham dự: ông lãnh đạo tỉnh, ông giám đốc công an Huế, bạn bè nhà thơ, nhà báo, ông chủ một doanh nghiệp, nhà thơ đạp xích lô... Đám văn chương Huế thân với Nguyễn Trọng Tạo có tôi, Nguyễn Khắc Thạch, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Văn Dũng (Dũng karate), Hồ Thế Hà, Mai văn Hoan, Văn Cầm Hải, Nguyễn Thanh Tú, nậu sách Trương Đức Thành, rồi Đại tá công an Đặng Quang, kiến trúc sư Thái Doãn Long, giám đốc điều tra rừng Mai Xuân Bách...Đó là những người gọi là "bạn ruột", hợp với Tạo. Khi say lên, thấy có gì không phải là Tạo mắng mỏ không nể ai. Ném vỡ tan cả con "dế" xịn của ông bạn vừa mới nhậm chức đầu tỉnh... Mỗi lần như thế tôi thường say theo Tạo và nằm đến hôm sau chưa tỉnh. Thế mà Tạo lại đi nhậu tiếp cuộc khác, rồi về nhà ngồi làm thơ, post bài lên blog tới khuya lơ mới ngủ. Có lần 2 giờ sáng, Tạo điện cho tôi thức dậy để nghe Tạo đọc 9 bài thơ vừa mới làm xong. Hồi đó tôi chưa có di động nên phải ra bàn cầm máy nghe. Tôi đứng trong đêm tối nghe thơ và chịu trận muỗi đốt tơi bời.

Có lần Nguyễn Trọng Tạo kể với tôi: "Mình họ Ngô ông ạ. Cụ Tổ mình tên là Ngô Đình Du, nhưng bà cô ruột lấy chồng họ Nguyễn không có con nên đưa cháu về làm con nuôi họ Nguyễn, và đổi họ thành Nguyễn Trọng Du". Tôi thích quá liền đùa: "Họ Ngô mới có người tài giỏi thế chứ!". Nguyễn Trọng Tạo là người có tài thiên bẩm. Anh kể với tôi nhiều chuyện oái oăm của cuộc đời anh. Tạo đa tài giỏi giang nhiều lĩnh vực thế, nhưng lại không có bất cứ một tấm bằng cấp nào trong chuyện học hành. Học cấp 3 Tạo là học sinh xuất sắc, giỏi cả văn cả toán từng thi học sinh giỏi toàn Quốc, nhưng khi đi thi tốt nghiệp do làm bài hộ cho bạn, thế là bị đánh hỏng. Sau đó thì đi bộ đội dài dài. Nguyễn Trọng Tạo được quân đội cử đi học Trường Viết văn Nguyễn Du khoá I, học đến năm cuối thì công bố bài thơ "Tản mạn thời tôi sống" nên phải rời trường, rời khỏi Văn nghệ Quân đội về lại Quân Khu Bốn(?). Điều kỳ lạ là con người đa tài làm ra rất nhiều bài hát hay ấy lại không học ở Nhạc viện ngày nào mà chỉ học vài lớp bồi dưỡng ngắn hạn trong quân đội. Có người bảo Nguyễn Trọng Tạo là nhạc sĩ duy nhất ở nước ta không biết chơi đàn (trừ đàn bà). Sống với Tạo mười năm ở Huế, tôi chỉ thấy anh mỗi khi sáng tác thì cầm ghi-ta để bấm "gam" và gõ nhịp, chứ chưa bao giờ thấy anh ôm đàn vừa hát vừa đệm như những tay sành điệu khác. Nhưng nhiều bạn học thời phổ thông của Tạo kể tôi nghe là anh đã từng tự làm một cây đàn violon rất đẹp và chơi đàn violon cho toàn trường nghe vào ngày chào cờ đầu tuần. Hẳn nhiên là biết chơi đàn và biết kỹ thuật để sáng tác nhạc là điều hoàn toàn khác nhau, nhưng phải nhận rằng nhạc sĩ mà không thèm chơi đàn cũng là chuyện lạ lung "xưa nay hiếm".

Có chuyện lạ nữa là một người nổi tiếng tài hoa cầm kỳ thi họa như Nguyễn Trọng Tạo, lại không có nhà ở. Trong khi đó có ông quan chiếm dụng mấy nhà của nhà nước, thì Tạo 10 năm ở Huế, đóng góp nhiều cho Huế nhưng anh không được cấp nhà như những người khác. Anh cứ ước ao có một căn hộ (căn hộ chung cư cũng được) để gọi là "nhà mình". Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lúc đó là Phó Bí thư thường trực tỉnh uỷ đã phê vào đơn xin nhà của anh "đề nghị giải quyết" rồi, nhưng cơ quan này đổ cho cơ quan khác, chạy năm lần bảy lượt không được, đành phải "bỏ của chạy lấy người" ra "nương thân" ở Hà Nội. Nhờ bạn bè mỗi người một tay vun vào, Tạo mua được căn hộ 62 mét vuông ở tầng 6 khu chung cư. Ở trên cao ấy, lại không có cầu thang máy, mỗi lần say rượu lên xuống như đi trong mây. Tạo ra Hà Nội, Hoàng Phủ Ngọc Tường bị tai biến nằm một chỗ, thế là cái "Chi hội nhà văn Bến Ngự" của chúng tôi tan rã. Ngày Tạo còn ở Huế, ông Tường còn lành, chiều nào ba chúng tôi cùng ngồi với nhau ở một quán cóc nào đấy để nghe "Tường nói", và nghe Tạo "cảm và luận".Nhắc đến Tường lại nhớ chuyện Tạo làm báo. Tạo là người có chính kiến mạnh, có tài phát hiện và rút tỉa vấn đề đưa lên báo những điều bạn đọc rất quan tâm. Đến nay Tạo đã từng trực tiếp làm bốn tờ báo là tạp chí Cửa Việt, Tạp chí Âm nhạc, báo Thơ (chuyên san của báo Văn Nghệ) và tạp chí Sao Việt. Tạo làm Cửa Việt cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Quang Lập nổi đình nổi đám, nức lòng văn nghệ cả nước, nhưng được 17 số thì bị đóng cửa. Làm Tạp chí Âm nhạc thì đẩy 3 tháng/kỳ lên 2 tháng/kỳ, rồi lên tháng/kỳ, chất lượng và hình thức đều được cải tiến mạnh mẽ, nhiều người thích, nhưng đến khi Tạo nghỉ hưu thì nó lại trở về mốc cũ. Tạo làm báo Thơ từ A đến Z như tổ chức bài vở, biên tập, làm mi báo, trình duyệt bài, rồi ký bản đưa in... Báo Thơ ra được 18 số thì Tạo bỏ vì không chịu làm khác ý mình. Tạo nhận làm Tổng giám đốc VVT cũng là để làm báo, đưa ra tạp chí Sao Việt được 4 số đầy hy vọng, nhưng, vừa được chú ý đã bị "xem lại giấy phép" và không bao giờ thấy tạp chí Sao Việt nữa. Phải nói thật tình rằng đó là những tờ báo hay, gợi lên được nhiều vấn đề về học thuật và dân chủ, được độc giả trí thức và bạn đọc cả nước tìm đọc, vì số nào cũng có những "vấn đề" đáng quan tâm. Ví dụ trên báo Thơ có bài viết rất xác đáng về vấn đề "thơ tình dục", hay những bài phỏng vấn đối thoại nảy lửa nghề nghiệp với các nhà thơ nổi tiếng... Trong tủ sách nhà tôi, 17 số Cửa Việt thời Tường - Tạo - Lập, 18 số báo Thơ là các loại báo duy nhất được đóng thành tập để lưu trữ làm tài liệu tham khảo lâu dài. Tạo vẫn khen "bọn lãnh đạo giỏi" ấy là thời Nguyễn Khoa Điềm (dưới bí thư, trên phó bí thư) mời Tạo làm phó Tổng biên tập tạp chí Sông Hương, nhưng ông bí thư phán xanh rờn: "Huế hết người tài sao phải mời Nghệ An?" Thế là thôi...

Nhưng hình như Nguyễn Trọng Tạo không làm báo không sống được. Anh viết bài đã đành, nhưng anh phải "làm báo". Rời các cơ quan báo chí nhà nước, Tạo về mở ba bốn cái blog, và tuyên bố "tôi muốn biến blog thành báo điện tử của riêng tôi". Tạo là người hăng hái cổ võ nhiều người chơi Blog, góp phần hình thành nhiều Câu lạc bộ Blog ở các địa phương và được cử làm chủ tịch Hội Blogger Hà Nội của Vnweblogs. Anh dựng mấy chục blog cho bạn bè: Ngô Minh, Phạm Dạ Thuỷ, Hoàng Vũ Thuật, Hải Kỳ, Mai Văn Hoan, Hoàng Cát, Nguyễn Quang Lập, v.v... Ai không tự post bài, ảnh lên blog được thì cứ mail bài, ảnh cho Tạo. Anh giúp tất cả mọi người. Cái tình ấy không ai quên! Riêng một mình Tạo có ba cái blog: Nguyễn Trọng Tạo, Hội ngộ văn chương, Sao Việt, cái nào cũng thuộc loại "blog sôi nổi nhất". Blog Hội Ngộ Văn chương hay Nguyễn Trọng Tạo như là hai tờ báo văn chương mạng rất hấp dẫn độc giả. Rồi anh kết hợp với bạn văn hải ngọai lập website Hội Luận Văn Học Việt Nam nhằm hợp lưu các dòng văn học Việt. Nghĩa là Tạo vẫn không chịu bỏ báo. Anh dùng báo để nói những nỗi niềm tâm huyết của mình về văn chương và cuộc đời. Âu đó cũng là cái duyên cái nghiệp của anh.

Cho đến bây giờ, đã gần ba mươi năm bài thơ Tản mạn thời tôi sống của Tạo ra đời, nhưng "Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi. Câu trả lời thật không dễ dàng chi" như vẫn vận vào xã hội, vận vào người nghệ sĩ tài hoa này...

7-2008

Ngô Minh