Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Nhà thơ của sự thiếu hụt

Thế là đã sắp 5 năm trôi qua kể từ ngày nhà thơ Phạm Tiến Duật đi vào cõi vĩnh hằng. Ngày giỗ lần thứ 5 của anh sẽ là ngày 4/12 tới. Và với tôi, một người đi sau, lại thêm một lần không thể cầm được nước mắt. Không bao giờ dám nhận là người gần gụi với anh nhưng cũng đã có không ít kỷ niệm với nhà thơ của “Không có kính không phải vì xe không có kính”, tôi đã thấy anh như một thi sĩ tài cao nhưng lại luôn thân làm tội đời. Danh vọng lớn nhưng ở đám đông trông anh bao giờ cũng có vẻ cô đơn và tồi tội…
Tôi nhớ lần đầu gặp anh cách đây gần ba chục năm. Khi đó tôi đang trong kỳ nghỉ phép từ Liên Xô về Hà Nội, tới tòa soạn Báo Văn nghệ tìm anh để cảm ơn việc anh đã tìm trong đống bản thảo lai cảo “hằng hà sa số” ra đúng bài thơ Hoa cúc mùa thu của tôi để in. Thời đó, được in một bài thơ trên Báo Văn nghệ quả thực là một sự kiện trọng đại trong đời người mới cầm bút. Anh đã tiếp tôi rất thân mật, không có vẻ gì xa cách mặc dù trước đó chưa bao giờ biết tôi. Rồi hai anh em ra ngồi ngoài vỉa hè, vừa ăn kẹo lạc, uống rượu suông và đọc thơ cho nhau nghe.
Tôi rất ấn tượng với hai bài thơ Thưa ông Đội Cấn và Cô áo đỏ mà anh đọc. Chao ôi, bao nhiêu si tình và bao nhiêu  dại khờ trong đó! Và cũng ngạo nghễ lắm, ngang tàng lắm, ngỡ như trần gian chỉ toàn những Phạm Thái thời nay! Rồi anh tặng tôi tấm chân dung của anh, ảnh đen trắng, nhỏ như ảnh các minh tinh của phim Trên từng cây số vẫn được bán rộng rãi ở các hiệu sách Hà Nội lúc đó, những Đêanốp và Bômbốp. Bức chân dung ấy tới bây giờ tôi vẫn giữ, dù đã ngả màu rồi nhưng vẫn dễ thương và dịu dàng biết mấy. Ảnh chụp anh nghiêng, tóc dài…
Vài hôm sau, khi mời anh đến chơi nhà tôi, tôi mới biết rằng, hóa ra anh đã là tân binh trong đơn vị mà bố tôi từng làm tham mưu trưởng. Tôi nhớ, khi anh ra về, bố tôi, lúc đó vẫn một sĩ quan cao cấp đương chức của quân đội, nói với tôi, nếu mà như ngày xưa thì thấy Duật để tóc dài như thế, bố tôi đã kỷ luật rồi… Sau này, tôi đã làm những việc còn “tệ” hơn để tóc dài, vậy mà bố tôi vẫn không “kỷ luật” tôi mà lại còn thương tôi hơn. Thế mới biết, dao sắc không gọt được chuôi!
Từ thuở đó, anh Duật đã là chỗ bằng hữu vong niên thân thiết với tôi, mặc dù không phải lúc nào anh em cũng gần gụi được với nhau. Những lần đọc thơ, cùng dẫn chương trình trên truyền hình, những cuộc uống rượu… Rồi trong giai đoạn cuối đời, khi anh lâm trọng bệnh… Khi chứng kiến anh nằm trong phòng cấp cứu của Viện 108, ngày 29/11/2007, trong tôi đã vang lên những câu thơ như tâm sự cuối cùng của “nòi thi sĩ”:
Nếu tôi chết, sẽ một mình lặng lẽ,
Chỉ có con trai tôi được tới bên tôi.
Con sẽ thấy, đời cha đông đúc thế,
Nhưng cuối cùng, cát bụi bồ côi…
Nếu tôi chết, bao nhiêu mỹ nữ,
Xin đừng ai tìm tới bên tôi.
Đã đắm đuối những câu thơ bốc lửa,
Xem làm gì lúc tôi thở chẳng còn hơi…
Nếu tôi chết, những trang tôi đã viết
Sẽ bùng lên sưởi ấm mọi tâm hồn.
Ngay cả lúc nhà thơ không còn nữa,
Cũng tự đốt mình cho đời bớt cô đơn…

Và hôm nay, trước ngày giỗ thứ 5 của “thi sĩ Trường Sơn” Phạm Tiến Duật, xin được thêm một lần chia  sẻ những gì mà chúng tôi đã từng tâm sự cùng anh…
Vẫn còn rất nhiều điều mà công chúng chưa biết về Phạm Tiến Duật, như một nhà thơ và như một con người bình thường, ở ngay giữa đồng bào của mình. Hôm nay chúng ta sẽ trò chuyện về những điều chưa biết ấy, anh có vui lòng không?
Nhà thơ Phạm Tiến Duật: Nói chưa biết thì không đúng. Nhưng có thể xác nhận lại những điểm gì mà Duật cho rằng quan trọng nhất trong cuộc đời của Duật.

Có cảm giác là anh cũng nghĩ rằng, ở một thời điểm nào đấy, ở một số giai đoạn nào đấy, trên một số phương diện nào đấy, anh đã từng bị hiểu không đúng, bị hiểu sai?
- Cũng có thể là như thế, có thể là như vậy. Nhưng cái điều quan trọng hàng đầu đối với Phạm Tiến Duật là thế này này: có thể nói là môi trường bộ đội, suốt từ bé đến lớn, đấy là điều ảnh hưởng quan trọng nhất đến Phạm Tiến Duật, nếu nói ngắn gọn một câu. Tại sao là thế? Tại vì hồi bé Duật tản cư vào vùng giáp giới giữa Thanh Ba và Ấm Thượng của tỉnh Phú Thọ. Ấm Thượng là nơi trú đóng của Hội Văn nghệ Việt Nam và Thanh Ba là chỗ đóng quân của Sư đoàn 308 và Sư đoàn 312, tức là Đại đoàn Quân Tiên phong và Đại đoàn Đồng bằng. Và ngay thuở bé Duật đã được các chú bộ đội bế rồi. Bộ đội ở ngay trong nhà Duật. Mẹ đẻ của Duật là Chủ tịch Hội Mẹ chiến sĩ, cụ nuôi bộ đội và tổ chức việc nuôi bộ đội. Có lẽ vì đó là 2 sư đoàn rất quan trọng và vì Hội Văn nghệ đóng ở ngay kề gần cho nên những đoàn văn công Trung Quốc, những cán bộ văn hoá văn nghệ của Trung Quốc hay những chuyên gia Nhật đều đến làng cả. Và những bài hát đầu tiên của các nhạc sĩ họ thử nghiệm với văn công của 2 sư đoàn đó thì họ hát họ tập đều với trẻ con. Cho đến mức bây giờ mà Duật có thể hát những bài mà không còn ai nhớ được, chỉ có những nhạc sĩ họ viết bài đó thì họ mới sực nhớ ra là có viết bài đó thôi, chứ còn những người khác có lẽ người ta cũng đã quên đi… Đây không phải là mình nói với báo chí mà như là nói với những người em: cái đó nó đã thấm vào hồn… Cái thằng trẻ con năm bảy tuổi mà được dạy ngay từ bé, nó lưu dấu hoàn toàn cả một thời như thế. Sau này cố nhiên thì không ai hát những bài như thế nữa, đương nhiên rồi, lịch sử nó đã trôi qua rồi mà. Nói thế để thấy cái thuở bé mình đã được sống trong môi trường như thế nào, một môi trường mang đậm tính quân đội. Và bài thơ đầu tiên mình viết là “Xuân tới xuân tàn, em là một thiếu nhi làng/ Chúc anh mạnh giỏi đấu tranh/ Giết quân xâm lược để giành tự do”. Bài thơ đầu tiên trong đời mình đã viết cho bộ đội.

- Có thể hiểu đấy là một môi trường văn hoá đã in hằn dấu ấn sâu đậm nhất vào tâm hồn Phạm Tiến Duật và thực ra những ấn tượng ban đầu nó sẽ theo mình suốt đời và nó sẽ quy định cái hành vi ứng xử sau này của mình…
- Con người ta có hai thời kỳ trong chặng đường phát triển. Một, tôi gọi là thời kỳ cơm sôi và thời kỳ thứ 2, tôi gọi là cơm chín. Cái thời kỳ cơm sôi là lúc 5-7 tuổi, nó quyết định cá tính, ý thức, mọi lĩnh vực, quan trọng lắm. Còn lúc đi học hết từ phổ thông đến đại học là lúc cơm chín rồi. Cơm sôi có lẽ là phần mặc cảm sâu xa mà con người không biết được. Lúc 5-7 tuổi ta sống ở đâu thì có thể là vùng đất ấy nó theo  ta suốt đời… Từ vùng quê ấy lớn lên, học xong thì tôi đã đi vào, lao vào cuộc chiến tranh, theo quân đội suốt.

Anh bắt đầu ở trong quân đội với vai trò là người thầy giáo? Anh học xong sư phạm đúng không?
- Học xong sư phạm Toán. Rồi tôi vào bộ đội nhưng không phải là vào Đoàn 559 ở Trường Sơn ngay đâu, mà đã là pháo thủ số 4 pháo cao xạ ở Tiểu đoàn 24 pháo cao xạ Tây Bắc…

Cảm giác đầu tiên khi anh vào bộ đội như thế nào? Anh có cảm thấy khó khăn gì không khi hoà nhập?
- Khó khăn. Khó khăn là ở cái hồi trong bộ đội ở Trung đoàn 225, tôi đã từng “vấp” một vụ rồi, bị kiểm điểm. Hồi đó là mình lính hoàn toàn, cứ đến giờ ngủ phải ngủ thôi, cứ keng keng keng là phải ngủ. Một lần, đồng chí chính trị viên bắt được mình che ánh sáng đọc sách. Nói chung, đọc sách thì tốt nhưng  khổ một nỗi là lúc ấy mình lại đọc Kinh Thánh… Bây giờ việc đó là việc quá bình thường, nhưng hồi đấy trong quân ngũ, thế là vi phạm kỷ luật. Giờ ngủ mà anh không ngủ là vi phạm kỷ luật!… Rồi còn chuyện này nữa. Khi Duật được giải thưởng thơ rồi, đồng chí Võ Nguyên Giáp điện thoại vào Trường Sơn cho cho đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, nói là  nên xuống chăm sóc Duật một tý… Lúc đó thế nào là chăm sóc? Thì làm cho một cái phòng riêng và mắc điện, mà quy định từ thượng tá trở lên mới được mắc điện. Lúc đó đến cấp trung tá cũng không có điện, cấp thiếu tá lại càng không có điện, nhưng đồng chí Duật mới cấp thượng sĩ lại có điện, có một phòng riêng, mà phòng đẹp hơn bất kỳ ai, vì nhà được lát gỗ. Tư lệnh đã ra lệnh rồi mà, ngoài Bộ điện vào bảo chăm sóc nên Duật mới được như thế. Thành ra Duật cũng bị người này người kia ghen tị, tìm cách gây khó khăn…

Anh còn nhớ và có thể kể lại tình huống lúc anh được giải thưởng thơ của Báo Văn nghệ không?
- Dạo đó, mình đang ở một nơi thuộc huyện Ăng Khăm, tỉnh Khăm Muội; Bộ Tư lệnh 559 mỗi một năm di chuyển tới mấy nơi. Hôm ấy, tôi nhớ là cánh rừng gió kinh khủng, gió ghê gớm, gió ào ạt. Duật đang ngồi với một nhóm bạn ấy thì có người gọi: “Duật ơi! Lên nghe đài”. Giữa rừng chỉ có độc một cái radio thôi. Lúc mình lên thì nghe thấy ông Hoài Thanh đang đọc cái bài phát biểu của ông ấy lúc trao giải thưởng, nhắc rất nhiều đến Phạm Tiến Duật. Mọi người nói rằng, đoạn trên thì họ nói xong rồi, có nghe họ nói là anh được giải nhất. Thế thì biết vậy!

- Sau đấy anh có nhận được giải thưởng gửi vào không?
- Không. Sau đó thì mọi việc nó trôi đi thôi, chiến tranh mà. Lúc quay về Ghép thì Báo Văn nghệ có tổ chức trao giải trở lại. Thì cái giải nhất ấy là được giải thưởng của Trung ương Đoàn Thanh niên. Hôm đó có mời đại diện Trung ương Đoàn này, mời ban giám khảo có Hoài Thanh, có Xuân Diệu, có Chế Lan Viên đến. Trung ương Đoàn, đại diện mấy tờ báo cùng trao giải trở lại. Khi  đó mình mới từ chiến trường ra, lính  tráng gầy xanh vì sốt rét. Tôi nhớ thế này (cái này viết báo rất bất tiện, nói chuyện chơi cho vui thôi), tức là cái giải thưởng là một cái đài Orionton, không có vỏ. Lúc từ chiến trường ra, Duật chỉ ở một nơi thôi là trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Mở ngoặc một chút, Duật bao giờ cũng mang ơn Văn nghệ Quân đội, bao giờ cũng coi như là người của Văn nghệ Quân đội. Năm 1968, ông Thanh Tịnh làm trưởng đoàn cùng với ông Xuân Sách và mấy người nữa đã đi vào trong Trường Sơn để xin Duật về Văn nghệ Quân đội rồi, nhưng mà thủ trưởng không cho. Anh em ở Văn nghệ Quân đội từ đó vẫn coi Duật như người nhà và luôn để dành cho một phòng. Và Duật đã từ tòa soạnVăn nghệ Quân đội đi đến Báo Văn nghệ để nhận giải thưởng thơ, đạp một chiếc xe Vĩnh cửu cởi truồng, không có chắn xích, chắn bùn gì hết. Mình mới lái xe một tay, cái đài thì kẹp vào nách nhưng nó cứ trơn cứ tuột… Lúc trao giải xong rồi, bắt tay bắt chân rồi, phải lúc ra về thì một đồng chí ở cơ quan Trung ương Đoàn mới nói: Anh Duật ơi, có chuyện này muốn nói với anh đây, cái đài ấy để trong kho lâu quá rồi, cái loa nó hơi bị rè một tí, anh thông cảm cho, không còn cái nào khác nữa! Sau thì mang về cho mẹ nghe, mẹ dùng cái đài đó để nghe chương trình Tiếng Thơ…

Muốn gì thì cũng phải công nhận rằng, anh là một người  được chiều chuộng, bởi vì anh có tài, ngay cả tổ chức cũng chiều chuộng anh. Và như thế, sự chiều chuộng đôi khi tạo cho anh một cảm giác tự tin và viết tất cả những điều mình nghĩ. Cái đó rất là hay đối với nhà thơ, nhưng mà trong con đường hành nghề, con đường sự nghiệp thường rất khó khăn. Anh có gặp trường hợp như thế bao giờ không, có bị cái chính kiến của anh tạo ra tình huống mà bây giờ có thể nhớ lại được như một bài học, như một kỷ niệm?
 

- Nó cũng tác động đến một phần nào mặt nào thôi. Cái chính là nói chung, cái tự học, tự làm cho mình vững lại mình rất quan trọng. Suốt từ bé đến lớn đều xa nhà, đi học cấp I đã phải đi học cách nhà 5 cây rồi, cấp II xa nhà khoảng độ chục cây và cấp III thì xa nhà 20 cây v.v. Toàn xa nhà là xa nhà, cho nên nếu không tự tạo cho mình bản lĩnh thì không được. Ví dụ như bây giờ các vị chọn Duật làm Tổng Biên tập Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam thì rất là đúng. Duật tự cho là đúng, bởi vì không chỉ có văn học đâu, mà Duật tự rèn luyện tự học suốt từ bé cho đến lớn các ngành khác nữa, không chỉ riêng văn học, nghệ thuật.  Cái hồi học Đại học có chuyện rất vui mà Duật chưa nói với ai bao giờ. Hồi đó, Duật tự học bằng cách tự đặt cho mình từng tháng một, thí dụ nếu đặt tháng này là tháng Múa (cái này không ai biết cả chỉ mình mình biết) thì tháng ấy Duật đi vào Trường Múa chơi này, đi vào thư viện đọc sách về múa này, đến những chỗ nào mà những nghệ sĩ múa họ biểu diễn. Đến tháng sau là tháng Hội hoạ thì Duật vào thư viện tìm tất cả các loại sách về vẽ để đọc, đi tìm và làm quen với các hoạ sĩ để xem họ vẽ tranh, đi triển lãm, vào Trường Yết Kiêu để xem học sinh vẽ. Thì dần dần cứ lần mò, kể cả âm nhạc cũng vậy thôi. Ngay những thứ tiếng ngày xưa học hành, như tiếng Anh chẳng hạn, thì cũng là toàn tự học đấy, chứ chẳng có trường lớp gì cả, nhưng học rất chăm chỉ. Nói có thể ngọng, ngữ pháp có thể sai, nhưng mà vốn từ thì nhiều đấy. Tự học bao giờ cũng thế, đêm đêm thì lấy từ điển ra ngốn, định ra thường thường mỗi buổi tối là một tiếng đọc từ điển chẳng hạn. Tất nhiên, việc tự học đòi hỏi vất vả kinh khủng, nhưng cái điều kiện hoàn cảnh không cho phép mình khác được, hoặc là cuộc đời nó xô mình vào từng phía từng phía một, mình phải tự chọn lấy.

Nhưng mà xem ra anh rất biết thích ứng với cuộc đời, trong hoàn cảnh nào anh cũng tự tìm được chỗ nào đấy thuận lợi cho công việc của mình?
- Nhưng mà là một người rất cô đơn.

Cô đơn nó là cái kiếp của mọi nhà thơ rồi. Thực chất mà nói, những bài thơ sau giai đoạn huy hoàng của anh về Trường Sơn có sự lắng lại, và nghe nói có một sự cố xảy ra với một bài thơ của anh, bài “Vòng trắng”. Nhưng người ta chủ yếu là nghe tin đồn mà ít ai được biết cụ thể sự tình như thế nào?
- Bài thơ đó bây giờ nó không còn vấn đề nữa là bởi vì Báo Văn nghệ đã in lại ngay sau khi biên tập viên chính của tờ Tạp chí Thanh niên, anh Định Nguyễn, tên thật là anh Nguyễn Bé qua đời. Anh ấy mất và Văn nghệ đã phúng anh ấy và đăng lại bài thơ Vòng trắng. Thực ra tôi không có bài thơ nào tên là Vòng trắng cả, bài thơ này là Viết về số 0 và đấy mới đúng chứ không phải là Vòng trắng:
Khói bom lên trời thành một cái vòng đen
Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Tôi với bạn tôi đi trong yên lặng
Cái yên lặng bình thường đến sau chiến tranh
Có mất mát nào lớn bằng cái chết
Khăn tang, vòng tròn như một số không
Nhưng bạn ơi ở bên trong vòng trắng
Là cái đầu bốc lửa ở bên trong”.

Chỉ có 8 dòng. Thì để trong sổ tay và cái hồi B52 Hà Nội, cái tuần lễ B52 đó. Năm 1973, Duật ra Bắc mấy tháng, ra làm một số việc mà trong những việc đó thì anh Đồng Sĩ Nguyên có giao cho là để chuẩn bị cho việc soạn thảo Văn bia Trường Sơn nên Duật phải đi thi thu thập tài liệu của tất cả các văn bia từ trước đến giờ để anh xem, kể cả Vĩnh Lăng bi ký của Nguyễn Trãi, thu thập hết. Khi mình ra Hà Nội, anh Định Nguyễn đến thăm và bảo: Chúng tôi đang chuẩn bị làm một số báo kỷ niệm một năm tròn bom Mỹ ném Khâm Thiên, ông có bài thơ nào không? Duật bảo, chả biết, có mấy bài làm ở chiến trường. Anh ấy hỏi ở đâu thì Duật giở sổ tay sáng tác ra. Trông thấy bài thơ Viết về số 0, anh Định Nguyễn bảo, chùm này được, coi cái bài này là cái bài viếng những người chết ở Khâm Thiên. Vậy là đăng lên thôi. Thế nhưng cái số báo ra không phải là số tháng 12/1973 mà in chệch ra thành số Tháng Giêng năm 1974 nên có lẽ người ta đã hiểu khác về bài thơ.

Người đầu tiên nói với tôi là ông Đồng Sĩ Nguyên, ông bảo là, Duật ơi, hình như là Duật có một cái tai nạn nghề nghiệp rồi, có nghe một ai bên Phủ Thủ tướng nói rằng Duật có làm bài gì “khó khăn” lắm, nhưng mà tôi không biết. Sau đó thì anh Bảo Định Giang là người đang trực ở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật bảo, anh Tố Hữu có nhắn là Duật lên gặp anh ấy. Tôi lên gặp thì anh Tố Hữu nói chuyện rất là nhiều, rất là dài, về tình hình quốc tế, trong nước, về tình hình quân sự, so sánh lực lượng giữa ta và Mỹ, về triển vọng cuộc chiến. Thế là tôi bảo: Anh ơi, thấy anh Giang bảo là anh gặp tôi vì một bài thơ nào đó, mà hình như là có tai nạn gì đó, chứ không phải là chúng ta nói chuyện tình hình quốc tế hay là trong nước. Thì lúc bấy giờ anh Tố Hữu bảo là: À thế là hoá ra thật à! Thì hoá ra là một ông tiền đạo rất là giỏi của Việt Nam thế mà nay lại đá thủng lưới nhà à? Thủng lưới nhà rồi! Nhưng mà trong đầu tôi ngờ rằng cho đến giờ phút đó Tố Hữu chưa chắc đã đọc bài đấy. Tôi đoán rằng có lẽ ông mới được nghe ai đó tóm tắt cái ý của bài thơ cho ông ấy nghe, chứ ông ấy chưa đọc. Vì nếu đọc, Tố Hữu là người rất là tinh, thì chắc là không hiểu lầm được như thế. Thế thì sau đó cái việc ấy trôi đi.

- Kết thúc ở đấy?
- Không, chưa kết thúc gì cả. Đợt ấy, tôi chỉ ra miền Bắc có 10 ngày thôi. Trong thời gian tôi ở Hà Nội, ông Hoàng Trung Thông, lúc ấy là Vụ trưởng Vụ Văn nghệ của Ban Tuyên huấn Trung ương, đến nhà nhưng không gặp, lùa vào qua cửa khoá một cái tờ giấy có mấy dòng chữ sau đây: “Duật ơi, thôi cứ vào chiến trường đi. Mọi việc thì ngoài này sẽ thu xếp. Yên tâm mà sáng tác và chiến đấu”. Người thứ hai là ông Chế Lan Viên gọi đến, bảo là mình biết việc này rồi, bây giờ Phạm Tiến Duật có thể đứng trước một tình huống như sau, trước mặt là một cơn mưa lớn, mưa rất to, có thể có 2 cách, cách thứ nhất là thôi trú lại đến khi nào trời tạnh thì đi. Cách này không hay lắm vì khi trời tạnh mà đi thì đoàn lữ hành họ đi qua lâu rồi, đuổi theo không kịp. Cách thứ hai là đội nón, mưa cũng đi, đội nón mà đi. Hôm nay Chế sẽ cấp cho Duật một cái nón như vậy để Duật đội mà đi. Đấy là bộ Thủ Lăng Nghiêm kinh. Cho đến bây giờ có thể nói là rất mang ơn Chế Lan Viên, bộ Kinh Phật hay thật. Có thể nói rằng trong các bộ Kinh Phật không có bộ nào lại hay đến thế, kỳ diệu như bộ Kinh ấy…

Thực ra toàn bộ cái vụ phê bình Vòng trắng này thì thật ra là phê bình cho bạn đọc ngoài này nghe thôi, nghe và đọc, chứ còn Duật đâu có đọc, Duật vào trong Nam rồi. Tất nhiên, cũng để lại vài việc rất là dữ dội, và kể cả “đánh leo” cũng có. Nhưng rất kỳ diệu là có ông Đồng Sĩ Nguyên. Ông ấy là một người mà  tôi phải nói là mang ơn một đời. Ông ấy đặc biệt lắm, ông ấy gặp tôi lần đầu tiên ông nói như sau (lúc ấy tôi đã  là  nhà  thơ có tiếng rồi): về văn học thì tôi không biết, tôi hoàn toàn không biết một tí dòng nào cả, toàn bộ cái việc này thì tôi thấy rất đáng trọng, đáng nể nhưng rõ ràng là không dễ. Cho nên tôi không kiểm điểm anh và tôi đề nghị Cục Chính trị chỗ anh công tác sẽ không kiểm điểm anh hàng tháng mà kiểm điểm hàng năm. Tức là đến cuối năm anh mới phải báo cáo Cục Chính trị là anh làm được gì trong năm đó, chứ anh không phải kiểm điểm hàng tháng vì có những tác phẩm viết 4-5 tháng mới xong thì sao. Riêng tôi thì cứ 3 năm tôi hỏi anh một lần. Còn anh cần bất cứ thứ gì thì anh cứ nói với tôi. Thế thì tôi hỏi, tôi biết anh là hội viên Hội Nhà văn rồi, thế hội viên Hội Nhà văn được những cái gì? Duật đáp, hình như là được một tháng 10 gói chè Hồng Đào và mỗi ngày 1 bao thuốc lá, tức là 1 tháng được 3 tút thuốc, đấy là tiêu chuẩn của hội viên Hội Nhà văn. Ông Đồng Sĩ Nguyên bảo ngay, tháng này anh sẽ có tiêu chuẩn ấy, tôi sẽ cấp cho anh y như thế, không khác gì. Thực ra thì cũng không được dùng, chỉ được thuốc lào thôi vì mấy cây thuốc lá mang về bạn đồng đội dùng hết, nhưng mà đại khái là mình đã có một ông thủ trưởng đặc biệt. Có được những ông thủ trưởng như thế thì kỳ diệu lắm!

Hồi anh được giải, nghe nói anh là trường hợp duy nhất được 9 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị mời cơm, có đúng không ạ?
- Đúng. Tôi không nhớ tất cả nhưng trước hết là tôi nhớ lần  được gặp đồng chí Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Lần đó thì tôi không bao giờ quên. Tôi nhớ hôm ấy còn có những người được giải thưởng khác như Phan Thị Thanh Nhàn, Bế Kiến Quốc, giải 3 và giải 2, còn có cả Việt Phương và Chế Lan Viên. Mọi người đều ngồi quanh mâm nhưng không ai ăn chỉ riêng tôi ăn tới miếng ăn cuối cùng trên mâm. Tất cả họ đều không ăn, họ chỉ nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói chuyện. Thế là Thủ tướng cười bảo, Duật đúng là lính thật, ăn rất là ngon. Thực ra hôm đấy không có món gì đặc biệt lắm, chỉ có một thứ duy nhất mà gây ấn tượng đối với tôi là bánh cuốn, bánh cuốn rất ngon. Nhưng Thủ tướng có nói mấy câu rất hay, rất gây ấn tượng đối với tôi và đến bây giờ tôi nghĩ rằng nhắc lại vẫn cần thiết. Lúc bấy giờ các bạn nhớ cho là chúng ta dịch văn học nước ngoài dè dặt vô cùng. Trăm năm cô đơn vẫn chưa hề được dịch. Sách của cái ông gì viết Người và Chuột nhỉ?

- John Stenberg!
- Đúng, John Stenberg! Thủ tướng có đọc cuốn này qua bản tiếng Pháp, thế là ông hỏi là, cái truyện đấy dịch chưa. Mọi người bảo, thưa, chưa dịch ạ vì với thị hiếu Việt Nam tác phẩm này nó có hai mặt, đối với Việt Nam nó không hợp. Thủ tướng bảo: Phải dịch, với những tác giả lớn nó xấu cũng phải dịch nếu nó hay, nhưng mà trong lời nói đầu phải nói rõ chỗ nào xấu để dân biết. Việt Nam ta là một cơ thể khoẻ, không sợ vi trùng, cơ thể yếu mới sợ vi trùng, cơ thể khoẻ không sợ vi trùng… Thủ tướng có nói đến Trường Sơn, đến tất cả mọi thứ; ông bảo là: nhìn chung cái văn nghệ không chỉ là một lúc. Rất là nhớ và hình như lúc bấy giờ ông đã trông được những nhược điểm của tôi chăng, nên ông mới nói rằng, không chỉ làm cho bây giờ mà làm những cái gì cho dài hơn, xa hơn, nó con người hơn chứ không chỉ là cuộc chiến đấu này, thời khắc này, hay là sư đoàn này mà là cuộc đời này, nhân quần này. Tôi thấy “ông già” đặc biệt lắm, “ông già” rất được… Còn đồng chí Lê Đức Thọ chính là người có thể nói là đầu tiên bênh đỡ Duật cho vụ Vòng trắng. Tôi nghĩ rằng, vụ Vòng trắng không trở thành một vụ việc lớn mà mau chóng tan đi rất nhanh do chính là có những người  ở cấp cao nhất nhìn ra đúng bản chất  vấn đề.

Có người bảo, trong số những nhà thơ, Phạm Tiến Duật là người rất dại. Cái dại ấy một mặt làm cho  anh không thành đạt trên quan trường, phải nói thẳng thắn đi vì có rất nhiều người danh tiếng không bằng anh nhưng thành đạt, nhưng làm cho Phạm Tiến Duật đúng với một người thi sĩ hơn. Anh có nghĩ thế không, anh có chấp nhận thế không, khi hành động như thế anh có ý thức hay là bản năng, anh sống hoàn toàn theo bản năng  theo cảm nhận của mình?
- Không bản năng! Tôi là người sống rất trí tuệ, không phải là bản năng. Trong quá trình sống thì rất may mắn được gặp những người hơn mình một cách thường xuyên, và họ dạy mình. Và luôn luôn giữ một cái gì gốc đức. Ông bố tôi là một ông thầy dạy chữ Hán, chữ Pháp, nói chung cái tập tính gia đình được tập ngay từ bé và rất là không muốn phiền lụy người khác. Ngay bây giờ cũng thế thôi, tức là Duật có thể nhờ nói bạn bè nhưng mà phải thân cơ. Ví dụ như là vừa rồi, ngay lần gần đây nhất, khi Duật làm Tổng Biên tập rồi, bây giờ làm thị trường khó quá, rất khó. Ngày xưa mình làm Báo Văn nghệ 18 năm, được vinh dự được đăng những bài thơ đầu tay của ông Nguyễn Quang Thiều và ông Hồng Thanh Quang, nhưng thời làm đó khác hẳn bây giờ. Bây giờ làm Tổng Biên tập cho một tờ báo mà tiara không lớn lắm thì phải trông vào quảng cáo. Đi xin quảng cáo vào một địa chỉ nào đó của một giám đốc rất là to, oách, vợ làm thơ, nhưng ông ấy chỉ nói một câu sỉ nhục là không dùng nữa, dứt khoát không, là ra về đấy, mày có cho tao một tỷ thì cũng thôi! Một điều đáng kể nữa là, có một điều đính chính mà có thể nói rằng một số nhà phê bình viết về Duật rất hay, với một cái thiện ý lăngxê nhau cũng có, nhưng chưa chuẩn xác. Cái thơ của Duật từ xưa đến giờ, trước cuộc chiến, trong cuộc chiến và sau cuộc chiến là cái gì rất cần thiết, viết một bài về Phạm Tiến Duật là cần phải nói. Đây là lời ông Lê Đình Kỵ: trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ có hai trường phái thơ: một trường phái là lấy cái bên ngoài biểu hiện là chính, một trường phái lấy cái bên trong là chính, cái bên ngoài là Phạm Tiến Duật, bên trong là Chế Lan Viên, đấy là ý tóm tắt, không phải là nguyên văn. Có thể cũng đúng, cũng có thể chưa đúng. Nhưng mỗi một người chỉ quan tâm tới vài điều thôi, nếu nói Phạm Tiến Duật là thơ lái xe, thơ thanh niên xung phong, sau này là thơ viết về những người làm tiểu thủ công sau chiến tranh thì cũng đúng thôi. Nhưng Phạm Tiến Duật chỉ có một đề tài duy nhất, trong chiến tranh và sau chiến tranh. Sau này nữa, lúc chết cũng thế, chỉ có một đề tài là viết về sự thiếu hụt. Đấy là điều mà mỗi một người đóng góp một kiểu, mà tôi nghĩ rằng trong làng văn không phải ai hơn ai mà đóng góp cho làng văn một chút gì đó, có người đóng góp cái này, có người đóng góp cái kia, nhưng thường chỉ đóng góp một điều thôi: khai phá, viết về cái thiếu hụt của con người. Bài thơ về tiểu đội xe không kính là viết về cái sự thiếu đủ mọi thứ trên đời này; Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây là viết về thiếu nhau, sau này cũng vậy thôi, thấy đầy đủ thì thôi, thấy thiếu hụt thì làm thơ…

Hồng Thanh Quang

Không có nhận xét nào: