Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Ban mai



Nụ hôn ướt đẫm đêm mưa
Tình em ngây ngất giao mùa mỏng manh
Ban mai tỉnh giấc vắng anh
Hương sương lối cỏ long lanh cuối trời...

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Viết cho ngày Vu Lan

Sự chăm sóc đầu đời - Mary Cassatt (1884)
Một mùa Vu Lan nữa lại về… Vu Lan là một nét văn hóa thật hay, thấm đẫm tinh thần nhân văn của người Việt. Lễ Vu Lan được khởi nguồn từ một câu chuyện trong sự tích nhà Phật. Tôn giả Mục Kiền Liên sau khi đắc đạo, muốn tưởng nhớ và đi tìm mẹ mình để muốn biết bây giờ bà ra sao. Mẹ ông là bà Thanh Đề, lúc còn ở trần gian gây ra nhiều ác nghiệp nên khi qua đời, phải chịu cực hình làm ngạ quỉ ở địa ngục. Thương mẹ, ông dâng cho bà một bát cơm nhưng không đến được vì nó đã bị biến thành lửa đỏ trước khi bà đưa lên miệng. Xót xa vô vàn, Mục Liên tìm về đức Phật Thích Ca để hỏi cách cứu mẹ và được Ngài dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó". Mục Liên làm theo và mẹ ông được giải thoát. Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời. Nếu như phương Tây có ngày của Mẹ, ngày của Cha thì chúng ta có ngày Vu Lan. Vu Lan là dịp để con cái báo hiếu với cha mẹ, những người đã sinh thành và nuôi dưỡng chúng ta khôn lớn. Đó cũng là ngày để cho mọi người cúng bái những linh hồn đói khát, bơ vơ. Ta gọi rằm tháng bảy là ngày xá tội vong nhân.

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Nơi Nietzsche sinh ra để trở thành bất tử

Friedrich Nietzsche (1844-1900)
Friedrich Nietzsche (1844-1900) là một trong những nhà triết học có ảnh hưởng lớn nhất tới triết học hiện đại. "Con người là một cái gì đó cần phải bị vượt qua" chính là một trong những triết thuyết cơ bản của ông. Phong cách viết của ông bao giờ cũng mang tính chất ẩn dụ, với những hình tượng điển hình và được thể hiện rất...thơ. Điều này khiến cho những tư tưởng triết học của ông không khô khan, cứng nhắc mà rất uyển chuyển và linh hoạt. Tác phẩm quan trọng nhất của ông Zarathustra đã nói như thế (Also sprach Zarathustra) đã trình bày về bản chất của kiếp người, sự không thừa nhận thần thánh và ý niệm về Siêu nhân, về sau này đã bị Đức quốc xã lợi dụng vào việc tàn sát người Do Thái. Một điều trớ trêu là sau khi ông qua đời, đến khoảng nửa đầu thế kỷ 20, người ta mới đánh giá lại được về những công lao của ông đối với triết học hiện đại thông qua Martin Heidegger và những người khác. Tư tưởng của ông có ảnh hưởng đến triết học hiện sinh, chủ nghĩa hậu hiện đại, phân tâm học,... Thông qua những tác phẩm của ông, tôi nhận thấy một tình yêu vô bờ bến với loài người, một ý chí không chịu lùi bước trước khó khăn gian khổ, với cuộc sống đầy bất hạnh và cô đơn, và một tài năng vượt trội mà có người đã ví von về ông: thiên tài của mọi thiên tài. Ông xứng đáng được tụng xưng là con King-Kong của nền triết học hiện đại. 

"Địa linh nhân kiệt", câu nói đó có lẽ muốn đi tìm lời giải đáp (tương đối) về sự hình thành và phát tiết của các tài năng. Nietzsche sinh ra ở đâu? Đó là ngôi làng nhỏ bé và thanh bình Roecken (gần Leipzig). Là nơi mà ở đó đã cất lên một tiếng gầm vang của một triết nhân - thi nhân: Friedrich Nietzsche, người mà cho đến tận bây giờ vẫn còn để lại niềm kinh dị cho hậu thế.