Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2008

Truyện ngắn Nguyễn Đức Thiện


Tôi gặp gỡ nhà văn Nguyễn Đức Thiện (NĐT) lần đầu tiên trong một quán nhậu bên đường Bưởi. Ấn tượng ban đầu của tôi về anh là một người đàn ông nghệ sỹ, vui tính, nói chuyện có duyên, với mấy chiếc răng khểnh. Tôi đã nghĩ thầm trong bụng "Cha này chắc "sát" gái lắm đây". Quả thực, nghe lời bạn bè kể, NĐT cũng là một tay "sát" gái nổi tiếng ở đất Tây Ninh. Mà thực ra, dân văn nghệ sỹ thì ai chả có người đẹp ngưỡng mộ và ưu ái, đâu kể gì NĐT.

Khi đọc NĐT, tôi ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng vì cách viết, vì truyện ngắn của anh. Một lối viết đậm chất miền Tây, tuy chưa rõ bằng Nguyễn Ngọc Tư (có lẽ vì NĐT quê gốc Thanh Hóa). Một lối viết tửng tưng, triết ký gợi rất nhiều cho người đọc, bắt người ta phải suy ngẫm, phải hình dung. Và khi đã hiểu ra được rồi, họ sẽ tự mỉm cười, hay tự khóc, tự dằn vặt về những nhân vật, những cảnh đời trong câu chuyện. Đó là một thành công, một cái tài của anh cũng như sức hấp dẫn trong truyện ngắn của NĐT. Cách đây 7 năm (2001), NĐT được giải A của cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ. Đó cũng là một sự ghi nhận thành công trong công việc viết lách của anh. Thi thoảng, Thiện cũng viết thơ, nhưng thơ của anh không phải là con người anh. Đúng như NĐT đã nói, thơ là một sự "ngoại tình", còn văn mới là Nguyễn Đức Thiện, mới là hồn vía Nguyễn Đức Thiện. Và tôi biết rằng, Thiện sẽ còn viết nhiều hơn nữa, hay hơn nữa vì đời sống này, vì kiếp nhân sinh này.

Trân trọng giới thiệu với bạn đọc truyện ngắn "Người đi xin chữ" của nhà văn Nguyễn Đức Thiện (Tây Ninh).

-----------------------------------------------------

Thoại quyết định tìm đến nhà thầy Bửu .

Nhà thầy nằm khiêm tốn ở một góc nhỏ của thị xã Tân An. Cách đây chừng chục năm, ngôi nhà cũ kỹ được cất từ thời ông nội của thầy nằm giữa một cánh đồng. Xung quanh trống trải, gió mát lồng lộng, Nhưng những năm gần đây, đường xá trong thị xã mở ra, thế là nhà thầy nằm ngay góc góc ngã ba đường. Nhà hai mặt tiền, mơ ước của không biết bao nhiêu người nơi phố xá. Thì để buôn bán làm ăn. Nhưng thày không buôn cũng chẳng bán. Cả hai vợ chồng chăm chút cho việc dạy dỗ học trò. Thày thì dạy văn cấp ba, còn vợ thày, một cô giáo tiểu học cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu.
Thoại được mời vào phòng làm việc riêng tại nhà thầy Bửu . Trong phòng chỉ có một cái ghế bố dành để mỗi khi mỏi lưng, thầy ngả xuống đó nghỉ cho dãn xương, dãn cốt. Những kệ sách đứng sóng hàng trong căn phòng chật hẹp ấy. Bàn làm việc của thầy không phải là những cái bàn thông thường. Đó là cái bàn đá vừa dài, vừa rộng. Vậy mà cũng chật ních. Một bên là sổ sách, giấy tờ. Bên kia là hộp bút lông, giấy và nghiên mực. Trên bàn ấy được chia thành gianh giới: nửa bên này dành cho chữ quốc ngữ, bên kia, dành cho chữ Hán. Nhưng bên chữ Hán còn có thêm những tờ giấy với những chữ Việt viết theo lối thư pháp.

Thầy chỉ cho Thoại một chiếc ghế nhỏ:
- Anh thông cảm. Ngồi đó chờ tôi một chút.
Giọng thầy nhỏ nhẹ như thói quen nói với học trò.

Tết vừa rồi, nổi hứng Thoại có làm một đôi câu đối để khai bút. Thoại đã dùng máy vi tính trình bày khá đẹp nhưng khi treo lên tường cứ thấy nó chông chênh làm sao ấy. Đành rằng làm câu đối theo chữ quốc ngữ, nhưng đã là câu đối mà viết để treo tường, nhất định phải mang vóc dáng của lối viết cổ. Thoại thử ra tay, mang tất cả những tờ lịch có in chữ thư pháp ra để bắt chước. Song thật đáng thương cho Thoại, chẳng có hồn có vía gì khi những chữ được Thoại bôi ra trên giấy. Cũng vì mấy chữ đó mà cái tết năm con gà này Thoại cứ băn khoăn ra vào. Một hôm vợ Thoại có việc đi thành phố Hồ Chí Minh . Từ dưới ấy cô ấy điện về:
- Anh hả. Em tìm được người viết thư pháp rồi, anh đọc lại câu đối cho em. Em đặt người ta viết cho.
- Ai thế ?
- Em không biết. Nhưng em đang đứng ở chỗ người ta đây. Em có số điện thoại di động của người viết rồi. Em gọi, họ bảo, chút nữa họ tới.
- Em này. Thư pháp không phải ai cũng viết được đâu…
- Thôi mà. Anh cứ đọc cho em đi. Người ta dám mở tiệm viết chữ, không lẽ người ta không viết được sao.

Chiều vợ, Thoại đọc và dặn dò thật kỹ lưỡng từ cỡ chữ, cỡ tấm giấy, cách trình bày. Từ lúc đọc xong câu đối cho vợ, Thoại bắt đầu băn khoăn và có cả một chút ân hận nữa. Thoại ráng hình dung ra đôi câu đối mà vợ sẽ mang về. Chữ đen này, nền đỏ này. Khổ giấy đứng này. Hay lụa? Băn khoăn, hình dung chán rồi Thoại bắt đầu lo. Nhất định là vợ Thoại sẽ rất mừng vì đã làm được một việc có ý nghĩa cho anh. Nhất định khi về đến nhà, cô ấy sẽ trao tận tay Thoại đôi câu đối ấy và cười thật tươi. Nhưng lỡ câu đối ấy viết không được như ý Thoại, không ra được cái thần của câu đối thì sao? Có treo lên tường không? Không treo thì làm vợ giận, vợ hờn. Treo lên ngày nào cũng phải nhìn một thứ sản phẩm què cụt thì ngứa mắt. Mà treo lên rồi liệu có cách nào để hạ xuống. Coi chừng lúc hạ xuống, nhà cửa có khi còn nổi giông bão nữa kia. Câu đối khai bút vào lúc giao thừa kia mà. Nó hào sảng, khí phách, mỗi chữ được chắt ra từ con tim chớ bộ. Đâu có thể xem thường. Hai ngày vợ Thoại ở thành phố là hai ngày anh nôn nao khó chịu. Rồi vợ Thoại cũng về. Không thấy cô ấy cười. Tin lành rồi. Quả nhiên khi bước chân vào nhà vợ Thoại nói ngay:
- Mắc quá. Có vài chục chữ mà họ đòi tới gần năm trăm ngàn đồng…
Thoại giải thích:
- Chữ mà em. Các cụ phải luyện cả đời bây giờ mơi dùng bút mà kiếm sống được . Nhất là bây giờ phú quý sinh lễ nghĩa, chữ mới có chỗ để bán. Đâu có rẻ được, em…
- Các cụ nào đâu. Hắn còn trẻ mà. Chừng hai mấy, ba chục thôi hè. Cái miệng nói cứ leo lẻo. Trả bớt một chút nhất định không. Nên em không…
Thấy vợ buồn Thoại an ủi:
- Không sao đâu. Cứ để đó cho anh, thế nào rồi anh cũng nhờ người viết giùm.

Thoại bỗng nhớ đến thầy Bửu . Thầy là một cộng tác viên chuyên viết bài cho mục “ Đông Tây kim cổ” cho tờ báo nơi Thoại làm biên tập. Mục này thầy là người sáng lập. Thầy mà không viết chắc không ai viết được. Thầy sưu tầm tất cả những chuyện đã từng in trong sách, in trên báo, thấy có chuyện gì tác động đến dư luận chung hoặc có ý nghĩa giáo dục là thầy chép lại và sau đó là những lời bình thật ngắn nhưng thật sâu sắc. Mỗi tuần một chuyện. Gần chục năm nay, thầy không bỏ mục lần nào. Rồi tất cả những chuyện mà thầy viết ấy đã được in thành sách. Hôm cuốn sách in xong, thầy trịnh trọng mang đến tận toà soạn tặng Thoại. Thoại còn biết rằng: ngoài việc giảng dạy ở xứ này, thầy còn về thành phố Hồ chí Minh dạy chữ Hán và thư pháp ở trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn . Thầy không nói, nhưng ai cũng biết xứ này thầy là người hiếm hoi am tường chữ Hán. Vì thế mà hôm nay, Thoại có mặt tại nhà thầy Bửu . Khi gặp được thầy Bửu , nhất định anh sẽ có một câu đối từ ngọn bút của thầy . Với bút pháp hoành tráng nhưng phóng khoáng của thầy, đôi câu đối của Thoại sẽ làm cho căn nhà của Thoại ẩn chứa một nét văn hoá mà ai cũng thèm muốn.
- Anh nhờ mình viết câu đối hả?
- Dạ. Nhưng thầy có rảnh không đã.
- Rảnh thì không rảnh. Nhưng anh đã đến đây rồi không rảnh, cũng phải rảnh. Cộng tác với nhau ngần ấy năm trời không lẽ từ chối được anh sao.
Thầy cười. Nụ cười thật hiền lành.
- Anh đưa câu đối tôi coi thử?
- Thầy đừng cười nghe. Trước một người thông thạo như thầy mà đưa câu đối…
- Ua, anh không tự tin hả. Này, vào lúc giao thừa ấy mà, lòng người ta trong sáng nhất đấy. Bao nhiêu vất vả lo toan, bao nhiêu giận hờn bực bội mất sạch. Lúc đó, tâm hồn người ta giống y như hồi con nít. Toàn thấy vui. Không gợn buồn, lúc đó mà viết ra được cái gì là quý lắm đó. Nào anh đưa tôi…

Thoại rút từ trong chiếc cặp một mảnh giấy. Không hiểu sao, Thoại bỗng thấy mình bé nhỏ trở lại. Người thầy trước mặt anh mảnh khảnh. Dáng thư sinh còn lại trên thân hình mảnh khảnh ấy. Mái tóc đã điểm sương. Hai mắt sáng dưới cặp chân mày cũng vương nhiều sợi bạc. Cặp kiếng che bớt chút ít vẻ long lanh ở hai mắt. Trong lúc nói chuyện hình như để nhìn cho rõ hơn, thầy hơi cúi xuống để chiếu thẳng mắt mình với mắt người đối diện. Từ lúc đến đã mấy lần Thoại gặp ánh mắt thầy trong tư Bửu như vậy. Mọi khi thầy đưa bài cho Thoại, còn hôm nay Thoại đưa bài cho thầy. Anh đưa tờ giấy bằng cả hai tay và đầu hơi cúi xuống. Thầy Bửu cũng đưa cả hai tay đón tờ giấy mong manh của Thoại. Thầy xoay lại ngồi cho ngay với ngọn đèn bàn mới được bật sáng và hai tay nâng tờ giấy lên ngang mắt. Phút im lặng khá dài. Thầy bỗng buông:
- Được đấy. Một chút băn khoăn. Một chút răn mình. Nhưng chứa đựng một hoài bão lớn nữa… Anh muốn viết văn hả…
- Lực bất tòng tâm, thưa thầy …
- Biết thế là tốt. Này, tôi cũng có một câu đối tết năm nay đấy, nhưng nhớ trong lòng thôi không viết ra. Nó là thế này: “ Gặp năm gà, sớm hôm bươi móc, lượm từng hạt liệu có đầy chữ nghĩa”, “ Mang lốt chuột, đêm tối vật vờ, gom cả đời sao còn thiếu văn chương ”. Chữ nghĩa văn chương mà, cả đời làm cũng không hết việc, cả đời còn nợ đấy.
Thầy vừa nói vừa đứng dậy, lấy chai nước lọc, mở cái bù đài, ghé đổ vào nghiên mực, ở đó có cây mực nho. Thoại đỡ lấy:
- Thầy để tôi mài mực cho.
- Anh biết mài mực?
- Mài mực thôi mà. Sao lại không biết…
- Ay không được. Ngày xưa, tôi phải mất ba năm mài mực, thầy tôi, tức ông cụ thân sinh ra tôi ấy mà, mới cho tôi cầm bút viết lên giấy đó…
- Ba năm…
- Ba năm là còn ít đó. Thầy tôi là một ông đồ nổi tiếng ở xứ Tân An này. Một hôm ông có khách.
Khách là một ông đồ già, hơn thầy tôi đến vài tuổi. Hai cụ gặp nhau xá dài, thắp hương án xong mới ngồi trò chuyện. Ngồi lâu lắm, tôi mới thấy thầy tôi đứng dậy vào thư phòng lấy ra một tờ giấy hồng điều. Lúc thầy quay vào nhà lấy nghiên mực, tôi sốt sắng đỡ lấy. Thầy tôi trừng mắt: “ Đâu đến lượt con”. Thế rồi trong lúc thầy tôi mài mực thì ông đồ kia ngồi vuốt râu, mắt nhắm nghiền lại. Khi mực mài xong, ông đồ kia mới đứng dậy, hướng lên hương án, xá ba xá mới cầm lấy cây bút. Người ông như trong một thế võ. Cây bút trên tay ông khua mấy vòng rồi hạ xuống nghiên mực. Lúc nhắc cây bút ra khỏi nghiên mực tôi có cảm giác như cả người ông đang toả ánh hào quang. Rồi tay ông đưa tới. Phút chốc thôi, ông hạ bút và từ từ ngồi xuống ghế. Ông giống như ông tiên râu dài ấy. Đến giờ tôi còn nhớ. Trên bàn thờ thầy tôi, tức ông cụ thân sinh ra tôi đó, chữ ấy vẫn còn đó. Lúc sắp qua đời, thầy tôi dặn đi dặn lại: bàn thờ thầy không cần phải có hình ảnh gì cả, một chữ đó thôi là được. Chữ “ Trí”. Hôm ấy, thầy tôi xá ông đồ mấy xá liền. Thầy tôi lộng chữ ấy vào khung kiếng treo ngay chính giữa nhà. Sau này tôi có hỏi, thầy tôi bảo: “ Đất nước đang trong thời loạn. Chữ gì cũng không hợp bằng chữ “trí”. Chiến tranh tâm làm sao yên , đức làm sao trọn, thiện thì không lẽ trốn chạy cái ác. Phúc, lộc, thọ sao được khi bom đạn nổ uỳnh oàng khắp nước Nam ta. Nhẫn để kẻ cướp nó đè đầu cưỡi cổ mình sao. Chữ trí để răn bảo người ta lấy cái trí mà lo cho đất nước sớm được thanh bình. Có thanh bình rồi chữ gì cũng có hết.”
Nghe thầy tôi dạy mà thấm thía. Các cụ nhà mình là như thế đó. Viết một chữ thôi cũng phải đắn đo, chiêm nghiệm đã rồi mới viết. Đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ cái dáng ông đồ bạn vong niên của thầy tôi ngồi nhắm mắt vuốt râu. Cái chữ nó quan trọng lắm. Người ta thành người được hay không là nhờ cái chữ. Thế mà bây giờ có người chẳng coi cái chữ ra gì cả. Hôm vừa rồi, có một cậu học trò của tôi đến đây. Cậu ấy học tôi hồi còn nhỏ. Rồi đi kháng chiến, bây giờ làm chức to lắm ở mãi trên Thành phố kìa. Đến bằng xe du lịch hẳn hoi. Tưởng lâu ngày nhớ thầy thì đến thăm thầy , ai dè, cậu ấy đến xin chữ. Cậu ấy chỉ xin một chữ “ tâm” thôi. Cậu ấy bảo tôi: “ Em mới cất xong cái nhà. Phòng khách nhà em lớn lắm. Thằng bạn người Campuchia bây giờ làm quan đầu tỉnh bên ấy, tặng em một cặp ngà voi, mỗi ngà dài cả thước. Em đã trưng ở giữa nhà. Rất oai. Nhưng vẫn thiếu một cái gì đó.Thế là em nhớ tới thầy . Chữ bây giờ bán ngoài chợ thiếu gì. Nhưng em không thích. Em thích chữ của thầy . Nó hoành tráng lắm. Mà em chỉ lấy mẫu thôi. Từ mẫu ấy, em kêu thợ đúc đồng đến đúc cho em, dát vàng lên nữa. Thầy thử hình dung xem đôi ngà voi oai vệ, đỡ lấy chữ “ tâm” dát vàng lộng lẫy, thì còn gì bằng. Nó sẽ đập ngay vào mắt bất cứ ai khi bước chân vào phòng. Và đương nhiên nhìn cặp ngà voi, nhìn con chữ là thấy sự uy nghi, đáng nể, thưa thầy ”. Nghe cậu ta nói, tôi suýt nữa thì bật cười. Trời đất, chữ tâm mà thể hiện sự uy nghi sao? Cậu ta xin chữ “ tâm” mà tâm cậu ấy lại như thế thì còn gì là tâm nữa.

Thầy Bửu bật cười. Nhưng rõ ràng tiếng cười không thể hiện được cái vui, mà có cái gì ấm ức chất chứa trong tiếng cười ấy.
- Rồi thầy có viết không? - Thoại hỏi.
- Viết. Viết chớ. Nhưng không phải chữ “ tâm” mà là chữ “ đức”. Tôi viết như thế để cậu ta hiểu như thế nào thì hiểu. Nhưng sâu xa hơn thì cậu ấy phải hiểu là “ đức hạnh”. Tôi muốn bảo cậu ấy phải xem lại đức hạnh mình trước. Bây giờ tôi mừng khi thấy đến trường nào cũng có hàng chữ dăng ngang đập vào mắt người ta: “ Tiên học lễ, hậu học văn”. Cậu ta đến xin tôi chữ “tâm” mà chẳng hiểu chữ tâm ấy dùng để làm gì…
- Rồi sao nữa thầy . - Thoại hồi hộp hỏi.
- Cậu ta không đến lấy mà sai cậu lái xe đến lấy. Cậu lái xe chẳng biết ất giáp gì, mang về. Ngày hôm sau chiếc xe du lịch lại đậu ở cửa nhà tôi. Bước chân vào tới cửa cậu ta đã oang oang. “ Sao thầy lại viết chữ này. Thầy làm tôi bị rủa oan. Ông ấy không nhận, biểu tôi kêu thầy viết chữ khác, đúng chữ mà ổng biểu. Thầy viết đi, lát tôi quay lại”. Nét mặt cậu ta hằm hằm. Khổ, gần mặt trời cậu ta tưởng mình cũng là mặt trời chắc. Tôi bảo cậu ta: “ Nhờ cậu về báo lại, tôi chỉ có thể viết một chữ ấy thôi.” Rồi không thấy cậu ấy đến gặp lại tôi nữa. Cám ơn. Viết chữ cho người không đáng viết thì khổ tâm lắm. À này, tôi có nguyên một bài suy ngẫm về chữ đó. Để tôi lấy anh đọc nghe:
Thầy Bửu gác cây mực nho lên thành nghiên, đến bên đống giấy tờ phía góc bàn bên kia, lật một đống giấy tờ và lấy ra một tờ giấy cũng mỏng như tờ giấy mà Thoại đưa cho thầy . Thoại đón lấy. Trên mặt giấy là những con chữ chạy thẳng hàng. Những nét chữ đều đặn, sáng sủa và từng nét rõ ràng:
Mấy triệu năm mông muội/ Mới tìm thấy chữ cho ngừơi/ thế mà thấy/ Có người cứ mang chữ ra mà đùa/ Tưởng như đồ ăn sẵn/ Tưởng như mớ rau, miếng thịt/ Bỏ lên bếp mà nấu, nướng, chiên, xào/ Nên chữ cứ rẻ như bèo./ Lại có người dùng chữ/ Như dùng gái trong nhà thổ/ Đĩ thõa điên cuồng/ Buông ra là quên sạch./ Rồi cũng có người/ Dùng bạc triệu mà đi mua chữ/ Mang về đặt trên bàn thờ/ Coi như linh vật/ Nhưng lại quên cúng kiếng mỗi ngày/ Nên chữ cứ lạnh tanh./ Chao ôi/ Ai biết/ Nếu con chữ ngấm vào người/ Thành xương, thành thịt/ Thành máu thành hồn./ Mới là chữ/ Mới là chữ/ Mới là chữ biết không?

Thầy Bửu tiếp tục câu chuyện:
- Anh thấy không, nhà tôi có hai cái mặt tiền. Nhiều người bảo tôi: thời buổi này phú quý sinh lễ nghĩa, người ta thích chơi chữ, sao thầy không mở một cửa hàng bán chữ để kiếm thêm thu nhập. Không biết người ta sao, chứ tôi thấy bán chữ của mình như bán linh hồn mình vậy. Anh thấy nguyên cái chuyện mài mực để viết chữ này là cả một kỳ khu rồi. Mực không được đặc, không được loãng. Đặc hay loãng đều viết không thành chữ. Bây giờ viết chữ Việt theo lối thư pháp cũng giống như viết chữ Hán ấy. Nét nào ra nét đó. Vui buồn, nóng nảy nó hiện ra nét chữ. Mà nói cho cùng đâu chỉ là viết chữ Hán hay chữ Việt lối thư pháp, chữ thường ngày của mình cũng vậy thôi. Nét chữ nét người mà…

Thoại lạnh người. Một năm anh sài không biết bao nhiêu là chữ. Chữ của mình và chữ của người, nhưng đã bao giờ anh nghĩ mình sài chữ ra sao. Thầy Bửu đã mài xong nghiên mực. Thầy kéo ống đựng bút về trước mặt mình, cúi xuống để mắt có thể nhìn kỹ hơn nhưng cây bút và tìm chọn một cây cho thích hợp. Đã rút ra mấy cây rồi nhưng sau khi vuốt vuốt những búp lông đầu ngọn bút, hình như thầy vẫn không ưng ý. Còn Thoại đã bắt đầu thấy lúng túng vì không còn biết nói chuyện gì với thầy nữa. Trong căn phòng nhỏ không mấy sáng sủa của thầy chỉ có một ngọn đèn. Ánh sáng không vung vãi ra khắp căn phòng, mà chỉ tụ lại trên mặt bàn. Tất cả những gì trên bàn hiện ra rõ mồn một. Lúc mới đến, Thoại ngỡ thầy chất chồng lên bàn đủ mọi thứ khiến cho nó rối lên, lộn xộn. Nhưng khi câu chuyện của thầy càng lúc càng say thì mọi thứ trên bàn kia bỗng trở nên có lớp lang trật tự đàng hoàng. Góc bên dành cho chữ quốc ngữ thì những chồng bản thảo và những tập sách. Góc bên dành cho chữ Hán và chữ Việt theo lối thư pháp thì ống bút, nghiên mực và những tấm giấy đủ kích cỡ. Ngay chính giữa hình như để phân biệt giữa Việt văn và Hán văn, là một bức tượng đồng nhỏ, đứa trẻ mục đồng tay cầm roi đuổi trâu, tay kia nâng một cuốn sách và đang chăm chú đọc. Thầy đã một lần khoe với Thoại, đó là bức tượng học trò đặt đúc, tặng thầy . Không phải mục đồng thổi sáo mà mục đồng đọc sách. Ý thầy là thế mà.
- Anh Thoại này, anh có nhớ trong Chuyện Đông Tây kim cổ của tôi có nhắc đến ông Phạm Quý Thích ở thế kỷ 19 không?
- Thầy viết nhiều quá, tôi không nhớ nổi.
- Cũng phải. Tôi kể và tôi viết nhiều khi còn quên. Nhưng chuyện Phạm Quý Thích thì tôi không quên đâu. Năm 1813, ông nghè Phạm Quý Thích được nhà vua cử làm giám khảo cuộc thi ở Nghệ An. Chấm thi xong ông về dinh nghỉ. Quan lại, sĩ tử đến vấn an ông rất đông. Ông đang đau yếu nên phải dựa gối nằm nghiêng mà tiếp khách. Lúc luận bàn văn chương, ông mới đọc cho những người quanh mình nghe một bài văn ông làm ca ngợi Quan Vân Trường cầm đuốc trong truyện Tam quốc diễn nghĩa. Mọi người nhao nhao khen. Nhất là khi ông đọc hai câu:

Quỷ Tào Tháo bình sinh thẹn muốn chết
Thần tướng quân muôn thuở vẫn như còn.

Có một người bảo với ông rằng, cũng chuyện ấy, ở Nghệ An đã có một cậu bé đã làm một bài văn. Phạm Quý Thích kêu người ấy đọc thử nghe chơi. Nghe đến hai câu:

Nhen lòng son rực rỡ, trời đất năm canh
In chiếc bóng lênh đênh, gió sương bốn vách.

Phạm Quý Thích vội vàng nhổm dậy chắp tay nói với mọi người: “ Cậu bé ấy hơn tôi nhiều”. Cậu bé ấy là Nguyễn Hồng Hàn, mười ba tuổi, ở huyện Can Lộc. Anh Thoại này, anh có biết vì sao ông Phạm Quý Thích lại phục cậu bé như vậy không. Phân tích thì dài nhưng chỉ nói với anh một ý thôi. Phạm Quý Thích phải mượn Tào Tháo mới nâng được Quan Vân Trường lên. Còn Nguyễn Hồng Hàn, chẳng cần hạ ai mà Quan Vân Trường vẫn oai phong lẫm liệt. Nhưng cái này quan trọng hơn: khi Phạm Quý Thích tỏ lòng thán phục cậu bé Hàn thì mọi người càng phục ông hơn. Khiêm nhường làm ông càng thêm cao đạo. Chính vì thế mà tết rồi tôi có làm một đôi câu đối, nhưng chỉ để nhớ nằm lòng thôi, không dám viết ra, sợ người đời nhìn thấy, bảo tôi cao ngạo…

Thầy Bửu đã lựa xong cây bút. Thầy vung tay lên toan hạ xuống chấm vào nghiên mực. Thoại vội đứng dậy đỡ lấy tay thầy:
- Dạ thưa, thôi ạ.
- Cái gì thôi?
- Dạ thôi, thầy đừng viết nữa. Cho tôi xin lại mảnh giấy…
- Sao thế ?
Thoại lẳng lặng không nói thêm lời nào và đưa hai tay, cúi đầu nhận lại mảnh giấy từ tay thầy Bửu.
Lát sau, Thoại chào thầy ra về. Chiếc xe honda của Thoại từ từ lách ra khỏi cổng. Trước ngã ba, Thoại ngưng lại một lát rồi cho xe đi thẳng con đường trước mặt hướng nội ô thị xã Tân An.

Thầy Bửu đứng nhìn theo, gật đầu cười. Trên trán thầy lấm tấm mấy giọt mồ hôi.

Nguyễn Đức Thiện

Không có nhận xét nào: