Cà phê không phải thức uống yêu thích của tôi, ngoại trừ những lúc uống để...chống buồn ngủ. Thế mà đọc bài viết về cà phê của nhà thơ Văn Công Hùng (Gia Lai) thấy thật thú vị. Ngẫm ra, "Chơi cho biết mặt sơn hà/cho sơn hà biết đâu là mặt chơi". Mời các bạn cùng đọc...
Cà phê luyến lưu... |
Tự
nhiên đêm nay cứ bồn chồn thắc thỏm mà lại không... thèm rượu, vừa may có hai
ông nghệ sĩ nhiếp ảnh rủ uống cà phê vào lúc... chín giờ tối. Hai ông nhiếp ảnh
uống trà cung đình còn tôi "chơi " một ly đen nóng mười lăm nghìn, vừa nói chuyện
lan man vừa nghĩ về... cà phê. Ví dụ ý nghĩ này vụt ra: Mấy ngày nay cà phê
nhân rớt giá kinh khủng, thấp nhất trong vòng mấy chục năm nay, thế nhưng giá
cà phê phin vẫn giữ như thế. Cà phê cóc vỉa hè sáu hoặc bảy ngàn, còn cái quán
tôi đang uống đây là mười lăm ngàn một ly đen nóng...
Bây giờ tôi là một gã nghiện cà phê
thứ thiệt trên xứ xở cà phê Pleiku. Làm gì thì làm, ăn sáng xong là phải có một
ly, đen nóng, không uống cà phê sữa, cà phê đá, đơn giản là chỉ cà phê đen nóng
mới lên hết chất cà phê. Giọt cà phê sánh đen như mắt con gái Pleiku, tần ngần
vo lại, tích tụ, rồi nghi ngại thả mình rơi xuống ly, rụt rè lan vào đáy ly,
cái ly được đặt trong một cái ống bơ nước nóng. Đơn giản vậy mà cà phê. Đơn
giản vậy mà cuộc đời thăng hoa. Đơn giản vậy mà thổn thức bồn chồn nhớ. Đơn
giản vậy mà bây giờ trên phố trên làng, ngập tràn khắp nước, nhấp nhô quán cà
phê. Các vỉa hè Pleiku, mà chả Pleiku, vỉa hè khắp nước, bạt ngàn ràn rạt cà
phê...
Cà phê nó không chỉ là cà phê, mà nó
còn là văn hóa, là triết lý, là một cái gì đó bí ẩn trong cái khắc khoải nhớ
thèm không cắt nghĩa được, cứ mang mang, cứ thắc thỏm, cứ bất an... nếu như mỗi
ngày vì lý do gì đó chưa có một cữ ngồi cà phê. Tất nhiên để nâng lên tầm văn
hóa cà phê, triết lý cà phê là cả một đoạn trường, không phải quán cà phê nào
cũng đạt tới, và cũng không phải khách uống cà phê nào cũng có thể đạt tới. Thì
lạ thế mới là... cà phê. Cả nghìn ông nghiện cà phê, may ra chỉ một ông lòng dạ
can trường, sáng ăn tô cơm vợ chiên xong thì nhẩn nha trìu mến bưng ly cà phê
vợ pha, thân thương ngắm vợ quần nhăn mặt mộc tất tả các công việc không tên
buổi sáng, vừa uống vừa nhìn đồng hồ rồi thong thả dắt xe đi làm. Trời ạ, cuộc
đời thanh bình đến thế thì thôi, hạnh phúc giản đơn sâu nặng đến thế là cùng.
Nhưng còn chín trăm chín chín ông thì làm gì buổi sáng. Đơn giản vô cùng, họ
ngạ ngật ở các quán cà phê quen. Uống cà phê là uống cái không khí cà phê, mà
ta gọi sang trọng là văn hóa. Nó có văn hóa máy lạnh váy ngắn, có văn hóa lô
nhô quán cóc, có văn hóa chân giầy và cũng có món chân đất co lên ghế. Vấn đề
là anh hưởng hết những gì mà một ly cà phê và không gian cà phê ban cho anh,
dâng tặng cho anh và nhiều khi là nó cũng... hành anh.
Một góc cà phê vỉa hè |
Tôi chỉ mê cà phê cóc, và chỉ có vài
quán ở Pleiku này là tôi hay ngồi. Ở đấy chủ quán thuộc gu khách đến từng chi
tiết nhỏ nhất, bao nhiêu cà phê, bao nhiêu nước sôi, hướng ngồi, chỗ ngồi, màu
ghế, cho đến bình trà pha thế nào để không nhạt không đắng, cái tiếng hắt hơi
khi ngụm cà phê đầu tiên chạm nhẹ vào lưỡi... nếu hôm nào không có tiếng hắt
hơi ấy, thì hoặc là khách dở người, hoặc là cà phê dư hay thiếu gì đấy. Ôi chao
ly cà phê trông đơn giản, tưởng như ai pha cũng được, ai dội nước vào cũng
xong, thì nó lại cầu kỳ tinh tế đến từng chi tiết rất nhỏ. Thì đã bảo hàng ngàn
quán cà phê, nhưng chỉ chừng nửa số ấy là có văn hóa, có triết lý cà phê, họ
nâng việc pha chế, phục vụ, bán cà phê... thành nghệ thuật, một thứ nghệ thuật
vô lượng vô hình mà chỉ ai thật sành, thật tinh tế mới cảm nhận được. Họ pha cà
phê như một sự ngưỡng thánh, như tự mình dâng hiến, đắm say và sáng tạo, bí ẩn
và thiêng liêng. Còn lại là làm cà phê, bán cà phê vì bởi... chả biết làm gì.
Ngồi cà phê nhưng thực chất vì những giọt cà phê đen sánh thơm nồng nàn chỉ là
một phần nhỏ. Phần lớn là ngồi nghe đời, nghe mình tan theo mỗi giọt cà phê,
xem đời, xem mình trôi chầm chậm ngoài đường. Đấy chính là lúc con người minh
triết thanh sạch nhất để cảm nhận cuộc đời, tự vấn chính mình, thắc thỏm xung
quanh. Cà phê và không khí cà phê đã giúp con người làm được điều ấy. Có người
bảo, uống cà phê phin kiểu Việt Nam là kiểu tiểu nông, của anh thất nghiệp,
thừa thời gian, chứ còn ở đất nước công nghiệp hiện đại, họ uống cà phê hòa
tan, nhanh chóng ực một nhát, rồi đi làm. Quả là cà phê là một thứ du nhập, nó
vào Việt Nam theo dấu chân thực dân, nhưng rồi cũng như chiêng cồng, như ghè
rượu, là những thứ mà người Tây Nguyên không làm ra được, nhưng khi mua về, đổi
về, người Tây Nguyên đã biến chiêng cồng, biến ghè thành đặc sản của mình, nâng
nó lên tầm văn hóa, bắt cả thế giới phải khán phục. Khi vào Việt Nam, cà phê đã
được Việt hóa một cách thông minh và đầy bản sắc, phù hợp với phong cách Việt,
không khí Việt. Chưa được thưởng thức hết cà phê trên thế giới, nhưng tôi đã
uống cà phê pha kiểu Nga và một số nước Đông Âu, họ pha kiểu... cất rượu. Bỏ
qua cái tao nhã, cái thư thái, cái chiêm nghiệm, cái lăn tăn sốt ruột, cái an
nhiên tự tại, cái lắng sâu đợi chờ, cái nồng nàn tan chảy, cái thăng hoa hương
vị, cái chìm đắm đen mê... những thứ làm cho cái thứ quả du nhập từ một nước xa
xôi cách nửa vòng trái đất trở nên mê hoặc, hấp dẫn, đắm đuối... những gã đàn
ông và cả những tha thướt đàn bà, khi được xay ra rồi cho vào phin, ngâm nước
sôi, và lặng lẽ giọt...
Lịch sử loài người có hai phát minh vĩ
đại để tăng chất lượng sống cho con người là sự phát minh ra rượu và... cà phê.
Theo thần thoại Hy Lạp thì thần Dionidod là vị thần sáng tạo ra rượu. Nó giúp
cho con người (nhất là tầng lớp bình dân) thăng hoa, tạm quên đi những gì đau
khổ mà loài người đang và đã trải. Những bồng bềnh mênh mang, những ảo giác
thánh thiện, những thăng hoa mây gió... giúp con người nhìn cuộc đời một cách
thân thiện hơn, nhân hậu hơn, bao dung và cũng sắc sảo hơn. Cà phê thì ít nổi
tiếng hơn rượu, nhưng sang hơn rượu khi nó sinh ra ban đầu là dành cho giới
thượng lưu. Những tao nhân mặc khách, những văn nghệ sĩ trí thức, những lượt là
thơm tho, những đầu mày cuối mắt, những trơn bóng khoan thai, những đăm chiêu
trí tuệ và cả những tò mò khám phá...
Theo từ điển Wikipedia, cà phê là
một loại thức uống màu đen có chứa chất caffein
và được sử dụng rộng rãi, được sản xuất từ những hạt cà phê được rang lên, từ
cây cà phê. Cà phê được sử dụng lần đầu tiên vào thế kỉ thứ 9, khi nó được khám
phá ra từ vùng cao nguyên Ethiopia. Từ đó, nó lan ra Ai Cập
và Yemen,
và tới thế kỉ thứ 15 thì đến Armenia, Persia, Thổ Nhĩ Kỳ và phía bắc Châu Phi.
Từ thế giới Hồi giáo, cà phê đến Ý,
sau đó là phần còn lại của Châu Âu,
Indonesia
và Mĩ.
Ngày nay, cà phê là một trong những thức uống thông dụng toàn cầu.
Nụ cười cà phê |
Hiện nay, cây cà phê được trồng tại hơn 50 quốc gia trên
thế giới, trong đó có một số nước xuất khẩu cà phê. Hạt cà phê được lấy từ hạt
của các loài cây thuộc họ cà phê (Rubiaceae). Ba dòng cây cà phê chính là Coffea
arabica (Cà phê Arabica) – cà phê chè –
và Coffea canephora (Robusta) – cà phê vối cà phê mít
- Coffea excelsa – với nhiều loại khác nhau. Chất lượng hay đẳng cấp của cà phê
khác nhau tùy theo từng loại cây, từng loại hạt và nơi trồng khác nhau. Cà phê
Robusta được đánh giá thấp hơn so với cà phê Arabica do có chất lượng thấp hơn
và giá cả theo đó cũng rẻ hơn. Loại cà phê đắt nhất và hiếm nhất thế giới tên
là Kopi Luwak
(hay "cà phê chồn") của Indonesia
và Việt Nam.
Đây không phải là một giống cà phê mà một cách chế biến cà phê bằng cách dùng
bộ tiêu hóa của loài cầy.
Giá mỗi cân cà phê loại này khoảng 20 triệu VND (1300 USD) và
hàng năm chỉ có trên 200 kg được bán trên thị trường thế giới.
Không giống như các loại đồ uống khác,
chức năng chính của cà phê không phải là giải khát, mặc dù người dân Mỹ uống nó
như thức uống giải khát. Nhiều người uống nó với mục đích tạo cảm giác hưng
phấn. Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 8 năm 2005 của nhà hoá học Mỹ Joe
Vinson thuộc Đại học Scranton thì cà phê
là một nguồn quan trọng cung cấp các chất chống ôxi hóa (antioxidant) cho cơ thể,
vai trò mà trước đây người ta chỉ thấy ở hoa quả và rau xanh. Những chất này
cũng gián tiếp làm giảm nguy cơ bị ung thư
ở người.
Tất nhiên ai cũng hiểu cà phê ngon nó
không chỉ ở chất lượng ly cà phê, mà còn phụ thuộc vào gu khách uống, vào không
gian, văn hóa, không khí, thói quen... bởi nếu chỉ cần chất lượng, thì rất
nhiều người dư khả năng bỏ chục triệu bạc mua nửa cân cà phê chồn hảo hạng về
tự pha. Thế mà số người làm thế rất ít, nếu không muốn nói là không có. Cũng
nói luôn, với tư cách là một người nghiện cà phê sáng hơn một phần tư thế kỷ
nay, tôi nghi ngờ cái gọi là cà phê chồn mà các quán thi thoảng trưng ra. Tất
nhiên là có, nhưng không nhiều đến mức đi đâu cũng có, quán nào cũng giới thiệu
trong menu. Theo tài liệu mà tôi dẫn trên kia thì mỗi năm cả thế giới chỉ có
chừng hai trăm ki lô gam cà phê chui qua đít chồn trở thành đặc sản cho con
người, khiến cho con người có thể vênh mặt khoe với bạn cái thú chơi cầu kỳ
quái đản nhưng chưa chắc đã ngon (vì đã mấy ai được uống đâu?). Lại nhớ cụ
Nguyễn Tuân sáng chế ra loại rau muống cạn bằng cách cắt sát đất đi rồi lấy cái
vỏ ốc nhồi úp lên để khi nó lên thì cứ non nhểu trắng hếu cuộn tròn trong vỏ ốc.
Thì cụ nghĩ ra thế, tả ra thế, viết ra thế, chứ những người sành ăn nói ngay
rằng nó không ngon, nó không còn là rau muống nữa, nhưng vẫn phục sự tưởng
tượng của cụ, thế thôi.
Đọc văn học Anh, Nga, Pháp... thấy
nhắc đến những quán cà phê đầy ấn tượng. Nơi này Gô Gôn đã ngồi, chỗ nọ Ban Zăc
đã duỗi chân, bàn đằng kia là Đich Ken kê bút... chao ơi là sung sướng ngất
ngây con gà tây, chỉ mong ước một lần đến. Rồi trong nước những là cà phê Lâm,
cà phê Giảng, cà phê Quỳnh Bát Đàn ở Hà Nội, cà phê Thọ, cà phê Chiều, cà phê
Bến Nghé ở Huế, rồi những gì gì cà phê mà nhắc đến địa danh ấy là người ta nhớ ngay
đến quán cà phê ấy. Bởi nghĩ cho cùng, đến một nơi lạ, sau một ngày khám phá
thăm thú, thì buổi tối việc duy nhất tao nhã mà ta làm là kiếm một quán cà phê
nổi tiếng, ngồi nhâm nhi thư giãn và ngẫm nghĩ. Nổi tiếng không có nghĩa là to
lớn hiện đại, mà là bản sắc và thời gian, là cái gu cái không khí, là cái tinh
tế dịu nhẹ tôn trọng khách, gần gũi thân thiện và lại cởi mở khát khao, vậy nên
nhiều quán "nổi tiếng" mà nhiều khi chỉ kê vừa đủ 4 cái bàn nhỏ cho
chưa đầy hai chục người ngồi...
Cái tiếng nhiều khi nó vượt qua chất
lượng. Tôi đã uống cà phê Lâm Hà Nội. Quán cà phê này nổi tiếng khiến bất cứ ai
đã đến Hà Nội là phải tìm đến. Nhưng chất lượng cà phê không đi cùng với cái
danh. Bù lại đến đây ta gặp rất nhiều danh tiếng chữ nghĩa Hà thành túm tụm,
lưng cọ lưng, vai kề vai vì... quán chật. Nơi đây các danh họa Việt Nam Bùi
Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên... đã ngồi mòn hết cả
thời tuổi trẻ của họ. Ngồi tán gẫu rồi hứng lên là vẽ, có gì vẽ nấy. Vẽ xong để
lại cho chủ quán... gán nợ. Về sau ông Lâm này trở thành nhà sưu tập tranh nổi
tiếng Việt Nam. Bây giờ nơi đây vẫn đông các "hảo thủ", các danh nhân
Hà thành sáng sáng đến... hành lễ cà phê.
Thì ra cà phê nổi tiếng có khi lại nhờ
vào... khách uống.
Nhớ có hồi cà phê Trăng ngàn đường
Trần Hưng Đạo Pleiku rất đông nhà văn nhà báo tụ tập mỗi sáng. Cứ lần lượt đến
rồi đi, ai đến sau trả tiền. Sau này ông chủ đi ra nước ngoài, quán sửa lại, tự
nhiên cánh nhà văn nhà báo lảng đi đâu cả. Trước đấy là Kim Liên. Ông Giáp chủ
quán Kim Liên là người đã gắn cả cuộc đời với cái danh Kim Liên, không biết vô
tình hay hữu ý, nhưng có một thời, bất cứ văn nghệ sĩ nào đến Pleiku đều được
ông mời về nhà, nhẹ nhàng thì cữ cà phê sáng, nặng hơn đậm hơn thì đãi cơm
rượu. Các ông Nguyên Ngọc, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khắc Trường, Trung Trung Đỉnh,
Thái Bá Lợi... đã đến đây, các vị Trần Thu Hà, Trần Tiến, Nguyễn Chánh Tín,
Trần Hiếu... đã ghé đây. Cũng không hiểu trong nhà ông có ý thức sưu tập không,
chứ cứ mỗi ông mỗi bà đến ông chụp một kiểu ảnh thì giờ cũng kha khá một gian
trưng bày lớn.
Cũng không dễ gì để trở thành một
"môn đồ" cà phê, nhưng đã nghiện nó rồi, tôi còn thêm một kênh cảm
xúc là tự hào về nó...
Văn Công Hùng