Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

Sương khói bên hồ

Nguyễn Đức Tùng sinh tại Quảng Trị, đã tốt nghiệp đại học Mc Master, nội trú đại học British Columbia và Toronto (Canada). Hiện anh đang theo học sau đại học về nghiên cứu giáo dục, Đại học British Columbia (thành phố Vancouver, Canada). Làm việc trong ngành cấp cứu tại một bệnh viện ở Vancouver, là bác sỹ chấm chỉ của hội đồng Y khoa Canada. Nghề nghiệp nhìn bề ngoài chả có gì dính líu tới văn chương như thế, song anh lại là một cây bút có hạng trong văn giới. Anh làm thơ, dịch thuật, viết phê bình rồi đăng tải chúng trên các trang mạng và các tạp chí văn học trong và ngoài nước. Thơ Nguyễn Đức Tùng nén thẫm, thâm trầm và giàu chất suy tưởng về sự vật, hiện tượng và con người xung quanh. Tôi vẫn còn nhớ tới một vài bài thơ của anh như: “Chiến tranh”, “Quán phở trên đường Broadway…”, “Chiến thắng”. Đó là những bài thơ rất ngắn, mang tính hàm súc của ngôn ngữ thơ, là sự nén lại của tư tưởng mà nhà thơ muốn gửi gắm tới người đọc. Năm 2009, anh công bố cuốn sách “Thơ đến từ đâu”, bao gồm những bài phỏng vấn các nhà thơ đang sống ở trong nước và ngoài nước về thơ Việt mà đã được đăng rải rác trên các trang mạng văn chương. Cuốn sách ngay lập tức đã trở thành một hiện tượng văn học trong năm đó, và được thảo luận sôi nổi giữa các nhà thơ, nhà phê bình, nghiên cứu. Cuốn sách này đã nêu lên nhiều vấn đề cốt lõi của thơ, và đã được các nhà thơ kiến giải một cách sâu sắc. Cho dù các nhà thơ trong tập sách có những cá tính khác nhau, quan niệm về thẩm mỹ, văn học và chính trị rất khác nhau, nhưng qua những cuộc phỏng vấn như vậy, có lẽ những cách biệt, ngăn trở trong lòng mỗi người Việt ở viễn xứ hay ở quê nhà không còn rõ rệt. Phải chăng, Thơ đến từ đây? 
-----------------------------------------------
SƯƠNG KHÓI BÊN HỒ

Thoát nạn trong một vụ đụng xe, chiều thứ bảy trước lúc mặt trời lặn, trên xa lộ cao tốc đoạn Toronto-Kingston, tôi lái về đến Kingston khi trời đã tối, vội vàng check in vào một khách sạn đã giữ chỗ trước, ăn qua loa rồi đi ngủ sớm. Người đau nhức mệt mỏi, suốt đêm trằn trọc.

Một chiếc xe hơi từ trong đường nhỏ quáng quàng phóng ra, lạc tay lái, đâm vào một hông một chiếc xe khác. Chiếc xe thứ ba, loại thể thao màu đỏ, phía sau, thắng vội vàng xoay nghiêng trên xa lộ, từ từ lật ngửa ra ngay trước mặt tôi. Tôi đạp lút chân thắng, bám chặt người trên tay lái, cố hướng mũi xe vào lề cỏ, đường dốc, bánh trượt kêu rít trên mặt đường nhựa vừa tan tuyết vào tháng ba, khi những cây phong bên đường bắt đầu vươn nhánh lên trời ra nụ, chưa kịp mọc lá, vẻ hớn hở. Chui khỏi xe, cách đó vài mét, tôi thấy chiếc xe màu đỏ nằm ngửa, bị đè nghiến lên bởi một chiếc xe hơi khác. Người tài xế xe màu đỏ chết ngay.

Tai nạn và sự sống chết có những bí ẩn nhiều khi không giải thích được.

Hôm sau, tôi dậy trễ nhưng trời còn lạnh. Mở cửa sổ, thấy phía sau lưng khách sạn bát ngát một mặt hồ khói sương, riêng những chỗ vừa tan sương mù liền lộ ra mặt nước xanh ngăn ngắt. Tôi mặc áo khoác, mua ly cà phê nóng cầm tay, thong thả đi bộ dọc theo bờ hồ, thấy lòng dịu lại, chuẩn bị cho mấy ngày làm việc sắp tới. Con đường kề bên mặt nước thật thơ mộng, hãy còn yên tĩnh sau mùa đông dài, khi những người du khách từ khắp nơi chưa đổ về. Tôi đi như thế thật lâu, thật xa, tới bìa rừng.

Sau mấy bụi rậm, tôi gặp người câu cá. Đó là một người đàn ông khoảng sáu mươi tuổi, tóc lốm đốm bạc, khuôn mặt nửa Á nửa Âu, hình như lai Nhật, hàm râu quai nón thưa, người đậm và thấp, ngồi trên một tảng đá giữa những cây bạch dương, áo khoác dày xám, hay bàn tay che trong tay áo rộng. Chiếc cần câu dài, nhìn kỹ mới thấy sợi dây cước nhỏ như tơ vươn xa trên mặt nước. Tôi lại gần quan sát, không nói gì. Ông ta liếc nhìn tôi, cũng im lặng.

Ngẫm nghĩ những công việc sắp tới của mình và tai nạn vừa qua, tôi đứng như thế thật lâu. Những đàn cá con nhỏ li ti lượn lờ gần mặt nước thấp thoáng rong. Sương mù ngoài khơi mỗi lúc một tan, mấy con vịt trời lội vào gần bờ, một con hạc bay lướt qua kêu lảnh lót. Bỗng tôi thấy sợi dây căng thẳng, chiếc cần cong lại. Người đàn ông nhấp cần nhẹ nhàng, thong thả đứng dậy, ghì chặt, chăm chú, đi từng bước kiên nhẫn chờ đợi. Dây câu mỗi lúc một kéo dài thẳng băng. Ông ta cứ thế đi dọc bờ nước, tôi hồi hộp đi theo. Vút một cái, một chú cá trắng toát đã nằm trên cỏ. Nó nằm yên một lát rồi bắt đầu giãy lên. Tôi nhìn kỹ, đó là một con cá trout rất lớn, nhìn giống như một loại cá thu ở Việt Nam, dài ba bốn gang tay.

Con cá sợ hãi quẫy dữ dội, cố sức trườn đi trên cỏ. Người đàn ông ghì chặt bằng một tay, tay kia tìm cách gỡ lưỡi câu trong miệng nó. Tôi đứng gần lại, cúi người, sẵn sàng giúp ông ta. Một tia máu ứa ra trên khoé miệng nó, loang dần trên những chiếc vảy lấp lánh ánh sáng bạc, nhưng đuôi nó vẫn đập mạnh.

Vật lộn với con cá một lúc, gỡ móc câu xong, ông ta nâng nó lên bằng cả hai tay, ngắm nghía, hình như cố để lâu cho tôi nhìn kỹ. Lúc này con cá chịu nằm yên, có thể vì thấm mệt, đầu và đuôi rũ xuống, phơi bụng trắng ngần. Tôi khen một câu. Ông nhìn tôi vẫn không nói gì, rồi quay đi nhìn mặt hồ.

Bất ngờ ông ta dùng hết sức ném con cá ra xa. Nó lập tức biến mất, để lại những vòng tròn lớn trên mặt nước.

Tôi bị bất ngờ, tiếc ngẩn, không nhịn được cất tiếng hỏi.

Ông ta nhìn tôi một lúc, nheo mắt mỉm cười rồi chậm rãi giải thích: con cá này lớn quá so với cái chảo của tôi ở nhà. Tôi cần một con cá nhỏ hơn kia, vừa với cái chảo của tôi hơn.

Nói rồi, ông quay lại chổ cũ, lúi húi sửa soạn cần, dây câu và đồ mồi. Tôi im lặng nhìn những vòng sóng lăn tăn mà chú cá để lại đang tắt dần, uống hết ly cà phê, chào ông ta rồi bỏ đi, lòng nghĩ thầm: đã chắc gì ông ấy lại được câu được một con cá khác, nhỏ bằng cái chảo của mình? Hay lại về tay không?

Nguyễn Đức Tùng

1 nhận xét:

bia nói...
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.