Thứ Tư, 30 tháng 6, 2010

Khi đàn ông 30


Cổ nhân có câu: "Tam thập nhi lập" muốn nói đến việc lập thân trong cuộc đời của người đàn ông ở tuổi 30. Tùy từng thời điểm, từng hoàn cảnh mà việc lập thân này của người đàn ông có khác nhau, song tựu trung lại ai cũng muốn có chút "danh gì với núi sông", để truyền lại cho hậu thế.

Thật ra, từ lâu tôi đã có những ý nghĩ về những suy nghĩ, tâm tư tình cảm của người đàn ông tuổi 30, nhưng chưa đủ sức khái quát thành một bài viết hoàn chỉnh. Hôm nay vào blog của bạn Hien Nguyen (n2bigboy84) được đọc bài viết thật hay của tác giả Trần Ngọc Hưng về người đàn ông tuổi 30. Bài viết đã nói đầy đủ những gì tôi đang nghĩ về đàn ông tuổi 30 trong thế giới hiện đại. Xin cảm ơn tác giả Trần Ngọc Hưng nhiều lắm. Cũng xin cảm ơn bạn Hien Nguyen đã post bài viết. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc gần xa bài viết này.

Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2010

Bốn câu


Ánh trăng sóng sánh tràn ly rượu
Uống rượu cạn ly, uống cả trăng
Chống chếnh hồn ai say chợt tỉnh
Với lên trăng
sao chẳng xuống gần...

Thứ Tư, 16 tháng 6, 2010

Trò chuyện với Ngô Bảo Châu

Ngô Bảo Châu là một tài năng toán học của thế giới và rất có thể sẽ đoạt giải thưởng Fields (một trong những giải thưởng danh giá nhất trong toán học) trong nay mai. Ngày còn đi học, toán là một trong những môn học tôi mê nhất, song vì bất tài nên không thể theo đuổi con đường toán học được. Ngô Bảo Châu là người đầu tiên trên thế giới đã giải được một bài toán tồn tại hơn 30 năm qua, bài toán Langlands. Thật tuyệt vời. Thành thật chúc mừng anh!

Trân trọng kính mời các bạn theo dõi cuộc trò chuyện rất thú vị giữa nhà toán học Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt. Cuộc nói chuyện này sẽ giúp cho chúng ta hiểu hơn về sự vất vả, nhọc nhằn, đòi hỏi sự hy sinh cao độ của những người làm khoa học và cũng hiểu thêm tại sao nền khoa học của nước Mỹ luôn ở vị trí hàng đầu thế giới.
------------------------------------
Tôi gặp anh Châu lần đầu vào cuối tháng 1-2010, lúc anh đã nhận lời sang Đại học Chicago làm giáo sư. Trong lần gặp đầu tiên đó, anh Châu đi cùng với hai người bạn chung của chúng tôi ở Chicago; chúng tôi hẹn nhau đi ăn tối ở trong khu Việt Nam. Hôm đó, trời rét đậm. Anh Châu mặc một chiếc áo choàng dài màu đen và đội mũ len; dáng người nhỏ, đôi mắt chắc chắn của người thường xuyên phải đọc và mái tóc đã bạc nhiều. Cảm giác đầu tiên không thể nhầm lẫn khi gặp anh Châu: anh Châu là một người rất giản dị và cởi mở. Trong xe ô tô trên đường vào khu Việt Nam, anh phụ họa đọc thơ với một người bạn.



Hôm đó, chúng tôi không có dịp nói chuyện nhiều. Điều mà tôi nhớ nhất là trong câu chuyện, anh hỏi tôi “Viết văn chắc là khó lắm nhỉ?”. Câu hỏi ấy làm tôi nhận ra có thể không chỉ có tôi thấy khó hình dung về công việc của một nhà toán học như anh, mà ngược lại những người làm toán có lẽ cũng không biết nhiều về công việc của người làm nghệ thuật. Nhưng có thể, toán học và văn học nói riêng, cũng như khoa học và nghệ thuật nói chung, đều chỉ là việc dùng những ngôn ngữ và công cụ khác nhau để mô tả và giải thích thế giới. Và đấy là lí do tôi đề nghị anh Châu cho tôi phỏng vấn anh trong lần gặp sau, với mong muốn rằng việc biết rõ thêm một chút về hành trình công việc và hành trình cá nhân của anh có thể giúp rất nhiều người thuộc các lĩnh vực khác nhau có thêm niềm tin với những gì họ theo đuổi.



Chúng tôi đã hẹn sẽ gặp nhau lúc 9 giờ sáng ở nhà anh rồi đi bộ vào trường. Đầu tháng Tư, Chicago đã có nắng ấm; hoa tulip, thủy tiên và mộc lan bắt đầu nở trên mặt đất mặc dù lá chưa mọc trở lại trên các cây cổ thụ dọc các con đường trong khu Hyde Park. Chúng tôi mua cà phê ở Reynold Club rồi vào Hutch Commons ngồi. Hutch Commons là phòng lớn, nơi sinh viên và cả các giáo sư thường tới ngồi làm việc, ăn trưa, gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp. Căn phòng cao, với nhiều cửa sổ lớn gắn kính màu đón nắng mặt trời. Dọc hai bên tường có treo ảnh các đời hiệu trưởng của trường. Lúc này còn sớm và lại là thứ Hai nên trong Hutch Commons chỉ có vài ba sinh viên ngồi rải rác làm bài tập. Chúng tôi chọn một bàn ở góc trong cùng của căn phòng. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu bằng việc tôi thú nhận rằng tôi không biết sẽ phải phỏng vấn như thế nào; anh Châu nói thôi thì cứ nói chuyện bình thường thôi. Tôi ghi lại đây một số đoạn từ cuộc “nói chuyện bình thường” này và giữ nguyên cách xưng hô “anh-em” để trung thực với cuộc trò chuyện.

Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2010

Thứ Tư, 9 tháng 6, 2010

Không viết được gì


Bấy lâu chẳng viết được gì
Cảm thì chả thấy, hứng thì rỗng không
Nắng mưa xao xác lạnh lùng
và Em
chợt đến
dửng dưng
khóc cười

Hồng hoang xa ngái cõi người
Nửa đêm
nửa bóng
nửa tôi
nửa hình…