Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Đọc là một niềm lạc thú


LÂM VŨ THAO
Trả lời phỏng vấn F Magazine, một tạp chí thời trang, với tư cách độc giả

Anh đang đọc gì?

Tôi đang đọc cuốn tiểu thuyết của nhà văn Tây Ban Nha Javier Marías, Tomorrow in the battle think on me. Nhà văn này đã có hai cuốn được dịch ở Việt Nam là Trái tim bạc nhược và Người đàn ông đa cảm.
Câu chuyện của cuốn sách anh đang đọc là gì?
Tôi  mới đọc được một phần ba, nên cũng không biết câu chuyện sẽ dẫn chúng ta đến đâu, nhưng nó đặt ra một tình huống đặc biệt. Một người đàn ông có hẹn với một phụ nữ mới quen. Cô ta mời anh ta đến nhà ăn tối, dĩ nhiên có phần lãng mạn theo sau. Chồng cô ta đi công tác. Cô có một đứa con 2 tuổi. Ăn tối xong, phải dỗ mãi cô ta mới cho đứa bé ngủ được. Khi hai người họ đang ở vào khúc dạo đầu của yêu đương được độ 10 phút, thì người phụ nữ  đột nhiên lên cơn khó thở, và chết. Anh ta sẽ phải làm gì trong căn hộ xa lạ, với một đứa trẻ 2 tuổi đang ngủ và một người phụ nữ đã chết? Nếu lẳng lặng rút lui, anh ta sẽ không gặp phiền toái gì và không ai biết anh ta từng có mặt ở đây, nhưng còn đứa bé 2 tuổi, lỡ nó thức dậy và gặp nguy hiểm? Nếu anh ta ở lại? Chuyện ngoại tình sẽ vỡ lở, sẽ gặp rắc rối với cảnh sát điều tra, người phụ nữ đã chết bị ô danh…
Đúng là chưa ăn được táo thì đã bị rắn mổ vào chân! Ở vào hoàn cảnh người đàn ông đó, anh xử trí thế nào?
Xử trí thế nào… hừm… tôi chưa bao giờ rơi vào hoàn cảnh đó (!) Tôi cũng không biết tác giả sẽ đẩy nhân vật đến đâu. Lúc này anh ta đã tìm thấy số điện thoại của người chồng đang công tác ở London và mân mê nó trên tay. Riêng cái trường đoạn tâm lý này thôi đã kéo dài 50 trang và chưa hết. Những đoạn phân tích tâm lý nhân vật thật tinh vi, kỳ thú.
Vậy là anh, độc giả Lâm Vũ Thao, anh sẽ chọn ở lại để rồi dấn thân vào hàng loạt các rắc rối không thể tiên liệu hết hay rút êm, giao phó đứa trẻ cho bàn tay số mệnh?
Tôi ở lại. Có lẽ phải như vậy. Tôi không làm khác được.
Anh xứng đáng là độc giả của Trái tim bạc nhược và Người đàn ông đa cảm! Hẳn Javier Marías hài lòng về anh. Vì sao anh lại ưu tiên đọc sách văn học, đặc biệt là tiểu thuyết, hơn hẳn các loại sách khác?
Tôi đọc sách không nhằm vào mục đích gì, soi sáng bản thân hay tìm niềm cảm thông, an ủi, cũng không phải vì công việc, chỉ đơn giản là tôi thích. Bất cứ theo đuổi cái gì thì đấy đều là niềm đam mê– theo đuổi để thỏa mãn mình. Khi đọc, tôi tìm thấy nhiều niềm vui trong đó. Cuộc sống thực tế  trải nghiệm thường không quá đa dạng, không đủ đáp ứng cho đời sống cảm xúc và trí tưởng tượng của tôi. Đó cũng là lý do chung nhất khiến người người ta tìm đến nghệ thuật. Riêng với tiểu thuyết, nó là nghệ thuật, không chỉ hấp dẫn riêng tôi, “ Tiểu thuyết và nhạc giao hưởng là hai nghệ thuật trụ cột của văn minh châu Âu”, Orhan Pamuk nói vậy.
Vì sao anh gạt bỏ tivi, phim ảnh, nhạc nhẽo, nói chung là các bộ môn nghe – nhìn qua một bên để dành thời gian cho sách mà không phải là ngược lại?
Tivi, tôi không chịu nổi. 2 năm qua tôi không bật tivi, vợ tôi cũng không xem, chỉ còn hai đứa con. Báo chí tôi chỉ lướt qua. Tôi có thể kiên nhẫn trong 7- 8 tiếng liền cho đọc nhưng với tivi, các loại DVD nói chung, tôi thường chỉ có thể kiên nhẫn với chúng 15- 20 phút là hết.
Anh bị sự trừu tượng của ngôn ngữ lôi cuốn sâu vào thế giới của chúng, tôi nghĩ vậy. Có khi nào anh tự đánh đắm mình trong thế giới tưởng tượng ấy không?
Không. Tôi là luật sư, tôi rất tỉnh táo và lý trí. Tôi biết một cuốn sách hay chứ không phải cảm một cuốn sách hay. Tôi thưởng thức cái đẹp của cấu trúc, ngôn ngữ, câu chuyện và văn phong chứ tôi không nhập thân vào tác phẩm hay nhân vật.
Anh có phải là người được yêu chiều, kẻ được nhiều người vây quanh, đứa con cưng của số mệnh không?
Sao chị lại nghĩ vậy?
Vì cách đọc sách của anh. Đấy thuần túy là hoạt động trí óc của một nhà nghiên cứu dù anh không định nghiên cứu. Anh không có sự đồng cảm về mặt tâm hồn với các nhân vật văn học, không tìm thấy ở nó một niềm an ủi, thấu hiểu sâu xa. Sách vở không gây nên ở anh những cơn chấn động quyết định đến cách nhìn cuộc đời và cách ứng xử với cuộc đời của anh. Anh cũng không cần nương tựa vào sách để tăng sức chịu đựng với cuộc đời này. Một tâm hồn không run rẩy với văn chương là một tâm hồn chưa từng trải qua mất mát, khổ đau chăng?
Có lẽ tôi là người nhiều may mắn trong cuộc đời, mà cái may mắn lớn nhất là khi sinh ra đất nước không còn chiến tranh nữa. Nói không đồng cảm với nhân vật văn chương thì không đúng. Tôi đồng cảm với các nhân vật, nhưng không run rẩy với văn chương theo cách nói của chị. Còn theo cách nói của tôi thì tôi quan tâm đến bản thân văn chương hơn nhân vật trong các tác phẩm. Những đau khổ, mất mát của cá nhân tôi, cũng có, nhưng nhỏ nhặt, có là gì so với bao người.
Sách vở đẩy chúng ta ra khỏi sự lười biếng của tư duy và cảm xúc, nhưng lại dễ khiến chúng ta rơi vào sự do dự trong hành động. Anh có nhận thấy điều này ở mình không?
Không, tôi sống rất cân bằng, sách vở không có những tác động tiêu cực lên tôi. Từ việc đọc như một sở thích giờ đã trở thành cần thiết. Lúc nào tôi cũng phải đọc. Thời gian không đọc tôi thấy mình trống rỗng, khô cạn. Đọc làm đầy năng lượng trong tôi.
Đùa vui một tí, anh “bị” như thế lâu chưa?
Tôi ham đọc và đọc rất nhanh từ nhỏ. Thời gian đọc nhiều nhất là từ hồi học cấp II trở xuống, sau đấy đến thời tuổi trẻ  vẫn đọc nhiều  nhưng còn có những mối quan tâm khác. 5 năm trở lại đây thì đọc kha khá.
Anh duy trì việc đọc mấy tiếng một ngày? Tốc độ đọc hiện nay?
Thường ngày tôi đọc 2- 3 tiếng. Với sách văn học tiếng Việt, tôi có thể đọc từ 100- 120 trang/ giờ, sách tiếng Anh khoảng 50 trang/giờ. Với sách lịch sử, nghiên cứu thì chậm hơn.
Anh thường chọn sách theo tiêu chí nào?
Tác giả. Tôi để ý đến tác giả qua các bài viết về tác giả đó, và nếu thích, sẽ theo đuổi mãi. Trong những năm gần đây, năm nào tôi cũng tìm ra được một tác giả yêu thích.  Ví dụ năm thì  Paul Auster,  tôi đọc cả chục cuốn của ông. Năm thì Orhan Pamuk, 7 cuốn. Roberto Bolano, 5 – 7 cuốn liên tục. Năm ngoái tôi đọc Yukio Mishima. Mỗi thời gian tôi tìm một tác giả và say sưa với họ. Năm nay tôi đang muốn tìm một số tác giả của Đông Âu.
Nếu có thể trở thành một nhân vật trong văn học, anh muốn trở thành ai?
Goldmund , trong tác phẩm Nhà khổ hạnh và gã lang thang của Hermann Hesse. Tôi mong  muốn trở thành anh ta, vì đó là phần mình thiếu (thực ra tôi giống anh bạn thầy tu Narziss hơn). Tôi muốn mà không đồng nhất về quan niệm cuộc đời với Goldmund. Tôi hâm mộ anh ta ở kiểu sống lang bạt và khả năng chinh phục phụ nữ!
Nếu có thể lấy làm vợ một nhân vật trong văn học, anh sẽ hỏi cưới ai?
Không, không có ai.
Anh có thể yêu và chung sống với một phụ nữ không màng gì đến văn chương sách vở không?
Chắc là không.
Ai sẽ hấp dẫn anh, một cô thật xinh hay một cô chăm đọc sách?
Một cô gái có tâm hồn.
Nhật Chiêu cho rằng, đọc tiểu thuyết “gần với ái ân”. Anh nghiện tiểu thuyết, anh giải thích giúp tôi được không?
Đọc sách làm ta sướng nhưng cũng có thể làm ta đau. Chị tự luận ra phần còn lại nhé.
Bạn đọc có thể giao tiếp với anh qua kênh nào?
Qua blog của tôi, “bloggoldmund.blogspot.com”. Đây gần như là một blog chuyên về sách vở và những người chơi trong ấy cũng toàn là mọt sách.

Hải Miên (thực hiện)

Không có nhận xét nào: