Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2009

Dấu yêu ơi! Bức tranh Tình của người đàn bà Đẹp

Sau những chờ đợi vì bưu điện chuyển phát quá chậm, cuối cùng tôi cũng có trên tay tập thơ thứ hai của Vũ Thị Minh Nguyệt: Dấu yêu ơi. Tôi hồi hộp đọc tập thơ này, với mong chờ sự khác biệt so với tập thơ đầu tiên của chị, và tôi cũng không phải thất vọng với sự chờ đợi của mình.
Đề tài xuyên suốt tập thơ này là tình yêu với những tâm trạng trái ngược của nó. Điều này cũng dễ hiểu vì tác giả của chúng ta là một người phụ nữ đẹp, một vẻ đẹp dung dị, chân chất của người con gái quê hương Thái Bình. Vẻ đẹp đó đã được chị mang vào thi ca với những câu như thế này:
Em muốn hôn anh bằng đôi môi của một người tình
Bằng khắc khoải tháng năm, bằng đợi chờ hy vọng
Bằng nhịp thở, bằng tình yêu tràn trề nhựa sống
Hoang dại, nguyên sơ…
Trong Dấu yêu ơi, tôi thấy hình ảnh một người thôn nữ, chân trần lang thang qua những đồng thơm rạ lúa mỗi sớm ban mai, những dòng sông đôi bờ cát trắng, những cơn mưa nhè nhẹ lúc hoàng hôn. Ở đâu nàng cũng thấy sự yêu thương, ve vuốt, lời gọi mời của thiên nhiên, đặc biệt là Trăng:

Ta bay lên cùng vầng trăng dịu êm
Ngàn sao rủ nhau trải chiếu mềm
Mơn man gió kể ngàn câu chuyện
Dòng sữa bạc loang loang
man mát trên mình
Người thôn nữ này là một người khao khát cuộc sống, và nàng luôn tìm kiếm một tình yêu, thứ tình yêu giản dị, chân phương, đúng với tính cách của nàng. Với tình yêu, nàng có thể thao thức, có thể sống bản năng và dâng hiến tất cả:
Thả người đàn bà vào hoang dại của đêm
ngu ngơ tìm hương bông hoa lạ
Con mèo cái động tình, tiếng dế râm ran,
trăng rơi rơi kẽ lá
Ve vuốt ngọt ngào, lãng đãng ngọn gió xa
Đôi khi, nàng tưởng tượng nếu cuộc đời nàng không có tình yêu, cũng như không có một chút gì lãng mạn, bay bổng, và đặc biệt là không có Anh, thì sẽ đáng sợ đến mức nào. Có lẽ nàng chẳng muốn sống nữa:
Không có anh không có đam mê
Không có những vần thơ như lửa
Không thể dối mình em đang nhớ
Trốn đi xa,
không thoát nổi chính mình!

Là một người phụ nữ mẫn cảm và đầy đam mê, nàng cũng có như phút giây yếu lòng, chao đảo trước tấm chân tình của một người đàn ông. Nàng mong ước có một tổ ấm hạnh phúc, với những đứa con thơ bé bỏng đang chờ đón. Nàng đã phải “tự thú” với lòng mình:
- Anh là mùa thu xôn xao đến vậy
Anh là rượu nồng, em lỡ uống rồi say…
- Có một chút bình yên
quây quần bên bếp lửa
Có một bầy trẻ nhỏ
đang nô đùa chờ cơm
Thế nên, khi bị Tình yêu ruồng bỏ, khi biết người đàn ông mà mình yêu chân thành hờ hững, bỡn cợt, nàng cũng đau đớn lắm:
Ném tình yêu cho một kẻ khát khao
Nhớ anh đến tận cùng hơi thở
Tiếng cốc rơi như trái tim tan vỡ
Mảnh vụn nào găm trả lại cho anh?
Cái đau đớn, đắng cay khôn cùng như ly rượu đã rót đầy mà không thể uống:
Rượu đã rót rồi thì phải uống
Ngả nghiêng say cho buồn tả tơi buồn
Uống rượu vào và ngắm trăng suông
Đêm buông xuống đàn sao rơi rụng
Rồi cũng vì quá yêu người tình mà nàng phát điên lên khi thấy người ấy cười nói, vui vẻ bên người khác, để rồi ghen tuông, rất bản năng, rất đàn bà:
Đã biết là em ghen
Sao anh tài hoa thế
Si mê bao nhiêu kẻ
Đâu mình em ngẩn ngơ
Thế mà khi cơn bão lòng qua đi và đến lúc kịp trấn tĩnh lại, nàng mới chợt nhận ra:
Tạm biệt nỗi buồn, day dứt đớn đau
Có đổi thay sau bao lần vấp ngã?
Nếu được làm lại từ đầu… tất cả
Lại dỗi hờn, lại nhung nhớ, lại yêu…
Vì yêu, vì đam mê dâng hiến đến tận cùng hơi thở, sự sống cho tình yêu mà nàng có thể:
- Nổ tung hai quả tinh cầu
Để tan vĩnh viễn trong nhau một lần
- Cũng đành yêu chết thì thôi
Ngày tình nhân chợt viết lời… khát khao
Cái “tan vĩnh viễn trong nhau”, cái “yêu chết thì thôi” dễ gì những người khác đã làm được. Tại sao nàng lại dám yêu đến mức như vậy? Vì nàng luôn tin rằng:
Bởi em tin tình yêu không có tuổi
Như trăng diệu huyền, dát bạc giữa trời khuya!
và:
Bởi em biết anh là người tình sau chót
Em chẳng thể nào yêu ai khác ngọt ngào hơn!
Dấu yêu ơi là một bức tranh tình bằng thơ ca. Ở đây, tác giả không dùng bút màu hay khung tranh để vẽ những cảnh đẹp của thiên nhiên, của đất trời, con người mà dùng ngòi bút văn chương để vẽ lên hình hài của Tình yêu, của sự vật xung quanh với những gam màu sáng tối. Tác giả đã vẽ nó bằng một trái tim yêu thương và tâm hồn rộng mở, bao dung trước cái Đẹp muôn thuở của cuộc đời.
Nếu một mai kiệt sức qụy bên đường
Em vẫn mang theo gương mặt anh rạng rỡ
Mùa thu reo chấm nắng vàng sớt lửa
Pha bột màu thương nhớ vẽ trời yêu!
Tuy nhiên, Dấu yêu ơi vẫn còn có những khiếm khuyết. Đâu đó trong tập thơ, tôi đã nhận ra sự gắng gượng của tác giả. Chính sự gượng ép này mà tập thơ đôi chỗ bị xơ cứng về cảm xúc, khiến cho nhiều bài thơ bị ép vần, không đúng như tình cảm chân thật của nó. Một điều dễ nhận thấy nữa, đó là sự non tay ở khâu biên tập, vì còn một số bài thơ ở tập thơ trước còn đọng lại, và một lối trình bày rườm rà, dông dài khi có quá nhiều những cảm nhận (comment) hay những bài thơ dịch (mà không có nguyên gốc) xen lẫn vào, làm giảm đi hứng thú của độc giả khi đọc tập thơ. Nhưng dù sao, như tác giả đã bộc bạch: “Là người làm thơ, Minh Nguyệt đâu có ao ước nhiều. Chỉ mong có một chút gì để lại trong lòng bạn đọc. Hai tập thơ Vũ điệu của Trăng và Dấu yêu ơi như hai đứa con tinh thần được sinh ra từ chính những yêu thương của cuộc đời. Là một người học tự nhiên lại làm về tài chính, thơ của Minh Nguyệt giản dị như cánh đồng đêm trăng, như mùi rơm thơm của lúa vừa mới gặt…” thế nên, những gì đã làm được qua tập thơ đã toại nguyện được mong muốn của tác giả. Đối với cá nhân tôi, trong thời đại này, làm được thơ, viết được những điều mình trăn trở, tâm đắc, những trải lòng với cuộc sống đang hiện hữu đã là rất đáng quí, đáng khích lệ.
Vì vậy, Dấu yêu ơi xứng đáng được bạn bè gần xa đón nhận với tất cả những thương yêu, nâng niu và trân trọng.

Hà Nội, một ngày cuối đông năm 2008

TRỊNH QUỐC DŨNG

Thứ Ba, 6 tháng 1, 2009

Nguyễn Bính, người đồng hành cô độc


Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn... Không hiểu sao, từ bé tôi đã rất thích nghe hai câu thơ này, nhưng không biết là của tác giả nào viết, chỉ nhấn nhá đọc theo, rồi thuộc cả bài hát được phổ nhạc từ bài thơ "Cô hàng xóm" này. Về sau mới được biết những câu thơ đó là của Nguyễn Bính, nhà thơ lớn của dân tộc. Ông có nhiều bài thơ, nhiều câu thơ ám ảnh tôi rất lâu, không dứt ra được. Có thể nói, ông là nhà thơ "chân quê" có một không hai trong lịch sử văn học nước ta. Tôi cam chắc rằng, còn có rất nhiều bài thơ, câu thơ của ông sẽ tồn tại rất lâu, rất lâu nữa trong tâm hồn mỗi người Việt chúng ta.

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh Nguyễn Bính, trân trọng giới thiệu với các bạn bài viết về ông của nhà thơ Ngô Minh (Huế).

------------------------------------------------------------

NGUYỄN BÍNH - NGƯỜI ĐỒNG HÀNH CÔ ĐỘC

Đúng là ông luôn hiện lên trong chúng ta, bên chúng ta, cùng tỉ tê chia sẻ nỗi niềm trong một đêm mưa, một ánh lửa chài, trong dáng sông bóng núi. Có ông bên những người tha phương. Có ông bên những người Việt tuổi đang yêu từ những năm 1939 cho đến tận hôm nay. Thơ Nguyễn Bính hay như thế , nhưng một thời được cho là "lãng mạn tiêu cực", "tiểu tư sản" không được in và phổ biến. Mãi đến khi đất nước thống nhất , thơ Nguyễn Bính được xuất bản , nhiều bạn trẻ mới được đọc . Nhưng trong sổ tay anh Ngô Tấn Ninh , người anh trai yêu thơ của tôi ở làng biển Thượng Luật những năm 60 của thế kỷ trước vẫn chép đầy thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính...Anh tôi giấu cuốn sổ thơ ấy kỹ lắm và thường anh chỉ đọc, ngâm nga trong các cuộc rượu bạn bè .

Tôi lớn lên , sổ tay thơ cũng chép đầy thơ Nguyễn Bính - những "Lỡ bước sang ngang", "Cô lái đò", "Cô hái mơ", "Tương tư", "Chân quê", "Người hàng xóm"," Giời mưa ở Huế"," Hành phương Nam".v.v.. Không hiểu mình thành chàng trai trước hay thuộc thơ tình Nguyễn Bính trước ! Thật biết ơn ông anh trai si thơ!

Con gái Hà Nội, con gái tỉnh Nam xưa thuộc Kiều và thuộc cả tập thơ "Lỡ bước sang ngang". Nhà thơ của chúng ta đồng hành với ông thợ cắt tóc, với cô lái đò, các cô gái ngoại ô bơi thúng hái rau bên sông Tô Lịch cho đến các bà các cô trong phòng khuê nhung lụa. Nhà văn Chu Văn kể câu chuyện về Nguyễn Bính và cô lái đò bên bến sông Châu tên Thoa thật cảm động. Nguyễn Bính hàng ngày đi chợ vẫn nhờ đò cô đưa sang. Cô lái không lấy tiền. Và hình như thi sĩ cũng có tặng cô thơ, nên cô rất quí ông. Khi nghe tin Nguyễn Bính mất, cô Thoa đã nấc lên nghẹn ngào, gục mặt lên mái chèo." Ước chết thay cho thi sĩ !" Thế mới biết thơ thật diệu kỳ. Qua thơ, nhà thơ đến với mọi người như một người cật ruột, tin tưởng, gửi gắm.

Có lẽ vì có nhiều người đọc, nhiều người thuộc nên Nguyễn Bính là trường hợp nhà thơ hiện đại duy nhất thơ có nhiều dị bản. Khi Nguyễn còn sống, đã có nhiều bài thơ bị in nối dài thêm khổ, thêm câu. Trong Tuyển tập Nguyễn Bính (NXB Văn học, 1986), chỉ riêng 60 bài thơ tuyển từ các tập thơ trước 1945, đã có 24 trường hợp có các đoạn thơ, câu thơ, chữ thơ có các bản in khác nhau, ấy là thơ đã tự nối dài cuộc đời, tự hóa thân để đồng hành được với nhiều tâm trạng. Có một Nguyễn Bính si tình - lại có một Nguyễn Bính thi sĩ của cuộc kháng chiến. Bài hát "Tiểu đoàn 307" phổ thơ Nguyễn Bính từ Nam Bộ chống Pháp đã cùng hành quân với các binh đoàn trong cả nước cho tới những ngày chống Mỹ thắng lợi với giọng hát liêu trai của ca sĩ Quốc Hương.

Đồng hành thân thiết với nhiều thế hệ, nhưng Nguyễn Bính lại là một người cô đơn, cô độc. Ông cô độc cả về cảnh ngộ và tâm trạng thi sĩ , là một lữ khách giang hồ lên Bắc vào Nam. Chỉ trong vòng 15 năm, từ 1939 đến 1954, theo địa danh ghi dưới các bài thơ Nguyễn Bính đã "lăn lóc có dư mười mấy tỉnh" Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Vinh, Huế, Sài Gòn, lục tỉnh miền Đông. Ông đi và sống được nhờ lưng vốn thơ với tâm tình độc giả mến mộ. Rồi ở trọ một mình, xê dịch một mình. Hồi vô Sài Gòn năm 1939, có lúc phải mà cả ngã giá bán từng câu thơ đăng báo để kiếm sống. Tiền thì ít nhưng "Vẫn dám tiêu hoang cho đến hết/Ngày mai ra sao rồi hãy hay ... (Hành phương Nam). Tiền không có những vẫn trọng thơ hơn tiền, coi khinh bọn định giá văn chương. Theo lời kể của ông Hoàng Tấn (dẫn theo Hà Đình Nguyên- Báo Thanh Niên), ông chủ bút tờ Dân Báo đặt Nguyễn Bính một bài thơ để đăng trên số đặc biêt Tết Giáp Thân (1944). Ông chủ bắt Nguyễn Bính phải sửa đi sửa lại hai câu cuối đến ba lần. Khi báo in ra, Nguyễn Bính đến đòi nhuận bút. Ông chủ báo đưa 10 đồng, Nguyễn Bính chê ít, không nhận. Ông chủ báo nói:" Với các văn sĩ nổi tiếng khác, tôi trả cao lắm cũng chỉ 5 đồng..." Nguyễn Bính lập tức ném xấp tiền xuống đất rồi ra về. Ngày chiều hôm đó, tòa soạn phải cử người đến xin lỗi và đưa cho Nguyễn Bính 50 đồng ! Túng tiền, Nguyễn Bính còn bò ra năm ngày chép tay tập thơ Lỡ bước sang ngang với chữ ký của mình để "bán đấu giá"... Kiếp giang hồ, nhiều khi nhà thơ bơ vơ nơi sông khách :

Quê người đứng ngắm mây lưu lạc
Bến cũ nằm nghe sóng lỡ làng

Có lúc đơn chiếc đến tê dại trên sân ga:

Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly

Nguyễn Bính yêu nhiều, yêu si mê, đã hiến cho tình yêu nhiều bài thơ đặc sắc, nhưng ông mãi mãi là người cô đơn trong tình yêu. Nhà văn Tô Hoài kể rằng, ngày trước, Nguyễn Bính đi đâu cũng kè kè cái hộp sắt tây. Loại hộp bánh bích quy, nhưng không đựng bánh mà đựng toàn thư tình, thơ tình. Nguyễn Bính thỉnh thoảng lại mở ra đọc, ngắm rồi lại vuốt lại, xếp lại, đêm ngủ thì gối cái hộp trên đầu. Thì ra những bức thư, là thư tình cũ của các cô nương luôn thề non hẹn biển, có lúc dọa cắt tóc đi tu hay uống thuốc phiện, dấm thanh cho chết (!), nhưng chẳng ai chịu "ăn đời ở kiếp" với nhà thơ nghèo khó ! Nguyễn Bính cắp cái hộp đựng tình yêu cũ ấy đi từ Bắc vào Nam như là một bảo vật ! Ông đi cô độc giữa cái mê hồn trận cay đắng ấy, để rồi chạm đến là ngân thành thơ. Một thứ thơ nồng nàn mà se xiết phận người ! Ông như người sinh ra cho những duyên kiếp lỡ làng, ông là sự dấn thân cho thơ, cho cái đạo thơ !
Trong hồi ký "Cát bụi chân ai", Tô Hoài kể rằng, thời kỳ Nguyễn Bính làm báo Trăm Hoa ở Hà Nội (1956) có một người con gái đã đến với ông. Họ có với nhau một mụn con đặt tên là Hiền. Rồi hai người xa nhau. Cô gái mang cậu con trai đến trả cho Nguyễn Bính! Ngày ngày nhà thơ ẵm vác cậu bé một bên vai, như mèo tha con. Một tối kia, Nguyễn Bính say rượu bế con thẫn thờ ra phố. Rồi không hiểu sao, trong vô thức nhà thơ lại trao con cho một người đàn ông xa lạ đang đi tới. Trở về, cơn say vật Nguyễn Bính thiếp đi. Quá nửa đêm quờ tay không thấy con, lật đật chạy đi kêu cứu bạn bè, mặt mày tái nhợt. Mọi người đổ đi tìm khắp thành phố, đi báo nhờ Công an tìm....Nhưng, đứa con ấy ba chục năm ròng vẫn không tìm thấy...Ôi, cuộc đời nhà thơ sao mà đau khổ, thương tâm thế !

Nguyễn Bính - Người đồng hành cô độc tuyệt vời của chúng ta sinh năm 1918, nếu còn sống, năm nay vào tuổi 90. Ông mất 8 giờ sáng 29 ( lấy 30) tết Ất Tỵ, tức ngày cuối cùng của năm Bính Ngọ (20-1-1966). Con người tài tử, từng giang hồ mưa gió bốn phương ấy lại thổ huyết chết trong vườn nhà một người bạn tên là Tân Thanh ở xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Buổi sáng đó, Nguyễn Bính ăn sáng xong ăn xong , vắt chiếc khăn mặt lên vai, thủng thỉnh ra ao rửa ráy, rồi trúng gió gục đầu thổ huyết bên bờ ao chỗ gốc mít. Lạ thật ! Cuối năm 2007, trong đợt về thăm thành phố Nam Định, tôi đã cùng người bạn thân nhạc sĩ Huy Tập về làng Thiện Vịnh, xã Cộng Hoà, Vụ Bản cách Nam định gần chục cây số viếng mộ Nguyễn Bính. Nguyễn Bính là nhà thơ số một Việt Nam về thơ làng quê đồng bằng sông Hồng.. Thắp nhang vái ông, tôi lại nhẩm những câu thơ ông viết về Huế trong đợt hành phương Nam của nhà thơ đầu những năm 40 của thế kỷ trước.

Giời mưa ở Huế sao buồn thế
Cứ kéo dài ra suốt mấy ngày
Thềm cũ nôn nao đàn kiến đói
Trời mờ ngao ngán một loài mây
Trường Tiền vắng ngắt người qua lại
Đập Đá mênh mang bến nước đầy
Đò vắng khách chơi nằm bát úp
Thu về lại giở gió heo may...
(Giời mưa ở Huế)

Bởi thế về Nam Định đến thắp nhang lạy ông là ý nghĩ đầu tiên của tôi. Một sự trùng hợp rất ý vị là hai hôm trước ở Hà Nội, tại Hội chợ sách quốc tế Vân Hồ, lần đầu tiên tôi gặp và bắt tay nhà văn Nguyễn Bính Hồng Cầu, người con gái miền Nam của thi sĩ . Bây giờ tôi lại đứng bên mộ ông. Mộ nhà thơ được xây ngoài vườn nhà rất khang trang. Trong nhà là bàn thờ, những kỷ vật của Nguyễn Bính . Tôi và Huy Tập thắp nhang lạy Nguyễn Bính rồi ghi vào sổ lưu niệm. Theo Huy Tập kể thì trước đây là ngôi nhà cũ của gia đình, lúc Nguyễn Bính đi xa, người em trai ở. Để có được ngôi nhà lưu niệm nhà thơ tài hoa, gia đình đã bàn với ông em đi làm nhà ở chỗ khác, để anh em góp tiền sửa sang xây lại ngôi nhà cũ thành nhà lưu niệm nhà thơ Nguyễn Bính. Ở xứ ta mộ nằm giữa làng quê đầm ấm thân thuộc châu thổ Sông Hồng này cũng hạnh phúc lắm lắm. Tiếc là bây giờ những hình ảnh thôn quê trong thơ Nguyễn Bính như đậu mùng tơi, khăn mỏ quạ, quần nái đen.v.v..đã thành quá vãng. Các cô gái quê nhà "đi tỉnh", đi Hà Nội, đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, Đài Loan... áo phông hở lưng, hở rốn, quần jin lửng, và không bao giờ về làng nữa...

Nguyễn Bính đã sống và viết nhiều thơ về Huế. Trong hai tập "Người con gái lầu hoa" và "Mười hai bến nước" của ông có nhiều bài thơ đặc sắc về Huế, đã trở thành tài sản tâm hồn của mọi người. Người Huế không ai không thuộc đôi đoạn, đôi câu trong các bài "Giời mưa ở Huế", "Vài nét Huế", "Người con gái lầu hoa", "Lửa đò" " Xom Ngự Viên"v.v... Nhiều hình ảnh, hình tượng thơ về Huế Nguyễn Bính dùng đã trở thành cổ điển , khó vượt qua. Như các hình ảnh "Giời mưa ở Huế" hay "Cầu cong như chiếc lược ngà...", "Con đò không chở những người chính chuyên" v.v... và đây là tiếng đàn kỹ nữ xưa :

Đàn ai chừng đứt dây tình
Vẳng lên một tiếng buồn tênh rồi chìm

Từ sau khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nhiều tập thơ và tuyển thơ Nguyễn Bính lại được in đi in lại, đến với độc giả yêu thơ cả nước. Mới hay cái trường tồn của một thi sĩ là những bài thơ "rút ruột đẻ ra", những bài thơ "chân quê" nói về cái "tôi trữ tình"của tác giả, "cái tôi" muôn thuở kiếm tìm, khao khát của con người ! Thơ Nguyễn Bính nói với tôi nhiều điều tâm đắc về sự được mất trong thơ. Trong một bức thư gửi bạn Trọng Miên năm 1939, Hàn Mặc Tử đã viết rằng: "Bởi muốn cho Loài thi sĩ làm tròn nhiệm vụ ở Thế gian này - nghĩa là tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu, lưu danh lại muôn đời - Chúa Trời bắt chúng phải mua bằng giá máu, luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình. "Không rên xiết là thơ vô nghĩa lý". Thi sĩ rơi xuống cõi đời bơ vơ, bỡ ngỡ và lạ lùng. Không có lấy một người hiểu mình...".
Điều đó đúng với Hàn Mặc Tử và đúng cả với Nguyễn Bính !
Nguyễn Bính lại đồng hành với tuổi trẻ hôm nay và sẽ còn đồng hành với nhiều thế hệ lứa đôi mai sau. Thi sĩ ơi, thi sĩ là người cô độc, nhưng thơ mãi mãi là bạn đồng hành cùng trái tim con người.

Ngô Minh