Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2008

Truyện ngắn Nguyễn Đức Thiện


Tôi gặp gỡ nhà văn Nguyễn Đức Thiện (NĐT) lần đầu tiên trong một quán nhậu bên đường Bưởi. Ấn tượng ban đầu của tôi về anh là một người đàn ông nghệ sỹ, vui tính, nói chuyện có duyên, với mấy chiếc răng khểnh. Tôi đã nghĩ thầm trong bụng "Cha này chắc "sát" gái lắm đây". Quả thực, nghe lời bạn bè kể, NĐT cũng là một tay "sát" gái nổi tiếng ở đất Tây Ninh. Mà thực ra, dân văn nghệ sỹ thì ai chả có người đẹp ngưỡng mộ và ưu ái, đâu kể gì NĐT.

Khi đọc NĐT, tôi ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng vì cách viết, vì truyện ngắn của anh. Một lối viết đậm chất miền Tây, tuy chưa rõ bằng Nguyễn Ngọc Tư (có lẽ vì NĐT quê gốc Thanh Hóa). Một lối viết tửng tưng, triết ký gợi rất nhiều cho người đọc, bắt người ta phải suy ngẫm, phải hình dung. Và khi đã hiểu ra được rồi, họ sẽ tự mỉm cười, hay tự khóc, tự dằn vặt về những nhân vật, những cảnh đời trong câu chuyện. Đó là một thành công, một cái tài của anh cũng như sức hấp dẫn trong truyện ngắn của NĐT. Cách đây 7 năm (2001), NĐT được giải A của cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ. Đó cũng là một sự ghi nhận thành công trong công việc viết lách của anh. Thi thoảng, Thiện cũng viết thơ, nhưng thơ của anh không phải là con người anh. Đúng như NĐT đã nói, thơ là một sự "ngoại tình", còn văn mới là Nguyễn Đức Thiện, mới là hồn vía Nguyễn Đức Thiện. Và tôi biết rằng, Thiện sẽ còn viết nhiều hơn nữa, hay hơn nữa vì đời sống này, vì kiếp nhân sinh này.

Trân trọng giới thiệu với bạn đọc truyện ngắn "Người đi xin chữ" của nhà văn Nguyễn Đức Thiện (Tây Ninh).

-----------------------------------------------------

Thoại quyết định tìm đến nhà thầy Bửu .

Nhà thầy nằm khiêm tốn ở một góc nhỏ của thị xã Tân An. Cách đây chừng chục năm, ngôi nhà cũ kỹ được cất từ thời ông nội của thầy nằm giữa một cánh đồng. Xung quanh trống trải, gió mát lồng lộng, Nhưng những năm gần đây, đường xá trong thị xã mở ra, thế là nhà thầy nằm ngay góc góc ngã ba đường. Nhà hai mặt tiền, mơ ước của không biết bao nhiêu người nơi phố xá. Thì để buôn bán làm ăn. Nhưng thày không buôn cũng chẳng bán. Cả hai vợ chồng chăm chút cho việc dạy dỗ học trò. Thày thì dạy văn cấp ba, còn vợ thày, một cô giáo tiểu học cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu.
Thoại được mời vào phòng làm việc riêng tại nhà thầy Bửu . Trong phòng chỉ có một cái ghế bố dành để mỗi khi mỏi lưng, thầy ngả xuống đó nghỉ cho dãn xương, dãn cốt. Những kệ sách đứng sóng hàng trong căn phòng chật hẹp ấy. Bàn làm việc của thầy không phải là những cái bàn thông thường. Đó là cái bàn đá vừa dài, vừa rộng. Vậy mà cũng chật ních. Một bên là sổ sách, giấy tờ. Bên kia là hộp bút lông, giấy và nghiên mực. Trên bàn ấy được chia thành gianh giới: nửa bên này dành cho chữ quốc ngữ, bên kia, dành cho chữ Hán. Nhưng bên chữ Hán còn có thêm những tờ giấy với những chữ Việt viết theo lối thư pháp.

Thầy chỉ cho Thoại một chiếc ghế nhỏ:
- Anh thông cảm. Ngồi đó chờ tôi một chút.
Giọng thầy nhỏ nhẹ như thói quen nói với học trò.

Tết vừa rồi, nổi hứng Thoại có làm một đôi câu đối để khai bút. Thoại đã dùng máy vi tính trình bày khá đẹp nhưng khi treo lên tường cứ thấy nó chông chênh làm sao ấy. Đành rằng làm câu đối theo chữ quốc ngữ, nhưng đã là câu đối mà viết để treo tường, nhất định phải mang vóc dáng của lối viết cổ. Thoại thử ra tay, mang tất cả những tờ lịch có in chữ thư pháp ra để bắt chước. Song thật đáng thương cho Thoại, chẳng có hồn có vía gì khi những chữ được Thoại bôi ra trên giấy. Cũng vì mấy chữ đó mà cái tết năm con gà này Thoại cứ băn khoăn ra vào. Một hôm vợ Thoại có việc đi thành phố Hồ Chí Minh . Từ dưới ấy cô ấy điện về:
- Anh hả. Em tìm được người viết thư pháp rồi, anh đọc lại câu đối cho em. Em đặt người ta viết cho.
- Ai thế ?
- Em không biết. Nhưng em đang đứng ở chỗ người ta đây. Em có số điện thoại di động của người viết rồi. Em gọi, họ bảo, chút nữa họ tới.
- Em này. Thư pháp không phải ai cũng viết được đâu…
- Thôi mà. Anh cứ đọc cho em đi. Người ta dám mở tiệm viết chữ, không lẽ người ta không viết được sao.

Chiều vợ, Thoại đọc và dặn dò thật kỹ lưỡng từ cỡ chữ, cỡ tấm giấy, cách trình bày. Từ lúc đọc xong câu đối cho vợ, Thoại bắt đầu băn khoăn và có cả một chút ân hận nữa. Thoại ráng hình dung ra đôi câu đối mà vợ sẽ mang về. Chữ đen này, nền đỏ này. Khổ giấy đứng này. Hay lụa? Băn khoăn, hình dung chán rồi Thoại bắt đầu lo. Nhất định là vợ Thoại sẽ rất mừng vì đã làm được một việc có ý nghĩa cho anh. Nhất định khi về đến nhà, cô ấy sẽ trao tận tay Thoại đôi câu đối ấy và cười thật tươi. Nhưng lỡ câu đối ấy viết không được như ý Thoại, không ra được cái thần của câu đối thì sao? Có treo lên tường không? Không treo thì làm vợ giận, vợ hờn. Treo lên ngày nào cũng phải nhìn một thứ sản phẩm què cụt thì ngứa mắt. Mà treo lên rồi liệu có cách nào để hạ xuống. Coi chừng lúc hạ xuống, nhà cửa có khi còn nổi giông bão nữa kia. Câu đối khai bút vào lúc giao thừa kia mà. Nó hào sảng, khí phách, mỗi chữ được chắt ra từ con tim chớ bộ. Đâu có thể xem thường. Hai ngày vợ Thoại ở thành phố là hai ngày anh nôn nao khó chịu. Rồi vợ Thoại cũng về. Không thấy cô ấy cười. Tin lành rồi. Quả nhiên khi bước chân vào nhà vợ Thoại nói ngay:
- Mắc quá. Có vài chục chữ mà họ đòi tới gần năm trăm ngàn đồng…
Thoại giải thích:
- Chữ mà em. Các cụ phải luyện cả đời bây giờ mơi dùng bút mà kiếm sống được . Nhất là bây giờ phú quý sinh lễ nghĩa, chữ mới có chỗ để bán. Đâu có rẻ được, em…
- Các cụ nào đâu. Hắn còn trẻ mà. Chừng hai mấy, ba chục thôi hè. Cái miệng nói cứ leo lẻo. Trả bớt một chút nhất định không. Nên em không…
Thấy vợ buồn Thoại an ủi:
- Không sao đâu. Cứ để đó cho anh, thế nào rồi anh cũng nhờ người viết giùm.

Thoại bỗng nhớ đến thầy Bửu . Thầy là một cộng tác viên chuyên viết bài cho mục “ Đông Tây kim cổ” cho tờ báo nơi Thoại làm biên tập. Mục này thầy là người sáng lập. Thầy mà không viết chắc không ai viết được. Thầy sưu tầm tất cả những chuyện đã từng in trong sách, in trên báo, thấy có chuyện gì tác động đến dư luận chung hoặc có ý nghĩa giáo dục là thầy chép lại và sau đó là những lời bình thật ngắn nhưng thật sâu sắc. Mỗi tuần một chuyện. Gần chục năm nay, thầy không bỏ mục lần nào. Rồi tất cả những chuyện mà thầy viết ấy đã được in thành sách. Hôm cuốn sách in xong, thầy trịnh trọng mang đến tận toà soạn tặng Thoại. Thoại còn biết rằng: ngoài việc giảng dạy ở xứ này, thầy còn về thành phố Hồ chí Minh dạy chữ Hán và thư pháp ở trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn . Thầy không nói, nhưng ai cũng biết xứ này thầy là người hiếm hoi am tường chữ Hán. Vì thế mà hôm nay, Thoại có mặt tại nhà thầy Bửu . Khi gặp được thầy Bửu , nhất định anh sẽ có một câu đối từ ngọn bút của thầy . Với bút pháp hoành tráng nhưng phóng khoáng của thầy, đôi câu đối của Thoại sẽ làm cho căn nhà của Thoại ẩn chứa một nét văn hoá mà ai cũng thèm muốn.
- Anh nhờ mình viết câu đối hả?
- Dạ. Nhưng thầy có rảnh không đã.
- Rảnh thì không rảnh. Nhưng anh đã đến đây rồi không rảnh, cũng phải rảnh. Cộng tác với nhau ngần ấy năm trời không lẽ từ chối được anh sao.
Thầy cười. Nụ cười thật hiền lành.
- Anh đưa câu đối tôi coi thử?
- Thầy đừng cười nghe. Trước một người thông thạo như thầy mà đưa câu đối…
- Ua, anh không tự tin hả. Này, vào lúc giao thừa ấy mà, lòng người ta trong sáng nhất đấy. Bao nhiêu vất vả lo toan, bao nhiêu giận hờn bực bội mất sạch. Lúc đó, tâm hồn người ta giống y như hồi con nít. Toàn thấy vui. Không gợn buồn, lúc đó mà viết ra được cái gì là quý lắm đó. Nào anh đưa tôi…

Thoại rút từ trong chiếc cặp một mảnh giấy. Không hiểu sao, Thoại bỗng thấy mình bé nhỏ trở lại. Người thầy trước mặt anh mảnh khảnh. Dáng thư sinh còn lại trên thân hình mảnh khảnh ấy. Mái tóc đã điểm sương. Hai mắt sáng dưới cặp chân mày cũng vương nhiều sợi bạc. Cặp kiếng che bớt chút ít vẻ long lanh ở hai mắt. Trong lúc nói chuyện hình như để nhìn cho rõ hơn, thầy hơi cúi xuống để chiếu thẳng mắt mình với mắt người đối diện. Từ lúc đến đã mấy lần Thoại gặp ánh mắt thầy trong tư Bửu như vậy. Mọi khi thầy đưa bài cho Thoại, còn hôm nay Thoại đưa bài cho thầy. Anh đưa tờ giấy bằng cả hai tay và đầu hơi cúi xuống. Thầy Bửu cũng đưa cả hai tay đón tờ giấy mong manh của Thoại. Thầy xoay lại ngồi cho ngay với ngọn đèn bàn mới được bật sáng và hai tay nâng tờ giấy lên ngang mắt. Phút im lặng khá dài. Thầy bỗng buông:
- Được đấy. Một chút băn khoăn. Một chút răn mình. Nhưng chứa đựng một hoài bão lớn nữa… Anh muốn viết văn hả…
- Lực bất tòng tâm, thưa thầy …
- Biết thế là tốt. Này, tôi cũng có một câu đối tết năm nay đấy, nhưng nhớ trong lòng thôi không viết ra. Nó là thế này: “ Gặp năm gà, sớm hôm bươi móc, lượm từng hạt liệu có đầy chữ nghĩa”, “ Mang lốt chuột, đêm tối vật vờ, gom cả đời sao còn thiếu văn chương ”. Chữ nghĩa văn chương mà, cả đời làm cũng không hết việc, cả đời còn nợ đấy.
Thầy vừa nói vừa đứng dậy, lấy chai nước lọc, mở cái bù đài, ghé đổ vào nghiên mực, ở đó có cây mực nho. Thoại đỡ lấy:
- Thầy để tôi mài mực cho.
- Anh biết mài mực?
- Mài mực thôi mà. Sao lại không biết…
- Ay không được. Ngày xưa, tôi phải mất ba năm mài mực, thầy tôi, tức ông cụ thân sinh ra tôi ấy mà, mới cho tôi cầm bút viết lên giấy đó…
- Ba năm…
- Ba năm là còn ít đó. Thầy tôi là một ông đồ nổi tiếng ở xứ Tân An này. Một hôm ông có khách.
Khách là một ông đồ già, hơn thầy tôi đến vài tuổi. Hai cụ gặp nhau xá dài, thắp hương án xong mới ngồi trò chuyện. Ngồi lâu lắm, tôi mới thấy thầy tôi đứng dậy vào thư phòng lấy ra một tờ giấy hồng điều. Lúc thầy quay vào nhà lấy nghiên mực, tôi sốt sắng đỡ lấy. Thầy tôi trừng mắt: “ Đâu đến lượt con”. Thế rồi trong lúc thầy tôi mài mực thì ông đồ kia ngồi vuốt râu, mắt nhắm nghiền lại. Khi mực mài xong, ông đồ kia mới đứng dậy, hướng lên hương án, xá ba xá mới cầm lấy cây bút. Người ông như trong một thế võ. Cây bút trên tay ông khua mấy vòng rồi hạ xuống nghiên mực. Lúc nhắc cây bút ra khỏi nghiên mực tôi có cảm giác như cả người ông đang toả ánh hào quang. Rồi tay ông đưa tới. Phút chốc thôi, ông hạ bút và từ từ ngồi xuống ghế. Ông giống như ông tiên râu dài ấy. Đến giờ tôi còn nhớ. Trên bàn thờ thầy tôi, tức ông cụ thân sinh ra tôi đó, chữ ấy vẫn còn đó. Lúc sắp qua đời, thầy tôi dặn đi dặn lại: bàn thờ thầy không cần phải có hình ảnh gì cả, một chữ đó thôi là được. Chữ “ Trí”. Hôm ấy, thầy tôi xá ông đồ mấy xá liền. Thầy tôi lộng chữ ấy vào khung kiếng treo ngay chính giữa nhà. Sau này tôi có hỏi, thầy tôi bảo: “ Đất nước đang trong thời loạn. Chữ gì cũng không hợp bằng chữ “trí”. Chiến tranh tâm làm sao yên , đức làm sao trọn, thiện thì không lẽ trốn chạy cái ác. Phúc, lộc, thọ sao được khi bom đạn nổ uỳnh oàng khắp nước Nam ta. Nhẫn để kẻ cướp nó đè đầu cưỡi cổ mình sao. Chữ trí để răn bảo người ta lấy cái trí mà lo cho đất nước sớm được thanh bình. Có thanh bình rồi chữ gì cũng có hết.”
Nghe thầy tôi dạy mà thấm thía. Các cụ nhà mình là như thế đó. Viết một chữ thôi cũng phải đắn đo, chiêm nghiệm đã rồi mới viết. Đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ cái dáng ông đồ bạn vong niên của thầy tôi ngồi nhắm mắt vuốt râu. Cái chữ nó quan trọng lắm. Người ta thành người được hay không là nhờ cái chữ. Thế mà bây giờ có người chẳng coi cái chữ ra gì cả. Hôm vừa rồi, có một cậu học trò của tôi đến đây. Cậu ấy học tôi hồi còn nhỏ. Rồi đi kháng chiến, bây giờ làm chức to lắm ở mãi trên Thành phố kìa. Đến bằng xe du lịch hẳn hoi. Tưởng lâu ngày nhớ thầy thì đến thăm thầy , ai dè, cậu ấy đến xin chữ. Cậu ấy chỉ xin một chữ “ tâm” thôi. Cậu ấy bảo tôi: “ Em mới cất xong cái nhà. Phòng khách nhà em lớn lắm. Thằng bạn người Campuchia bây giờ làm quan đầu tỉnh bên ấy, tặng em một cặp ngà voi, mỗi ngà dài cả thước. Em đã trưng ở giữa nhà. Rất oai. Nhưng vẫn thiếu một cái gì đó.Thế là em nhớ tới thầy . Chữ bây giờ bán ngoài chợ thiếu gì. Nhưng em không thích. Em thích chữ của thầy . Nó hoành tráng lắm. Mà em chỉ lấy mẫu thôi. Từ mẫu ấy, em kêu thợ đúc đồng đến đúc cho em, dát vàng lên nữa. Thầy thử hình dung xem đôi ngà voi oai vệ, đỡ lấy chữ “ tâm” dát vàng lộng lẫy, thì còn gì bằng. Nó sẽ đập ngay vào mắt bất cứ ai khi bước chân vào phòng. Và đương nhiên nhìn cặp ngà voi, nhìn con chữ là thấy sự uy nghi, đáng nể, thưa thầy ”. Nghe cậu ta nói, tôi suýt nữa thì bật cười. Trời đất, chữ tâm mà thể hiện sự uy nghi sao? Cậu ta xin chữ “ tâm” mà tâm cậu ấy lại như thế thì còn gì là tâm nữa.

Thầy Bửu bật cười. Nhưng rõ ràng tiếng cười không thể hiện được cái vui, mà có cái gì ấm ức chất chứa trong tiếng cười ấy.
- Rồi thầy có viết không? - Thoại hỏi.
- Viết. Viết chớ. Nhưng không phải chữ “ tâm” mà là chữ “ đức”. Tôi viết như thế để cậu ta hiểu như thế nào thì hiểu. Nhưng sâu xa hơn thì cậu ấy phải hiểu là “ đức hạnh”. Tôi muốn bảo cậu ấy phải xem lại đức hạnh mình trước. Bây giờ tôi mừng khi thấy đến trường nào cũng có hàng chữ dăng ngang đập vào mắt người ta: “ Tiên học lễ, hậu học văn”. Cậu ta đến xin tôi chữ “tâm” mà chẳng hiểu chữ tâm ấy dùng để làm gì…
- Rồi sao nữa thầy . - Thoại hồi hộp hỏi.
- Cậu ta không đến lấy mà sai cậu lái xe đến lấy. Cậu lái xe chẳng biết ất giáp gì, mang về. Ngày hôm sau chiếc xe du lịch lại đậu ở cửa nhà tôi. Bước chân vào tới cửa cậu ta đã oang oang. “ Sao thầy lại viết chữ này. Thầy làm tôi bị rủa oan. Ông ấy không nhận, biểu tôi kêu thầy viết chữ khác, đúng chữ mà ổng biểu. Thầy viết đi, lát tôi quay lại”. Nét mặt cậu ta hằm hằm. Khổ, gần mặt trời cậu ta tưởng mình cũng là mặt trời chắc. Tôi bảo cậu ta: “ Nhờ cậu về báo lại, tôi chỉ có thể viết một chữ ấy thôi.” Rồi không thấy cậu ấy đến gặp lại tôi nữa. Cám ơn. Viết chữ cho người không đáng viết thì khổ tâm lắm. À này, tôi có nguyên một bài suy ngẫm về chữ đó. Để tôi lấy anh đọc nghe:
Thầy Bửu gác cây mực nho lên thành nghiên, đến bên đống giấy tờ phía góc bàn bên kia, lật một đống giấy tờ và lấy ra một tờ giấy cũng mỏng như tờ giấy mà Thoại đưa cho thầy . Thoại đón lấy. Trên mặt giấy là những con chữ chạy thẳng hàng. Những nét chữ đều đặn, sáng sủa và từng nét rõ ràng:
Mấy triệu năm mông muội/ Mới tìm thấy chữ cho ngừơi/ thế mà thấy/ Có người cứ mang chữ ra mà đùa/ Tưởng như đồ ăn sẵn/ Tưởng như mớ rau, miếng thịt/ Bỏ lên bếp mà nấu, nướng, chiên, xào/ Nên chữ cứ rẻ như bèo./ Lại có người dùng chữ/ Như dùng gái trong nhà thổ/ Đĩ thõa điên cuồng/ Buông ra là quên sạch./ Rồi cũng có người/ Dùng bạc triệu mà đi mua chữ/ Mang về đặt trên bàn thờ/ Coi như linh vật/ Nhưng lại quên cúng kiếng mỗi ngày/ Nên chữ cứ lạnh tanh./ Chao ôi/ Ai biết/ Nếu con chữ ngấm vào người/ Thành xương, thành thịt/ Thành máu thành hồn./ Mới là chữ/ Mới là chữ/ Mới là chữ biết không?

Thầy Bửu tiếp tục câu chuyện:
- Anh thấy không, nhà tôi có hai cái mặt tiền. Nhiều người bảo tôi: thời buổi này phú quý sinh lễ nghĩa, người ta thích chơi chữ, sao thầy không mở một cửa hàng bán chữ để kiếm thêm thu nhập. Không biết người ta sao, chứ tôi thấy bán chữ của mình như bán linh hồn mình vậy. Anh thấy nguyên cái chuyện mài mực để viết chữ này là cả một kỳ khu rồi. Mực không được đặc, không được loãng. Đặc hay loãng đều viết không thành chữ. Bây giờ viết chữ Việt theo lối thư pháp cũng giống như viết chữ Hán ấy. Nét nào ra nét đó. Vui buồn, nóng nảy nó hiện ra nét chữ. Mà nói cho cùng đâu chỉ là viết chữ Hán hay chữ Việt lối thư pháp, chữ thường ngày của mình cũng vậy thôi. Nét chữ nét người mà…

Thoại lạnh người. Một năm anh sài không biết bao nhiêu là chữ. Chữ của mình và chữ của người, nhưng đã bao giờ anh nghĩ mình sài chữ ra sao. Thầy Bửu đã mài xong nghiên mực. Thầy kéo ống đựng bút về trước mặt mình, cúi xuống để mắt có thể nhìn kỹ hơn nhưng cây bút và tìm chọn một cây cho thích hợp. Đã rút ra mấy cây rồi nhưng sau khi vuốt vuốt những búp lông đầu ngọn bút, hình như thầy vẫn không ưng ý. Còn Thoại đã bắt đầu thấy lúng túng vì không còn biết nói chuyện gì với thầy nữa. Trong căn phòng nhỏ không mấy sáng sủa của thầy chỉ có một ngọn đèn. Ánh sáng không vung vãi ra khắp căn phòng, mà chỉ tụ lại trên mặt bàn. Tất cả những gì trên bàn hiện ra rõ mồn một. Lúc mới đến, Thoại ngỡ thầy chất chồng lên bàn đủ mọi thứ khiến cho nó rối lên, lộn xộn. Nhưng khi câu chuyện của thầy càng lúc càng say thì mọi thứ trên bàn kia bỗng trở nên có lớp lang trật tự đàng hoàng. Góc bên dành cho chữ quốc ngữ thì những chồng bản thảo và những tập sách. Góc bên dành cho chữ Hán và chữ Việt theo lối thư pháp thì ống bút, nghiên mực và những tấm giấy đủ kích cỡ. Ngay chính giữa hình như để phân biệt giữa Việt văn và Hán văn, là một bức tượng đồng nhỏ, đứa trẻ mục đồng tay cầm roi đuổi trâu, tay kia nâng một cuốn sách và đang chăm chú đọc. Thầy đã một lần khoe với Thoại, đó là bức tượng học trò đặt đúc, tặng thầy . Không phải mục đồng thổi sáo mà mục đồng đọc sách. Ý thầy là thế mà.
- Anh Thoại này, anh có nhớ trong Chuyện Đông Tây kim cổ của tôi có nhắc đến ông Phạm Quý Thích ở thế kỷ 19 không?
- Thầy viết nhiều quá, tôi không nhớ nổi.
- Cũng phải. Tôi kể và tôi viết nhiều khi còn quên. Nhưng chuyện Phạm Quý Thích thì tôi không quên đâu. Năm 1813, ông nghè Phạm Quý Thích được nhà vua cử làm giám khảo cuộc thi ở Nghệ An. Chấm thi xong ông về dinh nghỉ. Quan lại, sĩ tử đến vấn an ông rất đông. Ông đang đau yếu nên phải dựa gối nằm nghiêng mà tiếp khách. Lúc luận bàn văn chương, ông mới đọc cho những người quanh mình nghe một bài văn ông làm ca ngợi Quan Vân Trường cầm đuốc trong truyện Tam quốc diễn nghĩa. Mọi người nhao nhao khen. Nhất là khi ông đọc hai câu:

Quỷ Tào Tháo bình sinh thẹn muốn chết
Thần tướng quân muôn thuở vẫn như còn.

Có một người bảo với ông rằng, cũng chuyện ấy, ở Nghệ An đã có một cậu bé đã làm một bài văn. Phạm Quý Thích kêu người ấy đọc thử nghe chơi. Nghe đến hai câu:

Nhen lòng son rực rỡ, trời đất năm canh
In chiếc bóng lênh đênh, gió sương bốn vách.

Phạm Quý Thích vội vàng nhổm dậy chắp tay nói với mọi người: “ Cậu bé ấy hơn tôi nhiều”. Cậu bé ấy là Nguyễn Hồng Hàn, mười ba tuổi, ở huyện Can Lộc. Anh Thoại này, anh có biết vì sao ông Phạm Quý Thích lại phục cậu bé như vậy không. Phân tích thì dài nhưng chỉ nói với anh một ý thôi. Phạm Quý Thích phải mượn Tào Tháo mới nâng được Quan Vân Trường lên. Còn Nguyễn Hồng Hàn, chẳng cần hạ ai mà Quan Vân Trường vẫn oai phong lẫm liệt. Nhưng cái này quan trọng hơn: khi Phạm Quý Thích tỏ lòng thán phục cậu bé Hàn thì mọi người càng phục ông hơn. Khiêm nhường làm ông càng thêm cao đạo. Chính vì thế mà tết rồi tôi có làm một đôi câu đối, nhưng chỉ để nhớ nằm lòng thôi, không dám viết ra, sợ người đời nhìn thấy, bảo tôi cao ngạo…

Thầy Bửu đã lựa xong cây bút. Thầy vung tay lên toan hạ xuống chấm vào nghiên mực. Thoại vội đứng dậy đỡ lấy tay thầy:
- Dạ thưa, thôi ạ.
- Cái gì thôi?
- Dạ thôi, thầy đừng viết nữa. Cho tôi xin lại mảnh giấy…
- Sao thế ?
Thoại lẳng lặng không nói thêm lời nào và đưa hai tay, cúi đầu nhận lại mảnh giấy từ tay thầy Bửu.
Lát sau, Thoại chào thầy ra về. Chiếc xe honda của Thoại từ từ lách ra khỏi cổng. Trước ngã ba, Thoại ngưng lại một lát rồi cho xe đi thẳng con đường trước mặt hướng nội ô thị xã Tân An.

Thầy Bửu đứng nhìn theo, gật đầu cười. Trên trán thầy lấm tấm mấy giọt mồ hôi.

Nguyễn Đức Thiện

Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2008

Nhà thơ Trần Đăng Khoa


Nói gì thì nói, làng thơ Việt Nam mà thiếu cái dáng thấp đậm của Trần Đăng Khoa thì kể cũng buồn. Tôi ngắm nghía tướng đi của Trần Đăng Khoa nhiều năm, và nhận ra một sự thật: Khi bước lảo đảo thì anh là thi sĩ đích thực, còn khi bước huỳnh huỵch thì anh là cán bộ chân chính.
Trần Đăng Khoa là một tên tuổi ăn khách. Trước đây Trần Đăng Khoa đã nổi tiếng, sau Chân dung và đối thoại càng nổi tiếng gấp bội. Viết gì liên quan đến Trần Đăng Khoa, sẽ được công chúng kỹ lưỡng ngó nghiêng ngó dọc, cho nên từ lâu muốn nói thẳng nói thật một chút về thơ anh, cũng khiến tôi đắn đo rất nhiều.

Dù không thông minh lắm, tôi vẫn có thể biết rằng, muốn "ăn theo" Trần Đăng Khoa, cứ in một cuốn "đánh úp" Chân dung và đối thoại thì có khi còn bán đắt hơn Chân dung và đối thoại, nhọc công làm gì bình thơ với luận thơ. Thế nhưng, sự nghiệp Trần Đăng Khoa là thơ, nghi lễ đầu tiên để Trần Đăng Khoa đến với cuộc đời này là thơ, và câu chuyện cuối cùng nhân gian nhắc đến Trần Đăng Khoa vẫn là thơ. Tôi tin như vậy và kiên nhẫn tìm đọc toàn bộ thơ Trần Đăng Khoa.

Từ nhỏ, tôi đã được học và phải học tác phẩm của Trần Đăng Khoa, vì đó là chương trình bắt buộc trong sách giáo khoa. Lớn lên, khi không còn ai có quyền ép tôi đọc những câu vần vè mà tôi không thích nữa, thì tôi lại tập tin tưởng về một giá trị tương đối ổn định của thơ Trần Đăng Khoa. May mắn có vài dịp đi qua xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, tôi luôn tìm cớ dừng lại rất lâu để ngắm nhìn những bờ ruộng nhấp nhô, những mái nhà thấp thoáng, những hàng tre lập lòa trong bóng chiều nhập nhoạng của một miền quê nghèo, mà tự hỏi: Tại sao nơi này có thể sinh ra được một thần đồng thơ nhỉ?

Quê nhà bé bỏng của Trần Đăng Khoa chẳng khác chi những vùng đất lam lũ dọc theo đất nước ta, chứ có phải địa linh gì đâu để nung nấu khát vọng nhân kiệt. Không thể giải thích bằng tư duy hợp lý, tôi đành tự trả lời theo tâm linh đưa đẩy: Biết đâu năm 1958, Thượng Đế nhàn rỗi đã tản bộ qua đây và rải chút ít bụi thơ xuống bờ bãi sông Kinh Thầy đúng cái ngày bà mẹ hữu duyên trở dạ sinh ra Trần Đăng Khoa.

Đã có quá nhiều nhận định về thơ Trần Đăng Khoa, thái độ chuyên nghiệp cũng nhiều, mà ngọt lạt đãi bôi còn nhiều hơn. Hý trường văn chương nhộn nhịp thời gian gần đây, hơn một lần làm chùng lòng tôi khi ngón tay đã đặt lên bàn phím định gõ những dòng ý kiến cá nhân. Tuy nhiên, vì yêu quý nhà thơ Trần Đăng Khoa, tôi lại bình tâm ngồi xuống lần giở những trang thơ nhấp nháy hào quang thần đồng.

Tròn 40 năm rồi, tượng đài Trần Đăng Khoa đặt giữa "góc sân và khoảng trời" đã vượt qua nắng mưa và giông gió, đã vượt qua hào hứng và thờ ơ, đã vượt qua cả kiểu khen quá lời và câu chê quá khích, để hôm nay kiêu hãnh thách thức lớp người đèo bồng thi tứ kế cận như tôi! Vậy mà, muốn cầm trên tay một bản thơ Trần Đăng Khoa đáng tin cậy cũng không dễ, vì các nhà xuất bản in thơ anh đều ghi ngạo nghễ "thơ chọn lọc", mà tôi không thể biết ai "chọn" và ai "lọc".

Tôi đành thú thật với Trần Đăng Khoa: "Tôi có trong tay khoảng chục cuốn được rao hàng lảnh lót là "tuyển thơ Trần Đăng Khoa", nhờ anh chứng nhận bản in nào là bản chính thức?". Thần đồng thơ dạo nào đã mang hàm Vụ trưởng với chức danh Trưởng ban Văn Nghệ - Đài tiếng nói VN, tuyên bố chắc nịch: "Tớ sẽ gửi cho cậu một bản rất chuẩn!". Và nhân chuyến bay vào miền Nam tìm kiếm tư liệu những nhà ngoại cảm, anh tặng tôi tập "Thơ Trần Đăng Khoa" dày hơn 400 trang, do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành tháng 4/2007. Tôi bắt đầu "khai quật" thơ Trần Đăng Khoa bằng chính bản in này.

Từ khi Xuân Diệu nhón bút viết lời giới thiệu cho tập thơ Góc sân và khoảng trời in lần đầu tiên năm vạn bản, Trần Đăng Khoa đã phải mang vác một cái bóng lồng lộng trên mỗi bước đi chậm chạp. 66 bài thơ trong tác phẩm đầu tay được Trần Đăng Khoa dán cái nhãn "made in Thần Đồng" bay khắp hang cùng ngõ hẻm của đất nước Việt Nam những năm cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ và những năm đầu thống nhất giang sơn. Trần Đăng Khoa như một chú chim non cất cao chất giọng đặc sản nông thôn Bắc bộ líu lo bài ca đặc sản phù sa Bắc bộ "Hạt gạo làng ta/ Có bão tháng Bảy/ Có mưa tháng Ba/ Giọt mồ hôi sa/ Những trưa tháng sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy…".

Đây không phải là bài thơ dành để bàn luận hay dở, mà là tác phẩm gồng gánh sứ mệnh một cậu bé có tài thơ được chọn để nói hộ hàng ngàn trẻ em mong mỏi cuộc sống thanh bình. Những câu thơ trên bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể buông ra khỏi vòm họng dễ dàng như hát đồng dao, nhưng lịch sử đã chọn Trần Đăng Khoa. Sự xuất hiện của nhạc sĩ Trần Viết Bính chắp cánh cho Hạt gạo làng ta cũng chỉ là tình cờ. Không có Trần Viết Bính thì sẽ có nhạc sĩ khác, và bài thơ này vẫn lưu danh vì được hỗ trợ yếu tố thời điểm cực kỳ quan trọng. Bây giờ chẳng khó khăn gì để tìm ra một đứa trẻ 11 tuổi viết được những câu, những dòng, những ý hay hơn Hạt gạo làng ta nhưng mãi mãi không thể có "hạt vàng làng ta" thứ hai.

Bằng tất cả cân nhắc, tôi cho rằng, chỉ cần Hạt gạo làng ta thì Trần Đăng Khoa đã có thể ở lại với văn học sử. Thế nhưng, tài thơ của Trần Đăng Khoa lớn hơn phong trào "em vui em hát". Mẹ ốm và Cơn dông là hai bài thơ đủ để người lớn yêu thơ phải ngả mũ chào cậu bé sinh ngày 24/4/1958 vừa rửa sạch đôi tay lấm lem bùn ở cái ao làng Đông Thôn. Với sự khôn lanh ngày càng nảy nở qua từng thế hệ trẻ con, không ít bài thơ trong Góc sân và khoảng trời đang và sẽ bị rơi rụng dần.

Thế nhưng, những đứa trẻ làm thơ nối tiếp như Khánh Chi hay Phan Tuy An không thể nào "tiếm ngôi" Trần Đăng Khoa, vì anh có lá bùa mười bốn chữ "Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng" mà một Đêm Côn Sơn hạnh ngộ "như hồn Nguyễn Trãi năm nào về thăm" đã gửi tặng món quà không bao giờ được nhận lần nữa.

Với bản tính tinh nhạy, Trần Đăng Khoa sớm ngộ ra chất giọng đặc sản bản thân đang sở hữu chỉ phù hợp với vần điệu trẻ con, chứ thế giới người lớn đòi hỏi những cung bậc khác. Anh cúi xuống nhìn hình dong mình thì thấy cái áo trẻ con ngày càng chật chội, mà ngẩng đầu lên thì thấy cái bóng thần đồng vẫn lồng lộng.

Trần Đăng Khoa quyết định đột phá khỏi chiều kích thiếu nhi bằng những cơn vùng vẫy trường ca. Cuộc Đi đánh thần hạn không thành công, còn cuộc điểm danh Làng quê chỉ thấy chen lấn những câu binh nhất, binh nhì mà vắng bặt những câu cấp tướng, cấp tá.

Từ biệt hai trường ca xa xót ấy, Trần Đăng Khoa 16 tuổi cỡi phăng cái áo trẻ con và mượn tạm vài cái áo người lớn để khoác lên mình, dồn chí lao vào trận "tổng tiến công" có ý nghĩa một phen cá vượt vũ môn. Hơi đáng tiếc, dù dùng thơ Tố Hữu, thơ Nguyễn Đình Thi, thơ Xuân Diệu, thơ Chế Lan Viên và thơ ca Xô Viết Nghệ Tĩnh để khởi động náo nức cho mỗi chương, thì trường ca Khúc hát người Anh hùng chỉ còn lại bùi ngùi hai câu ấm áp lòng người: “Mái gianh ơi hỡi mái gianh/ Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương”.

Mùa xuân năm 1975 là cột mốc của dân tộc, theo tôi, cũng là một cột mốc để đánh giá thơ Trần Đăng Khoa. Bởi lẽ những bài thơ dù dài dù ngắn của Trần Đăng Khoa viết trước năm 1975 đã hoàn thành vai trò gọi tên một thần đồng thơ. (Sau này Trần Đăng Khoa có sửa những câu thơ như "Chăm ngoan học giỏi/ Là bạn thiếu nhi/ Ngu xuẩn nhất nhì/ Là tổng thống Mỹ" mà nhiều người thắc mắc, thì tôi thấy cũng chẳng phải chuyện để xôn xao. Vì những câu thơ ấy chỉ như thay hàng ria trên mép bằng chòm râu dưới cằm thôi, mà khuôn mặt thần đồng thơ vốn đáng yêu nhờ "mày râu nhẵn nhụi").

Có thể những ai yêu mến Trần Đăng Khoa sẽ có suy nghĩ khác, nhưng tôi vẫn khẳng định: năm 17 tuổi, Trần Đăng Khoa đứng trước một ngã rẽ, hoặc rèn luyện kỹ thuật thanh nhạc để thay đổi chất giọng đặc sản trẻ con, hoặc chấp nhận quá khứ oai hùng ngày xưa đã từng biết hát. Một sự lựa chọn sinh tử bày ra, Trần Đăng Khoa thừa khả năng cách tân ngôn ngữ và hình tượng thơ, nhưng anh vẫn thảnh thơi dùng năng khiếu trời cho để tiếp tục ngân nga chất giọng quen thuộc.

Sự tự tin ấy khiến tôi e ngại đọc tới những bài thơ của chàng trai Trần Đăng Khoa. Những bài thơ Ngày mai ra trận, Thư gửi mẹ, Về làng cứ mờ nhòe giữa dòng thơ lính vốn rất rộn ràng trong nền văn học Việt Nam. Ngay cả những bài Cây phong ba trên đảo Nam Yết, Đồng đội tôi trên đảo thuyền chài, Ghi ở đảo chìm, Cô tổng đài hải đảo... đưa vào rất nhiều địa danh và đặc điểm khơi xa, nhưng tôi nghi ngờ khi Trần Đăng Khoa viết đã quá chú trọng thân phận bộ đội hải quân của mình, nên chức năng thơ tạm dừng ở mức hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền cần thiết.

Còn bài Thơ tình người lính biển tồn tại bấp bênh trên câu thơ "Biển một bên và em một bên" do Tế Hanh cho vay! Hai bài khá nhất trong vệt sáng tác này của Trần Đăng Khoa là Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn và Lính đảo hát tình ca trên đảo hầu như nương tựa vào chất lính ngộ nghĩnh yêu đời, chứ chất thơ thì không thể nào so sánh với bốn câu cùng đề tài được trích ngẫu nhiên trong Gửi từ đảo nhỏ của Hữu Thỉnh: "Mặt trời qua đây về nở với ao bèo/ Đám mây qua đây để thành gà gáy/ Ngọn gió qua đây để thành sóng dậy/ Sóng qua đây thành nỗi nhớ hàng dương".

Nếu Trần Đăng Khoa vẫn điềm nhiên dùng cái đầu tỉnh táo để viết những câu thơ giả giọng Phạm Tiến Duật hay Hoàng Nhuận Cầm thì chắc chắn anh sẽ phải tự đào huyệt chôn danh hiệu thần đồng thơ. Đáng mừng thay, tưởng đã đến lúc tôi sử dụng câu thơ "Bao thần tượng ta tôn thờ cung kính/ Mưa nắng bào mòn còn trơ lõi đất thôi" mà Trần Đăng Khoa viết khi đang học ở Trường viết văn Gorki, để ngậm ngùi tiễn biệt anh khỏi làng thơ, thì hồn thơ của anh lại trở về.

Không ồn ào cũng không bóng bẩy, Trần Đăng Khoa "tam thập nhi lập" dọn lên bàn tiệc thơ duy nhất một món tỉ tê. Có lẽ thấm thía nỗi bất lực "đôi lúc ta buồn quá/ muốn hát một câu chơi/ nhưng ta chưa cất giọng/ con vẹt đã hót rồi" nên câu thơ nào của Trần Đăng Khoa cũng rón rén như nói thầm vào tai.

Và dẫu tỉ tê thì Trần Đăng Khoa vẫn bị áp lực thần đồng, nên thơ anh lúc say lúc tỉnh. Ví dụ, bài lục bát Qua Xuđan, anh vừa chớm say câu sáu "Thành xưa đổ bóng vào trời" thì lập tức tỉnh rụi câu tám "Khói sương lãng đãng - Một thời đã xa", khiến cảm xúc cứ thậm thụt, hại cả tác phẩm trơn tuột giá trị thẩm mỹ. Hơn nữa, Trần Đăng Khoa đặc biệt có một khoảng trắng ở mảng thơ tình, mà có lẽ ngày xưa đưa Trần Đăng Khoa đến ra mắt Nàng Thơ, "ông hoàng thơ tình" Xuân Diệu quên dúi "bí kíp" vào tay học trò. Tôi cam đoan, ai lơ mơ đem bài thơ Gửi em ở Ninh Bình của Trần Đăng Khoa để tán tỉnh các cô gái Tam Điệp hay Hoa Lư cũng đều thất bại lập tức.

Nói gì thì nói, làng thơ Việt Nam mà thiếu cái dáng thấp đậm của Trần Đăng Khoa thì kể cũng buồn. Tôi ngắm nghía tướng đi của Trần Đăng Khoa nhiều năm, và nhận ra một sự thật: Khi bước lảo đảo thì anh là thi sĩ đích thực, còn khi bước huỳnh huỵch thì anh là cán bộ chân chính. Bài thơ Ở nghĩa trang Văn Điển có thể xem như minh chứng rõ nét nhất. Trần Đăng Khoa lảo đảo đi qua hai khổ thơ đầy tâm trạng: "Người hạnh phúc và người đau khổ/ Đều gặp nhau trắng toát ở nơi này/ Đều dài rộng như nhau vuông cỏ biếc/ Đều ấm lạnh như nhau trong hơi gió heo may/ Ôi thiên nhiên, cám ơn người nhân hậu/ Những so le, người kéo lại cho bằng/ Ít nhất cũng là khi nằm xuống/ Trong mảnh gỗ rừng, dưới một vầng trăng".

Theo tôi, dừng tại đây đã có được một bài thơ khá hay. Khổ thân, Trần Đăng Khoa đột nhiên lấy lại thăng bằng, anh không bước lảo đảo nữa mà bước huỳnh huỵch thêm… mười khổ thơ, như một vị cán bộ có cơ hội thuyết trình trước đám đông đã tranh thủ nói cho hết mấy phút ưu tiên của mình, với kết luận trịnh trọng: "Trước mặt ta là hàng hàng bia đá/ Nói với ta: Hãy thương lấy Con Người". Ôi, Trần Đăng Khoa định dùng lắt léo và mưu mẹo để chuyển tải một thông điệp to tát, nên anh chia Ở nghĩa trang Văn Điển thành hai loại thơ, hai khổ đầu là thơ-ưu-tư còn mười khổ sau là thơ-diễn-đàn.

Trong những sáng tác gần đây của Trần Đăng Khoa, nhiều người hoan nghênh Gửi bác Trần Nhuận Minh, nhưng theo tôi, đây là bài thơ tự sự bình thường, chỉ cất lên được một chút ở hai câu cuối "Thung thăng em với bác/ Ta cưỡi thơ ra đồng". Trường hợp khác, bài Mùa xuân của lính biên phòng, tôi bắt gặp Trần Đăng Khoa bước lảo đảo đôi lần "Đất trời bồng bềnh men rượu/ Em từ mây trắng bước ra" và "Ta cũng trẻ như trời biếc", chứ những câu còn lại đều được bước trang nghiêm lắm, lịch sự lắm.

Nếu chọn một bài để khẳng định Trần Đăng Khoa sau năm tháng thần đồng đang bước lảo đảo về miền thi ca, thì tôi chọn Đỉnh núi. Thể thơ ngũ ngôn gập ghềnh, giúp những bước lảo đảo của Trần Đăng Khoa bộc lộ đầy đủ phẩm chất thi sĩ. Không thể nói khác hơn, Đỉnh núi là một điểm nhô lên giữa những mô, những gò, những đồi của thơ Trần Đăng Khoa thời vất vả làm người lớn. Đỉnh núi khi tình lúc cảnh, khi ray rứt phận người lúc miên man nghĩa nước, mà tôi không thể nào cưỡng lại được mong muốn dùng trọn vẹn hai mươi câu thơ để kết thúc bài viết này:

"Ta ngự giữa đỉnh trời/ Canh một vùng biên ải/Cho làn sương mong manh/ Hóa trường thành vững chãi/ Lán buộc vào hoàng hôn/ Ráng vàng cùng đến ở/ Bao nhiêu là núi non/ Ríu rít ngoài cửa sổ/ Những mùa đi thăm thẳm/ Trong mung lung chiều tà/ Có bao chàng trai trẻ/ Cứ lặng thinh mà già/ Áo lên màu mốc trắng/ Tóc đầm đìa sương bay/ Lời yêu không muốn ngỏ/ E lẫn vào gió mây/ Bỗng ngời ngời chóp núi/ Em xòe ô thăm ta?/ Bàng hoàng xô toang cửa/ Hóa ra vầng trăng xa…"


Lê Thiếu Nhơn

Thứ Ba, 4 tháng 3, 2008

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp


Trong buổi giao lưu với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tại Trung tâm Văn hoá & Ngôn ngữ Đông Tây, hàng loạt câu hỏi đã được gửi tới nhà văn, không chỉ giới hạn trong cuốn Giăng lưới bắt chim mà cả trong hệ thống tác phẩm của ông, các quan điểm của ông. Những câu trả lời của Nguyễn Huy Thiệp rất thông minh, hóm hỉnh, tuy thỉnh thoảng ông mải nghĩ mà quên mất câu hỏi ban đầu là gì. Nhưng điều đó chẳng có gì quan trọng, trong những câu trả lời của ông người nghe thu được nhiều điều rất lý thú.

Có phải vì Nguyễn Huy Thiệp không viết được văn nữa nên mới chuyển sang viết tiểu luận không? Vì sao cuốn sách có tên là Giăng lưới bắt chim?
Tôi làm việc ở Tây Bắc mất 10 năm, sau mới về Hà Nội. Lúc đó tôi ngây thơ và đầy tham vọng. Tôi đam mê văn chương và lúc đó cũng sứt đầu mẻ trán khi hoà nhập văn đàn. Tôi lang thang qua nhiều toà báo, các nhà xuất bản và hiểu ra sự khó khăn của văn học. Nhưng tôi không nản vì thời gian ở miền núi đã cho tôi độ trưởng thành nhất định. Hồi đó tôi cũng quyết liệt. Tôi đã tìm hiểu các nhà văn đi trước xem họ sống và viết như thế nào. Tôi đọc từ Hồ Biểu Chánh, đến các nhà văn thời 30-45 như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng..., các nhà văn thời chống Pháp, chống Mỹ như Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Thi..., các nhà văn thời đổi mới như Nguyễn Khải...Và tôi nhận ra là không thể đi theo con đường của họ được.
Ngay từ những sáng tác đầu tiên tôi đã hình thành lý luận cho bản thân, các bài lý luận của tôi đăng rải rác trên các báo. Sau tôi tập hợp các bài viết và cho ra tập tiểu luận này.

Giăng luới bắt chim là một tích có trong sách Phật. Văn học là sự cắt nghĩa sự sống. Các nghề khác thì không làm được hoặc là không muốn làm. Cho nên nó là một nghề đầy thị phi, điều tiếng. Lúc đầu tôi bước vào văn học cũng vì những mưu mô công danh, tôi cũng ngây ngô, nhiều tính xấu, lại tham vọng, nhưng sau tôi hiểu viết văn cũng chính là quá trình sống, giải thích cuộc sống, cắt nghĩa và phân tích nó...Tôi hiểu ra: văn chương gần với đạo. Thế thì con chim ở đây chắc là con chim... chân lý (nhà văn cười).

Nguyễn Huy Thiệp viết tiểu luận phê bình có phải để tung hoả mù không? Hay đó có phải là phương pháp viết tiểu luận của Giăng lưới bắt chim không?

Không tung hoả mù. Vũ trụ là hỗn độn- đấy là một chân lý quan trọng nhất của đời sống. Và chúng ta luôn tìm cách xây dựng những trật tự nhỏ: trật tự anh em, trật tự bè bạn, trật tự gia đình, trật tự bồ bịch (khán giả cười)...Khi trẻ thì người ta tôn trọng trật tự hơn. Khi người ta lớn lên, già đi, nhiều tri thức, trải nghiệm, người ta hiểu ra chân lý đó, và chấp nhận, thì người ta ít coi trọng trật tự hơn.

Ông đã từng nói: có được thì có mất. Cái được của Nguyễn Huy Thiệp thì ai cũng thấy. Vậy Nguyễn Huy Thiệp đã mất gì?

Sống là mất đấy chứ. Sống là suy đồi, là tiến đến cái chết. Sống không phải là một quá trình gặt hái. Ai cũng sinh ra như tiên cả, trong sáng, thánh thiện, nhưng rồi những va chạm, ăn uống, đi lại, quan hệ, bệnh tật,... người ta tồi tệ đi, đểu đi, hư đốn đi, già đi...

Ông có nói là vừa thích vừa không thích văn Đỗ Hoàng Diệu...

Phải nói là cô ta rất táo bạo. Viết sex khó lắm, không cẩn thận là thành “con heo” ngay. Đỗ Hoàng Diệu đã vượt qua cái đó, và nói được một chút gì đó về thế hệ trẻ, cái thế hệ đau khổ, nó phải hứng chịu áp lực tình dục của cả xã hội, của cả lịch sử... Theo tôi sex rất quan trọng, nó là cội nguồn của tất cả. Tôi muốn nói không phải danh dự, đạo đức, tiền bạc..., sex và những hệ luỵ của nó mới là quan trọng nhất. Thậm chí không phải là tổ quốc.
Còn tôi chê Đỗ Hoàng Diệu là vì cô ta viết chưa hay.

Có ý kiến cho rằng ông không làm được thơ nên phải đưa thơ vào văn xuôi...
Tôi có nhiều duyên nợ với thơ. Trong cuốn Giăng lưới bắt chim tôi chia ra ba loại nhà thơ, thì loại thứ nhất, tức là loại ngộ năng là tuyệt vời nhất. Tôi thì qua cái lúc đó rồi. Như trường hợp Vi Thuỳ Linh, tập thơ đầu thì tôi thích, đến Đồng tử thì không thích nữa

Vì sao vậy?

Vì nó không còn vô tư, hồn nhiên, không phải là ngộ năng nữa, nó như là một tuyên ngôn để lấy chồng của cô ta.

Ở bài viết về Vi Thuỳ Linh trong tập tiểu luận, ông có nói là không thích thơ tự do, tại sao?

Tôi được dạy dỗ bằng thơ từ nhỏ. Ông tôi bắt tôi học thơ Đường, tôi phải dịch thơ Đường nữa, rồi tôi được dạy về thơ lục bát...Thế nên quan niệm về thơ của tôi tương đối bảo thủ. Tôi coi thơ là mẹ của mọi thể loại nghệ thuật. Mẹ thì phải bảo thủ chứ. Mỗi dân tộc có một kiểu thơ truyền thống riêng, ở Pháp là xonnê, ở Nhật là haiku, ở Trung Quốc là thơ Đường, và ở Việt Nam là lục bát. Tôi không thích thơ tự do vì tôi cảm thấy thế thôi, tức là cảm thấy nó tồi tệ. Nó tôn vinh tinh thần bình dân. Trong văn học phải phỉ báng tinh thần bình dân. Cuộc sống, đi lại, ăn uống, gặp gỡ, những thứ linh tinh..., tất cả làm chúng ta bình dân đi. Văn học nghệ thuật lại luôn mơ mộng, đòi hỏi những cái sang trọng. Chúng ta đã nhân danh bình dân quá nhiều.

Bây giờ đã có rất nhiều nhà văn mới xuất hiện, sách văn học in ra ngày càng nhiều, vậy thương hiệu Nguyễn Huy Thiệp có còn bán được nữa hay không?

Tôi là một trong số ít người năm nào cũng có sách ra, không xuất bản thì là tái bản, trong nước và ngoài nước. Nhưng kinh tế thị trường ở ta còn mới mẻ quá, người ta rất lúng túng trong tổ chức xuất bản, in ấn, phát hành, điều đó hạn chế tới việc xây dựng thương hiệu, ảnh hưởng tới viết lách của các nhà văn. Khi tôi quay sang viết tiểu thuyết thì việc xin giấp phép rất chậm. Ví dụ tiểu thuyết Tuổi 20 yêu dấu tôi viết từ năm 2003, ở Pháp và sau đó ở Mỹ đã in. 4 nghìn cuốn ở Pháp cũng đã bán hết, còn ở Việt Nam thì chẳng thấy đâu. Cuốn Tiểu long nữ đáng lẽ cần phải in ra cách đây 3 năm sẽ rất có tính thời sự và có khả năng tác động xã hội. Vậy mà bây giờ mới in. Về phía mình thì tôi vẫn làm việc thôi, còn thương hiệu như thế nào cũng khó nói trong một hoàn cảnh khách quan như thế này.

Ông nói là cuộc sống rất hỗn độn và chúng ta cố gắng sắp xếp nó trong những trật tự. Tiểu luận của Nguyễn Huy Thiệp có phải là một sự sắp xếp không? Sắp xếp văn học hay sắp xếp cái gì?

Sắp xếp nội tâm của tôi. Cuộc sống của chúng ta ngắn kinh khủng. Có 60 năm thì ta mất 30 năm vào việc ngủ, 10 năm thơ ấu, 10 năm tuổi già, chỉ còn lại 10 năm cho mình là cùng. Con người phải tìm cách chấp nhận. Tôi xây dựng trật tự nội tâm của mình, để cho mình chứ chẳng trông mong gì ở bên ngoài...

Nguyễn Hoàng Diệu Thuỷ