Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

Tâm thức Việt trên đất Mỹ

Cây đa bến nước
Bác sỹ Lê Đình Phương là một cây bút quen thuộc đối với những ai quan tâm tới y khoa, văn học, âm nhạc và nhiếp ảnh. Ông cũng là người có những ý kiến xác đáng với nhiều vấn đề nóng hổi và nhức nhối của xã hội. Đó chính là thái độ đáng trọng của người trí thức. Năm 2009, cuốn sách Người bệnh cuối ngày với những bài bút ký về nghề nghiệp, về cuộc đời và về nhiếp ảnh của ông, thực chất là tập hợp các bài viết đăng tải trên báo chí và blog cá nhân (Dr Nikonian), đã ra mắt bạn đọc. Những bài viết trong tập sách chính là tâm tư, là nỗi lòng của một người nghệ sỹ đối với thời cuộc, với con người dưới lăng kính “cận nhân tình” của một bác sỹ tổng quát. Có những bài đề cập đến chuyện nghề nghiệp khô khan song không vì thế mà khó đọc, trái lại, được thể hiển dưới một giọng văn dễ hiểu và hóm hỉnh. Nhờ đó mà mọi điều khó nghe, khó nuốt kia cứ từ từ thấm dần vào trí nhớ người đọc. Ngoài ra, còn có những bài bút ký, cảm nhận về những địa danh khác nhau trên thế giới, về âm nhạc, về nhiếp ảnh thật sắc sảo, tài hoa và đầy tính nhân văn.

Trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay, một trong những vấn đề lớn nhất đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, chính là làm sao hội nhập được với dòng chảy văn hóa chung của nhân loại nhưng cũng không được để đánh mất bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Vì văn hóa sẽ là yếu tố nhận dạng của mỗi quốc gia trên bản đồ thế giới trong thế kỷ này. Mất văn hóa là mất tất cả. Đây là vấn đề cực khó. Một điều dễ nhận thấy, đó là những gì mới mẻ, trẻ trung thường có sức thu hút, hấp dẫn hơn những gì thuộc về cổ truyền, quá khứ. Vì thế mà những nền văn hóa phóng khoáng, cổ vũ cho tự do, cởi mở thì thường được ưu chuộng hơn nền văn hóa truyền thống, vốn bảo thủ và chậm chạp hơn so với sự phát triển của xã hội. Hệ quả là, những giá trị văn hóa truyền thống dần dần bị mai một, trong khi những giá trị mới kia chưa đủ sức hình thành nên các chuẩn mực, giá trị đạo đức để dẫn dắt toàn xã hội. Điều này tất yếu sẽ dẫn tới sự mất ổn định về tâm lý xã hội, và cũng là bi kịch của xã hội hiện đại. Đó là lý do mà bất cứ mỗi dân tộc nào, nếu muốn tồn tại và phát triển trong thời kỳ này cũng đều phải giữ cho bằng được “chiếc phanh” văn hóa truyền thống này…

Hắn là một gã nông dân thứ thiệt. Ăn khỏe, uống nhiều, giọng nói lúc nào oang oang như chợ vỡ, được mỗi cái nụ cười duyên dáng và chân thật… Giã từ làng quê nghèo khó, hắn “liều mạng” đi Tây một chuyến, những mong đổi đời và cũng muốn mở mang tầm mắt để biết đó đây. Dấu giày thiên di của hắn đã băng qua biết bao vùng đất của quả cầu này. Từ những buối phơi mặt trên đường phố Moscow, những lần chạy hàng bạc tóc tại Berlin, Praha, Paris,... rồi những chuyến lang thang một mình trong khắc khoải, cô đơn của một người viễn xứ. Không biết tự khi nào, hồn quê Việt lại chợt hiển hiện thật gần gũi, thân thương trong tâm thức gã, một kẻ quê kệch và lênh đênh nguồn cội…  

----------------------------------------------------
Chẳng biết vì sao, hay chắc tại cung Di tử vi tôi có Nữ thần tự do chiếu mạng nên những chuyến đi dài dằng dặc đến Mỹ đều hướng đến bờ Đông: Florida với khu La Tampa tuyệt vời sang trọng, Boston với mùa thu vàng huyền hoặc, Washington với hoa đào nở như chốn bồng lai…Bờ Đông lạnh giá của Hiệp chủng quốc Hoa kỳ, cổ xưa và đầy thắng tích, dường như khác hẳn bờ Tây đầy nắng ấm, phồn hoa, náo nhiệt như vẫn thường thấy trên các phim ảnh Hollywood. Ứơc ao đến bờ Tây rồi cũng thành, khi cuộc họp thường niên của Hội Gan mật Mỹ năm nay được tổ chức ở San Francisco. Thích nhé!

Cái sự “đáng phàn nàn” của Cựu Kim Sơn (?)
Đến San Francisco sau chuyến bay đăng đẳng 18 giờ, lang thang mò mẫm một tuần, tôi nhanh chóng hiểu được câu nói đầy tiếc nuối của Rudyard Kipling: “San Francisco chỉ có một điều duy nhất đáng phàn nàn, là nơi chốn này thật khó rời xa!” Quả đúng như vậy, vì San Francisco quả tình là đẹp, hoa lệ theo cái đẹp đa chủng, đa văn hóa của nước Mỹ. Nơi đây, bạn thấy được dinh thự đền đài theo kiểu Tây Ban Nha, bạn lặng lẽ thả bước dạo quanh khu vườn Nhật tuyệt đẹp, quà tặng của thị trưởng Osaka dành cho thành phố, bạn háo hức rảo quanh cung Nghệ thuật Golden Gate xây theo kiểu Athens Hy lạp. Và thoắt một cái, bạn lạc bước xuống phố Tàu theo chuyến cable car đặc trưng của miền Viễn Tây Hoa kỳ, mũi bạn lại phập phồng vì mùi chiên xào, “Wan-ton mee” (mì Quảng đông) rất đỗi “Ba Tàu”, trong khi mắt lại hấp háy vì màu đỏ Trung Hoa giăng mắc mọi nơi trên nền trời xanh ngắt Cựu Kim Sơn…Thành phố đầy sắc màu và đa chủng, náo nhiệt và tấp nập, ồn ả đan xen thanh tĩnh, “sang” xen lẫn với “sến”, thấp cao chập chùng trên những triền đồi…Đó là San Francisco khi tôi đến vào một ngày tháng 11. Cái đẹp đầy sắc màu, sản phẩm của một nền văn hóa đa chủng, đa sắc tộc thật khó mà cảm nhận được hết, huống hồ là kể lại trong một vài dòng ngắn ngủi.

Đừơng thiên lý đến Las Vegas
Điều in đậm trong ký ức tôi là chuyến đi xuyên sa mạc Nevada với một người bạn cũ thân thiết mới gặp lại sau 25 năm xa cách. Rời San Diego, L. chở tôi dọc theo một đường cao tốc xuyên tiểu bang với tốc độ 80 dặm một giờ. Vậy mà cũng mất 6 tiếng mới đến nơi. Quả thực, nước Mỹ có quyền tự hào về hệ thống xa lộ cực tốt của mình. Làm sao giữa một vùng sa mạc khô cằn khắc nghiệt, người ta có thể kiến tạo lên một con đường hun hút, mà xe chạy mòn bánh, “chó chạy cong đuôi” cũng chỉ thấy hai bên đường là núi và xương rồng, không một bóng người hay nhà cửa. Những ngọn núi nhấp nhô, đủ hình thù mà ánh nắng xiên khoai càng làm nổi bật những hình khối đậm nhạt thật kỳ lạ, không thể không nhớ tới viên mục sư trong một truyện ngắn của Somerset Maugham nằm mơ thấy núi Nevada mà liên tưởng đến bộ ngực đàn bà (?). Hay những bụi xương rồng sa mạc, lẻ loi, đơn độc ngả bóng lên nền trời xanh thẳm, y chang như những ký ức tuổi thơ về chàng Dzăng gô và mọi da đỏ mà tuổi thơ tôi vẫn thường dấm dúi đọc trong những năm tiểu học. Sa mạc không một bóng người, chỉ có con đường thiên lý, cắt một nhát khi thẳng tắp khi quanh co, xẻ núi xuyên đồi đến tận chân trời. Lạy Cao tiên sinh thứ lỗi, nếu người có dịp đi xa lộ xuyên bang như tôi, chắc người sẽ cảm khái ngâm ngợi: “Freeway như kiếm dựng trời xanh”! chứ chẳng chơi. Cái nhân tạo, dù là một con đường xa lộ phẳng phiu cực tốt, được đặt giữa đất trời bao la, cũng có cái kỳ vĩ và giá trị mỹ học của riêng nó.

Rồi tôi cũng đến được Las Vegas chói lòa đầy ánh sáng, trong những ngày kỷ niệm 100 năm thành phố này mọc lên sừng sững giữa sa mạc. Quả tình ai đó nói không sai, chưa đến Las Vegas, một thành phố rặt Mỹ, chưa thấy được cái hoa lệ tột cùng của nước Mỹ. Trời ạ, Las Vegas là nơi mà bao nhiêu sáng tạo thông minh của con người đều được tập trung để khuyến khích người ta tiêu tiền, ăn chơi, nhậu nhẹt, bài bạc thỏa thích mà không hề tiếc rẻ đồng tiền mình đã bỏ ra. Nghệ thuật câu khách của công nghệ giải trí kiểu Mỹ ở Las Vegas quả thật đã đến mức siêu đẳng.

Giải trí kiểu Mỹ là vậy, chu đáo và tận tình hết chỗ chê. Cẩn thận đến độ trong sòng bạc cũng có máy phá rung tim (defribrillator), để sẵn sàng cấp cứu những con bạc muốn chầu trời vì vỡ tim sau hồi đỏ đen. Chu đáo đến độ cạnh sòng bạc cũng có nguyện đường, chắc để các em trúng mánh tạ ơn Trời Phật cho được bạc. Tận tình đến độ có luôn cả một phức hợp trông trẻ với đủ thứ trò chơi, cung cấp cả máy nhắn tin thông báo mỗi 15 phút con mình đang “làm gì, ở đâu, với ai” để cho các bậc phụ huynh khả kính tha hồ đỏ đen. Thích nhé, vì “cả nhà ta, cùng vui” mặc dù… không “bên nhau” như lời bài hát mà mấy em nhi đồng bên nhà thường nghêu ngao!

Không chỉ là nơi hưởng thụ dành cho quí ông, Las Vegas còn có những boyshow mà diễn viên là những chàng trai đủ màu da, mặt đẹp như ngọc mà thân hình thì như Hercules tái thế. Chẳng biết mấy quí mỹ nam tử này diễn trò gì trong cái show dành riêng cho quí bà quí cô thưởng lãm? Nhưng đứng quan sát đám đông toàn phụ nữ ùa ra, nhí nhố, hể hả, đầy mãn nguyện và khoái hoạt sau show diễn, nhìn mặt em nào cũng thấy câu “mẹ ơi con muốn lấy chồng”(?). Rõ khổ cho tôi là gã tò mò quan sát mà không nhịn được tiếng cười khùng khục muốn bể cả đan điền!

Người ta đến Las Vegas không chỉ để đánh bạc! Las Vegas, thành phố tội lỗi (sinful city) theo chính cách gọi của người Mỹ, đang chuyển mình để “lành mạnh hóa” hình ảnh của chốn ăn chơi này. Ngày tôi đến, Las Vegas có những sự kiện mà ngay cả New York hay Boston phải ganh tị. Show diễn “A new day” của Celine Dion, ảo thuật của David Copperfield bằng xương bằng thịt, liveshow của Paul McCarney lãng tử của ban Beatles huyền thoại…Đó là chưa kể đến cuộc triển lãm tranh của trường phái ấn tượng từ Corot đến Van Gogh. Ngạc nhiên chưa, đừng có chê Las Vegas là đất đỏ đen nữa nhé, người ta cũng đầy tính nghệ thuật như ai chứ bộ.

Không nghệ thuật sao được, khi cả một nền công nghiệp giải trí khổng lồ như Las Vegas, chỉ nhằm một mục tiêu là khuyến khích người ta tiêu tiền và quên hết mọi sự chết tiệt trên đời. Vì nó quả thật đáng đồng tiền như cái show diễn tuyệt diệu của đoàn xiếc lừng danh Cirque du Soleil. Mặc dù được bạn hào hiệp chiêu đãi, tôi vẫn không khỏi giật mình khi biết giá vé trên trời. Nhưng quả thật danh bất hư truyền, vì trong 2 tiếng đồng hồ, những vũ công thượng thặng của Cirque du Soleil đã giúp cho tôi hiểu thêm về cái ranh giới rõ ràng giữa cái đẹp của ngôn ngữ hình thể và sự khiêu dâm thô thiển. Bằng ánh sáng, nước, lửa, đu dây, âm nhạc…tất cả trong một chuyện kể đầy bí ẩn và mê hoặc về những cung bậc của tình yêu, sự thăng hoa của những phút giây luyến ái ngây ngất và đầy biểu cảm, được khắc họa một cách sống động và đẹp đến thót tim. Một bản tụng ca tình yêu bằng âm nhạc và ánh sáng, bằng hình thể và vũ đạo, gợi cảm và hồi hộp (sexy and thrilling) như một bỉnh bút của New York Times bình luận thực không quá lời. Mà không “đã”, không hay sao được, vì vũ công của Cirque du Soleil là dân ba lê Liên xô cũ lưu lạc qua đây, cộng thêm sự chăm chút thần sầu của kỹ thuật âm thanh ánh sáng tuyệt chiêu. Không hay sao được?

Las Vegas là vậy! Một thành phố Mỹ 100% mà không nơi nào có được. Đến Las Vegas, đừng nghĩ đến những khám phá về tính chất hợp chủng về văn hóa như ở San Francisco, hay tìm kiếm những giây phút “hoa xoan rụng sau hè” hay “ngoài kia sân nở một cành mai”. Las Vegas là đèn màu nhấp nháy thâu đêm, là những phức hợp ăn chơi tráng lệ ngang tầm cung điện vua chúa châu Âu, là những sòng bài mịt mùi khói thuốc với hàng vạn con người, là những bữa tiệc mà bao nhiêu món ngon vật lạ trên đời đều có mặt…Las Vegas rặt Mỹ đến độ chỉ trong 2 ngày ngắn ngủi lọt thỏm trong biển ngừơi mênh mông, kẻ lang thang da vàng là tôi bắt đầu lờ mờ cảm nhận được cái shock của sự dị biệt kinh khủng về văn hóa, thấy được cái khoảng cách mênh mông giữa quê hương tôi “mẹ già cuốc đất trồng khoai” với cái thế giới ngựa xe như nước với bao cuộc vui thâu đêm suốt sáng như Las Vegas.

Ngược dòng về tâm thức Việt
Làm sao văn hóa Việt, bản sắc Việt không bị đè bẹp và có thể trừơng tồn trên đất Mỹ, nơi đã sản sinh một nền văn hóa giải trí đầy thực dụng như Las Vegas được?
Trầu têm cánh phượng
Vậy mà có đấy! Tôi tìm được câu trả lời trong một bữa ăn tối với gia đình BS Đỗ, một người Việt định cư ở Mỹ đã 30 năm. Căn nhà với phiên bản trống đồng trên vách, bụi chuối khóm tre trong góc phòng, tranh tố nữ…cộng với sự lịch lãm và hiếu khách đầy chất Á đông của chủ nhà làm cho tôi nhẹ lòng. Cái nhẹ lòng ấm áp của hai chữ đồng bào trên đất khách, của câu chuyện về cái bọc trăm trứng của dân tộc Việt. Không ấm lòng sao được khi biết được trên đất Mỹ bao la, vợ chồng bác sĩ Đỗ vẫn âm thầm nuôi dưỡng nền văn hiến Việt cho các con cái sinh ra trên đất Mỹ của mình. Không chỉ bằng ngôn ngữ Việt, mà bằng lịch sử ngàn năm của quê hương qua những tập sách Tôi yêu quê tôi, được gia chủ biên soạn công phu, in ấn đẹp, trang nhã. Xa quê, vợ chồng bác sĩ Đỗ bày tỏ lòng thương nguồn nhớ cội không chỉ qua những điều trông thấy, mà qua những điều cảm thấy bằng những truyện tranh, giản dị và cảm động về cổ tích Việt nam, như một lời tự tình (recitatif) thầm lặng hướng đến quê hương rất gần gũi, mà cũng rất đỗi xa xăm bên kia bờ Thái bình dương.

Lòng thương nhớ quê cha đất tổ của cha mẹ qua những trang sử, truyện cổ Việt nam bằng song ngữ Anh Việt đã nảy mầm trong Linh Đan, con gái của BS Đỗ. Sinh ra ở Mỹ, học trường Mỹ, nói tiếng Mỹ, và có thể…, suy nghĩ cũng như Mỹ, chưa một lần đặt chân đến Việt nam. Vậy mà cô sinh viên ngành Kiến trúc của Đại học Texas có thể viết được những dòng thật giản dị nhưng không kém phần minh triết về cái mà ta vẫn thường gọi bằng một cụm từ to tát là “hội nhập văn hóa”:
“Khi chúng tôi còn nhỏ, lúc nào cha mẹ chúng tôi cũng nhắc đến văn hóa VN.
Thường vào những buổi sáng thứ bảy, mẹ tôi dạy các chị em chúng tôi học địa lý VN và học về các anh hùng và anh thư nước Việt. Khi chúng tôi lớn lên, mẹ tôi dạy thêm Hán-Việt, thơ văn và dịch Anh-Việt Việt-Anh.
Buổi tối, cha mẹ chúng tôi kể chuyện cổ tích cho chúng tôi khi chúng tôi vào giường ngủ.
Vì mẹ tôi viết sách về văn hóa VN, ca dao và tục ngữ thành ra thông dụng trong đời sống hằng ngày của chúng tôi. Bố chúng tôi say mê nghệ thuật và những hình ảnh về VN làm cho chúng tôi cũng bị ảnh hưởng theo. Những hình ảnh về danh lam thắng cảnh, đền đài, dinh thự và cổ vật VN đã in sâu trong tâm trí chúng tôi.
Bây giờ, khi tôi đi Đại học, tôi mới nhận ra là chúng tôi đã được may mắn có cha mẹ ham mê tìm hiểu văn hóa VN và truyền dạy lại cho chúng tôi. Tôi thấy càng ngày tôi càng thích văn hóa VN nhiều hơn. Tôi muốn sống theo những giá trị truyền thống của tổ tiên đã để lại, làm những món ăn VN, đọc về lịch sử và phong tục VN. Tất cả những gì liên hệ đến VN đều làm cho tôi cảm thấy thân thiết với một di sản, một đất nước và dân tộc VN – mặc dù tôi sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ.
Văn hóa và những giá trị truyền thống không những không lỗi thời mà vẫn còn thích hợp với đời sống tân tiến tại Hoa Kỳ. Tôi tin tưởng một sự hiểu biết sâu xa về văn hoá và những giá trị truyền thống có thể làm phong phú đời sống hiện đại của chúng ta rất nhiều”
Tò he, một trò chơi dân gian

Vậy đó, chẳng vậy mà tôi đã kinh ngạc và thán phục biết bao khi nhìn bức tranh minh họa truyện con Rồng cháu Tiên mà Linh Đan vẽ minh họa cho cuốn sách của mẹ mình. Như những nông dân Việt nam bao đời cần cù gieo hạt, chăm bón cho mảnh đất thân yêu của mình, hạt mầm văn hóa Việt mà vợ chồng BS Đỗ vun xới trong lòng con cái trên đất Mỹ đã đơm hoa qua nét vẽ còn mang nét trẻ thơ, bằng trí tưởng tượng của các con mình về một nơi chôn nhau cắt rốn, thật gần gũi mà cũng rất đỗi xa xôi. Lịch sử khốn khó và hào hùng của dân tôi, đâu cần chứng nghiệm bằng những lời rao giảng cao xa! Chẳng vậy mà chỉ qua một buổi chiều xem tranh Việt ở nhà BS Đỗ, bóng dáng tiền nhân tôi giũ cỏ, lật đá, dệt vải, ngâm thơ, đánh giặc, ru con… suốt bốn ngàn năm nhọc nhằn, tim tôi bỗng ngập tràn sự thành kính và lòng ngưỡng vọng sâu xa về tâm linh và cội nguồn bất diệt của dân tộc.

Huyền sử Việt không thiếu nỗi chia xa, đến nỗi chuyện Lạc Long Quân – mẹ Âu Cơ trăm trứng với cuộc chia con lên rừng xuống biển cũng có thể được kiến giải như một cuộc ly dị, hay ly tán đầu tiên của dân tộc Việt. Đúng sai thế nào chẳng biết, chỉ biết rằng ngàn năm sau kể từ thuở Việt Thường, lữ khách đi qua nước Mỹ trong một chiều đông là tôi, nhìn mẹ Âu Cơ qua nét vẽ Linh Đan, tự dưng thấy lòng dâng lên những điều sâu thẳm lạ lùng, không tài nào nói được nên lời. Tổ tiên tôi ly tán để khai sơn phá thạch mở mang bờ cõi, dù cái giá là sự chia ly nhưng chưa hề rẽ đàn tan nghé. Tôi đây, ngược dòng thời gian làm khách viễn du bên dòng Hồng hà cuồn cuộn phù sa, nhìn dòng nước thời gian mang con dân Việt bập bềnh lưu lạc muôn phương. Dòng máu rồng tiên vào thuở hồng hoang ấy, có ai ngờ phiêu bạt qua mãi bên kia bờ Thái bình bao la. Làm sao nói được nên lời sự kinh ngạc và thán phục khi thấy dân tôi máu đỏ đầu đen, vẫn vừa âm thầm nhẫn nại mưu sinh, vừa nuôi dưỡng vun đắp cội nguồn trên đất khách. Làm sao mà dòng chảy lịch sử khúc khuỷu và chông gai của dân tôi, khi rẽ nhánh vào Hiệp chủng quốc Hoa kỳ, lại không bị tan biến, đồng nhất trong cái biển đa chủng mênh mông đó? Vì sự dung nạp văn hóa (cultural tolerance) của nước sở tại, hay lớn lao hơn, vì cội rễ tâm linh của dân tôi bất diệt tự bao đời? Tôi, cái trứng trong bọc trăm con, nhỏ nhoi trôi đi trôi lại giữa hai bờ Đại dương, tự dưng thấy vang lên trong lòng một ca khúc hướng đạo của Thẩm Oánh ngày nào, tưởng như dòng nhạc ấy chưa bao giờ xưa cũ:
“Nhà Việt nam, Nam Bắc Trung sáng trưng Á đông,
Bốn nghìn năm đó, vang tiếng xây biết bao kỳ công
Ngừơi Việt nam, Nam Bắc Trung chung lòng…“
Sen hồng mấy độ
Coming home, về nhà thôi…..
Ăn cơm Việt, nói tiếng Việt, nghe chuyện cố tích Việt ở nhà BS Đỗ lại làm nhớ quê nhà ghê gớm. Nhớ quán phở ám khói thân quen với cô bán hàng có ánh mắt của một người mẹ khi nhìn thực khách ăn uống ngon lành, nhớ quán cafe góc phố với anh xe ôm rổn rảng, nhớ góc piano bar mù mịt mưa bay với bạn bè thân thiết mỗi đêm, nhớ bao bệnh nhân đang trông ngóng tôi về…Cho tôi xin đủ cafe Starbucks, nói lời tạm biệt Mc Donald, vẫy tay chào Cirque du Soleil…Vì tôi nhớ nhà rồi! Về nhà thôi, giã biệt Las Vegas, San Francisco, Houston, San Diego, Los Angeles…những địa danh trước-lạ-sau-quen nơi đất khách. Về nhà thôi, với hai câu thơ tự trào của ai đó tự dưng bật ra khỏi đầu trong những phút chờ đợi ở sân bay Los Angeles:
“Giang hồ gì ta giang hồ vặt,
Nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà”

Coming home, về nhà thôi…..

Lê Đình Phương

Không có nhận xét nào: