Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

Tết của ngày xưa

Trước mặt tôi là một người phụ nữ mảnh mai. Đôi mắt hiền hậu nhưng toát lên vẻ dứt khoát và đầy nghị lực. Nụ cười rất tươi và dễ thu hút người đối thoại. Tôi kinh ngạc khi biết người phụ nữ này đã làm được nhiều việc lớn, lớn hơn rất nhiều so với sức vóc nhỏ bé của chị. Làm từ thiện cứu giúp cho bao nhiêu trẻ em nghèo bị ung thư và khuyết tật, tích cực tham gia các hoạt động quảng bá văn học Việt ra thế giới và giới thiệu văn học thế giới đối với độc giả trong nước, rồi còn làm thơ nữa. Hiện nay, chị đang phụ trách truyền thông cho một tổ chức phi chính phủ của Hà Lan. Đó chính là Nguyễn Phan Quế Mai, người phụ nữ mà tôi muốn giới thiệu trong bài này.

Nguyễn Phan Quế Mai sinh tại Ninh Bình, nhưng phần lớn tuổi thơ của chị lại ở Bạc Liêu, mảnh đất cực nam của đất nước. Khi còn nhỏ, chị rất vất vả, phải làm lụng đủ mọi nghề để nuôi sống gia đình và bản thân. Nhưng chính sự vất vả trong những chuỗi ngày đó đã hun đúc một nghị lực sống trong cô bé Nguyễn Thị Quế (tên thật của chị), để sau này chị đã nhận được một học bổng toàn phần du học tại Đại học Monash (Úc). Nhờ học giỏi và tốt nghiệp thủ khoa, chị được một công ty bảo hiểm lớn nhất của Úc nhận vào làm việc. Công việc ổn định và sau đó chị quay trở về Việt Nam tham gia vào thị trường bảo hiểm phi nhân thọ với vai trò giám đốc kinh doanh từ năm 1998 đến năm 2001. Rồi số phận lại một lần nữa đưa đẩy chị rời xa quê hương. Lần này thì cất bước theo chồng, một người Đức làm ngoại giao tại Liên minh châu Âu. Bởi thế, công việc của chị quả là bận rộn, vì phải phụ trách truyền thông trải dài tới rất nhiều quốc gia trên thế giới. Chị đến với thơ tương đối muộn, song lại có những thành tựu đáng nể. Cho đến nay, chị đã có 3 tập thơ: “Trái cấm”, “Cởi gió” và “Những ngôi sao hình quang gánh” (song ngữ Anh - Việt). Thơ Quế Mai giàu nữ tính, trong sáng, giản dị và đằm thắm. Một số bài thơ của chị đã được giải thưởng của Hội văn học nghệ thuật Hà Nội và được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Năm 2011, chị đã trở thành hội viên hội nhà văn Việt Nam. Thành thật chúc mừng chị.

Lần đầu tiên tôi gặp chị là trong một cuộc gặp gỡ các blogger tại Hà Nội năm 2008. Lúc đó chị và tôi chưa biết gì về nhau, cũng chỉ hỏi han vài câu xã giao. Khi ấy, tập thơ “Trái cấm”, tập thơ đầu tay của chị, vẫn chưa ra mắt bạn đọc mà đang được biên tập và tuyển chọn bởi nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Bẵng đi một thời gian, một hôm chị gọi điện và báo rằng sẽ có người mang tập thơ này đến cho tôi tại đại học bách khoa Hà Nội. Tôi rất ngạc nhiên và khi đọc lướt qua mấy bài thơ đầu tiên, tôi có cảm nhận là đang được gặp gỡ một giọng thơ thú vị và hay. Ngay trong ngày hôm đó, tôi viết một bài cảm nhận về tập thơ này. Đây là bài cảm nhận đầu tiên về thơ mà tôi đã viết và viết nhanh kỷ lục (những bài cảm nhận, phê bình thơ hay văn, thông thường tôi viết rất lâu, có bài tới vài tháng). Kể từ đó, chị và tôi thân nhau hơn và cũng hay gặp gỡ hơn. Có một lần chị rủ tôi đi ăn trưa cùng với mấy nhà thơ khác mà tôi chưa hề quen biết. Không khí cuộc gặp gỡ hôm đó rất vui. Đang ăn, bỗng nhiên chị nói thầm vào tai tôi: “Em nhìn kìa, em gái kia dễ thương không?”. Tôi nhìn theo hướng chị chỉ và bắt gặp một ánh mắt dịu dàng và ngượng ngùng đang nhìn mình. Cũng chỉ có vậy. Ấy thế mà buổi tối chị đã gửi số điện thoại của người con gái đó và “bắt” tôi phải làm quen cho bằng được. Cô gái đó là Huyền, người đã cho tôi cảm xúc để viết bài thơ “Tặng H.” mà sau này có mấy em tên H. cứ nhận vơ bài thơ đó về mình. 

Tiếp xúc với chị, tôi nhận thấy nét dịu dàng, nhạy cảm và chân thật từ cách nói chuyện cũng như trong suy nghĩ của chị. Có lẽ đó cũng là cách nghĩ, cách sống chân thành của những người dân Nam Bộ. Dù đã sống ở nước ngoài nhiều năm nhưng chị vẫn không “Tây” bao nhiêu, mà rất Việt Nam. Tôi quí mến chị nhiều hơn bởi cá tính này. Nhân dịp sắp sang năm mới Nhân Thìn, thành thật chúc chị và gia đình mạnh khỏe và an khang. Tôi cũng xin gửi lời chúc bạn bè gần xa một năm mới sức khỏe, may mắn và công việc hanh thông. Xin trân trọng giới thiệu với các bạn một bài viết của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai về không khí Tết của miền đất phương Nam đầy nắng và gió…
Chúc mừng năm mới Nhâm Thìn 2012
Mỗi năm, khi những tờ lịch còn lại trên bàn mỏng đi, thì trí nhớ của tôi lại dày lên những ký ức về Tết. Tết trong tôi luôn bắt đầu từ những ngày thơ ấu, trong căn nhà nhỏ nép mình bên rặng dừa xanh ở ngoại ô thị xã Bạc Liêu, nơi mẹ tôi đã dành dụm gói gém tất cả tình yêu của mẹ dành cho gia đình, để Tết nở bung rực rỡ.

Hình ảnh Tết trong tôi là dáng mẹ ngồi bên hiên nhà. Tóc của mẹ xõa xuống che phủ một phần khuôn mặt sạm đi vì nắng gió và vất vả. Khuôn mặt ấy thoang thoảng niềm hạnh phúc khi mẹ chăm chú tước đi phần héo úa của những củ hành, củ kiệu. Tôi lăng xăng giúp mẹ rồi vui mừng trước rổ kiệu sáng ngời lên trong nắng và rổ hành lấp lánh ánh tím. Mẹ dạy tôi cách pha muối, đường, giấm …và cách cắt kiệu, cắt hành sao cho giữ được độ tươi, để hành và kiệu giòn tan trong miệng trong những ngày Tết sắp tới.

Khi những lọ thủy tinh đựng hành và kiệu sáng lên một góc bếp, thì cũng là lúc tôi được giao phó một công việc đặc biệt: hái dừa làm mứt. Mảnh vườn nhà tôi không lớn, nhưng có ba cây dừa trĩu quả, soi bóng xuống những chiếc ao lăn tăn vết cá quẫy. Những cây dừa không quá cao, nhưng chúng cũng đủ cao để thử thách kỹ năng leo trèo của tôi. Với sự dẻo dai của một đứa con gái đang lớn, tôi nhanh chóng thoắt mình lên cây, tựa mình vào những bẹ lá to vững chãi ở trên cao, chọn những quả dừa già vừa đủ, để mứt thơm, dẻo và mềm. Bố và anh trai tôi giúp chúng tôi tước sạch vỏ và bổ những trái dừa. Mẹ thưởng cho mỗi người một cốc nước dừa thơm ngọt, mát rượi, phần còn lại sẽ để dành để làm món thịt kho tàu cùng trứng – một món không thể thiếu được trong những bữa cơm ngày Tết ở miền Nam. Cạy cơm dừa ra khỏi chiếc sọ dừa cứng, mẹ hướng dẫn tôi cách gọt bỏ phần da nâu, rồi bào dừa thành từng miếng mỏng và dài. Bàn tay gầy với những đường gân xanh của mẹ chần sơ dừa qua nước nóng rồi ướp dừa cùng đường trắng. Khi dừa đã trong và đường đã tan hết, tôi nhóm lửa và giúp mẹ xào mứt. Mẹ dạy tôi cách xào với lửa thật nhỏ, đảo thật đều và nhẹ tay để mứt không đứt gãy.

Ngày ấy, trong căn bếp nhỏ được lợp bằng lá dừa nước, ngồi bệt trên một chiếc ghế nhỏ cạnh chiếc bếp được đốt bằng than củi, tôi đã cùng mẹ chuẩn bị rất nhiều loại mứt: mứt dừa, mứt gừng cay, mứt gừng dẻo, mứt bí đao…Tết gia đình tôi những năm ấy, sơn hào hải vị chính là những món mứt do chính tay mẹ và tôi tự làm – những món mứt còn ngọt và thơm trong ký ức tôi đến tận hôm nay.

Trong khi mẹ và tôi bận rộn với công việc bếp núc, bố và anh trai tôi cũng chuẩn bị cho một công việc đại sự của cả năm: đó là việc bắt cá ở chiếc ao cạnh nhà. Chiếc ao không lớn, nhưng hàng năm đều chứa đựng những bí mật của riêng nó. Bố tôi và anh trai tôi, mỗi người một đầu dây, dùng gàu tát nước vào con mương đằng sau nhà. Ao nước cạn dần, cùng với những tiếng quẫy ngày càng lớn của những chú cá lóc, cá trê, trắm cỏ, cá rô… Tôi thấy Tết đang về trong tiếng cười của anh tôi khi đầm mình vào lớp bùn đặc quánh, dâng lên cao đến hông, để chụp bắt những con cá đen trũi. Cả khuôn mặt của anh tôi lấm lem bùn, chỉ còn mỗi hàm răng là trắng. Chúng tôi đựng những con cá to và ngon nhất vào một chiếc xô to, đổ đầy nước và buộc đằng sau chiếc xe đạp của mẹ. Tôi vẫn còn nghe tiếng chuông xe đạp của mẹ lanh canh xa dần, khuất dần sau những cành mai đang vươn nụ. Rồi mẹ trở về vài tiếng sau đó, lưng áo đẫm mồ hôi. Mẹ ngồi và đếm những đồng tiền nhàu nát, cũ kỹ. Đó cũng là tiền ăn Tết của gia đình tôi.

Tiền bán cá giúp chúng tôi mua gạo nếp, thịt lợn, đỗ xanh, và lá dong. Dù đang sống ở miền Nam, nhưng bố mẹ tôi - những người gốc Bắc, không thể nào thiếu bánh chưng trong những ngày Tết. Hạnh phúc lớn nhất của tôi và anh tôi là được quây quần gói bánh chưng cùng bố tôi. Bàn tay khéo léo của bố thoăn thoắt gói từng chiếc bánh xanh vuông vức mà không cần bất cứ chiếc khuôn nào. Bố dạy chúng tôi cách xếp lá, đong gạo, xếp thịt, rải đỗ và trải lên đó một lượt nếp nữa. Bàn tay ông cẩn thận hướng dẫn chúng tôi cách bẻ lá sao cho bánh chưng thật vuông vức, và cách thắt nút lạt sao cho bánh chưng không bị bung khi nấu. Chúng tôi được tự tay mình gói những chiếc bánh bé xíu, để rồi tự tưởng cho mình những chiếc bánh ấy trong ba ngày Tết.

Vào ngày mùng một Tết, tôi được mẹ mặc cho một bộ quần áo mới - bộ quần áo mới duy nhất của năm, rồi được mẹ dẫn đi chùa, đi thăm họ hàng, thầy cô. Tôi nép vào những bước chân của mẹ, rạo rực một niềm vui khó tả. Hai bên đường, vị thơm của Tết dâng lên từ những mái nhà đơn sơ. Những cành hoa mai rực nở, khoe sắc vàng cùng nắng mùa xuân.

Tôi nhớ một lần, mẹ đã dẫn tôi đi thăm một người quen, băng qua một cánh đồng lúa đang dào dạt sắc xanh. Cánh đồng trải mãi, trải mãi đến tận chân trời. Chúng tôi đi trong dào dạt hương lúa, và hương mùa xuân thênh thang ùa về từ mọi phía. Tôi ước mình được đi mãi, đi mãi trong lòng mùa xuân cùng mẹ như thế.

Sau này, tôi xa quê hương và phải ăn Tết ở những nơi xa lạ - nơi không có rặng dừa, ao cá, cánh đồng, không có anh trai và bố mẹ ở bên. Tôi phải mua tất cả những nguyên vật liệu chuẩn bị Tết từ chợ hoặc siêu thị. Dù cố gắng hết sức, nhưng những món ăn chuẩn bị cho ngày Tết những lúc xa quê vẫn thấy thiêu thiếu một loại gia vị nào đó. Và dù cố gắng hết sức để chạm tay vào Tết, cùng với cộng đồng người Việt ở những nơi tôi sống, nhưng tôi thấy không khí Tết thật sự lại ở bên bờ kia của đại dương - nơi những cành đào, cành mai đang ửng lên sắc thắm, nơi những gia đình đang quây quần tụ họp sau một năm vất vả làm việc.

Những năm đón Tết xa tổ quốc, giữa mùa hè bỏng nắng của nước Úc, dưới sự lạnh giá của mùa đông châu Âu, hoặc trong sự hờ hững của những nước châu Á nơi người dân không biết gì về Tết, tôi nôn nao thèm nắng ấm của ngày xưa, thèm nghe tiếng cá quẫy, và tiếng gió trên những đọt dừa non. Tôi thèm được hít hà hương thơm ấm nồng tỏa lên từ bếp của mẹ tôi, và mùi thơm của những nén hương trầm trên tay bố tôi, khi ông trịnh trọng thắp hương bên bàn thờ tổ tiên, mời ông bà tôi cùng về ăn Tết. Tôi thèm được nghe tiếng nô đùa của anh tôi cùng bạn bè trên con đường nhỏ thoai thoải vắt qua xóm nhỏ quê hương tôi, nơi những niềm vui bao giờ cũng bắt nguồn từ những điều chân chất và giản dị.

Có một điều gì đó thật thiêng liêng về Tết, mà chỉ có những người Việt Nam mới hiểu. Và vì thế, khi xa quê, những người Việt đều đau đáu mong ước được trở về nguồn cội để đón Tết, để được ấp đầy lồng ngực hương vị quê hương, để rồi bớt mong, bớt nhớ trong những tháng năm dài đằng đằng ở xứ người.

Manila, Philippines ngày 8/12/2011

Nguyễn Phan Quế Mai

Không có nhận xét nào: