Có một lần bên chiếu rượu ở nhà Hoàng Phủ
Ngọc Tường, bàn chuyện thơ như thế nào gọi là hay, nhà thơ Phùng Quán
đi ra bếp, xách một con dao thái thịt cán dài, lưỡi sắc lẹm sáng lóa
vào, để con dao xuống giữa mâm rượu rồi phán: “Mỗi thi hữu đọc hai câu
thơ, Thơ ai không hay sẽ bị chém !”. Phùng Quán vuốt râu bảo: “Ngộ đọc
trước nhé”. Rồi anh đọc: “Mười tám tuổi / Tôi phá thập tự làm nỏ / Năm mươi tuổi / Tôi đẽo nỏ làm thập tự”.
Mọi người vỗ tay. Sau Phùng Quán, không ai dám đọc nữa. Không phải vì sợ chém, mà vì không dám tin thơ mình là hay. Hoàng Phủ Ngọc Tường bỗng đằng hắng lên giọng: “Ngộ chỉ đọc một câu thôi”: Tôi nhớ nơi kia có một chỗi ngồi… Mọi người lại vỗ tay. Sau màn đọc thơ “dễ sợ” ấy, Phùng Quán kể: “Có một cái Tết mình theo mọi người đi lễ chùa Hà. Sau khi sửa soạn đồ lễ, thắp nhang, khấn: “Cầu Phật cho con năm nay làm được bài thơ hay”. Tự nhiên Phật sống lại, tay lần tràng hạt, cười khà khà: “Chà, cái mà Nam Trần cầu xin, ta cũng ao ước hoài mà không được. Nam Trần biết chỗ nào cầu linh ứng mách cho ta với!”. Thì ra thơ hay thì thần linh cũng ước chứ riêng gì người trần. Có đại hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trinh Đường lúc đó ở tuổi xấp xỉ tám mươi, để làm tập tuyển Thơ với lời bình (thế kỷ XX), ông len lỏi giữa các hàng ghế đại biểu để phát cho mỗi nhà thơ một mảnh giấy ghi câu hỏi:“Làm thế nào để có thơ hay?” và “chép cho một bài thơ hay tự chọn”. Năm sau, cuốn sách Thơ với lời bình do anh Trinh Đường biên soạn ra đời. Tôi đọc kỹ các bài thơ hay tự chọn của các tác giả mới té ngửa ra rằng, thơ một số tác giả tự cho là hay lại không hay bằng bài thơ của ông mà người yêu thơ thuộc.
Mọi người vỗ tay. Sau Phùng Quán, không ai dám đọc nữa. Không phải vì sợ chém, mà vì không dám tin thơ mình là hay. Hoàng Phủ Ngọc Tường bỗng đằng hắng lên giọng: “Ngộ chỉ đọc một câu thôi”: Tôi nhớ nơi kia có một chỗi ngồi… Mọi người lại vỗ tay. Sau màn đọc thơ “dễ sợ” ấy, Phùng Quán kể: “Có một cái Tết mình theo mọi người đi lễ chùa Hà. Sau khi sửa soạn đồ lễ, thắp nhang, khấn: “Cầu Phật cho con năm nay làm được bài thơ hay”. Tự nhiên Phật sống lại, tay lần tràng hạt, cười khà khà: “Chà, cái mà Nam Trần cầu xin, ta cũng ao ước hoài mà không được. Nam Trần biết chỗ nào cầu linh ứng mách cho ta với!”. Thì ra thơ hay thì thần linh cũng ước chứ riêng gì người trần. Có đại hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trinh Đường lúc đó ở tuổi xấp xỉ tám mươi, để làm tập tuyển Thơ với lời bình (thế kỷ XX), ông len lỏi giữa các hàng ghế đại biểu để phát cho mỗi nhà thơ một mảnh giấy ghi câu hỏi:“Làm thế nào để có thơ hay?” và “chép cho một bài thơ hay tự chọn”. Năm sau, cuốn sách Thơ với lời bình do anh Trinh Đường biên soạn ra đời. Tôi đọc kỹ các bài thơ hay tự chọn của các tác giả mới té ngửa ra rằng, thơ một số tác giả tự cho là hay lại không hay bằng bài thơ của ông mà người yêu thơ thuộc.
Bây giờ người làm thơ đông như quân
Nguyên. Hội Nhà văn ước khoảng 700 hội viên thơ, mỗi tỉnh có một Hội nhà
văn hoặc trực thuộc Hội Liên hiệp tỉnh. Hội nhà văn Huế nơi tôi sinh
hoạt hiện có 85 hội viên, chủ yếu là thơ. Tính ra, 64 tỉnh thành có
khoảng 4.000 nhà thơ “hội tỉnh”. Ngoài ra còn có Hội thơ Đường Luật,
Hội thơ Việt Nam, hàng chục Hội thơ cựu chiến binh, rồi những người làm
thơ không thèm vô hội, tính ra cả nước ta có cả vài vạn nhà thơ ! Đúng
như ai đó nói Việt Nam là cường quốc thơ. Cứ năm bảy ngày, tôi nhận được
1 tập thơ các tác giả khắp nơi gửi biếu. Phải nói Việt Nam đang được
mùa thơ. Có rừng ắt có cây cao. Có nền ắt có cái đỉnh . Mừng lắm chứ.
Nhưng vấn đề nhiều người đang băn khoăn
là chất lượng thơ. Có người bảo thơ Việt ta bữa nay không hay bằng thơ
các cụ xưa. Có nhiều thơ hay chứ . Như thơ Thi Hoàng, Trần Nhuận Minh
chẳng hạn . Hiện nay vợ chồng anh Nguyễn Nguyên Bảy – Lý Phương Liên
cùng với các nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Lê Xuân Đố, Thanh Tùng, Nguyễn Thái
Sơn ở Sài Gòn đang tuyển chọn và in ấn “bộ sách Thơ bạn Thơ ,
toàn thơ hay vủa nhiều tác giả. Tập 1 đã in xong. Nếu in xong bộ sách
này, người đọc sẽ được đọc hàng ngàn bài thơ hay. Mới đây, có cuộc tọa
đàm “Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều”, do Viện văn
học tổ chức. Đã là Viện văn học tổ chức tức là chính danh quốc gia đại
sự rồi. Trong cuộc đó, ai cũng khen thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
hay với nhiều góc độ nghiên cứu khác nhau. Nhưng lại có một luống ý kiến
đông đảo khác, đa phần là trên mạng lại chê thơ Nguyễn Quang Thiều.
Người khen là nhà phê bình, nhà văn thứ thiệt. Người chê cũng là nhà
văn, nhà thơ, nhà phê bình có danh hẳn hoi. Người thì bảo: “Thơ Thiều là
thơ ghép chữ, tôi có thể làm một ngày chục bài”. Viện văn học khen vì
“lợi ích nhóm” (theo từ ngữ kinh tế). Người thì khen hết lời, thơ ấy là
thơ hiện đại, đương đại, là cái “đỉnh” của thơ Việt hiện nay.v.v… Vậy
thì tin vào ai bây giờ ?
Thôi thì về với Hồn thơ Việt vậy.
Tất nhiên, mặc kệ khen che thế nào, thơ
vẫn cứ sống cuộc đời của nó trong đời sống văn học. Nó vào được lòng
người thì tồn tại lâu dài, không thì nó chết yểu, dù bất cứ trường phát
nào. Hội nhà văn Việt Nam đã trao giải thưởng tác phẩm thơ từ mấy chục
năm nay. Có năm vài ba cuốn. Thơ được Hội đồng thơ Hội thẩm
định , nhưng sao hàng chục tập thơ được trao giải ấy, đến bây giờ chẳng
ai nhớ. Thậm chí tên sách cũng không nhớ, nói gì đến từng bài thơ !
Trong lúc đó những bài thơ Cây tre Việt Nam, Bầu trời vuông của Nguyễn Duy, hay Khoảng trời hố bom, Đường ở Thủ đô của Lâm Thị Mỹ Dạ, được giải thưởng báo Văn Nghệ từ 40 năm trước, người ta vẫn nhớ. Hay tập thơ Bức tranh quê của
Anh Thơ được Tự Lực văn đoàn trao giải từ năm 1939, bây giờ vẫn còn
nhiều người thuộc. Sự trớ trêu này thuộc trách nhiệm của ai ? Có điều gì
đó không ổn trong các kỳ trao giải thơ. Hoặc thẩm định không chính xác,
hoặc bị các hấp lực ngoài thơ chi phối ? Trao giải không công tâm, công
bằng thì không những công chúng không phục mà ảnh hưởng rất xấu đến sự
phát triển của nền thơ chung.
Khoảng 20 năm trước, ở Huế xuất hiện
“hiện tượng Văn Cầm Hải” với loại “thơ khó”. Ai cũng bảo: “Đọc đi đọc
lại chẳng hiểu nó nói gì ?”. Nhưng Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch
và tôi thì ủng hộ hết lòng để cho tập thơ “Người đi chăn sóng biển “ của Hải ra mắt bạn đọc. Tôi rất yêu những câu thơ của Hải như: Trên
da bụng em nườm nượp tiếng khóc… nỗi đau vo ve từng hạt máu…//Đời chị /
như viện bảo tàng / có đầy mặt nạ đàn ông..//Lá rụng rồi vẫn còn nhả
máu… Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thì thốt lên “ Đây là một lối tư duy
khác, một cách lập ngôn khác, một điệu nhạc khác‘. Thơ Văn Cầm Hải có
tứ, có câu hay : Không ăn bóng một thời đã qua. Hay thơ Đinh Thị Như Thúy, cô giáo ở Đắc Lắc. Tháng 6- 1999, tôi đã giới thiệu trang thơ Đinh Thị Như Thúy trên báo Thừa Thiên Huế cuối tuần, tôi còn nhớ câu thơ Thúy rất hay : dường như trong tóc em / vệt môi anh còn ấm. Bây giờ, thơ Thúy vẫn vậy, nhưng phóng túng hơn: đã quá lâu rồi / chúng ta không làm sao chạm được tay mình vào tay những người yêu dấu…hay ngày thì dài câu thơ dang dở / em làm sao có thể ngủ yên…Thơ Thúy không thuộc loại ‘thơ khó’
, nhưng chưa có câu thơ lạ, chưa có bài thơ toàn bích. Kể lể như thế để
nói rằng, tôi không phản đối bất cứ trường phái, hình thức thơ nào,
trừu tượng, siêu thực, hậu hiện đại, đương đại.v.v..đều đọc, đều thích ,
miễn là thơ hay, thơ bám vào trí nhớ, đọng lại trong lòng…
Đã là người viết /đọc Việt thì thơ phải
mang hồn vía Việt. Đọc thơ đương đại bây giờ bỗng thấy lo lo. Nhiều
người làm thơ vừa khó hiểu, câu chữ nhiều mà ít ý, không rõ tứ, tức là
cái đích đến của bài thơ không rõ. Có người cho rằng thơ chỉ cần một
người hiểu , hay thơ không cần ai hiểu. Hay thơ chỉ cần cách biểu cảm, chứ không cần cái biểu cảm
. Đó là ngụy tạo. Thơ là sự chia sẻ, giải bày. Làm thơ mà không cần sự
chia sẻ, giải bày thì làm thơ để làm gì ? Tôi thấy thơ có nhiều yếu tố
rất giống bóng đá . Xem Euro 2012 , tôi thấy lối đá tiqui-taca của Tây
Ban Nha chuyển banh lắt léo, rồi bất ngờ tung một cú chọc khe sắc lẻm và
ghi bàn. Nếu không ghi được bàn thì tiqui-taca dù huyền ảo đến mấy cũng
vứt. Phạm Tiến Duật là nhà thơ “lừa bóng “ rất giỏi mà ghi bàn cũng rất
giỏi. Trong bài thơ Tiểu đội xe không kính, nhà thơ dẫn ra rất nhiều thi ảnh :…Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng…/ Thấy sao trời và đột ngột cánh chim /Như sa, như ùa vào buồng lái, rồi bụi, rồi mưa…Cuối cùng để dẫn tới một cái kết bất ngờ : Chỉ cần trong xe có một trái tim. Đó là cú sút vào tim người chiến sĩ ra trận. Hữu Thỉnh trong bài thơ Năm anh em trên một chiếc xe tăng cũng
vậy. Những thi ảnh liên tiếp hiện quanh con số 5 và 1: Năm anh em- năm
cái tên- năm quả tim- năm bông hoa- năm ngón tay… Một chiếc xe tăng- một
bàn tay- một hướng- một màu rừng…, Để cuối cùng quả bóng được sút vào
tâm khảm độc giả là : Năm mà hóa một : Trên tháp pháo một ngôi sao màu lửa// Một ý chí bay qua đầu ngọn súng..Đó là sức mạnh của tứ thơ.Cái đích của thơ là lòng người. Không tới được đó thì thơ không có tác dụng gì.
Các cụ xưa thường dạy thơ phải ý tại ngôn ngoại. Thơ hay phải đủ các yếu tố : có tứ hay, ý thay, câu hay, chữ hay và quan trọng nhất là thơ phải có hồn. Ví như câu thơ Tôi nhớ nơi kia có một chỗi ngồi..của HPNT nói trên, không nói chỗ ngồi ở đâu, ai ngồi, đọc lên vẫn nghe hoài niệm xao lòng. Hay câu thơ của Nguyễn Du: Mai sau dầu có bao giờ…chỉ
là hư tự, chẳng có thi ảnh chi hết, mà đọc xong cứ ớn lạnh cả người.
Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Cung, những nhà thơ “Nhân văn” xưa vẫn là những
người luôn muốn làm mới thơ. Họ đã đưa thơ Việt từ việc “làm nghĩa” đến “làm chữ”. Đó mới là những người đổi mới thơ Việt đích thực. Trần Dần bảo:” Nếu thơ mà làm nghĩa thì chỉ có một nghĩa, nhưng làm chữ thì
sẽ có vô số nghĩa, lúc đó thơ sẽ đa nghĩa hơn. Lê Đạt gọi mình là “phu
chữ”. Trần Dần, người khổng lồ của thơ Việt hiện đại, có những bài thơ
rất ngắn, rất giản dị mà sâu đến tận đáy : Bài một câu : Mưa rơi không
cần phiên dịch; bài hai câu: Tôi khóc những chân trời không có
người bay / Lại khóc những người bay không có chân trời. Phùng Cung chỉ
làm thơ bằng lời quê , nhưng đó là thứ “chữ quê” kiệt xuất . Xin đọc vài
bài thơ ngắn của ông : Áo cũ gối đầu / Đêm tỉnh giấc / Sao khuya dạt chân rêu / Lạnh biếc / Bầu buông chày ngọc /Cõi Lam Kiều / Về bên góc sân con (Góc sân con); HayĐêm về khuya / Trăng ngả màu hoa lý / Tiếng gọi đò căng chỉ ngang sông (Đò khuya ); Quất mãi nước sôi / Trà đau nát bã / Không đổi giọng Tân Cương (Trà).v.v..Chao ôi là chữ ! Thế
mới là thơ hay và hiện đại chứ ! Tiếc là thơ « làm chữ » này chưa thành
một trào lưu mạnh, cho nên thơ Việt đến hôm nay đa phần vẫn theo lối làm nghĩ , Thơ hay mới là ý hay, ý mới, chứ ít chữ hay.
Nói về thơ hiện đại thì không ai hiện đại bằng Mãn Giác Thiên Sư ngàn năm trước : Sông cũng say theo thuyền rượu tới / Lối còn ngát mãi cánh hoa đi…Nhắc đến thơ hay, lại nhớ đến thơ siêu thực của nhà thơ liệt sĩ Ngô Kha ở Huế trong bài thơ nổi tiếng Ngụ ngôn của người đãng trí :
và than đá đã thức dậy
nghe gỗ hương nói thì thầm
những hạt cơm đen của mùa Đông
nghe gỗ hương nói thì thầm
những hạt cơm đen của mùa Đông
Thơ Hàn Mặc Tử là 100% hiện đại . Chế Lan Viên từng tuyên bố, trăm năm nữa, chỉ có thơ Hàn Mạc Tử là tồn tại :Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu / đợi gió đông về để lả lơi… Hiện đại trong thơ theo tôi hiểu là khám phá ra những ý thơ mới, chữ thơ
mới mà trước đó chưa ai nói tới, hay có những cấu trúc mới để câu thơ,
bài thơ thơ giản dị hơn mà chất chứa hơn Tôi không hiểu các nhà lý luận
thơ học và dạy thế nào, chứ riêng tôi thì tôi cứ nghĩ hiện đại thơ là
vậy. Cái hiện đại nhất là cái giản dị nhất: Núi vẫn đôi mà anh mất em(
Vũ Cao). Tôi ủng hộ bất cứ trường phái, hình thức thơ nào. Vì họ đang
đi tìm một con đường để thơ dễ hiểu hơn, Việt Nam hơn . Nhưng nhất định
trường phái, hình thức thơ mới không hoàn toàn đồng nghĩa với hiện đại,
càng không đồng nghĩa với thơ hay. Không được ngộ nhân và nhầm lẫn điều
này.
Cuối cùng xin nói đôi điều về chất thi sĩ của nhà thơ vàhồn thơ
trong mỗi câu thơ. Theo tôi đây là hai mặt của một vấn đề cốt lõi nhất
của thơ. Xuân Diệu có hai câu thơ “tự bạch” rất chính xác: Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ lắm / Chỉ biết yêu thôi chẳng hiểu gì.
Cái chất thi sĩ là vậy. Ngất ngưỡng, lãng tử, thích xê dịch, phát ngôn
trực cảm là cách sống của nhiều nhà thơ Việt Nam như Bùi Giáng, Phạm
Thiên Thư, Nguyễn Bắc Sơn, Phùng Quán, Thu Bồn, Trần Dần, Nguyễn Duy, Hà
Nhật, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hải Kỳ, Thi Hoàng, Trần Nhuận Minh, Nguyễn Trọng
Tạo, Lê Xuân Đố, Thạch Quỳ, Văn Đắc, Ý Nhi.v.v..Khờ khạo, ngu ngơ trong
cuộc sống , nhưng với thơ họ rất nhạy cảm, vì trong tâm trí họ không có
gì khác ngoài thơ. Thơ của những thi sĩ như thế đáng tin cậy hơn những
người vừa làm quan vừa làm thơ, vừa kiếm tiền làm giàu vừa làm thơ. Thơ
của thi sĩ đích thực nồng ấm trong từng câu chữ vì họ viết bằng tâm can
mình : Rồi lên ta uống với nhau. Rót đau lòng ấy vào đau lòng này (Trần Huyền Trân); hay Dăm pho sách cũ bên đầu / Tưởng như đang gối mối sầu cố nhân ( Hồng Nguyên); Hay… Sầu đong mái quán mưa tong tả/ Chén ứa men lành lạnh ngón tay//… Trôi dạt dám mong gì vấn vít / Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây..(Nguyễn Bính- Giời mưa ở Huế)
. Cái sự giải bày tâm can trong thơ ấy làm cho thơ có sức truyền cảm
mạnh , nó đi thẳng vào hồn người và ở lại đó, hơn ngàn lần những lời
phân tích, ngợi ca của các nhà phê bình. Chất thi sĩ ấy làm cho nhà thơ
bắt nhạy với cuộc sống , để có thơ. Nhà thơ là nhân vật chính của thơ
mình, nên số phận nhà thơ là chất liệu của thơ. Số phận chìm nổi, bị vùi
dập, hay những trắc trở cuộc đời , như là những vết chém vào thân phận
nhà thơ, như người ta chém lên cây dó để sinh ta trầm hương, kỳ nam. Đó
là cái gốc của thơ hay. Tuy nhiên từ chất thi sĩ đến ..thơ hay còn phải
có cái chí lớn, cái tình lớn hay nhỏ. Chỉ gặp một anh chiến sĩ giải
phóng xung phong và ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất trong Tết
Mậu Thân, Lê Anh Xuân có ngay tứ thơ Dáng đứng Việt Nam vô cùng xúc động và khát quát. Đó là sự bắt gặp của trực cảm thi sĩ và cái chí, cái tình lớn của nhà thơ.
Tôi hay được mời đọc thơ dự thi Tạp chí
Sông Hương . Đọc thơ của các tác giả gửi tới, tôi biết ngay người nào
viết bằng trí thông minh, người nào viết bằng trực cảm. Thơ viết bằng
trí thông minh ( gọi nôm na là soạn thơ) không có cái bổi hổi,
run rẩy trong từng con chữ, dù câu cú rất chuẩn xác. Nhưng đọc lại không
có cảm xúc, nó cứ trôi tuột đi. Còn thơ viết bằng trực cảm là thơ chân
thực, gọi là thơ tuôn ra từ trái tim thi sĩ…Đọc thơ của nhiều người làm
thơ hiện nay, tôi mường tượng rằng, họ cố nghĩ ra cái ý bài để phục vụ
đề tài này nọ, rồi ngồi lắp ghép ngôn ngữ, hình ảnh vào thành những bài
thơ. Thơ đó, cũng là một kiểu “thơ phải đạo” như giáo sư Hoàng Ngọc
Hiến gọi.
Huế, tháng 7 năm 2012
NGÔ MINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét