Nguyễn Trọng Tạo: Có một nhà thơ Việt ở Ba Lan, có thể gọi là "sứ giả của các nhà thơ Việt" đã tận tụy kết hợp cùng các nhà thơ Ba Lan truyền bá thơ ta sang tiếng Ba Lan, đó là nhà thơ, tiến sĩ vật lý Lâm Quang Mỹ. Nhiều nhà thơ Việt đã được anh giới thiệu trên các tạp chí thơ Ba Lan. Tập thơ song ngữ của anh "ECHO" cũng đã được xuất bản tại Warsawa cách đây 6 năm. Và vừa đây, anh đã cùng nhà thơ Ba Lan Paweł Kubiak tuyển chọn và dịch hơn 100 tác phẩm thơ cổ điển Việt Nam từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX, và được nhà xuất bản IBIS ấn hành. Khi tôi nhận được tin này từ anh, tôi không khỏi mừng vui đến ngỡ ngàng khi biết thơ Việt sẽ được đọc một cách hệ thống tại Ba Lan. Xin chia vui cùng những người dịch, nhà xuất bản IBIS và thơ Việt trên hành trình hội nhập cùng thế giới.
----------------------------------------------
TUYỂN TẬP THƠ VIỆT NAM từ thế kỉ 11 đến thế kỉ 19 bằng tiếng Ba Lan đã được xuất bản
Nhà thơ Lâm Quang Mỹ
Sau gần hai năm làm việc, các dịch giả Lâm Quang Mỹ và Paweł Kubiak đã hoàn thành bản dịch và xuất bản „Tuyển tập thơ Việt Nam từ thế kỉ 11 đến thế kỉ 19" bằng tiếng Ba Lan.
Lá cờ Thơ tại Ngày Thơ Việt Nam do nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thiết kế
Tập sách gồm những áng thơ trong một giai đoạn lịch sử hào hùng và chói lọi của nhân dân ta chiền đấu kiên cường chống ngoại xâm để giữ vững nền độc lập Tổ quốc và bảo vệ bản sắc dân tộc, đăc biệt là ngôn ngữ Việt.
Hai mươi tám tác giả tiêu biểu cho nền thơ nước ta trong nhiều thế kỉ, mở đầu là giọng thơ sang sảng, hùng hồn của Lý Thường Kiệt (1019 - 1105) trong bài „Sông núi nước Nam" - được xem là Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của nước ta, tiếp đến là những tuyệt tác của các tác giả quen biết với chúng ta từ thuở còn ngồi trên ghế học sinh như Trương Hán Siêu, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, và cả những nhà thơ vì hoàn cảnh nào đó ít đươc nhắc đến, nhưng ánh sáng thi ca trong các tác phẩm của Họ vẫn chói lòa bao thế kỉ nay, như Mãn Giác Thiền sư, Đạo Hạnh Thiền sư, Trần Quang Khải, Huyền Quang Thiền sư, Trần Nhân Tông, Mạc Đỉnh Chi, Nguyễn Ức, Nguyễn Tự Thành, Lê Cảnh Tuân, Lê Hữu Trác, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Trần Thiện Chánh.
Với 115 bài thơ, 96 câu „Chinh phụ ngâm" và 256 câu Kiều cùng nhiều tranh ảnh minh họa, tuy quyển sách còn khiêm tốn và có thể còn sai sót vì là cuốn đầu tay của các dịch giả và trong điều kiện tài liệu tham khảo ít ỏi, thiếu thốn.
Trong thời gian tiến hành dịch tuyển tập này, các tác giả đã gửi những bài thơ đã được dịch đăng dần trên các báo và tạp chí văn hóa nghệ thuật của Ba Lan để thăm dò dư luận và đã được các bạn đọc hoan nghênh, đóng góp nhiều ý kiến bổ ích và khích lệ. Xin trích dẫn để làm ví dụ bài viết sau đây dưới tiêu đề: „Tiểu luận ngắn về những điều vĩnh cửu" của ông Andrzej Grabowski, nhà thơ, chủ tịch Chi hội Nhà văn Ba Lan ở Krakow, trưởng ban tổ chức Liên hoan Thơ Quốc tế Galicja hàng năm, tổng biên tập báo „Tia lửa" :
„Người châu Âu chúng ta biết gì về văn học, đặc biệt là về thơ Việt Nam?
Một người châu Âu bình thường được nuôi dưỡng bằng thế giới quan của Mỹ chỉ biết về nó một cách phiến diện. Nhưng người Ba Lan chúng tôi do dày dạn kinh nghiệm trong lịch sử chống ngoại xâm của mình, chúng tôi hoàn toàn hiểu rõ quyền bảo vệ những giá trị đích thực của dân tộc Việt Nam, đó là quyền thiêng liêng và vĩnh cửu.
Càng làm quen với những người bạn Việt Nam, tôi càng nhận thâý rằng mối quan hệ giữa chúng ta được thắt chặt bởi thế giới quan giống nhau như: nhạy cảm với thiên nhiên, lòng yêu cái đẹp, tôn trọng những giá trị mà thiếu chúng con người không thể phát triển được, lòng yêu nước hơn cuộc sống của mình, sự hiến dâng cho gia đình, kính trọng nền văn hóa và lịch sử đất nước. Có nước nào trên thế giới có các vị tướng lĩnh - người bảo vệ tổ quốc lại làm thơ?
Trong số những người cầm quyền ở Ba Lan, vua Jan III Sobieski, người chiến thắng quân Thổ dưới thành Viên, đã thể hiện tác phẩm của mình bằng nghệ thuật đặc biệt dưới dạng những bức thư tinh tế gần như thơ. Nhưng phải đến thời kỳ Phục hưng của những nhà thơ xuất sắc Ba Lan như Miklai Rej ở vùng Naglovic, người đầu tiên đấu tranh chống viết chữ La-tinh, đã viết lời kêu gọi để mọi người Ba Lan viết bằng chữ của mình như sau: „Những kẻ bên ngoài hãy luôn luôn biết rằng người Ba Lan không phải là những con ngỗng và biết ngôn ngữ riêng của mình". Tôi dẫn ra Rej, mặc dù có thể cũng tốt khi nhắc đến một người yêu nước vĩ đại là Jan Kochanowski từ Czarnolas, những bậc thầy đã được những người kế tục họ sau này trong thời kì lãng mạn của Ba Lan vào những năm của thế kỉ 19 như Norwid, Mickiewicz hay Slowacki nhắc đến.
Cũng như vậy các nhà thơ Viêt Nam đã chăm lo gìn giữ ngôn ngữ của mình. Cần quảng bá cho thế giới rằng, sự tinh tế của thi ca là một trong những đặc tính có giá trị hiếm thấy giữa các dân tộc của những người có trách nhiệm với dân tộc mình. Ví dụ như vị tướng LÝ THƯỜNG KIỆT hay hoàng tử TRẦN QUANG KHẢI, nhà vua TRẦN NHÂN TÔNG, một trong những nhà lãnh đạo và anh hùng lớn nhất trong lịch sử Viêt Nam là tác giả của hai tập thơ. Có thể những Người vĩ đại ấy đã mang lại chiến thắng vì họ có trí tưởng tượng lớn lao đồng thời biết dự đoán và nhìn thấy trước nhiều hơn những người khác...Có thể đưa ra rất nhiều ví dụ, nhưng đối với những người cha của nền thi ca, những nhà lãnh đạo thiên tài, sau vài thế kỉ, sẽ được những người kế tục của họ sẽ nhắc đến. Vì quan trọng nhất là những gì khởi thủy, nhắc đến nó là chúng ta tìm về cội nguồn. Không có gì tạo ra trong không khí, không tự nhiên được sinh ra. Và giờ đây tôi lại nhớ đến bài thơ rất xưa của ĐẠO HẠNH THIỀN SƯ, nhà thơ sống trước đây một ngàn năm như sau:
„Có" và „Không"
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
Kìa xem bóng nguyệt lòng sông
Ai hay không có, có không là gì ?
(Người dịch: Huyền Quang tam tổ)
Phải chăng là chưa đến lúc để đề cao một Dân tộc đã có những nhà thơ như vậy trước đây nhiều thế kỉ ?! Một câu hỏi có tính hoa mỹ. Cố gắng tiếp cận với triết học của cội nguồn thơ Viêt Nam, luôn luôn dừng lại với cái đẹp và sự thông minh của nó, tôi lặng yên để nhiều lần nhận rõ chân lí vĩnh cửu rằng sự khiêm nhường và đức kiên nhẫn không bao giờ làm hại ai trong cuộc sống.
Dân Ba Lan, trong suốt quá trình lịch sử gian khó của mình, đã không ngừng buộc phải chiến đấu giành tự do cho dân tộc. Dân tộc Việt Nam cũng đã luôn luôn buộc phải đấu tranh chống lại sự thèm muốn của những láng giềng hiếu chiến. Điều từng trải đó của hai dân tộc Ba Lan và Việt Nam rất giống nhau.
"Từ có vũ trụ, đã có giang san." Ông quan thời Trần TRƯƠNG HÁN SIÊU từ thế kỉ 14 đã viêt như vậy trong bài "Bạch Đằng giang phú". Và nữa: "Quả là trời đất cho nơi hiểm trở, cũng nhờ nhân tài giữ cuộc trị an".
Cùng với sự thán phục, tôi xin nghiêng mình trước nền thơ cổ điển Việt Nam, đặc biệt làm tôi quan tâm là giai đoạn khởi thủy của nó, trong đó con người được gieo trồng vào thiên nhiên, hòa vào nó làm một và qua đó càng hiểu rõ thêm số phận của con người tự do. Tôi nhận thấy rằng đây gần như là sự mở đầu cho cuộc thảo luận về thơ thế giới, trong đó có nhiều điều đáng nói, nhưng cũng có nhiều điều để chia sẻ. Nền thơ này (thơ cổ điển Việt Nam - chú thích của người dịch) không ngừng được thử thách, khám phá và được đặt đúng vị trí của mình trên thế giới."
Cuốn sách do nhà xuất bản IBIS của tạp chí Thơ Ngày Nay phát hành tại Vac-Sa-Va. Thế là đã xuất hiện một Tuyển tập Thơ cổ điển Việt Nam bên cạnh những Tuyển tập Thơ cổ điển của nhiều nước khảc trên thế giới, nhất là các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật, Triều Tiên...đã có mặt từ lâu trên các kệ sách ở tất cả các thư viện lớn bé, trong các trường học các cấp, các nhà văn hóa từ trung ương đến địa phương của đất nước vẫn được xem là một Cường Quốc Nobel Văn chương này. Hy vọng rằng điều đó trước hết sẽ là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam sống ở đây. Bởi lẽ đã từ lâu rất nhiều người trong chúng ta mong ước có nó.
Qua bài giới thiệu tóm lược này, các dịch giả xin gửi lời chân thành cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ thiết thực và động viên khích lệ của các tổ chức cùng bạn bè xa gần, đồng thời mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp để rút kinh nghiệm cho những tập sau hoàn thiện hơn.
NHỮNG NGƯỜI DỊCH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét