Lê Huy Mậu (LHM) - cái tên gắn liền với bài hát “Khúc hát sông quê”. Không thể nghĩ rằng một gã quê mùa, lù khù với cái bụng bia to thế mà lại viết ra bài thơ xuất thần như vậy, để rồi được nhà thơ - nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo (NTT) tài hoa phóng tác thành một bài hát hay nổi tiếng. Tôi đã nghe bài hát này không biết bao nhiêu lần, và lần nào cũng đều xúc động cả. Nhớ nhất là khi ngồi uống rượu với bạn bè, lúc đã ngà ngà say, mấy thằng đực rựa hát cho nhau nghe, để rồi ngả nghiêng, rơi nước mắt lã chã vì nhớ quê, nhớ nhà. Nhà thơ Ngô Minh đã rất chính xác khi cho rằng “Khúc hát sông quê” là nhịp đập của những trái tim tha hương.
Mậu kể rằng, bài hát “Khúc hát sông quê” được anh viết vào năm 2002, trích từ trường ca “Thời gian khắc khoải”. Khi đó nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo vào Vũng Tàu dự trại sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau một cuộc rượu say mèm, LHM để lại cho NTT mấy bài thơ mới viết và ra về. NTT đã chọn ra những câu thơ hay nhất trong “Thời gian khắc khoải” để phổ thành bài hát “Khúc hát sông quê” nổi tiếng như chúng ta đã biết.
Tôi đã thử lý giải xem tại sao LHM lại có thể viết được bài như “Khúc hát sông quê” hay là gã này chỉ ăn may. Thế là tôi vào blog và đọc những bài thơ của anh. Tôi nhận ra đây là một giọng thơ trữ tình, đầy tính nhân văn. Trong thơ LHM, nỗi buồn, nỗi đau Người nặng trĩu. Có cảm giác anh thương, anh trăn trở cho tất cả, từ những cô gái trẻ đến những bà cụ già, những con người có số phận bất hạnh trong cuộc đời. Thơ LHM cũng là thơ của sự suy tư, day dứt về quê hương, xứ sở. Không day dứt sao được khi “Quá nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê”, “Sông còn nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ, vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng” và để rồi thấy “Một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng…” như một sự bình yên, cái vô hạn trước cái hữu hạn của số kiếp con người.
Chúc cho nhà thơ Lê Huy Mậu sức khỏe để viết thêm những tác phẩm đặc sắc, những tác phẩm về quê hương xứ sở, về con người mà anh vẫn hằng đau đáu. Và còn một điều quan trọng nữa, giờ đây tâm hồn anh đã thuộc về những dòng sông, nơi mà bao nhiêu người dân Việt sinh ra và lớn lên ở đó. Họ sẽ mãi nhớ anh, nhớ tới một Lê Huy Mậu đã nói thay họ những điều tâm huyết với con sông quê hương.
---------------------------------------------------------------------------
TÌNH NHẶT
Sau cuộc rượu bạn bè về hết cả
Chỉ còn tôi cô lẻ một phòng thơm
Có tiếng gõ nhẹ nhàng sau cánh cửa
- Anh có cần người trò chuyện qua đêm?
Không thể nói là em không xinh
Không thể nói là tôi không thích
Nhưng- quá nhiều cái nhưng- chưa lời đáp
Một chút chần chờ cũng đủ giữ chân em!
Em có một miền quê nghèo khổ
Một tuổi thơ sương nắng với ruộng đồng
Một lầm lỡ trước mối tình nông nổi
Một dấn thân dù biết thế là xong!
Không cần biết tôi người hiền hay dữ
Không cần biết tuổi tôi có xứng với em không
Nhưng tôi biết là tôi khi cầm bút
Chẳng thể viết điều gì nếu tôi sống vô tâm!
Em trẻ và đẹp lắm! Em biết không?
Tôi không trả tiền mua em mà tôi trả
Cho khoảng khắc đêm mình không cô lẻ
Trong cõi đời dằng dặc vắng tình nhân…
***************************
CHIỀU BUỒN
chiều buồn chẳng biết làm chi
có ai rủ nhậu mà đi bây giờ?
một đời nghèo, một đời thơ
một đời lưu lạc,một bờ sông yêu.
tối không sợ lại sợ chiều
sợ hòang hôn ráng hắt hiu thật buồn
chim hôm thoi thóp về nguồn
sông quê lơ đễnh cánh buồm xa xăm
khi vui quên tháng quên năm
khi buồn nhậu tới sủi tăm cũng buồn
giật mình nhớ Vũ Hoàng Chương
thành sầu xây giữa vô thường trơ trơ...
***************************
KHÚC HÁT SÔNG QUÊ
Ngỡ như người đã hát thay tôi
ngỡ như tôi đã lẫn vào câu hát
tuổi thơ ơi! !
quá nửa đời phiêu dạt
ta lại về úp mặt vào sông quê
như thuở nhỏ
úp mặt vào lòng mẹ
để tìm sự chở che…
*Xin bắt đầu từ hạt phù sa
ta cúi nhặt tình cờ bên bờ sông tháng chạp
ôi! Phù sa
những cá thể tự do trong hành trình của đất
đêm nao
chớp bể, mưa nguồn
trong cơn thác lũ
trong sóng đỏ
đất đi
kiến tạo
sinh thành…
*Em ơi!
quả ớt cay bổi hổi
trên bãi sông
thuở chưa dấu chân người
anh nghe nói
có một thời
tất cả còn hoang dại
tổ tiên ta chỉ hái lươm mà thôi
lại nghe nói
thở ta chưa biết ăn gì cả
ta cùng cây cỏ sinh đôi
rồi cây cỏ ăn ta
rồi ta ăn cây cỏ
cũng là khi cay đắng, ngọt bùi
ta và đất kết giao
lấy dòng sông làm lời thề non nước…
*Chẳng biết ta đã ăn ở thế nào với đất
mà đất lở sông ơi!
nơi ta chăn trâu thả diều ngày cũ đã đâu rồi
hạt đất quê ta giờ đã bồi về đâu chẳng biết
có làng xóm nào sinh
có hòn đảo nào sinh
từ hạt đất bờ sông quê ta lở
như cuộc đời ta khuyết hao
để đắp bồi rờ rỡ
những sớm má hồng ríu rít cháu con ta…
*Này dòng sông !
ai đã đặt tên cho sông là sông Cả?
ai đã gọi sông Cả là sông Lam ?
ta đơn giản chỉ gọi là con sông quê hương
tháng ba phù sa sóng đỏ
cá mương đớp ngọn lúa đòng đòng
tháng năm
ta lặn bắt cá ngạnh nguồn
tháng chín
cá lòng bong
ta thả câu bằng mồi con giun vạc
tháng chạp
ta nếm vị heo may trên má em hồng…
Để rồi ta đi khắp núi sông
ta lại gặp
tháng ba…tháng năm…tháng chạp
trong vị cá sông
trên má em hồng…
*Này dòng sông
ngươi còn nhớ chốn ta ngồi ngóng mẹ
phiên chợ Lường vời vợi tuổi thơ ta
sao ngày ấy ta dễ ngoan đên thế
mẹ cho ta một xu bánh đa vừng
ta ngoan hết một ngày
ta ngoan suốt cả năm
ta thương mẹ đên trọn đời ta sống
quê hương ta nghèo lắm
ta rửa rau bến sông cho con cá cùng ăn
ta mổ lợn
con quạ khoang cũng ngồi chờ chia thịt
cá dưới sông cũng có tết như người trên bãi sông
ta trồng cây cải tươi
ta ăn lá còn bướm ong thì hút mật
lúa gặt rồi- còn lại rơm thơm
trâu đủng đỉnh nhai cả mùa đông lạnh…
*Cùng một bến sông
phía dưới trâu đằm
phía trên ta tắm…
trong ký ức ta
sao ngày xưa yên ổn quá chừng
một dòng xanh trong chảy mãi đến vô cùng !…