Đối với người dân Việt, những ngày Tết Nguyên đán là một dịp để mọi người cùng nhau sum họp, đoàn viên, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm buồn vui, nhìn lại những bước chân đã qua của năm cũ và mang theo một tinh thần lạc quan, tươi trẻ để bước sang một năm mới với nhiều sức khỏe và thành công hơn. Tết Nguyên đán cũng là dịp mà những tinh hoa của văn hóa Việt được thể hiện đậm nét, rõ ràng nhất. Nào là bánh chưng, bánh tét, giò lụa, dưa hành, xôi nếp, thịt gà, nem rán, mâm ngũ quả, các loại mứt, cây nêu, hoa mai, hoa đào,… những sản vật đó đều là đặc trưng của văn hóa nông nghiệp lúa nước.
Trước Tết cả tháng trời, các bà các chị đã chuẩn bị chu đáo mọi thứ. “Quần áo mới thì đã giải quyết xong từ tháng mười một. Người vợ ngày nào cũng dậy từ tinh mơ để mua các đồ nấu cất sẵn, vì sợ để đến giáp Tết mới mua thì kém ngon mà lại đắt. Hầu sì, bong bong, bào ngư, bột ngọt, măng tây, vây cá,…tất cả những thứ đó đã cất sẵn vào trong chạn.” [1]. Rồi dọn dẹp, trang trí nhà cửa, sửa lại cái cây, cái bình hoa trước cửa, chăm chút cho cái bếp luôn được đỏ đèn, ấm lửa trong những ngày Tết, sắm sửa cây mai, cành đào hay cây quất, rồi chuẩn bị củi rơm để nấu bánh chưng, chuẩn bị câu đối Tết treo trong nhà. Toàn những việc không tên như vậy mà cũng hết cả ngày. Có nhà ăn Tết sang hơn hoặc mừng vui về thành quả của năm cũ thì giết lợn, mổ bò, tiếng kêu đinh tai nhức óc trong ngõ, ngoài xóm. Vậy nhưng, không thấy ai than vãn hay gắt gỏng, mà trái lại trong mắt của mọi người đều ánh lên niềm hân hoan, rạo rực, ánh lên niềm vui, đôi mắt sáng hơn và hai má cũng hồng hơn. Hương vị Tết có một sức hấp dẫn kỳ lạ như vậy đấy.
Trước Tết cả tháng trời, các bà các chị đã chuẩn bị chu đáo mọi thứ. “Quần áo mới thì đã giải quyết xong từ tháng mười một. Người vợ ngày nào cũng dậy từ tinh mơ để mua các đồ nấu cất sẵn, vì sợ để đến giáp Tết mới mua thì kém ngon mà lại đắt. Hầu sì, bong bong, bào ngư, bột ngọt, măng tây, vây cá,…tất cả những thứ đó đã cất sẵn vào trong chạn.” [1]. Rồi dọn dẹp, trang trí nhà cửa, sửa lại cái cây, cái bình hoa trước cửa, chăm chút cho cái bếp luôn được đỏ đèn, ấm lửa trong những ngày Tết, sắm sửa cây mai, cành đào hay cây quất, rồi chuẩn bị củi rơm để nấu bánh chưng, chuẩn bị câu đối Tết treo trong nhà. Toàn những việc không tên như vậy mà cũng hết cả ngày. Có nhà ăn Tết sang hơn hoặc mừng vui về thành quả của năm cũ thì giết lợn, mổ bò, tiếng kêu đinh tai nhức óc trong ngõ, ngoài xóm. Vậy nhưng, không thấy ai than vãn hay gắt gỏng, mà trái lại trong mắt của mọi người đều ánh lên niềm hân hoan, rạo rực, ánh lên niềm vui, đôi mắt sáng hơn và hai má cũng hồng hơn. Hương vị Tết có một sức hấp dẫn kỳ lạ như vậy đấy.
Tết là thời điểm trời đất giao hòa, gió mây lả lơi, khí ấm tụ hội, cỏ cây đơm hoa kết trái, báo hiệu sự sống, sinh sôi nảy nở của muôn loài, thời điểm của “…mưa xuân phơi phới bay/hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy” mà thi sĩ Nguyễn Bính đã từng viết cách đây hơn nửa thế kỷ. Tết cũng là khoảng thời gian để con người ta hành hương trong tâm tưởng và trong cuộc đời thực tại. Họ chiêm nghiệm lại quá khứ đã hình thành nên mình, tưởng nhớ ông bà tổ tiên, đi lễ đền chùa cầu bình an trong năm mới hay đi xin chữ của những ông đồ thời @. Họ nghĩ suy, thành kính hướng về các bậc tiền nhân nước Việt, những người đi mở cõi, những người đã hy sinh biết bao máu xương để bảo vệ nền độc lập và chủ quyền của dân tộc.
Họ cũng đến thăm nhà những người thân quen, bạn bè chòm xóm, chúc tụng nhau những lời hạnh phúc, lì xì năm mới cho trẻ con, tránh nóng giận, nặng lời với nhau, sẵn sàng bỏ qua cho nhau những lỗi lầm trước kia, kiêng hốt rác, kiêng mắng chó chửi mèo. Tết là lúc để người ta cùng sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là cơ hội để con người xích lại gần nhau, chia sẻ những hiểu biết và cảm thông với nhau. Các trò chơi dân gian, những câu hát, những điệu múa nơi đình làng, thôn xóm hay là việc lập ra các chợ mua bán cấu may được dịp phô diễn trong những ngày Tết này. Không ai máu mê thắng thua, kẻ bán người mua đều không quan tâm đến lời lãi, mà tất thảy đều coi đó như một dịp vui chơi, lấy may mắn trong ngày đầu năm. Những hành động đó thực ra là để hy vọng một năm mới bản thân mình, gia đình mình, quê hương mình mạnh khỏe hơn, no ấm và yên vui hơn. Không làm như vậy thì sẽ không yên lòng, sợ rông, sợ bị xúi quẩy, xui xẻo cả năm. Sự mê tín như vậy có lẽ xuất phát từ một thực tế, đó là Tết.
Những hình ảnh quen thuộc, thậm chí tầm thường hàng ngày bỗng trở nên quyến rũ, lung linh và tràn đầy sắc màu trong những ngày Tết. Một chút lạnh của cái rét mùa đông xứ Bắc, chút nắng ấm áp của phương Nam, cái mặn mòi gió biển của khúc ruột miền Trung. Một chú chim đang ríu rít gọi bạn tình trên cành cao, chú cá đang quẫy mình tung tăng dưới nước, cây lộc vừng lặng lẽ, hờ hững thả những cánh hoa mỏng xuống mặt hồ xanh trong. Ở phía bên kia hồ, những đôi trai gái tình tứ đi dạo trong tiết trời xuân sáng sủa. Xa xa có chàng nghệ sỹ đang mải mê đi tìm cảm hứng trữ tình cho những tác phẩm mới của mình, để rồi ngẩn ngơ trước một cái nhìn nhẹ nhàng và quyến rũ của một cô gái vô tình bước qua. Đâu đây có tiếng còi xe, tiếng leng keng sớm khuya của những mảnh đời còn rong ruổi mải lo cơm áo gạo tiền. Có ai đó đang rao bán những quả bóng bay, đồ chơi tò he hay là những quẻ bói tiền tài, nhân duyên, sự nghiệp đầu năm. Nhiều khi cũng chỉ là những chữ viết vu vơ, đoán mò, vậy mà ai cũng thích mua để coi xem trong năm nay mình sẽ ra sao, công việc, tình duyên của mình có thuận lợi, tốt đẹp hay không. Hàng bún riêu cua, bún ốc, phở bò, hàng nước, quán café,… lúc nào cũng đông khách. Mà giá cả đâu có rẻ gì, cái nào cũng đắt gấp ba, bốn lần ngày thường, nhưng người nào cũng vui vẻ móc ví trả tiền. Ô hay, ngày Tết nhìn vào cái gì cũng thấy đẹp, nhìn ai cũng thấy xinh, thấy cái gì cũng muốn mua...
Ở nơi xứ tuyết lạnh lẽo suốt mùa đông thế này, mọi người ai cũng bận rộn với cuộc mưu sinh nhọc nhằn và đầu óc luôn trăn trở với những câu hỏi xương xẩu, trừu tượng khiến cho cái sợi dây lưu giữ tâm hồn người Việt với nguồn cội, với quê hương nhiều khi lỏng lẻo, thì Tết chính là chất keo hàn gắn những đổ vỡ, rạn nứt trong lòng mỗi con người. Khác với người phương Tây, họ không có Tết, chỉ có Năm Mới (New Year), cái Tết với mỗi người Việt không đơn giản chỉ là năm mới, mà là một lễ hội, tín ngưỡng thiêng liêng, một “đặc sản văn hóa” mang thương hiệu Việt Nam. Những người ở xa vào dịp cuối năm thường hỏi “Năm nay anh/chị có về ăn Tết không?” hay “Ở bên nhà năm nay ăn Tết ra sao?” như để hoài niệm về một cái Tết mà họ đã từng trải qua ở quê nhà. Khi đó, trong lòng mỗi người xa quê chắc cũng ngậm ngùi một nỗi chạnh nhớ, chạnh thương người thân quen ruột thịt, bè bạn và những người yêu thương của mình. Tết là một chuỗi các cảm xúc được dung dưỡng, tri nhận trong quá khứ, được cụ thể và chi tiết hóa trong hiện tại, và vì thế, Tết là bến bờ dấu yêu cho những con thuyền tha hương lưu trú tâm hồn mình sau những hành trình phiêu dạt.
Những người Việt xa quê không có cái may mắn được sum họp, được đoàn tụ với gia đình, bè bạn ở quê nhà, nhưng họ lại được sống trong tình yêu thương của những người cùng nghề nghiệp, cùng chung một văn hóa, một màu da, một giọng nói, những người mà trước kia vốn xa lạ thì nay đã trở thành những người thân quen. Họ coi nhau như anh em ruột thịt trong một nhà, cùng nối những vòng tay thân tình trở thành những vòng tay lớn, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, cách trở để khiến mình thêm cứng cỏi, can đảm hơn trên những chặng đường sắp tới. Họ cố gắng sắp xếp thời gian để cùng nhau đón một cái Tết ấm cúng. Cũng có bánh chưng, giò lụa, nem rán, xôi ếp, mâm ngũ quả. Cũng có hoa đào, hoa mai, những ly rượu ấm tình đồng bào trong những ngày Tết…
Trong nhịp gõ chầm chậm và vô tình của ông già thời gian, những người Việt xa quê như tôi đang rung cảm trước cái giao mùa của một thời khắc mới, để cảm thấy rằng mình thêm một tuổi, và cũng để tiếp tục con đường đi mà mình đã chọn lựa với một tinh thần Nhật nhật tân, hựu nhật tân [2].
Nhân dịp Xuân mới đã về, mến chúc bè bạn khắp mọi miền đất nước dồi dào sức khỏe, gặp nhiều may mắn, an khang và thịnh vượng
Berlin, 15.02.2010
Trịnh Quốc Dũng
--------------------------
[1]. Vũ Bằng. Thương nhớ mười hai
[2]. Lời chúc Tết của cụ Phan Bội Châu gửi tới thanh niên, tạm dịch: Mỗi ngày là một nỗ lực làm mới chính mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét