Đáp lại các luận điểm trong cuốn The End of History and the Last Man được Francis Fukuyama viết năm 1992, Samuel Huntington đã phát triển tiểu luận “Sự va chạm giữa các nền văn minh”
năm 1993 trên tạp chí Foreign Affairs. Năm 1996, tiểu luận được phát
triển thành cuốn sách thu hút hàng tỷ người đọc và tranh luận sôi nổi
trong nửa sau thập kỷ 1990. Cho đến ngày nay, cuốn sách vẫn có ảnh hưởng
rất lớn trong giới chính trị và nghiên cứu. Dưới dây là trích dẫn một
số luận điểm cơ bản trong tiểu luận.
Chính trị thế giới đang tiến vào một giai
đoạn mới, và giới học giả đã không ngại ngần tiên đoán về sự kết thúc
của lịch sử, sự trở lại của các quốc gia thù địch truyền thống, và sự
suy tàn của các quốc gia dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa bộ tộc và chủ
nghĩa toàn cầu. Mỗi góc nhìn này đều phản ánh những khía cạnh khác nhau
của thực tế đang diễn ra. Tuy nhiên, một điểm cực kì trọng yếu về vận
mệnh chính trị thế giới trong tương lai đã bị bỏ sót.
Tôi cho rằng nguồn gốc của những mâu
thuẫn trong thế giới mới (sau Chiến tranh lạnh) sẽ không chủ yếu xoay
quanh vấn đề hệ tư tưởng hay kinh tế. Mà sự chia tách lớn của xã hội
loài người và nguồn gốc cơ bản của mâu thuẫn sẽ nằm ở yếu tố văn hóa.
Các quốc gia sẽ vẫn là những diễn viên chính trong các câu chuyện thế
giới, nhưng những mâu thuẫn chính trị cơ bản sẽ xảy ra giữa các quốc gia
hoặc các nhóm văn hóa khác nhau. Sự va chạm giữa các nền văn minh sẽ
chiếm lĩnh trường chính trị thế giới. Ranh giới giữa các nền văn minh sẽ
là ranh giới của các cuộc chiến tranh trong tương lai.
Mâu thuẫn giữa các nền văn minh sẽ là giai đoạn tiến hóa cuối cùng của xã hội hiện đại…
Trong suốt thời kỳ Chiến Tranh lạnh, thế
giới được chia thành Thế giới 1, Thế giới 2, và Thế giới 3. Sự phân chia
này giờ đây không còn phù hợp. Việc nhóm các quốc gia theo đặc điểm văn
hóa và văn minh sẽ phù hợp hơn nhiều so với dựa trên thang đo chính trị
hay kinh tế.
Vậy nền văn minh mà chúng ta đề cập là
gì? Một nền văn minh chính là sự nhận dạng văn hóa. Làng mạc, vùng địa
lý, nhóm dân tộc, quốc tịch, nhóm tín ngưỡng, tất cả đều có những văn
hóa đặc trưng ở các mức khác nhau trong sự đa dạng về văn hóa… Một nền
văn minh là một nhóm lớn nhất những người tương đồng văn hóa, và ở nghĩa
bao hàm nhất, nền văn minh phân biệt loài người với những loài động vật
khác.
Một nền văn minh có thể bao gồm một nhóm
rất nhiều người hoặc chỉ một nhóm nhỏ… Một nền văn minh cũng có thể bao
gồm nhiều quốc gia (như văn minh Phương Tây, Mỹ Latinh, Ả-rập) hoặc chỉ
là một quốc gia (như văn minh Nhật Bản). Các nền văn minh có thể trộn
lẫn hoặc đan xen với nhau, và có thể bao gồm cả nền văn minh nhánh… Các
nền văn minh luôn vận động; phát triển và suy tàn; phân phia và kết hợp.
Các nền văn minh có thể biến mất và bị chôn lấp dưới cát bụi thời gian…
Khác biệt văn minh sẽ ngày càng trở nên
quan trọng trong tương lai và thế giới sẽ được sắp xếp thông qua tương
tác giữa 8 nền văn minh lớn: Phương Tây, Khổng Tử, Nhật Bản, Hồi Giáo,
Hindu, Chính thống, Mỹ Latinh, và có thể cả văn minh Châu Phi. Mâu thuẫn
quan trọng nhất trong tương lai sẽ nổ ra ở ranh giới phân chia các nền
văn minh vì những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, khác biệt
trong các nền văn minh không chỉ tồn tại thực, mà còn rất cơ bản. Những
nền văn minh được phân biệt bằng lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa, truyền
thống, và quan trọng nhất là tôn giáo. Con người thuộc các nền văn minh
có cách nhìn khác nhau về Chúa và con người, cá nhân và nhóm, công dân
và nhà nước, cha mẹ và con cái, chồng và vợ, và những nhìn nhận về tầm
quan trọng của quyền lợi và trách nhiệm, tự do và luật pháp, bình đẳng
và cấp bậc. Những khác biệt này là sản phẩm của nhiều thế kỷ lịch sử và
sẽ không sớm biến mất. Những khác biệt này cơ bản hơn nhiều so với những
khác biệt về hệ tư tưởng và bộ máy chính trị. Những khác biệt không
nhất thiết nghĩa là mâu thuẫn, và mâu thuẫn không nhất thiết mang nghĩa
bạo lực. Mặc dù vậy, qua nhiều thế kỷ, những khác biệt văn minh đã tạo
ra những mâu thuẫn bạo lực kéo dài chưa từng có.
Thứ hai, thế
giới đang trở nên chật chội hơn. Những tương tác giữa con người thuộc
những nền văn minh khác nhau ngày càng tăng; những tương tác tăng cường
này nhấn mạnh ý thức văn minh và sự khác biệt giữa văn minh và tương
đồng bên trong các nền văn minh. Người Bắc Phi di cư đến Pháp tạo ra sự
thù địch của người Pháp và cùng lúc tạo ra sự chấp nhận của những người
theo đạo Thiên chúa Châu Âu “tốt bụng”. Người Mỹ phản ứng tiêu cực hơn
nhiều với đầu tư của Nhật Bản so với đầu tư từ Canada và Châu Âu. Nói
theo cách của Donald Horowitz, “Ở Lagos, một người Ibo vẫn là người Ibo.
Ở London, anh ta là người Nigeria. Còn ở New York, anh ta là người Châu
Phi”…
Thứ ba, các quá trình hiện đại hóa kinh tế và thay đổi xã hội trên thế giới đang tách con người khỏi những đặc điểm địa phương đã tồn tại từ lâu đời. Những quá trình
này cũng làm suy yếu các quốc gia với vai trò là một nguồn tạo ra khác
biệt. Trên thế giới tôn giáo đang dần san lấp khoảng trống này, thường
dưới dạng phong trào nền tảng (Fundamentalist). Những phong trào như vậy
xảy ra đối với đạo Cơ đốc giáo Phương tây, đạo Do Thái, Đạo Phật, Đạo
Hindu, và cả đạo Hồi. Ở hầu hết các quốc gia, và hầu hết các tôn giáo,
những người hoạt động mạnh trong các phong trào nền tảng là những người
trẻ tuổi, có học, kỹ thuận viên thuộc tầng lớp trung lưu, người có
chuyện môn, và doanh nhân… Sự trỗi dậy của của tôn giáo, theo Gilles
Kepel, cung cấp nền tảng cho sự nhận diện và cam kết nhằm thay đổi ranh
giới giữa các quốc gia và kết hợp các nền văn minh.
Thứ tư, sự
tăng cường ý thức văn minh được củng cố bởi vai trò kép của Phương tây.
Một mặt, Phương tây đứng trên đỉnh quyền lực. Mặt khác, xu hướng trở về
cội nguồn đang xảy ra ở những nền văn minh phi Phương tây. Càng ngày
chúng ta càng nghe nhiều những thứ như hướng nội như “Châu Á hóa” ở Nhật
Bản, “Hindu hóa” ở Ấn Độ, sự thất bại của tư tưởng Phương tây về chủ
nghĩa xã hội và chủ nghĩa dân tộc và do đó là sự tái sinh của chủ nghĩa
hồi giáo ở Trung Đông, và cuộc tranh cãi giữa Tây hóa hay Nga hóa trong
nhiệm kỳ của Thủ tướng Nga Boris Yeltsin. Phương Tây đang đối mặt với
ham muốn lập lại trật tự thế giới theo cách phi Phương tây ở những nơi
khác…
Thứ năm, đặc
điểm và những khác biệt văn hóa càng ít biến đổi hơn và do vậy càng khó
thỏa hiệp và giải quyết hơn so với những đặc điểm chính trị và kinh tế.
Trong Liên bang Xô Viết cũ, người thuộc phe cộng sản có thể trở thành
người thuộc đảng dân chủ, người giàu có thể thành người nghèo, nhưng
người Nga không thể biến thành người Estonia, và người Azeria không thể
biến thành người Armenia. Trong mâu thuẫn về tầng lớp và hệ tư tưởng,
câu hỏi chủ đạo là “Anh thuộc phe nào?” và người ta có thể chọn và thay
đổi phe mình muốn. Nhưng trong mâu thuẫn về văn minh, câu hỏi là “Anh là
cái gì?” Thứ đã được chọn không thể được thay đổi. Và như chúng ta đã
biết, từ Bosnia đến Caucasus đến Sudan, câu trả lời sai có thể nghĩa là
một viên đạn nát đầu. Thậm chí cao hơn vấn đề chủng tộc, tôn giáo phân
biệt rất sâu sắc giữa người với người. Một người có thể mang nửa dòng
máu Pháp, một nửa Ả-rập và cùng lúc là công dân của cả hai quốc gia.
Nhưng rất khó để vừa mang đạo Cơ Đốc vừa mang đạo Hồi.
Cuối cùng, chủ
nghĩa khu vực kinh tế ngày càng phát triển. Tỉ lệ thương mại nội khối
từ năm 1980 đến 1989 tăng lên từ 51% lên 59% ở Châu Âu, tăng từ 33% lên
37% ở Đông Á, và từ 32% lên 36% ở Bắc Phi. Tầm quan trọng của các khối
kinh tế có xu hướng gia tăng trong tương lai. Một mặt, chủ nghĩa khu vực
kinh tế thành công sẽ đẩy mạnh ý thức văn minh. Mặt khác, chủ nghĩa khu
vực kinh tế sẽ chỉ thành công nếu xuất phát từ nền văn minh chung. Cộng
đồng châu Âu tồn tại dựa vào sự tương đồng văn hóa và Cơ đốc giáo
Phương tây. Thành công của Khu vực tự do Thương mại Bắc Mỹ phụ thuộc vào
sự hội tụ văn hóa của Mexico, Canada và Mỹ. Nhật Bản, trái lại, đang
phải đối với những khó khăn khi xây dựng một thực thể kinh tế ở Đông Á
bởi vì Nhật Bản là một xã hội và nền văn minh độc nhất…
Sự va chạm giữa các nền văn minh xảy ra ở
hai cấp bậc. Ở cấp bậc nhỏ, những nhóm cạnh nhau giữa những nền văn hóa
đấu tranh với nhau nhằm kiểm soát lãnh thổ. Ở cấp bậc lớn, các quốc gia
thuộc những nền văn minh cạnh tranh với nhau để đạt quyền lực về quân
sự và kinh tế, các tổ chức quốc tế, và các bên thứ ba, và đẩy mạnh những
giá trị chính trị và tôn giáo của mình.
SAMUEL HUNTINGTON
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét