Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

Sương khói bên hồ

Nguyễn Đức Tùng sinh tại Quảng Trị, đã tốt nghiệp đại học Mc Master, nội trú đại học British Columbia và Toronto (Canada). Hiện anh đang theo học sau đại học về nghiên cứu giáo dục, Đại học British Columbia (thành phố Vancouver, Canada). Làm việc trong ngành cấp cứu tại một bệnh viện ở Vancouver, là bác sỹ chấm chỉ của hội đồng Y khoa Canada. Nghề nghiệp nhìn bề ngoài chả có gì dính líu tới văn chương như thế, song anh lại là một cây bút có hạng trong văn giới. Anh làm thơ, dịch thuật, viết phê bình rồi đăng tải chúng trên các trang mạng và các tạp chí văn học trong và ngoài nước. Thơ Nguyễn Đức Tùng nén thẫm, thâm trầm và giàu chất suy tưởng về sự vật, hiện tượng và con người xung quanh. Tôi vẫn còn nhớ tới một vài bài thơ của anh như: “Chiến tranh”, “Quán phở trên đường Broadway…”, “Chiến thắng”. Đó là những bài thơ rất ngắn, mang tính hàm súc của ngôn ngữ thơ, là sự nén lại của tư tưởng mà nhà thơ muốn gửi gắm tới người đọc. Năm 2009, anh công bố cuốn sách “Thơ đến từ đâu”, bao gồm những bài phỏng vấn các nhà thơ đang sống ở trong nước và ngoài nước về thơ Việt mà đã được đăng rải rác trên các trang mạng văn chương. Cuốn sách ngay lập tức đã trở thành một hiện tượng văn học trong năm đó, và được thảo luận sôi nổi giữa các nhà thơ, nhà phê bình, nghiên cứu. Cuốn sách này đã nêu lên nhiều vấn đề cốt lõi của thơ, và đã được các nhà thơ kiến giải một cách sâu sắc. Cho dù các nhà thơ trong tập sách có những cá tính khác nhau, quan niệm về thẩm mỹ, văn học và chính trị rất khác nhau, nhưng qua những cuộc phỏng vấn như vậy, có lẽ những cách biệt, ngăn trở trong lòng mỗi người Việt ở viễn xứ hay ở quê nhà không còn rõ rệt. Phải chăng, Thơ đến từ đây?

Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2011

Nỗi buồn lễ hội

Lễ hội đền Hùng. Nguồn: Báo Phú Thọ online
Lễ hội là một hoạt động văn hóa gắn liền với mỗi cộng đồng dân cư. Nó bắt nguồn từ những mong ước, những khát vọng của con người về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn trong tương lai. Thông qua lễ hội mà mọi người được dịp sinh hoạt cộng đồng, được vui chơi, giải trí và góp phần tái tạo sức lao động để tiếp tục quay trở về với đời sống mưu sinh thường nhật. Thái độ ứng xử của người dân trong dịp lễ hội cũng thể hiện trình độ dân trí của mỗi quốc gia. 

Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

Tức cảnh chùa Hương


Ngày xuân trảy hội chùa Hương
Cầu mong tâm tĩnh, hết vương bụi trần
Xa xa một dải phù vân
Nam thiên đệ nhất động trần là đây
Hữu tình non nước cảnh say
Hoa mơ hoa mận nhuốm đầy áo ai
Ngỡ hồn lạc chốn bồng lai
Đào nguyên Hương Tích chẳng phai tiếng đời

Người xe thưa thớt nói cười
Vào hang lễ Phật lòng người xốn xao
Đức Phật ngự ở trên cao
Có hay dương thế lao đao thế này?

"Nhắn ai trọn kiếp tu hành"
Hẹn duyên tái ngộ ngày lành năm sau

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

Hướng nhật quì

Gã là một kẻ vô tích sự. Không tiền bạc, không gia đình. Suốt ngày lơ mơ dạo phố để tìm cái gọi là cảm hứng của thi nhân. Ai đi lại xung quanh, gã đều mặc kệ, không để ý đến. Gã quanh quẩn với những mẩu giấy mà người ta bỏ đi vào thùng đựng rác. Mỗi ngày trôi, từng chiếc lá vàng úa rơi rụng trên con đường gã đã qua, từng gốc cây trơ trụi cằn cỗi nhìn ngắm gã lượn đi lượn lại trước mặt mình. Thời gian cứ chầm chậm và uể oải như vậy. Cho đến một buổi chiều kia, gã bất chợt bắt được một giọng nói từ thinh không. Giọng nói của xa xưa kỷ niệm, của ký ức thẳm sâu vọng về trong tâm hồn gã. Và thế là…

Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

Hello

Khi còn nhỏ, mỗi lần xem bài hát Hello do ca sỹ Lionel Richie trình diễn trên tivi, tôi không khỏi bật cười khi thấy một chàng trai cứ mải miết chạy theo một cô gái mù, nói năng làm trò đủ kiểu, cuối cùng đến đoạn quan trọng nhất thì chỉ nói được đúng ba từ: “I love you!”. Sau này, tôi mới ngộ ra rằng, trong tình yêu, đó là ba từ giản dị và ý nghĩa nhất, hơn tất cả những lời hay ý đẹp khác cộng lại. Đó chính là tấm lòng chân thật của hai người yêu nhau, là sự khẳng định về tính chất sở hữu tuyệt đối trong tình yêu. Chỉ vì ba từ đó thôi, mà con người ta phải trải qua biết bao tâm trạng, biết bao nhiêu cảm xúc. Ngọt ngào. Cay đắng. Thương yêu. Thù hận. Đợi chờ. Chia ly. Phải chăng chỉ có tình yêu mới làm cho loài người phải hy sinh quá nhiều tế bào thần kinh như thế, chỉ để theo đuổi một mục đích mà có khi chẳng bao giờ đạt được?

Mời các bạn nghe lại ca khúc được xếp vào hàng kinh điển về tình yêu với lời chúc một năm mới tốt lành và may mắn. Hello, is it me you’re looking for?  

Thứ Tư, 2 tháng 2, 2011

Cảm xúc chiều ba mươi Tết

Chỉ còn ít giờ nữa là năm Canh Dần qua đi và năm Tân Mão sẽ đến với bao nhiêu hy vọng về một tương lai hạnh phúc và thịnh vượng. Tết là dịp để mọi người trong gia đình sum họp, bạn bè thân thiết gặp gỡ, hàn huyên với nhau, hàng xóm láng giềng thăm hỏi, là dịp để mọi người nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả. Tết là lúc tiết trời lành lạnh, những hạt mưa đầu xuân bay ngang đầu ngõ, là khi những cánh đào tơ phơ phất ửng hồng, là lúc ta thấy phấp phỏng một nỗi riêng tư,... Có lẽ vì chất chứa trong lòng quá nhiều những nét đặc trưng của văn hóa Việt, của làng quê Việt nên Tết bao giờ cũng là nỗi nhớ cồn cào, là kỷ niệm sắt se trong lòng những người xa quê hương. Mỗi khi nhịp thời gian báo hiệu gần kết thúc năm cũ, là khi đó cái "chất quê" trong mỗi người lại trỗi dậy. Nó khiến cho ta thêm thương nguồn nhớ cội, để biết rằng mình là ai, mình đang ở đâu trên trái đất này. Nó cũng là chất men để khiến cho tâm hồn mỗi người dân Việt thêm chan chứa hương vị cuộc đời.