Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Gia phong xứ Nghệ



Có những dòng tộc xứ Nghệ được người đời nhìn vào một cách ngưỡng mộ và đem lại sự hãnh diện không chỉ cho con cháu mà còn cho tất cả đồng hương, như họ Nguyễn Tiên Điền ở Nghi Xuân, họ Nguyễn Trường Lưu ở Can Lộc, họ Cao Xuân ở Diễn Châu… Ở đó nói chuyện gia phong thật dễ. Nhưng gia phong có lẽ cần được nhìn rộng hơn như một nếp sống chung cho nhiều dòng họ, càng rộng hơn, cho cả một vùng…

Xin cho phép tôi đi vào ký ức bản thân với một ít rào đón. Bởi bản thân tôi không có gì đặc biệt và dòng họ nhà tôi cũng không có gì đặc biệt; chỉ có điều tôi là người Hà Tĩnh, trong tên gọi chung Nghệ Tĩnh, và gọi tắt là xứ Nghệ, nên có lẽ cũng được cảm nhiễm chút ít “gia phong xứ Nghệ” chăng, nếu như gia phong cho một vùng là có?

Ông bà nội tôi có 10 người con. Nhưng chỉ 2 người được học hành. Một là người bác trai thứ 3, có vốn chữ Hán nhất định và có tài xem tướng số. Nghe nói bác đã có vài lần trẩy Kinh xem số cho Bảo Đại. Những người được bác xem số đều rất đúng. Tôi và hai người anh họ cùng tuổi, con của các bác đều có lá số từ bé, và sự tiên đoán tương lai của cả ba xem ra rất nghiệm. Còn chính bác, bác biết trước mệnh của mình: chết đường (tức là chết xa nhà) ở tuổi 58.

Sau bác trai thứ 3, chỉ bố tôi – con út – thứ 10, là được học hành, một ít chữ Hán và nhỉnh hơn là chữ Pháp, rồi được bổ làm hương sư ở Thanh Hóa. Chỉ là hương sư thôi, thế mà ông cũng lần lượt đưa được dăm cháu trai con các ông anh đi cùng, cho theo học, mỗi đứa một hai năm ở xứ Thanh. Có học nên ông rất chăm mượn sách cho con đọc, rất chăm cho sự học của con. Chăm một cách tự nhiên, chứ không gò bó, không đe nẹt, roi vọt theo lối nhà Nho. Còn việc cày cấy, chợ búa, ăn mặc, sinh hoạt trăm sự đều để mẹ lo; mẹ – con một nhà Nho có nhiều học trò trong vùng, thế mà lại rất biết chịu khó, chịu khổ để nuôi chồng, nuôi con. Còn bố tôi dẫu chỉ là hương sư, mà vẫn không động đến bất cứ công việc lao động chân tay nào. Trong con mắt của người làng, ông như thuộc tầng lớp khác.

Từ khi lên Cấp 2, học trường huyện, tôi phải đi – về hàng ngày hàng chục cây số vào ban đêm. Lên Cấp 3, vào trường tỉnh, phải ở trọ, mỗi tuần đi bộ 5 – 6 chục cây số về nhà để mang theo gạo muối. Ngày ra Hà Nội ứng thí Đại học, bố tôi đưa tiễn con hơn 10 cây số đến bến ca nô Đức Thọ để ra Vinh. Từ đây, tôi xa gia đình, một mình xoay trở, giải quyết mọi việc trên đường ghé Vinh, rồi ra Hà Nội; ở Hà Nội tự lo chuyện thi cử, rồi chờ đợi cho đến khi biết trúng tuyển và nhận giấy nhập học…

Mãi cho đến sau này tôi mới giật mình với cái lá số được bác tôi xem. Và rùng mình bởi cái sự kiện, nếu trong những ngày Cải cách ruộng đất, nhà tôi, nếu đúng là “phú nông”, “giàu có” hơn một chút – tức là có gạo thóc dự trữ, có án thư câu đối, có mâm thau nồi đồng, chứ chưa nói đến nhà ngói cây mít, tủ chè, sập gụ…; và bố tôi không bằng mọi giá đưa tôi từ Hương Sơn vào Cẩm Xuyên – nơi ông dạy học, để trốn những cuộc đấu tố mà tôi đã phải dự một phần thì đã chắc gì tôi có thể dễ dàng rời quê mà đi như vậy.

Và nếu tôi không rời quê, thì chắc chắn số phận tôi bây giờ đã khác.

Không biết có dấu hiệu gì đó thuộc “gia phong” chăng, nằm trong cái vốn học vấn thấp thoáng mà cả một đại gia đình 10 người con, trong đó 8 người phải nhường nhịn cho 2 người được hưởng? Nằm ở cái ham không làm giàu theo lối chạy theo phẩm hàm, hoặc theo lối trọc phú, mà là ham chăm lo cho sự học? Và cái điều tâm niệm của bố là phải trang bị và tranh thủ mọi điều kiện cho con rời quê; một tâm niệm ông nén kín trong lòng, nhưng tôi biết là ông rất nung nấu, và kiên quyết thực hiện cho bằng được. Bắt đầu từ tôi, rồi đến các em tôi.

Như vậy là chỉ qua một chút bản thân mà tôi chợt hiểu thân phận, hành trình và hành trang của những ông “đồ Nghệ” trong lịch sử; hiểu câu thơ của Xuân Diệu: Cha đàng ngoài mẹ ở đàng trong/ Ông đồ Nghệ đeo khăn gói đỏ; hiểu vì sao những ông đồ Nghệ có mặt ở khắp nơi.

Trở lại chuyện lần đầu tiên tôi xa nhà. Tiếc là cái lúc quyết định “số phận” tôi – lúc nhận giấy gọi vào Đại học – tôi không được chứng kiến niềm vui của bố khi biết tôi không phải lộn trở về làng. Nhưng tôi hiểu là ông hồi hộp lắm, và niềm vui trong ông là tràn ngập qua những lá thư ông viết rất đều và rất dài hàng tháng cho tôi, và sau này, cho các cháu nội của ông ở Hà Nội. Chăm lo cho sự học của con và tạo một khởi động quyết liệt cho đứa con đầu, đó là công của người cha. Rồi sau đó như một cuộc chạy tiếp sức, người anh sẽ thay mặt cha mà lo cho đàn em, lần lượt đứa nọ đến đứa kia. Tôi muốn nhìn hiện tượng đó như một thứ gia phong xứ Nghệ, một truyền thống có phần nổi đậm hơn nhiều nơi. Truyền thống đó, cách chăm lo đó, tôi thấy có ở nhiều bậc đàn anh và bè bạn đồng nghiệp cùng quê xứ Nghệ. Qua tôi, tôi hiểu họ; và qua họ tôi cũng có dịp hiểu tôi hơn…
 
Người Nghệ xa quê, nhưng vẫn không lỏng lẻo chút nào mối liên hệ gia đình, gia tộc, dòng họ, bởi sự “dắt díu” nhau như trên. Thú biết bao, trong văn chương, đến Nguyễn Minh Châu bỗng có một vài truyện phảng phất nét sống này của người xứ Nghệ như Giao thừa, Khách ở quê ra… Một khám phá rất tự nhiên; và nếu là người Nghệ Tĩnh đọc Nguyễn Minh Châu thì có thể sẽ còn tủm tỉm cười một mình. Ở đâu cũng thế, Hà Nội hoặc Sài Gòn, các hộ dân xứ Nghệ nào cũng đông khách, gồm chú bác, o (cô) dì, cậu mự (mợ), anh em, con cháu từ gần đến xa, cả những người “đồng hương”. Cứ nhìn cái thông báo mời dự họp “đồng hương” gồm cả tỉnh, huyện và xã vào dịp đầu năm thì rõ điều này. Mà “đồng hương” xứ Nghệ thì đâu mà không có, và cũng dễ nhận dạng lắm: nói to, cười to, âm giọng rất nặng; chỉ vài người đủ náo động cả xóm…
Nhất thiết phải rời quê – lập nghiệp ở nơi khác, và mang theo tất cả nếp sống quen thuộc của đất quê. Tất nhiên đây chỉ là ước ao, là mong mỏi; còn việc có thực hiện được hay không lại cần rất nhiều điều kiện mà không phải ai cũng có, khiến cho đã gọi là người xứ Nghệ thì tuyệt đại đa số phải sống trên… đất Nghệ. Nhưng rời quê rồi mà lòng không lúc nào không nguôi nhớ đất quê. Đó cũng là một nét tâm lý của người Nghệ. Mỗi năm vào dịp giỗ chạp, Tết nhất, cái gia đình “tha hương” gồm cả bố mẹ, anh em, con cháu lại dắt díu nhau về quê, khiến cho các chuyến tàu về Vinh gần như đông chật và mất trật tự hơn cả. Về quê như là cái đích kết thúc của một năm, dẫu vất vả đường sá, tàu xe; bất chấp nguy hiểm của chiến tranh. Nỗi niềm quê hương quả chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong tài khoản tình cảm của người xứ Nghệ. Khiến cho, với tôi, những Câu hò trên đất Nghệ An, Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ… mỗi lần nghe cứ như có một lưu luyến, một ngân nga riêng.

Thơ Huy Cận trong Lửa thiêng trước Cách mạng có nhiều bài hay. Một trong những bài thường ít được tuyển, và do đó cũng ít được biết, nhưng lại in rất sâu trong bộ nhớ của tôi, đó là bài Em về nhà, bởi trong đó có hình ảnh Em:
Thôi, sáng hung rồi; em hãy đi
Tự nhiên em nhé; chớ buồn chi
Suốt ngày nhắc nhở em từng phút
Anh đoán thuyền em đến bến gì?

Em – như biết bao người thương của tôi ở tuổi ấu thơ. Và cũng biết bao là bến trên dọc dài Ngàn Sâu, Ngàn Phố trước khi hội vào Sông La ở ngã ba Linh Cảm. Và nhất là 4 câu thơ gợi nhớ bến Tam Sa. Đứng ở bên này Linh Cảm nhìn sang bên kia sông thì phía trái xa mờ nơi chân núi Mồng Ác là xã Ân Phú (trước thuộc huyện Đức Thọ, nay thuộc huyện Vũ Quang), quê của Huy Cận. Còn trước mặt, gần hơn, xoãi theo chân núi Mồng Gà là xã Đôn Mỹ, rồi Mỹ Long, nay là xã Sơn Trà (huyện Hương Sơn) – quê nghèo của tôi:
Tới ngã ba sông, nước bốn bề
Nửa chiều gà lạ gáy bên đê
Làng xa lặng lẽ theo tre trúc
Bến cũ thuyền em sắp ghé về.

Những lần về quê, tôi thường cùng vợ con dừng lại bên này Linh Cảm, dầm chân rất lâu vào dòng nước mát sông La, nhìn toàn cảnh quan ngã ba sông, trước khi qua đò, rồi đi nốt chặng đường đồng để vào tận cái xóm nép sâu chân núi, có cái tên lạ – xóm Ri.
*
*    *
Xứ Nghệ “non xanh nước biếc như tranh họa đồ” – đó là chuyện trong thơ. Còn tôi, tôi cảm nhận đến tận da thịt sự khắc nghiệt của thời tiết, và cái nghèo, thiếu của đời sống. Do vậy mà sự cần kiệm, sức chịu đựng và tính lo xa gần như thành tính cách của con người và nếp nhà dân xứ Nghệ. Có thể gọi đó là một nét của gia phong chăng?

Đọc Hàn nho phong vị phú của Nguyễn Công Trứ, tôi thấy sau cái trào lộng của ông đồ trẻ đang miệt mài kinh sử là cái thực đến trần trụi, xót đắng trong cảnh nghèo của người xứ Nghệ – một cái nghèo như là gia truyền, và lưu niên trong lịch sử. “Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch…”. “ấm trà góp lá bàng lá vối pha mùi chát chát chua chua. Miếng trầu têm vỏ mận vỏ già buồn miệng nhai nhai nhổ nhổ…”. Cái nghèo của nhà Nho Uy Viễn, huyện Nghi Xuân dường như cứ thế đi suốt đến thế hệ tôi, trong khoảng cách hơn 100 năm…
Nghèo, thiếu nên phải cần kiệm, lo xa. Chuyện cá gỗ là chuyện của người xứ Nghệ trong lịch sử như đã được Trương Vĩnh Ký ghi lại dưới tên truyện Cá rô cây, in trong Chuyện khôi hài năm 1882. Theo thời gian, còn có thêm những chuyện khác của thời hiện đại. Người Nam bộ kiếm được 8 đồng thì tiêu xoẳn cả, thậm chí còn vay thêm để tiêu. Còn người xứ Nghệ thì không những không tiêu mà còn phải kiếm thêm 2 đồng cho chẵn 10 đồng để bỏ ống. Cần kiệm đến thế mà cũng rất ít người biết thế nào là giàu, làm gì có chuyện “công tử Bạc Liêu” ở đây! Phải lo xa bởi cuộc sống quá nghèo thiếu và bởi những bất trắc, hiểm họa luôn rình rập. Những bất trắc và hiểm họa, không chỉ đến từ thiên nhiên, ở xứ Nghệ dường như nhiều và gay gắt hơn mọi nơi.

Trở lên tôi nói những chuyện hôm nay nghe cứ như là chuyện đời xưa. Bởi đó là những gì đã thành nếp – nếp sống, nếp nghĩ trong từng người, từng nhà từ xửa xưa cho đến thời của ông bà, rồi bố mẹ tôi và tôi. Những nếp sống, nếp nghĩ mà tôi ghi tản mạn theo lối hồi ức, kỷ niệm, chứ không có chủ ý đúc kết thành lý luận rồi sẽ nhạt dần chính trong đám con cháu xa gần của tôi hôm nay, dẫu khi ghi sinh quán, chính quán trên giấy khai sinh chúng vẫn là người của quê cha, quê ông: Hương Sơn – Hà Tĩnh.

GS Phong Lê

Không có nhận xét nào: