Thi nhân Hoàng Cầm. Tranh sơn dầu của họa sỹ Ba Tỉnh
Cái tin thi sĩ Hoàng Cầm qua đời không làm tôi ngạc nhiên, vì tôi đã được biết về bệnh tình của ông thông qua một vài người bạn. Có chăng là cảm giác hụt hẫng và trào dâng một nỗi buồn vì mất đi một Người Thơ, một Người mà tôi ngưỡng mộ từ lâu. Tôi đã thầm ngưỡng mộ ông qua bài thơ "Bên kia sông Đuống" mà tôi đã được học trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. Sau này được biết nhiều hơn về cuộc đời và sự nghiệp thơ ca, kịch thơ và văn xuôi của ông, tôi càng cảm phục hơn nữa. Tôi trộm nghĩ, sẽ còn rất lâu nữa, văn học nghệ thuật nước nhà mới có được một thế hệ những nhà văn, nhà thơ đầy tài năng và sáng tạo như Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hữu Loan,... Xin thắp một nén nhang tưởng nhớ tới Thi Nhân. Cầu mong hương hồn Ông siêu thoát nơi miền Thơ Cực Lạc.
Một người đa tài như Hoàng Cầm chắc hẳn phải đa tình. Đó là lẽ thường trong đời sống. Vì thế, kính mời các bạn đọc bài viết về những chuyện tình của thi nhân Hoàng Cầm của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.
----------------------------------------
1. HOÀNG CẦM VÀ PHỤ NỮ
Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh năm 1922. Năm 18 tuổi ông lấy vợ là bà Hoàng Thị Hoàn quê ở Bắc Giang do gia đình cưới hỏi. Sinh được người con trai thì vợ ông mất trong kháng chiến chống Pháp. Hồi năm 1946 ông viết kịch thơ "Kiều Loan" và có một "tình yêu tự chọn" với nữ diễn viên Tuyết Khanh, sinh được một ái nữ đặt tên là Kiều Loan (1948). Do hoàn cảnh gia đình vợ ông phải theo chăm sóc mẹ đẻ, rồi vào Nam. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, Hoàng Cầm trở về kết duyên cùng người đẹp Lê Hoàng Yến, sinh được hai người con trai. Năm 1985 bà Lê Hoàng Yến qua đời, Hoàng Cầm sống trong sự cô đơn đằng đẵng. Dù đông con cháu nhưng cảm giác cô đơn của một thi sĩ si tình không bao giờ được giải toả. Từ đó, theo cách nói của ông, Hoàng Cầm trở thành vị hôn phu vĩnh cửu.
Có nhiều mối tình đã để lại dấu ấn rất sâu đậm trong thơ ông. Bài thơ "Lá diêu bông" là một ví dụ đặc sắc về tình yêu huyễn tưởng tự tâm linh của ông hồi còn trẻ với cô gái tên Vinh hơn ông 8 tuổi. Sau này là nhiều bài thơ tình, khi thì viết tặng NA, khi thì viết tặng Đ.Đ.H, PD, hoặc PQ... Đọc tập thơ "99 bài tình" của Hoàng Cầm, ta thấy ông hiện lên với một tình yêu mê đắm, vừa chân thật vừa hư ảo, vừa yếu mềm vừa quyết liệt. Cũng xuất hiện trong tập thơ này nhiều giai điệu đẹp lung linh và dịu dàng như sương sớm. Tình yêu trong thơ ông vừa ngọt ngào vừa cay đắng. Chính vì thế ông trở thành "thi sĩ của tình yêu" được đông đảo bạn đọc mến mộ.
Có thể nói tình yêu của Hoàng Cầm với giới đẹp nói chung và người đẹp nói riêng là có thật. Cũng không ít người đẹp đã yêu, mê ông qua thơ của ông. Có người còn yêu thương cả cảnh ngộ cô đơn của ông. Theo ông cho biết thì có người còn viết thư "tỏ tình" với ông, nhưng khi gặp lại thấy "duyên không hợp". Còn hầu hết những người ông cầu hôn thi không vượt qua được sự ngăn cản của gia đình hoặc dư luận, và rốt cuộc đều trở thành những người bạn, người em đáng quí của thi sĩ.
Khi đã vào tuổi bát thập, ông vẫn cảm thấy thèm một bàn tay của người bạn đời chăm sóc, từ lúc ốm đau đến khi trò chuyện. Ông nói: "Giá như khuy áo đứt có người đơm, màn thủng có người vá thì ấm cúng biết bao. Người xưa nói "Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông" thật là thấm thía". Chính vì vậy, mà thơ của ông vẫn trẻ mãi nỗi đam mê và khao khát tình yêu. Hai câu thơ trong bài thơ: "Phía sau thư cầu hôn" dưới đây, phần nào bày tỏ sự khao khát của ông:
Đánh liều trao thư cầu hôn em
Bật sáng đáy tâm hồn trẻ nít...
2. HỎI CHUYỆN CHỦ QUÁN "LÁ DIÊU BÔNG"
Nghe nói ở làng Hạnh Hoa có một cô chủ quán rượu xinh đẹp lấy tên bài thơ "Lá Diêu Bông" cuả Hoàng Cầm đặt tên quán của mình, tôi bèn mang máy ghi âm bỏ túi đến... uống rượu. Quán nhỏ, lớp tranh đơn sơ, nhưng lich sự. Các tửu khách trông có vẻ trang nhã, không giống như quán rượu ở quê. Cô chủ quán đẹp như tiên, đi lại nhẹ nhàng như mây gió. Nghe nói ngày xưa chị trọt yêu một chàng trai kém mình 8 tuổi, gia đình cấm đoán, nên quyết định không lấy chồng. Từ hồi "đổi mới" chị mở quán rượu sinh sống, và luôn mơ được gặp tác giả "Lá Diêu Bông".
Thấy tôi là khách lạ, chị ưu tiên tiếp rượu, và cuộc trò chuyện đã diễn ra như vầy:
- Chắc chị mê thơ lắm mới đặt tên quán bằng tên một bài thơ?
- Tôi mê tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng,. Nhưng khi đọc được bài thơ "Lá Diêu Bông" của Hoàng Cầm là tôi quên Vũ Trọng Phụng luôn. Từ đó tôi cũng hình dung Hoàng Cầm là cái cậu con trai cứ lẽo đẽo theo tôi đi tìm lá thuốc cho mẹ từ hồi mới lớn. Nhưng người phụ nữ trong bài thơ Hoàng Cầm thi đi lấy chồng, có con , còn tôi thì không.
- Chắc chị thuộc nhiều bài thơ Hoàng Cầm?
- Từ khi đọc bài thơ "Lá Diêu Bông", là tôi đi tìm đọc Hoàng Cầm. Nghe nói trong "đổi mới" thơ ông bị "lưu ban" một thời gian dài. May mà từ khi tôi thích thơ Hoàng Cầm, thơ ông lại được in ra liên tiếp.Tôi có đủ các tập "Về Kinh Bắc", "Men đá vàng", "99 bài tình", "Mưa Thuận Thành", "Bên kia sông Đuống" và cả cuốn kịch thơ "Kiều Loan" ông viết từ hồi bốn lăm (1945). Tôi đọc đến đâu là thuộc đến đấy, vì thơ ông rất Việt Nam, rất thích hợp với tư duy của tôi. Như là ông viết riêng cho tôi.
- Chắc chị từng học đại học văn?
- Mấy đứa cháu tôi nó mới học đại học văn. Nhưng chúng nó chẳng hiểu gì về thơ. Chúng nó thạo kinh tế hơn. Bây giờ đứa nào cũng nhà lầu xe hơi trên phố.
- Thế chị học gì?
- Tôi học thơ Hoàng Cầm. "Sông Đuống trôi đi- Một dòng lấp lánh - Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ". Đọc câu thơ này, nhiều đêm tôi nằm nghiêng và thấy mình cũng như đang trôi đi.
- Chị lãng mạn thật.
- Con người, ai mà chả lãng mạn. Nhưng lãng mạn bằng thơ thì nó đẹp gấp trăm nghìn ngoài đời. Thơ làm cho người ta sống đẹp hơn.
- Nhưng phải là thơ Hoàng Cầm?
- Tất nhiên là với tôi. Nhưng có một ông khách trên phố về đây uống rượu, ông ta cũng mê thơ Hoàng Cầm lắm. Ông ấy bảo chỉ có thơ Hoàng Cầm và thơ Hàn Mặc Tử là nhất. Suýt nữa tôi với ông ấy đã thành đôi...
- Sao lại không thành?
- Vì tôi chỉ thích thơ Hoàng Cầm.
- Rắc rối nhỉ?
- Này anh, nghe nói ông Hoàng Cầm lại sắp lấy vợ phải không?
- Năm nào tôi cũng nghe nói như vậy. Nhưng rốt cuộc thì mười mấy năm nay chả có đám cuới nào cả.
- Thế cũng tốt.
- Sao lại tốt?
- Mỗi lần thi sĩ yêu lại có thêm bài thơ hay cho đời.
- Chị không ghen với các giai nhân thật sao?
- Việc gì mà tôi phải ghen với họ.
- Ở Sài Gòn cũng có một cái quán "Lá Diêu Bông" như quán chị...
- Tôi biết. Những cái quán ấy ra đời sau quán tôi. đọc báo tôi biết mà. Hai "anh- chị" còn làm thơ tặng nhau nữa. Thi sĩ Hoàng Cầm phủ dụ chị ta bằng những câu thơ thật sang trọng: "Kinh Bắc lên men đằm hương vương phi- Hỡi mưa Phương Nam bao giờ mưa đi?". Thế mà chị ta không chịu đi thì thật là "trời không có mắt".
- Nếu ông Hoàng Cầm mà làm thơ tặng chị, hay nói như chị là "phủ dụ" chị thì chị tính sao?
- Với tôi thật không có hạnh phúc nào bằng. Tôi phóng to bài thơ lên dán trên vách quán để khách rượu cùng thưởng thức.
- Nhỡ có người lại chê thì sao?
- Chê là quyền của người ta. Tôi cũng đọc một bài người ta phê bình thơ Hoàng Cầm là "thơ tình dục khiêu dâm". Và tôi thấy chính cái tay phê bình ấy mới thực sự có một cái đầu "dâm". Cứ theo cái đầu của anh ta thì Hồ Xuân Hương hay Nguyễn Du khi viết về tình dục sẽ bị anh ta xử trảm.
- Có lẽ chị nói đúng.
- Tôi nói đúng là cái chắc. Ví dụ những câu thơ đẹp như thế này: "Ấm êm em trong trắng thịt da đêm- Ngọn gió nào cũng ấp một hơi thèm" mà anh ta lại phán là "thơ khiêu dâm" thì tôi không hiểu là anh ta đọc thơ theo cách nào.
- Thơ cần có tri âm. Cũng như Bá Nha gẩy đàn phải có Tử Kỳ nghe. Chị là Tử Kỳ của riêng Của Hoàng Cầm rồi đấy!
Có thêm khách đến. Tôi chia tay chị chủ quán "Lá Diêu Bông". Biết tôi quen Hoàng Cầm, chị mừng lắm, gửi tặng ông chai rượu Hạnh Hoa, và nhờ tôi mời thi sĩ ghé thăm quán. Hoàng Cầm cũng mừng lắm. Tôi và ông chuẩn bị "hành quân" thì ông bị đau phải vào bệnh viện. Vậy mà cái cậu con trai lẽo đẽo theo chị đi tìm lá Diêu Bông đã gần chin mươi xuân.
NGUYỄN TRỌNG TẠO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét