Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

Trường ca Biển mặn


Quen biết anh đã lâu, ngồi với nhau cũng nhiều và cũng biết về cách sáng tạo nghệ thuật (vốn nhiều nhọc nhằn) khác người của anh. Bởi vậy mà có lẽ tôi thường xuyên đón đọc những bài viết trong blog, đặc biệt là những tác phẩm mới của anh thì tôi "săm soi" rất kỹ với một tình cảm tương đối đặc biệt. Kiểu như đã trót phải lòng một người con gái đẹp mà hôm nào không nghĩ đến, không nhìn (dù chỉ là trộm nhìn) nàng một lần là bứt rứt không chịu được. Thường hay xuýt xoa giật mình mỗi khi nhìn thấy anh post ảnh mỗi chuyến đi, mỗi cuộc gặp gỡ, giao lưu với bạn bè và với Em đàn bà của anh. Nay thì Diễn Châu, mai thì Sài Gòn, Đà Nẵng, Vũng Tàu, vèo cái đã thấy xuất hiện tại trời Âu xa tít. Thầm nghĩ mình ở cái tuổi tri thiên mệnh như anh chắc là đã chống gậy cho con cháu dìu đi từng bước. Hay là "ngồi trên nóc tủ ngắm gà khỏa thân" rồi cũng nên, lấy đâu ra sức lực mà ngao du rồi sáng tác thơ nhạc họa một cách say sưa và đam mê đến như vậy. Đem chuyện này hỏi ông bạn tôi là lương y ở Hamburg, thì chỉ nhận được câu trả lời: "Không hiểu nổi. Khoa học không giải thích được".

Những tác phẩm mới của anh, ít khi tôi đọc ngay nội dung bài viết từ trên xuống mà thường đọc từ dưới đọc lên. Đọc để xem viết từ khi nào. Xem có phải là bài viết mới thật không hay là ông này post lại bài cũ. Phải làm vậy vì những tác phẩm của anh vốn đã bị tôi "đọc vị" từ lâu. Lần này cũng thế, khi anh post trường ca "Biển mặn" lên blog tôi phải xem ngay thời gian sáng tác. Thấy ghi năm 2015 tại Hà Nội, tôi lại giật mình. Vốn không thường hay đọc trường ca vì sợ... dài quá, thế mà lần này tôi đọc liền một mạch tác phẩm. Xúc động và xót xa. Một lần nữa cảm phục về sức sáng tạo bền bỉ của anh. Hóa ra những cuộc vui chơi kia chỉ là cái vỏ ngẫu hứng, là sự nạp đầy thêm năng lượng văn hóa trong anh. Để rồi đến khi không còn ai trong căn phòng vắng vẻ, anh lại âm thầm tạo tác nên một tác phẩm gây tiếng vang nữa, mà tôi đoán chắc rằng, rồi đây sẽ có những nhà phê bình văn học sẽ bàn luận sâu hơn về trường ca này.

Biển mặn là trường ca thứ ba, sau "Con đường của những vì sao" viết về 10 cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và "Tình ca người lính" viết về thời kỳ chiến tranh biên giới phía Bắc. Biển mặn gồm 6 chương, hơn 1000 câu thơ với khoảng 5500 chữ. Ngay ở câu thơ mở đầu "Nhặt lên hạt muối, thưa rằng:/Một phần biển mặn. Mấy phần máu xương..." đã gợi cho người đọc cái mặn mòi của biển và cái đắng chát của những hy sinh gian khổ mà cha ông ta đã phải trải qua để giữ biển, giữ lấy cái không gian sinh tồn của nước Việt. Tiếp tục mạch cảm xúc này, Biển mặn khéo léo dẫn dắt người đọc đi sâu vào lòng biển cả, với những câu chuyện của tiền nhân đã đặt mốc chủ quyền, những mưu sinh nhọc nhằn của ngư dân nơi đầu sóng ngọn gió, cuộc hải chiến chống lại lũ giặc xâm lăng. Để rồi khúc vĩ thanh của tác phẩm là những hình ảnh thanh bình nơi đảo xa, là tiếng đồng dao của bầy trẻ đến trường: "Và em biết biển nơi này mặn lắm/Những cuộc đời máu thắm nở thành hoa".

Kể từ Tản mạn thời tôi sống cách đây 35 năm, Nhân dân cách đây 3 năm, hôm nay anh lại có thêm một tác phẩm mới, trường ca Biển mặn. Chừng đó thời gian, tôi vẫn thấy thơ anh không đổi giọng. Vẫn mãnh liệt, nồng nàn và da diết như thuở ban đầu. Vẫn "ngọt và cay và thơm như rượu gạo" như câu thơ anh từng viết. Và giờ đây, tôi cần phải nhắc lại rằng: Gừng càng già càng cay, thế mới hay!

Thành thật chúc mừng anh và trân trọng giới thiệu cùng ban.



Không có nhận xét nào: