Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Chuyện cấm luyến ái giữa người trong quan họ

Quan họ ngày xuân. Nguồn: quanvan.net
Quan họ là một thể loại âm nhạc rất độc đáo của người Việt, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Quan họ tập trung chủ yếu ở vùng văn hóa Kinh Bắc. Về nguồn gốc của nó, cho đến nay vẫn chưa có một giả thuyết nào được đa số các nhà nghiên cứu đồng tình. Chỉ biết rằng, đây là hình thức hát đối đáp giữa người nam và người nữ, thường diễn ra vào những dịp lễ hội, đám cưới, giỗ chạp,… của xã hội. Quan họ có tới hơn 300 bài, với làn điệu phong phú nhất trong số các loại hình dân ca của Việt Nam. Nhiều bài dân ca Quan họ đã trở nên quen thuộc với mọi người: Mời trầu, Khách đến chơi nhà, Tương phùng tương ngộ, Vào chùa, Còn duyên, Con nhện giăng mùng, Giã bạn,…  

Mặc dù có một kho tàng bài bản và đồ sộ, kỹ thuật thanh nhạc rất cao và phong cách biểu diễn chuyên nghiệp như vậy, song những người tham gia Quan họ đều coi đây là một thú Chơi nghệ thuật, chứ không phải là một nghề để kiếm sống. Người ta hát Quan họ như để giải bày, để sẻ chia, để phục vụ cho những cuộc Chơi năm tháng, làm giàu có hơn tâm hồn của bản thân mình và đồng loại. Vì thế, nó trở thành loại hình thuộc về nhân dân, mang đậm nét tính cách Việt và văn hóa Việt.

Trong một dịp nghe một bài hát của nhạc sỹ Lê Minh Sơn về miền Quan họ, tôi thấy thật khó hiểu bởi một “lời nguyền” nào đó dành cho các liền anh, liền chị nếu họ lấy nhau. Tò mò, tôi vội đi tìm hiểu và thật may mắn, tôi gặp được bài viết dưới đây. Tác giả Bùi Trọng Hiền đã giải thích rất rõ ràng và thuyết phục về vấn đề này. Đây có thể là một trong những lý do khiến cho nghệ thuật hát Quan họ tồn tại được theo thời gian. Cũng qua bài viết, tôi mới cảm nhận được tại sao mà khi chia tay nhau, người Quan họ lại ngậm ngùi thương cảm đến vậy: Người về em vẫn khóc thầm/Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa/Người về em vẫn trông theo/Trông nước nước chảy, trông bèo bèo trôi…/Người ơi người ở đừng về…

Trân trọng cảm ơn anh Hiền và kính mời bạn đọc...

------------------------------------------------------------------
Tản mạn chuyện cấm luyến ái giữa các bọn quan họ kết nghĩa

Dẫn...

Bản chất khởi thủy của hát đối đáp trai gái là tạo điều kiện cho thanh niên nam nữ tới tuần cập kê cơ hội tìm bạn đời. Với tính thực hành xã hội đó, nó được sinh hoạt theo chu kỳ đời người với đối tượng chính là lứa tuổi thanh thiếu niên. Và, Quan họ là một trong những thể loại hát đối đáp trai gái đặc sắc của người Việt.

Với thể thức đối đáp, các sinh hoạt hát trai gái bao giờ cũng chia ra làm hai phe bên nam và bên nữ. Riêng ở dân ca Quan họ thì có thuật ngữ riêng gọi là liền anhliền chị. Mặt khác, nếu như các thể loại hát trai gái nói chung thường có thể sinh hoạt dưới hai hình thức là hát có tổ chứchát tự do thì Quan họ chủ yếu chỉ sinh hoạt dưới dạng có tổ chức - gọi là canh hát Quan họ. Trong đó, trình thức hát canh cũng ứng với ba giai đoạn cơ bản của hát trai gái nói chung là: mở đầu - tiếp diễn - chia tay. Thuật ngữ riêng của Quan họ gọi là giọng lề lối - giọng vặt - giọng giã bạn.

Trong Quan họ, chuyện kết nghĩa giữa những người đi hát rất khác với các hình thức sinh hoạt hát trai gái nói chung. Người Quan họ chỉ hát đối đáp theo từng nhóm xã hội nhất định - gọi là bọn Quan họ. Chỉ có các bọn Quan họ kết nghĩa mới hát đối đáp với nhau. Nếu không cùng bọn kết nghĩa, các liền anh liền chị chỉ có thể hát cùng nhau trong các cuộc thi lấy giải ở hội làng ngày xuân.

Mời trầu
Để hình thành nhóm, các chàng trai hoặc cô gái cùng làng xã phải trải qua một quá trình học hát dưới sự dìu dắt của các thế hệ trước. Khi đã có vốn bài bản nhất định, họ tụ hợp lại thành từng nhóm liền anh hay liền chị, mỗi nhóm chừng năm hay sáu người. Căn cứ vào tuổi đời và thứ tự nhập bọn trước sau, họ được gọi là anh Cả, anh Hai, anh Ba… hay chị Cả, chị Hai, chị Ba… Trong đó, anh Cả (hay chị Cả) thường là người lớn tuổi, giữ vai trò chỉ đạo, tổ chức, quán xuyến mọi việc. Căn cứ vào chất giọng và tầm cữ âm khu, họ hợp thành từng cặp hát đồng giọng, một người hát dẫn, một người hát luồn. Sau khi đã hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết, họ mới bắt đầu đi tìm nhóm kết nghĩa.

Thông thường, mối quan hệ kết nghĩa giữa các bọn Quan họ được bắt đầu bằng việc các nhóm liền anh đi chơi hội để chủ động tìm bạn hát. Trong các hội làng, nếu cảm thấy nhóm nào phù hợp với nhóm mình về nghệ thuật, họ sẽ làm quen và ngỏ ý kết giao. Tất nhiên kèm theo đó phải là các tiêu chuẩn hợp nhất khác như địa bàn cư trú xa nhau, tuổi tác không quá chênh lệch… Nếu Quan họ bạn ưng thuận, họ nhờ các cụ nghệ nhân uy tín ở làng mình tổ chức lễ kết nghĩa, và như vậy cộng đồng đã chính thức công nhận mối quan hệ giữa hai bọn Quan họ. Sau lễ kết nghĩa, các bọn Quan họ mới bắt đầu hát đối đáp với nhau. Những canh hát thường được tổ chức vào dịp hội làng hay đám cưới, đám khao hoặc mừng thọ… Mối quan hệ này có thể được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Họ có nghĩa vụ truyền dạy lại vốn liếng nghề nghiệp cho con cháu mình. Trong các dịp đối đáp giao đãi, họ thường cho đám con trẻ đi theo để học tập và đến tuổi cập kê, chúng sẽ tiếp tục "nối dây" kết nghĩa duy trì mối giao tình nghệ thuật của thế hệ trước.

Có thể nói, việc kết nghĩa giữa các bọn Quan họ hoàn toàn mang tính chủ động. Bên cạnh đó, việc kết chạ giữa hai cộng đồng làng xã cũng là một tác nhân tích cực. Thường thì các nghệ nhân cao tuổi của hai làng kết chạ chủ động dắt mối, giới thiệu các nhóm liền anh, liền chị với nhau.

So với tất cả các thể loại cùng chức năng xã hội trong nhạc cổ truyền Việt Nam như Hát ví, Trống quân, Hát đúm, Vươn bảo xao (Giáy), Khắp báo sao (Thái)..., thì Quan họ đã phát triển ở cấp độ cao hơn. Trong khi các thể loại hát trai gái nói chung thường chỉ có một làn điệu (và đó cũng chính là tên gọi của thể loại) thì Quan họ là cả một kho tàng bài bản và làn điệu vô cùng phong phú. Theo tổng kết sơ bộ, có tới trên dưới 300 bài Quan họ khác nhau(1). Và nó đã thực sự vượt tầm của một thể loại hát trai gái dân dã để trở thành một thể loại âm nhạc lớn với hệ thống bài bản đồ sộ. Bên cạnh đó, những phẩm chất kỹ thuật thanh nhạc trong Quan họ đã đạt tới đẳng cấp ngang hàng với những thể loại nhạc cổ truyền chuyên nghiệp như Chèo, Ca trù, Hát văn… Thế nhưng Quan họ lại không phải là thể loại âm nhạc chuyên nghiệp mà vẫn là âm nhạc của cuộc đời. Người ta hát Quan họ để thỏa mãn nhu cầu cá thể đơn thuần chứ không nhằm mục đích kiếm sống cho bản thân.

Trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam nói riêng cũng như trong kho tàng âm nhạc thế giới nói chung, theo những khảo sát sơ bộ, hiện tượng một vùng dân ca tập trung(2) như Quan họ quả là hiện tượng hiếm thấy. Đó là một trong những giá trị văn hóa lớn nhất của dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Mặt khác, cũng chính vì đặc tính nghệ thuật mang chất lượng chuyên nghiệp cùng với trữ lượng bài bản lớn như vậy nên Quan họ không còn chỉ là sân chơi của nam thanh nữ tú, mà thực sự đeo suốt cả cuộc đời các liền anh liền chị. Với hệ thống bài bản được tích đầy theo năm tháng cũng như kỹ thuật thanh nhạc hoàn mỹ, những người hát Quan họ lão thành luôn được cộng đồng biết đến như những nghệ nhân cổ nhạc. Nói cách khác, chính cấp độ nghệ thuật của dân ca Quan họ xác định thể loại đã vượt ra ngoài phạm vi thực hành xã hội nguyên thủy. Trai thanh gái lịch đi hát Quan họ với mục đích thuần túy thể hiện tài năng nghệ thuật của cá thể. Họ kết bọn với nhau là để chơi nghệ thuật chứ không phải để tìm bạn đời. Hơn nữa, các liền anh liền chị đã kết nghĩa với nhau thì không được phép lấy nhau. Điều đó được coi là đạo lý, là lối sống theo phong tục truyền đời của người Quan họ. Có thể lý giải điều này như thế nào?

Luận...

Cũng là lẽ thường, nếu tình duyên trai gái chỉ “chắc chắn mặn nồng” và “lung linh sáng tỏ” ở giai đoạn yêu đương đơn thuần. Còn hôn nhân và gia đình lại là chuyện khác. Khi đã lấy nhau, những vấn đề “trần trụi” như cơm áo gạo tiền, công anh công tôi, chợ búa con mọn… và một nghìn lẻ một vấn đề khác luôn sẵn sàng nảy sinh, tạo một áp lực không đơn giản cho quan hệ vợ chồng. Lịch sử loài người có muôn vàn dẫn chứng hùng hồn để minh xác cho cái chuyện tế nhị này! Chúng ta đều hiểu rằng, trong cuộc sống thường nhật, khi đã đá thúng đụng nia thường xuyên thì lấy đâu ra cảm hứng nghệ thuật để hát đối đáp với nhau nữa.

Dù phương pháp nghệ thuật phát triển ở cấp độ cao, song bản chất của Quan họ vẫn là một sinh hoạt nghệ thuật của cuộc đời. Điều đó có nghĩa nó không được dùng làm phương tiện mưu sinh như các thể loại nhạc cổ truyền chuyên nghiệp. Nói nôm na, người ta đi hát Quan họ là để chơi chứ không phải để kiếm sống. Chính cái bản chất chơi nghệ thuật đó đã khu biệt Quan họ với các bộ môn nghệ thuật chuyên nghiệp với tính chất “phân phối hàng hóa" vốn có. Nếu hai vợ chồng cùng hành nghề hát Ca trù, Chèo hay Chầu Văn..., dù có giận nhau đến mấy họ vẫn có thể sát cánh bên nhau trong nghệ thuật vì miếng cơm manh áo của cả gia đình họ. Nhưng với các liền anh liền chị Quan họ thì lại không thể như vậy!

Người Quan họ
Mặt khác, cứ cho rằng các cặp liền anh liền chị thuận vợ thuận chồng đi nữa thì chắc gì cảm hứng nghệ thuật của họ vẫn trường tồn theo năm tháng. Trong quan hệ vợ chồng, việc cận kề 24/24 dễ tạo sự nhàm chán, thui chột động lực cho “nghề chơi” ở mỗi gia đình. Mối quan hệ tình ái với sự thỏa mãn sinh học dễ dẫn đến “no cơm chán chợ”, và khi thường xuyên “thỏa mãn chán phè” rồi thì còn ai thiết trao gửi nhau những câu hát tình tứ nữa? Nếu không được lấy nhau, các liền anh liền chị chỉ hát cùng nhau đôi ba lần mỗi năm. Xa sông cách chợ, lâu lâu mới gặp dễ tạo cảm hứng nghệ thuật hơn. Dường như đó là một hiện tượng sinh học mang tính quy luật vậy.

Hôn nhân và gia đình là một tác nhân với nhiều sự tiềm ẩn không tích cực(!). Quan hệ vợ chồng có nguy cơ phá vỡ mối quan hệ nghệ thuật giữa các liền anh liền chị. Do vậy, tục lệ không lấy nhau giữa các thành viên của bọn Quan họ kết nghĩa là hợp lý. Qua đó, cũng có thể thấy mục đích thực hành nghệ thuật chi phối như thế nào đến đời sống xã hội của các nghệ nhân.


Không lấy nhau là để bảo vệ và duy trì mối quan hệ nghệ thuật. Quan hệ yêu đương là điều không thể xảy ra giữa các liền anh liền chị kết nghĩa. Để ngăn chặn nguy cơ dẫn đến hôn nhân và gia đình, mọi quan hệ luyến ái mang tính “vật thể” giữa các liền anh và liền chị là chuyện cấm kỵ! Buộc phải có sự chọn lựa: yêu nhau thì đừng đi hát với nhau, còn đi hát với nhau thì đừng yêu nhau nữa! Đó là truyền thống đạo đức của người Quan họ vùng Kinh Bắc. Lề thói đó mặc nhiên khiến cho người Quan họ không thể lựa chọn bạn hát kết nghĩa trên tiêu chí... nhan sắc.

Theo lẽ thường trong nhân gian, nghệ thuật âm nhạc luôn được coi như chất men hữu hiệu dẫn dụ bản năng sinh học. Trong các hội hát, nơi đua tài khoe sắc, khi đã mến mộ giọng hát thì việc thích nhau trên mức tình bạn là điều dễ xảy ra, nhất là trong những trường hợp liền anh liền chị tài sắc vẹn toàn. Hãy tưởng tượng nếu Quan họ không ngăn cấm quan hệ luyến ái, xã hội phong kiến lại cho phép trai năm bảy vợ, bọn Quan họ may lắm chỉ có thể sinh hoạt ca hát ở tuần cập kê, vì khi đã lập gia đình chắc chắn họ bị vợ (hoặc chồng) cũng như gia đình họ mạc không cho đi hát nữa. Những cuộc tình tay ba tay tư trong đám liền anh liền chị cũng là chuyện khó tránh khỏi. Việc đi hát dễ trở thành môi trường thuận lợi cho những kẻ tà tâm lợi dụng chơi bời… Hàng mớ những vấn đề xung đột xã hội không thể kiểm soát đó có thể sớm chấm dứt nghiệp hát của các liền anh liền chị, đời sống nghệ thuật của thể loại Quan họ chắc hẳn đã teo tóp và lụi tàn trong xã hội xưa. Do vậy, tục lệ cấm luyến ái giữa các bọn Quan họ kết nghĩa là một “hành lang pháp lý” an toàn, đảm bảo sự tồn tại bền vững của một sinh hoạt văn nghệ dân gian mang tính nghệ thuật cao như Quan họ.

Về mặt khách quan, muốn duy trì kho tàng bài bản đồ sộ của Quan họ, tất cần đến sự đóng góp của cả một cộng đồng nghệ sĩ, tương đương như lực lượng phường hội của các thể loại âm nhạc chuyên nghiệp. Để có thể trình diễn khối bài bản phong phú cũng như đạt được chất giọng có đẳng cấp của Quan họ, một người năng khiếu trung bình phải mất độ mười năm học hỏi, rèn luyện. Do đó, cũng như các thể loại cổ nhạc chuyên nghiệp, người Quan họ thường dành cả đời cho nghiệp hát xướng. Đấy là logic tất yếu để tạo dựng và duy trì một thể loại âm nhạc có tầm cỡ như Quan họ. Bọn Quan họ chính là cộng đồng nghệ sĩ đó. Mỗi nhóm Quan họ kết nghĩa thực sự là một nhóm xã hội nghệ thuật. Ngoài ra, việc hình thành bọn Quan họ còn giải quyết một vấn đề then chốt khác. Ở đây, các liền anh liền chị luôn sinh hoạt tập thể trước sự chứng kiến của cộng đồng, được làng trên xóm dưới, trong nhà ngoài ngõ chấp nhận. Không có sự giao lưu giữa các cá thể, sinh hoạt hát trai gái đó không để lại điều tiếng gì. Có thể coi đó như tác dụng hai mặt của việc hình thành nhóm liên kết trong sinh hoạt Quan họ.

Cũng chính vì không thể yêu nhau, lấy nhau nên mối quan hệ của các bọn Quan họ đã trở thành một mối quan hệ keo sơn, một kiểu nghĩa tình hết sức đặc biệt. Một chàng trai đi hát đối đáp thường xuyên với một cô gái xinh đẹp với giọng hát quyến rũ, làm sao không rung động trái tim cho được. Song vì tục lệ truyền đời ràng buộc nên điều duy nhất mà các liền anh liền chị có thể bày tỏ chỉ là “tình trong như đã”, một tình cảm độc nhất vô nhị chỉ có ở người Quan họ, như thể “hoa thơm chỉ ngắm, không ngửi, cấm sờ”! Chỉ được yêu nhau bằng tâm hồn và mọi ức chế, kìm nén bản năng thỏa mãn sinh học đều được dồn cả vào nghệ thuật. Mọi ham muốn, khát vọng của tình yêu đều được dành cả cho lời ca tiếng hát đối đáp. Sự dồn nén tích tụ khí chất “âm dương” để rồi “phát tiết” vào nghệ thuật như vậy được coi như một thứ “ái tình nghệ thuật”, một mối quan hệ thiêng liêng, thắm đượm tình người, nguồn cảm hứng bất tận của các liền anh liền chị. Điều này có thể lý giải cho kho tàng bài bản khổng lồ của nghệ thuật Quan họ. Và, rất có thể đây là một trong những nguyên nhân khiến dân ca Quan họ mặc dù chỉ là một sinh hoạt dân gian nhưng lại đạt tầm của một thể loại nhạc cổ chuyên nghiệp.

Có nhiều yếu tố khống chế chuyện luyến ái trong sinh hoạt Quan họ. Chẳng hạn trong giao tiếp, người Quan họ gọi nhau bằng anh, bằng chị và tự xưng là em hay tôi. Chính cách xưng hô này cũng là một nét văn hóa độc đáo của người Quan họ. Bởi trong ngôn ngữ văn hóa ứng xử người Việt, khi người con trai luôn phải xưng em với người bạn gái của mình và gọi cô ta bằng chị thì khó có thể đặt mình vào vị trí yêu đương. Cộng với việc sinh hoạt theo nhóm, dường như phép tắc đó được đặt ra cũng để nhằm “chặn lối, ngáng đường” các liền anh liền chị nào muốn “vượt rào”! Đây được coi như một phần của phép ứng xử mà người ta thường gọi là lịch sự Quan họ.


Về địa bàn cư trú, các bọn Quan họ kết nghĩa bao giờ cũng ở xa nhau. Quan họ cùng làng cùng xã không bao giờ kết nghĩa với nhau - tức là không bao giờ hát với nhau. Có thể lý giải như sau:

Thứ nhất, vì bọn Quan họ kết nghĩa không thể lấy nhau, nếu kết nghĩa với nhóm người cùng làng xã thì tất sẽ gây nên chuyện kìm hãm dân số trong một vùng.

Thứ hai, để tránh việc gần nhau dễ sinh chuyện trai gái, nên bọn Quan họ kết nghĩa phải ở xa nhau. Mỗi năm các liền anh liền chị chỉ có thể hát cùng nhau đôi ba lần trong các dịp hội làng hay trong đám cưới, đám khao. Hãy nghe một câu ca giã bạn: "Người về để con nhện í ơ... nó mấy giăng i ì mùng". Lâu lâu mới gặp đến nỗi mạng nhện giăng giăng(!). Câu ca da diết, yêu thương đó cũng thể hiện phần nào tần suất giao lưu giữa các bọn Quan họ. Một tần suất tạo khoảng cách vừa đủ an toàn để tránh nảy sinh những chuyện yêu đương “phên giậu” rắc rối. Và chính cái khoảng cách địa lý đó càng tăng thêm sự dồn nén khí chất cho nghệ thuật. Vả chăng cái gì thòm thèm thường dễ trường cửu!

Bồng bềnh Quan họ
Chuyện cấm yêu đương trong bọn Quan họ kết nghĩa tuy chỉ tồn tại dưới dạng bất thành văn nhưng được cộng đồng công nhận như một lệ làng. Trải qua bao đời, việc bọn Quan họ kết nghĩa không lấy nhau được nâng tầm thành một lối sống, một chuẩn mực đạo đức của người Quan họ. Người già kể lại rằng ai mà vi phạm tuy chẳng bị làng phạt vạ song có ăn ở với nhau thì cũng chẳng ra gì. Ngoài việc bị làng xóm chê cười, cuộc sống của những liền anh liền chị đó luôn gặp những điều xui xẻo, thậm chí chết non hay chết bất đắc kỳ tử theo "một lời nguyền nào đó"(!). Có thể đó chỉ là những tai nạn ngẫu nhiên nhưng đã được người đời “linh hóa” để làm bài học răn đe trong xã hội Quan họ.


Theo thời gian, mối quan hệ kết nghĩa giữa các bọn Quan họ trở thành tình bạn keo sơn, tình anh em thân tộc. Họ được làng xã công nhận và liên kết với nhau như một tổ chức xã hội nghệ thuật thực thụ. Những liền anh liền chị tài danh, có khả năng sáng tạo nhiều bài bản khi về già được tôn vinh như bậc thầy, có nơi gọi là cụ trùm (từ mượn của nghề Ca trù). Với bối cảnh làng xã thời xưa, các bọn Quan họ đương nhiên là những đại diện ưu tú của cộng đồng, họ phải sống sao để làm gương cho đám con trẻ noi theo.


Các nghệ nhân cho biết, chuyện phi luyến ái không chỉ có ở bọn Quan họ kết nghĩa mà đã trở thành lệ tục của các liền anh liền chị nói chung. Dù không kết bọn với nhau (tức không hát với nhau) nhưng đã là liền anh liền chị thì người ta vẫn tránh lấy nhau. Tuy cũng có những ngoại lệ, nhưng cả cặp vợ chồng cùng hát Quan họ được coi là hiện tượng “hiếm có khó tìm”. Phải chăng, vì Quan họ là một thú chơi nghệ thuật, không phải là phương tiện kiếm sống nên người Kinh Bắc tự thiết lập một mô hình hạt nhân vừa đủ để khống chế sự ham muốn nghệ thuật phi lợi nhuận trong một gia đình?


Tóm lại, mối quan hệ kết nghĩa giữa các bọn Quan họ có ý nghĩa hết sức lớn lao. Chồng chéo và chằng chịt như một hệ thống mạng lưới nghệ thuật, thực tiễn đó đã tạo nên một sơ đồ liên kết - một vùng địa văn hóa nghệ thuật mang tên Quan họ. Nó được coi như nền tảng cơ bản của khái niệm vùng dân ca tập trung. Hiểu rõ tính hợp lý của tục lệ cấm luyến ái giữa các bọn Quan họ kết nghĩa, càng thấy rằng tục lệ đó chính là một nét độc đáo trong đạo lý của người Quan họ vùng Kinh Bắc.

Bùi Trọng Hiền



1. Theo thống kê tại Hội nghị Quan họ lần thứ 5 (tháng 6-1973).
2. Theo khái niệm của học giả Tô Ngọc Thanh.           

Không có nhận xét nào: