Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

Những người Huế mặc áo dài


Như một mặc định của thời gian khi Huế là kinh đô của cả nước và nơi đây cũng là kinh đô của những chiếc áo dài. Vì vậy con gái Huế được làm quen với tà áo dài rất sớm. Bởi khi mới sinh ra đã thấy mẹ, thấy bà, thấy những người phụ nữ chung quanh khoác trên mình chiếc áo dài.

Tôi lên ba tuổi mới lẩm chẩm biết đi đã được mẹ may cho bộ áo dài lụa. Cứ thế mỗi năm tôi đều có bộ áo dài mới. Đến khi vào trung học, bộ áo dài trắng của cô Nữ sinh Đồng Khánh luôn làm tôi hãnh diện. Ngày nay áo dài được cách tân mang lại cho người phụ nữ dáng dấp trẻ trung, khoe được vẻ đẹp của cơ thể, tuy nhiên mặc chiếc áo đó người phụ nữ khó có thể xoay xở, khó thao tác như mặc chiếc áo dài ngày xưa.


Tôi rất ghiền áo dài. Có lẽ khi khoác lên người chiếc áo dài ấy, tôi đã khác tôi trước đó. Tôi ngắm tôi trong tà áo của những người chung quanh và thầm nghĩ chiếc áo dài đang làm tôi đẹp lên. Không những tôi thích mặc áo dài mà với 5 người con gái của tôi hiện sống ở nước ngoài, tôi vẫn khuyến khích các con mặc áo dài những khi có lễ hoặc vào dịp Tết Nguyên đán. Những người tôi quen biết như bà Khánh Nam, nhà văn Trần Thùy Mai, giáo sư Thái Kim Lan… hình như cũng đồng hoàn cảnh ghiền áo dài nên thấy họ là thấy tà áo của họ phất phơ trong gió.

Bà Khánh Nam
Người mặc áo dài tạo cho tôi nhiều ấn tượng đó là bà Khánh Nam ở Lạc Tịnh viên. Năm 1996 tôi đi cùng đoàn khách du lịch đa phần là người Âu Mỹ đến tham quan ngôi nhà cổ này. Khi bà Khánh Nam trong chiếc áo dài thướt tha xuất hiện thật trang nhã khiến cả đoàn khách tây ta gì đều trầm trồ. Tôi đã xấu hổ khi mình là người Viêt lại không mặc áo dài mà diện bộ jeans. Sau đó có vài người bạn của tôi ra chợ Đông Ba tìm cho được lụa màu vàng chanh y đúc áo của bà quận chúa này để mua. Tôi cũng không ngoại lệ. Rõ thấy hiệu ứng của người đẹp với chiếc áo dài đẹp quả có sức quyến rũ lạ kỳ.

Tôi còn trở lại Lạc Tịnh viên khá nhiều lần. Tôi khám phá được một điều thú vị là người phụ nữ hoàng tộc này luôn thường trực chiếc áo dài trên người, gặp bà là thấy chiếc áo dài. Hình như nếu chưa mặc kịp bà sẽ không tiếp khách. Tác phong đó làm tôi nhớ đến cô Xuân Yến từng làm Hiệu trưởng Đồng Khánh. Cô Yến có thói quen khi xuất hiện trước người khác là phải mặc áo dài, trang điểm chu đáo. Phong cách ăn mặc của bà Khánh Nam thật đẹp, thật tao nhã. Tôi dùng từ tao nhã để chỉ chiếc áo dài bà Khánh Nam đang khoác trên người. Vì bản thân tôi đã đôi lần nghe người ta bảo chiếc áo dài Việt Nam khá sexy. Hai điều đối lập này xuất hiện trong cùng chủ thể áo dài cũng không mâu thuẫn lắm đâu. Lý do đơn giản rằng có sexy hay tao nhã đều do chủ nhân chiếc áo tự tạo phong cách. Như bà Khánh Nam mặc áo dài màu lam, màu hoàng yến, cắt may kín đáo thì làm sao chiếc áo đó có thể tạo cho người đối diện sự tò mò. Có chăng trong đầu óc họ chỉ có sự ngưỡng mộ, tôn trọng. Có lẽ khi may áo dài, người đặt may cùng người cắt may cũng không nên quá đà để biến dạng chiếc áo vốn mang đặc trưng là nét tinh hoa của dân tộc.

Giáo sư Thái Kim Lan
Nếu bà Khánh Nam nền nã, quý phái thì giáo sư Thái Kim Lan lại phá cách tìm về dáng xưa. Chiếc áo dài chị mặc với phong cách cổ điển trong cách viền hoặc xẻ tà với gam màu tím trông chị thật trẻ trung. Chiếc áo thì xưa như quả đất mà Kim Lan thì tinh khôi hình ảnh của cô gái Huế. Hình như nữ tiến sĩ triết học này chuộng hai màu trắng và tím, đặc biệt khi mặc áo dài chị lại đội thêm chiếc nón lá. Khó ai biết chị đã đi qua một vòng tuần hoàn trời đất, có lẽ chiếc áo dài đã giữ cho chị mãi thanh xuân. Năm 2000 gặp chị ở buổi gặp mặt cựu Nữ sinh Đồng Khánh, trong chiếc áo dài màu trắng chị đã múa. Có lẽ là lúc tôi thấy Thái Kim Lan đẹp nhất.

Quen biết với nhà văn Trần Thùy Mai đã lâu, thỉnh thoảng mới thấy Thùy Mai mặc áo dài. Mỗi lần như thế tôi lại thầm quan sát. Điều làm tôi thích nhất ở nữ nhà văn này là cách chọn màu áo và họa tiết trên chiếc áo. Hầu như Thùy Mai hay mặc áo lụa Hà Đông. Đúng là khi nhìn chợt thấy mát lạ. Nét đặc biệt trong chiếc áo của Thùy Mai là màu áo đậm như màu mận chín hay màu gỗ gõ, có họa tiết khi là chiếc trống đồng, khi là những lát cắt rất tinh tế và lạ mắt. Áo dài của Thùy Mai mang đầy đủ phong cách tân thời như ôm sát người, tay raglan và dài chấm gót. Nhờ vậy khi nữ văn sỹ bước đi, trông uyển chuyển, mềm mại ghê lắm! Có lẽ do đặc trưng công việc nên Trần Thùy Mai ít mặc áo dài nhưng khi mặc thì lắm kẻ ngoái nhìn.

Nhà văn Trần Thùy Mai
Nhà văn nữ nổi tiếng này tâm sự với tôi: “Người ta hay ca tụng chiếc áo dài trên bục giảng, trên đường phố, trong các dịp lễ hội. Nhưng chưa ai nói đến chiếc áo dài khi ra quốc tế”. Có lẽ do chiếc áo dài buộc người phụ nữ phải ý tứ, khép nép khi khoác nó trên người nên khi ra thế giới phần nào bị hạn chế. Hãy để tự thân chiếc áo dài có đời sống riêng phù hợp như sống giữa xứ sở của chiếc áo đầm Âu Mỹ thì người phụ nữ Việt Nam vẫn chọn chiếc áo dài khi ra đường hay gặp nhau. Không phải họ hoài cổ mà chiếc áo dài trở nên một phần đời không thể thiếu và trên hết họ chọn áo dài để phô diễn những gì thuộc về cái đẹp. Cũng như ngày nay, thế hệ trẻ vẫn đang quay về với chiếc áo dài đó thôi. Không hiểu tôi có thần tượng chiếc áo dài Huế quá không khi khẳng định rằng chiếc áo đã tôn vinh nhiều nét đẹp của những người bạn Huế của tôi. Họ luôn đẹp hơn khi mặc áo dài và từ họ, chiếc áo dài được lắm người ngưỡng mộ.

Tình cờ tôi đọc bài viết của nhà văn Trần Mạnh Hảo về chiếc áo dài trong đó có câu “Khi chảy qua Hà Nội, sông Hồng mặc áo dài đi tết biển Đông” nghe mà thấy lịm cả người. Tôi đã từng thấy Tôn Nữ Giáng Tiên mặc áo dài. Có lẽ chiếc áo dài từ người vợ hoàng phái đã giúp anh có những câu thơ hay thế chăng?. Dẫu gì thì bây giờ người ta mặc áo dài đã bắt đầu nhiều hơn. Cứ mỗi dịp hội hè là thấy áo dài trong gió tung bay. Như 95 năm Đồng Khánh vào tháng 3 năm 2012 nhiều lắm những tà áo tím. Và tôi thấy đâu đó màu áo của bà Khánh Nam, Thái Kim Lan, Trần Thùy Mai những cựu nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa. Tôi mơ ước được cùng họ mặc áo dài đi tết quê hương.

Võ Ngọc Lan

Không có nhận xét nào: