Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

Nhàn đàm sau mùa World Cup 2010

Nâng Cúp vàng chiến thắng. Nguồn: www.vietgle.vn

Có lẽ chưa World Cup nào mà tôi lại dành sự quan tâm và có nhiều cảm xúc đặc biệt như vòng chung kết năm nay. Chắc tại vì tôi được sống cùng với một người Đức yêu bóng đá nhiệt thành. Năm nay ông ta đã hơn 70 tuổi, vậy mà không bỏ sót một trận bóng đá nào tại vòng chung kết. Ngày nào ông ta cũng kè kè một tờ báo về bóng đá bên mình, lại còn say sưa trao đổi với tôi về chiến thuật, về cầu thủ mà ông yêu mến. Thành ra, với một kẻ chẳng hiểu biết gì về bóng đá như tôi, điều đó là một dạng “mưa dầm thấm lâu” khiến tôi cũng lĩnh hội được dần dần.

Xem những trận bóng đá tại vòng chung kết lần này, chứng kiến sự gục ngã của biết bao nhiêu đội tuyển mà tôi vẫn hằng yêu mến và sự thăng hoa ngoài mong đợi của những đội bóng mà trước vòng chung kết, không mấy ai dám hy vọng vào thành công của họ, tôi chợt muốn viết đôi dòng mạn đàm về sự thành bại trong bóng đá.

Không ai phủ nhận trong bóng đá hiện đại, tiền bạc đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhiều khi quyết định. Những vụ chiêu mộ cầu thủ như: Zidane, Ronaldo, Kaka,.. đã tốn không biết bao giấy mực của giới truyền thông và sự quan tâm của người hâm mộ, một phần vì khả năng chuyên môn của các cầu thủ này, nhưng chủ yếu là do họ liên tục phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng của làng bóng đá thế giới, nhiều khi quay cuồng với những scandal ngoài sân cỏ hơn là khả năng đích thực của các cầu thủ. Việc trung thành với một câu lạc bộ của một cầu thủ, đặc biệt là các cầu thủ đã thành danh, đã trở thành điều ít khi xảy ra. Không thể trách họ được vì ai cũng biết rằng, thời gian thi đấu đỉnh cao của các cầu thủ là rất ngắn, do vậy họ cần phải kiếm càng nhiều tiền càng tốt trước khi “nghỉ hưu”. Nhà thơ Xuân Diệu chẳng đã từng thốt lên: “Cơm áo không đùa với khách thơ” còn gì. Tuy nhiên, việc được khoác chiếc áo thi đấu của đội tuyển quốc gia là một niềm vinh dự to lớn của bản thân một cầu thủ mà hàng triệu trái tim người hâm mộ đã gửi gắm, thế nên không có lý do gì mà anh ta lại khước từ trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân mình cả.

World Cup năm nay xảy ra những cú “ngã ngựa” đầy bất ngờ của những đội bóng “đại gia” như Ý, Pháp. Không ai nghĩ rằng những đội bóng này có thể sớm dừng bước tại vòng chung kết đến vậy. Phân tích về nguyên nhân thất bại của họ, thì sẽ còn có những bài viết chuyên sâu về bóng đá, nhưng đối với một kẻ “gà mờ” về bóng đá như tôi, sự thất bại của họ có thể được lý giải một cách giản đơn. Họ không có tinh thần dân tộc và khát khao chiến thắng. Nhìn những cầu thủ như Anelka, Ribery, Canavaro, Camonaresi đá bóng, ít ai nghĩ rằng, họ đang là một trong những cầu thủ được trả lương cao nhất tại các câu lạc bộ của mình. Họ đá bóng mà cái đầu vẫn hướng về câu lạc bộ, chỉ chạy vật vờ để giữ chân khỏi chấn thương khi trở về phục vụ câu lạc bộ. Một khi họ không còn tâm trí thi đấu cho đội tuyển nữa (vì mức đãi ngộ không thể nào bằng được) thì sự thất bại là điều có thể hiểu được. Có lẽ nhiều người Ý đều cảm thấy nhớ da diết Gattuso, một cầu thủ có cá tính và tinh thần thi đấu quả cảm, hiên ngang như một chiến binh La Mã mà ở giải đấu này họ không thể có được sự phục vụ của anh.

Tôi không thể nào quên được giây phút mà cầu thủ Bắc Triều Tiên Jong Tea Se đã rơi những giọt nước mắt vì quá xúc động khi hát vang bài quốc ca của đất nước mình. Ở một đất nước gần như biệt lập với thế giới bên ngoài, bị cấm vận triền miên, người dân vẫn còn sống đói nghèo và cực khổ, vậy mà đội tuyển quốc gia của họ vẫn vào được vòng chung kết bóng đá thế giới. Tuy họ đã sớm bị loại song việc lọt vào top 32 đội mạnh nhất thế giới đã là một thành công ngoài sức tưởng tượng nếu so sánh với tình hình chính trị - kinh tế ở đất nước này.

Chúng ta vẫn nhớ những trận đấu đẹp mắt của đội tuyển Đức tại vòng chung kết lần này. Ngoại trừ trận thua có phần thiếu may mắn trước Serbia tại vòng bảng, trong các trận đấu còn lại, trận nào đội tuyển Đức cũng để lại một hương vị, một cảm xúc khó phai trong lòng người hâm mộ. Trước vòng chung kết, những Müller, Ӧzil, Neuer,… chỉ là những “kẻ vô danh tiểu tốt” trong làng bóng đá thế giới. Không ai biết đến họ cả. Những bước chạy thần tốc của Müller, cú ra chân nhanh nhạy của Klose, sự cần mẫn của đội trưởng Lahm, đường chọc khe thông minh của Ӧzil, những cú xoạc bóng điệu nghệ của Schweinsteiger,… tất cả đều uyển chuyển và tinh tế như những nốt nhạc trong bản sonata của nhà soạn nhạc vĩ đại Beethoven. Họ đã khiến “sư tử” Anh phải câm bặt tiếng gầm, khiến cho những “điệu nhảy tăng-gô” Argentina của “hoàng tử” Maradona không thể có dịp thi thố trong một sân khấu mà họ không hề có đất diễn. Những “đứa trẻ nhà Löw” chỉ chịu dừng bước trước sự tinh quái của những “điệu nhảy ma thuật” Tây Ban Nha. Tại sao họ lại chơi tốt đến vậy, nếu không phải là một tinh thần dân tộc, sự tươi mát của tuổi trẻ, niềm khát khao chiến thắng, mong muốn được khẳng định mình trước thế giới?

Khó ai có thể ngờ rằng, Brazil là một đội bóng có tổ chức, có những cá nhân siêu việt, được đánh giá rất cao trước giải đấu lại bị loại sớm như vậy. Họ thắng như chẻ che ở vòng đấu bảng. Khi gặp Hà Lan ở vòng knock-out, họ đã có một hiệp một thi đấu theo kiểu “trên tài” trước đội bóng đến từ xứ sở hoa tulip, rồi trình diễn một bộ mặt bạc nhược, vô hồn với những sai sót của các cá nhân trong hiệp hai, và để cho Hà Lan lội ngược dòng một cách ngoạn mục. Thực ra, ở trận đấu đó, Hà Lan thắng không phải vì chơi hay hơn, mà chính là các cầu thủ Brazil đã tự thua chính mình. Họ đã co cụm về phòng ngự để bảo toàn tỷ số 1-0 mong manh trong hiệp một. Người ta có thể đổ lỗi cho Melo trong cả hai bàn thua của đội tuyển Brazil, nhưng đó chỉ là một mắt xích yếu nhất trong toàn bộ cỗ máy đã uể oải, rệu rã cộng thêm tâm lý coi thường đối thủ. Brazil đã từ bỏ lối đá tấn công đẹp mắt, những vũ điệu samba thêu hoa dệt gấm và thay vào đó bằng một lối đá phòng ngự thực dụng đến tàn nhẫn để cố đạt kết quả như mong muốn. Điều đó đã khiến họ phải trả giá đắt cho những toan tính sai lầm của mình. Có lẽ họ phải chờ thêm 4 năm nữa để làm lại một cuộc “trả thù ngọt ngào” trên sân nhà trong mùa World Cup 2014.

Tây Ban Nha đã đi vào lịch sử bóng đá thế giới. Dù có sự khởi đầu không mấy thuận lợi vì để thua Thụy Sĩ ở ngay trận đầu ra quân, nhưng ngay sau đó, họ đã bừng tỉnh để thẳng tiến tới trận đấu cuối cùng. Trong trận đấu đó, phút thứ 117, Iniesta đã tung “nhát kiếm” quyết định kết liễu số phận của những “đôi cánh thiên thần” Hà Lan. Có mặt tại Tây Ban Nha trong trận chung kết năm nay, tôi ngấm ngầm kính phục lòng hâm mộ bóng đá của người dân nước này. Hàng vạn người đổ về quảng trường trung tâm thành phố Barcerlona, Madrid với ngập tràn sắc đỏ và cờ hoa trong bao nhiêu hy vọng. Mọi cặp mắt hồi hộp lo lắng, ưu tư hướng về từng pha bóng trên màn hình lớn của các cầu thủ con cưng khi họ không thể thắng ở 90 phút thi đấu chính thức, và sau gần 120 phút tất cả cùng vỡ òa trong hạnh phúc. Ai nấy ôm nhau cùng khóc, cùng cười vì vui sướng. Thế mới biết bóng đá có khả năng kéo con người ta, không phân biệt màu da và văn hóa, xích lại gần nhau lớn biết nhường nào.

Tây Ban Nha lên ngôi vương của bóng đá thế giới là một cái kết có hậu (happy-ending) của một lối đá tấn công đa dạng, chiến thuật thông minh và một tinh thần thi đấu ngoan cường của các cầu thủ. Xem các cầu thủ Tây Ban Nha thi đấu, kể cả khi họ bị đối phương dẫn trước, ta thấy họ luôn sử dụng đa dạng tất cả các bài tấn công và tỏ ra không khiếp nhược trước đối thủ. Họ chiến thắng vì đã biết vượt qua chính mình, họ không ngủ quên trên chiến thắng hai năm trước đó tại châu Âu. Giờ đây, người dân ở xứ sở của những cuộc đấu bò tót đầy kịch tính, điệu nhảy Flamenco mê đắm lòng người, những bãi biển ngập tràn ánh nắng của vùng Địa Trung Hải có quyền được tự hào về những đứa con yêu dấu của mình, người con như Đôn-ki-hô-tê một mình một ngựa chống lại cả những chiếc cối xay gió khổng lồ.

Sự thành công của đội tuyển Tây Ban Nha chính là ý chí, là tinh thần dân tộc của các cầu thủ. Nếu để ý đến đội hình thi đấu chính thức của Tây Ban Nha, một điều dễ nhận thấy là các cầu thủ của Barcelona và Real Madrid chiếm đa số. Ai cũng biết những trận đấu giữa Real Madrid và Barcelona trong giải La Liga luôn là những trận cầu nảy lửa, là những trận derby của làng túc cầu thế giới. Những trận đấu đó thậm chí còn có những xung đột, thù hằn giữa các cổ động viên cũng như các cầu thủ trên sân cỏ. Thế nhưng, khi đã khoác trên mình chiếc áo của đội tuyển quốc gia, các cầu thủ đã biết gạt bỏ những xung đột cá nhân, để hướng tới một mục tiêu cao nhất. Đó là chức vô địch World Cup.

Khi xem các đội tuyển quốc gia thi đấu tại mùa World Cup này, lòng tôi lại hướng về đội tuyển quê nhà. Biết đến khi nào chúng ta mới có thể vươn tới được tầm thế giới trong bóng đá. Biết đến bao giờ chúng ta biết gạt bỏ đi những ân oán cá nhân, sự mất đoàn kết, cục bộ địa phương để cùng hướng tới một mục tiêu chung. Lúc này đây, tôi chỉ có một mơ ước. Một ngày nào đó không xa, đội tuyển Việt Nam sẽ lọt vào vòng chung kết bóng đá thế giới. Chúng ta sẽ thi đấu với những đội bóng hàng đầu thế giới, sẽ đá hết mình với một thái độ đầy tự tin như những đội tuyển Nhật Bản hay Hàn Quốc đã làm được, vì tinh thần dân tộc, dân tộc Việt Nam. Ước mơ của tôi có viển vông không? Thưa các bạn!.

World Cup 2010 đã kết thúc. Tạm biệt những tháng ngày nóng bỏng trên đất nước Nam Phi tươi đẹp, tạm biệt chiếc kèn Vuvuzela, “tài tiên đoán” của chú bạch tuộc Paul, những lời ca, điệu múa đa văn hóa của các quốc gia, tạm biệt những trận cầu mãn nhãn, những nụ cười chiến thắng, giọt nước mắt đắng cay. Chia tay những đêm ngày ăn ngủ cùng với trái bóng tròn, mọi người lại hối hả lao vào cuộc sống thường nhật với nhiều lo toan, vất vả. Đối với tôi, bóng đá không chỉ là môn thể thao hào hoa mã thượng, nó còn ẩn chứa những triết lý của cuộc đời. Đó là sự bất định, khó đoán trước của đời sống, của số kiếp con người. Đó là sự thành bại của mỗi cá nhân, mỗi một dân tộc. Đó là tinh thần tương thân - tương ái giữa con người với con người mà không một môn thể thao nào có thể mang lại được. Bóng đá sẽ mãi là một chất-men-cay-dịu-ngọt quyến rũ tất cả mọi người trên Trái đất này.

Berlin, những ngày hè bóng đá năm 2010

Trịnh Quốc Dũng

Không có nhận xét nào: