Chân dung Trịnh Công Sơn. Họa sỹ: Ba Tỉnh |
"Ta mang cho em một đóa quỳnh/Quỳnh thơm hay môi em thơm..", một kẻ giang hồ bước vào khu vườn thơm cỏ lạ đầy đam mê và ngây dại. Sau đó thì hắn biết rằng " Môi
nào hãy còn thơm/Cho ta phơi cuộc tình/Tóc nào hãy còn xanh/Cho ta chút
hồn nhiên" khao khát và tinh khôi. Tuồng như còn chưa đủ "
Mười
năm xưa đứng bên bờ dậu/Đường xanh hoa muối bay rì rào", hắn lang thang cùng với "Lùa
nắng cho buồn vào tóc em/Bàn tay xôn xao đón ưu phiền"
để rồi bàng hoàng chợt nhận ra " Từng người tình bỏ ta đi như những
dòng sông nhỏ/Ôi những dòng sông nhỏ/Lời hẹn thề là những cơn mưa". Tuyệt vọng và buồn chán, hắn rẽ ngang vào một gốc cây nhỏ trong vườn, gọi một tiếng chim làm bầu bạn, hái một chiếc lá để tơ vương, soi mình dưới làn nước xanh trong và lặng lẽ thấy rằng "Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/Để một mai tôi về làm cát bụi" và "Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt/Rọi suốt trăm năm một cõi đi về". Cũng đành phải vậy thôi, vì khu vườn mà hắn đi vào chí nh là vườn Thơ của một thi sĩ tài hoa, người nghệ sỹ mang tầm vóc thế kỷ - Trịnh Công Sơn.
Cho dù khi sáng tác ca khúc, Trịnh
Công Sơn có thể viết lời và nhạc cùng một lúc, hoặc có đoạn lời viết sau khi đã
có nhạc, hay trước khi “phổ nhạc” thì mỗi lời ca của anh đều là những bài thơ
hoàn chỉnh kể cả về ý, tứ, cấu trúc, ngôn từ và cảm xúc. Mà Trịnh Công Sơn
không phải là một nhà thơ bình thường, anh là nhà thơ rất độc đáo ôm chứa tư
tưởng nhân sinh và thời cuộc với một thi pháp khá riêng biệt trong thơ Việt.
Trịnh Công Sơn rất nhuần nhuyễn
trong các thể thơ truyền thống như lục bát, đồng dao. Ngay từ lần nghe đầu tiên
ca khúc Ở trọ, tôi đã phát hiện ra đấy là một bài thơ lục bát rất tài
hoa. Từ cái chuyện ở trọ bình thường trong đời, anh đã đẩy liên tưởng tới cái
“cõi tạm” chốn trần gian trong triết lý của Đạo Phật với một cách nói thoải
mái, thông minh và hóm. Anh nhìn thấy con chim ở trọ trên cành cây, con cá ở
trọ dưới nước, cơn gió ở trọ giữa đất trời, rồi đẩy tới một khái quát bất ngờ:
Trăm năm ở đậu ngàn năm
Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn
Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn
Có những liên tưởng còn bất ngờ hơn
khi nói tới vẻ đẹp ở trọ trong thân thể, hay tâm hồn của người nữ:
Môi xinh ở đậu người xinh
Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiề
Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiề
Vì thế mà có câu:
Xin cho về trọ gần nhau
Mai kia dù có ra sao cũng đành
Mai kia dù có ra sao cũng đành
Và khi con người đã ở trọ vào nhau
bằng tình yêu thì dù có phải xa rời cõi tạm, vẫn mãi mãi khăng khít cùng nhau:
Tim em người trọ là tôi
Mai kia về chốn xa xôi cũng gần
Mai kia về chốn xa xôi cũng gần
Nhiều bài thơ phỏng theo nhịp đồng
dao (bốn chữ) khá thành công nhờ cách lập tứ và chọn từ như Em đi qua chiều/
Cũng sẽ chìm trôi / Nhật Nguyệt trên cao – Ta ngồi dưới thấp, nhưng
có lẽ Ngụ ngôn mùa đông mới là một bài thơ bốn chữ gây ấn tượng khó phai
mờ trong lòng người đọc. Bài thơ nói về “Một người Việt Nam – Đi ra dòng
sông – Nhớ về cội nguồn… Đi lên đồi non – Nhớ về cội nguồn” thật tươi đẹp,
thật máu thịt, rồi bỗng:
Một ngày mùa đông
Trên con đường mòn
Một chiếc xe tang
Trái mìn nổ chậm
Người chết hai lần
Thịt da nát tan…
Trên con đường mòn
Một chiếc xe tang
Trái mìn nổ chậm
Người chết hai lần
Thịt da nát tan…
Người Việt ấy chết rồi lại còn chết
thêm một lần nữa vì “trái mìn nổ chậm” của chiến tranh. Cái tứ thơ này không
chỉ chia xẻ với cái chết đau thương tang tóc của con người mà còn có sức mạnh
tố cáo chiến tranh thật sâu sắc:
Súng từ thị thành
Súng từ ruộng làng
Nổ xé da non
Phố chợ thật buồn
Cuộn giây gai chắn
Chắc mẹ hiền lành
Rồi cũng tủi thân
Súng từ ruộng làng
Nổ xé da non
Phố chợ thật buồn
Cuộn giây gai chắn
Chắc mẹ hiền lành
Rồi cũng tủi thân
Nhịp thơ năm chữ trong thơ Trịnh
Công Sơn cũng xuất hiện không ít, và lặng lẽ tuôn chảy trong veo buồn thương,
ngơ ngác. Khi thì khao khát hồn nhiên: “Môi nào hãy còn thơm – Cho ta phơi
cuộc tình – Tóc nào hãy còn xanh – Cho ta chút hồn nhiên”, khi thì hoang
vắng, lạnh câm: “Như đồng lúa gặt xong – Như rừng núi bỏ hoang – Người về
soi bóng mình – Giữa tường trắng lặng câm“, khi thì tuyệt vọng ngậm ngùi: “Không
còn, không còn ai – Ta trôi trong cuộc đời – Không chờ, không chờ ai” (Ru
ta ngậm ngùi), và có lúc đầy mộng mơ khao khát giữa ưu phiền: “Tôi con chim
thanh bình – Mơ được sống hồn nhiên – Như hoa trên đồng xanh – Một sớm kia rất
hồng” (Như chim ưu phiền). Nhịp thơ năm chữ vốn rất phổ biến trong đối đáp
dân gian, nhưng với Trịnh Công Sơn, nó trở nên lồng lộng, thênh thang và quý
phái:
Người ngỡ đã xa xăm
Bỗng về quá thênh thang
Ôi áo xưa lồng lộng
Đã xô dạt trời chiều
Bỗng về quá thênh thang
Ôi áo xưa lồng lộng
Đã xô dạt trời chiều
(Tình nhớ)
Cùng với những ý thơ bất ngờ đến từ
trong vô thức:
Trăng muôn đời thiếu nợ
Mà sông không nhớ ra
Mà sông không nhớ ra
Hoặc:
Cây trưa thu bóng dài
Và tôi thu bóng tôi
Tôi thu tôi bé lại
Làm mưa tan giữa trời…
Và tôi thu bóng tôi
Tôi thu tôi bé lại
Làm mưa tan giữa trời…
(Biết đâu nguồn cội)
Ít thấy nhịp thơ sáu chữ ở Trịnh
Công Sơn, nhưng không phải là không có. Câu thơ sáu chữ xuất hiện đan xen trong
nhiều bài thơ của anh thường tạo được hiệu quả lạ, như một dấu nhấn của cảm xúc
và ý tưởng. Ví dụ như trong bài Nhìn những mùa thu đi, sau mỗi câu năm
chữ là câu sáu chữ khá hay: “… Em nghe sầu lên trong nắng… Nghe tên mình vào
quên lãng… Tay trơn buồn ôm nuối tiếc”.
Bài Ru em là một bài thơ lục
ngôn từ đầu đến cuối:
Ru em ngủ những đêm khuya
Ru em ngủ những âm u
Ru em cùng những u mê
Ru em dù đã chia xa…
Ru em ngủ những âm u
Ru em cùng những u mê
Ru em dù đã chia xa…
Nhân nói đến thơ lục ngôn tôi bỗng
nhớ đến một bài thơ nhịp 3 hết sức đặc biệt của Trịnh Công Sơn. Đó là bài Mưa
hồng:
Trời ươm nắng
Cho mây hồng
Mây qua mau
Em nghiêng sầu
Còn mưa xuống
Như hôm nào
Em đến thăm
Mây âm thầm
Mang gió lên…
Cho mây hồng
Mây qua mau
Em nghiêng sầu
Còn mưa xuống
Như hôm nào
Em đến thăm
Mây âm thầm
Mang gió lên…
Điều đó nói lên sự đa dạng và tài
hoa của Trịnh Công Sơn khi sử dụng thi điệu, bởi thơ nhịp 3 thường tươi vui nhí
nhảnh, mà ở đây lại tả cái tâm trạng thương nhớ xa xăm: “Người ngồi
xuống/Xin mưa đầy/Trên hai tay/Cơn đau dài”…).
Nhịp thơ thất ngôn là một sở trường của Trịnh Công Sơn. Dường như anh thẩm thấu
Đường thi, nhưng hơi thở thì đã khác. Những câu thơ bảy chữ vào bài hát của anh
rất tự nhiên. Nhiều bài thơ (bài hát) đã mở đầu bằng câu thơ bảy chữ thật nhẹ
nhàng như chẳng có một cố ý nào. Có thể dẫn ra nhiều những trường hợp như vậy:
“Một đêm bước chân về gác nhỏ”, “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi”,
“Trên đời người trổ nhánh hoang vu”, “Người đi quanh thân thế của
người”, “Vẫn thấy bên đời còn có em”…
Cũng là thơ thất ngôn, nhưng cách
gieo nhiều vần bằng liên tiếp theo cảm hứng âm nhạc, đã khiến cho thơ anh không
bị gò ép vào khuôn thước cổ thi, mà thoát ra, phong quang và mềm mại hẳn lên.
Có những đoạn thơ chỉ gieo toàn vần bằng:
Màu nắng hay là màu mắt em
Mùa thu mưa bay cho tay mềm
Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm
Rồi có hôm nào mây bay lên
Lùa nắng cho buồn vào tóc em
Bàn tay xôn xao đón ưu phiền
Ngày xưa sao lá thu không vàng
Và nắng chưa vào trong mắt em
Mùa thu mưa bay cho tay mềm
Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm
Rồi có hôm nào mây bay lên
Lùa nắng cho buồn vào tóc em
Bàn tay xôn xao đón ưu phiền
Ngày xưa sao lá thu không vàng
Và nắng chưa vào trong mắt em
Cũng có khi, thơ thất ngôn của anh
được gieo vần trắc:
Em đi biền biệt muôn trùng quá
Từng cơn gió và từng cơn gió
Em đi gió lạnh bến xa bờ
Từng nỗi nhớ trùng trùng nỗi nhớ
Từng cơn gió và từng cơn gió
Em đi gió lạnh bến xa bờ
Từng nỗi nhớ trùng trùng nỗi nhớ
Lại có khi thơ thất ngôn được tổ
chức theo từng khổ ba câu với những hình ảnh thật đẹp, thật lạ như: “lòng
như khăn mới thêu”, “lòng như nắng qua đèo“, chỉ đọc một lần là bâng khuâng
xao xuyến mãi:
Mười năm xưa đứng bên bờ dậu
Đường xanh hoa muối bay rì rào
Có người lòng như khăn mới thêu
Mười năm sau áo bay đường chiều
Bàn chân trong phố xa lạ nhiều
Có người lòng như nắng qua đèo
Đường xanh hoa muối bay rì rào
Có người lòng như khăn mới thêu
Mười năm sau áo bay đường chiều
Bàn chân trong phố xa lạ nhiều
Có người lòng như nắng qua đèo
Các thi ảnh vừa tươi mới vừa lạ lùng
cứ nối tiếp nhau hiện lên trong thơ Trịnh Công Sơn để đẩy tứ thơ đến tận cùng
bất ngờ: “Có một dòng sông đã qua đời“. Tại sao dòng sông lại qua đời?
Phải chăng, đấy chính là dòng sông biểu tượng cho tình yêu đã cạn!
Trịnh Công Sơn thuộc thế hệ những
người mê đắm Thơ Mới, và thể thơ tám chữ mà các thi sĩ của phong trào Thơ Mới
đã có công cải hóa và Việt hóa từ thơ Pháp có một nhịp điệu dễ mê hoặc lòng
người. Trịnh Công Sơn tiếp thu nhịp điệu này, và chính âm nhạc đã thêm một lần
nữa làm thơ tám chữ:
Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa
Giọng người gọi tôi nghe (tiếng) rất nhu mì
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn tôi ngồi hát bao giờ
Giọng người gọi tôi nghe (tiếng) rất nhu mì
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn tôi ngồi hát bao giờ
(Bên đời hiu quạnh)
Hoặc dùng lại đúng cái nhịp Thơ Mới
vẫn thường dùng, nhưng tinh thần thì đã khác:
Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt
vọng
Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông
Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em là tôi và tôi cũng là em
Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông
Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em là tôi và tôi cũng là em
(Tôi ơi đừng tuyệt vọng)
Một thi sĩ với rất nhiều cung bậc
trong điệu nhạc tâm hồn, Trịnh Công Sơn thả sức bay lượn trong các nhịp thơ tự
do đầy phóng túng. Những câu thơ dài ngắn khác nhau cứ tung tẩy trong các bài
thơ tự do của anh. Khi thì triết lý: “Tình yêu như trái phá con tim mù lòa“,
khi thì lộng lẫy: “Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay“, khi thì
trùng điệp: “Bốn mùa thay lá thay hoa thay mãi đời ta”, “Rừng núi dang tay
nối liền biển xa – Ta đi, vòng tay lớn mãi để nối sơn hà“, khi thì gập
ghềnh mệt mỏi: “Ngựa buông vó/ Người đi chùng chân đã bao lần/ Nửa đêm đó/
Lời ca dạ lan như ngại ngùng/ Vùng u tối/ Loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng“,
và có khi nhịp điệu trôi xa như sông bỗng quay về gần gũi như mưa:
Từng người tình bỏ ta đi như những
dòng sông nhỏ
Ôi những dòng sông nhỏ
Lời hẹn thề là những cơn mưa
Ôi những dòng sông nhỏ
Lời hẹn thề là những cơn mưa
Dù là phóng túng trong thơ tự do,
nhưng vần điệu và ý tưởng lạ và đẹp ở thơ anh giống như chiếc neo thuyền, neo
vào lòng người để nó chẳng bao giờ trôi đi vô vọng.
Có lẽ Trịnh Công Sơn là nhà thơ được
người ta thuộc nhiều nhất. Điều đó không lạ, bởi thơ anh luôn có sự truyền tải
diệu vợi bằng âm nhạc của chính anh. Nhưng cũng có thể nói ngược lại, âm nhạc
của Trịnh Công Sơn luôn được thơ nâng cánh. Trong ca từ của anh có rất nhiều
những câu thơ thật hay như:
- Sống trong đời sống cần có một tấm
lòng
Để làm gì em, biết không?
Để gió cuốn đi!
Để làm gì em, biết không?
Để gió cuốn đi!
- Làm sao em biết bia đá không đau
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau
- Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
- Mùa xanh lá
Loài sâu ngủ quên trong tóc chiều
Loài sâu ngủ quên trong tóc chiều
- Mây che trên đầu và nắng trên vai
Đôi chân ta đi sông còn ở lại
Con tim yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người
Đôi chân ta đi sông còn ở lại
Con tim yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người
- Chiều nay em ra phố về
Thấy đời mình là những quán không
Bàn im hơi bên ghế ngồi
Ngày đi đêm tới đã vắng bóng người
Thấy đời mình là những quán không
Bàn im hơi bên ghế ngồi
Ngày đi đêm tới đã vắng bóng người
- Bàn chân ai rất nhẹ
Tựa hồn những năm xưa
Tựa hồn những năm xưa
- Áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau
- Mẹ là nước chứa chan
Trôi giùm con phiền muộn
Cho đời mãi trong lành
Mẹ chìm dưới gian nan
Trôi giùm con phiền muộn
Cho đời mãi trong lành
Mẹ chìm dưới gian nan
- Hà Nội mùa thu
Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ
Nằm kề bên nhau
Phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu
…
Nhớ đến một người để nhớ mọi người…
Nằm kề bên nhau
Phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu
…
Nhớ đến một người để nhớ mọi người…
Có một tập ca khúc thời trẻ của
Trịnh Công Sơn mang tên là Kinh Việt Nam. Phải chăng, trong sâu thẳm
lòng mình, anh khao khát sáng tạo ra những bài kinh cầu cho dân tộc, cho tình
yêu và cho thân phận? Đây chính là bài kinh cầu bên bờ vực linh hồn cần được
cứu rỗi. Những bài kinh ấy chính là những bài thơ còn lại của Trịnh Công Sơn
với một niềm yêu tin “gần như là tuyệt vọng” đã vượt lên số phận chia sẻ với
đương thời và hậu thế, đấy là lòng tin vào con người khởi nguồn từ dòng cảm xúc
tự nhiên, vượt qua cả tôn giáo và định kiến, bởi vì hương thơm đã sẵn đốt trong
hồn (chữ của Chế Lan Viên). Cũng với một lòng tin như vậy, tôi xin mạn phép đổi
một chữ trong câu thơ của anh để tạm kết thúc bài viết này:
Ngày sau sỏi đá cũng cần có THƠ!
Nguyễn Trọng Tạo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét