Tôi thường gọi bạn tôi – cố nhà thơ Trịnh
Thanh Sơn là “Người rót biển vào chai” cái tên đó do cố nhà thơ Hoàng
Cầm đặt khi ông bình bài thơ “ Biển vắng” của ông Sơn. Một bài thơ
hay về nỗi cô đơn, chờ đợi vọng ngóng mà người yêu không đến. Bài thơ
tình tuyệt vời có câu kết thành thương hiệu đẹp cho ông Sơn:
Rơi chiều vàng ngơ ngác sóng
…Nắng tắt mà người không đếnAnh ngồi rót biển vào chai”
Người rót biển vào chai đã đi hội thơ tiên với các bậc cha anh trong thi đàn Việt Nam: Hữu Loan, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Trần Dần…Hôm nay tôi viết bài thơ này để thắp nén tâm nhang rót ly rượu Nga Sơn cho bạn. Vẫn ngỡ ông Sơn đang ngồi đâu đó ở quán Trúc Trần Hưng Đạo, quán bia Hoàng Hoa Thám nói oang oang, đọc thơ như lên đồng giữa bè bạn và cư dân yêu thơ.
Ông Sơn và tôi bạn từ thủa ấu thơ, thời
cởi truồng chạy rông khắp ngõ xóm, hụp lặn trên dòng sông mặn mòi nước
biển. Đó là làng Bạch Câu, bên sông Sung, nơi tuổi thơ Sơn sống với ông
bà ngoại cho bố đi bồ đội đánh Tây. Làng tôi nghèo, người dân sống nghề
chài lưới, trồng cói, trồng lúa con trai vạm vỡ khỏe mạnh, con gái tóc
dài đảm đang. Nhà tôi cạnh nhà ông ngoại Sơn, ngõ dưới nhà tiến sĩ Hoàng
Tuấn, vợ là nữ sĩ Hoàng Thị Minh Khanh. Lúc học trường làng bạn tôi
đứng ở bến sông này nhìn về các vùng quê xa. Đây là núi Vân Hoàn mây
trắng của Hữu Loan. Bên kia sông Hanh Cát, Hanh Cù của Mẹ Tơm nuôi dấu
nhà cách mạng Tố Hữu. Phía tây là chiến khu Ba Đình đánh Pháp nổi danh.
Xa hơn nữa dãy Mông màng có động Từ Thức, làng dưa hấu Mai An Tiêm, cửa
Thần Phù có chữ Thần của Nguyễn Trãi. Quê hương đầy huyền thoại, sử thi
nuôi dưỡng tâm hồn, vang vọng mãi trong ký ức của Sơn : Làng Bạch câu đất lở/Sông Sung lồng ngựa dữ/… Tôi sinh ra từ cọng rơm vàng/ Từ bùn tối cánh đồng, ngọn gió.
Từ nhỏ ông Sơn là người ham học. ban ngày
cắt cói, lội đồng bãi, hôi cá chợ chiều, đêm về mải miết học, đọc. Sơn
có sức đọc tuyệt vời, thấy sách là mê mẩn. Ngày học cấp III ở trọ, có
đêm Sơn thắp đèn dầu, ngồi đọc sách trong màn, gục ngủ quên, đổ đèn,
cháy màn, xém tóc, may chủ nhà dậy kịp, không thì họa to. Sơn thuộc làu “Truyện Kiều”, “Từ ấy”…đọc vanh vách “
Thi nhân Việt Nam” cho bạn bè, thầy giáo cùng nghe. Sau này ổn định công
việc ở Hà Nội, Sơn càng đọc nhiều.
Trong căn phòng 20m2 của vợ
chồng ông ở phố Vĩnh Phúc bao quanh là các giá sách xếp đầy, lèn chặt
sách, tạp chí. Nhiều nhất là các tập thơ cả nước gửi về. Ban ngày Sơn
chơi nổ trời, uống hết mình với bạn bè, đêm về chong đèn suốt sáng đọc
và viết giới thiệu các tập thơ mới. Nhiều cây bút trẻ được ông phát
hiện, động viên giới thiệu trên báo văn nghệ. Một tình yêu văn chương
mãnh liệt mới có sức đọc và bút lực viết như thế.
Ông Sơn tâm sự: “ cả cuộc đời tôi chỉ đọc và viết, đọc cái lạ của thiên hạ, cái mới của bạn bè, sách như là rượu của tôi vậy”.
Họ Trịnh ở Nga Sơn có chí và hiếu học bố
và chú ruột đều tham gia cách mạng, là bồ đội Điện Biên Phủ. Anh em nội
ngoại, cùng lứa với Sơn đều giám đốc, tổng giám đốc có chức vị, danh
vọng, chỉ có ông dạt về phía văn chương. Có lẽ do mong muốn của ông
ngoại chăng. Cố nhét vào đầu vài ba con chữ/ kim cổ đông tây cái gì cũng đọc/ Duy chỉ không học cách làm tiền.Con
đường lập thân, lập nghiệp của ông Sơn chông chênh va đập nhiều lắm.
Tốt nghiệp sư phạm Vinh 1969, làm giáo vụ Cao đẳng sư phạm Thanh Hóa
1970, gần 10 năm làm công nhân gang thép Thái Nguyên, học đạo diễn điện
ảnh 1980 – 1984 và từ năm 1985 làm báo ở Hà nội rồi về biên tập tạp chí
“Thế giới điện ảnh” cho đến khi về trời. suốt 60 năm trên cõi thế gian
Sơn là tiếng sấm nổ bất ngờ với người thân và cộng đồng. “Là sấm rất
mạnh rất vang tạo lên khi chuyển động”. nhà văn Xuân Cang xem quẻ Lôi
thiên đại tráng cho Sơn nói vậy. Năm tháng ở Thái Nguyên, cơm niêu nước
lọ với nguyễn Đức Thiện, Chu Hồng Hải, Sơn thấm nỗi khổ, vất vả của
người lao động. Năm tháng ở Hà Nội vừa học vừa viết báo bươn chải, không
chế độ, tem phiếu, Sơn học được phẩm giá làm người. Ở một xã hội lớp
lang trên dưới, bình xét miếng ăn, manh áo, chỗ đứng, chỗ ngồi. Ngày ấy,
Sơn bỗng thừa ra ở chỗ này, thiếu đi một tý ở chỗ kia, Sơn vượt lên tất
cả sự nhọc nhằn mưu sinh cái đua chen, đố kị danh lợi để sống bản lĩnh,
nhân hậu.Trịnh Thanh Sơn thẳng thắn, cương trực từ cuộc đời đến trang
viết. Ghét cái xấu, cái ác đến tận cùng nhưng nhân ái, yếu lòng, hay
khóc trước mất mát đau thương của đời. Nhà thơ Vũ Duy Thông: “ Trịnh
Thanh Sơn yêu người bằng thứ tình yêu trong trẻo chỉ có người xưa mới
có… Anh sống phúc hậu đến mức không nỡ thù ai” Học sư phạm không làm
thầy, học hóa nghiệm không thành công nhân, học điện ảnh không là đạo
diễn, làm báo không màng danh phóng viên, Trịnh Thanh Sơn chỉ thành thi
sĩ, nghề của trời đày : Tôi lặn vào thơ như đồng thiếp. Chỉ có gia đình bạn bè, rượu và thơ hiểu ông:
Tôi về với thơ như về với mẹ
…Nơi mẹ chong đèn chờ tôi trước cửa
Và cũng chính từ nơi ấy thơ đi.
Con đường văn nghiệp của Trịnh Thanh Sơn
bền bỉ liên tục hơn 40 năm. Đó là người đa tài. Ông viết báo kiếm cơm,
viết truyện ngắn có danh, viết phê bình có uy tín,viết kịch phim có giải
thưởng chỉ chưa kịp thử sức ở tiểu thuyết thôi. Nhưng để lại dấu ấn cho
nền văn học Việt Nam là thơ, ông là thi sĩ đúng nghĩa nhất của thi ca
hôm nay. Trịnh Thanh Sơn lấy cái chân, thiện, mỹ trong cuộc sống đời
thường làm cảm hứng xuyên suốt trong thơ mình. Những bài thơ viết về ông
bà, cha mẹ, vợ con,các cháu đằm thắm như rút ruột mình giãi bày tình
cảm vậy. Ông nhớ đau đáu: Ngoại ngồi bên thềm nhai cơm cho tôi./…Tớ đây chỉ nghe lời ông ngoại. Ông thăm thẳm biết ơn: Ánh mắt mẹ lo buồn trĩu nặng cả long con.thương vợ vất vả: Vợ tôi bán cháo cổng trường/ để tôi đi nhớ về thương tóc dài.Quyết liệt tình cha, khi con gặp nạn phải “mua” từ trại giam ra : Đã đắm đuối thêm một lần đắm đuối/ miễn con là hàng thật để ba mua. Con chó Capi bị kẻ xấu đánh bả chết, ông khóc chó, khóc cho lòng nhân ái con người xuống cấp: Ôi con người đồng loại của ta tài thật/ Biết chọn kẻ thù là con chó nhà ta. Đọc ứa nước mắt và cảnh tỉnh cuộc đời hơn.
Trịnh Thanh Sơn là người của tình bạn, nếu không có bạn: Ta làm sao tiêu hết cả buổi chiều.
Ông Sơn sống sôi động cả trong đời và trong thơ, chơi thân với nhiều
giới văn nghệ sĩ. Ông gắn kết yêu kính các bậc cao niên một thời hoành
tráng và đau xót: Hữu Loan, Văn Cao, Trần Dần, Phùng Quán… Tôi đã thấy
Sơn đón nhà thơ Hữu Loan từ Thanh ra Hà Nội chơi, dìu nhà thơ “màu tím
hoa sim” bước qua bậc cửa nhà mình kính trọng mời vào mâm rượu ấm cúng
gia đình. Sơn khắc họa chân dung các bậc tài danh này dẹp đẽ trong thơ.
Với Phùng Quán: Anh yêu tổ quốc như máu thịt/ ôm trái tim tử thương anh về đích trước rồi. Với Trần Dần: Bao năm tháng thân chìm vào bóng/ Thân về trời bóng vẫn ngồi yên. Với Hữu Loan: dẫu thời gian khốc liệt với người thơ/ tóc trắng xõa trên câu thơ khốc liệt. Với Hoàng Cầm : Hoàng Cầm mà đi nữa/ Sông Đuống mồ côi nghiêng.
Sơn chơi với bạn bè cùng lứa tuổi thân
thiết, bền vững, hàn vi có nhau, coi trọng cái đức, cái tài. Thủa học
trò là Mai Ngọc Toản, Hà Cao Đàm… Thủa lập thân là Hữu Thỉnh, Vũ Duy
Thông, Đặng Ái… Nhớ hồi tôi ở Thanh Hóa, Sơn vào chơi, rủ ra quán gọi
một chai rượu, một bát cháo, một con gà luộc. sơn uống rượu, tôi ăn
cháo, còn con gà ông xách về cho hai đứa con tôi, vợ tôi cảm động lắm.
Sự yêu quý bạn bè được ông thể hiện ở các trang viết. đọc ba tập “ Dọc
cánh đồng thơ” đầy dặm, ta gặp hầu hết các nhà thơ cả nước được ông Sơn
giới thiệu, bình một cách yêu mến. Ông tâm sự: “Trên cánh đồng thơ này
hạt lép, hạt giống đều quý. Phải chăm dưỡng từng mầm hạt khỏi thất bát
mùa sau” Thật có tấm lòng trách nhiệm với cánh đồng thơ Việt biết bao.
Trịnh Thanh Sơn là thi sĩ của những mối
tình cháy bỏng, lãng mạng, phồn thực. Ngoài đời Sơn yêu thế nào, khát
khao thế nào, cô đơn thế nào đều viết thành thơ. Thơ tình của Sơn là
nhật ký tình yêu như Vũ Duy Thông viết: “Có lẽ trong thơ tình Việt Nam
chưa có ai nói thật được nhiều như anh’’. Đọc thơ tình Trịnh Thanh Sơn
ta thấy chất đồng nội hương quê của Nguyễn Bính nhưng không còn lục bát
đắm đuối nữa mà tứ thơ hiện đại hơn, cấu trúc tự do, mạch thơ vạm vỡ
nâng cảm xúc tràn đầy. Đó là mối tình với cô láng giềng có dậu cúc tần,
hương bưởi làm chứng :
Tôi ôm em trong vòng tay
Như ôm một miền ký ức…
Giá em không xinh tươi như thế
Thì bình yên đến với anh rồi
Tình yêu không thành em cắp nón sang sông:
Em đi rồi ngày tháng cứ chông chênh
… Chỉ còn dấu guốc em để lại
Cắm trên bùn tươi như một vết thương
Tình yêu bất chợt rồi xa vắng, chút xao lòng làm nên hồn vía những câu thơ đắm say:
Bạn xa khuất em còn xa khuất nữa
Chén rượu này anh uống với mênh mông
Chàng thi sĩ si tình ở lại và khao khát:
Bên dậu cúc tần ta với bưởi
Thỏng tay buông như sợi tơ hồng
… Sẽ có ngày được khóc ở bên nhau.
Những câu thơ tuyệt đẹp, được Hoàng Cầm
khen: “Thơ Trịnh Thanh Sơn nẩy nở giản dị trên cái nền tươi tắm và vững
bền của cảm xúc yêu thương.”
Trơ Trịnh Thanh Sơn không cầu kỳ cấu tứ,
hình tượng , không cao đàm,khoát giọng chữ nghĩa, cứ tưng tửng mạch văn
cuộn chảy chở cảm xúc đến người đọc.Với trữ lượng ngôn từ dồi dào, bút
lực bức phá, Trịnh Thanh Sơn lại có câu thơ, hình tượng ám ảnh nhất. Ta
đọc một số câu:
Ta làm sao tiêu hết một buổi chiều
…Rạ rơm đi trống trải cả tâm hồn
…Sấm vẫn rền thơ dại phía trời xa
… Bóng bà nghiêng xô lệch cả hoàng hôn
… Người dưng ơi sao mà nhớ quá
Nhớ như vừa vấp phải hoàng hôn
Phải sống hết mình mới có những câu thơ
máu thịt như thế. Các câu thơ lộng lẫy đáng ghi vào “Những câu thơ trong
trí nhớ ” của Tô Hà. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo khen: “Thơ Trịnh Thanh
Sơn không chỉ giải tỏa niềm cô đơn, mà dường như còn vang vọng tiếng kêu
cảnh tỉnh trước muôn loài… Nhưng dù có dữ dằn quyết liệt biết bao nhiêu
thơ vẫn bỏ ngỏ những nỗi buồn thăm thẳm bên đời”. Đánh giá thơ ông Sơn
như thế thật minh triết phải không ông Tạo !
Tôi viết một chút về chị Lý, người ban
đời của ông Sơn, người giữ lửa cho gia đình. Là cô giáo hiệu phó trường
phổ thông, bỏ nghề từ Nga Sơn ra Hà Nội chăm chồng, nuôi con. Lương bổng
không có chị gánh cháo bán ở cổng trường để nhặt thêm đồng tiền. Ông
Sơn từng ngân ngấn nước mắt nói với tôi : “ Nhà tôi chỉ có một người thu
mà ba người chi ông ạ!. Vợ tôi là giàn thiên lý tỏa bóng bình yên cho
đời tôi, thơ tôi”. Đúng là : Cái ngày em cắp nón theo tôi/ mà chẳng mấy khi tôi thấy em cười.Đó là người con gái đẹp nhất trong thơ tình Trịnh Thanh Sơn.
Lại nhớ lần ngồi với Sơn ở quán bia dưới
bóng cây long não cùng Vân Long, Hoa Vang, Đặng Ái, Lê Bà Thự, bạn bè
đua chuyện, đọc thơ. Nhiều lúc ông Sơn lặng người, ngồi im lìm, mắt xa
vời nhìn tán long não xanh mướt dưới bầu trời ngổn ngang mây. Phút
“tĩnh” của ông Sơn, một nỗi cô đơn đắng đót giữa ồn ào phố thị mới thánh
thiện làm sao. Bây giờ cũng quán đó, mấy người còn lại ngồi uống vại
bia nhớ thắt ruột Trịnh Thanh Sơn, Hòa Vang. Đời người ngắn tựa gang
tay. Mọi thứ trên thế gian này đều mỏng manh, chỉ có tình yêu và thơ là
mãi mãi:
Kiếp sau nếu có làm ngườiChắp tay tôi lạy một đời thi nhân
Cuộc đời nhà thơ Trịnh Thanh Sơn được cố nhà viết kịch tài hoa Tào Mạt viết tặng bài thơ chữ Hán, tạm dịch:
Người sinh ra để làm thơBao năm viết báo dật dờ kiếm cơm
Bạc đầu tay vẫn trống trơn
Xuân về ai sẻ nỗi buồn cho ai
Đó là nghiệp của kiếp thi nhân!
Hà nội 8 – 2012
Nguyễn Ngọc Quế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét