4. Muốn cách tân thơ, trước hết phải đem đến một quan niệm mới về thể loại
Bằng chứng đáng tin cậy nhất của sự sáng tạo đổi mới chính là diện mạo của tác phẩm trong đời sống văn học. Còn quan niệm của nhà thơ về thể loại được phát biểu rải rác ở đâu đó sẽ trở thành tôn chỉ, mục đích sáng tạo của người nghệ sĩ, nếu như quan niệm đó thôi thúc nhà thơ cầm bút để khẳng định nét riêng của mình. Muốn cách tân thơ, nhà thơ cần hình thành cho mình một quan niệm thơ mới mẻ trước đã. Quan niệm về thể loại chẳng mới mẻ gì, thì chẳng bao giờ tác giả tạo được cho thơ ca một khuôn mặt mới.
Với Hàn Mặc Tử, khi sáng tạo, một mặt nhà thơ khai thác những dữ kiện trực tiếp của ý thức cá nhân, mặt khác thi nhân sẽ “quên cả thói quen phân tích của tư duy lô gíc... để cho trực giác của tâm linh trỗi dậy”. Thơ “đưa chúng ta vào một trạng thái tâm lí bất ổn” (Béc-xông). Nhà thơ cố gắng nắm bắt những cảm xúc tột cùng của con người, “những cái trừu tượng đang vận động”. Thơ chợt về với nghệ sĩ ở những giây phút máu cuồng và hồn điên.
Hàn Mặc Tử không giấu những đau thương, thi sĩ cứ muốn ở mãi trong đau thương: Thơ tôi thường huyền diệu (“Cao hứng”), lời thảm thương rền khắp nẻo mơ (“Trút linh hồn”). Hàn Mặc Tử nhận thấy “nhà nghệ sĩ bao giờ cũng điên”. Muốn phát điên, anh ta phải “sống mãnh liệt và đầy đủ”, muốn bay tới địa hạt huyền diệu, anh ta phải “mộng”, phải có trí tưởng tượng dồi dào, đặc biệt phải sành âm nhạc và màu sắc. Nhà thơ muốn đến bến bờ tượng trưng cần “có đôi mắt rất mơ, rất mộng, rất ảo, nhìn vào thực tế thì sự thực sẽ trở thành chiêm bao...”
5. Vũ trụ thơ của Hàn Mặc Tử: kì dị và lạ thường
Kết quả của sự cách tân thơ, sau cùng phải đem lại cho người đọc một thế giới nghệ thuật mới, một hình thức mới của cái nhìn nghệ thuật. Không có thế giới nghệ thuật mới lạ thì coi như chưa đổi mới thơ. Vậy, Hàn Mặc Tử đã sáng tạo ra thế giới nghệ thuật nào?
Trong bài viết “Nghệ thuật là gì?” năm 1935, Hàn Mặc Tử nhấn mạnh: nhà thơ cần có “năng lực mạnh mẽ về tinh thần, thứ năng lực ấy nó làm cho con người thêm hứng khởi đi tìm cái sự lạ”. Hàn Mặc Tử “đi tìm cái sự lạ” “ở chốn xa xăm, thiêng liêng và huyền bí”. Nhà thơ “nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng”, thơ Hàn có một nguồn “sáng lạ”, lời thơ và tâm thế của người thơ rất kì dị.
Đọc thơ Hàn Mặc Tử, nhà phê bình Hoài Thanh có cảm nhận mình như lạc vào “cái thế giới kì dị”, “đi trong mờ mờ”, thấy nguồn thơ của thi sĩ nảy nở thật lạ lùng. ““Xuân như ý” có những câu thơ đẹp một cách lạ lùng”; cảnh vật trong “Máu cuồng và hồn điên” “...không thấy có tí gì giống với cảnh trước mắt. Trời đất này thực của riêng Hàn Mặc Tử (...) trong văn thơ cổ kim không có gì kinh dị hơn.”
Trong cái nhìn nghệ thuật của Hàn Mặc Tử, cái sự lạ kia biểu hiện như một cảnh thực, thứ hiện thực ảo. Cái sự lạ trong vũ trụ thơ ấy xuất hiện cùng với tâm trạng ngạc nhiên, ngỡ ngàng của chủ thể trữ tình.
Tiếng động sau vùng lau cỏ mọc [5]
Tiếng ca chen lấn từ trong ra...
Áo quần vo xắn lên đầu gối
Da thịt, trời ơi! Trắng rợn mình...
Nụ cười dưới ấy và trên ấy
Không hẹn, đồng nhau nở lẳng lơ...
(“Nụ cười”)
Gió rủ nhau đi trốn cả rồi
Nhỏ to, câu chuyện, ô kìa coi
Trong lau như có điều chi lạ
Hai bóng lung lay thấy cọ mài...
(“Khóm vi lau”)
Bỗng đêm nay trước cửa bóng trăng quỳ
Sấp mặt xuống uốn mình theo dáng liễu
Lời nguyện, gẫm xanh như màu huyền diệu
Não nề lòng viễn khách giữa cơn mơ
Nhà thơ đi tìm cái lạ chưa đủ, anh ta cần phải chiếm lĩnh cho được cái kì dị. Hai thứ đó đan xen với nhau tạo ra hứng thơ mạnh mẽ và vô tận.
Lời thơ ngậm cứng, không rên rỉ
Và máu tim anh vọt láng lai
Thơ ở trong lòng reo chẳng ngớt
Tiếng vang tha thiết dội muôn nơi...
Tiếng thông vi vút như van lơn...
Mây buồn vơ vẩn bay đầu non...
Ngây tình, bóng liễu câm không nói
Trong khóm vi lau có tiếng than
(“Trên bờ”)
Tất cả đường thơ mà thi sĩ họ Hàn đi qua, ngay cả “Đường thi” cũng đã trổ ra những ánh khác lạ [6] . Mỹ học thơ Hàn có thể gói gọn trong hai phạm trù thẩm mỹ: kì dị và lạ thường. Thơ Hàn Mặc Tử không bình dị và không đài các. Lối thơ thứ nhất, có tính cách phổ thông, chưa biết đến cái lạ. Lối viết thứ hai thuộc cái thông bệnh của thi sĩ Hán học, nên không thể trở thành cái kì dị được. Thơ Hàn Mặc Tử: kì dị và khác lạ. Kì dị và khác lạ trước hết ở thi ảnh, thi cảm.
Nhà thơ Baudelaire từng hết lời ca ngợi những người tự do, biết: “bay vào những trường sáng sủa và thanh sạch...” (“Lên cao”), tôn vinh “người hiểu được ngôn ngữ của những sự vật câm lặng”. [7] Theo Baudelaire, nguyên tắc mĩ học của thơ ca thuộc về nghệ thuật biểu tượng. ông nhấn mạnh chính “trí tưởng tượng đã dạy cho con người cái ý nghĩa tinh thần của màu sắc, của đường nét, của âm thanh, của mùi hương, từ khởi thuỷ nó đã... tạo ra phép ẩn dụ”. [8] Đọc thơ Hàn Mặc Tử, ta thấy lời thơ cũng đầy ánh sáng. Thi cảm,thi ảnh được “nuôi mãi trong nguồn ánh sáng thiêng liêng”. Thi nhân “say sưa đi trong mơ ước”, “đi đến cõi ước mơ hoàn toàn”, “ọc ra từng búng thơ sáng láng”. Thế giới thơ Hàn Mặc Tử có vẻ đẹp của một giấc mộng.
Verlaine chủ trương giấc mơ hơn thực tại. Hàn Mặc Tử cũng nói nhiều đến giấc mơ, cảnh chiêm bao, tới thế giới không nhìn thấy. Theo Hàn Mặc Tử, ý thơ nảy sinh từ trời mộng, thơ diễn tả “những tiếng ca của tình cảm, của tưởng tượng, của mơ màng” (“Không nên có luật thơ mới”, “Chiêm bao với sự thật”), thi sĩ bị ánh sáng của chiêm bao vây riết. Theo tôi, bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” khá tiêu biểu cho khuynh hướng tìm tòi sáng tạo này. Vì rằng, để có được “Đây thôn Vĩ Dạ”, Hàn Mặc Tử đã phải đối thoại âm thầm với tấm bưu ảnh, đối thoại với đối tượng lặng câm, với tình yêu đơn phương vô vọng. Hình thức đối thoại ảo truyền tả được khát vọng được yêu, được sống mãnh liệt của nhà thơ. Nhà thơ phá vỡ thế độc thoại bên trong để tạo vẻ đối thoại ảo. Vẻ huyền ảo xa vời của thôn Vĩ hiện về trong tâm thức đau thương của một hồn thơ cô đơn. Thi sĩ tưởng tượng ra một cố nhân đang mong chờ mình, mời mình về thôn Vĩ. Thi sĩ mơ tiếng gọi thiết tha trìu mến của người thương, ao ước nghe thấy lời chào mời giục giã của cô gái ấy. Thế giới “Đây thôn Vĩ Dạ” tràn đầy ánh sáng, thực ảo chập chờn chuyển hoá lẫn nhau. Con thuyền thơ cứ chảy trôi trong thế giới mộng ảo, trong cõi mơ, con người Huế cũng chìm trong mộng ảo.
Nếu thơ Xuân Diệu đề cập nhiều đến sắc và hương thì thơ Hàn Mặc Tử nói nhiều về âm thanh và ánh sáng. Chỗ mạnh của Hàn Mặc Tử là cảm nhận được ánh sáng và âm điệu của sự vật. Hàn Mặc Tử quan niệm: đời sống bí mật riêng tư của sự vật nằm ở ánh sáng và âm điệu của nó.
Hàn Mặc Tử lạc vào thế giới của cái kì dị và lạ thường, thế giới của âm thanh và ánh sáng lạ. Thế giới ấy có cấu trúc riêng, ý nghĩa riêng, quy luật vận động riêng. Chẳng phải vô cớ Hàn Mặc Tử luôn chú ý tới nắng. Nắng trong thơ thi sĩ họ Hàn trở thành tín hiệu báo mùa:
Trong làn nắng ửng: khói mơ tan
(“Mùa xuân chín”)
Nắng ửng có vẻ riêng trong cái nhìn xuân tình của tác giả. Nắng ửng không chỉ báo hiệu “bóng xuân sang” mà còn đánh dấu khoảnh khắc: mùa xuân bắt đầu chín. Nắng ửng gắn liền với tâm trạng rạo rực xôn xao ở hồn người. Bài thơ “Mùa xuân chín” đọng lại cái nắng hắt ra từ cõi nhớ. Nắng trong hoài niệm, thứ nắng hoài vọng chín theo sự chín của mùa xuân, tình xuân. Nắng chín dĩ nhiên đẹp, nhưng phảng phất buồn. Đẹp bởi cảnh xuân, tình xuân nồng nàn. Buồn bởi “có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”. Trong tác phẩm “Ngủ với trăng”, nhân vật trữ tình “khao khát trăng gió” và “đi bắt nắng ngừng, nắng reo, nắng cháy”. Nắng chang chang đốt lòng người thực ra là hình ảnh phái sinh của kiểu nắng cháy. Nhưng nếu nắng chang chang loang ra dọc bờ sông trắng, thì nắng ngừng, nắng reo, nắng cháy ở đây lại xuất hiện trong một không gian khá đặc biệt: “trên sóng cành, sóng áo cô gì má đỏ hây hây”. Ngừng, reo, cháy ứng với ba cung bậc tình cảm khác nhau của con người: lặng im, xao xuyến và cuồng si. Ba trạng thái tình cảm ấy đồng nhất với ba cảm xúc sáng tạo. Hoá ra, nắng biểu hiện thi hứng, thi cảm của nhà thơ.
Nắng trong thơ Hàn Mặc Tử có “tuổi” và có tình. Người ta thường nói: trăng sáng, sao sáng, còn Hàn Mặc Tử lại cảm thấy nắng sao. Nắng reo đã lạ, nắng sao, nắng trong đêm thì lại càng kỳ. Có lẽ thứ nắng ấy chỉ xuất hiện trong thế giới thi ca của Hàn Mặc Tử với một tâm thế trữ tình đặc biệt “buồn trong mộng” (“Buồn ở đây”). Nắng trong thơ Hàn thường gắn với hoài niệm, phảng phất duyên tình: nắng vàng con mắt thấy duyên đâu. Nắng gắn với duyên phận, nắng mang nỗi niềm cô đơn: “không duyên hồ dễ mong theo nắng” (“Duyên kỳ ngộ”). Nắng, thứ ánh sáng đặc biệt trong thơ Hàn, biến ảo theo cường độ nỗi đau, nỗi nhớ. Biên độ nắng không có giới hạn, rộng mở theo không gian xa cách, theo “thế giới ảo huyền”. Nắng ửng làm “khói mơ tan”, nắng dọi làm “bài thơ cháy”. Ngay cả nắng mai cũng “dìu dịu mối sầu vương” (“Duyên kỳ ngộ”).
Nắng là một loại ánh sáng đặc biệt, “ánh sáng của chiêm bao, huyền diệu” (“Chơi giữa mùa trăng”). Nắng trở thành tín hiệu thẩm mỹ, báo hiệu mùa thơ đang chín (“Kêu gọi”). Nắng kích thích trí tưởng tượng của nhà thơ bay vào cõi mơ:
Nắng càng cao lòng ta càng hừng hực
Thơ lên rồi bay quá giải nhàn vân...
(“Duyên kỳ ngộ”)
Ôi chao thơ ngầm bay theo dải nắng
Lộng vào xiêm áo mỏng manh sao...
Sự vận động của Nắng tạo ra thi giới của “cái tột cùng”. Nắng vừa hoá giải đau thương vừa ràng rịt nỗi đau. Nắng được nhìn qua lăng kính của hồn và xác.
Nắng ơi, nắng có lên cao
Làm sao da thịt hồng hào thế kia
(“Duyên kỳ ngộ”)
Nói đến hồn, đến thơ không thể không nhắc tới nắng. Nắng hoà quyện với hồn, với thơ. Nắng và hồn ở trong thơ - cái vũ trụ do Hàn Mặc Tử sáng tạo ra.
Hàn Mặc Tử ít nói đến nắng thu, nắng hè... thi sĩ có ấn tượng nhiều hơn với nắng xuân. Nắng xuân ám ảnh, quấn riết lấy thi sĩ. Xuân trong thi giới của Hàn Mặc Tử cũng khá lạ: “xuân mộng”,”xuân gấm” (“Xuân đầu tiên”) “xuân thơm” (“Nhớ thương”), “xuân lịch sự”. Hình tượng Xuân chẳng qua do con người hoá thân mà thành, nhưng không phải con người trần tục, trần thế mà một người “ngọc”, người của cõi mộng, cao quí thanh sạch (“Cô gái đồng trinh”). Tuổi xuân là Ngọc như ý, tên xuân là Dạ lan hương. Xuân gắn với mơ ước, xuân tắm nắng tươi (“Tiếng vang”), nắng mới.
Ánh sáng trong thơ thi sĩ họ Hàn có hình khối, hương sắc chiếm vị trí quan trọng trong thơ, gần như trở thành đơn vị đo đếm thế giới. Bên cạnh ánh sáng của nắng, Hàn Mặc Tử còn ưa tả ánh sáng của trăng. Hàn Mặc Tử thường tả ánh sáng trong trẻo của trăng rằm. “Trăng (...) tượng trưng cho một mùa ao ước (...) và hơn nữa, hiện hình của một nguồn khoái lạc chê chán.” (“Chơi giữa mùa trăng”) Trong trăng có hương thơm, có nhạc, có hơi thở và có tình. “Tình thoát ra ở điệu nhạc mênh mang trong bờ bến của chiêm bao.” Trong chiêm bao, trong vùng mộng siêu thời gian, đến gió cũng “phảng phất những tiếng kêu rên của thương nhớ xa xưa.” Thế giới ánh sáng thu hẹp ở hình tượng “trăng”. Thế giới trăng, thế giới của những ao ước nhớ thương hợp thành một thể thống nhất: thế giới nghệ thuật.
Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi...
Trăng nằm, thơ mộng, chông chênh và hư huyền quá. Mà lại nằm sóng soải thì thật táo bạo, gợi tình. Cảm xúc thơ bừng lên, rạo rực men say ái tình. Cái khao khát “cuồng điên” của trăng biểu hiện trong tư thế, tâm trạng, thậm chí cả trong cái ý nghĩ trần thế: để lả lơi.
Con người trong thơ Hàn Mặc Tử được bao bọc "bằng ánh sáng, bằng huyền diệu”, “say sưa và ngây ngất vì ánh sáng”, bầu trời càng sáng con người càng “hứng trí”. Thậm chí đi trong ánh sáng "đê mê, không biết là có mình và nhận mình là ai nữa.” Ánh sáng tạo ra ở chủ thể sáng tạo cảm giác siêu thoát hay hư vô. Ánh sáng với vẻ trắng trong, đồng trinh, thanh thoát của nó - trong cảm quan của Hàn Mặc Tử - là hiện thân của Đấng tối linh, của Đức Mẹ. Ánh sáng được ví với thứ ma lực vô song, “xô thi sĩ đến bờ huyền diệu”. “Mùa trăng bát ngát... lòng tôi rực lên cảm hứng”, “từ sự thực đi tới bào ảnh, từ bào ảnh đi tới huyền diệu, và từ huyền diệu đi tới chiêm bao. Mông lung đã trùm lên sự vật và cõi thực, bị ánh sánh của chiêm bao vây riết..." (“Chiêm bao với sự thực”). Ánh sáng vừa vĩnh viễn vừa không vĩnh viễn. Có ánh sáng thực, ánh sáng mộng. Có thứ ánh sáng "tan thành bọt", có loại ánh sáng muôn năm mà thi sĩ khao khát chiếm giữ được. Ánh sáng "giải thoát cái "ta" của tôi ra khỏi nơi giam cầm của xác thịt..."
Trong cảm quan Hàn Mặc Tử, ánh sáng của các vì tinh tú giống như "châu ngọc", "hào quang", ánh sáng của sao, trăng hợp lại thành một "vùng trời mộng", "khí hạo nhiên". Biết bao nhiêu thứ ánh sáng, nổi bật là ánh trăng. Chỗ nào cũng trăng, "tưởng chừng như bầu thế giới… cũng đang ngập lụt trong trăng, đang trôi nổi bình bồng đến một địa cầu nào khác", "cả không gian đều chập chờn những màu sắc phiếu diễu…" Trên con đường sáng láng ấy, Hàn Mặc Tử đi "tìm Chân lý ngàn năm" ("Chiêm bao với sự thực").
Bên cạnh hình ảnh ánh sáng, thơ Hàn Mặc Tử cũng tràn đầy âm thanh. Đó là "tiếng thất thanh rùng rợn", là "giọng hờn đau trăm vạn nỗi niềm riêng". Thi sĩ bộc bạch: Nàng đánh tôi đau quá / Tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú. Hơn một lần thi sĩ nghe thấy âm thanh kì dị ở chốn âm u:
Một khối tình nức nở giữa âm u
Một hồn đau rã lần theo hương khói
Một bài thơ cháy tan trong nắng rọi
Một lời run hoi hóp giữa không trung
("Trường tương tư")
"Trường tương tư" tái hiện "tiếng nói siêu thực", tiếng nói dị thường. Cảm quan về sự tồn tại của cái lạ thường đã xui khiến Hàn Mặc Tử tìm đến thế giới Hư Vô, tới "cõi vô cùng".
Mới hay cõi siêu hình cao tột bậc
Giữa hư vô xây dựng bởi trăng sao
("Siêu thoát")
Cũng hình như, em hỡi, động Huyền Không
Mà đêm nghe, tiếng khóc ở đáy lòng
Ở trong phổi trong tim trong hồn nữa..
(“Trường tương tư”)
Thi nhân nhạy cảm với mọi âm thanh, đặc biệt là âm thanh vang lên từ tư tưởng, âm thanh từ cõi mờ, cõi huyền của cuộc sống.
Xuân Diệu bồng bột, đôi mắt xanh non biếc rờn nên nhìn mọi thứ đều tươi mới. Xuân Diệu không muốn đi, mãi mãi ở vườn trần / Chân hoá rễ để hút mùa dưới đất. Còn Hàn Mặc Tử cứ đi mãi vào sâu thế giới tâm linh, thế giới huyền hoặc của hồn và máu. Hàn Mặc Tử thấy mọi vật đang ở chặng cuối cùng hoặc đương lao nhanh về ngày tận thế, nên ông thấy trước cả “thế giới âm u”. Hàn Mặc Tử thường tạo ra một thế giới mênh mông, không giới hạn: Không gian dày đặc toàn trăng cả Tôi cũng trăng và nàng cũng trăng Nhà thơ của những "Hương thơm" và "Mật đắng" thường nắm lấy tính chất tượng trưng của mọi hiện tượng. Thi nhân đồng hoá Hữu Thể với Hư Vô:
Đây là tất cả người anh tiêu tán
Cùng trăng sao bàng bạc xứ mơ say
Theo cách diễn đạt của Hàn Mặc Tử, thì Hư Vô là một thực tại đặc biệt, có thanh-sắc, hình hài:
Ánh trăng mỏng quá không che nổi
Những vẻ xanh xao của mặt hồ
Những nét buồn buồn tơ liễu rủ
Những lời năn nỉ của Hư vô
Mới hay cõi siêu hình cao tột bực
Giữa hư vô xây dựng bởi trăng sao
Xa lắm rồi, xa lắm, hãi nhường bao
Ai tới đó chẳng mê man thần trí
Hàn Mặc Tử viết bằng tưởng tượng và "giấc mơ" trọn vẹn của chính mình. Mọi thứ trong thế giới thơ Hàn Mặc Tử đều huyền ảo. "Cái huyền ảo luôn đẹp, bất kỳ cái huyền ảo nào cũng đẹp" (André Breton). Đọc thơ Hàn Mặc Tử, người đọc phải "tư duy và nhìn theo nhà thơ".
Trần Thiện Khanh
[5]Toàn bộ thơ được trích dẫn ở đây, căn cứ vào cuốn: Hàn Mặc Tử, tác phẩm, phê bình và tưởng niệm (Phan Cự Đệ tuyển) và Hàn Mặc Tử thơ (Chế Lan Viên tuyển chọn và giới thiệu).
[6]Đỗ Lai Thuý: Mắt thơ, Nxb Văn hoá thông tin, H, 2000, tr. 214.
[7]Dẫn theo: Phạm Văn Sĩ: Về tư tưởng và văn học hiện đại phương Tây, Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp, H, 1986, tr. 42.
[8]Dẫn theo: Phạm Văn Sĩ: Về tư tưởng và văn học hiện đại phương Tây, Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp, H, 1986, tr. 46.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét