Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

Trực tuyến với Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn năm 2011

Toquoc - Có lẽ triết lý nhân sinh trong 600 nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn câu hay nhất vẫn là “…để lại trong cõi thiên thu hình dáng nụ cười”. Nên… dù Trịnh Công Sơn đã hóa thân cát bụi mười năm vẫn mưa xuống lòng ta những giai điệu slow, blues, boston buồn mà không bi mị, không một chút lên gân nhưng ma mị, lại phảng phất dân ca và thấm đẫm chất thiền. Nhạc của Trịnh Công Sơn là phát nguyện của tinh thần Phật giáo.

Trên lối rẽ đến tình yêu của nhạc Trịnh có thể nhìn thấy những biển chỉ dẫn mà ở trên đấy có đầy đủ các ký tự về thân phận con người. 600 nhạc phẩm từ Ướt mi - năm 1958 là một bách khoa thư về tình yêu để hát lên và để gió cuốn đi.
Bằng nhạc, Trịnh Công Sơn cũng là nhân vật chính của những bi kịch chiến tranh. Không thể khác được, anh cũng đã góp phần hòa giải và hóa giải những nỗi đau bằng chính âm nhạc của mình. Nhạc Trịnh Công Sơn huyền thoại và tiến bộ.
Nhạc sĩ vẫn tâm niệm một điều “cái chết là sự đùa cợt cuối cùng của sự sống”, “trần gian là cõi tạm”, vì thế trong hữu hạn của kiếp người anh đã hát ru cho sự sống. Nhạc Trịnh chính là những khúc ru cho tình yêu mà bản chất của nó không phải chỉ hai người.
Mười năm, năm nào cũng thế, những người yêu Trịnh, những bạn bè, những nghệ sĩ lại gọi cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua số điện thoại 090921327 để góp mặt. Số điện thoại này lúc nào cũng có thể liên lạc. Chưa bao giờ mất sóng…
Trong buổi trò chuyện này, có mặt thi sĩ Nguyễn Duy, nhà thơ Mai Linh, nhạc sĩ Hồng Đăng, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, họa sĩ Trần Khánh Chương, và nhà phê bình Ngô Thảo làm nhiệm vụ giám sát nội dung cuộc đối thoại không phê mà chỉ có bình.
Một mâm sáu với từng cặp bao gồm nhạc, thơ và họa để bàn về khả năng thiên bẩm của người nhạc sĩ tài hoa này
Nhạc sĩ Hồng Đăng: Đề nghị nhà thơ Nguyễn Duy gọi điện cho anh Trịnh Công Sơn một cái. Mắt tôi kém quá không lần được số điện thoại. Ở nhà bà Thúy toàn phải giúp (cười rất đẹp lão).
Nhà thơ Nguyễn Duy: Đây đây để tôi gọi. Có rượu ngon là anh ấy đến ngay. Lạ, ông ấy cứ nhâm nhi mà thỉnh thoảng mới nói. Giọng Huế nhẹ, hay mà rất có uy.
….. alô, anh Sơn đấy à. Bọn này đang ngồi ở đây, chỗ 34 Quang Trung, có li rượu ngon, có cả Hồng Đăng, Tạo, Trần Khánh Chương, Ngô Thảo. Mai Linh tổ chức cuộc rượu để làm tiệc nhạc của anh. Anh đến ngay nhé, bọn này chờ.
Nhạc sĩ Hồng Đăng: Thế nào bác Duy. Ông ấy có nhận lời không. Chắc nhận lời thôi….
Tôi tặng ông Linh cái này (hai bút, ba bật lửa)
Nhà thơ Mai Linh: Bút đã hết mực chưa cụ. Anh chuyên đi gieo rắc từ bút, bật lửa đến cái món hoa sữa. Nhưng không phải gieo rắc tai họa mà toàn gieo lửa, gieo mực, gieo hoa. Gieo toàn thứ thơm và có ích cả. Xin bác.
Ó ò o… máy điện thoại của Nguyễn Duy.
Nhà thơ Nguyễn Duy:Vâng vâng, 34 Quang Trung là chỗ ngã tư cắt với Trần Quốc Toản ấy anh. Anh đến nhé, ở đâu mà anh chẳng đến được.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: Nhạc Trịnh kinh thật. Mấy hôm nay toàn có người rủ mình đi hát karaoke nhạc Trịnh. Nhạc rất uyên bác, triết lý mà sao phổ thông thế nhỉ. Bọn trẻ nó cũng thích. Lạ thế.
Nói sau lưng khi anh Sơn chưa đến một tí (thì thầm): âm nhạc của Trịnh nó giàu âm tính nên mới lắm người thuộc và hay hát thế.
Nhà thơ Mai Linh: Âm tính và sang trọng- đó là nhạc Trịnh. Nhạc Trịnh hát ở đâu cũng được: trên sân khấu lớn, trong phòng trà, chỗ bạn bè tụ họp. Người nào có nhiều bài hát nhất trong các list bài hát của các quán karaoke. Trả lời: Trịnh Công Sơn.
Trịnh Công Sơn hiện lên và bước vào. Một lãng du đeo kính, ấn tượng, chiếc răng khểnh rất hiền. Trịnh Công Sơn có khuôn mặt của điêu khắc mà lại rất khiêm nhường, lịch thiệp.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Bữa ni là bữa chi mà các anh lại cho tôi uống rượu, anh Duy. À lại cả Hồng Đăng nữa này. Mai Linh chủ tiệc hả. Chỗ ni đẹp quá, ngồi tiện. Nó vừa sang mà lại giống cái quán cóc, thế mới hay. Hay hè, Tạo. Nhìn thấy lại nhớ Huế.
Nhạc sĩ Hồng Đăng: Lâu quá mới gặp Trịnh Công Sơn. Thật vui. Tôi nói với mọi người nhé, Sơn là quê Huế chưa chắc đã đúng. Hà Nội cũng là quê, Đà Lạt cũng là quê, ở đâu cũng là quê. Quê hương đã là giá trị chân tình của tác phẩm. Không có định danh nào trong nhạc Trịnh Công Sơn, không có vị trí địa lý, không dấu vết vật lý, không không gian, không thời gian. Nhưng hát lên là thấy địa danh. Thử bài Diễm xưa là thấy Huế, Một cõi đi về là thấy sông Hương.
Nguyễn Trọng Tạo: Đúng thế! Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ là Huế, tôi xác nhận. Tôi quê Nghệ Tĩnh nhưng sống ở Huế lâu. Tôi hiểu hồn Huế qua nhạc Trịnh.
Trịnh Công Sơn: Thôi kệ!
Nguyễn Duy: Anh Sơn vẫn thế. Thôi kệ là định ngữ của Trịnh Công Sơn. Tội là định ngữ của thương cảm Trịnh Công Sơn. Anh Sơn nhạt nhẽo lắm đấy nhớ!
Trịnh Công Sơn: Nhạt nhẽo chi hè?
Nguyễn Duy: Vì cứ như người trời. Mọi thứ đối thoại ở đây tuồng như anh ngô nghê quá!
Trịnh Công Sơn: Ờ thì cứ nói chuyện. Chuyện đời cũng phức tạp. Làm nhạc với 7 nốt dễ hiểu hơn.
Nguyễn Trọng Tạo: Tôi quen anh Sơn từ năm 1976, có phải không hè? Lúc ấy anh Sơn dắt cả một đoàn vào Lệ Kỳ (Quảng Bình). Bộ đội tóc ba phân, giờ có người tóc dài, lạ quá. Lại giới thiệu “Mình là Trịnh Công Sơn”. Tôi mở tiệc chào mừng mọi người. Anh Sơn nói mình muốn nghe văn nghệ quần chúng. Anh Sơn nhớ không hè. Thế mà anh Sơn rất thích văn nghệ quần chúng. Cứ hát Nối vòng tay lớn, đánh đàn quên mệt. Phải nhớ chứ.
Trịnh Công Sơn: Nhớ chứ. Hồi ấy Tạo trẻ. Tạo phụ trách đoàn văn nghệ xung kích, phải không hè. Hồi ấy mình mặc măng tô.
Mai Linh: Có nhiều điểm thật khó hiểu anh Sơn ạ. Ở Nga có Vysotsky và ở Việt Nam có Trịnh Công Sơn. Một người sinh năm 1938, một người sinh năm 1939. Đến năm 2001, anh Sơn có 600 giai phẩm. Đến năm 1980, Vysotsky có 600 giai phẩm. Hai người đều tự đánh đàn ghi ta và hát nhạc của mình rất chuyên nghiệp, như những ca sỹ thực thụ. Hai người đều không dùng ca từ của ai trong nhạc phẩm của mình.
Trịnh Công Sơn: Có. Mình có dùng ca từ của ông Bùi Giáng. “Còn hai con mắt khóc người một con” là Bùi Giáng viết cho người tình Thu Trang yêu Bùi Giáng nhưng nàng lại đi theo một người đàn ông khác và sinh ra một đứa con. Sơn thực sự hoảng sợ với tình sử này. Khóc người một con là khóc người đàn bà Thu Trang này. Nhưng tình đời cũng chỉ đủ nước mắt để khóc bằng một con mắt. Thôi kệ. Tội.
Mai Linh: Hai người đều hợp với slow, blues, boston. Tiết tấu nhanh mà vẫn buồn. Dấu chân địa đàng của anh và Nhất định tôi không về của Vysotsky nhanh mà lại buồn. Thế mới lạ. Hình như trên các giai phẩm vẫn phủ một tấm khăn voan buồn nhưng không bi mị. Người đời gọi đó là thứ phản chiến. Tôi nghĩ đó là khát vọng hòa bình.
Trịnh Công Sơn: Thế cả thôi. Cũng tàm tạm. Cố gắng. Nhưng Vysotsky lớn lắm. Tài năng trên một lãnh thổ kéo dài 6 múi giờ thì sự chọn lọc cay nghiệt lắm.
Nguyễn Duy: Nhưng anh Sơn cũng có nhiều cái thú vị, đằm thắm. Ông ấy hứa gì là làm. Chu đáo lắm. Chán. Một người không thù oán ai bởi vì Trịnh Công Sơn nghĩ rằng hy vọng hay tuyệt vọng đều mang ta đến đấu trường. Thôi kệ là đúng đấy, là một định ngữ. Trịnh Công Sơn không thuộc về một phía nào. Ông ấy khôn là thuộc phía tình yêu. Mai Linh nói đúng, ông ấy thuộc phe cái đẹp. Chúng ta phải tính toán nhiều quá. Trịnh Công Sơn chỉ lo cho mỗi nghệ thuật của nhân sinh cho nên nhẹ hơn chúng ta nhiều. Đó là tư tưởng của một nghệ sỹ lớn.
Nguyễn Trọng Tạo: Anh Sơn để cho tôi nói tí. Hình như cũng nhiều người thích tranh của anh, đúng không? Năm 1984, anh và Đinh Cường cùng triển lãm. Thế mà người ta mua hết. Khó hiểu chứ.
Trần Khánh Chương: Có gì mà khó hiểu. Có những nhạc sĩ vẽ trong hôn mê thì thơ và nhạc như nhau. Văn Cao có một năm học ở trường Mỹ thuật Đông Dương cho nên rất chuyên nghiệp. Trịnh Công Sơn vẽ bằng nỗi buồn với những nét cong rất hiện đại. Xem tranh của Sơn, đặc biệt là những ký họa bút sắt, thấy thoáng, mạnh mẽ và mềm mại, có thần và thoải mái, tung tẩy đúng là nhạc sĩ, vẽ như làm nhạc cũng là một việc khó. Hình như, Trịnh Công Sơn không phải phân tâm giữa nhạc và họa. Đó là một người hiếm.
Mai Linh: Sinh thời nhà phê bình hội họa Thái Bá Vân có rỉ vào tai tôi một câu: “Hà Nội về mặt dân số có 3 triệu người nhưng về nhân khẩu có 3 người, trong đó có Văn Cao”. Khi Văn Cao có thêm Trịnh Công Sơn, tôi nghĩ Hà Nội có thêm một người, bởi vì anh đã nhập khẩu vào Hà Nội bằng bài Nhớ mùa thu Hà Nội.
Trịnh Công Sơn: Cũng hơi cao. Có thể Thái Bá Vân nói đùa. Mình chỉ là người đi qua Hà Nội, nếm thử cốm làng Vòng thấy ngon rồi viết thôi. Hà Nội phải hỏi đến Hoàng Dương, Hồng Đăng. Sau này có Phú Quang. Nhưng trước hết phải nói đến Nguyễn Đình Thi.
Nguyễn Trọng Tạo: Nhạc của Trịnh Công Sơn là nhạc của tiềm thức. Một cơn hôn mê của cõi người. Không hôn mê không viết được. Đó là vết bỏng của những cái hôn. Anh Sơn đã tiên định cái hữu hạn của kiếp người. Hữu hạn để mà vui, để mà bạn bè, để mà thương lấy nhau, dù chiến tranh hay hòa bình. Nhiều người nói anh nói về thân phận của lứa đôi. Đôi đâu phải hai, đôi là nhân loại. Nó là sự bất diệt của cõi sống để vĩnh cửu trong cõi chết…
Trịnh Công Sơn: Cũng vừa thôi. Tạo cũng có nhiều bài hay, Làng quan họ quê tôi thấy có trăng. Khúc hát sông quê thấy có sông. Cũng ngậm ngùi. Thế cũng là đẹp như bậc đàn anh Hồng Đăng có Hoa sữa ngát hương trong tâm hồn của nhiều người. Yêu mà có Hoa sữa là không bao giờ già. Nó có cũ bao giờ đâu. Đó là triết lý của sự khoác vai và hôn…
Ngô Thảo: Anh Sơn mà mất chắc là đám ma nhiều người lắm.
Trịnh Công Sơn: Bạn bè đi trước mình cả thì có khi đám ma mình lại buồn. Cả đời buồn đến lúc đám ma bạn cũng buồn thì thật là…buồn (cười). Cho nên mình nghĩ cái chết là sự đùa cợt cuối cùng của sự sống. Chết trước sướng hơn chứ. Chỉ buồn là không được uống rượu. Nào rót, Mai Linh, chủ tiệc. Ăn nhiều lên kẻo ông giống tôi lắm đấy. Dặt dẹo, chỉ có phụ nữ là thích thôi.
Ngô Thảo: Hình như Trịnh Công Sơn không phải chỉ là con chim hót cho thế giới người, cho chiến tranh, tình yêu và thân phận mà hót cho chính số phận của mình. Nếu chúng tôi “đi” sau anh, chúng tôi sẽ hát Nối vòng tay lớn. Nhạc Trịnh là viết cho tang lễ của mình.
Trịnh Công Sơn: Nhớ đến một người để nhớ mọi người. Thôi kệ.
Hồng Đăng: Hay.
Mai Linh: Thế Hồng Đăng viết Hoa sữa bằng sự kích hoạt nào. Đặt hàng, cảm hứng, yêu, thất tình?
Hồng Đăng: Trước khi viết Hoa sữa tôi chưa hề biết Hoa sữa bao giờ. Tình yêu ở trên cao như Hoa sữa. Thơm là đặc trưng của ái ân. Hoa sữa nó tự tỏa hương mà tôi không viết. Trời nó viết. Bao nhiêu mơ mộng, mơ muội của tình yêu cũng từ những bài hát kiểu này. Cũng thấy vinh dự là mình đã gieo rắc hạnh phúc. Đó là vấn đề dân số của hôn nhân nữa chứ.
Nguyễn Duy: Anh Sơn viết về tình mà không có dục nhỉ. Có hoa, có thăng mà vẫn không có dục, mọi người công nhận không?
Mai Linh: Từ đấy ta nằm đau, ôi núi cũng như đèo là Trịnh Công Sơn thực sự trong ái tình.
Trịnh Công Sơn là một tài năng lớn của âm nhạc Việt Nam. Đó là một xác quyết. “Để lại trong cõi thiên thu hình dáng nụ cười” là không bao giờ chết. Chúng tôi trò chuyện với anh với tư cách một người sống, một tài năng sống, sống mãi, thiên thu.  

2 nhận xét:

Nguyên nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Nguyên nói...

Anh ơi, Kiều xin phép cop bài này nha. Kiều cũng thích 'nhạc Trịnh'
Anh chưa gửi ảnh cho Kiều. phk.nguyen