Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Nguyễn Huệ Chi và những dấu ấn khoa học sau hơn nửa thế kỷ nghiên cứu văn học cổ cận đại Việt Nam

VHNA: Mới đây, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa cho ra mắt cuốn Văn học Cổ cận đại Việt Nam, từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật – một tinh tuyển các bài viết trong vòng 50 năm nghiên cứu của chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực văn học Cổ cận đại Việt Nam: Giáo sư Nguyễn Huệ Chi.

Sách dày 1.200 trang, khổ, 16x20cm, cấu trúc gồm bốn phần hô ứng chặt chẽ, bám sát hệ thống tư duy khoa học lớp lang của nhà nghiên cứu: Phần một và hai của cuốn sách tập trung vào việc tiếp cận các hiện tượng văn học đặc thù của văn học Cổ cận đại Việt Nam. Phần thứ ba: tiếp cận các tiến trình văn học diễn ra trong suốt chặng đường mười thế kỷ của văn học dân tộc. Phần bốn tập trung tìm hiểu tư duy phương Đông và một vài đặc trưng văn học sử Việt Nam. Cả bốn phần đều là những nghiên cứu khoa học sâu kỹ, từ điểm nhìn văn hóa phương Đông và từ xu thế hướng tới hiện đại của tư duy thẩm mỹ, tác giả đã thông qua thao tác giải mã các “mã nghệ thuật” làm điểm tựa then chốt để đi sâu tìm hiểu, lý giải các hiện tượng, các tiến trình và các vấn đề được đúc lại thành lý thuyết của văn hóa văn học cổ Việt Nam, đặc biệt làm nổi bật hai dòng chính là văn học yêu nước chống Trung Quốc xâm lược và văn học mang đậm sắc thái chủ nghĩa nhân văn. Đây là một cuốn sách quý dành cho các nhà nghiên cứu chuyên sâu, các nghiên cứu sinh, sinh viên chuyên ngành về văn học, văn hóa cổ phương Đông và Việt Nam, và cho tất cả những ai yêu thích tìm hiểu truyền thống lâu dài của văn học dân tộc, cả những ai muốn tìm những kênh giao lưu tình cảm tư tưởng với tác giả trên những vấn đề có ý nghĩa lâu dài của đất nước. Ngoài phần chính văn, cuối bộ sách còn có một bảng tra cứu danh từ riêng về tác gia và tác phẩm được trích dẫn trong sách, có đối chiếu với ngôn ngữ nguyên gốc (tiếng Hán, Pháp, Anh, Nga, Đức, Hy Lạp...).

Sách do TS Đặng Thị Hảo tuyển chọn và giới thiệu, Giáo sư Vũ Khiêu đề dẫn, và được chính tác giả soát lại, bổ chính, nhất là bổ sung phần trích dẫn gốc (Hán văn, Pháp văn...) đã phải lược bớt do giới hạn số trang khi đăng trên các tạp chí chuyên ngành. Dưới đây Văn hóa Nghệ An Onlinexin đăng lại bài viết khá công phu của người tuyển chọn để bạn đọc có thể hình dung đôi nét khái quát về những đóng góp quan trọng của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đối với ngành nghiên cứu văn hóa văn học truyền thống của Việt Nam.
 
Với một lý lịch khoa học ở dạng trích ngang cũng đã dài đến vài trang giấy, mà ở đó, người ta không thấy có sự chuyển dịch của những địa danh công tác hay sự thăng tiến địa vị, mà chỉ thấy nổi lên một danh mục dày đặc những bài viết, công trình nghiên cứu, dịch thuật, chuyên luận do Nguyễn Huệ Chi viết hoặc chủ biên, đến thời điểm này, có thể nói một cách tự tin rằng đó là những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu văn học Cổ cận đại Việt Nam. Tuy nhiên sau một chặng đường dài hơn 50 năm miệt mài với vốn cổ, Nguyễn Huệ Chi đã cống hiến vào thành tựu chung của ngành nghiên cứu cổ văn những gì là một câu hỏi khó có thể trình bày trong một tiểu luận nhỏ. Phác vạch ra được một vài dấu ấn của thành quả nghiên cứu ấy cũng có thể xem là sở nguyện của người viết bài này.

1. Giải mã tác gia – tác phẩm, đề xuất các vấn đề lý thuyết 
Nguyễn Huệ Chi bắt đầu cầm bút nghiên cứu từ thuở còn là sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1957 và năm 1958, ở năm thứ hai và thứ ba Khoa Ngữ văn khi ấy, ông đã cùng một người bạn đồng học là Nguyễn Tư Hoành viết hai bài đăng chững chạc trên tập san Văn sử địa của Ban nghiên cứu Văn sử địa trung ương do GS. Trần Huy Liệu làm Trưởng ban, trong đó có một bài Có nên chữa lại các tác phẩm văn học trước Cách mạng tháng Tám hay không được Ban biên tập tờ tạp chí nghiên cứu học thuật duy nhất của miền Bắc lúc bấy giờ trang trọng ghi vào “yếu mục”. Và trong tháng Mười năm 2010, khi tác giả gặp PGS. Peter Zinoman, nhà Việt học người Mỹ ở Trường Đại học Berkley, Hoa Kỳ, ông Zinoman đã cất công tìm cho được bài báo ấy đưa ra để chứng tỏ ông đã “chú ý đến GS. Chi, người thích vận dụng lý thuyết để lật ngược các vấn đề văn học từ lâu lắm rồi”. Còn bài thứ hai thì cũng lạ, là bài phê bình bộ Văn học trào phúng Việt Nam của học giả Văn Tân, người nổi tiếng canh gác lập trường cho ngành khoa học xã hội miền Bắc một thuở, vậy mà nhà phê bình mới bước chân vào cuộc đời nghiên cứu có vẻ như đã dám phớt lờ hay bỏ ngoài tai những điều “cấm kỵ”: ông phản bác Văn Tân rằng thơ Hồ Xuân Hương tuy đề cập đến những hình ảnh gây cảm giác “tục” thật đấy, nhưng mục tiêu thẩm mỹ mà nó nhắm tới lại vuợt lên rất xa cái mà thế tục gán cho nó là “dâm” (nên nhớ nói đến thơ Hồ Xuân Hương, cho đến tận giữa những năm 80 thế kỷ XX hoặc muộn hơn nữa, ở miền Bắc vẫn là chuyện... “bất thường”). Có thể nói đối với văn giới, hai bài nghiên cứu đầu tiên đã làm người ta bắt đầu chú ý đến cái tên Nguyễn Huệ Chi dầu anh chỉ mới là một sinh viên “chân trắng”.

Nhưng không chỉ thích đặt lại vấn đề, phong cách ngày một định hình và gần như đeo đuổi suốt cuộc đời nhà nghiên cứu là luôn luôn lật đi lật lại những gì mình cất công tìm tòi suy nghĩ. Làm khoa học với ông là liên tục tự đối thoại với mình.

Vừa bước vào môi trường nghiên cứu ở Viện Văn học đầu năm 1961, thì tháng 6 năm ấy, Nguyễn Huệ Chi xuất hiện trên tập san Nghiên cứu văn học với bài Tìm hiểu nhân sinh quan tích cực trong thơ Cao Bá Quát. Đây là bài viết đầu tay về một tác gia văn học quá khứ – lại là một nhân vật có khối lượng di cảo thơ ở mức “quá khổ” (hàng ngàn bài thơ chữ Hán) khiến cho lớp nghiên cứu viên trẻ tuổi thời điểm đó chẳng mấy ai dám “xông” vào. Vẫn biết Cao Chu Thần lừng lững thật đấy, nhưng để phát hiện được thật chính xác cốt cách con người, tư tưởng, những cống hiến nghệ thuật siêu tuyệt của thơ ông thì đâu có dễ. Lấy nhân sinh quan làm điểm hội tụ cho cái nhìn nghệ thuật, Nguyễn Huệ Chi đã mạnh dạn đặt Cao Bá Quát trong mối tương quan với tầng lớp nho sĩ, trí thức cùng thế hệ và tự tin khẳng định: nhân sinh quan của Cao vượt trội so với mặt bằng chung của trí thức nửa đầu thế kỷ XIX – đó là một thái độ “nảy lửa” trước thống trị nhưng lại cũng là “cái nhìn tràn đầy yêu mến đối với nhân dân; có con mắt nhìn rất sâu vào từng khía cạnh của cuộc sống muôn vẻ, nhưng Cao lại cũng biết nhìn khái quát về tình trạng bi phẫn nói chung của hiện thực đuơng thời”([1]). Sau này, ông còn trở đi trở lại với đề tài Cao Bá Quát nhiều lần, bằng các cuộc giảng giải, trao đổi và các bài nghiên cứu công phu, mở rộng nhiều hướng tiếp cận, khẳng định thêm những luận điểm đã từng đề xuất, khơi sâu thêm đặc trưng nghệ thuật trong một số chùm bài tiêu biểu, đính chính đôi chi tiết trong tiểu sử hoặc một vài địa danh có liên quan đến việc hiểu đúng, sai một bài, thậm chí một câu thơ hay một thời đoạn trong hành trạng Cao Chu Thần. Rõ ràng, cuộc đời, sự nghiệp và thơ văn Cao Bá Quát, xoay quanh những điểm nhấn quan trọng nhất, đã ám ảnh tâm trí Nguyễn Huệ Chi suốt 50 năm. Từ các bài viết cắm mốc cho từng bước đi của ông, như: Nhân sinh quan Cao Bá Quát, Khí phách Cao Bá Quát, Tiếp cận nghệ thuật đối với hai chủ đề độc đáo trong thơ Cao Bá Quát([2]), v.v. đến thời điểm hiện tại, Nguyễn Huệ Chi có lẽ là một trong số ít nhà nghiên cứu, không phải với một công trình dài hơi mà chỉ bằng nhiều tiểu luận vài chục trang giấy tổng hợp lại, đã cấp cho chúng ta một diện mạo khó lẫn về con người tư tưởng, về tầm vóc nghệ thuật của Cao Chu Thần. Ông giúp ta thấm thía khát vọng tự do của một trí thức xuất chúng thông qua nội dung thông báo của thơ ca, gắn liền với những biến đổi hữu cơ trong kết cấu ngôn bản thơ ca, cả trong cách thay đổi âm vực và nhịp thơ độc đáo kỳ tài của con người đó.

Ý thức theo đuổi đến cùng một nhiệm vụ khoa học đã khiến Nguyễn Huệ Chi thường day dứt, nung nấu, viết và phản tỉnh lại những điều mình viết để sâu chín hơn trong nhận thức. Vì thế, trong số những bài nghiên cứu của ông, hiếm thấy ông đi lướt qua một đề tài gì chỉ có một lần, như trường hợp Cao Bá Quát vừa dẫn. Danh mục công trình của ông cho thấy thường xuyên một hiện tượng: cùng một chủ đề, ông viết tới vài ba tiểu luận, lần lượt giải quyết từng ngóc ngách trong “hố thẳm tư tưởng” của nhà văn, cật vấn, truy cứu các mã khóa nghệ thuật, các “nhãn tự” để tìm lời giải cho các đề xuất khoa học, đến khi không còn bận gợn nào nữa mới tạm dừng. Vì thế, mỗi bài viết mới là một bước tiến sâu hơn tới nhận thức khả tín, khiến người đọc có thể “bị” ông lôi cuốn vào “cái không khí” đọc đi đọc lại mà vẫn không thấy nhàm. Ví dụ: ông đã viết Niềm thao thức lớn trong thơ Nguyễn Trãi (1962); một năm sau khi đưa vào tập kỷ yếu Mấy vấn đề về sự nghiệp và thơ văn Nguyễn Trãi (NXB Khoa học xã hội, H., 1963) đã có bổ sung một số kiến giải chưa thấy trong bài viết cũ; rồi mười chín năm sau nữa tập hợp thành tuyển tập riêng ông lại sửa chữa, nâng cấp, trình ra một văn bản “như mới”([3]). Ông còn đi sâu vào Quân trung từ mệnh tập không chỉ ở phương pháp lập luận mà ở một điểm then chốt hơn: tìm hiểu học thuyết lô gích như là gốc rễ quán xuyến bút lực và tư tưởng triết học của Ức Trai. Có Nguyễn Bỉnh Khiêm nhìn từ một nhân cách lịch sử đến dòng thơ tư duy thế sự (TCVH, số 3 - 1986), lại có Phác họa tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm (viết chung), rồi Nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tạp chí Nhà văn, số 3 - 2000). Có Mấy suy nghĩ về thơ văn Lê Hữu Trác (TCVH, số 9 - 1964), sáu năm sau có tiếp Sức sống của thơ văn Lê Hữu Trác (in trong Kỷ niệm lần thứ 250 ngày sinh Lê Hữu Trác, NXB Y học, H., 1971), cùng năm ấy còn có Lê Hữu Trác và con đường của một trí thức trong cơn phong ba dữ dội nửa cuối thế kỷ XVIII (TCHV, số 6 - 1970)([4]), một sự hoàn kết của hai chặng tìm tòi đầu. Đồng tác giả Nguyễn Du và Thăng Long, vẫn chưa thoả mãn, ông lại tiếp tục khám phá, cho in bài viết tâm đắc: Biểu tượng đa nghĩa của Thăng Long trong thơ Nguyễn Du([5]). Ông phát hiện, sau mười năm gió bụi, Nguyễn Du càng ngày càng như mất hút dần về phương Nam, Thăng Long cũng vì thế trở nên xa vời theo ký ức. Nhưng càng xa Thăng Long, gần với Hồng Lĩnh, Nguyễn Du càng như nguời phải thường xuyên sống trong tâm trạng “ở hai đầu nỗi nhớ”. Nếu Nguyễn Du dành hai chữ “cố hương” cho Hồng Lĩnh và giãi bày điều đó trong dạng ngôn từ lộ, thì xem xét tinh hơn sẽ thấy nhà thơ đã dùng “cố quốc” để gọi Tràng An tuy cách gọi này không lộ mà kín. Và cả hai đều là một cặp đối ứng – một bên là biểu tượng nước, bên kia là biểu tượng nhà. Từ đó ông đã tìm ra “chìa khóa để ta hiểu một bài thơ khác hoàn toàn nói về Thăng Long mà không hề dùng đến một từ Thăng Long hay Trường An nào cả: bài Bát muộn – Xua nỗi buồn”,... Cứ thế, nhà nghiên cứu say mê luận giải  mã khóa nghệ thuật tiềm ẩn trong các biểu tượng thẩm mỹ, đem đến cho người đọc những trải nghiệm xúc cảm thú vị. 

Nhiều tác gia, tác phẩm khác – Trần Tung (1230 - 1291), Trần Quang Khải (1241 - 1294), Trần Nhân Tông (1258  - 1308), Trương Hán Siêu, Phan Bội Châu (1867 - 1940), Lê Quý Đôn (1726  - 1784), Tỉnh quốc hồn caGiai nhân kỳ ngộ diễn ca của Phan Châu Trinh (1872 - 1926), Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách (1896 - 1973), v.v. cũng thường xuyên được Nguyễn Huệ Chi khai thác từ thói quen “viết – nghiền ngẫm – viết tiếp” như vậy và đều là những công trình chứa đựng dung lượng học thuật sâu, chắc. Ông luôn tìm tòi từ các vấn đề mình khảo sát, những hạt nhân duy lý trong tư tưởng thẩm mỹ của tác giả biểu hiện ra ở các diễn ngôn nghệ thuật, để không chỉ cuốn cảm xúc khám phá đi sâu đi xa, làm bật nảy các tín hiệu ngôn ngữ giúp gợi mở một vài lời giải, một đôi chỉ dẫn có ích nào đó, để rồi cùng “vấn thoại” với độc giả theo các định hướng khoa học đầy tâm huyết của mình. Ông là người nếu không phải sớm nhất thì cũng thuộc loại rất sớm, đã biết để ý tới “hình thức luận” – tuy một cách không hẳn tự giác tiếp nhận.

Cẩn trọng, nghĩ đến nơi đến chốn và quyết liệt thẳng thắn là tác phong khoa học của ông. Ở ông không có một câu một chữ nào “viết tràn đi cho xong”. Đã bước vào lĩnh vực nào thì cố gắng phát hiện, đẩy vấn đề đến mức phải giải quyết thêm được một bước tiến nữa mới thôi. Mãn Giác và bài thơ Thiền nổi tiếng của ông; “Độngtĩnhcủa đất nước qua thơ các vị vua thi sĩ thời Trần; Trên đường đi tìm một văn bản cổ “Lĩnh Nam chích quái”; Cảm hứng anh hùng thi nhân trong thơ Trần Quang Khải; “Quân trung từ mệnh tập, đỉnh cao của dòng văn học luận chiến ngoại giao chống xâm lược; Hành trình nghệ thuật trong thơ Nguyễn Thượng Hiền – Người bắc cầu giữa hai thế kỷ; “Tỉnh quốc hồn cavà ngữ khí phê phán của Phan Châu Trinh; “Giai nhân kỳ ngộ diễn ca, một thể nghiệm mới của Phan Châu Trinh về truyện thơ lục bát; “Nét ngàiMày ngài”([6]),... là những bài tiêu biểu cho phong cách khoa học nói trên. Ngoài ra, cũng có thể dẫn một trường hợp làm “minh chứng”: mặc dù tiếp cận với thơ chữ Hán Nguyễn Du khá sớm qua các bài viết Tìm hiểu thơ chữ Hán Nguyễn Du (TCVH, số 11 - 1965); Nguyễn Du và thế giới nhân vật của ông trong thơ chữ Hán([7]), thì ngược lại, Nguyễn Huệ Chi lại đến với Truyện Kiều khí muộn, khi mà tác phẩm đã là niềm quan tâm sâu rộng của học giới từ hàng trăm năm trước. Nhiều thành quả nghiên cứu quan trọng gắn liền với các tên tuổi Phạm Quỳnh (1892 - 1945), Đào Duy Anh (1904 - 1988), Trương Tửu (1913 - 1999), Hoài Thanh (1909 - 1982), Phan Khôi (1887 - 1959), Phạm Thế Ngũ (1921 - 2000), Phan Ngọc, Nguyễn Tài Cẩn (1926 - 2011), Đặng Thanh Lê, Trần Đình Sử,... Thế nhưng, khi Nguyễn Huệ Chi xuất hiện với tham luận Trở lại câu chuyện so sánh Kim Vân Kiều truyệnvớiTruyện Kiềucủa ông Đổng Văn Thành([8]) trong Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 240 năm mất đại thi hào (2004) – thì có thể nói không quá rằng: một vấn đề vẫn âm ỉ băn khoăn của độc giả yêu Truyện Kiều lâu nay là viết tác phẩm này, Nguyễn Du có sáng tạo nghệ thuật gì không, Truyện Kiều khác với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân ở chỗ nào,... đến đây mới được giải quyết thỏa đáng. Ai cũng yêu thích Truyện Kiều nhưng không phải ai cũng có thể nhận thức rành rẽ sự sáng tạo độc đáo của Nguyễn Du. Nguyễn Huệ Chi đã nêu ra 5 điểm – cũng có thể gọi là 5 tiêu chí nhận diện cái hay cái dở của hai tác phẩm. Trước hết, muốn hiểu sâu sắc giá trị tác phẩm, người viết phải đọc được nguyên bản – yêu cầu đầu tiên về ngôn ngữ này, ông Đổng Văn Thành không thể đáp ứng (ông không biết tiếng Việt). Chỗ bất cập thứ hai của ông Đổng là đã xuất phát từ “cấp độ cốt truyện” – một phương diện không mấy có ý nghĩa đối với hai tác phẩm thuộc hai thể loại khác nhau – để ông kết luận Nguyễn Du không sáng tạo gì mà lệ thuộc hẳn vào cốt truyện Kim Vân Kiều truyện. Nguyễn Huệ Chi cho rằng: Nguyễn Du bứt phá vượt trội hơn hẳn Thanh Tâm Tài Nhân ở chỗ: “hai yếu tố “truyện” và “thơ” đã được kết hợp một cách kỳ diệu thông qua thiên tài sáng tạo của Nguyễn Du, từ phương thức tư duy thuần túy trần thuật bước sang địa hạt của tư duy tự sự – trữ tình, nâng cấp lên tư duy trừu tượng – biểu cảm, khiến cho cảm xúc của người đọc được nhân lên gấp bội”. Tuy nhiên, sự khác biệt trong quy trình sáng tạo của hai tác giả còn ở chỗ: mỗi người sử dụng một loại hình ngôn ngữ khác nhau: một bên là ngôn ngữ văn xuôi, một bên là ngôn ngữ thơ giàu biểu cảm. Độc sáng của Truyện Kiều là ở những đoạn bình luận trữ tình, trữ tình ngoại đề xuất sắc không thể có trong Kim Vân Kiều truyện. Những  tiết đoạn ấy cộng hưởng với nghệ thuật miêu tả thiên nhiên đến độ tuyệt bút của Nguyễn Du, Thanh Tâm Tài Nhân không tài nào theo kịp,... Kỳ khu, sắc sảo, Nguyễn Huệ Chi cứ bóc tách dần năm phương diện khác biệt của hai tác phẩm, dẫn người đọc đi từ thuyết phục này đến sự tâm phục khác. Bài viết dài hơi của Nguyễn Huệ Chi là sự bứt phá mới so với hai tác giả Phạm Tú Châu([9]), Nguyễn Khắc Phi([10]) về cùng một chủ đề xuất bản mấy năm trước đó – góp phần quan trọng trong việc khẳng định dứt điểm những sáng tạo, tầm vóc tư duy nghệ thuật trác việt của thiên tài Nguyễn Du. Và chỉ ra những dụng công nghệ thuật đích thực của Truyện Kiều đứng cao hơn hẳn tác phẩm mà nó lấy làm điểm xuất phát. Bài viết khúc chiết, lập luận chặt chẽ, giọng văn thâm thúy gây tiếng vang trong giới Kiều học, giải tỏa bức xúc, thỏa mãn thưởng thức, và xa hơn, nó đã góp phần quan trọng củng cố lòng tin của độc giả trong và ngoài nước về một kiệt tác của nhân loại.
*
*    *
Trước sau, Nguyễn Huệ Chi vẫn là một nhà nghiên cứu văn học sử. Chưa mấy ai gọi ông là nhà lý thuyết hay lý luận văn học cổ. Nhưng suốt chặng đường dài lăn lộn trong môi trường di sản văn hóa truyền thống, rất nhiều vấn đề lý thuyết văn học thường xuyên bật nảy, buộc ông phải đối diện. Khi thì giới thuyết một vài thuật ngữ cơ bản như nghĩa rộng, nghĩa hẹp của hai chữ “văn học” trong giai đoạn “văn sử triết” còn lẫn lộn (Từ nghĩa rộng và hẹp của hai chữ văn họctrong quá khứ đến việc phân loại các loại hình văn học Lý – Trần)([11]), hay các khái niệm “thể loại”, “loại hình”, “văn bản”, hoặc “Trung cổ”, “Trung đại” và “văn học Cổ trung đại”,... Khi thì tìm lời giải cho một hiện tượng song trùng cụ thể giúp quy chiếu thành lý luận: Hiện tượng hội nhập của văn hóa và văn học cổ Việt Nam nhìn từ một trung tâm Phật giáo tiêu biểu: Quỳnh Lâm([12]); có lúc lại đưa ra một cách hiểu, cách nhìn hay một vài gợi ý nào đó thuộc các phạm trù văn hóa, triết học vượt lên hẳn cách hiểu thông thường: Thử nhìn văn hóa như một động lực của sự phát triển; về tư tưởng lô gích của Nguyễn Trãi trong Quân trung từ mệnh tập, v.v. và nhất là xoay quanh việc đặt vấn đề phương pháp chung và phương pháp cụ thể trong khoa học nghiên cứu văn học: Mấy gợi ý về phương pháp văn học sử([13]), Vấn đề phân kỳ văn học sử Việt Nam, Đổi mới nhận thức lịch sử trong khoa học xã hội và trong nghiên cứu văn học,... 

Phân kỳ văn học là một đề tài được bàn luận rộng rãi trong rất nhiều năm, cũng có lúc đạt được sự đồng thuận ở điểm này điểm khác nhưng thực tế nhiều khúc mắc vẫn còn nguyên đến tận bây giờ. Nguyễn Huệ Chi sau nhiều quá trình nghiền ngẫm, thể nghiệm, từng công bố ít nhất 3 bài viết đề xuất quan điểm phân kỳ của mình([14]) mà vẫn không thoả mãn; ông lại viết Một vài vấn đề phân kỳ lịch sử văn học nhìn từ điểm đầu của thế kỷ XXI([15]), tự thanh lọc, thậm chí tự phủ định một vài kết quả khảo sát trước kia của ông, rằng: “có nhiều tiêu chí được chúng tôi vận dụng năm 1985 nhằm phân biệt hai thời kỳ văn học Cận đại và Hiện đại, đến nay đã phải duyệt lại một cách rạch ròi”. Bài viết trình bày một cách phân kỳ mới: “Thời kỳ văn học Cổ – việc định danh và phân chia giai đoạn” và “Hai hướng phân chia Thời kỳ văn học Hiện đại: chia theo vùng và chia theo giai đoạn”, sau khi đã “xác định một vài nguyên tắc” cho công việc này, đã tham khảo một số bộ sách của các học giả nước ngoài và trong nước xuất bản từ trước. Rốt cuộc, sau 25 năm đi tìm mô hình phân loại cho văn học Việt Nam, về thuật ngữ, Nguyễn Huệ Chi đã từ bỏ khái niệm “Trung đại” để trở lại gọi “văn học Cổ” vì cho rằng “Trung đại” là một khái niệm của lịch sử châu Âu chuyển sang ta một cách “khiên cưỡng”. Ông quay lại với cách định danh đã được các bậc thức giả lớp trước xác lập từ đầu thế kỷ XX, mà ông từng yên tâm sử dụng một thời gian dài. Ông cũng chủ trương văn học Cận đại Việt Nam phải được kéo dài tới 1945. 

Quả thực, trong nghiên cứu, đối với một người dày kinh nghiệm, đụng đến vấn đề gì cũng phải hình dung trước những tiền đề lý luận để giải quyết nó, hoặc đặt những giả thuyết làm việc rõ rệt để xác quyết những gì mình cần và có thể chiếm lĩnh. Tác phong của Nguyễn Huệ Chi thường là thế. Ông tập trung suy nghĩ tìm kiếm tiền đề lý luận khá vất vả, nhưng khi tìm xong, mọi sự bỗng trở nên dễ dàng. Bài Mấy đặc trưng loại biệt của văn học Cổ trung đại Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX là một kiến giải công phu, được hoàn thành sau mấy đêm thức trắng, mang tính phát kiến và có nhiều luận điểm đáng chú ý, cho dù đôi chỗ người viết mới “tạm dừng” ở những phác thảo khi đưa ra 5 đặc trưng cơ bản của văn học Cổ trung đại: 1. Tiếp thu mô hình Trung Quốc vừa cưỡng bức vừa tự nguyện, có chọn lọc lại cũng có rập khuôn máy móc từ thể loại, loại hình văn học đến định hướng cảm quan thẩm mỹ; 2. Sự thăng hoa về chất và sự tự lặp lại mình; 3. Chịu sự chi phối của cả ba hệ thống tư tưởng – tôn giáo – thẩm mỹ: Phật giáo, Đạo gia, và Nho giáo; 4. Tính nguyên hợp (văn sử triết bất phân); 5. Tư duy nghệ thuật nghiêng về trữ tình, “có phần xa lạ với tư duy tự sự”. Tất nhiên, đây là một vấn đề lớn không dễ dứt điểm một sớm một chiều nhưng những phác gợi của Nguyễn Huệ Chi trong công trình này cũng như ở loạt bài thuộc dạng tổng kết: Nắm bắt lại những vấn đề phong phú của văn học thể kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX; Trường Viễn Đông bác cổ Pháp và bước tiến của ngành nghiên cứu văn học Việt Nam Cổ trung đại; Nhìn lại mấy đợt sinh hoạt khoa học về Nguyễn Trãi của ngành văn nhân kỷ niệm lần thứ 600 năm sinh của ông; Nhìn lại mấy phương pháp tiếp cận Nhật ký trong tù”,... đều là những kiến giải khoa học giàu sức gợi mở, là những luận cứ giúp ích nhiều cho công việc nghiên cứu giảng dạy bậc đại học và trên đại học. Ngoài ra, ông cũng là một trong những người sớm nhất của thế hệ nghiên cứu thứ hai đặt vấn đề nghiên cứu văn học Việt Nam trong mối quan hệ với văn học, văn hóa vùng Đông Á, cũng như văn học phương Tây,... đặc biệt là văn học Pháp Cận đại (Con đường giao tiếp của văn học cổ Việt Nam nhìn trong mối quan hệ khu vực)([16]).

Với một sự nhạy cảm đặc biệt, Nguyễn Huệ Chi cũng sớm nắm bắt được yêu cầu cốt tử của công việc nghiên cứu, là làm sao để thói quen tư duy vừa luôn được định hình một cách sáng rõ nhưng lại cũng luôn luôn “động” – tức là  không đóng kín mà thường xuyên đổi mới. Tất nhiên vẫn biết đó là một nhu cầu khoa học tự thân nếu người nghiên cứu không muốn mình dừng lại, lặp lại mình, lặp lại thế hệ trước, nhưng để trả lời câu hỏi bức xúc này, phải bắt đầu từ đâu? Lời giải của ông nằm ở loạt bài: Đổi mới nhận thức lịch sử trong nghiên cứu khoa học xã hội nói chung, nghiên cứu văn học nói riêng; Làm thế nào đổi mới phương pháp nghiên cứu văn học cổ([17]),... Thực ra, với những ai đã trải nghiệm thực tiễn, có lẽ để đổi mới phương pháp, yêu cầu tiên quyết với người nghiên cứu cổ văn, cổ sử, văn hóa, kiến trúc cổ,... là phải có trong hành trang của mình một vốn Hán học dầy dặn. Không có Hán học, thiếu một nhận thức chắc chắn về Đông phương học thì dù nhiệt tâm và có đến bao nhiêu phương pháp, trước sau cũng bế tắc trước con đường ngược về quá khứ. Suốt những năm tháng điều hành nghiên cứu, đào tạo lớp hậu học, Nguyễn Huệ Chi lúc nào cũng kiên trì một quan điểm không dễ lung lay: “Đông phương học giờ đây phải quan niệm như là sự cấu thành của ba bộ môn chủ yếu: Trung Quốc học (tức Hán học), Ấn Độ học, Nhật Bản học. Khi đã có tri thức phương Đông làm nền tảng, lại được trang bị thêm kiến thức phương pháp luận từ những trường phái hiện đại nhất, kể cả triết học Mác-xít, nhà nghiên cứu khoa học xã hội sẽ đi sâu vào chuyên môn của mình với cái sắc bén của tinh thần duy lý, của phép biện chứng, cộng thêm với cái uyển chuyển vi tế của tư duy phương Đông Cổ đại – Một phương pháp tối ưu và rất hiện đại hẳn sẽ tự nó xuất hiện trên quá trình nghiên cứu của chính mình”([18]). Có được những kinh nghiệm ấy chứng tỏ Nguyễn Huệ Chi được đào luyện và tự vật lộn bền bỉ trong di sản cổ văn uyên áo rất khó “ăn tươi nuốt sống” nhưng cũng đầy sức mời gọi suốt nhiều thập kỷ, tích lũy được một bề dày tri thức về những giá trị thẩm mỹ – nhân văn từ thế giới tinh thần của cổ nhân, đủ bản lĩnh để đối diện với các vấn đề hóc búa, khảo sát kỹ lưỡng, chứng minh, biện thuyết bằng mọi luận điểm khoa học mà bản thân ông bao giờ cũng suy xét trên tinh thần hướng tới hiện đại trong phương pháp tư tưởng: “Để khoa học nghiên cứu văn học cổ có tư cách một khoa học nhân văn đích thực” thì “yêu cầu phải hướng tới hiện đại đóng vai trò như một nguyên tắc phương pháp luận: phải xuất phát từ con mắt tiếp nhận của người ngày nay mà nghiên cứu” cũng như “phải tiếp cận văn học cổ bằng phương thức giải mã những cấu trúc tư  duy nghệ thuật hiện đại – tức là phải chọn cho mình một “chỗ đứng hiện đại”([19]) kết hợp với sự thông hiểu một nền tảng tư duy phương Đông có nét đặc thù. Quả không phải là cường điệu khi nói ở Nguyễn Huệ Chi, nhà lý thuyết văn học chưa bao giờ tách rời nhà văn học sử mà hơn thế, đúc kết lý luận là thế mạnh và chỗ sở đắc của ông.

2. Kiến tạo các công trình tập thể
Song song với những công trình nghiên cứu của cá nhân về hàng loạt tác gia, tác phẩm văn học, Nguyễn Huệ Chi còn là người kiến trúc sư đảm đương vai trò đầu tàu tổ chức biên soạn những công trình tập thể dưới dạng chuyên luận khái quát hay nghiên cứu một tác gia, tác phẩm, một khuynh hướng, một thời kỳ, một thể loại văn học. Những bước tổng kết này được thực hiện từ ngọn nguồn lịch sử văn học dân tộc, từ văn học một thời đại như Lý – Trần, đến các tác gia “đại thụ” như Nguyễn Trãi (1380 - 1442),  Lê Thánh Tông (1442 - 1497), Nguyễn Gia Thiều (1741 - 1798), Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 -1585), Lê Hữu Trác (1720 - 1781), Nguyễn Du (1765 - 1820), Nguyễn Huy Tự (1743 - 1790), Nguyễn Khuyến (1835 - 1909), Nguyễn Quang Bích (1832 - 1890), Phan Bội Châu (1867 - 1940), Phan Châu Trinh (1872 - 1926), Cao Xuân Huy (1900 - 1993), Hoàng Ngọc Phách (1896 - 1973),... cho tới những nhân vật tưởng chừng đứng ở  bậc hai, bậc ba trên văn đàn như Nguyễn Văn Giai (1553 - 1628), Nguyễn Quý Tân (1814 - 1858), Nguyễn Tử Siêu (1887 - 1965),... Từ rất sớm, Nguyễn Huệ Chi đã nhận thức rằng, nghiên cứu văn học không cho phép nhìn nhận tĩnh tại, cô lập, mà nhất thiết phải lưu ý tới các mối liên hệ văn hóa và lịch sử. Ở cương vị người chủ trì, ông đã chỉ đạo và thực hiện phuơng châm nghiên cứu trên một cách bài bản, tìm hiểu các văn nhân, thi sĩ trong tương quan địa – văn hóa, danh nhân và môi trường thời đại, phong tục tập quán, ngôn ngữ, các loại hình nghệ thuật cũng như quá trình tác động qua lại (bị động / chủ động) của chủ thể thẩm mỹ và sinh quyển văn hóa bao quanh họ. Ông cũng đề xuất nghiên cứu văn học vùng miền như: tìm hiểu vùng văn hóa Thăng Long, Kinh Bắc, Nghệ - Tĩnh, Thái Bình, Đông Triều - Quảng Ninh, Hải Phòng([20]) – trong đó, mỗi vùng quê đều can dự trực tiếp, gián tiếp đến sự hình thành nhân tố con người, tài năng của danh nhân. Qua đó mà tìm hiểu những dấu ấn nhân cách, phong cách nghệ thuật đặc trưng, không dễ trộn lẫn ở từng tác giả. 

Tiêu biểu cho loại công trình này là cuốn Gương mặt văn học Thăng Long (Trung tâm Văn miếu Quốc Tử Giám xuất bản, H., 1994, đồng Giải nhì Hội Nhà văn Hà Nội, 1997) và Gương mặt văn học Thăng Long bộ mới (NXB Hà Nội, 2010). Đây là công trình tập thể, ngoài 30 tiểu luận (bộ cũ), sau này nâng lên 40 tiểu luận (bộ mới), khảo sát tương đối toàn diện những gương mặt văn học nổi bật của Thăng Long trong lịch sử. Cả hai lần xuất bản đều được bạn đọc đón nhận với nhiều phản hồi tâm đắc. Ở đây chỉ có thể đưa ra một đôi nhận xét về thiên Dẫn luận([21]) có ý nghĩa chỉ đạo công trình – một dấu ấn quan trọng trong vai trò người Chủ biên cũng là người đảm nhiệm nhiều chương mục nhất. Với ngót bốn chục trang in khổ lớn, Nguyễn Huệ Chi đã xem xét từ rộng đến hẹp khái niệm “Văn học Thăng Long”, khu biệt khái niệm này với thuật ngữ “Văn học vùng” vốn được hiểu cơ học bởi ranh giới địa lý thông thường; theo ông đó là một khái niệm mở về không gian và linh hoạt trong nội hàm. Từ đó, tác giả đi tìm lời giải cho những câu hỏi: Hồn cốt của Thăng Long trong văn học là gì sau khi nó đã mang trong mình một sự thăng hoa về chất không nơi nào có được? Ông tìm ra ba đặc tính phức hợp, mang yếu tố giao thoa biện chứng trong suốt chiều dài vận động mười thế kỷ: 1. Nặng tính “chính thống, quan phương” nhưng cũng ẩn chứa một “tiềm năng dân chủ”; 2. Giàu chất “trí tuệ” song cũng đậm “ý vị trữ tình”; 3. Sức mạnh của đối thoại sản sinh từ bên trong giúp văn học ngày càng mang màu sắc đa dạng và tiên phong đổi mới về thể loại. Một đóng góp khác của thiên Dẫn luận là người viết đã đề xuất một lịch trình phát triển lâu dài của văn học Thăng Long - Hà Nội với bảy “lát cắt” hữu lý trong giới thuyết các nét đặc trưng khu biệt mà thoạt nhìn, tưởng như tác giả cũng chỉ nương theo cách phân đoạn lịch sử văn học của các bộ lịch sử hay các quan điểm “chính thống” lâu nay. 

Thật ra, nghiên cứu văn học từ góc độ tác giả và tác phẩm vốn là một phương hướng chung trong mấy chục năm tồn tại của Viện Văn học cũng như của ngành nghiên cứu văn học cả nước. Là một Trưởng ban phụ trách một Ban trọng điểm của Viện Văn học, Nguyễn Huệ Chi đã tuân thủ chặt chẽ yêu cầu trên trong việc chỉ đạo nghiên cứu. Ông sớm nhận thức được rằng, một nhóm nghiên cứu viên dù tài ba đến mấy thì vẫn không thể vượt được giới hạn của những rào cản trong tư duy khoa học. Trước tình hình nghiên cứu phân rẽ tản mạn trong cả nước, mỗi nơi một nhóm phái, để huy động được tiềm lực nghiên cứu của cả giới khoa học xã hội, ông đã chủ động tập hợp đội ngũ nghiên cứu liên cơ quan, liên ngành,... đề xuất tổ chức nhiều Hội thảo khoa học về các danh nhân văn hóa để cùng giới khoa học xã hội rộng rãi tập trung trí tuệ, tranh thủ ý kiến, giải quyết những vấn đề về cuộc đời, tư tưởng, sự nghiệp của danh nhân... mà đối với lĩnh vực Cổ cận đại chính là những điều cốt thiết không kém gì một tiền đề quan trọng hàng đầu là tìm căn cứ tư liệu, minh định thật giả để chọn hướng xử lý, rồi mới bắt tay vào biên khảo,... Suốt những năm phụ trách Ban Văn học Cổ cận đại, Nguyễn Huệ Chi thường xuyên chủ động tiến hành các hội thảo ngay tại địa phương sản sinh ra danh nhân cũng như tại cấp trung ương, tức là Viện, Trường đại học, hay Ủy ban Khoa học xã hội, hoặc liên kết giữa các Bộ có quan hệ gần với Ủy ban Khoa học xã hội (Bộ Văn hóa, Bộ Giáo dục...). Các nhà khoa học từ khắp nơi về tham dự, thảo luận sôi nổi trên diễn đàn trước những đề dẫn khoa học có tính chất nêu vấn đề của người khởi xuớng. Và kết quả thu được cho phép ông tập hợp, sắp xếp, lọc ra, hoàn thiện, nhào nặn, xây dựng lại và viết phần tổng kết khoa học, sau đó cho công bố dưới dạng những kỷ yếu hay chuyên khảo với cấu trúc thật chặt chẽ, chú trọng hàng đầu các loại chú dẫn tư liệu chuyên biệt, có đầy đủ xuất xứ, nguồn trích Hán văn hay Pháp văn thường đính kèm nguyên văn. Và thực tế, loạt công trình này đã, đang và chắc sẽ còn đứng vững trên “thị truờng” học thuật không phải chỉ dăm ba năm. Có thể rút lấy từ đây một số nguyên tắc phương pháp luận nghiên cứu mà người chủ trì đã đúc kết: các vấn đề thuộc tiểu sử, cuộc đời của tác gia Cổ cận đại cần phải xem xét, khảo tả theo tinh thần hoài nghi các loại mô típ mà nhà nho thường lắp ghép vào cho chúng, để chủ động đặt chúng trong mối quan hệ tương tác với lịch sử, thời đại, dưới ánh sáng quan điểm địa – văn hóa, được soi nhìn bằng nhiều phương hướng phối hợp cả cổ điển và hiện đại, cả đặc thù truyền thống Đông phương tham bác với phương pháp của các trường phái nghiên cứu Nga, và phương Tây. Xin kể tên một số công trình kết tinh từ các hội thảo loại này: Nguyễn Bỉnh Khiêm – Danh nhân văn hóa (1991); Thi hào Nguyễn Khuyến – Đời và thơ (1992); Nguyễn Quang Bích – Nhà yêu nước, nhà thơ (1993); Nguyễn Huy Tự vàtruyện Hoa tiên” (1997); Hoàng đế Lê Thánh Tông – Nhà chính trị tài năng, nhà văn hóa lỗi lạc, nhà thơ lớn (1999), v.v. Mỗi công trình ra mắt đều dánh dấu một chặng mốc trên tiến trình nghiên cứu, trong đời sống học thuật của chuyên ngành.

Ví dụ cuốn Nguyễn Trãi – Khí phách và tinh hoa của dân tộc (NXB Khoa học xã hội, H., 1982). Đây thực ra là một chuyên luận viết “đón đầu” lễ kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi (1980). Nhưng Viện Văn học muốn tận dụng trí tuệ của đội ngũ chuyên gia đầu ngành, nên giao cho Nguyễn Huệ Chi trực tiếp vạch đề cương chi tiết, viết một số chương chính và mời thêm người cộng tác, dưới danh nghĩa Viện trưởng chỉ đạo chung. Tất nhiên việc đề xuất ý tưởng mới, kết nối chương mục, cắt gọt và bổ sung sao cho thành một “tổng thể” vẫn đặt lên vai người chịu trách nhiệm học thuật, và không thể nói là một việc nhẹ nhàng([22]).

Ra mắt ít lâu sau ngày cả nước sôi nổi kỷ niệm Nguyễn Trãi, công trình được giới nghiên cứu nhìn nhận là “một chuyên luận chưa hề có trong lịch sử nghiên cứu về Nguyễn Trãi”([23]).

Một ví dụ khác: cuốn Thi hào Nguyễn Khuyến – Đời và thơ (NXB Khoa học xã hội, H., 1992). So với cuốn trước, số người tham gia cuốn này đông hơn nhiều, là kết tinh thành tựu của đội ngũ nghiên cứu viên Ban văn học Cổ cận đại cùng cả giới khoa học xã hội trước một hiện tượng đột xuất bậc nhất trong lịch sử thơ ca cận đại – nhà thơ Yên Đổ. Cuộc đời và thơ văn Yên Đổ được nghiên cứu từ nhiều góc độ, chủ yếu là nhằm khảo sát những dấu hiệu đặc trưng cho bước chuyển bên trong – từ quy thức nghiêm ngặt sang thông tục hóa – của dòng văn chương khoa cử bác học Việt Nam, trong bước ngoặt giữa thế kỷ XIX và thế kỷ XX, thông qua một đại biểu giỏi cả thơ Nôm và thơ Hán. Lực lượng nghiên cứu dồi dào nên ý kiến cũng khá dồi dào, nhưng khó khăn chính vẫn là xếp đặt các mục vào trong từng chương và tiếp nối chương trước chương sau sao cho liền mạch, cắt gọt thêm bớt để đừng trùng lặp và đừng thừa thiếu, nơi này phát triển rộng quá nơi kia lại nghèo nàn, nhất là luận điểm được triển khai có hệ thống, gắn bó liên hoàn với nhau, và ngôn từ diễn đạt giữa các chương mục phải nhất quán, không gây mâu thuẫn trong lập luận và cả trong văn phong, đúng tư cách một công trình khoa học. Có được điều đó ở một chuyên khảo hơn 700 trang, với một số lượng tác giả đông đảo gồm 27 nhà khoa học thật không dễ, chứng tỏ bản lĩnh và ý đồ khoa học kiên định, cùng những ngày đêm làm việc ròng rã của Chủ biên và Ban Biên tập. Sách được không ít sinh viên và nghiên cứu sinh nhiều trường đại học dùng làm chỗ tựa cho những luận án cao học và trên cao học, thực sự là một bước tiến khá xa trên con đường tìm kiếm cái mới – trào phúng nhưng dư hưởng sâu thẳm lại là trữ tình – trong thơ ca Tam nguyên Yên Đổ.

Nghiên cứu cổ văn nhưng Nguyễn Huệ Chi không chủ trương học thuật “vị học thuật”, nghĩa là không đào tạo một đội ngũ chỉ chăm chăm trong tháp ngà kinh viện. Các kinh nghiệm, kiến thức tích lũy được cũng phải phục vụ nhiệm vụ thời sự của đời sống: Văn học Việt Nam trên những chặng đường chống phong kiến Trung Quốc xâm lược (1981, Giải A sách Lý luận phê bình, Hội Nhà văn Việt Nam, 1982), Suy nghĩ mới vềNhậttrong tù” (1990) là hai công trình tiêu biểu cho chức năng này. Cuốn trước là một chuyên luận khai thác sâu tinh thần truyền thống quật cường yêu nước của quá khứ, nhằm khẳng định và khơi dậy một lần nữa các tố chất bền vững, biết chuyển hóa từ cái dũng thành cái đẹp trong tâm hồn người Việt, kết đọng từ các trang văn xưa, để củng cố niềm tin chiến thắng của dân tộc Việt trước họa xâm lăng bành trướng Trung Quốc. Cuốn sau lại hoàn thành “sứ mệnh” trả cho tập Ngục trung nhật ký cái giá trị đích thực mà trước nay do cách tiếp nhận quá nhiệt tình mà thiếu khoa học, chúng ta đã từng có thời đoạn lấy cái bề ngoài tác phẩm làm biểu tượng cho những vẻ đẹp thời thượng của tập thơ. Suy nghĩ mới vềNhật ký trong tù” hoàn thành nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, do Nguyễn Huệ Chi chủ biên, gần như một “sự kiện”, trước hết là ở cách “đặt lại vấn đề” và tính chất phong phú của các tiêu điểm lý luận mà nó đặt ra. 

Ai cũng biết, từ khi bước vào đời sống tinh thần, đời sống học thuật, Nhật ký trong tù là đối tượng thẩm bình của không ít nhà nghiên cứu tên tuổi, cùng rất nhiều nhà chính trị, nhà thơ nhà văn thời danh,... với số lượng hàng ngàn trang sách báo. Sự nổi trội của những kết quả nghiên cứu này là ở sức mạnh cảm thụ, ngợi ca đối với thơ của Hồ Chủ tịch. Các ý kiến dần dần chụm lại, trở thành tiêu chí có tính quy phạm, được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hồ Chí Minh, bỗng dưng ở Canada lưu truyền cuốn sách Hồ Chí Minh không phải tác giảNgục trung nhật ký” của GS. Lê Hữu Mục, phủ nhận tác quyền của Hồ Chí Minh, gây ít nhiều tâm lý phân vân trong công chúng, kể cả một bộ phận người Việt ở nước ngoài. Ngay lập tức, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam) giao cho Viện Văn học biên soạn một công trình cấp Bộ nghiên cứu tập thơ một cách thấu đáo, toàn diện, đồng thời xác lập các căn cứ khoa học để phản bác lại luận điểm trên. Công trình Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù”, nhanh chóng được tiến hành, do GS. Nguyễn Huệ Chi phác thảo, với sự góp sức của hàng chục nhà khoa học, ra mắt đúng dịp kỷ niệm 100 năm sinh Hồ Chí Minh. Hai năm sau, sách được Nhà xuất bản Giáo dục đề nghị nâng cấp, tái bản, dùng làm tài liệu tham khảo trong nhà trường. Với cương vị Chủ biên, Nguyễn Huệ Chi kiên quyết thay đổi kết cấu và viết lại những chương mục mà ông cho là chưa thật đạt, và vẫn giữ vững quan điểm đã chi phối ông ngay từ buổi đầu: không lấy việc đối thoại với những giả thuyết vô bằng của Lê Hữu Mục làm trọng điểm, trái lại soi tỏ yếu tính của tập thơ mới là việc cần làm. Trong vòng mười năm, sách được tái bản tới sáu lần, trở thành cuốn sách lưu hành rộng rãi trong các trường học phổ thông và đại học. Tiếng vang của nó ít nhiều còn vượt ra khỏi giới hạn quốc gia.

Vậy thành công của cuốn sách là ở chỗ nào? Ở một phương pháp tiếp cận khoa học mới mẻ. Nhưng trước khi đưa ra được một phương pháp mới, một “suy nghĩ mới”, việc đầu tiên lại là phải đúc rút kinh nghiệm từ các phương thức tiếp cận trước đó, xem có chỗ nào khả thủ, chỗ nào chưa ổn, thậm chí sai lệch. Chủ biên công trình đã khảo sát trên vô số bài viết và công trình về Nhật ký trong tù từ ngày tập thơ được dịch cho đến trước thời kỳ đổi mới. Và từ góc độ phương pháp luận, ông rút ra 5 khuynh hướng đặc trưng cho các dạng thức phê bình, thưởng thức Nhật ký trong tù trong suốt ba thập kỷ. Đó là: 1. Cách nghiên cứu phi đối tượng hóa, nói cách khác đồng nhất những phẩm chất của thơ với con người tác giả – mà không khí chính trị đặc biệt của một thời đoạn lịch sử đã khiến cho hai yếu tố đời thựchuyền thoại trộn lẫn vào nhau; 2. Cách soi xét tác phẩm bằng các tiêu chí chung chung: tính chiến đấu, tính đảng, tiếng nói tố cáo hiện thực,... trong khi không chú ý đúng mức đến đặc trưng cơ bản của tác phẩm là một tập thơ trữ tình; 3. Cách cảm nhận máy móc đánh đồng thơ Nhật ký trong tù vốn giàu thi vị với mọi loại hình thơ tuyên truyền của cùng tác giả; 4. Cách suy diễn quá đà, khoác cho những hình tượng nghệ thuật giản dị các loại ẩn dụ chủ quan không thực; 5. Cách áp đặt phương pháp sáng tác “hiện thực xã hội chủ nghĩa” một cách hình thức, vô tình cường điệu sai lệch ý nghĩa của những vần thơ vốn ít lời mà tứ thơ thâm thúy, chí ít cũng gửi gắm cái nhìn điềm đạm của một chính trị gia am hiểu các triết thuyết phương Đông,... Thế thì, phải làm sao đây khi nhu cầu về một phương hướng tiếp cận mới ngày càng thêm rõ: đòi hỏi nới rộng trường nhận thức và thụ cảm từ nhiều góc độ, nhiều bình diện: thi pháp, cấu trúc, ký hiệu học,... đồng thời phải kết hợp được cách phân tích duy lý với những nhận thức “vô ngôn” trong khi đọc sâu vào văn bản. Chủ biên Nguyễn Huệ Chi đã gợi ra một số thao tác hoàn toàn khác trước: một mặt vẫn tiếp thu cách tìm hiểu mối quan hệ liên thông giữa tác phẩm và tác giả – tức là mối liên quan hữu cơ giữa thơ và người, song mặt khác ông còn yêu cầu các cộng sự phải căn cứ vào tiếng nói nội tại của tập thơ và tính thống nhất của bút pháp tác giả. Nói cách khác, phải thoát khỏi nỗi ám ảnh về địa vị của người sản sinh ra tác phẩm để nhìn nhận những thông báo độc lập của ngôn từ. Từ phương hướng đúng đắn này, công trình đã góp phần làm nổi ba đặc trưng tạo nên ý nghĩa mỹ học của thi phẩm: một tiếng nói hướng nội, một cảm thức nhân loại, một khát vọng tự do. Đó là những đặc điểm làm cho người đọc nhận thấy tâm hồn nhà thơ Hồ Chí Minh trong tập Nhật ký trong tù nhân ái hơn, cũng “người” hơn so với cái gọi là “giá trị tố cáo hiện thực của nhà tù Tưởng Giới Thạch”, hoặc những biểu tượng gán ghép thô sơ của chủ quan người bình thơ, như tiếng gà gáy là tiếng gọi của Đảng, cột cây số là hình ảnh con người tiên phong chỉ đường đi tới chân lý,... Với tinh thần thực sự cầu thị, biết lấy khoa học làm tiêu chí chọn lựa cao nhất, “quyển sách đã bộc lộ được một cái nhìn rộng rãi và khoáng đạt hơn, thấu tình đạt lý và khách quan hơn so với nhiều công trình đi trước”([24]). 
*
*    *
Nhưng nói gì thì nói, viết bao nhiêu về những kết quả nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu của Nguyễn Huệ Chi cũng không thể không đề cập đến bộ Thơ văn Lý – Trần – một công trình gắn với cả sự nghiệp sưu tầm, khảo cứu, dịch thuật cổ văn của ông, khẳng định tên tuổi Nguyễn Huệ Chi, là niềm tự hào của ngành nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật văn học cổ Việt Nam. 

Trước khi công trình này xuất hiện, bộ môn nghiên cứu văn học cổ điển Việt Nam gắn kết giữa khảo chứng văn bản và lý giải ngữ nghĩa văn bản thực tình còn rất mới mẻ, thành quả nghiên cứu hầu như mới ở những bước đi ban đầu, cho dù trước đó từng có những tên tuổi: Lê Thước (1891 - 1976), Ngô Tất Tố (1894 - 1954), Nguyễn Văn Tố (1889 - 1947), Nguyễn Đổng Chi (1915 - 1984), Dương Quảng Hàm (1898 - 1946), Hoàng Xuân Hãn (1908 - 1996), Hoa Bằng (1902 - 1977), Trương Tửu, Trần Thanh Mại (1911 - 1965), Huỳnh Lý (1914  - 1993), Lê Trí Viễn (1919 - 2012),... Thời đại Lý – Trần là một thời đại hưng thịnh với nhiều thành tựu rực rỡ của văn học dân tộc sau hàng ngàn năm Bắc thuộc, vậy mà tư liệu về thời đại văn học này vừa thiếu thốn vừa rải rác tản mạn. Số tư liệu đã sưu tầm được thì hầu như chưa được giám định, sắp xếp một cách khoa học, có quá nhiều khoảng trống, nhiều câu hỏi đã đến độ bức xúc đòi được giải đáp. Số tư liệu có sẵn, mặc dù đã được các vị túc nho của Viện Văn học cất công sao chép, dịch, chú, nhưng để có được bộ bản thảo hoàn chỉnh cả nội dung và hình thức, bao gồm đầy đủ các công đoạn: giám định, hệ thống hóa, phiên âm, dịch nghĩa, chú giải thuật ngữ Nho, Phật, Đạo, lập các bảng tra cứu điển tích, địa danh, tên người, tên tác phẩm,... để có thể đưa ra xuất bản thì công việc vẫn còn phức tạp, đòi hỏi rất nhiều trí lực góp thêm vào. Công lao của người Chủ biên ngoài việc vạch một khung sườn chi tiết xuyên suốt năm thế kỷ với nhiều lỗ hổng mang tính dự báo, cùng những quy tắc biên soạn áp dụng thỏa đáng cho mọi trường hợp phức tạp như một giả thiết làm việc thuận lợi, trước hết chính là xây dựng được một đội ngũ chuyên môn vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm để nâng cao vốn liếng kiến thức ngày càng tinh sâu; sau mười năm nỗ lực miệt mài, khắc phục hoàn cảnh vô cùng khó khăn lúc bấy giờ, đã trình ra được một bộ sách dưới dạng toàn tập, đảm bảo quy trình khoa học thật nghiêm túc.

Bộ sách không chỉ cung cấp một liên hợp văn bản chuyển ngữ công phu mà còn in kèm cả chữ Hán (không chỉ riêng phần thơ văn mà kể cả từng tên người, tên địa danh – cho dù chỉ là chữ giản thể). Điều đó cho thấy một thái độ quyết đoán, kiên định của GS. Nguyễn Huệ Chi, vì chỉ một sự nản lòng, buông xuôi thì việc từ bỏ ý định in kèm chữ Hán rất dễ xảy ra, bởi lẽ, khi ấy chỉ còn có một tờ báo Tân Việt Hoa của Sứ quán Trung Quốc là có thể in được chữ Hán. Nguyễn Huệ Chi đã chủ động liên hệ mượn chữ chì của tờ báo nước bạn, mang về Nhà in Thống nhất, rồi đôn đốc anh chị em đến nhà in cặm cụi tới ba năm, cùng sắp chữ với công nhân. Kết quả, Thơ văn Lý – Trần, Tập I (NXB Khoa học xã hội, H., 1977) vừa công bố đã được học giới đón chào, mở được những cánh cửa tưởng chừng bế tắc. Đến nay đã ngót 50 năm, ba tập sách đã ra đời, ngày càng trở nên nổi tiếng và có ảnh hưởng xa rộng. Xét về phương thức trình bày, ý nghĩa khoa học của bộ sách có lẽ là sự khẳng định mạnh mẽ cho những thao tác kỹ thuật có tính chất bắt buộc trong việc tái lập văn bản đối với người nghiên cứu trước khi bước sang khâu đọc hiểu (hay nói cách khác, là thâm nhập và tìm tòi các phương diện ngữ nghĩa, ngữ văn) – một loại thao tác liên hoàn mang tính tất yếu nội tại của nghiên cứu văn học (kể cả văn học Cận, Hiện đại) mà cho đến thời điểm hiện nay vẫn có nhiều nhà khoa học không hiểu nên né tránh, e ngại hoặc coi thường. Tuy nhiên, trọng lượng đáng kể của bộ sách lại thể hiện ở phần việc “bếp núc” của nó: trải biết bao chuyến điền dã gian khổ, trèo đèo, lội suối, sau rất nhiều cuộc “truy tìm về quá khứ” bền bỉ, kiên nhẫn, mỏi mệt nhưng say mê hào hứng, Nhóm biên soạn đã thu thập được nhiều nguồn tư liệu bị khuất lấp, lãng quên trên vách núi cheo leo, hoặc bị chôn vùi trong rừng rậm, trôi nổi trong dân gian,... Nguồn tài liệu nóng hổi đó có giá trị so chiếu với thư tịch, đính chính lại thư tịch cho chính xác hơn, và cộng với mảng thư tịch có được trong kho sách Hán Nôm đã lên tới con số nhiều nghìn đơn vị tư liệu. Dưới sự chủ trì bài bản của Chủ biên, chúng được thẩm định nghiêm cẩn, phân loại, sắp đặt lớp lang, hệ thống, dưới ánh sáng của những tiêu chí khoa học nhất quán như: mở rộng khái niệm văn bản gốc; giới thuyết một cách biện chứng khái niệm văn học thành văn; nhận thức đầy đủ các loại hình văn học Lý – Trần,... trong tiến trình vận động luôn đan quyện giữa tiếp nhận và sáng tạo của năm thế kỷ văn học mở đầu thời tự chủ. Vì thế, với con số vài ngàn bài thơ, hàng trăm bài văn hoặc trích đoạn văn, bộ sách không chỉ giúp người đọc nhận rõ diện mạo tinh thần của một thời đại văn chương rực rỡ trong lịch sử văn học dân tộc, mà còn chứng tỏ hiệu quả cụ thể của một hướng đi đúng.

Về mặt lý thuyết, công trình là bộ sách đầu tiên đề cập, dẫn giải và cụ thể hóa một ý niệm chính xác về loại hình văn học – một phương pháp nghiên cứu tiên tiến của thế giới – (loại hình tác giả, loại hình trường phái, loại hình thể loại) của thời đại Lý – Trần, từ đó xác định một hệ thống thể loại nòng cốt khởi đầu văn học thành văn Việt Nam. Phương pháp khoa học này được trình bày trong phần Khảo luận dài 150 trang khổ lớn do Nguyễn Huệ Chi – khi đó mới 35 tuổi – chấp bút,  từng được các học giả ở một vài nước có ngành nghiên cứu Việt học, nhất là cổ văn và cổ sử Việt Nam, góp ý, đối thoại một cách hào hứng. Bộ sách có tác động thực sự đến đời sống học thuật, có ý nghĩa xã hội lâu dài, ngót hai mươi năm sau vẫn được đánh giá: “Đó quả là công trình đồ sộ, đuợc hoàn thành trong những điều kiện thường rất khó khăn và xứng đáng được chúng ta chào đón” (Claudine Salmon). Không chỉ ngợi khen thán phục, nữ Giáo sư người Pháp còn cho biết: “Chúng tôi đã sử dụng kết quả của công trình này”([25]). Trong tinh thần nghiêm túc, GS. Đinh Gia Khánh (1924 - 2003) khi phản biện luận án Phó tiến sĩ đặc cách của Nguyễn Huệ Chi bảo vệ tại Viện Văn học ngày 27-3-1991 cũng đánh giá Khảo luận văn học Lý – Trần là một công trình xuất sắc: “Khảo luận là một bản tổng kết công phu và tương đối sắc sảo về quá trình nghiên cứu thơ văn Lý – Trần trong lịch sử [...]. Trong nhiều ý kiến và luận điểm có giá trị của khảo luận, có hai luận điểm cần đuợc đánh giá cao: 1. Tác giả đã thấy được các văn bản mà người xưa để lại là một tín hiệu mà đời sau chỉ có thể tiếp thu được đầy đủ và chính xác nếu biết giải mã cho hết mọi mặt ý nghĩa, thông qua thời đại lịch sử, môi trường xã hội, tâm lý tác giả lúc đương thời, phong cách của từng trường phái học thuật...; 2. Tác giả cũng thấy được yêu cầu xử lý tận gốc văn bản cổ đòi hỏi phải có sự nhạy bén của một nhà biên khảo nắm vững thao tác liên ngành và nhà tư tưởng lý luận hiện đại”.

Thực ra, không riêng gì Văn khắc Hán Nôm (là công trình phối hợp giữa Viện Viễn Đông bác cổ Pháp Hà Nội với Viện Hán Nôm) tiếp thu, mà sau khi sách ra không lâu, một số sách tổng tập, tuyển tập văn học cũng trích tuyển từ chính cuốn sách gốc mà người Chủ biên cùng đội ngũ cộng sự đã kỳ khu vật lộn trong bao nhiêu năm mới tạo dựng được mặt mũi([26]).

Hiện nay việc nghiên cứu, giảng dạy văn học giai đoạn Lý – Trần ở Việt Nam cũng như ở các nước có ngành Việt học đã căn cứ khá nhiều vào bộ sách với những thành quả về tư liệu, độ tin cậy văn bản, và những gợi ý về diện mạo, tiến trình, nhóm phái, đặc trưng nghệ thuật cùng đặc điểm của các thể loại văn học,... Ngoài ra, việc tiếp cận theo phương pháp loại hình do Nguyễn Huệ Chi đề xuất trong chương Khảo luận, sau này còn được lớp nghiên cứu trẻ học tập triển khai đạt những kết quả đáng ghi nhận([27]). 

Về tổng thể, công trình quả là một bước tiến quan trọng trên hành trình sưu tầm nghiên cứu văn học cổ Việt Nam ở năm thế kỷ đầu của lịch sử văn học viết nước ta. Là chứng tích một nền văn hóa từng là nạn nhân âm mưu hiểm độc của phong kiến Trung Hoa, tiêu biểu là Minh Thành Tổ (1360 - 1424) thế kỷ XV. Khi cho quân sang xâm lược Đại Việt, y đã chỉ dụ bằng mọi giá, hủy diệt sạch sanh văn hóa Việt: “Phàm quân lính vào nước Nam, hễ gặp tất cả mọi sách vở, văn tự, bi ký của người Nam, cho đến loại ca lý dân gian, một mảnh một chữ đều phải đốt hết” (Việt kiệu thư, Q. II, tờ 25a – trích dẫn theo chương “Khảo luận” trong Thơ văn Lý – Trần, Tập I). Nhưng bộ sách lại là bằng chứng hiển nhiên cho thấy, cùng với sự trường tồn của dân tộc Việt, nền văn hóa trong năm thế kỷ đó vẫn tồn tại với một bản sắc riêng và một “tổng phổ màu” không chút đơn điệu, đáng cho các thời đại sau lấy làm mẫu mực. Công trình cũng là lời khẳng định nghiêm chỉnh nhằm đáp lại những băn khoăn mặc cảm của một bộ phận giới nghiên cứu văn học cổ hồi đầu thế kỷ trước, thậm chí còn lặp đi lặp lại cho đến tận giữa những năm 50, rằng có nên xem bộ phận văn học chữ Hán là văn học dân tộc hay không. Cùng với sự khẳng định vững chãi đó, nó cũng gián tiếp lấp đi lỗ hổng trong quan niệm sưu tầm và biên dịch văn học Việt của các học giả Pháp đầu thế kỷ XX – đánh giá thấp bộ phận văn học chữ Hán Việt Nam, mặc dù chính họ là những người từng chủ động tổ chức công việc góp nhặt thư tịch cổ khá chu tất, và cũng chính họ lần đầu tiên mang đến cho người Việt cách nhìn nhận bộ môn văn học sử như một khoa học thực chứng, với các hình thức chú giải, khảo cứu bình giảng theo kiểu phương Tây: “Giúp người đọc làm quen với kiểu tư duy duy lý mới mẻ, khúc chiết và bớt dần tư duy trực cảm”([28]) trong nghiên cứu phê bình văn học đầu thế kỷ XX ở Việt Nam.

3. Một cây bút dịch thuật tinh tế
Đề cập đến khả năng dịch thuật của Nguyễn Huệ Chi trong tập sách này e có phần không khớp lắm, bởi cuốn sách bạn đang cầm trên tay tiêu đề của nó là Văn học Cổ cận đại Việt Nam – Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật, cho thấy đây là một cuốn sách chuyên sâu nghiên cứu văn học Cổ cận đại Việt Nam, không liên quan gì tới công việc dịch. Và những thành tựu nghiên cứu vừa khảo sát ở trên dường như cũng đủ cho ta thừa nhận ông là một nhà khoa học thực thụ. Vậy thì còn gì phải nói đến việc dịch của ông? Nhưng bạn đọc sẽ hiểu ngay thôi, nếu không đề cập đến một Nguyễn Huệ Chi – dịch giả Hán Nôm thì quả là thiếu sót.

Từ cuối những năm sáu mươi của thế kỷ XX, khi vừa tốt nghiệp hạng ưu lớp Đại học Hán Nôm khóa I, Nguyễn Huệ Chi khi đó chưa đến 30 tuổi, đã được Lãnh đạo Viện Văn học trao nhiệm vụ phụ trách việc biên soạn bộ Thơ văn Lý – Trần (Tập I và II thượng và hạ). Ngoài công việc sưu tầm, thu thập, phân loại, khảo chứng văn bản, Nhóm biên soạn còn phải là những nhà dịch thuật cứng cỏi, vì lẽ, đối với bộ phận văn học chữ Hán, là người chuyên Hán Nôm học ai cũng hiểu, con đường đầu tiên đến với độc giả hiện đại phải là bản dịch. Bản dịch là cầu nối trực tiếp để người hiện đại có thể tiếp cận cổ nhân. Dịch biền ngẫu đã khó, dịch thơ tuân thủ nghiêm ngặt niêm luật lại càng khó hơn. Ấy vậy mà, với Thơ văn Lý – Trần, công chúng đã thực sự vui mừng đón nhận không chỉ mấy tập sách dày chứng tỏ di sản xưa nhất của cha ông vẫn dồi dào; bạn đọc còn được thưởng thức từ đó những bản dịch văn xuôi khá chuẩn xác, những bài thơ dịch mượt mà, đúng niêm luật và bảo lưu được hồn cốt nguyên tác cũng như chất thơ. Nhiều độc giả như nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924 - 2003), PGS. TS. Phạm Vĩnh Cư, nhà khoa học Chu Hảo,... từng thổ lộ: chính là từ những bản dịch thơ trong Thơ văn Lý – Trần mà các ông càng thêm hiểu và yêu thích thơ cổ nuớc nhà. Nhà văn Nguyễn Bá Chung (Hoa Kỳ) sau nhiều năm “đọc nát” Thơ văn Lý – Trần đã nảy ý tưởng tuyển dịch một phần trong đó sang tiếng Anh. Và Giáo sư người Pháp Philippe Langlet cũng vì sự say mê ấy mà đã cất công dịch toàn bộ thơ Thiền trong bộ sách sang tiếng Pháp([29]). 

Có được một ảnh hưởng như thế, phải nói, ngay từ sớm, người Chủ biên đã có ý thức rèn luyện học tập để làm chủ ngòi bút dịch của ông, đồng thời truyền niềm say mê và mọi kỹ năng sang bạn bè đồng nghiệp, tận tụy góp ý, chia sẻ, dần dần trở thành một Nhóm dịch tương đắc, ngày càng có nhiều bản dịch câu chữ không chuội đi mà đọng lại trong lòng người đọc. Và cứ thế, với thời gian, cùng với những dịch giả danh tiếng như Đinh Văn Chấp (1882 - 1953), Ngô Tất Tố (1893 - 1954), thanh thoát và giàu cảm hứng như Nam Trân (1907 - 1967), Trần Lê Văn (1023 - 2010), chân chất và quy củ như Nguyễn Đức Vân (1900 - 1974), Đào Phương Bình (1914 - 1988), Lê Hữu Nhiệm,... không ít bản dịch của Nguyễn Huệ Chi cùng các bạn ông: Đỗ Văn Hỷ (1921 - 1993), Phạm Tú Châu, Trần Thị Băng Thanh,... cũng đã gây ấn tượng rõ nét cho độc giả, cá biệt có những bài xuất thần. Xin dẫn ra dưới đây tên một ít trong số lượng bài thơ dịch khó lòng đếm xuể của riêng người Chủ biên bộ sách: Thị tu Tây phương bối, Giang hồ tự thích, Phật tâm ca, Phóng cuồng ngâm, Thế thái hư huyễn, Trụ trượng tử... của Tuệ Trung Thượng sĩ (1230 - 1291), Xuân nhật hữu cảm, Đề dã thự của Trần Quang Khải (1241 - 1294), Xuân cảnh, Mai hoa của Trần Nhân Tông (1258 - 1308), Đề Đông Sơn tự, Tống Độ Tông của Trần Anh Tông (1276 - 1320), Giang thôn thu vọng, Vũ hậu tân cư tức sự của Bùi Tông Hoan (? - ?), Trường Yên hoài cổ, Đề Gia Lâm tự, Quy chu tức sự, Giang thôn tức sự của Trần Quang Triều (1286 - 1325), Chu trung, Phiếm chu, Diên Hựu tự của Huyền Quang (1251 - 1331), Giang đình tác, Vọng Thái lăng của Chu Văn An (1292 - 1370), v.v. 
Cũng xin trích ra đây 3 bài dịch của Nguyễn Huệ Chi từng được nơi này nơi khác dẫn dụng. Bài Thị tu Tây phương bối (Gợi bảo những người tu Tây phương) trong Thơ văn Lý – Trần, Tập II, Q. thượng, sau khi sách vừa in, Thiền viện Hội Phước Nha Trang đã cho khắc lên tòa bảo tháp xây cất năm 1989:
   西
內彌陀紫磨軀
西南北法身周
空只見孤輪月
海澄澄夜漫秋
                                                Tâm nội Di Đà tử má khu,
                                                Đông Tây Nam Bắc pháp thân chu.
                                                Trường không chỉ kiến cô luân nguyệt,
                                                Sát hải trừng trừng dạ mạn thu.
                                               (Thân báu Di Đà ẩn đáy lòng,
                                                Bốn phương, thân pháp tỏa mênh mông.
                                                Bầu trời chỉ thấy vầng trăng quạnh,
                                                Đêm lắng vào thu, biển Phật trong)
Bài Ngộ cố nhân (Gặp lại cố nhân) của Lê Hữu Trác được chọn lại trong Tuyển tập thơ Thăng Long -  Hà Nội dịp kỷ niệm 1.000 năm Lý Thái Tổ (974 - 1028) dời đô (theo dịch giả cho biết đây cũng là một... “mảnh lòng phong kín” của chính mình):
   
心事出誤人多
日相看苦自嗟
笑情多流冷淚
眸春盡見形花
生願作乾兄妹
世應圖巽室家
不負人人負我
然如此奈之何
                                                Vô tâm sự xuất ngộ nhân đa,
                                                Kim nhật tương khan khổ tự ta.
                                                Nhất tiếu tình đa lưu lãnh lệ,
                                                Song mâu xuân tận hiện hình hoa.
                                                Thử sinh nguyện tác càn huynh muội,
                                                Tái thế ưng đồ tốn thất gia,
                                                Ngã bất phụ nhân, nhân phụ ngã,
                                                Túng nhiên như thử nại chi hà?
                                                (Vô tâm để lụy mãi cho người
                                                Nay được nhìn nhau,luống nghẹn lời
                                                Một tiếng cười tình,rơi lệ lạnh,
                                                Hai tròng xuân úa, hiện hoa tươi.
                                                Kiếp này đành nhận hờhuynh muội”,
                                                Kiếp khác xin nguyền vẹnlứa đôi”.
                                                Tớ chẳng phụ người, người phụ tớ,
                                                Ra nông nỗi thế biết sao trời)
Bài Trường Yên hoài cổ (Nhớ Trường Yên xưa) trong Thơ văn Lý – Trần, Tập II, Q. thượng, sau đó được in lại ở nhiều sách:
岳終存故國非
行陵柏背斜暉
時王氣埋秋草
雨蕭蕭野蝶飛
                                                Hà nhạc chung tồn cố quốc phi,
                                                Sổ hàng lăng bách bối tà huy.
                                                Cựu thời vương khí mai thu thảo,
                                                Mộ vũ tiêu tiêu dã điệp phi.
                                                (Núi sông còn đó nước xưa đâu,
                                                Nắng xế gò cao, bách dãi dầu.
                                                Vương khí một thời chôn dưới cỏ,
                                                Bướm đồng chao cánh dưới mưa mau)

Dịch thuật là công việc luôn luôn đi kèm, thậm chí đi trước quá trình nghiên cứu. Dịch để lột cho được cái thần của nguyên tác không dễ, nhưng nếu làm được sẽ giúp sức mạnh mẽ cho bước khảo sát và nghiền ngẫm văn bản tiếp theo nhằm rút ra nhiều vấn đề khoa học. Có khi, các phát giác mới mẻ đã khơi lên ngay từ quá trình lăn lộn với bản dịch. Đó là kinh nghiệm của những nhà khoa học “kiêm” dịch thuật như Phạm Tú Châu, Trần Thị Băng Thanh, Đỗ Văn Hỷ, Nguyễn Huệ Chi,... Ta hãy cùng thử tìm hiểu thêm đôi điều về công việc “cân đo đong đếm” từ ngữ này qua việc Nguyễn Huệ Chi cùng nhóm dịch giả tiến hành bổ chính bản dịch thi phẩm Ngục trung nhật ký

Ai cũng biết, Nhật ký trong tù là tập thơ được dịch giới thiệu từ những năm 1960, nhiều bài thơ dịch của các vị túc nho do nhà thơ Nam Trân phụ trách đã đi vào lòng bạn đọc, trở nên thiêng liêng, được nhiều thế hệ thuộc nằm lòng. Tuy nhiên, đối với giới Hán học toàn quốc thì thời gian càng lùi xa, càng có dịp nhìn rõ hơn những gì bất cập trong bản dịch tưởng đã thành kinh điển kia. Yêu cầu hoàn chỉnh tập thơ trở nên một thôi thúc. Đến thời điểm 1983, nhân dịp kỷ niệm 40 năm xuất bản Nhật ký trong tù, Viện Văn học quyết định tái bản tập thơ, giao cho Nguyễn Huệ Chi làm Trưởng nhóm dịch mới, với nhiệm vụ “Soát lại bản dịch cũ về nhiều mặt: dịch lại phần dịch nghĩa, chỉnh lại một số chữ, số câu trong phần dịch thơ; thay thế một vài bài thơ dịch xét thấy chưa đạt bằng bản dịch mới, hoặc dịch thêm một bản dịch khác để bạn đọc tiện cân nhắc; sắp xếp lại trật tự các bài cho đúng với nguyên tác và bổ sung thêm một số bài trước đây chưa có điều kiện công bố”([30]). So với lần xuất bản đầu tiên, bản dịch lần này đã có một sắc diện khác: bổ sung thêm 14 / 20 bài còn tồn lưu mà trước đây có nhiều lý do chưa thể công bố. Tuy vậy, một bản dịch Nhật ký trong tù trọn vẹn thì cũng phải ngót chục năm sau mới thực sự dứt điểm trong lần “tái ngộ” 1990. Vẫn tiếp tục vai trò người chủ trì, Nguyễn Huệ Chi đã cùng nhóm dịch mới giữ nguyên tinh thần cầu thị, không e sợ những luồng dư luận chỉ muốn bảo lưu những gì đã ăn sâu trong tiềm thức, phản ứng với đổi mới, quyết tâm chỉnh sửa bản dịch cũ đến cùng, dịch lại những bài chưa chuẩn, điều chỉnh hoặc thay thế những chỗ còn “vướng”, như việc thêm chữ, thêm ý, khiến câu thơ đi xa nghĩa gốc. Cũng với ý thức trân trọng người đi trước và là một sự thận trọng khoa học cần thiết, giống như bản dịch 1983, người phụ trách nhóm dịch vẫn chủ trương, trong một số trường hợp, cứ để cả bản dịch cũ kèm thêm bản dịch mới để bạn đọc rộng đường lựa chọn. Vừa chỉ đạo biên soạn, dịch, chú, Nguyễn Huệ Chi cũng là một dịch giả chủ lực. Các bản dịch thơ ghi tên ông, rất suôn sẻ nhưng vẫn cố gắng để không đi xa nghĩa gốc. Ví dụ: trường hợp bài Lộ thượng (Trên đường giải đi), dịch phẩm 1960 được Hoài Thanh công nhận là mượt mà, giàu chất thơ, song nhà phê bình cũng cho rằng bài thơ dịch đã phải thêm một số từ tượng hình, tượng thanh như “rộn núi”, “ngát rừng”, “vui say”,... mà nguyên văn không có “là chỗ bản dịch chưa thành công”([31]):
臂雖然被緊綁
滿山鳥語與花香
由覽賞無人禁
此征途減寂凉
                                                Hĩnh tý tuy nhiên bị khẩn bang,
                                                Mãn sơn điểu ngữ dữ hoa hương;
                                                Tự do lãm thưởng vô nhân cấm,
                                                Lại thử chinh đồ giảm tịch lương.
                                                (Mặc dù bị trói chân tay,
                                                Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng.
                                                Vui say ai cấm ta đừng,
                                                Đường xa âu cũng bớt chừng quạnh hiu)
Nguyễn Huệ Chi đã bổ sung một bản dịch mới:
                                                Dẫu trói chân tay đến ngặt nghèo,
                                                Khắp rừng hương ngát với chim kêu;
                                                Tự do thưởng ngoạn, ai ngăn được,
                                                Cô quạnh đường xa, vợi ít nhiều.

Dịch giả vẫn giữ nguyên thể tứ tuyệt, mới đọc qua tưởng như không bay bướm bằng bài dịch lục bát, song càng đọc kỹ càng nhận ra âm hưởng chất thơ của nguyên tác ở đây không hề sút giảm, lại sát nghĩa hơn, và cơ bản là đã “găm” lại được hai chữ tự do vốn là “nhãn tự” trong thủ bản. Trung thành với nguyên tác trong nguyên tắc dịch thơ theo Nguyễn Huệ Chi quả là cả một vấn nạn, bởi thông thường cứ tưởng lời dịch đọc lên nghe xuôi tai và đúng điệu thơ dân tộc là “chuẩn mực tối cao” rồi, mà thực ra thì chưa hẳn, vì nếu ta đổi thể thơ tức là đã bước sang địa hạt của sự chuyển đổi thể loại, mà chuyển đổi thể loại thì lại bước sang “lãnh địa” của cái gọi là phóng tác hoặc sáng tác, đâu có còn là dịch nữa! Đó là điều hiện vẫn còn không ít nhà dịch thuật và nhà nghiên cứu lẫn lộn.

Trải thời gian hơn nửa thế kỷ làm công việc của người khai thác văn hóa cổ, nếu như Nguyễn Huệ Chi ngày càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của văn bản học – một thao tác không thể thiếu của nghiên cứu văn học với tư cách một sự “mở tung văn bản” bao nhiêu thì ông lại càng thấm thía công lực của các bản dịch và sự cần thiết của việc dịch sao cho hay cho sát bấy nhiêu. Nếu thao tác khảo sát văn bản để tìm ra một văn bản đúng, chính xác, “sát hợp với cổ mẫu”, tránh được những sai dị đáng tiếc thì công việc dịch thuật lại đòi hỏi phải đạt được mục tiêu đưa đến cho người đọc hiện đại một văn bản mới tương ứng bằng Việt ngữ, vừa chuẩn xác về nội dung vừa chuyển tải được những giá trị nghệ thuật vốn có của nguyên tác. Đó là một áp lực không nhỏ vì nếu không nắm thật chắc các giá trị nội dung tiềm ẩn trong văn bản, không làm chủ được đặc trưng thể loại, cấu trúc nghệ thuật, tư tưởng thẩm mỹ của nguyên tác thì thất bại là trong tầm tay. Tuy nhiên, tất cả những điều ấy cũng chỉ mới là cần mà chưa đủ, vì nếu không được kết hợp với một khả năng thẩm thơ, nhập thân “hai trong một” – “vừa làm tác giả cổ lại vừa là độc giả hiện đại” thì cũng thật khó chiếm lĩnh được thế hệ độc giả đương thời mà số đông vốn hành trang cổ học ngày một “nhẹ tênh”. Thật may, sau 50 năm nhìn lại, những bản dịch tác phẩm thời Lý – Trần, thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhật ký trong tù, Hý trường tùy bút, Truyện truyền kỳ Việt Nam, Liêu trai chí dị và một số thơ văn khác của Nguyễn Huệ Chi dường như vẫn không hề “giảm giá” trước thách thức của thời gian. 
*
*    *
Cuối cùng, hãy trở lại với bản lý lịch trích ngang đã nói ở đầu bài viết. Còn có một chi tiết khá thú vị từ bản “trích ngang” ấy: nhà nghiên cứu say mê văn học cổ dân tộc từng bắt đầu sự nghiệp với đối tượng nghiên cứu là văn học Hiện đại Việt Nam, cùng người bạn đồng hương Lê Phong Sừ, hai ông xuất hiện trên các báo, tạp chí với những bài viết về văn học Việt Nam hiện đại, trong đó số bài viết đầu tiên tâm đắc nhất với họ và kiến giải ít nhiều còn giữ được giá trị đến ngày nay là nghiên cứu về Nam Cao. Nhưng “số phận” học thuật đã tách ông khỏi bạn mình, “đẩy” ông vào một lĩnh vực mà như một định mệnh – đó mới là “cái nghiệp” của ông – nghiên cứu cổ văn. Trong khi người bạn ông, sau nửa thế kỷ theo đuổi đối tượng văn học hiện đại với những thành công không thể phủ nhận – bằng chứng là đã xuất bản hàng chục đầu sách, vô số bài báo, thì Nguyễn Huệ Chi, cho dù không còn cái “cơ duyên” ấy – số phận lôi cuốn ông lăn lưng vào tìm kiếm những giá trị nằm sâu trong kho thư tịch cũ kỹ, nhiều khi “hỗn độn phức tạp” đến không còn biết đường nào xoay xở – dầu thế, với văn học hiện đại, như con tằm “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”, hễ có điều kiện và có chút thì giờ thoát ra khỏi “mớ bòng bong cổ Hán ngữ” là ông lại dấn thân hết mình vào những đề tài, những đối tượng, những vấn đề gai góc của thời sự văn học đương đại một cách thích thú. Trong cuốn sách này – mặc dù đã cố hết sức – chúng tôi đành chỉ có thể tuyển một đôi bài đơn lẻ nghiên cứu về văn học hiện đại của ông. Để chúng ta cùng thấy rằng, Nguyễn Huệ Chi có thể thâm canh chừng nào trên mảnh đất văn chương ngàn năm của cha ông, thì cũng tự tin, thoải mái, và mẫn tiệp chừng ấy truớc các đối tượng thuộc văn học hiện đại, như Nguyễn Công Hoan (1903 - 1977), Nam Cao (1915 - 1951), Tự lực văn đoàn, Phạm Quỳnh (1892 - 1945), Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936), Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải (1930 - 2008), Hà Ân (1928 - 2010),... Chẳng hạn cho đến nay, đã từng có khá nhiều bài báo khoa học, luận văn, luận án nghiên cứu Hoàng Ngọc Phách, nhưng với Tuyển tập Hoàng Ngọc Phách (NXB Văn học, H., 1989) và đặc biệt, với chuyên khảo Hoàng Ngọc Phách – Đường đời và đường văn (NXB Văn học, H., 1996), phải khẳng định, Nguyễn Huệ Chi vẫn được coi là người đem đến cho bạn đọc một chân dung Hoàng Ngọc Phách – con người thơ, người văn, nhà giáo, nhà trí thức tiếng tăm một thời, sâu sắc và trọn vẹn nhất. Công trình là kết quả của những tháng ngày cặm cụi kiên trì lục tìm, sắp xếp, biên soạn “cái đám bản thảo”([32]) ngổn ngang của cụ Hoàng – người vốn là đồng nghiệp đáng kính của ông trong những năm đầu ở Viện Văn học –, cuối cùng nhà nghiên cứu đã “trình làng” một sản phẩm theo phong cách suy nghĩ độc lập vốn có: không bận tâm quay lại những vấn đề xã hội học mòn cũ rất nhiều người từng lật xáo thậm chí đòi hỏi ông tiếp buớc họ – mà chú tâm soi rọi cặn kẽ bút pháp hiện thực tâm lý của tiểu thuyết Tố Tâm; ông đánh bạt ý nghĩ của không ít người trẻ thời nay lầm tưởng sau khi cắm cái mốc trên đài tiểu thuyết vào năm 1925, tác phẩm đã “ngủ yên hẳn” trong ký ức bạn đọc. Dẫn giải hữu lý của ông mở ra một triển vọng, rằng Tố Tâm vẫn còn đó cái sức sống tiềm ẩn xét theo “tầm chờ đợi” hai chiều của lý thuyết tiếp nhận. Và từ những trang hồi ký hóm hỉnh của một nhà giáo chân chỉ, từ một vài truyện ngắn ít ỏi mà độc đáo, Nguyễn Huệ Chi còn làm hiện rõ một Hoàng Ngọc Phách khác lạ, con người từng có một thời trẻ trung nghịch như “quỷ sứ”, khá hăng say trong những cuộc “cách mạng học đường”, một chàng tu mi mơ mộng qua những bài thơ thời kỳ tiền “thơ mới”, và đôi khi cũng tọc mạch để mắt vào  lũy tre xanh, tóm đúng một loại “Tố Tâm làng quê” – Gò cô Mít – rất mực hiền lành chất phác, ấy thế mà lại biết say đắm vì yêu, hơn thế nữa biết dùng cái chết quyết liệt để phản ứng lại sự gả bán của người cha tham lợi, gây nên một tấn kịch rùng rợn, ghê gớm hơn nàng Tố Tâm thành thị rất nhiều. 

Tự giải về niềm say mê trong nghiên cứu văn học cổ của mình, Nguyễn Huệ Chi cho rằng: chính những vấn đề của văn học đương đại lại là một động lực thúc đẩy ông lao sâu vào văn học cổ điển. Điều đó tưởng như một nghịch lý, nhưng kỳ thực, quy luật của văn chương muôn thuở là ở chỗ nó vẫn thường lặp đi lặp lại những vấn đề của con người, những đề tài, đặc điểm, bi kịch như là một “căn cốt định mệnh”, hoặc như một sự “hồi đầu” vậy. Ông cho biết: “Có lẽ chính cái nhìn của thời đương đại, chính các giá trị hôm nay không ngớt soi mình vào quá khứ”đã tạo cho ông“hứng thú đi sâu vào nền văn hóa – văn học truyền thống. Ở đây không những có bao nhiêu ẩn sốtrong quy luật của đời sống tâm hồn dân tộc cần được giải mã, bao nhiêu chân lý sống thâm thúy làm chúng ta như được thức tỉnh, tự nghiệm sinh về mình, về đời mà còn có không ít số phận riêng, những thân thế nổi chìm trong lịch sử – họ như là sự hội tụ của cái đẹp một thời không trở lại, nhưng cũng như đang hiện diện cho đến hôm nay với tâm sựbất mãn hoàicủa loài người muôn thuở, với chỗ mạnh chỗ yếu, cái hay cái dở cố hữu của con người Việt Nam” (Tiểu sử khoa học, chưa công bố). Có lẽ chính vì thế, ông luôn tiếc xót những cống hiến của các bậc đàn anh, các bậc thầy một khi chúng phải buồn tủi khuất lấp ở đâu đó trong đống bản thảo bụi bặm. Ví như trường hợp cuốn Cao Xuân Huy – Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu (NXB Văn học, H., 1995) do ông sưu tầm, chú giải, giới thiệu. Để xuất bản được cuốn sách này, Nguyễn Huệ Chi đã kỳ công lục tìm trong kho lưu trữ của cá nhân, bạn bè và gia đình họ Cao, sưu tầm lại những bài giảng, bài viết của GS. Cao Xuân Huy mà sinh thời Giáo sư chưa có dịp công bố. Nguyễn Huệ Chi dành toàn bộ tâm lực phân loại một cách khoa học, sắp đặt trình tự, tìm cho nó một kết cấu tối ưu, vừa tôn trọng tiến trình tư tưởng của người thầy khả kính vừa kiến tạo được sự móc nối lô gích nội tại cho tập sách. Ngoài phần chú thích của nguyên tác, ông còn phải chú giải thêm vài trăm trang, viết 70 trang dẫn luận, nhằm khơi mở cho người đọc dễ dàng đến với những phát hiện, những triết thuyết cao siêu, thâm thúy, không dễ hiểu chút nào về tư tưởng triết học phương Đông của Cao Xuân Huy. Công trình ra đời được rất nhiều người tìm đọc. Giới nghiên cứu Hán học, triết học cổ có thêm một cẩm nang quý giá. Công lao của ông ngay chính người con trai nhà Đạo học là PGS. Cao Xuân Hạo cũng phải nhắc đến với thái độ trọng nể rất mực, ấy thế mà người biên soạn chỉ nhận mình là “ngón tay trỏ mặt trăng”, chỉ mong muốn làm được cái điều mà thầy học từng làm là truyền bá cho lớp hậu sinh cái hứng thú chiêm nghiệm, hấp thụ những điều ông tâm đắc về tư tưởng của thầy([33]).

Lại nữa, vào những năm 90 thế kỷ XX, trong khi môi trường nghiên cứu hiện đại của chúng ta còn đang say sưa với thành tựu văn học “chính thống hiện thực xã hội chủ nghĩa”, ít cởi mở, thì Nguyễn Huệ Chi đã chiếm trọn sự chú ý của dư luận với bài Vài cảm nhận về văn học Việt Nam hải ngoại. Ông nghĩ rằng phải nhanh chóng xem mảng văn chương của giới văn nghệ sĩ hải ngoại là một bộ phận không thể chối bỏ của văn học hiện đại Việt Nam, đó là nguồn mạch hợp lưu làm sinh sắc thêm, hoàn thiện thêm cho gương mặt văn chương dân tộc trên một đất nước thống nhất và nơi những con người Việt Nam cùng chung cội rễ cho dù họ cầm bút ở bất cứ nơi đâu. Bài viết như một tiếng chuông mạnh vang lên rạn vỡ một thói quen nghiên cứu, một cú hích “tỉnh người” của học giới khi ấy. Tất nhiên, hệ lụy từ một bài báo như vậy là đã gây bối rối cho cả những người quản lý văn nghệ. Thời điểm này nhìn lại, mới thấy cái mẫn tiệp của một nhà khoa học không chịu nghĩ một chiều, đi một đường định sẵn vốn chỉ có ở rất ít người, trong đó Nguyễn Huệ Chi là một.

Ngay cả khi những xu hướng văn chương “lạ” xuất hiện trên văn đàn với những cái tên Bảo Ninh, Nguyễn Minh Châu (1930 - 1989), Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Ngọc Tư,... ông thường có những lời đáp rất sớm và khá chuẩn về vị trí và triển vọng của những cây bút mới mẻ ấy. Đó là một sự tỉnh táo đến từ một nhà khoa học luôn nhìn sự việc trong bản chất mang tính quy luật của nó.

Qua bài viết Thử định vị lại Tự lực văn đoàn([34]), trong Hội thảo cùng tên ở Cẩm Giàng năm 2008, ông đã thẳng thắn và “có lý có tình” đề xuất những nhận xét xác đáng khẳng định công lao to lớn của văn đoàn này, cũng như vai trò chủ xướng quan trọng của Nhất Linh đối với Tự lực văn đoàn. Ông nhìn thấy trong mọi hoạt động của cái tổ chức văn chương tư nhân nổi tiếng bậc nhất một thời sự đáp ứng hai yêu cầu lớn của thời đại là tự do và dân chủ: “Một phẩm chất khác cũng không kém nổi bật là Tự lực văn đoàn thể hiện cái khát vọng dân chủ trong đời sống văn học nghệ thuật. Dân chủ trước tiên chính ở nề nếp sinh hoạt rất có tính nguyên tắc của một tổ chức văn học được xây dựng theo những chuẩn mực mới mẻ của Âu Tây”; “Dân chủ ở ngay cách đối xử với cộng tác viên nhiệt tình, trân trọng và hết mực chu đáo, kể cả với người lần đầu cầm bút, nâng hẳn tầm thước của họ lên trong chính mắt họ, đặt họ ngang hàng sòng phẳng với mình, gieo vào lòng họ niềm tin ở thiên hướng nghệ thuật mà họ thực sự có tài năng và đang tận tâm đeo đuổi”. Khẳng định vai trò của Nhất Linh, ông viết tiếp: “Là một nghệ sĩ đa tài, một con người giàu tâm huyết và có tầm nhìn xa, Nhất Linh đã biết đoàn kết cả nhóm lại trong một ý hướng chung do mình xướng xuất, biết truyền niềm say mê mãnh liệt của mình cho người khác, nhất là có con mắt tinh đời, biết khơi gợi đúng thiên hướng của từng người để mỗi tác giả trong văn đoàn trở thành một cây bút chuyên biệt nổi danh về một thể loại. Như Khái Hưng (1896 - 1947), được ông khuyến khích chuyển từ lối viết luận thuyết trên các báo Văn học tạp chí, Duy tân (dưới bút danh Bán Than) sang viết tiểu thuyết; Tú Mỡ (1900 - 1976) được ông gợi ý chuyên làm thơ trào phúng; Trọng Lang (1905 - 1986) được ông cổ vũ đi hẳn vào phóng sự; còn Thế Lữ (1907 - 1989) dưới con mắt Nguyễn Tường Tam phải là người mở đầu cho “thơ mới”,... Có ai ngờ được rằng bấy nhiêu lời chỉ bảo tưởng chừng bâng quơ như thế cuối cùng đều có một đáp án chính xác: chỉ sau chưa đầy ba năm kể từ ngày thành lập, Tự lực văn đoàn nghiễm nhiên là một hàn lâm văn học sang trọng, phát ngôn cho mọi chuẩn mực giá trị của văn học được công chúng xa gần thừa nhận. Và mỗi thành viên của nó cũng nghiễm nhiên đóng vai trò ông tổ của cái hình thức sáng tác mà Nhất Linh đã phó cho mình cầm chịch”. 

Thật ra, ngay từ những năm 1983 - 1984, khi phụ trách chính phần nội dung tác gia tác phẩm văn học Cổ cận đại Việt Nam trong bộ Từ điển văn học (tập I và II), Nguyễn Huệ Chi đã mạnh dạn đề xuất: phải đưa được vào bộ từ điển những cái tên đã từng “làm mưa làm gió”, mê hoặc hàng ngàn độc giả đương thời, làm nên tiến trình của văn học hiện đại như Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam (1910 - 1942), Vũ Hoàng Chương (1916 - 1976), Lê Văn Trương (1906 - 1964), những nhà văn khơi nguồn cho văn chương quốc ngữ: Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898), Huỳnh Tịnh Của (1834 - 1907),... Hai mươi năm sau, nhận nhiệm vụ đồng chủ biên bộ Từ điển văn học bộ mới, ông lại tiếp tục đưa vào bộ sách những cái tên: Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936), Hoàng Cao Khải (1850 - 1933), Thụy An (1916 - 1989), các nhà văn trong Nhóm Nhân văn – Giai phẩm,... Ngay một việc đưa được vào bộ từ điển năm 1983 - 1984 vài bức tranh Phục hưng cũng là một việc cực khó, một nỗ lực âm thầm mà chỉ trước “tính cách” một Nguyễn Huệ Chi thì GS. Đỗ Đức Hiểu (Chủ biên) và các thành viên phụ trách khác mới bị thuyết phục. Như thế cũng đã là thành công, là mới mẻ táo bạo lắm rồi – trong khi vào thời điểm hiện tại, chúng ta không thể hình dung nổi tại sao lại “kỳ quặc” như vậy. Nếu không có sự quyết đoán của ông và sự đồng thuận của nhóm phụ trách thì sự đáng tiếc khoa học “đứt ruột” không biết đến bao giờ mới được khai thông? Hoặc chí ít cũng phải tới mươi năm sau đấy là nhanh.

Tóm lại, từ những đóng góp thầm lặng nhỏ mà không nhỏ ấy, có thể khẳng định, Nguyễn Huệ Chi là một nhà khoa học vững cổ thông kim, những đóng góp của ông cho thành tựu chung trên các lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu, khảo chứng, dịch thuật các giá trị văn hóa nói chung và văn học nói riêng là thiết thực và quan trọng. Lâu nay, học giới vẫn định danh cho ông là “chuyên gia hàng đầu” về văn học Việt Nam Cổ cận đại, tưởng không phải là nhận định quá ưu ái. Là nhà học giả cẩn trọng, nghiêm túc đến mức nghiêm khắc với mình và kỹ lưỡng với người, suốt 50 năm qua ông đã góp sức đào tạo nên một số lượng đáng kể học trò thành đạt, kể cả trong giới nhà văn hàng đầu hiện nay. Cũng là một học giả năng động, từng không ít lần vận dụng kiến thức chuyên sâu vào việc góp phần đấu tranh cho cái đúng, cái mới ở trong xã hội, đơn cử như việc nhờ ông mà khu di tích Nguyễn Văn Siêu tại quê quán đã không bị thoán đoạt bởi một toan tính từ trong dòng họ; ít ai biết cũng qua việc đó ông đã trở thành nhân vật chính – Giáo sư Huệ – trong một cuốn tiểu thuyết khá tiếng tăm một thời của nhà văn Đoàn Lê([35]). Vâng, ông đúng là Giáo sư Huệ, không riêng với những cặp mắt biệt nhãn nào đấy mà còn với khá nhiều người thuộc thế hệ trên chúng tôi, thế hệ chúng tôi và cả những thế hệ sau chúng tôi.

Hà Nội, xuân Tân Mão 2011
 
Đ.T.H.   
   

([1])Tìm hiểu nhân sinh quan tích cực trong thơ Cao Bá Quát. Nghiên cứu văn học, số 6 - 1961.
(2)Tạp chí văn học, số 8 - 2003.
(3)Xem toàn bài in trong sách Văn học Cổ cận đại việt Nam – Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật; tr. 113.
(4)Như trên; tr. 492.
(5)Như trên; tr. 283.
(6)Xem số bài chọn in trong sách nói trên; các tr. 51, 60, 96, 74, 137, 767, 305, 259. Riêng bài “Nét ngài” và “Mày ngài”, có vẻ như còn chỗ cho những cách lý giải khác về hai chữ “ngài” trong “nét ngài”, “mày ngài” song đó là chuyện thường tình của khoa học.
(7)Xem toàn bài in trong sách nói trên; tr. 527.
(8)Xem toàn bài in trong sách nói trên; tr. 218.
(9)Xem: Phạm Tú Châu, Sóng gió bất kỳ từ một bản dịch. Tạp chí Văn học nước ngoài, số 5 - 1997, in lại trong Hai trăm năm nghiên cứubàn luận Truyện Kiều”, NXB Giáo dục, H., 2005.
(10)Xem: Nguyễn Khắc Phi, Nhân đọc bài “Kim Vân Kiều truyện” của Đổng Văn Thành. In trong Mối quan hệ giữa văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc qua cái nhìn văn học so sánh, NXB Giáo dục; in lại trong Hai trăm năm nghiên cứubàn luận Truyện Kiều”, NXB Giáo dục, H., 2005.
(11)Xem toàn bài in trong sách nói trên; tr. 1017.
(12)Xem toàn bài in trong sách nói trên; tr.  924.
(13)Theo ý tác giả để dành cho một chuyên khảo riêng nên bài này không chọn.
(14)Xem Vấn đề phân kỳ văn học sử  Việt Nam. Tạp chí văn học, số 3 - 1985; bài cùng tên in trong Các vấn đề của khoa học văn học, Trương Đăng Dung (Chủ biên), NXB Khoa học xã hội, H., 1990; tr. 373 - 398, và bài Đổi mới nhận thức lịch sử trong khoa học xã hội và trong nghiên cứu văn học. Tạp chí văn học, số 6 - 1990.
(15)Xem toàn bài in trong sách nói trên; tr. 958.
(16)Xem toàn bài in trong sách nói trên; tr. 1004.
(17)Xem cả hai bài in trong sách nói trên; các tr. 869. 1080.
(18), (19)Nguyễn Huệ Chi, Làm thế nào đổi mới phương pháp nghiên cứu văn học cổ. Tạp chí văn học, số 1 - 1990; tr. 46.
(20)Khái niệm “văn học vùng” còn được Nguyễn Huệ Chi mở rộng trong một số  tham luận hoặc hội thảo mà ông chủ xướng; ông cho rằng “văn học vùng” không chỉ khu biệt bởi ranh giới địa lý cụ thể.
(21)Xem bài Nhận diện văn học Thăng Long - Hà Nội mười thế kỷ, in trong sách nói trên; tr. 831.
(22)Bản thân tôi và nhiều người trong Ban đã có dịp chứng kiến buổi làm việc giữa GS. Nguyễn Huệ Chi với nhà thơ Xuân Diệu (1916 - 1985) về chương Quốc âm thi tập do nhà thơ đảm nhiệm trong cuốn sách. Sau nhiều ngày thâm nhập bản thảo của Xuân Diệu, đối chiếu với các chương khác trong sách, cắt chỗ thừa, thêm chỗ thiếu, làm sao cho thống nhất văn phong trong toàn bộ chuyên khảo, cuối cùng ông đã rút bớt 125 trang của Xuân Diệu còn 90 trang. Vừa thoạt nhìn, nhà thơ có ý không bằng lòng, nhưng sau khi trao đổi khá lâu, nhận ra được sự tận tình và cách phân tích thỏa đáng của người Chủ biên, mấy hôm sau Xuân Diệu trở lại và nói: “Chưa thấy ai làm công việc biên tập công phu tỉ mỉ như Huệ Chi. Khó tính như tớ mà cũng phải hài lòng”.
(23)Bùi Duy Tân, Nguyễn Trãi khí phách và tinh hoa của dân tộc – một chuyên luận có những thành tựu đáng ghi nhận. Tạp chí văn học, số 1 - 1982; tr. 46 - 49.
(24)Nguyễn Bá Thành, ĐọcSuy nghĩ mới về Nhật ký trong tù”. Tạp chí văn học, số 3 - 1992; tr. 70.
(25)“Lời nói đầu”, Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Tập 1, Từ Bắc thuộc đến đời Lý (Epigraphie en Chinois du Vietnam. Vol. 1, De L’ occupation chinoise à la dynastie des Ly). Ecole Française d’Extrême-Orient – Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Paris – Hà Nội, 1998, 284 trang; tr. XXXII. Nguyên văn: “À peu près au même moment, d’autres chercheurs appartenant à L’Institut de la littérature, Viện Văn học, sous la direction de Nguyễn Huệ Chi, entreprenaient d’éditer  et de traduire en Vietnamien les inscriptions des Lý et des Trần au sein d’un recueil plus vaste regroupant tous les écrits accessibles de cette période et intitulé Thơ văn LýTrần / 李 陳 詩 文(1977). Le premier volume rassemble en fait des textes allant des Ngô 吳  à la fin des Lý李. Il s’agit d’un travail considérable, acompli dans des conditions souvent dificiles, qui mérite d’être salué et dont nous avons fait notre profit tout en essayant de l’améliorer et de compléter par l’ajout d’épigraphe découverts depuis, soit in situ, soit dans les textes”.
(26)Điều hài hước là các loại sách “xào xáo lại” ấy ghi danh người “cóp lại” rất đàng hoàng nhưng không một ai xin phép tập thể soạn giả, cũng không hề có lời trao đổi về tác quyền. Riêng bộ Tổng tập văn học Việt Nam, Tập I, do GS. Đinh Gia Khánh làm Tổng chủ biên có viết một “Lời xin phép” khá nhã nhặn ở “Lời nói đầu” cuốn sách.
(27)Nguyễn Phạm Hùng, “Vận dụng quan điểm thể loại vào việc nghiên cứu văn học Việt Nam thời Lý – Trần”. Luận án TS Ngữ văn, Trung tâm KHXH và NV Quốc gia – Viện Văn học, H., 1994; và Nguyễn Hữu Sơn, “Khảo sát loại hình tiểu truyện Thiền sư trong Thiền uyển tập anh”. Luận án TS Ngữ văn, Trung tâm KHXH và NV Quốc gia – Viện Văn học, H., 1999. Cả hai luận án này đều do GS. Nguyễn Huệ Chi hướng dẫn.
(28)Nguyễn Huệ Chi, Trường Viễn Đông bác cổ Pháp và bước tiến của ngành nghiên cứu văn học Việt Nam Cổ trung đại. Tạp chí văn học, số 2 - 1992; tr. 82. Xem bài in trong sách nói trên; tr. 945.
(29)L’école de L’esprit (Thiền tông) aux Xe-XIIe siècles. Imprimerie Stedi, Paris, 2005. Và Les Propos de Tuệ Trung, Paris, Décembre 2010.
(30)Hồ Chí Minh, Nhật ký trong tù, NXB Văn học, H., 1983; tr. 18.
(31)Nghiên cứu, học tập thơ văn Hồ Chí Minh, NXB Khoa học xã hội, H.; tr. 303.
(32)Chữ thường dùng của Trần Thị Băng Thanh.
(33)Xuất phát từ công trình này, một năm sau, GS. Cao Xuân Huy được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996).
(34)Xem toàn bài in trong sách nói trên; tr. 820.
(35)Cuốn gia phả để lại, NXB Tác phẩm mới (Hội Nhà văn Việt Nam), H., 1988.

Không có nhận xét nào: