Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Vân dã trà

Người xưa có câu: Giàu vì bạn, sang vì vợ. Tôi thì chưa vợ nên giờ mới thấy "giàu vì bạn, sang vì bạn". Nói thế là vì đôi khi cũng được mấy ông bạn vong niên ưu ái nên hay đưa tên mình vào trong các tác phẩm của họ. Có người tặng cả tranh chân dung nữa. Nghĩ lại cũng thấy sướng. Hi hi. Bạn bè của tôi đa số đều là đệ tử của thầy Lưu Linh, duy nhất có lão đồ gàn này là không hề biết đến bia rượu (chắc là ngửi sẽ say mấy ngày?), chỉ nghiện ngập mỗi...trà. Đã thế lão lại rất khó tính trong việc uống trà. Thế nên mỗi lần gửi trà cho lão là tôi lại thấy lo lo, chỉ sợ lão không thương lại còn chửi mình nữa. Nhưng mà hôm nay vào nhà lão, mới thấy lão cũng không đến nỗi đểu cáng đến vậy, dù sao cũng biết nịnh nọt đôi chút. Không cần biết lão nịnh thật hay giả vờ thì tôi vẫn cứ thấy thích. Bởi dù gì lão cũng biết cách làm sang cho bạn của lão. Lại còn đặt tên cho loại trà mà tôi đã cất công mang sang tận nơi cho lão nữa. Đa tạ lão đồ gàn nhé...
------------------------------------------  
Anh thằng Trịnh Quốc Dũng tên Vân, là một nhà đầu tư lớn ở Việt Nam. Tháng bảy năm ngoái qua thăm hắn, và có ghé lại Hamburg thăm mình. Thằng Dũng biết tính mình, không có tiền là chuyện nhỏ như con thỏ, không có Đờn Bà vẫn nhởn nha như con gà, nhưng không có trà là vật vờ như con ma.

Bởi thế, hắn đã bảo anh hắn thủ sẳn trà mạn đặc biệt từ Việt Nam sang biếu mình khi đến Hamburg. Hắn nói, hắn thích nhìn mình, thấy trà là mắt long lanh lòng lành, lúng la lúng liếng, lơi lơi lả lả, lướt lướt lê lê, líu lô líu la, lăm le lọc lõi, lanh lẹ hẳn lên.

Anh Vân nhà hắn, mang sang biếu mình một ký Thái Nguyên hiệu là Tuấn Trà. Hôm đó mình và hai anh em hắn hẹn gặp nhau ở quán Đu Đủ Xanh, là cái quán Việt, nơi mình thường găm ở đó mấy bộ ly tách và vài thứ trà mạn mà mình thích, phòng khi có việc đến Antona, ghé vào đó ăn phở hoặc lẩu nấm, rồi pha trà uống luôn thể. Phở ở đây ngon cực, tuy là nấu kiểu phở Bắc, nhưng theo cảm nhận riêng của mình, thì phở của quán Đu Đủ Xanh thuộc vào loại đệ nhất Hamburg.

Mình ghiền phở, phở ở đây bá chấy vậy, nhưng chỉ trừ khi thèm quá mình mới ghé lại mần một tô thôi. Không phải là vì đắt đâu. Bọn này bán hàng, giá cả cũng phải chăng lắm. Nhưng khốn nổi, mỗi lần mình ghé ăn, bọn chúng không lấy tiền. Mình nói, chuyện gì ra chuyện nấy, quen biết, ân nghĩa khi khác tính, bọn bây làm ăn, tao là khách hàng, ăn bánh thì trả tiền đó là nguyên tắc. Mấy người bồi tặc lưỡi nói, chủ dặn vậy, đứa nào lấy tiền của ông thầy, đuổi, bọn em dám sao. Mình nghe nói thế, văng tục, lầu bầu, thế thì bố thằng nào dám đến ăn nữa, hóa ra ăn chực à.

Nói vậy, nhưng một tháng mình cũng ghé lại dăm ba lần, và chỉ ngồi uống trà thôi chứ nhất định không ăn, thèm phở nhỏ cả dải, nhưng cũng phải đành xực phở ngó, ăn rồi mất công mang nợ, phiền thân. Uống trà xong, đến quán Việt khác gần đó kêu tô phở đặc biệt ăn bù. Vừa ăn, vừa tụng, không giống mà giống, giống nhưng không giống, phở phở cũng là cơm cơm, cơm cơm cũng là phở phở, ăn như không ăn, không ăn cũng như ăn ...hehehehehe

Hôm ngồi cùng anh em nhà thằng Dũng, pha ấm Tuấn Trà uống chung. Lão Vân hỏi, anh thấy trà ra sao. Mình bảo, uống được, khá hơn loại trà "uống phí mồm" một chút. Lão Vân sa sầm nét mặt, nói, đấy là danh trà Hà Nội đấy. Mình trả lời, người Hà Nội dạo này ít ai biết uống trà nhể. Lão Vân có vẻ giận, nhưng thằng Dũng thì gật gù, anh đừng có nghe lão Đồ nói, nghe lão văng miểng có khi tức chết đi được, cứ nhìn cái tướng lão Đồ khi uống, mắt lờ đờ, môi chắp chắp, cổ rên hừ hừ là biết lão khen chê thật lòng hay không thôi.

Anh thằng Dũng, bận đó có vẻ hận mình, về Việt Nam, lên tận đâu trên chót mạn Hòa Bình, đi mấy ngày đường vào tận trong vùng đèo heo hút gió, tận tay hái lá trà búp trên các cụ trà mấy trăm năm tuổi, về tự sao lấy cho chắc ăn, rồi gửi sang cho mình, bảo, cho lão í biết thế nào là lễ độ của Người Hà Nội uống trà ra sao.

Nhận được trà này, mình pha thử uống, thấy hương trà thoang thoảng mùi núi đồi hoang dã, uống vào cảm thấy ngây ngây một nỗi nhớ mơ hồ nào đó, vừa đằm thắm, vừa hoang dại, nghe như có một dòng nguyên sơ bãng lãng đâu đó trong máu thịt, dìu dịu dâng lên trên môi. Vì vậy mà mình đặt tên cho loại trà này là Vân Dã Trà. Vừa để đánh khắc dấu ấn về tên người tặng trà, vừa mô tả làn hương ngan ngát bồng bềnh như đám mây vô định miên trôi trên một vùng sơn cước nào đó.

Chả biết vì sao, mình cho một vài người bạn trà uống thử, không ai có cảm giác như mình. Ngay cả lão Cảnh, một cao thủ trà đạo bên Đan Mạch, cũng chỉ mường tượng là có mùi vị khác lạ, đặc biệt chứ không nhận va được vẻ hương đồng cỏ nội của loại trà này.

Chủ nhật vừa rồi, có mấy người Đàn Ông chở vợ từ Flensburg đến chỗ mình khám bệnh. Mình thấy gương mặt ai cũng có vẻ đẫm tràn hạnh phúc và bình yên.

Mình nghĩ, có được thần khí này chắc là cũng loại biết thưởng trà, nên pha ra ba ấm trà, ba loại khác nhau mời họ uống. Vân Dã Trà, Trà Tuyết Mao Sơn, và Trà Sen Bảo Lộc.

Ba người chọn Trà Sen và tấm tắc khen ngon, một người uống trà Tuyết, bảo trà này chát lạ. Vân Dã Trà không ai thích, nên chỉ có một mình mình uống

Mấy hôm nay, tự nhiên thích ra biển. Mỗi lần ra biển về, lòng lại thấy buồn buồn là lạ. Mình sợ có gì bất an, nên bỏ biển vào rừng hái hoa dại về ướp làm tranh.

Mang theo ly tách và nước sôi, vào rừng pha Vân Dã Trà uống mới càng cảm thấy Vân Dã Trà càng độc đáo. Mùi hương của loại trà này, có thể thấm vào vùng ký ức của não bộ, cho nên uống Vân Dã Trà, vừa có cái gì đó miên man, vừa có cái gì đó khắc khoải, nửa như lâng lâng hoài niệm, nửa như cồn cào khao khát. Càng uống càng thấy có một nỗi mơ hồ như nỗi buồn không tên, man mác mà dịu ngọt, thăm thẳm mà phiêu bồng, hoang sơ mà gần gũi, vắng lặng mà nhiên bình..

Mình biết để có cảm giác này khi cùng uống Vân Dã Trà, chắc không có ai có thể đồng điệu đâu, vì vùng ký ức của mỗi người có một chân trời riêng. Vì vậy mình đành xếp chiếc hộp đựng trà vào cái kệ được phân loại là loại trà Độc Ẩm....


Thuận Nghĩa (Hamburg)

Không có nhận xét nào: