Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

Nhớ Hoàng Cầm

Nhà thơ Hoàng Cầm (1922-2010)
Thế là nhà thơ Hoàng Cầm đã tìm về với đất Mẹ Kinh Bắc tròn một năm. Có lẽ ông là một trong những nhà thơ được yêu mến bậc nhất trong nền thi ca đương đại. Điều gì đã khiến thơ ông được đông đảo người dân yêu thích đến vậy? Đó có phải là tình yêu quê hương, yêu thương con người, một trầm tích văn hóa đã gắn bó máu thịt với ông, từ thuở còn nằm nôi đến khi nhắm mắt. Tôi được biết đến ông lần đầu khi còn là một cậu học trò cấp ba, từ bài thơ được giảng dạy trong sách giáo khoa Bên kia sông Đuống. "Em ơi buồn làm chi/Anh đưa em về sông Đuống/ngày xưa cát trắng phẳng lỳ/Sông Đuống trôi đi/một dòng lấp lánh/Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ...". Yêu thích bài thơ phần vì nhà tôi gần với dòng sông "nằm nghiêng nghiêng" đầy thơ mộng và yên bình ấy. Có lần tôi cũng gọi điện thoại để hẹn hò với một hoa khôi của trường. Nàng là người ở đất bên bờ sông Đuống. Duyên dáng và lãng mạn. Thật không may, người cần gặp thì không thấy, lại gặp ngay một "cảnh sát" là mẹ nàng. Sau một hồi "tra hỏi" về tên tuổi, mục đich gọi điện, bà hỏi tôi: "Nhà cháu ở đâu?". "Dạ, nhà cháu ở bên kia sông Đuống ạ!"... Nàng lên xe hoa từ rất sớm, khi tôi còn đang học đại học năm thứ hai. Ngày cưới em, nhiều gã đàn ông ngậm ngùi, nuối tiếc hay thầm thì nhỏ lệ. Có người trong số đó cũng lẩm nhẩm bài thơ Lá diêu bông, Cây tam cúc, chắc là để tìm cho riêng mình niềm an ủi "Lấy chồng sớm làm gì"... 

Về sau này, khi tìm hiểu về cuộc đời của ông, tôi được biết ông tên thật là Bùi Tằng Việt (bút danh Hoàng Cầm là tên một vị thuốc rất đắng trong Đông y) sinh năm 1922 tại huyện Việt Yên (Bắc Giang). Quê gốc của ông ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Đẹp trai, da trắng, môi đỏ, đa tài và đa tình. Làm thơ từ năm 16 tuổi và sớm nổi tiếng với vở kịch thơ Hận Nam quan cùng năm đó, Kiều Loan khi 20 tuổi. Vở kịch thơ này ca ngợi lòng yêu nước, thức tỉnh tinh thần tự hào dân tộc của mỗi người dân Việt. Tham gia kháng chiến chống Pháp với vai trò Trưởng đoàn văn công của Tổng cục Chính trị và vướng vào vụ Nhân văn Giai phẩm. Từ đó ông trở về Kinh Bắc như một điểm tựa tinh thần duy nhất để nương niu, bấu víu trong những tháng ngày khốn khó. Thời gian này ông viết tập thơ Về Kinh Bắc, một tập thơ quan trọng nhất và là cột sống trong đời thơ của ông, như chính ông đã thừa nhận. Tập thơ chia thành các "nhịp" với những đêm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Ở đó ngôn ngữ Việt được thăng hoa trong những đêm quan họ lỏng lơi, những "váy Đình Bảng buông chùng cửa võng" hay "vắt áo nghe thầm tiếng vải kêu", khao khát yêu đương đắm đuối nhưng vô vọng giữa người em và Chị "em đứng nhìn theo/em gọi đôi" và cả những nhục cảm đa nghĩa "Ấm êm em trong trắng da thịt đêm". Về Kinh Bắc là kết tinh của những lớp vỉa dày văn hóa và tâm linh Kinh Bắc đặc sắc và nén thẫm. Về thi pháp, Về Kinh Bắc ẩn chứa một nhạc điệu, một nguồn sáng, một thế giới riêng mà chỉ có Hoàng Cầm mới tạo ra và "tung hoàng" ở đó được. Cõi thơ Hoàng Cầm đậm chất âm tính, nằm giữa hư và thực, là sự đồng hiện của không gian và thời gian, gợi về những cái đã qua, tưởng là cổ truyền song lại hiện đại nên có sức ám ảnh và lôi kéo rất mạnh người đọc. Do vậy, nó không quá cũ và vẫn mang hơi thở của thời hiện đại. Đó là lý do mà nhà thơ Trần Dần đã gọi ông là "nhà thơ tân cổ điển". Đọc Hoàng Cầm mới thấy hết nỗi niềm yêu thương tiếng Việt, văn hóa Việt, đắm đuối với tình yêu con người của người thi sĩ tài hoa đất Kinh Bắc và của cả dân tộc. Vì cuối cùng, ai trong số chúng ta cũng sẽ có lần "Cúi lạy Mẹ con trở về Kinh Bắc"...

Nhân ngày giỗ đầu của nhà thơ, kẻ hậu sinh mạo muội viết mấy dòng này, để tưởng nhớ tới ông và cũng để biết rằng ông đã rời cõi tạm đến một cõi Thơ mới. Khi ngoảnh đầu nhìn hậu thế, chỉ còn một điều duy nhất mà Người Thơ gửi lại giữa vô vàn sương gió: "Những khoảng chiều buồn phơ phất lại/Anh đàn em hát níu xuân xanh..."

Không có nhận xét nào: