Thứ Tư, 2 tháng 2, 2011

Cảm xúc chiều ba mươi Tết

Chỉ còn ít giờ nữa là năm Canh Dần qua đi và năm Tân Mão sẽ đến với bao nhiêu hy vọng về một tương lai hạnh phúc và thịnh vượng. Tết là dịp để mọi người trong gia đình sum họp, bạn bè thân thiết gặp gỡ, hàn huyên với nhau, hàng xóm láng giềng thăm hỏi, là dịp để mọi người nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả. Tết là lúc tiết trời lành lạnh, những hạt mưa đầu xuân bay ngang đầu ngõ, là khi những cánh đào tơ phơ phất ửng hồng, là lúc ta thấy phấp phỏng một nỗi riêng tư,... Có lẽ vì chất chứa trong lòng quá nhiều những nét đặc trưng của văn hóa Việt, của làng quê Việt nên Tết bao giờ cũng là nỗi nhớ cồn cào, là kỷ niệm sắt se trong lòng những người xa quê hương. Mỗi khi nhịp thời gian báo hiệu gần kết thúc năm cũ, là khi đó cái "chất quê" trong mỗi người lại trỗi dậy. Nó khiến cho ta thêm thương nguồn nhớ cội, để biết rằng mình là ai, mình đang ở đâu trên trái đất này. Nó cũng là chất men để khiến cho tâm hồn mỗi người dân Việt thêm chan chứa hương vị cuộc đời.

Kính chúc bạn bè gần xa một năm mới dồi dào sức khỏe và an lành. Trân trọng giới thiệu một bài viết về cảm xúc Tết, cảm xúc về người mẹ Việt Nam, của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi (Thái Bình).
---------------------------------
CẢM XÚC CHIỀU BA MƯƠI TẾT

Tết qua tôi về quê nhằm đúng chiều ba mươi, vào tới sân nhà thì hình ảnh đầu tiên tôi gặp là mẹ già đang ngồi lui cui chăm bếp lửa. Ánh lửa rực hồng in dáng mẹ. Mẹ thật gầy! Lòng tôi se sắt…

Mỗi khi chiều buông, trong mùi hương gây nhớ của làn khói bếp, của hương thơm cảnh đoàn viên mà lỡ nhà nào đó có người thân đi xa không về thì cái làn khói bếp kia, cái mùi hương gây nhớ kia sẽ trở nên một day dứt, một ám ảnh vô cùng. Điều này càng trở nên bội phần da diết hơn, ơi làn khói bếp những chiều ngày Tết.
          Chiều chiều ra đứng ngõ sau
          nhìn về quê mẹ ruột đau chín chiều…

Lời yêu thương ta thán ấy sao lại cũng xuất hiện trong buổi chiều? Có sự can thiệp tác thành của làn khói bếp mà các mẹ ta châm lên khoảng không gian dài nhớ rộng thương đó không? Hẳn là có đấy. “Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai…” Câu Đường thi nạm chữ vào lòng dạ cố hương cũng có gốc sinh ra từ làn khói. Người con gái phải xa quê đi lấy chồng, người con trai thì phải xa quê đi mưu cầu công danh sự nghiệp, xưa cũng như nay ai chẳng canh cánh bên lòng nỗi nhớ nhung quê mẹ. Trên đường chiều khi mắt đã bắt vào làn khói trắng rất mỏng giăng lên trên mái nhà quê thì chân dồn chân ai cũng mong bước chạm ngõ nhà trước khi chiều tắt ánh. Người ở nhà giữ lửa châm khói mong móng từng tiếng bước chân quen trên mặt ngõ để cùng nhau hưởng bữa cơm ngon. Và còn khắc khoải mong móng bằng năm bằng mười nếu như sự xa cách người thân trong ngày non sông tao loạn. Tuổi ấu thơ đời tôi cùng gia đình mình thấm thía niềm nhớ thương người bố nơi chiến trận. Ngày ấy, khi chiều buông dời tay liềm tay hái từ đồng về là bà nội tôi lại âm thầm giấu lòng vào với những sàng sẩy nong nia thóc gạo. Mẹ tôi thì ẩn nhẫn nén lòng nhen lửa bếp giữ nhịp sống cho gia đình cùng những đứa con thơ.

Bây giờ khi viết những dòng ký ức này tôi đã sống xa làng. Do hoàn cảnh riêng tôi ít được thăm quê thăm mẹ nên mỗi khi chiều buông, lòng tôi hay buồn nhớ. Như buổi chiều vừa trôi qua này tôi đang sống trong nỗi lòng nhung nhớ ấy. Nỗi lòng in trên sắc mặt. Anh bạn bác sỹ, người đang hàng ngày điều trị bệnh cho tôi thấy vậy hỏi chú có gì nghĩ ngợi đấy? Tôi gượng cười thưa, em nhớ nhà. Thèm nhìn thấy cái làn khói bếp mỏng manh, cái mùi âm ấm nồng nồng và ngàn ngạt. Cái tình với đất đai thôn ổ, với rạ rơm củi lửa đã ăn sâu vào tuổi đời em rồi… Nghe vậy vẻ mặt anh bác sỹ chợt cũng bần thần. Anh cũng là người mang gốc gác nhà quê mà. Anh bác sỹ bảo, lâu lắm rồi mình chỉ quen với bếp ga bếp điện. Chiều xuống cũng thấy lòng trống vắng. Trống vắng cái gì thì chưa gọi thành tên. Lẽ nào lại từ cái làn khói bếp châm lên từ rạ rơm củi lửa ấy? Tôi bảo, có lẽ lắm, anh ạ. Cái làn khói bếp ấy là một nơi cho ký ức lớp tuổi anh em mình và của người quê kiểng ngàn xưa điểm cư trú đấy. Nó thật mỏng mảnh và cũng thật chắc bền. Bởi nó được xe bện, giăng mắc từ cảnh thanh bình, hạnh phúc. Anh bác sỹ thì thầm đọc câu thơ của một nhà thơ chiến sỹ, viết thời chống Mỹ: “Khi con thưa với mẹ/ mưa bay mờ đồng ta/ ngày mai con đi/ khói bếp mẹ con mình chợt ngừng trên mái rạ…” Rồi anh hỏi tôi, là nhà thơ, chú có viết về làn khói bếp không? Tôi thưa rằng có. Viết những vài ba bài cơ. Song cái khoảng “ngưng” tạo quãng lặng thời gian của câu thơ trên thì thơ giờ không tạo ra được. Bởi từ cái làn “khói bếp mẹ con mình” đã gợi ra thứ khói tàn khốc ám vào, đè trĩu lên cái làn khói bếp gia đình, là khói lửa đạn bom. Còn làn khói bếp trong thơ em mang sắc bình yên, bình dị vĩnh hằng nếp sống nơi thôn dã.
          Chiều chiều mẹ trồng ngọn khói
          thu trời bé lại phương con
          trong mùi cơm thơm phưng phức
          cõi trần thắm một màu son…
          Và,
          Trong mong manh làn khói bếp
          thời gian lẫm chẫm đi về…

Nghe, anh bác sỹ tỏ ý ưng số chữ tạo hình của khúc thơ ấy và anh hỏi tôi viết bài thơ này khi nhà mới dinh lên thành phố, khi đã sắm bếp ga? Tôi lại thưa, em viết bài “Chiều chiều” khi chưa có nhà riêng ở thành phố, còn đi ở trọ. Một chiều nhìn lên mái nhà tịnh không thấy tí tẹo làn khói bếp nào. Mà thành phố Thái Bình còn có nơi phường, xã cảnh sắc đậm vẻ thôn làng. Vậy những làn khói châm lên từ củi lửa đi đâu? Lại giật mình nghĩ ngợi, rơm rạ nhà quê bây giờ phần nhiều dùng để đốt ngoài đồng rồi. Bếp ga, bếp than kiểu mới đốt không có khói cũng đã dần trở lên phổ biến rồi. Trong buổi chiều đông ấy một cảm giác thật thương thật tiếc dâng lên tràn ngập.

Trước ngõ nhà mới của tôi có một con sông mang cái tên rất Tây – sông Pari. Tên gọi thì xa lạ nhưng cảnh sắc ven sông, màu nước và phương thức lao động của ngư dân thì vẫn cũ. Lác đác những con thuyền nhỏ xíu và rách nát chăng lưới bắt cá dập dềnh trôi nhẹ. Tôi rất có cảm tình với cách chèo thuyền bằng hai chân của một anh ngư phủ. Tôi thường ra bờ sông lúc chiều buông ngắm cảnh phố phường vào đêm và chờ thuyền anh ta về buông lưới. Và một lần mải dõi theo bóng thuyền đang khuất dần về cuối dòng thì tôi gặp nơi cuối sông một mảnh trăng liềm sáng trắng. Ngẩng đầu nhìn về phía trời đằng Đông mới hay mảnh trăng chiều đã nhô tới đỉnh cây cột điện bên kia sông. Cây cột điện có ngọn cao áp ánh vàng lúc ấy còn ngủ im lìm chưa thức ánh. Cúi đầu nhớ cố hương… Một tiếng gõ mơ hồ trong đáy lòng ý chừng muốn nhắc nhớ rằng, liệu hồn, anh sắp thành kẻ vong thân vong bản, kẻ mất quê đến nơi rồi. Trăng mang bóng quê nhà vào cuối sóng… Không kìm được tôi chợt thốt lên câu nói thơ ấy. Cuối trời chiều đó sao mà khói lam nhiều đến thế. Những cồn khói cứ giăng thành giăng lũy trước con mắt tha hương. Khói trắng dâng hồn quê kiểng ngang trời... Lời tôi hay lời ai xưa vọng lại…

Sự đổi mới tiện nghi sinh hoạt theo bước phát triển khoa học kỹ thuật đương nhiên là một tin mừng, là cần thiết. Nhưng để có những bếp ga bếp điện mà người nhà quê xứ ta đánh mất đi hương ấm nồng nàn củi lửa trong bếp nhà mình thì cầm bằng khứa một vết thương chơi vơi trong tâm hồn đó.

Ôi cái làn khói bếp như biết vấn biết bện tình người vào với đất đai thôn ổ!

Ôi cái làn khói bếp mang mùi hương rơm rạ đã hằng đời tồn tại như một nét hồn quê, như một thông điệp gửi tới bốn phương, tới trời cao xanh rằng: Đây là làng quê Việt Nam. Đây một hệ thời gian riêng biệt mang tín hiệu về sự đầm ấm, an bình, hạnh phúc của những gia đình Việt Nam khi sớm lúc chiều!

Ôi cái làn khói bếp mang màu sắc, nhìn gần thấy trắng, trông xa thấy xanh mờ. Ấy là màu quê mẹ ta thắp cho trời làm một mốc giới, cho đàn con Việt vẫn biết rằng: Chốn quê này có mẹ !

Đỗ Trọng Khơi

Không có nhận xét nào: