Thứ Ba, 10 tháng 8, 2010

Nhà văn Bảo Ninh

Nhà văn Bảo Ninh. Tranh sơn dầu của họa sỹ Ba Tỉnh
Biết tiếng nhà văn Bảo Ninh và tác phẩm "Nỗi buồn chiến tranh" (The Sorrow of War) qua những bài bình luận trên báo chí và truyền thông. Tôi tò mò muốn biết cuốn sách và tác giả của nó ra sao, mà lại được dư luận đánh giá cao đến vậy. Lang thang đi tìm hiểu, tôi bắt gặp bài viết và bức họa chân dung Bảo Ninh của họa sỹ Ba Tỉnh. Không cầu kỳ, chau chuốt mà rất đỗi chân thành. Đó chính là tấm lòng của những người nghệ sỹ dành cho nhau. Mời các bạn cùng đọc...
---------------------------------------------------------
Chân dung Bảo Ninh

Rượu đã đều đều và kiên nhẫn chảy vào Bảo Ninh như là để chớp lấy một cơ hội nào đó bắt ông phải nói ra những gì ông đã và đang suy ngẫm và có thể là đang cố giấu đi. Rượu đã chiến thắng quá nhiều người nhưng với ông thì hình như rượu đã thất bại!


Nếu không có bộ tóc xoăn “um tùm” bụi bụi, điệu đàng thì Bảo Ninh hệt như một con rùa rụt cổ. Nhiều lúc ông từ từ thò đầu ra khỏi cái cổ áo sơ mi và dè dặt nhìn ra xung quanh, dù chẳng có chuyện gì đáng e ngại, nhưng ông như đang cố giấu mình trước thiên hạ. Bảo Ninh không nổi giận bao giờ, ngay cả khi người ta phê phán ông một điều gì đó rất ác ý. Ông chỉ nhún vai và ngọ nguậy cái đầu rồi nói một mình câu gì đó mà chẳng ai nghe thấy.


Các nhà báo thường rơi vào trạng thái mất cảm hứng mỗi khi phỏng vấn ông. Vì ông luôn luôn tìm cách đi ra ngoài câu hỏi. Câu trả lời của ông thực sự ở bên trái nhưng ông lại chỉ tay về bên phải.


Năm 1987 cuốn tiểu thuyết “Thân phận tình yêu” của Bảo Ninh ra đời. Khác với những tác phẩm trước đó mang tính sử thi, miêu tả chiến tranh từ góc độ cộng đồng, hùng tâm tráng chí của người lính chiến đấu vì vận mệnh đất nước, Bảo Ninh đã miêu tả chiến tranh từ một góc độ khác, góc độ cá nhân, thân phận con người, đi sâu vào những nỗi niềm cá nhân. Nhà văn Nguyên Ngọc ca ngợi: "Về mặt nghệ thuật, đó là thành tựu cao nhất của văn học đổi mới".


Khởi đầu, cuốn sách được dịch sang tiếng Anh bởi Frank Palmos và Phan Thanh Hảo, xuất bản năm 1994 với tựa đề "The Sorrow of War", được ca tụng rộng rãi, và một số nhà phê bình đánh giá là một trong những tiểu thuyết cảm động nhất về chiến tranh. Bản dịch này được photo bán rộng rãi cho du khách nước ngoài. Đây là một cuốn sách được đọc rộng rãi ở phương Tây, và là một trong số ít sách nói về chiến tranh từ quan điểm phía Việt Nam được xuất bản ở đây.


Rồi cuốn sách của ông được dịch ra rất nhiều thứ tiếng khác nhau mà tất cả các bản dịch tên sách đều được trả lại nguyên gốc là “Nỗi buồn chiến tranh”. Có lẽ, đây là cuốn tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên được dịch và được đọc nhiều nhất trên thế giới. Là một hiện tượng đặc biệt của văn học Việt Nam.


Tên ông “cộng” với “Nỗi buồn chiến tranh” cũng đã là ước mơ xa xỉ của rất nhiều nhà văn Việt Nam. Bởi vậy mới có chuyện những người yêu Bảo Ninh đã mơ mộng nghĩ đến một Giải văn chương tầm cỡ thế giới cho tác giả của “Nỗi buồn chiến tranh”. Rồi đúng ngày có tin dữ “Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn qua đời”, lại có một tin nóng bỏng được truyền đi trong giới cầm bút: “Bảo Ninh được trao giải Nobel văn học”. Tin lan nhanh như điện, nhiều người cụng ly chúc mừng, nhưng cũng không ít người lặng lẽ ngoảnh mặt đi. Chỉ tiếc rằng Trịnh Công Sơn thì chết thật mà không hề có giải Nobel văn học cho Bảo Ninh! Tin đó nhằm Ngày Cá tháng Tư năm 2001.


Kể từ khi tiểu thuyết đầu tay “Thân phận tình yêu” của Bảo Ninh ra đời năm 1987 đến nay đã ngót 23 năm. Trong mắt nhiều người, Bảo Ninh hình như đã thuộc về quá khứ. Dư luận văn đàn nhiều năm qua rầm rập chạy theo các nhà văn mới như người ta chạy theo mốt. Và Bảo Ninh như bị bỏ quên trong thế giới văn chương, tên ông nổi chìm lẫn trong hàng trăm tên tuổi khác.


Cuối năm 1996, Bảo Ninh về làm việc ở Văn Nghệ Trẻ. Ông không phải là người làm báo mà chỉ là người viết báo. Bảo Ninh về Văn Nghệ Trẻ vì ông cần có một nơi yên tĩnh hơn để viết cuốn tiểu thuyết thứ hai. Ông gần như là người được tự do nhất ở tòa soạn báo. Ông được đi muộn, về sớm mặc lòng. Ông được nghỉ họp với bất cứ lý do nào mà ông “nhắn” qua điện thoại. Ông không bị thúc ép viết bài. Ông được tự do vì cái tên Bảo Ninh. Vì có những tên tuổi nhà văn mà sự có mặt của họ làm đẹp, làm sang cho tờ báo của Hội mà Bảo Ninh là một trong số đó.


Hơn 23 năm, từ sau “Nỗi buồn chiến tranh”, Bảo Ninh dường như đang dồn nén để viết ra cuốn tiểu thuyết thứ hai. Ông như một “Quốc gia bí ẩn”, im lặng để chuyên tâm chế tạo bom nguyên tử. Đêm đêm tinh cốt của rượu dồn cả vào những ngón tay nhỏ máu trên phím computer, chắt lọc, làm giàu “uranium văn chương”. Một ngày không xa, quả bom nguyên tử văn chương thứ hai của Bảo Ninh sẽ nổ tung trên bầu trời văn đàn Việt nam.


Chúng ta hãy ráng chờ.


Và, tôi vẽ ông - Nhà văn Bảo Ninh của hiện tại và tương lai.


Đinh Quang Tỉnh
(tham khảo nguồn VieTimes)

Không có nhận xét nào: