Mới lần đầu ghé trang
nhà blog của chị, đập vào mắt tôi là những bài thơ ngang dọc, không vần vèo,
thú thực tôi không có ấn tượng gì đặc biệt (tôi vốn ghét thơ). Chỉ có ấn tượng
bởi mấy bức ảnh chân dung trong đó. Nhưng mà lại không thích người, chỉ mê vì cảnh
đẹp. Rồi cũng nán lại “đọc tạm” vài bài thơ ở đó. Chẳng thấy hay ho gì cả,
cũng… bình thường thôi. Tôi nghĩ vậy và rồi quên đi nhanh chóng...
Thế mà tự dưng sau đó lại
đọc được câu này: “Cát nơi ấy/trùng khơi
nơi ấy/em mang về/vời vợi chiết vào thơ”. Những câu thơ ám gợi người đọc về
biển cả, về trùng dương cát trắng. Một nỗi chia xa, nỗi đớn đau đem chưng cất
thành những câu thơ. Thơ như thế ắt hẳn phải mặn và chát lắm.
Không ai biết thơ xuất
hiện từ khi nào. Cũng chẳng biết lúc nào thì thơ sẽ không còn tồn tại. Chỉ có một
điều này, mà nói như nhà thơ người Mỹ - William Carlos Williams: “Không thể tìm ra các tin tức trong thơ, thế
nhưng hàng ngày, con người vẫn chết thê thảm vì họ thiếu những điều chỉ tìm thấy
trong thơ”. Nghe sợ quá! Những điều gì ở thơ mà khiến người ta phải chết tức
tưởi như vậy?
Từ xa xưa, kinh kỳ là mảnh
đất phồn hoa đô hội, bao nhiêu tinh hoa tứ xứ đều về quần tụ tại đây. Đó dĩ
nhiên cũng là nơi mà các tài tử văn nhân gặp gỡ và đàm luận. Thế nên, ngày nay
chúng ta mới có một hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan, một sắc sảo của Hồ Xuân
Hương, một hỏm hỉnh của Đoàn Thị Điểm và còn nhiều giai thoại văn chương khác nữa,
để giật mình kinh dị trước những con người tài danh này. Đọc thơ chị, tôi cũng
gặp cái giật mình đó. Giật mình “của chua
sấu rụng sân đình” trong dải áo Thị Mầu, “hồng hồng tuyết tuyết” trầm tĩnh, bác học trong làn điệu ca trù
khi người ca nương lạc bước đêm về Quán Thánh, ngỡ ngàng phiêu diêu trong áo lụa
Hà Đông. Đến khi trở sáng, tỉnh giấc nồng nàn, tôi bắt gặp “đắm đuối ngơ ngẩn nhìn/rụng mùa ngân xuyến” và “rơi giọt trong veo mùa quyến luyến” mà bóng
đêm vô tình lưu lại trong tâm trí.
Nhiều người nhận xét,
con gái Hà Thành kiêu sa và đài các. Riêng tôi thì thấy họ thật thông minh và tinh
tế. “Em gấp thời gian thành bước nhảy/bốn
chiều/Trái Đất bẻ cong không gian từ mọi hướng/Chạm vào thân thể anh/Vòng cung
định hình xoay ngược” là sự thông minh trong tưởng tượng hình ảnh và liên kết
các hành động với nhau. “Con đường
khuya/Thả lên môi lời lá rụng/Lẫn vào tiếng chuông rơi/Cơn sóng níu bờ
trôi…trôi…” là sự tinh tế trong quan sát sự vật và thể hiện cảm xúc của chủ
thể. Như thế, nếu họ có kiêu sa hay đài các cũng phải thôi, vì đó là sự tự tin
của những người phụ nữ bản lĩnh và biết rõ giá trị của mình. “Em chỉ giản đơn con gái Hà Thành/Đã biết trắng
cùng anh…/Đã biết xanh cùng anh…/Đã biết cười cùng anh…”. Vâng, con gái Hà
Thành là như thế đó.
Ám ảnh về văn hóa Thăng
Long hiển hiện trong rất nhiều bài thơ của chị. Đó cũng là mạch tiếp nối cái giật
mình trước sự tài hoa của tiền nhân thuở trước. Một tiếng chuông la đà Trấn Vũ,
một bóng chim sâm cầm chao liệng giữa khung trời nhỏ hay chỉ là nỗi e ấp của
bông hoa nhài chúm chím trong nắng mai cũng khiến người phụ nữ nhạy cảm này xao
động “Phía cành trúc chao nghiêng trái
tim em/đã hóa thành ngọn sóng/Vỗ tiếng chuông ngân/Biến thành câu hát” và
run rẩy “Hương nhài lỡ kiếp trời
đày/Vương chiều Yên Phụ dứt day sâm cầm”. Nơi đó vẫn còn “Huyền mị đêm mắt tím/Thăm thẳm Cổ Ngư gió
tràn chớp khóe môi đầy” khiến “Cho em
được hé cánh sen chiều trong trắng/Để ngọc ngà non nuốt mãi Tràng An”.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
đã từng nhận xét rằng, phái nữ thường mạnh về thơ tình. Quả thật vậy. Trong thơ
chị, đậm đặc một khát khao yêu đương bỏng cháy của người phụ nữ Á Đông. Chất
men tình này cứ lênh lang, sóng sánh trong từng câu, từng chữ ở mỗi bài thơ. Là
người xinh đẹp và thông minh nên chị biết rõ cái cảm giác chênh vênh, mỏng manh
của tình yêu sẽ đưa mình đi tới đâu và về đâu. Để từ đó mà thấy được cái nhiên sơ của tình yêu “Từ thoạt kỳ thủy/là muôn đời/âm thanh đầu
tiên của loài người: Anh yêu Em!” và ngang trái như mối tình Mỵ Châu “Lông ngỗng bay trinh trắng cả ngàn năm”.
Ngay từ thời nguyên thủy, tình yêu có lẽ đã song hành với loài người với nhiều
cung bậc tình cảm. Đông Tây kim cổ đã có biết bao nhiêu thiên tình sử thật đẹp
và thật buồn. Trong văn học và nghệ thuật, không hiểu sao lâu nay, đề tài tình
dục luôn là một chủ đề nhạy cảm và tồn tại một “vùng cấm” bao quanh nó. Do rào
cản văn hóa của các dân tộc? Do ý thức thẩm mỹ của người thưởng thức? Hay là do
người sáng tác “non tay” nên chưa bộc lộ được hết vẻ đẹp nguyên khôi của nó? Thành
ra, vấn đề tình dục vẫn sẽ đi giữa lằn ranh giới - cái đẹp và sự dung tục, giống
như “đang trôi trên một dòng nước” ở “hai bờ cuộc sống” (ý thơ Tagore). Thơ chị nhiều lần đề cập đến vấn đề
này, dạn dĩ và trực tiếp “Bờ môi lần tìm
bờ môi/vội vàng run rẩy/Trần trụi bản thể một loài sói hoang/ngửi thấy mùi thịt
da trong/đói khát điên cuồng”. Đôi khi, cái bản thể trần trụi ấy cũng khiến
cho ta nhói lòng, vì “cọng măng đắng mang
ngâm vào lòng ớt/cay xé thân em”.
Trong tác phẩm Người bệnh cuối ngày, bác sỹ Lê Đình
Phương có một ý tưởng là huyền sử về Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ trăm trứng với
cuộc chia con lên rừng xuống biển cũng có thể kiến giải như một cuộc chia ly đầu
tiên của người Việt. Đấy có phải định mệnh của dân tộc này không, không ai đoán
biết được. Có phải, xuất phát điểm như thế nên nỗi buồn như là một đặc điểm cố
hữu của người Việt? Do vậy mà con người trên mảnh đất này thường tìm đến thơ, vốn
là người bạn trăm năm của nỗi buồn, để sẻ chia, để trút bầu tâm sự? Tôi chợt nhớ
tới nhà thơ Hoàng Cầm, trong một lần trả lời phỏng vấn có nói đại ý rằng tính
cách của người Việt rất gần gũi với thơ, trội hẳn lên so với các dân tộc khác. Đó
là cách nghĩ, cách sống tình cảm, đặc biệt là sự gần gũi quấn quít nhau, nhường
cơm sẻ áo trong khi hoạn nạn, tình cảm bạn bè, bà con làng xóm. Thơ là tấm
gương của các tính chất ấy. Với những người xa quê, luôn mang trong mình cảm
giác tha hương, điều này càng thể hiện rõ. Những đêm vắng lẻ loi, nhớ những chiếc
lá rơi bên dòng sông tím, nghe khúc du ca về một bông hoa gạo, ai đó bất giác “chân trần trong nắng hạ/Rộp một đời đa
đoan/Má hồng nhan bạc phận/Hương sắc như mây ngàn” và ngấm ngầm cảm thấy “Câu thơ chết đuối dưới chân cầu… Về đâu?”.
Chỉ có loài thi sĩ mới biết xót
thương và đa mang như thế.
Vậy là, chúng ta không/khó
thể tìm thấy tin tức gì từ những bài thơ. Cũng đúng là không có một loại hình
nghệ thuật nào lại khiến cho loài người phải đau đầu nhức óc giống như thơ cả.
Nhưng, mặc kệ khen chê của thói đời, một số người vẫn tiếp tục dám sống với đam
mê, vì rằng họ muốn trở về với tính bản
thiện của mình mà vô tình hay hữu ý, không ít người đã đánh mất nó. Có phải
bởi thế mà có biết bao người đã phải “chết
thê thảm” vì thiếu những điều chỉ tìm thấy trong thơ?
Trịnh
Quốc Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét