Bài này tôi viết đã lâu, khoảng 3 năm trước. Viết xong được đại ca Nguyễn Trọng Tạo khen lắm. Chắc là động viên thằng em lọ mọ ngồi viết bài về mình. Hôm nay tự dưng lại thấy nó trong máy tính. Xin giới thiệu cùng bạn đọc...
Nhà thơ -nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo |
Tôi gặp gỡ nhà thơ - nhạc sỹ
Nguyễn Trọng Tạo lần đầu tiên tại một quán rượu trên đường Bưởi. Cái cảm giác
trước khi được gặp gỡ một người nổi tiếng, một nhà thơ với rất nhiều bài thơ mà
tôi thuộc nằm lòng từ lâu là sự hồi hộp xen lẫn chút ngại ngùng. Nhưng anh đã
xóa tan đi cái cảm giác ban đầu đó của tôi bằng cái bắt tay đầy thiện cảm và
chân thành. Thế là trong suốt cuộc rượu hôm đó, tôi chỉ ngồi rót rượu và nghe
anh cùng với nhà thơ Lê Huy Mậu (Vũng Tàu) và nhà văn Nguyễn Đức Thiện (Tây
Ninh) đàm đạo về chuyện văn chương, nhân tình thế thái. Tôi chú ý đến cái cách
anh châm thuốc lá và nhả khói, điệu đàng và nghệ sỹ lắm. Những vạt khói lơ lửng
như những nàng Tiên đùa giỡn người hút cũng như người xung quanh một lúc lâu rồi
mới chịu tan biến vào không gian. Người hút thuốc được như vậy cũng là một tay
chơi sành sỏi, tôi thầm nghĩ như vậy. Dù không biết hút thuốc và thực sự cũng
không thích nó, tôi vẫn “phê” cách hút và châm thuốc của Nguyễn Trọng Tạo. Có
nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, thuốc lá không chỉ gây hại cho người hút
mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe của những người xung quanh (thực tế đã có những
quốc gia cấm công dân nước mình hút thuốc lá ở nơi công cộng) nhưng tôi vẫn thấy
những lời cảnh báo kia là vô nghĩa khi người hút thuốc đối diện tôi là nhà thơ
Nguyễn Trọng Tạo.
Tôi đã từng nghĩ rằng một ngày có 24 tiếng, đời người giỏi lắm thì sống được khoảng 70 đến 80 năm (cá biệt thì trên 100 năm), rất ngắn ngủi. Vì thế, con người ta phải cố gắng hết sức để làm việc mới mong đạt được một thành tựu gì đó trước khi giã từ cuộc đời này, hướng tới một lý tưởng “Phải có danh gì với núi sông” của cụ Nguyễn Công Trứ ngày xưa đã từng tâm niệm. Do vậy khi được biết Nguyễn Trọng Tạo ngất ngưởng uống rượu thâm đêm thâm ngày, có những cuộc kéo dài tới 25 tiếng (đến nay chưa ai phá được kỷ lục), mà lại viết được những “Tản mạn thời tôi sống”, “Tin thì tin không tin thì thôi”, “Đồng dao cho người lớn”, “Gửi người không quen”, “Thế giới không còn trăng”, “Làng quan họ quê tôi”, “Khúc hát sông quê”, “Đôi mắt đò ngang”, “Con dế buồn”, “Xa quê nghe tiếng mẹ”,… rồi vẽ bìa, vẽ tranh, làm báo, làm sách, biên tập thơ,…mê đắm bao nhiêu con tim Việt Nam ở trong và ngoài nước thì thực tình tôi không thể tin được. Uống rượu suốt ngày thế thì lấy đâu ra thời gian để làm những việc đó? Tại sao lại như thế nhỉ? Những câu hỏi này đã theo tôi suốt một thời gian, cho đến khi được đọc những bài bút ký của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, một Người Ham Chơi đương thời, hiện đang sống ở Huế. Hãy nghe Hoàng Phủ lý giải về cái sự Ham Chơi này: “Trong mỗi người Việt chúng ta có một Người Làm (homo fabien), một Người Nghĩ (homo sapien) và có thêm một Người Ham Chơi (homo ludus). Người Ham Chơi này Tây rất thèm nhưng không đạt nổi. Ham Chơi ở đây không phải là lười biếng. Ham Chơi là cách sống đạt đạo của con người đã nhìn thấy từ lâu bản chất phù hư của thế giới, hiểu rõ rằng những giá trị vật chất có khả năng đến đâu trong cuộc mưu cầu hạnh phúc cho con người.”
Thì ra là vậy, câu hỏi đeo đẳng tôi bấy lâu đã có lời giải đáp. Có lẽ trong thời gian ở Huế, Nguyễn Trọng Tạo đã gặp gỡ với Người Ham Chơi Hoàng Phủ Ngọc Tường, rồi anh tạo một sân Chơi, sân Chơi mà ở đó anh tự trải chiếu hoa cho riêng mình, để trở thành một Người Ham Chơi đích thực, và hướng dẫn người khác cũng Ham Chơi giống mình. Tuy vậy, để đạt được cái danh hiệu Người Ham Chơi như anh thì không hề dễ chút nào. Có thể có người sẽ tin hay không tin vào những điều tôi vừa nói, thế nên, trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ đi làm một cái việc, có lẽ quá sức đối với tôi, một người không phải là dân văn chương. Đó là thử “đọc vị” Nguyễn Trọng Tạo, để xem anh Ham Chơi đến mức nào.
Tập sơ tuyển thơ mới nhất của NTT |
Đầu tiên là sự Chơi Thơ. Nếu như thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường là thơ của nỗi buồn (có nhà phê bình gọi ông là nhà thơ của nỗi buồn) thì thơ của Nguyễn Trọng Tạo là thơ tài hoa, đúng như nhận xét của nhà thơ Lê Huy Mậu. Tài hoa ở đây là những bài thơ của anh có ý tứ lạ, độc đáo, nhiều khi đi thẳng vào sự vật, hiện tượng cần diễn tả mà vẫn gợi cho người đọc nhiều điều liên tưởng về cuộc sống, về con người bình thường nhưng mang đầy chất triết lý. Anh tiếp cận những vấn đề đó có cảm giác như rất dễ dàng, như là Chơi vậy. Có thể có người đọc thơ anh xong thì nhăn mặt và nói lẩm bẩm một mình: “Cái đó mà hắn cũng viết ra được”. Có gì là khó hiểu đâu, vì những điều anh nói, anh trăn trở trong thơ chính là Sự thật, cái mà nhân loại luôn hướng đến nhưng có lẽ chưa bao giờ được toại nguyện tuyệt đối cả. Vì thế, anh tỏ ra ác cảm, khó chịu với “khối người như chiếc bóng…” hay anh “chợt thương quan không dân chợt thương ngai không chủ/thương những đời người chung thân trong áo mão cân đai...”.
Thật ra, rất khó có thể phân loại thơ của Nguyễn Trọng Tạo thuộc dòng thơ nào trong nền thơ ca Việt Nam, vì ở giai đoạn nào anh cũng có những thành tựu đáng kể. Chẳng hạn như, ở thời kỳ thơ chống Mỹ, anh nổi tiếng với trường ca “Con đường của những vì sao” ca ngợi chiến công của mười cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc. Đến trước những năm trước Đổi mới, anh gây chấn động thi đàn với bài thơ “Tản mạn thời tôi sống” đăng trên báo Văn nghệ. Bài thơ này đã nêu lên được những thực trạng của thời kỳ bao cấp, bao nhiêu bức xúc, bao nhiêu trăn trở, kìm nén với những câu thơ rất hay, khái quát được cả một thời kỳ:
Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi
Câu trả lời thật không dễ dàng chi!
Thơ Nguyễn Trọng Tạo được người đọc nhớ đến nhiều, có lẽ bởi vì thơ anh rất giàu hình ảnh, giàu nhạc tính và cũng mới nữa. Tôi trộm nghĩ, người viết được như thế phải có một tâm hồn rất trẻ, và quan trọng hơn là phải theo kịp được thời đại vốn đầy rẫy những biến động, luôn cuồn cuộn như những dòng sông đổ ra biển lớn. Gần đây (2008), anh xuất bản tập thơ “Em đàn bà”, gồm 32 bài thơ tình. Hãy tưởng tượng nếu như chưa biết mặt tác giả hoặc giả dụ không có tấm ảnh bìa, khi đọc tập thơ này, tôi chắc quí vị sẽ hình dung ra một chàng trai mới đôi mươi, tràn trề nhựa sống, viết thơ tình cho người mình yêu. Trong tập thơ này, có nhiều bài hay, thơ sex viết bạo liệt, mạnh mẽ nhưng cũng rất thật, rất chân thành của những người đang yêu như: “Đà Lạt và hoa”, “Tập đếm”, “Ru trắng”, “Anh ném em lên trời”, “Em đàn bà”, “Tìm hoa”, “Ta đã yêu nhau từ kiếp trước”, “Ngày không em”,…
Đã nhiều lần, tôi thử nhắm mắt và cố hình dung về một Nguyễn Trọng Tạo trong hành trình thơ ca của anh. Từ một cậu bé chăn trâu cắt cỏ trên bờ sông Bùng (Diễn Châu - Nghệ An), bỗng dưng “đọc trộm” thơ của Hàn Mặc Tử rồi mắc “bệnh thi sĩ” và trở thành một chàng lãng tử trong thi ca. Chàng lãng tử này là một người hành hương trong hành trình đi tìm Đạo. Trên chặng đường đi đầy chông gai và vực thẳm đó, người hành hương gặp được những người bạn tri kỷ, những người bạn mà “Túi đầy thơ tặng túi đầy trăng”, “Trái tim bạn giữ cho ta đây/Niềm vui bạn giữ cho ta đây...“. Chàng còn gặp những bông Hoa đẹp trong những vườn thơm cỏ lạ, đúng như tâm sự của chàng “Vẽ tôi thấy Đẹp là mê”. Vì yêu Hoa, yêu cái Đẹp da diết mà chàng rất sợ khi nhìn thấy nó tan biến khỏi cuộc sống này, giống như ”Mùa xuân thương ai tươi ròng muôn sắc/Cả một trời hoa sương nhòa nước mắt..“ hay “Hoa đào vương kiếp đào hoa/Thắm tươi một thuở phôi pha một ngày“,...
Cũng trên chặng đường này, chàng mới nhận thấy cuộc sống thật trống trải, cô đơn và thời gian đối với một đời người là ngắn ngủi. Đó là nỗi Cô đơn nguyên thủy, thường trực của con người trong hành trình tiến hóa của mình. Do vậy, Nỗi buồn như là một người bạn sẻ chia mà chàng không hề chối bỏ, có khi chàng còn van nài nó “Buồn ơi Buồn có thương tôi/Đừng làm tôi phải mồ côi Nỗi buồn…”. Và vì thời gian với chàng là ngắn ngủi, là “Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi” nên rất nhiều lần, chàng tỏ ý tiếc nuối thời gian, mong cho thời gian trôi chậm lại để chàng nhanh chóng tìm được Đạo, tìm được cái Đẹp vĩnh hằng. Do vậy mà chàng đã nâng niu, xả thân và bảo vệ hết mình cho cái Đẹp trong hành trình của mình.
Đối với chàng, dù có đi cùng trời cuối bể, dù có Ham Chơi rong ruổi cả đời thì hình ảnh Quê hương, hình ảnh của Cõi Nhớ vẫn ngự trị trong tâm trí. Nương thân ở chốn thị thành nhưng chàng vẫn thèm được nghe một khúc dân ca xứ Nghệ, thèm được ăn một miếng cơm nắm quê nhà, thèm được trở về tắm ở con sông Bùng, được nhìn ngắm một hương cỏ may của đồng thơm cỏ mộng, thèm được ngủ trong vòng tay người mẹ yêu kính,.. Hình như đó là cái day dứt, cái trăn trở muôn thuở của loài thi sĩ (chữ của Hàn Mặc Tử), những người được Thượng đế trao cho sứ mệnh đi tìm Đạo cho loài người?
Về sự Chơi Nhạc, Nguyễn Trọng Tạo sáng tác không nhiều (so với thơ), tuy vậy anh cũng kịp để lại dấu ấn của mình với nền âm nhạc nước nhà. Theo tôi, ba tác phẩm nổi tiếng nhất của anh là “Làng quan họ quê tôi”, “Khúc hát sông quê” và “Đôi mắt đò ngang”. “Làng quan họ quê tôi” đã nổi tiếng từ lâu, nay trở thành “tỉnh ca” của tỉnh Bắc Ninh. “Khúc hát sông quê”, sáng tác năm 2002, thì càng ngày càng nổi tiếng, đến nỗi uống rượu mà không ngân nga vài câu hát xem chừng mất vui, cuộc rượu đó xem chừng hơi nhạt. Tôi đã nhiều lần thử lý giải xem tại sao bài hát này lại có sức hút ghê gớm đến vậy, từ ông Bộ trưởng đến những người dân bình thường đều yêu thích nó, trong khi có rất nhiều bài hát khác viết về dòng sông lại không có được diễm phúc đó.
Chúng ta đều biết văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, vì thế mà dòng sông có một tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống của con người. Có thể nói không ngoa rằng, tất cả những phong tục, tập quán, tín ngưỡng cho đến công việc sản xuất, thói quen sinh hoạt hàng ngày của người dân Việt đều ít nhiều gắn bó với dòng sông. Do đó, dòng sông quê là hồn vía của người Việt. Nó vừa gần gũi, vừa linh thiêng đối với mỗi chúng ta. Chính vì vậy, đây là một trong những đề tài xuyên suốt của văn hóa nghệ thuật Việt Nam, trong đó có âm nhạc. Đã có bao nhiêu nhạc sỹ viết về nó với rất nhiều tâm huyết, nhiều kỳ vọng nhưng đã mấy ai “chạm” được vào cái sâu thẳm của dòng sông quê, tức là cái hồn của nó. Nguyễn Trọng Tạo đã làm được điều này, khi anh đã “bắt” được cái hồn đó trong trường ca “Thời gian khắc khoải” của nhà thơ Lê Huy Mậu. Đúng như tên gọi, cả trường ca này là một sự day dứt, nhớ thương của người lữ thứ khi trở về, đứng trước dòng sông Mẹ. Không day dứt, không nhớ thương sao được khi “Quá nửa đời phiêu dạt con lại về úp mặt vào sông quê”, rồi cùng với dòng sông hồi tưởng về những ngày thơ bé “Sông còn nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ/Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng”, sau đó nhớ lại những ngày tháng thanh bình, yên ả và để khắc khoải trước cái vô hạn của dòng sông “Một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng…” với cái hữu hạn của số kiếp con người. Tôi được biết, khi phổ nhạc bài hát này, Nguyễn Trọng Tạo chỉ mất khoảng 30 phút. Nếu không phải anh đã Làm với tư tưởng Chơi, sao lại sáng tạo được nhạc phẩm này?
Nhà văn Nguyễn Quang Lập, tôi, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và anh Hồng Trường (2009) |
Nguyễn Trọng Tạo còn một
bài hát rất hay nữa, tuy không nổi tiếng bằng hai bài kia, đó là “Đôi mắt đò ngang”. Bài hát lấy bối cảnh
một chuyến đò ngang qua dòng sông Lam. Ta cũng thấy dòng sông quê, nhưng sông
quê ở đây chỉ làm nền cho hai nhân vật then chốt: người khách sang sông và cô
gái xứ Nghệ. Người khách vì “kết” đôi mắt biếc với nụ cười lúng liếng, lẳng lơ
của người đẹp nên đã cất công đi khắp chợ đông, khắp dòng sông Lam chỉ để tìm
nàng. Đem lòng yêu người đẹp, người khách đa tình kia đã phải lòng cả đất trời,
cả con người vùng sông nước ấy. Đến khi đã say, đã ngấm cái men tình kia rồi,
thì chàng ta đâu có xá gì, kể cả đến lúc phải “liều”: “Chợ đông ai sợ đò đầy/Chìm
trong đôi mắt ấy/Đò đầy, đò đầy anh cứ sang“. Cái hay, cái chất trữ tình, tự nhiên pha chút ỡm ờ của bài hát này là ở
chỗ ấy. Nghe bài hát này nhiều lần, tôi thường hay liên tưởng đến bài thơ viết
về “đặc sản Huế” (chữ của Hoàng Phủ Ngọc Tường) của Người Ham Chơi Nguyễn Công Trứ thuở nào.
Thứ ba là sự Chơi Họa. Nguyễn Trọng Tạo vẽ rất nhiều tranh và bìa sách, trong đó có những tác phẩm còn đạt cả giải thưởng nữa. Điều đó không ai phủ nhận. Với anh, Họa cũng là một sự Chơi. Anh làm công việc Vẽ với tâm thế Chơi. Tôi vốn không rành về hội họa, vậy mà khi xem lại các bức ảnh chụp với các văn nghệ sỹ của anh, vẫn thấy ấn tượng nhất với bức ảnh khi anh vẽ chân dung nhà thơ Phan Hồng Khánh trong một cuộc rượu. Một người với hàm râu quai nón đang cười sảng khoái còn người kia thì đang “đè ra” để vẽ những nét chân dung cuối cùng. Thấy chưa, vẽ với kiểu cách như vậy thì mới là thể hiện hết phong cách Chơi, nhưng thử hỏi có mấy ai bắt chước được thế?
Thứ tư là sự Chơi Rượu. Về sự Chơi này, ít ai bì kịp Nguyễn Trọng Tạo. Anh có cách uống thầm thì, chậm rãi, vừa uống vừa nói, vừa cười theo kiểu “Rượu ngon nhắm với nói cười”. Cũng nhờ có rượu mà anh để lại câu thơ tuyệt hay về Huế trong một lần ngất ngưởng với bè bạn: “Sông Hương hóa rượu ta đến uống/Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say”. Uống rượu với anh là một thú vui, một sự Chơi vì anh uống cốt để giao lưu, gặp gỡ bạn bè khắp nơi, để đàm đạo văn chương, thế sự, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống với họ dù rằng cũng có lúc anh phải than: “Ngày ba cuộc rượu còn gì là thân”. Nhưng biết làm sao được, vì nếu không có anh thì những cuộc rượu kia chắc kém phần hào hứng lắm. Tôi cũng đoán biết rằng, rượu có một vai trò đặc biệt trong quá trình sáng tạo, đi tìm cảm hứng của anh, vì nếu không có nó thì bạn bè anh sẽ thiếu đi một Thi Tửu và chúng ta sẽ không được thấy một Nguyễn-Trọng-Tạo như ngày hôm nay.
Nguyễn Trọng Tạo có lần nói với tôi: “Thơ anh nhất định những người trí thức sẽ thích”. Đó không phải là một lời nói huyênh hoang, khoác lác của một kẻ hợm mình, mà là sự tự tin đáng trọng của một người nghệ sỹ chân chính, người nghệ sỹ luôn thắp sáng tâm hồn mình và đồng loại bằng một trái tim cao cả - trái tim Đan Kô.
Thi sĩ Nguyễn Bính khi bàn về văn nghệ, có nói đại ý như sau: “Làm văn nghệ khó lắm vì có nhiều ý, nhiều chữ quá tuyệt mà người khác đã viết trước mình. Mình chỉ nhại lại thôi". Khi viết những dòng cảm nhận này, một kẻ hậu sinh với vốn học thức ít ỏi, nông cạn như tôi cũng chỉ “nhại lại” những từ ngữ của những bậc tiền nhân để bày tỏ sự kính trọng của mình với một người nghệ sỹ tài hoa - Nguyễn Trọng Tạo. Cầu chúc cho anh có một sức khỏe dồi dào để tiếp tục cuộc hành trình với thơ ca Việt, và cũng để uống rượu với bè bạn, những người tri kỷ của anh. Tôi vẫn tin trong sâu thẳm tâm hồn mình, Nguyễn Trọng Tạo, người mà cả đời chỉ biết “Chia cho em một đời Thơ” ấy vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm, một khát vọng đối với thơ Việt. Đó là một nền Thơ đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng cũng hướng tới cái mới, cái tiến bộ, phù hợp với xu hướng Thơ của thế giới, vì người nghệ sỹ đó hiểu rằng: Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa…
Hà Nội, 07/12/2008
TRỊNH QUỐC DŨNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét