Lễ hội đền Hùng. Nguồn: Báo Phú Thọ online |
Lễ hội là một hoạt động văn hóa gắn liền với mỗi cộng đồng dân cư. Nó bắt nguồn từ những mong ước, những khát vọng của con người về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn trong tương lai. Thông qua lễ hội mà mọi người được dịp sinh hoạt cộng đồng, được vui chơi, giải trí và góp phần tái tạo sức lao động để tiếp tục quay trở về với đời sống mưu sinh thường nhật. Thái độ ứng xử của người dân trong dịp lễ hội cũng thể hiện trình độ dân trí của mỗi quốc gia.
Ở nước ta, dịp đầu năm là dịp diễn ra rất nhiều lễ hội trên phạm vi cả nước. Cũng giống như những cộng đồng dân cư khác, người dân Việt đều mong mỏi một năm mới mà công việc hanh thông, mùa màng thuận lợi, thiên nhiên ôn hòa, đất nước thái bình. Đó là một nguyện ước rất chính đáng và hợp lý, hợp tình. Vậy nhưng, điều đáng buồn là hiện nay có quá nhiều lễ hội bị biến tướng, bị thương mại hóa và mất đi ý nghĩa nhân bản nguyên sơ của nó, là nơi để cho những thói hư tật xấu của con người ngang nhiên lộng hành. Lễ hội, tự nó không có lỗi gì cả vì nó là hiện thân văn hóa của đất nước, lỗi ở đây chủ yếu là do con người tác động vào mà thôi. Đã có nhiều ý kiến lên tiếng về tình trạng này, và trong entry này, một lần nữa tôi xin đăng lại hai bài viết của các tác giả Nguyễn Hoàng Đức và Phạm Duy Nghĩa, với mong muốn mỗi người trong chúng ta hãy ứng xử có văn hóa với các lễ hội mà cha ông ta đã để lại cho con cháu, vì đó cũng chính là việc bảo vệ hồn cốt Việt, bảo vệ văn hóa Việt. Xin trân trọng cảm ơn các tác giả của hai bài viết dưới đây.
----------------------------------------
Trình độ tâm linh của người Việt qua lễ hội
Tháng giêng là tháng lễ hội của người Việt. Từ xa xưa, đó là phong tục
lành mạnh. Người phương Tây theo Kinh thánh từ vài nghìn năm nay, mỗi tuần có
một ngày nghỉ là Chủ nhật - ngày Chúa trời dựng nên thế gian.
Nhưng người phương Đông không có ngày nghỉ chính thức nào, theo cách cả ông
chủ và người làm công đều nghỉ để đi nhà thờ (đó là nguyên tắc cứng). Người
phương Đông nghỉ theo nguyên tắc mềm như giỗ chạp, hiếu hỉ, lễ hội... Với người
Việt, tháng giêng là tháng hội hè, cúng giỗ thần thánh, tổ tiên - được coi như
nguyên tắc nghỉ ngơi mềm.
Một loạt lễ hội diễn ra ở Chùa Hương, đền Bà Chúa Kho, Đền Trần trước kia
cũng như năm nay, vẫn với những hành vi nặng về cúng bái, buôn thần bán thánh,
cầu tài cầu lộc, biến đền chùa thành chợ, biến thế giới tâm linh thành thế tục
tham lam.
Đền Trần qua mấy mùa lễ hội đều là vấn đề nổi cộm, đến năm nay người ta còn
xô đổ hàng rào thép, giẫm đạp lên nhau, nhiều người ngất tại chỗ. Đến nơi tôn
nghiêm mà lại dùng tiền mua ấn bằng mọi cách, như khát hối lộ thánh thần để mua
vé sớm. Đi chùa, đi động chỉ chăm chăm tìm cách nhét tiền vào nơi hiểm của các
khối đá, các bức tượng để cầu xin điều này, điều nọ.
Một số chuyên gia, nhà thần học nhận định rằng trình độ tâm linh của người
Việt hiện ở mức “bái vật giáo”. Người ta đem những đồ vật ăn uống được như
thịt, xôi, hoa quả đến cúng thần cây đa, ma cây gạo, đền chùa. Thờ cậy ba ông
Phúc - Lộc - Thọ để xin những giá trị nhãn tiền của cuộc đời.
Việc vay tiền bà Chúa Kho là ví dụ điển hình. Không chỉ ở đó mà nhiều nơi
khác, người đi lễ dâng lễ vật, mắt đảo điên sợ người khác bưng mất của mình đi,
trông thật trần tục. Không chỉ người ngay mà kẻ ăn gian nói dối cũng cúng vái,
mà nội dung cúng lễ thì, như thiên hạ vẫn tiếu lâm: Mong cho phòng thuế có mắt
như mù, công an có tai như điếc, để dễ bề buôn gian bán lậu.
Những hỗn loạn, đảo điên tranh giành, ganh đua của cả người đi lễ và người
phục vụ lễ cho thấy: Họ không đến để cầu xin điều cao cả mà vẫn chỉ là ham muốn
thế tục. Đền thánh không phải là nơi thiêng liêng mà chỉ là một siêu thị kiếm
lãi nhờ tâm linh. Tôi nghĩ rằng, đó chính là vấn đề về trình độ tâm linh đại
trà của người Việt.
Con người có tín ngưỡng, lễ bái để mong rằng cái gì họ không làm được thì
đấng thiêng liêng sẽ làm thay. Nhưng rất nhiều người đi lễ hiện nay chỉ quan
niệm rằng: Họ không kiếm được tiền, không thăng quan tiến chức thì thần thánh
cao cả hơn sẽ giúp họ. Như vậy sẽ còn hỗn loạn dài dài. Mong sao chúng ta hãy
tự xét mình để có được một đời sống tâm linh xứng đáng.
Nguyễn Hoàng Đức
Nỗi buồn lễ hội
Xuân đến, phồn thịnh và náo nhiệt, ấy cũng là mùa của những lễ hội. Tựa
sợi dây nối tiền nhân với hậu thế, lễ nhắc người ta về đạo làm người. Hội là
cuộc vui cộng thể để dồn sức cho cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn. Giúp gắn kết,
tăng niềm tin và sức mạnh dân tộc, lễ hội là một phần thân thuộc và tự nhiên
ngày qua ngày bồi bổ nên cốt cách văn hóa của con người Việt Nam.
Chỉ đáng buồn những lễ hội dân gian ngày nay đã không còn đẹp và nguyên sơ
như thuở nào. Trẩy hội chùa Hương, khách thập phương không khỏi hổ thẹn bởi la
liệt hàng quán, thương nhân chen chân buôn bán sát tới nơi thờ Phật. Thèm khát
lộc rơi lộc vãi, hậu duệ của đức Thánh Trần đè lên nhau xông vào xin ấn. Trần
sao âm vậy, tiền âm phủ in nhái ngoại tệ mang toan tính đời thường nơi dương
thế tràn tới cửa phủ, cửa chùa. Ồn ào đến mất cả linh thiêng, nếu không kịp
chấn chỉnh, nhiều lễ hội chỉ còn vọng lại những tiếng sóng cuộn lên từ lòng ham
muốn. Lễ sẽ mất dần tính trang nghiêm cung kính và hội sẽ không còn là những
cuộc tự tình, tự giáo dục của cả cộng đồng.
Người ta bảo dân tộc ta có văn hóa cổ kính, dùng văn để trị, để giáo hóa con
người. Truyền thống văn trị ấy đề cao “khắc kỷ phục lễ”, tức là rèn con người
biết kìm hãm ham muốn riêng để phục hồi phép tắc lễ nghĩa. Lễ hội, vì lẽ ấy
phải góp phần giáo dục con người biết tiết độ dục vọng, biết dừng lại và xấu hổ
vì những ham muốn vật chất của mình, dùng những nghi lễ để tri ân tiền nhân và
giúp con cháu không quên suy ngẫm về bổn phận hậu thế.
Không thể để đám đông với những ham muốn vô bờ xô đẩy lễ hội ngày càng xa
dần với giá trị nhân bản truyền thống của nó. Việc ấn định lại khuôn khổ hợp lý
cho các lễ hội, bài trừ mê tín dị đoan, bài trừ các sinh hoạt có màu sắc thương
mại ở những nơi thờ tự, tín ngưỡng hay cơ sở tôn giáo thuộc trách nhiệm quản lý
của Nhà nước.
Một nhà nước mạnh mẽ trước hết phải thể hiện ở chỗ thực hiện nghiêm chỉnh
lệnh cấm công chức sử dụng xe công đi lễ chùa, nghiêm cấm công chức lập nơi thờ
tự ngay trong công sở mà mình phụng sự. Cũng nên suy tính để nghiêm cấm việc in
tiền âm phủ nhái hình thức và màu sắc của đồng nội tệ hay ngoại tệ, cấm lập các
hòm công đức tràn lan và thả tiền lẻ bừa bãi ở những cơ sở thờ tự, tín ngưỡng.
Tránh những trào lưu tự phát, một khuôn khổ pháp luật nghiêm khắc thể hiện
trách nhiệm của Nhà nước trước việc giới hạn hoạt động của các lễ hội đã trở
nên cần thiết.
Chỉ còn gần 10 năm nữa nước ta tiến đến cái ngưỡng để trở thành một quốc gia
công nghiệp. Chúng ta cần những con người biết ứng xử văn minh tương xứng với
thời đại công nghiệp ấy. Không tự rèn luyện, không nỗ lực cạnh tranh, chỉ tranh
giành nhau một chút lộc thánh những mong đạt lợi, không khéo những thế hệ chúng
ta ngày càng đắc tội với cả tiền nhân và hậu thế.
Phạm Duy Nghĩa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét