Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2010

Nhân ngày thành lập ngành, đôi dòng cảm nghĩ

Biểu tượng của Viện KH&CN Nhiệt - Lạnh
Hôm nay (01.10.2010) là một ngày đặc biệt đối với bản thân tôi, vì đó là ngày kỷ niệm 50 năm thành lập ngành Nhiệt - Lạnh và 10 năm thành lập Viện khoa học và công nghệ Nhiệt - Lạnh, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhớ lại thời còn là sinh viên, sau khi được biết sẽ vào học ngành này, tôi đã từng có lần tựa cửa khóc thầm vì không đúng ngành học mà mình đã đăng ký từ đầu. Về sau, khi đã trở thành người làm việc trong lĩnh vực nhiệt - lạnh, có dịp suy nghĩ lại những chặng đường đã qua, tôi chợt nhận ra rằng, có lẽ ngành nhiệt là một cái “duyên tiền định” đối với tôi vậy. Khi mà các đồng nghiệp và bè bạn ở quê nhà đang mừng vui tổ chức ngày lễ trọng đại của ngành thì có một kẻ lạc loài là tôi vẫn phải tiếp tục “chiến đấu” với công việc hàng ngày ở một nơi lạnh lẽo và khô hanh thế này. Thành ra, tôi muốn viết một vài suy nghĩ của mình về ngành như là một cách ghi nhật ký cá nhân và nhân đây giới thiệu với các bạn lịch sử hình thành và tình hình phát triển của ngành nhiệt - lạnh tại Việt Nam.

Thực ra ngành nhiệt ở Việt Nam được bắt đầu từ năm 1958 với việc thành lập Bộ môn kỹ thuật Nhiệt thuộc khoa Điện, trường ĐHBK Hà Nội. Năm 1960, bộ môn Nhiệt điện cũng thuộc khoa Điện được thành lập. Đến năm 1966 và năm 1973, hai bộ môn Lò công nghiệp (khoa Luyện kim) và Đo lường và Tự động hóa quá trình nhiệt (khoa Điện) mới được hình thành. Có lẽ cái mốc 50 năm của ngành được tính từ khi có bộ môn Nhiệt điện chăng?

Năm 1984, hai bộ môn Kỹ thuật nhiệt và Lò công nghiệp hợp thành bộ môn Nhiệt công nghiệp, hai bộ môn còn lại hợp thành bộ môn Thiết bị năng lượng để cùng ba bộ môn lớn khác: Động cơ và ô tô, Máy và Thiết bị thuỷ khí và bộ môn Kỹ thuật Dệt thành lập nên khoa Cơ khí năng lượng và Dệt. Khi chuyển sang cơ chế quản lý hai cấp vào năm 1987, hai bộ môn lớn của ngành nhiệt trở thành hai trong số 29 khoa của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đó là: i) Khoa Máy lạnh và Thiết bị Nhiệt; ii) Khoa Thiết bị năng lượng Nhiệt. Từ năm 1996 đến trước khi thành lập viện, hai khoa trở lại hai bộ môn lớn: bộ môn Nhiệt - Lạnh thuộc khoa Cơ khí và bộ môn Công nghệ Nhiệt thuộc khoa Năng lượng [1].

Như vậy có thể thấy, kể từ khi ra đời cho đến trước lúc thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt - Lạnh, vì những lý do phân chia rồi hợp nhất, ngành nhiệt - lạnh hoạt động phân tán và tản mác. Các cán bộ trong ngành chưa có điều kiện để tập trung nhau và cùng làm việc trong một đơn vị. Điều này đã hạn chế đáng kể tầm hoạt động của mỗi cá nhân và gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành. Chính vì thế, tháng 10 năm 2000, Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt - Lạnh đã được thành lập theo quyết định số 4166/QĐ-BGD&ĐT-TCCB của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Viện Nhiệt - Lạnh là một đơn vị sự nghiệp có thu, có con dấu và tài khoản riêng [1]. Việc thành lập Viện Nhiệt - Lạnh là một bước tiến lớn trong sự phát triển chung của ngành nhiệt - lạnh tại Việt Nam, vì nó tập hợp được các chuyên gia giàu kinh nghiệm của các bộ môn riêng lẻ cùng về hoạt động trong một tổ chức thống nhất. Hơn thế, là một đơn vị sự nghiệp có thu nên viện có thể dễ dàng ký kết các hợp đồng chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp bên ngoài, góp phần vào việc chuyển giao công nghệ từ chính những kết quả nghiên cứu của các cán bộ trong viện và từ đó thắt chặt thêm mối quan hệ cơ hữu giữa trường đại học và doanh nghiệp.

Một trong những câu hỏi mà tôi thường gặp khi có ai đó muốn tìm hiểu về ngành nhiệt - lạnh thường là: “Ngành của anh làm có phải làm về tủ lạnh, máy điều hòa không?” hoặc “Tôi chưa hình dung được ngành của anh là gì?”. Đó là những câu hỏi rất bình thường thể hiện mức độ hiểu biết thô sơ về ngành, vì trong đời sống thường nhật, ở bất cứ đâu chúng ta cũng bắt gặp những thiết bị, hệ thống nhiệt - lạnh. Từ những chiếc tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ trong gia đình, hệ thống thông gió ở các nhà xưởng, bệnh viện,… những hệ thống điều hòa không khí trung tâm trong các nhà cao tầng, nhà máy sợi dệt cho đến hệ thống nhiệt - lạnh tại các nhà máy sản xuất đồ uống, các kho lạnh trong công nghệ bảo quản thực phẩm, hệ thống sấy trong công nghệ sau thu hoạch, hệ thống nhiệt ở các lò công nghiệp, nhà máy xi măng, cán thép và rõ nét nhất là tổ hợp hệ thống nhiệt - lạnh tại các nhà máy nhiệt điện. Tất cả những ví dụ kể trên cho thấy ngành nhiệt - lạnh có một vai trò đáng kể cho sự phát triển trong công nghiệp, từ công nghiệp dân dụng cho đến công nghiệp nặng. Tuy vậy, không giống các ngành khác như điện, viễn thông, công nghệ thông tin, cơ khí vốn là trụ cột của nền kinh tế, nhiệt - lạnh lại là ngành phục vụ cho sự vận hành ổn định của các ngành khác, chứ bản thân nó không phải là chủ đạo. Chính điều này dẫn tới mức độ ảnh hưởng của ngành đối với công chúng, giới báo chí và truyền thông không cao nên ít người biết đến ngành, dù ai cũng nhìn thấy sự hiện diện của nó ở khắp mọi nơi. Trong danh sách chọn ngành học của các bạn trẻ khi vào đại học hay trường nghề, nhiệt - lạnh có lẽ chưa bao giờ được ưu tiên hàng đầu, mà thường chỉ là sự chọn lựa thứ yếu mà thôi. Ngoài Viện KH&CN Nhiệt - Lạnh (ĐHBK Hà Nội), hiện nay, tại Việt Nam nhiều trường đã mở thêm ngành đào tạo mới: Kỹ thuật Nhiệt - Lạnh. Đó là các đơn vị như: khoa Công nghệ Nhiệt - Điện lạnh (ĐHBK thuộc Đại học Đà Nẵng), viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường (ĐH Xây dựng), bộ môn Công nghệ Nhiệt - Lạnh (ĐHBK thuộc ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), khoa Công nghệ Năng lượng (ĐH Điện lực), bộ môn Công nghệ Nhiệt - Lạnh (ĐH Nông Lâm), bộ môn Kỹ thuật Nhiệt (ĐH Công nghiệp Hà Nội),… và một số trường cao đẳng - dạy nghề trong cả nước. Điều đó thể hiện nhu cầu về nhân lực của xã hội đối với ngành đã và đang tăng dần.

Là một nước có khí hậu nóng và ẩm, có thể nói Việt Nam là nơi lý tưởng cho sự phát triển của các vi sinh vật và các loại bệnh nhiệt đới. Ước tính của Viện Lạnh quốc tế cho thấy rằng, trên toàn thế giới có khoảng 360 triệu tấn thực phẩm phải bỏ đi mỗi năm vì không được bảo quản kịp thời (bảo quản ở đây bao gồm: xử lý lạnh, dự trữ, vận chuyển và bán hàng) [2]. Đây là một con số đáng báo động, bởi nó gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế, đặc biệt là đối với những nước đang phát triển như nước ta vốn đã không có một cơ sở hạ tầng tốt dành cho việc bảo quản các sản phẩm sau thu hoạch. Vấn đề đặt ra là làm sao phải nâng cao hiệu quả của việc bảo quản sau thu hoạch, để nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng xuất khẩu các mặt hàng mà nước ta có thế mạnh. Vì là một nước nóng ẩm nên nhu cầu về kỹ thuật lạnh và điều hòa không khí trong dân dụng và trong công nghiệp ở ta rất lớn và đa dạng. Điều này vừa là một thách thức đồng thời lại là một cơ hội cho các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực nhiệt - lạnh.

Một trong những hướng trọng tâm nghiên cứu của ngành nhiệt - lạnh trên thế giới là sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, địa nhiệt, sinh khối và tận dụng nhiệt thải trong công nghiệp. Những công nghệ sử dụng những nguồn năng lượng này đang được chính phủ các quốc gia ưu tiên phát triển và đầu tư nghiên cứu. Những hướng nghiên cứu của ngành hiện nay là: nghiên cứu để nâng cao hiểu biết về các quá trình nhiệt - lạnh như: cháy, ngưng tụ, bay hơi, hấp thụ, phân ly, khuyếch tán,…; quá trình truyền nhiệt - truyền chất trong các cấu trúc siêu nhỏ cấp độ micromet hoặc nanomet; nghiên cứu các môi chất thân thiện với môi trường để sử dụng trong các chu trình nhiệt - lạnh; sử dụng hiệu ứng từ trường để làm lạnh (magnetic refrigeration); công nghệ lạnh sâu (cryotechnology); các phương pháp bảo quản thực phẩm (food engineering) và bảo quản các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch (post-harvest technology), thực hiện việc sản xuất nhiệt - điện (cogeneration) hay nhiệt - điện - lạnh (trigeneration).

Xu hướng nghiên cứu hiện tại và trong tương lai là các ngành khoa học sẽ có sự liên kết với nhau, nói ngắn gọn là tính liên ngành trong nghiên cứu khoa học. Vì tính chất này mà ranh giới giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng nhiều khi rất mong manh, và việc phân chia các dạng nghiên cứu này xem ra không cần thiết. Ngành nhiệt - lạnh cũng không ngoại lệ. Nhiều vấn đề mà chúng ta phải đối mặt ngày nay có khi lại không xuất phát từ bản thân ngành, mà từ các ngành khác. Do đó, khi giải quyết những vấn đề như thế, một điều tất yếu là phải ứng dụng các kiến thức của các ngành khoa học như: điện, tự động hóa, điện tử, cơ khí, tin học, thủy khí động lực, hóa học, sinh học, vật lý và toán. Là một ngành khoa học thực nghiệm, những kết quả thu được của các bài toán nhiệt - lạnh muốn có độ tin cậy cao phụ thuộc rất nhiều vào các thiết bị thí nghiệm, các phương pháp đo lường, thu thập và xử lý số liệu. Thành ra, cũng giống như các ngành nghiên cứu thực nghiệm khác, hệ thống thí nghiệm để nghiên cứu các vấn đề nhiệt - lạnh nhiều khi rất đắt tiền, vì những thiết bị trong hệ thống đó được thiết kế, chế tạo phức tạp, tốn kém với các thiết bị đo đạc rất tinh vi.

Việc phát triển ngành nhiệt - lạnh tại nước ta hiện nay còn chậm so với tiềm năng vì ngoài những lý do khách quan, chúng ta còn đang ở trong tình trạng thiếu thông tin khoa học trầm trọng. Phải thẳng thắn nhìn nhận, sự hiện diện của người Việt ở ngành này còn rất khiêm tốn. Dù đã thành lập được Hội KHKT Lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam nhưng mối liên hệ với các hội chuyên ngành khác trên thế giới vẫn hạn chế, ngoại trừ một số ít các quan hệ cá nhân. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với Hội KHKT Nhiệt Việt Nam. Cố nhiên việc này cũng do không đủ kinh phí từ phía các cơ quan chủ quản, song nguyên nhân chính là từ phía chủ quan của chúng ta. Vì thiếu thông tin nên ta không biết được những xu hướng nghiên cứu, những vấn đề lớn của ngành đang đặt ra. Do đó mà nhiều nghiên cứu còn sơ sài, không phải là những nghiên cứu nguyên thủy (original research) có đóng góp cho chuyên ngành. Cũng có một vài nghiên cứu mang tính nguyên thủy, có giá trị khoa học nhưng lại gặp vấn đề về tiếng Anh nên không thể công bố ở những tạp chí quốc tế uy tín được, do vậy mà không có đồng nghiệp nước ngoài nào biết chúng ta đang làm gì và ở Việt Nam cũng tồn tại một ngành nghiên cứu giống như của họ. Chúng ta còn quá ít những hội thảo mang tính chuyên sâu của ngành trong phạm vi cả nước. Thử nhìn sang các nước ngay gần Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore mà xem. Họ có những trung tâm, viện nghiên cứu về ngành nhiệt - lạnh với trang thiết bị rất hiện đại, không hề thua kém các nước Âu - Mỹ, lại thêm một chính sách đãi ngộ cho những nhà nghiên cứu hợp lý và hấp dẫn nên vị trí của họ trong nghiên cứu trên trường quốc tế ngày càng lớn mạnh. Bằng chứng cụ thể nhất là sự xuất hiện ngày càng nhiều và ổn định của các tác giả tại các nước này trên những tạp chí uy tín nhất, những phát minh - sáng chế, việc đăng cai các hội nghị, hội thảo quốc tế lớn của ngành.

Ngay cả các doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực này cũng không mặn mà lắm với việc nghiên cứu để phát triển các sản phẩm của mình, mà họ thường nhập các công nghệ của nước ngoài về để gia công và bán lại sản phẩm ra thị trường. Chính điều đó khiến cho sự phát triển của ngành bị ảnh hưởng, vì không có sự gắn kết giữa nhà khoa học và nhà doanh nghiệp nên có những vấn đề thực tiễn của ngành mà nhà khoa học không nắm bắt được, hoặc có khi nhà doanh nghiệp cũng không biết những nghiên cứu của nhà khoa học để làm gì, có ý nghĩa ra sao đối với họ. Điều này rất khác biệt với tình hình nghiên cứu ở các nước phát triển. Tại những nước này, các doanh nghiệp muốn cạnh tranh được trên thị trường đều phải hướng tới việc nghiên cứu công nghệ để cải tiến sản phẩm của mình. Vì thế nên một mặt họ phải có các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của riêng mình (thường thấy ở những hãng sản xuất, các công ty lớn), mặt khác họ phải tìm đến các trường đại học hay các viện nghiên cứu để “đặt hàng” cho các ý tưởng nghiên cứu. Mối quan hệ như vậy khiến cả hai phía, nhà nghiên cứu và nhà doanh nghiệp, phải dựa vào nhau để cùng tồn tại và phát triển. Không ngạc nhiên khi tại các nước này, danh tiếng của một nhà khoa học không những phụ thuộc vào năng suất nghiên cứu (chỉ số H, số bằng phát minh, sáng chế,…) mà còn vào cả khả năng thu hút tài trợ từ các cơ quan bên ngoài. Nhờ đó mà chất lượng nghiên cứu ở các nước này rất cao và luôn là nơi thu hút chất xám từ khắp mọi nơi trên thế giới đến đây làm việc.

Chúng ta đã có một chương trình học bổng nhà nước dành cho việc đào tạo cán bộ trong các trường đại học và viện nghiên cứu (học bổng 322). Nhờ có chương trình này mà hàng ngàn cán bộ khoa học của ta, trong đó có các cán bộ trong ngành nhiệt - lạnh, được tiếp cận với những điều kiện nghiên cứu quốc tế, nghiên cứu đỉnh cao của các nước phát triển trên thế giới. Những đồng nghiệp ở trong nước có thể liên kết, hợp tác với đồng nghiệp quốc tế thông qua cầu nối là các nhà khoa học, nghiên cứu sinh người Việt đang làm việc trong lĩnh vực nhiệt - lạnh tại các trung tâm nghiên cứu này. Hy vọng trong tương lai gần, những cán bộ này sẽ là nòng cốt để phát triển số lượng và chất lượng nghiên cứu cho ngành tại Việt Nam.

Sự thay đổi của khoa học nói chung và của ngành nhiệt - lạnh nói riêng là rất nhanh chóng. Thật vậy, chẳng hạn về vấn đề môi chất lạnh, có nhiều môi chất trước kia tưởng chừng được dùng lâu dài nhưng sau một thời gian, người ta lại phát hiện ra những nhược điểm của nó và không thể tiếp tục sử dụng được nữa. Do đó mà việc nắm bắt, cập nhật thông tin khoa học của ngành trên khắp thế giới là vô cùng quan trọng và cấp thiết, nếu ta không muốn tụt hậu thêm trong lĩnh vực này. Đã đến lúc không thể dựa mãi vào những kết quả nghiên cứu từ nước ngoài mà chính chúng ta phải có những nghiên cứu từ Việt Nam, vì nước ta là một trong những nơi lý tưởng để làm nghiên cứu những vấn đề nhiệt - lạnh và chỉ có người Việt mới am tường những vấn đề đó, hơn là những người ngoại quốc.

Trịnh Quốc Dũng

Tham khảo
1. Giới thiệu về Viện KH&CN Nhiệt - Lạnh. Website: http://ihere.hut.edu.vn/
2. The role of refrigeration in worldwide nutrition. 5th Infomatiory Note on Refrigeration and Food (06.2009). International Institute of Refrigeration. Website: http://www.iifiir.org/

Không có nhận xét nào: