Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

Hướng nhật quì

Gã là một kẻ vô tích sự. Không tiền bạc, không gia đình. Suốt ngày lơ mơ dạo phố để tìm cái gọi là cảm hứng của thi nhân. Ai đi lại xung quanh, gã đều mặc kệ, không để ý đến. Gã quanh quẩn với những mẩu giấy mà người ta bỏ đi vào thùng đựng rác. Mỗi ngày trôi, từng chiếc lá vàng úa rơi rụng trên con đường gã đã qua, từng gốc cây trơ trụi cằn cỗi nhìn ngắm gã lượn đi lượn lại trước mặt mình. Thời gian cứ chầm chậm và uể oải như vậy. Cho đến một buổi chiều kia, gã bất chợt bắt được một giọng nói từ thinh không. Giọng nói của xa xưa kỷ niệm, của ký ức thẳm sâu vọng về trong tâm hồn gã. Và thế là…
-------------------------------------------------------
Cộng đồng người Việt ở Đức khác với cộng đồng người Việt ở các nước khác. Là họ ít ở tập trung, và ít sinh hoạt cộng đồng hơn. Không như cộng đồng người Việt ở các nước Mỹ, Úc, Pháp, Hà Lan...Là những đất nước cho phép dân nhập ngoại lập khu dân cư cùng chủng tộc. Người Việt ở Đức, ở rãi rác vì vậy ít thân thiện tình đồng hương hơn. Mặt khác, cộng đồng người Việt ở Đức có sự cách biệt rất xa giữa cộng đồng "thuyền nhân" với cộng đồng "bức tường Berlin". Cộng đồng "thuyền nhân" là những người tỵ nạn sau 1975. Còn cộng đồng "tường nhân" là cộng đồng người Việt nhập cư vào Đức sau bức tường ngăn chia giữa Đông và Tây Berlin sụp đổ. Họ khác nhau rất xa về cách sống, khả năng hội nhập, phong cách làm ăn và kể cả về tư tưởng.

Cộng đồng "thuyền nhân" thế hệ thứ nhất, đa số là ít làm việc chính thức, thường là họ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội là chính. Thế hệ thứ 2 thì hầu hết có bằng cấp và thường có công ăn việc làm ổn định trong các công sở, xí nghiệp. Cộng đồng "tường nhân" thì việc hội nhập và tìm kế sinh nhai khó khăn hơn. Đa số họ phải có công ăn việc làm mới có thể bảo đảm được quyền cư trú. Xã hội lao động Đức là xã hội bằng cấp, nếu không có bằng cấp thì rất khó tìm việc trong các công sở, vì vậy hầu hết cộng đồng "tường nhân" phải bắt buộc trở thành người tự kinh doanh. Chính vì vậy mà hầu hết kiều bào trong cộng động "tường nhân" đều là những "ông chủ bà chủ". Họ hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực: Kinh doanh nghề phục vụ ăn uống, kinh doanh bán áo quần giá rẽ và đồ lưu niệm, và nghề làm móng tay giả.
    
Trong số những người lam lũ quần quật với nghề nấu bếp, đứng bán hàng rong hoặc là thợ làm móng tay có rất nhiều người là dân khoa bảng đã tốt nghiệp đại học và trên đại học ở các nước Đông Âu trước đây. Vì vậy có rất nhiều người ngoại quốc kinh ngạc khi biết những người Việt làm đầu bếp, đứng bán hàng rong hay là thợ làm móng tay là những kỹ sư, bác sĩ, thầy cô giáo khi xưa. Và không những là người ngoại quốc mà ngay người Việt của mình cũng ít khi ngờ tới.  

Tôi cũng đã một lần bị sửng sốt vì bất ngờ như vậy.

Tôi có một người bạn là thành viên của cộng đồng "tường nhân". Anh ta có một nhà hàng ăn uống đặc sản Á châu. Năm nào anh ta cũng nhờ tôi đến trong coi một thời gian, để anh ta đưa gia đình về nghĩ phép ở Việt Nam. Nhà hàng anh ta có một đầu bếp rất kỳ cựu. Anh này đã làm đầu bếp ở đó từ khi mới dựng nhà hàng ra cho tới nay. Đây là một trường hợp khá hy hữu ở Đức. Hiếm khi mà một đầu bếp gắn bó với chủ lâu đến như vậy. Nhiều lần tôi đến trong nom nhà hàng cho bạn, biết tên anh đầu bếp này là Tuấn, nhưng rất ít khi trò chuyện. Một phần tôi ngại trò chuyện với đồng hương, vì bất đồng ngôn ngữ (tôi nói giọng miền Trung đặc sệt, nên ít ai hiểu). Một phần do anh Tuấn cũng thuộc loại kín như hũ nút, cạy miệng cũng khó ra được một câu, cho nên gặp nhau, thấy nhau, nhưng hầu như không biết gì về nhau.
  
Anh Tuấn là người cực kỳ ít nói, anh cứ lầm lầm lỳ lỳ làm việc vậy, tới buổi đến bật bếp, chuẩn bị hàng họ, khách đến xóc chảo, hết buổi làm chui ngay vào phòng, hầu như chẳng giao tiếp với ai. Anh Tuấn không hút thuốc, không uống bia, không sắm xe, và rất ít đi chơi xa. Ngay cả chủ nhà hàng cũng không hề biết anh ta làm gì sau cánh cửa phòng của anh ta, mỗi khi tan ca làm. Không một ai biết cái thế giới riêng của anh ta trong căn phòng ấy có những cái gì.

Người ta chỉ biết ngoài thời gian nấu bếp cho nhà hàng ra, thì anh không đi đâu cả, không bạn bè, không chơi bời, không giao tiếp. Ngay cả thời gian nghĩ phép năm anh ta cũng nhốt mình kín mít trong căn phòng ấy. Anh bạn chủ nhà hàng nói, anh Tuấn có giấy tờ định cư đầy đủ, đã nhập quốc tịch, nhưng chưa thấy anh về Việt Nam lần nào, suốt mười mấy năm nay chỉ nghe nói anh có đi Tiệp một vài lần rồi thôi, không thấy anh nhắc nhở gì thân nhân ở Việt Nam cả, và ngay quê của anh ta ở đâu cũng không biết nữa.

Chủ nhà hàng thường nói đùa, tiền lương mỗi tháng vài ngàn, ăn uống, nghỉ ngơi phòng ốc của nhà hàng bao, không bia, không rượu, không thuốc lá, không gái gú chơi bời, gần 20 chục năm, có lẽ anh tiết kiệm được gần cả triệu Euro rồi nhể. Anh Tuấn chỉ nhếch mép cười, đưa hai tay ngoáy ngoáy trước mặt, ý nói trắng tay, không có đồng nào.

Có lần tôi loay hoay vẽ cái bản vẽ thiết kế trục chuyển động Galaxy cho "chiếc giường thần kỳ" của tôi. Vẽ mãi không được, tôi bực mình văng tục rồi vò mấy bản vẽ ném vào thùng rác.

Hôm sau thấy tôi, anh Tuấn đưa cho tôi một tập giấy, rồi lẳng lặng bỏ đi. Giở tập giấy ra, tôi kinh ngạc đến tê người. Cái hộp biến tốc chuyển động Galaxy mà tôi mong ước được thiết kế và vẽ ra tường tận đến từng chi tiết ốc vít nhỏ nhất. Tôi trố mắt lên nhìn anh đang cắm cúi ướp thịt trong xó bếp, định chạy lại hỏi anh, thì anh đưa một ngón tay lên miệng làm dấu, im lặng, đừng nói gì cả.

Tan buổi làm, tôi đứng chận ngay cầu thang nơi dẫn lên phòng anh ở. Tôi theo anh đến tận cửa phòng. Anh không mời tôi vào nhà mà đứng ngay trước của nói chuyện. Tôi hỏi anh sao biết ý của tôi mà vẽ bản vẽ cụm chuyển động galaxy hay vậy. Anh nói, anh liếc qua mấy bản vẽ vứt trong thùng rác là biết tôi muốn gì rồi. Gạn hỏi mãi mới biết anh là kỹ sư chế tạo máy, tiến sĩ cơ học lượng tử, tốt nghiệp ở Tiệp Khắc (cũ).
   
Nói chuyện một hồi, tôi hỏi anh, anh không mời tôi vào nhà à?. Anh trả lời gọn lỏn, không!. Tôi cười trêu, có gái trong ấy à. Anh mĩm cười, ừ. Tôi không tin ghé mũi vào hít hít, ngửi thấy mùi sơn, mùi dầu ngai ngái. Tôi hỏi, anh vẽ sơn dầu đấy à. Anh sa sầm nét mặt, đẩy vào vai tôi nói, lắm chuyện, chú về đi. Nói xong anh mở hé của lách người vào và đóng sầm cửa lại.
   
Từ đó về sau, nếu có gặp chuyện gì trắc trở về cơ về điện với mấy cái thiết bị vớ vẫn của tôi, tôi đều tìm đến nhờ vả anh. Cũng có thể nói, tôi và anh khá thân nhau.

Anh bạn chủ nhà hàng nói, tôi là người biết cạy miệng anh Tuấn, và là người duy nhất được anh Tuấn cho vào phòng. 

Anh ta hỏi tôi, mày thân với anh Tuấn thế, mày có biết hoàn cảnh gia đình của anh ấy ra sao không, và anh ấy làm gì mà tối ngày cứ thui thủi trong phòng vậy. Tôi nói, thú thật tớ chẳng biết gì về gia cảnh của anh Tuấn cả, vì có hỏi anh ấy cũng không nói, còn trong phòng anh ấy cũng chẳng có gì cả ngoài một khung vẽ được phủ kín, anh Tuấn đang vẽ dở một bức tranh, đã vẽ mười mấy năm nay rồi nhưng chưa xong, bức tranh vẽ cái gì thì tớ cũng không biết, vì anh Tuấn không cho tớ xem.
      
Anh Tuấn rất ít khi đi ra ngoài phố, một tháng hoạ hoằn lắm mới thấy anh đi phố vài lần để mua sắm vật dụng cá nhân. Thế mà run rủi thế nào, 2 năm trước anh ra phố lại bị xe đụng ngay vạch đèn đỏ trước của Học viện Y khoa UKE. Lúc chúng tôi được vào thăm anh, khi anh đã qua thời kỳ nguy hiểm ở khoa chấn thương chỉnh hình. Chúng tôi rất kinh ngạc khi thấy một cô bác sĩ thực tập còn rất trẻ lúc nào cũng quấn quít túc trực bên anh. Đôi khi còn thấy cô ta ngồi bên giường, nắm lấy tay anh, mắt nhìn anh và rớm lệ.

Chúng tôi không biết chuyện gì xảy ra. Hỏi gặng mãi thì cô bác sĩ trả lời đúng một câu không phải giọng người Đức:  "Vì tôi mà ông ấy bị tai nạn, ông ấy là bố của tôi". Chuyện này sau khi anh Tuấn bình phục chúng tôi mới biết cặn kẻ, chứ lúc đó thì cứ mu mu mơ mơ tưởng như chuyện trên trời vậy.
   
Từ ngày ra viện, dù bị liệt hai chân, nhưng anh Tuấn vui vẻ và cởi mở hẳn lên. Lần đầu tiên mới thấy anh nói nói cười cười. Hình như anh không mấy quan tâm đến tình trạng của anh sau tai nạn. Và người ta cũng không hiểu vì sao, mới trong một thời gian rất ngắn, anh đã thật quen thuộc với tình trạng của một người bại liệt ngồi xe lăn. Mọi động tác chuyển dịch đi lại và thực hiện thao tác đời sống bằng tay của người thiếu đôi chân, đối với anh rất thuần thục. Nhìn anh sống người ta cứ tưởng anh đã quen với việc không có đôi chân từ hàng chục năm rồi vậy.

Cái lạ nhất là tinh thần của anh, anh không ủ ê kín mít như xưa nữa. Anh trở thành một người yêu đời, vui nhộn và rất dễ gần gũi, chan hoà. Tất cả là nhờ cô bác sĩ thực tập trẻ trung và xinh đẹp kia. Cô ta đúng là con gái của anh Tuấn thật. Bữa anh Tuấn đi phố, lúc mua sắm gần UKE, nhác thấy có người con gái giống người yêu cũ của mình, anh vội vả băng qua đường để nhìn cho rõ, vì vội vả không để ý đến đèn đỏ, nên anh bị xe đụng. Duyên số thế nào mà cũng chính cô gái kia lại là người sơ cứu và gọi xe cứu thương cho anh. Lúc đưa vào viện UKE, lại cũng đúng ngay phiên trực Oliska (tên con gái anh Tuấn). Lúc lục giấy tờ làm thủ tục, Oliska mới bàng hoàng, biết người bị nạn là Bố mình, vì cô đã thuộc lòng tên họ, ngày sinh tháng đẻ của người Bố mà cô đang có ý đi tìm khi sang Đức thực tập.

Anh Tuấn kể lại, anh và mẹ Oliska yêu nhau hồi anh đang còn làm phiên dịch ở Tiệp. Mẹ của Oliska là người có hai dòng máu, Sloven lai Digan. Người Digan có vẻ đẹp rất hoang dã và huyền bí, lại lai với người gốc Âu nên vẻ đẹp lại càng kiều mị hơn. Họ yêu nhau khi mẹ Oliska mới có 17 tuổi. Yêu nhau được mấy năm thì xảy ra cuộc cách mạng nhung. Tình hình ở Tiệp tương đối rối ren. Cô người yêu của anh Tuấn ham vui bỏ anh Tuấn theo một người Việt Nam khác lên Praha ở. Mặc dù lúc đó biết đã có thai với anh Tuấn, nhưng anh Tuấn thuyết phục mãi vẫn không chịu quay về. Anh Tuấn buồn, bỏ sang Đức sinh sống. Mẹ của Oliska sắp đến ngày sinh, về Ostrava tìm anh lại Tuấn, thì không gặp lại được nữa. Vừa mới sinh con lại bị nhiều áp lực đời sống, nên mẹ Oliska lâm vào tình trạng khủng hoảng tinh thần. Cuối cùng thì mắc chứng điên loạn, sau đó được đưa vào quản thúc trong bệnh viện tâm thần ở Brno. Oliska sau đó được một gia đình hiếm con nhận về làm con nuôi. Chuyện xảy ra, lúc anh Tuấn đang ở Đức nên anh không biết gì. Khi có giấy tờ định cư hợp lệ, anh xin được vi sa về lại Tiệp tìm thăm lại người yêu, thì lúc đó mẹ của Oliska đã thành một người đàn bà điên không còn nhớ chuyện gì nữa.

Anh Tuấn muốn tìm nhận lại con gái thì vì thủ tục nhận con nuôi không cho phép tiết lộ thân phận, nên không biết con mình lưu lạc phương trời nào. Anh lại muốn đón mẹ Oliska sang Đức để nuôi dưỡng, nhưng luật lệ không cho phép.  Gần 10 năm trước đây, mẹ của Oliska bị bạo bệnh mất, từ đó anh không còn quay lại Tiệp nữa. Và cũng từ đó anh trở thành một chiếc bóng với chính bản thân mình.

Khi mẹ của Oliska chết, Oliska được thông báo đến nhận di vật của mẹ. Trong số di vật của mẹ Oliska để lại có cuốn nhật ký hồi trẻ của bà ta, cùng với một vài tấm ảnh của anh Tuấn, và có ghi chú đó là bố của Oliska cùng tên họ ngày sinh tháng đẻ của anh Tuấn. Vì thế, Oliska học y khoa ở Tiệp và xin sang Đức thực tập để cố ý tìm lại anh Tuấn.  Họ gặp nhau trong một hoàn cảnh oái oăm và nghiệt ngã như vậy đó.

Trong thời gian Oliska còn thực tập ở Đức, cô thường lui tới chăm sóc anh Tuấn rất tận tình. Cộng đồng người Việt ở đây ai cũng trầm trồ khen Oliska là người Âu trẻ tuổi mà tính hiếu thảo còn hơn cả nhiều người Việt. Oliska hết hạn thực tập, phải trở về Tiệp. Cô muốn đưa anh Tuấn về Tiệp để chăm sóc, anh Tuấn không chịu. Ngược lại anh còn ép cô ra luật sư để làm thủ tục nhượng lại toàn bộ cổ phiếu mà bấy lâu anh mua trữ, cùng với số tiền tiết kiệm được gửi đầu tư trong các hãng bảo hiểm. Nghe đâu tổng số tất cả hồi môn anh để lại cho con gái xấp xỉ cả triệu Euro lận. Anh giao lại toàn bộ cho Oliska không giữ lại một đồng nào.

Oliska về Tiệp mua nhà cửa, sắm sửa ô tô, và mở được một phòng mạch tư.   
 
Khi cuộc sống tạm ổn định. Oliska sang Đức một mực năn nỉ anh Tuấn phải qua Tiệp sinh sống, để cô ấy tiện bề chăm sóc. Cô khóc lóc và nhờ vả hết người này đến người khác khuyên bảo, nhưng anh không chịu. Cuối cùng Oliska đành phải thui thủi quay về. Oliska quả đúng là cô gái hiếu thảo hiếm thấy. Anh Tuấn không sang thì tháng nào cô cũng đánh xe sang thăm anh. Trước đây mọi người khuyên anh, thì anh cau có nói, tấm thân tàn phế này sang đó chỉ làm khổ con gái thôi, chứ có tốt lành gì cho nó đâu. Sau này thấy Oliska đi lại vất vả, nhất là vào mùa băng tuyết. Nghe mọi người khuyên lần nữa,  anh cúi đầu lặng thinh và cuối cùng cũng chấp nhận sang Tiệp sống cùng con gái.

Vào mùa Hè năm trước. Oliska hốt hoảng gọi điện thoại sang tìm anh. Và cuối cùng thì tự cô đánh xe sang. Oliska nói, hơn 2 tuần rồi không thấy anh đâu cả. Bên Tiệp đã báo cảnh sát truy tìm người mất tích. Đã tìm khắp nơi trong cộng đồng người Việt bên đó những cũng không ai thấy anh đâu.

Oliska cho hay, tháng trước cô và anh Tuấn có xích mích, vì cô muốn lắp ráp một cầu thang máy cho xe lăn trong nhà để anh tiện đi lại và sinh hoạt, nhưng anh không chịu và bố con có to tiếng với nhau. Cô sợ anh buồn bỏ về Đức. Biết vậy, chúng tôi bên này gọi điện thoại đi khắp nơi những chổ anh quen biết, nhưng chẳng nơi nào biết tức của anh. Oliska lại từ Tiệp gọi điện thoại sang, báo cho tôi hay, cô đã thông báo cho đại sứ quán Việt Nam nhờ tìm anh Tuấn ở Việt Nam. Nhưng người ta nói quê anh ở Củ Chi, hiện ở đó không còn ai là thân thích. Anh là con mồ côi, học trường Lý Tự Trọng ở Sài Gòn, rồi sang Tiệp học đại học từ hồi xưa đến giờ, chưa một lần nào trở về Việt Nam cả. Anh còn có một người chị, hiện đang cư ngụ ở Úc.

Khoảng gần 1 tháng sau, Oliska lại gọi điện thoại sang nói với tôi là sẽ đi Úc để tìm bố. Tôi bảo, nếu muốn biết anh ấy có sang Úc không thì chỉ cần nhờ hải quan ở sân bay tìm trong hồ sơ xuất cảnh là biết, chứ cần gì sang tận bên đó. Oliska nói, biết đâu anh đi với hộ chiếu tên khác, tìm anh ở Úc là hy vọng cuối cùng của cô. Tuy không phải là người bạn chí cốt của anh Tuấn, nhưng qua nhiều lần giao tiếp với anh, tôi hiểu khá rõ về tâm tư của anh. Tôi không muốn nói ra nhưng tôi đã thầm đoán được anh đang ở đâu. Nghe Oliska sốt sắng đi Úc tìm anh, với niềm hy vọng rất lớn. Tôi rất ái ngại cho cô ta nên tôi quyết định sang Tiệp một chuyến.

Oliska đưa tôi lên thăm căn phòng của anh ở gác 1. Tôi sững sờ trước một bức họa rất sống động treo treo ngay chính giữa phòng. Tôi cứ ngỡ có hai Oliska đang hiện diện ở đây, một Oliska đang đứng bên tôi và có một Oliska nữa đang e ấp đứng bên một khóm hoa hướng nhật quì rực rỡ màu vàng óng ả trong bức tranh. Thấy tôi trân trân nhìn bức họa một hồi lâu, rồi lại quay sang ngắm nhìn Oliska. Oliska buồn rầu nói, bố bảo Oliska rất giống mẹ, bức họa ấy bố vẽ xong trước khi gặp Oliska, bố vẽ mẹ đấy.

Tôi im lặng không nói gì. Mặc dù trước đây anh không cho tôi xem bức họa trong phòng anh, nhưng tôi biết Oliska nói đúng, bức họa này anh đã bắt đầu vẽ hàng chục năm về trước rồi. Điều tôi kinh ngạc là tôi không ngờ anh Tuấn có một năng khiếu hội họa tuyệt vời như vậy. Và càng không ngờ Oliska giống mẹ đến thế.

Nếu ánh sáng trong phòng đừng sáng quá, và đặt bức họa xuống bên Oliska, có lẽ chúng ta rất khó phân biệt đâu là Oliska thật và đâu là Oliska trong tranh. Chỉ có điều là đôi mắt của thiếu nữ trong tranh không trong sáng và xanh nâu như mắt của Oliska. Cho dù đôi mắt ấy thật sóng động, nhưng vẻ đẹp rất mơ hồ xa xăm. Mới nhìn thoáng qua, khuôn mặt và đôi mắt thì thấy ánh lên một nét gì đó rất tinh nghịch, hồn nhiên. Lắng nhìn kỹ lại thì lại thấy cái vẻ tinh nghịch hồn nhiên đó bổng trở thành như mệt mỏi rã rời. Khuôn mặt đó, ánh mắt đó được đặt bên mấy đóa hướng nhật quì vàng óng lên rực rỡ, tạo nên một nét tương phản rất khó thẩm định, nửa như cháy bùng lên, nửa như quặn thắt lại, có cả sự nguội lạnh mà cũng có cả nét nồng nàn.

Một bức tranh thật lạ. Nó có sức cuốn hút ta vào trong sự sống động tuyệt vời của nó, nhưng lại như muốn đẩy tầm nhìn và cảm xúc của ta trượt ra ngoài bố cục của bức tranh. Lúc thấy tôi tiến tối gần có ý như sờ vào mấy đóa hướng nhật quì như để muốn phân biệt là thật hay giả. Oliska khe khẽ nói trong rưng rưng, bố nói ngày xưa mẹ rất thích loài hoa này. Nghe Oliska kể lại, tôi mới chợt giật mình nhớ ra, có lần anh Tuấn nói với tôi: "Giá như một ngày nào đó được nằm giữa cánh đồng hướng nhật quì rực rỡ, ngẩng nhìn những đám mây bay trên bầu trời rồi thả hồn mình vào đó để thanh thản bay về với vô tận thì còn gì bằng nhỉ".
 
Tôi quay lại hỏi Oliska, ở ngoại ô Brno có cánh đồng hoa hướng dương nào không? Nghe tôi hỏi, Oliska tái mặt và từ từ sụm người xuống, ôm mặt nức nở:
- Hôm trước lúc bố mất tích, bố có nói, năm này hoa hướng dương nở muộn hơn mọi năm...

Không có nhận xét nào: