Thứ Ba, 4 tháng 3, 2008

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp


Trong buổi giao lưu với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tại Trung tâm Văn hoá & Ngôn ngữ Đông Tây, hàng loạt câu hỏi đã được gửi tới nhà văn, không chỉ giới hạn trong cuốn Giăng lưới bắt chim mà cả trong hệ thống tác phẩm của ông, các quan điểm của ông. Những câu trả lời của Nguyễn Huy Thiệp rất thông minh, hóm hỉnh, tuy thỉnh thoảng ông mải nghĩ mà quên mất câu hỏi ban đầu là gì. Nhưng điều đó chẳng có gì quan trọng, trong những câu trả lời của ông người nghe thu được nhiều điều rất lý thú.

Có phải vì Nguyễn Huy Thiệp không viết được văn nữa nên mới chuyển sang viết tiểu luận không? Vì sao cuốn sách có tên là Giăng lưới bắt chim?
Tôi làm việc ở Tây Bắc mất 10 năm, sau mới về Hà Nội. Lúc đó tôi ngây thơ và đầy tham vọng. Tôi đam mê văn chương và lúc đó cũng sứt đầu mẻ trán khi hoà nhập văn đàn. Tôi lang thang qua nhiều toà báo, các nhà xuất bản và hiểu ra sự khó khăn của văn học. Nhưng tôi không nản vì thời gian ở miền núi đã cho tôi độ trưởng thành nhất định. Hồi đó tôi cũng quyết liệt. Tôi đã tìm hiểu các nhà văn đi trước xem họ sống và viết như thế nào. Tôi đọc từ Hồ Biểu Chánh, đến các nhà văn thời 30-45 như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng..., các nhà văn thời chống Pháp, chống Mỹ như Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Thi..., các nhà văn thời đổi mới như Nguyễn Khải...Và tôi nhận ra là không thể đi theo con đường của họ được.
Ngay từ những sáng tác đầu tiên tôi đã hình thành lý luận cho bản thân, các bài lý luận của tôi đăng rải rác trên các báo. Sau tôi tập hợp các bài viết và cho ra tập tiểu luận này.

Giăng luới bắt chim là một tích có trong sách Phật. Văn học là sự cắt nghĩa sự sống. Các nghề khác thì không làm được hoặc là không muốn làm. Cho nên nó là một nghề đầy thị phi, điều tiếng. Lúc đầu tôi bước vào văn học cũng vì những mưu mô công danh, tôi cũng ngây ngô, nhiều tính xấu, lại tham vọng, nhưng sau tôi hiểu viết văn cũng chính là quá trình sống, giải thích cuộc sống, cắt nghĩa và phân tích nó...Tôi hiểu ra: văn chương gần với đạo. Thế thì con chim ở đây chắc là con chim... chân lý (nhà văn cười).

Nguyễn Huy Thiệp viết tiểu luận phê bình có phải để tung hoả mù không? Hay đó có phải là phương pháp viết tiểu luận của Giăng lưới bắt chim không?

Không tung hoả mù. Vũ trụ là hỗn độn- đấy là một chân lý quan trọng nhất của đời sống. Và chúng ta luôn tìm cách xây dựng những trật tự nhỏ: trật tự anh em, trật tự bè bạn, trật tự gia đình, trật tự bồ bịch (khán giả cười)...Khi trẻ thì người ta tôn trọng trật tự hơn. Khi người ta lớn lên, già đi, nhiều tri thức, trải nghiệm, người ta hiểu ra chân lý đó, và chấp nhận, thì người ta ít coi trọng trật tự hơn.

Ông đã từng nói: có được thì có mất. Cái được của Nguyễn Huy Thiệp thì ai cũng thấy. Vậy Nguyễn Huy Thiệp đã mất gì?

Sống là mất đấy chứ. Sống là suy đồi, là tiến đến cái chết. Sống không phải là một quá trình gặt hái. Ai cũng sinh ra như tiên cả, trong sáng, thánh thiện, nhưng rồi những va chạm, ăn uống, đi lại, quan hệ, bệnh tật,... người ta tồi tệ đi, đểu đi, hư đốn đi, già đi...

Ông có nói là vừa thích vừa không thích văn Đỗ Hoàng Diệu...

Phải nói là cô ta rất táo bạo. Viết sex khó lắm, không cẩn thận là thành “con heo” ngay. Đỗ Hoàng Diệu đã vượt qua cái đó, và nói được một chút gì đó về thế hệ trẻ, cái thế hệ đau khổ, nó phải hứng chịu áp lực tình dục của cả xã hội, của cả lịch sử... Theo tôi sex rất quan trọng, nó là cội nguồn của tất cả. Tôi muốn nói không phải danh dự, đạo đức, tiền bạc..., sex và những hệ luỵ của nó mới là quan trọng nhất. Thậm chí không phải là tổ quốc.
Còn tôi chê Đỗ Hoàng Diệu là vì cô ta viết chưa hay.

Có ý kiến cho rằng ông không làm được thơ nên phải đưa thơ vào văn xuôi...
Tôi có nhiều duyên nợ với thơ. Trong cuốn Giăng lưới bắt chim tôi chia ra ba loại nhà thơ, thì loại thứ nhất, tức là loại ngộ năng là tuyệt vời nhất. Tôi thì qua cái lúc đó rồi. Như trường hợp Vi Thuỳ Linh, tập thơ đầu thì tôi thích, đến Đồng tử thì không thích nữa

Vì sao vậy?

Vì nó không còn vô tư, hồn nhiên, không phải là ngộ năng nữa, nó như là một tuyên ngôn để lấy chồng của cô ta.

Ở bài viết về Vi Thuỳ Linh trong tập tiểu luận, ông có nói là không thích thơ tự do, tại sao?

Tôi được dạy dỗ bằng thơ từ nhỏ. Ông tôi bắt tôi học thơ Đường, tôi phải dịch thơ Đường nữa, rồi tôi được dạy về thơ lục bát...Thế nên quan niệm về thơ của tôi tương đối bảo thủ. Tôi coi thơ là mẹ của mọi thể loại nghệ thuật. Mẹ thì phải bảo thủ chứ. Mỗi dân tộc có một kiểu thơ truyền thống riêng, ở Pháp là xonnê, ở Nhật là haiku, ở Trung Quốc là thơ Đường, và ở Việt Nam là lục bát. Tôi không thích thơ tự do vì tôi cảm thấy thế thôi, tức là cảm thấy nó tồi tệ. Nó tôn vinh tinh thần bình dân. Trong văn học phải phỉ báng tinh thần bình dân. Cuộc sống, đi lại, ăn uống, gặp gỡ, những thứ linh tinh..., tất cả làm chúng ta bình dân đi. Văn học nghệ thuật lại luôn mơ mộng, đòi hỏi những cái sang trọng. Chúng ta đã nhân danh bình dân quá nhiều.

Bây giờ đã có rất nhiều nhà văn mới xuất hiện, sách văn học in ra ngày càng nhiều, vậy thương hiệu Nguyễn Huy Thiệp có còn bán được nữa hay không?

Tôi là một trong số ít người năm nào cũng có sách ra, không xuất bản thì là tái bản, trong nước và ngoài nước. Nhưng kinh tế thị trường ở ta còn mới mẻ quá, người ta rất lúng túng trong tổ chức xuất bản, in ấn, phát hành, điều đó hạn chế tới việc xây dựng thương hiệu, ảnh hưởng tới viết lách của các nhà văn. Khi tôi quay sang viết tiểu thuyết thì việc xin giấp phép rất chậm. Ví dụ tiểu thuyết Tuổi 20 yêu dấu tôi viết từ năm 2003, ở Pháp và sau đó ở Mỹ đã in. 4 nghìn cuốn ở Pháp cũng đã bán hết, còn ở Việt Nam thì chẳng thấy đâu. Cuốn Tiểu long nữ đáng lẽ cần phải in ra cách đây 3 năm sẽ rất có tính thời sự và có khả năng tác động xã hội. Vậy mà bây giờ mới in. Về phía mình thì tôi vẫn làm việc thôi, còn thương hiệu như thế nào cũng khó nói trong một hoàn cảnh khách quan như thế này.

Ông nói là cuộc sống rất hỗn độn và chúng ta cố gắng sắp xếp nó trong những trật tự. Tiểu luận của Nguyễn Huy Thiệp có phải là một sự sắp xếp không? Sắp xếp văn học hay sắp xếp cái gì?

Sắp xếp nội tâm của tôi. Cuộc sống của chúng ta ngắn kinh khủng. Có 60 năm thì ta mất 30 năm vào việc ngủ, 10 năm thơ ấu, 10 năm tuổi già, chỉ còn lại 10 năm cho mình là cùng. Con người phải tìm cách chấp nhận. Tôi xây dựng trật tự nội tâm của mình, để cho mình chứ chẳng trông mong gì ở bên ngoài...

Nguyễn Hoàng Diệu Thuỷ

Không có nhận xét nào: