Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

Chuyện một người Đức yêu phim Việt

HNM - Là một người Việt Nam, trong nhà bạn liệu đã có những đĩa DVD phim kinh điển của điện ảnh Việt? Một người Đức làm việc trong lĩnh vực ngoại giao không những sở hữu một bộ sưu tập khá nhiều phim Việt Nam, mà còn là người có những nhận xét sắc sảo về phim Việt. Báo Hà Nội Mới đã có cuộc trò chuyện với anh Hans Farnhammer, Phái đoàn Uỷ ban châu Âu tại Việt Nam về môn nghệ thuật thứ 7 này.


 - Liệu có phải vì là một nhà ngoại giao, nên anh có thói quen tìm hiểu đất nước mà mình đến qua nghệ thuật thứ 7?

- Thời trẻ, tôi luôn thích tìm hiểu về lịch sử. Điện ảnh chính là cánh cửa hấp dẫn và thú vị mở ra thế giới văn hóa và lịch sử của một đất nước. Vì thế tôi tìm xem các bộ phim Việt Nam và xem nhiều hơn, hệ thống hơn trong vòng 5 năm trở lại đây, khi tôi nhận nhiệm kỳ công tác tại Hà Nội. Trước đó, vì nhiều bộ phim Việt chưa được dịch ra tiếng Anh nên tôi tìm xem phim mà người Mỹ đã làm về Việt Nam, trong đó có một số ít phim hay như “The Quiet American” (Người Mỹ trầm lặng).

Mặc dù tôi đã nỗ lực để tiếp cận với phim Việt, song nhiều phim không có phụ đề tiếng Anh và các bộ phim kinh điển không còn chiếu trong rạp nữa. Tôi rất vui vì gần đây, một số phim Việt kinh điển đã được phát hành dưới dạng DVD theo bản gốc, có phụ đề tiếng Anh. Những buổi chiếu phim Việt Nam có phụ đề tiếng nước ngoài, có sự tham gia giao lưu với đạo diễn và diễn viên chính ở Cinémathèque Hà Nội (22A Hai Bà Trưng) cũng rất thú vị. 

- Trong bộ sưu tập phim Việt Nam của anh có nhiều tác phẩm tên tuổi như “Đến hẹn lại lên”, “Thương nhớ đồng quê”, “Đời cát”... Trong số này anh thích nhất tác phẩm nào? 

- “Gánh xiếc rong” của đạo diễn Việt Linh là bộ phim tôi yêu thích nhất. Bên cạnh đó là “Cú và chim se sẻ”, một bộ phim mang phong cách Việt Nam dù đạo diễn Stephane Gauger là người nước ngoài. Tôi cũng thích “Thương nhớ đồng quê” của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Điểm mạnh của những bộ phim Việt Nam là những cảnh quay rất đẹp, kịch bản gần gũi và phản ánh cuộc sống thường nhật của người Việt Nam. Về phim tài liệu, tôi thích nhất phim của Trần Văn Thủy như “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế”.

- Anh mong muốn tìm thấy điều gì nhất trong điện ảnh Việt Nam? 

- Việt Nam là đất nước có bề dày văn hóa và lịch sử, với nhiều phong tục tập quán của các dân tộc khác nhau. Việt Nam đang đổi thay từng ngày. Tôi mong muốn hiểu thêm về những thay đổi trong cách sống, cách nghĩ, cách cảm của người Việt qua phim Việt.

Tôi hy vọng các đạo diễn sẽ phát huy tinh thần tự do sáng tạo trong các tác phẩm của mình, phản ánh chân thật cuộc sống. Tôi đang nóng lòng đón đợi bộ phim đang được thực hiện về những năm tháng đầu tiên trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi hy vọng bộ phim phản ánh chân thật những năm tháng đó. Tôi cũng rất muốn câu chuyện “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh sẽ sớm được chuyển thể thành phim. 

- Gần đây, anh có xem một số phim mới của điện ảnh Việt Nam đã giành giải thưởng tại các sân chơi điện ảnh thế giới như “Chơi vơi”, “Cánh đồng bất tận”… không? Anh có cảm nhận gì về một dòng phim mới của điện ảnh Việt?

- Tôi đã xem “Cánh đồng bất tận” và “Bi, đừng sợ” - những bộ phim có cảnh quay rất đẹp, thông điệp sâu sắc. Tuy nhiên, câu chuyện quá buồn, vì thế dường như tôi gần như bị trầm cảm sau khi xem. Tôi yêu Việt Nam và hy vọng sẽ có nhiều thay đổi để mọi người có cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Tôi rất vui khi nghe tin hai diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc và Võ Thanh Hòa (phim “Cánh đồng bất tận”) đoạt giải Cánh diều Vàng dành cho Nữ diễn viên chính xuất sắc và Nam diễn viên phụ xuất sắc. Họ cho tôi hy vọng vào sự tiếp tục phát triển của điện ảnh Việt Nam.

- Anh có thể chia sẻ nhận xét của mình về khán giả Việt Nam với phim Việt? Theo anh, cần làm gì để điện ảnh Việt Nam đến gần hơn với công chúng?

- Tôi có hai con nhỏ, thường đi xem những bộ phim thiếu nhi nước ngoài cùng với các con. Thật tiếc là tôi chưa thấy có phim thiếu nhi Việt Nam được chiếu ở rạp gần đây. Tôi có cảm giác khán giả Việt Nam đã quen xem phim Mỹ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, sự ra đời của một số bộ phim hay trong thời gian gần đây đã góp phần kéo khán giả quay trở lại với phim Việt. Song hành với những đạo diễn gạo cội, gần đây có những đạo diễn trẻ tài năng. 

Để đưa điện ảnh Việt Nam đến gần với công chúng, cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa những nhà làm phim và các kênh truyền hình. Rất nhiều người muốn xem phim Việt mà không thể ra rạp chiếu phim, vì một số yếu tố như địa lý, hoặc thu nhập. Ở châu Âu, các kênh truyền hình thường hỗ trợ công việc sản xuất phim và sau khi phim đã chiếu ở rạp 1-2 năm, thì sẽ được chiếu trên truyền hình. 

- Xin hỏi anh về sự quan tâm của công chúng Đức đối với điện ảnh Đức? 

- Điện ảnh Đức đã trở nên lớn mạnh trong 20 năm qua. Có thể kể đến “Cuộc sống của những người khác” (The Lives of Others) đoạt giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 2007 và “Phía bên kia chân trời” - giải Kịch bản phim xuất sắc trong LHP Cannes 2008. Các nhà làm phim đang tập trung khai thác đề tài lịch sử như tuần cuối cùng của Hitler hoặc phong trào khủng bố những năm 70 của thế kỷ trước. Những năm gần đây, phim Đức chiếm khoảng 20% thị phần ở các rạp, đây là một thành công lớn. Chính phủ Đức đã thành lập quỹ hỗ trợ cho các bộ phim hay. Người Đức hiện nay cũng thích xem phim Đức, nhưng người đến rạp chủ yếu là giới trẻ, người lớn tuổi thích xem DVD. Một kênh phân phối phim hiệu quả hiện nay tại Đức chính là internet. 

Các đạo diễn Đức gần đây thành công ở nhiều thể loại nên có thể thu hút nhiều hơn sự quan tâm của các tầng lớp độc giả, tiêu biểu là phim hài và phim thiếu nhi. Có một giai đoạn, các nhà điện ảnh tập trung làm phim thiên về nghệ thuật nhưng không được đông đảo công chúng đón nhận. Vì thế, họ đang quay lại với các chủ đề gần gũi với công chúng.

- Xin chân thành cảm ơn!

Thi Thi  thực hiện 

Không có nhận xét nào: