Thứ Năm, 3 tháng 4, 2008

Nghĩ về đổi mới thơ từ trường hợp Hàn Mặc Tử (kỳ 1)


1. Hàn Mặc Tử: một đỉnh núi lạ

Từ địa hạt thơ Đường bước sang lãnh địa thơ lãng mạn rồi thơ tượng trưng, Hàn Mặc Tử đã có đóng góp không nhỏ cho công cuộc cách tân thi ca Việt Nam. Thơ của Hàn Mặc Tử không chỉ mới ở thi tứ và ngôn từ, mà còn mới ở cách thức giải phóng yếu tố cá nhân trong những giấc mơ vô thức, ở sự thể hiện "vũ trụ tinh thần" bí ẩn hoàn toàn siêu nghiệm, siêu linh. Hàn Mặc Tử cùng với nhiều nhà thơ khác trong Trường thơ Loạn và nhóm Xuân Thu nhã tập đã đổi mới phương thức trữ tình bằng cách kéo gần thơ tới âm nhạc. Thi sĩ "dùng chiếc sáo của mình, chơi những điệu mình thích" (Mallarmé), biến nhạc thơ thành một thứ nhạc chiêu hồn, gợi lên những sắc thái tinh tế nhất của tâm trạng và những cảm niệm mơ hồ, kì lạ. Vườn thơ của Hàn Mặc Tử "rộng rinh không bờ bến".

Nhưng vườn thơ của Hàn Mặc Tử có phải được dựng lên một cách dễ dàng? Hoài Thanh kể: "Đương thời người ta mạt sát Hàn Mặc Tử nhiều lắm, họ bảo: Hàn Mặc Tử thơ với thẩn gì, toàn nói nhảm." Còn Xuân Diệu, sau khi tuyên bố vẻ chắc chắn: "Hàn Mặc Tử không phải hạng "chân thi sĩ"", đã thẳng thắn đề nghị: "Người thơ ấy tốt hơn cứ tỉnh táo mà "yên lặng sống"." Chưa ai công bằng khi đứng trước tài thơ, nguồn thơ lạ lùng của Hàn Mặc Tử. Chưa ai công nhận những câu thơ siêu linh-mới cho đến tận hôm nay.

Chỉ có Chế Lan Viên sớm nhìn ra tài thơ, con đường thơ của thi sĩ họ Hàn. Ông nói: "Mai kia, những cái tầm thường, mực thước sẽ mất đi, còn lại chút gì đáng kể của thời này, đó là Hàn Mặc Tử." Lời tiên đoán ấy, ngoài Chế Lan Viên, không ai viết nổi. Phải can đảm lắm, Chế Lan Viên mới viết lời giới thiệu xác quyết mạnh mẽ nhường đó.

Thì ra công cuộc đổi mới thơ nào cũng đầy thử thách, đòi hỏi người nghệ sĩ phải dám dấn thân. Có niềm say mê, khát khao thôi, chưa đủ, mặc dù điều đó rất đáng quí. Tài năng ư? Dĩ nhiên cần, nhưng chưa xong. Đổi mới thơ sẽ trở thành câu chuyện phù phiếm, viễn tưởng nếu người nghệ sĩ thiếu đi phông văn hoá cần thiết, thiếu đi bản lĩnh giải phóng tư tưởng của mình và tư tưởng của con người nói chung ra khỏi những "điều cấm kị" vốn đang trở thành thiết chế khắc nghiệt nhất đối với kẻ cầm bút.

Tiền đề của đổi mới thơ, phải chăng bắt nguồn từ sự khám phá ra một thế giới văn hoá trong thế giới nhân sinh, thế giới của sự tự do dân chủ. Câu chuyện cách tân văn chương đến nay và mai sau vẫn luôn xoay quanh vấn đề tư tưởng, quan điểm của nghệ sĩ đối với thực tại, đối với sự sống.

Chẳng bao giờ có nhà nghệ sĩ lớn, nếu anh ta không được sáng tạo tự do - trong ý nghĩa nghiêm ngặt và đời thường nhất của nó. Thử hình dung thế này: một người "cổ đeo gông, chân vướng xiềng" thì sản phẩm của anh ta cả khi còn trong trứng nước lẫn khi chào đời - khao khát được sống với đời sống riêng của nó, sẽ không thể vượt quá giới hạn thực tế cho phép. Chừng nào tư tưởng, ngôn ngữ còn bị gông xiềng trói buộc thì chừng đó còn có nhiều bi kịch. Một số độc giả thích "sự nổi loạn" trên tất cả các cấp độ của nghệ thuật ngôn từ. Nhưng người thơ ít tạo ra "sự nổi loạn" đáp ứng mong mỏi của họ. Không hiểu sao tôi thích Trường thơ Loạn, thích "sự điên" của người làm thơ. Phải chăng vì trong sự điên ấy - theo cách nói của Hàn Mặc Tử - những bí mật của con người được phơi bày ra đầy đủ nhất, chân thành nhất. Phải chăng nhờ "sự điên cố ý" ấy, tôi và các bạn đọc khác được biết đến một thế giới khác - thế giới của vô thức, siêu linh, thế giới của linh hồn, ý niệm. Chứ không hẳn tôi tò mò, vì điều đó sẽ chóng qua đi. Cũng có thể hiện tượng "điên loạn cố ý" của người cầm bút đã tạo ra cảm giác lạ, nhận thức lạ trong khi những người giáo điều, bảo thủ không thể đem lại điều đó. Đến đây thì không hẳn tôi ủng hộ "người phá phách ngôn từ", vì tôi biết sự vô lối thường yểu mệnh. Tôi chợt nghĩ, nhà thơ đôi khi phải "đồng bóng" một chút, ngôn từ phải ma mị một chút.

Đọc thơ Hàn Mặc Tử, Hoài Thanh cho rằng nhiều lúc thi sĩ lạc vào thế giới đồng bóng. Hàn Mặc Tử lạc tới một cõi thơ, một miền thơ ít được người đời biết đến. Hàn Mặc Tử thường nói tới khu vực bí ẩn chứa mọi sự tương giao. Ở đó không còn chỗ đứng cho nếp tư duy cũ kĩ, sáo mòn. Thi sĩ thành thực bày tỏ: ""Thế giới kì dị" của tôi được "tạo ra khi máu cuồng rền vang dưới ngòi bút"." Chính ở "thế giới đồng bóng" ấy, sự tự do của người thơ mới được thể hiện trọn vẹn, đầy đủ nhất. Thi sĩ xuất hiện giữa làng thơ, sắm vai một người khách lạ, trụ vững trong làng Thơ mới với tầm vóc một đỉnh núi lạ.

Tôi nghĩ, ý thức đổi mới thơ biểu hiện rõ rệt ở khát khao phá bỏ những thành trì kiên cố đang ngự trị trong đời sống văn hoá tinh thần của tộc loại. Từ đó mở ra những con đường mới mà ý thức phong bế, lệ thuộc không làm được. Con đường thơ ấy có thể dài rộng tuỳ theo điều kiện văn hoá chính trị cho phép, có thể ngắn ngủi đến không ngờ. Biết bao nhà thơ phải lao tâm khổ tứ cả khi sống, lẫn khi sáng tạo. Thậm chí phải trả giá đắt, vì muốn có được một chuyến đi xa trọn vẹn cho riêng mình. Theo đuổi một lối thơ đến kiệt cùng, đâu có dễ gì. Tạo ra một lối thơ mới, càng khó khăn hơn. Huống chi khi chập chững bước vào nghề, đã bắt đầu chịu ảnh hưởng một lối thơ nào đó rồi, mà muốn có thành tựu gì đáng kể, nếu không phải người có tầm vóc tư tưởng lớn lao thì đâu có thể vượt lên nổi. Những người "theo đóm ăn tàn" chắc chắn sẽ bị chính lối thơ có vẻ tân kì kia nhấn chìm, đè bẹp. Trường hợp của Hàn Mặc Tử thì sao? Cứ theo hành trạng thơ thì thấy: thi nhân đã phải rẽ ngang ở đoạn đường nào đó. Văn chương cũng cần lắm, sức mạnh khai sơn phá thạch của người thơ. Tôi nghĩ mọi cuộc cách mạng, trong đó có thơ ca, để nảy sinh, phải hội đủ những điều kiện nào đó. Ví dụ, ở phương diện chủ quan, phải tính tới ý thức cá nhân cá tính, ý thức về sự tự do, dân chủ trong sáng tạo. Ở phương diện khách quan, nên quan tâm tới bối cảnh văn hoá chính trị đã chi phối tới sự viết, sự sống của kẻ cầm bút. Nghĩ thế, có phần xa rời thực tế. Vì hầu hết những thử nghiệm, cách tân thơ ca ở ta đều bắt nguồn từ sự tiếp biến tư tưởng văn hoá phương Tây, chứ ít khi có cuộc cách tân nội bộ. Người thơ luôn luôn đến muộn, muộn so với người mấy chục năm, chừng hàng trăm năm.

Công bằng, không phải nhà thơ Việt "chậm chạp" đổi mới, mà thực ra những điều kiện văn hoá xã hội nào đó chưa chín muồi, chưa tạo ra những điều kiện cần thiết để ý thức đổi mới văn học đơm hoa kết trái. Một số "cánh chim đầu đàn" chưa mạnh dạn theo đuổi đường bay mới. Số ít táo bạo hơn trong cách nghĩ, cách làm thì gặp không ít trở ngại, thậm chí "bị thương". Kẻ hậu sinh cầm cây bút lên, thấy vết thương cũ của người năm ấy chưa lành, vết thương mới lại xuất hiện, thì cũng dè dặt lắm.

Thơ Việt Nam giai đoạn 1930-1945 chứng kiến: nhiều thi nhân tìm đến Baudelaire, Mallarmé, Verlaine chẳng khác gì tìm kiếm một lối thoát cho những bế tắc về tư tưởng, về nghệ thuật biểu hiện. Số còn lại đón nhận nồng nhiệt Baudelaire để tiếp sức cho công cuộc cách tân thơ bền bỉ. Thế Lữ, người đầu tiên tuyên bố cuộc sống thoát li cũng tìm đến Baudelaire hòng giữ địa vị bá chủ của mình trong Thơ mới. Xuân Diệu, Huy Cận đều tiếp nhận dè dặt tinh thần sáng tạo của Baudelaire – "ông tổ tượng trưng" và Verlaine, một đại biểu xuất sắc của trào lưu đó. Chịu ảnh hưởng đậm nét của Baudelaire, Edgar Poe, Mallarmé, Valéry phải kể đến: Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên. Xem ra, cách tân thơ liên quan mật thiết với "con người tư tưởng". Hàn Mặc Tử đến với thơ tượng trưng từ bao giờ? Năm 1936, tập Gái quê ra đời. Thi sĩ họ Hàn trút bỏ phong vận Đường thi từ đấy (Lệ Thanh thi tập). Cùng năm đó, Trường thơ Loạn được thành lập, Hàn Mặc Tử giữ vai trò chủ soái. Tập thơ Gái quê với tính cách tượng trưng của nó đã đóng vai trò như một bước đệm trong hành trình sáng tạo của Hàn Mặc Tử. Như vậy, có một bài học sáng tạo ở đây: nhà thơ cần làm mới con người tư tưởng ở mình, trước khi muốn làm mới văn chương. Để làm mới được, dĩ nhiên không thể thiếu bản lĩnh.

Cách tân thơ càng trở nên có ý nghĩa và tạo thành "vệt đậm", thành "trường phái" khi có một nhóm người cầm bút cùng nhau theo đuổi một lối viết. Sự "cùng nhau" này, nhiều lúc do ngẫu nhiên. Đúng hơn, ở những điều kiện nhất định, tất yếu phải thế. Số phận của công cuộc cách tân thơ một phần phụ thuộc vào "cánh chim đầu đàn", phần nữa do các thành viên cùng chí hướng quyết định.

Ta thấy, mọi ý đồ cách tân thơ đều không mấy dễ dàng thành công. Ban đầu, "người thơ" thường chịu sự ghẻ lạnh, hắt hủi của người đời, vì cái mới-cái lạ kia phá vỡ trạng thái lặng lẽ sống, lặng lẽ viết của họ. Sau nữa, giả định khuynh hướng sáng tác mới chứng minh được "lí do tồn tại tất yếu của mình", nó sẽ có chỗ đứng đáng kể trong sân thơ chật hẹp nhường ấy. Hiển nhiên, nếu thiếu ý thức tranh đấu quyết liệt cho sự tồn tại của khuynh hướng thơ tích cực thì ý đồ cách tân thơ nào đó sẽ nhanh chóng thất bại. Hơn nữa, theo tôi, chính nội lực sáng tạo dồi dào, tài hoa của người viết sẽ quyết định đường hướng thơ, số phận thơ của họ. Lấy trường hợp Hàn Mặc Tử làm ví dụ. Tập thơ Đau thương, một tập thơ đậm tính cách tượng trưng nhất của Hàn Mặc Tử, được soạn từ năm 1937 và chỉ một năm sau thì hoàn thành. Song sinh với Đau thương, có Điêu tàn của Chế Lan Viên (1937). Tinh huyết của Bích Khê ra đời muộn hơn (1939). Tập thơ Tinh huyết lại do chính Hàn đề tựa, sau khi ông đã giới thiệu Chế Lan Viên trên báo Tràng An (1936), và Xác thu của Hoàng Diệp (1937). Tại thời điểm Tinh huyết chào đời, Hàn Mặc Tử đã đi qua lối thơ tượng trưng và bắt đầu đặt chân lên mảnh đất siêu thực. Thi tài của Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Bích Khê… được thừa nhận. Chúng ta không thể nhắc đến công sức của người này mà bỏ đóng góp quan trọng của người kia.

2. Hàn Mặc Tử với nhiều ngã rẽ

Phan Sào Nam tiên sinh từng hết lời ca ngợi thơ Đường luật của Hàn Mặc Tử. Tưởng Hàn Mặc Tử cứ phong vận đó đến với chúng ta. Ai ngờ thi sĩ họ Hàn kia đã sớm cởi bỏ y phục cũ kỹ, mặc "Âu phục" để bước vào làng Thơ mới. Từ năm 1936, Hàn Mặc Tử sánh vai với Gái quê đi về cõi hư linh, bay lên với trăng sao, với hồn, nhạc… Thế giới thơ Hàn Mặc Tử thánh thiện và huyền diệu. Ở đó, hư thực không thể phân biệt rõ ràng. Hàn Mặc Tử trở thành một "điềm lạ", một hiện tượng thơ phức tạp và còn nhiều bí ẩn.

Đọc Hàn Mặc Tử lâu nay, xem trọng tinh thần lãng mạn, ít chú ý tới yếu tố tượng trưng và yếu tố siêu thực - cái làm nên bản sắc thơ của một tài năng kì lạ và "đau thương tột cùng" này. Trong bài "Đôi nét về Hàn Mặc Tử", Quách Tấn, bạn tâm giao với thi sĩ sớm nhận thấy: "Ngay từ tập Thơ điên, Hàn Mặc Tử đã "đi từ lãng mạn đến tượng trưng". Từ Xuân Như ý đến Thượng thanh khí, thơ Tử lần lần từ địa hạt tượng trưng đến địa hạt siêu thực". [1] Thật hiếm có trường hợp nào, chỉ trong vài năm, đã làm ba cuộc cách mạng thơ ca như Hàn Mặc Tử.

Hàn Mặc Tử không biến mình thành "cây đàn độc điệu", không chịu buông neo một chỗ. Ông tìm mọi cách tự vượt mình trong nhiều lối thơ tân kì. Thơ Hàn Mặc Tử không vẽ vời hình thức thơ ca, mà đổi mới từ trong cốt tuỷ. Không ai giống Hàn Mặc Tử trong bản hoà âm độc đáo ấy. Tôi xem thơ Hàn Mặc Tử hiện đại nhất, dị thường nhất. Vương Trí Nhàn nói: "Trước mắt chúng ta có một giọng thơ độc đáo không chia sẻ âm hưởng với ai hết". [2] Thơ Hàn Mặc Tử đại diện cho một khuynh hướng thơ độc đáo, với nhiều tìm tòi táo bạo. Có tìm thể thấy điệu thơ của Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Thế Lữ, Đinh Hùng… trong hồn thơ Hàn Mặc Tử. Nhưng để tìm thấy một bản sao nguyên cảo "lối thơ điên" nữa, thì thật khó thay!

3. Hàn Mặc Tử tiếp nhận để cách tân thơ

Không phải ngẫu nhiên, khi Thơ mới nở rộ, đạt nhiều thành tựu cao, thì trường phái thơ tượng trưng được chào đón nồng nhiệt hơn cả. Baudelaire trở thành "đường viền" của sáng tác thơ ca. Ngôi sao Thế Lữ bị lu mờ, bởi "nguồn thơ Thế Lữ đã cạn không đi kịp thời đại" (Hoài Thanh). Thế Lữ đến với Baudelaire khá muộn. "Nguyễn Bính chỉ còn thiếu một hiểu biết Tây học nên không thành nổi nhà thơ đầu đàn." [3] Như vậy, có trường hợp tiếp nhận để cách tân thơ. Nhưng, sự tiếp nhận với ý nghĩa này, luôn đòi hỏi phải có bản lĩnh và tiền đề văn hoá cần thiết. Muốn tiếp nhận được khuynh hướng sáng tác mới, nhà thơ phải có trữ lượng sáng tạo dồi dào, phải có năng lực làm mới mình, làm mới cái được tiếp nhận. Dù vậy, không hiếm trường hợp tiếp nhận lối viết mới khá sớm mà chẳng bao lâu, người thơ bị cùn bút ngay, vì nguồn năng lượng sáng tạo kia không thể phù trợ cho cái tạng sáng tác có phần riêng biệt của tác giả. Tiếp nhận khuynh hướng sáng tác thơ chỉ thực sự có ý nghĩa cách tân khi, xét về phương diện chủ quan, nhà thơ có đầy đủ các tố chất cần thiết đảm bảo cho nó nảy nở và phát triển theo qui luật đặc thù. Mọi hành động tiếp nhận sáng tạo thi ca, sẽ tạo ra các tác phẩm đơn điệu và nhàm chán, nếu nhà thơ không có nhu cầu đổi mới tư duy văn học.

Hàn Mặc Tử tiếp nhận những gì? Thơ Mallarmé gắn bó với âm nhạc. Thơ Hàn Mặc Tử cũng có bản hoà âm huyền ảo của: "ánh sáng (…) tiếng suối (…)". Thi pháp của Apollinaire gắn bó với hội hoạ. Thi sĩ họ Hàn thường lấy chất liệu màu sắc để tạo nên thế giới thơ. Chủ nghĩa tượng trưng cho rằng: sáng tạo thơ ca tương đồng với sự sinh sôi của tạo hoá. Thi sĩ Hàn Mặc Tử cũng muốn nắm được cái huyền diệu của thơ, của tạo vật. Nhà thơ hăm hở "đi khơi mạch thơ ở Đức Chúa Trời" ("Quan niệm thơ"), và coi nghệ thuật là "tác phẩm của trời đất" ("Nghệ thuật là gì?").

Theo tôi, đỉnh cao thơ Hàn Mặc Tử, đóng góp lớn nhất của thi sĩ là ở mảng thơ tượng trưng và chớm siêu thực, tạo nên vũ trụ thơ Hàn Mặc Tử đặc sắc nhất, vẻ vang nhất, "kì dị" nhất bắt đầu từ Đau thương. Ngay từ Đau thương, kiến trúc ngôn từ đã đồng nhất với cảnh chiêm bao vô thức. Thi sĩ "siêu hoá những ước mơ không được thoả mãn":

Ai đi lẳng lặng trên làn nước
Với lại ai ngồi khít cạnh tôi
Mà sao ngậm cứng thơ đầy miệng
Không nói không rằng nín cả hơi?
("Cô liêu")

Ta là ta hay không phải là ta?...
Hồn vội thoát ra khỏi bờ trí tuệ
("Siêu thoát")

Tôi còn ở đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu
Dù trong thời kì đầu và chặng cuối con đường, thơ của Hàn Mặc Tử trong sáng, nhưng về cơ bản, Hàn Mặc Tử không có vóc dáng lí tưởng của một thi sĩ lãng mạn thuần nhất. Tôi nhấn mạnh: Từ tập Gái quê trở về trước, Hàn Mặc Tử sáng tạo ra "thơ hội hoạ". Sau nó nghiêng hẳn về "thơ âm nhạc", "thơ điên". Tập Thơ điên minh chứng cho con đường đi riêng của thi sĩ về nhịp, nhạc, về khả năng biểu hiện bản giao hưởng của tâm hồn. Chính Hàn Mặc Tử, trước khi vào nhà thương Quy Hoà, đã từng dặn Quách Tấn: "Nếu Chúa ban phước cho tôi lành mạnh, tôi sẽ đốt tập Thơ điên... Không nên để cho người đời thấy những bí ẩn của lòng mình." Tôi thấy quan niệm thơ khá thú vị của Hàn Mặc Tử trong câu nói có vấn đề này: Sáng tạo thơ đồng nghĩa với khám phá và biểu hiện con người thứ hai trong mình. Con người trong thơ thuộc về thế giới ẩn ức, tiềm thức đầy bí ẩn. Con người trong thơ được tự do sống với bản lai diện mục của mình. Trong khi sáng tạo, nhà thơ sống với cảnh giới mà mình chưa hề biết, với trạng thái mà mình chưa trải qua, với thời gian, không gian phi hiện thực. Tất cả đều bí ẩn đối với người viết và đối với người đọc.

Hàn Mặc Tử yêu cầu thơ ca phải phát ra tiếng kêu than rền rĩ:

Tôi muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
Bao nét chữ quay cuồng trong máu vọt
Cho mê man chết điếng cả làn da
Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết
Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh
Đừng nắm lại hồn thơ ta đang xiết
Cả lòng ai trong mớ chữ rung rinh...
(“Rướm máu”)

Nếu xem điên là một trạng thái sáng tạo mãnh liệt, giây phút sáng láng của hồn thơ, thì thực chất bài thơ "Rướm máu” khẳng định: Thơ ra đời từ một trạng thái “quay cuồng”, “ngất ngư” không gì kiềm chế nổi. Thơ khởi phát từ trạng thái xuất thần, từ "đáy tâm linh”. Ngôn ngữ tâm linh, ngôn ngữ nội tâm trong cảnh giới sáng tạo của thi sĩ hoá thân tự nhiên thành ngôn ngữ thơ. Chính cảnh ngộ đau thương hiện thực và tâm thức cái chết đương liền kề đã đem lại "cái rung động sung sướng" cho thi sĩ (“Nghệ thuật là gì?”). Trạng thái “điên” trong thơ Hàn Mặc Tử gần với khoảnh khắc “quên” kì diệu của thơ Thiền. Người làm thơ “không có thì giờ nghĩ về mình”, anh ta như bị thôi miên, lạc vào cõi huyền diệu, khám phá ra “cái siêu tôi”. Hàn Mặc Tử khẳng định: “Tôi làm thơ... nghĩa là tôi phản lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật... tôi mất trí, phát điên” (Tựa Thơ điên). Thi sĩ họ Hàn coi trọng tiềm thức, vô thức, chủ trương một lối viết tự động. Thi sĩ “để mặc cho giai âm rên rỉ”, khẩn khoản với mọi người: “Đừng nắm lại hồn thơ ta đang xiết...” rồi dứt khoát khẳng định “không ai ngăn cản được tiếng lòng tôi”. Theo tôi, lối viết tự động ở Hàn Mặc Tử khá gần gũi với lối viết tự do đã được André Breton đề xướng từ năm 1929 trong “Tuyên ngôn thứ nhất” và bản “Tuyên ngôn thứ hai của chủ nghĩa siêu thực” [4] .

Trần Thiện Khanh

[1]Hàn Mặc Tử thơ và đời (Lữ Huy Nguyên, sưu tầm, tuyển chọn). Nxb Văn học, 2000, tr 180.
[2]Vương Trí Nhàn, Những kiếp hoa dại. Nxb Hội Nhà văn, tr 98.
[3]Phan Ngọc, Ảnh hưởng của văn học Pháp tới văn học Việt Nam trong giai đoạn 1932-1940 / Tạp chí Văn học số 4-1993, tr. 25.
[4]Xem thêm: tạp chí Văn học nước ngoài, số 5-2004.

Không có nhận xét nào: