Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

Berlin đại khái...

Lão đang làm quen với công nghệ high-tech...
Lão nhà thơ Lê Huy Mậu vừa có một chuyến du hí ở châu Âu, xuyên qua mấy nước: Ba Lan, Séc, Đức, Pháp (chắc là tiền vợ lão tài trợ). Về đến nhà, lão "bắn" cho tôi qua email một bài viết về Berlin. Sang Berlin mà không biết đường gọi điện cho tôi. Đúng là lão nhà quê low-tech (giống tôi). Thôi thì, giới thiệu cùng bạn bài viết hay phết này của lão nhà thơ, ông bạn vong niên của tôi. Xin mở ngoặc thêm, ông này là tác giả phần lời của bài hát nổi tiếng "Khúc hát sông quê" đấy. Hi hi. Kỷ niệm với lão này cũng nhiều lắm, nhưng sẽ viết về lão sau vậy. Giờ đang bận. He he...

Mặc dầu đã biết cầm visa vào Balan là có thể qua Đức, qua Pháp, nhưng không nghĩ là mua vé vào Đức lại dễ dàng đến thế. Đơn giản như là mình mua vé tàu cánh ngầm từ Vũng tàu lên thành phố Hồ Chí Minh.

Đi tàu hỏa ban ngày nhìn ngắm phong cảnh thiên nhiên Châu Âu thật tuyệt. Nông thôn ở đâu cũng có cái tĩnh lặng nên thơ. Những bờ làng mờ xa ẩn hiện trong màn sương sớm đẹp như tranh. Tôi ngồi dán mắt vào cửa kính suốt chặng đường dài gần 500 cây số, thầm nghĩ: Một lão già 65 tuổi bỗng nhiên trẻ lại như tuổi đôi mươi, ngỡ ngàng trước những gì đang mở ra trước mắt. Đất ở đây bằng phẳng trải rộng ngút tầm mắt. Suốt cả mấy ngày, tôi không nhìn thấy đâu có ruộng. Chỉ toàn đồng là đồng. Những dòng sông hiền hòa uốn lươn giũa bình nguyên bằng phẳng. Đất đai phì nhiêu, màu mỡ, tơi xốp. Nhà nông Châu Âu không tất bật, vất vả như nhà nông miền nhiệt đới quê mình. Việc canh tác ở đây dựa chủ yếu vào máy móc. Tôi không thấy bóng dáng một ai trên những cánh đồng mênh mông đó cả. Đúng là không ai chọn được quê hương. Trời đất ở chẳng cân tẹo nào. Nghĩ thương quê mình quá!

Lúc tiễn mấy anh em lên tàu sang Đức, Nguyễn Thái Dương đã dặn: Các Bác nhớ, Berlin có nhiều ga, ga các bác xuống là ga trung tâm. Tàu Đức chính xác đến từng phút. Vậy mà chúng tôi vẫn xuống nhầm. Còn chín phút theo đồng hồ so với giờ tàu đến ghi trên vé. Trên tàu không còn một ai. Thái Bá Lợi bảo xuống đây. Nguyễn Hoàng Thu ngoan ngoãn chấp hành. Mình ngờ ngợ không tin nhưng không muốn cãi. Nguyễn Hoàng Thu bảo: Đã hỏi đến hai người, đúng đây rồi!.

Điện thoại liên lạc mãi, cuối cùng thì cũng được đón về nơi ở an toàn. Lê Xuân Lâm (Balan) ký gửi chúng tôi cho cô Phạm Quỳnh Nga. Đặt ngủ tại trung tâm văn hóa của chị Mùi. Nga là biên tập viên cho tờ báo điện tử của người Việt tại Berlin. Xinh đẹp, đa tài và cũng đa đoan. Quỳnh Nga khiến tôi nhớ tới một người. Trung tâm văn hóa của chị Mùi vắng vẻ. Hai nhà văn ngủ lại trung tâm, còn tôi về nhà vợ chồng cháu Hải Yến ngủ. Sáng sớm hôm sau, xe của Quỳnh Nga đến đón đi chơi, tours giá rẻ, du lịch ba lô theo kiểu “bèo dạt mây trôi”…

Ba ngày. Berlin đại khái. Thế cũng gọi là đủ.

Người ta còn giữ lại nơi đây một đoạn tường ngăn cách Đông Tây để làm du lịch. Người ta đóng giả một anh lính Nga và một anh lính Mỹ đứng cạnh nhau cho du khách chụp hình. Người ta bán giấy thông hành giả Đông Tây có con dấu của cả hai phía với giá 2 euro cho du khách có cảm giác lịch sử về mảnh đất mà mình đang đứng chân. Mọi thứ bây giờ đã thành một trò đùa. Vậy mà, lịch sử phải mất hơn một phần hai thế kỷ mới nhận ra sự phi lý đó. Có lẽ tạo hóa cũng rủ lòng thương, tránh cho họ một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn cho sự thống nhất này, vì họ đã phải trả cái giá quá đắt, vì họ đã quá đau đớn vì một cơn điên khùng của một kẻ tội đồ vĩ đại trong lịch sử là Hitler. Tôi là Việtnam. Là người Phe bờ Đông. Đặt chân lên bờ Tây như là đặt chân lên bờ bên kia của cuộc chiến tranh lạnh kéo dài hàng thế kỷ. Đứng giữa BERLIN hôm nay cuồn cuộn bình an. Vẫn là nhà cửa cỏ cây con người tiếng nói hạnh phúc khổ đau như nhau, khi tách ra cũng như khi nhập lại vẫn thế. Người dân hai miền nước Đức khi còn chưa kịp định thần sau cơn choáng váng của lịch sử thì chỉ trong một đêm, những người lính Nga đã dựng xong một bức tường ngăn cách nước Đức ra làm đôi, như một phép lạ!. Nhà văn Thái Bá Lợi bảo, Hitler là một họa sỹ. Bấy giờ nước Đức đã trở thành một cường quốc số một của Châu Âu, mộng bá chủ Châu Âu của nước Đức đã chọn Hitler làm thống soái, và “họa sỹ” Hitler trở thành một tên bạo chúa tàn bạo nhất trong lịch sử loài người. Dưới bước chân tôi là mảnh đất máu của thế chiến thứ 2. Nhưng cũng chính nơi đây là quê hương của Goethe, của Heinrich Heine, của Kart Marx, của Bach, của Hegel, của Nils Bohr, của Einstein, … Nước Đức vĩ đại và bi tráng biết bao.!

Đầu đông, những rừng phong như đang lưu luyến chia tay những chiếc lá cuối cùng. Khu rừng giữa trung tâm thành phố khiến cho tòa nhà Quốc hội như đặt giữa một chốn bồng lai. Dòng sông ôm quanh thành phố đẻ trứng vàng cho ngành du lịch Đức. 12 euro cho một chuyến du thuyền vòng quanh Berlin. Ngay như tòa nhà Quốc hội, bên trong là để họp, nhưng bên ngoài du khách nườm nượp tham quan . Rồi tháp truyền hình, rồi trung tâm thông tin về người do thái bị Đức quốc xã giết hại…đều là những khu du lịch. Họ căn ke, tính toán từng mét di tích, từng thước đất thủ đô để kiếm tiền, khu dân cư phải lùi xa khu trung tâm, nhưng dân thủ đô ở đến đâu thì đường xe bus, metro kéo về tới đó. Thủ đô đông mà vẫn thoáng. Tôi thầm nghĩ, nước mình còn cách nền văn minh đô thị thế giới cả trăm năm chứ chẳng ít. Nhà văn Thái Bá Lợi nói, đại ý, có thằng Mỹ bảo ông, tao sang thủ đô Hà nội tụi mày, tao mới có cảm giác ra nước ngoài. Câu nói ấy hàm ý, thủ đô các nước trên thế giới đều giống nhau. Đều có hệ thống giao thông đô thị hoàn hảo. Đều có những cánh rừng làm lá phổi điều hòa ô xy trong thành phố. Hà nội ta như một dị biệt. Sự thiếu quy hoạch, thiếu nhất quán trong kiến trúc, xây dựng, nhìn hiện tại, ai cũng phải lắc đầu chào thua… Đúng là chúng ta có lý do vì chiến tranh, nhưng gần 40 năm rồi, không thể vì lý do đó mãi được!

Nước cộng hòa dân chủ Đức trước đây đã từng bao cấp cho biết bao lưu học sinh Việt nam ta sang học tập. Biết bao nhiêu lao động Việt nam ta đã được xuất khẩu sang Đức. Với nhiều người Việt nam, nước Đức không còn xa lạ gì. Người Việt ở Đức có bốn dòng chính. Dòng đầu tiên là dòng lưu học sinh trước giải phóng. Dòng thứ 2 là dòng vượt biên, tỵ nạn sau năm bảy lăm. Dòng thứ 3 là dòng hợp tác lao động qua Đông Đức, cả trốn sang Tây Đức trước lúc nước Đức thống nhất và cả lưu lại sau thống nhất. Đông hơn cả và phức tạp hơn cả là dòng người Việt nam tràn qua Đức buôn bán và làm các dịch vụ từ những năm đổi mới. Người Đức, họ biết, nhưng gần như họ không có ý kiến gì. Tôi có cảm giác như là họ không thiếu lao động trong nông nghiệp. Trong công nghiệp họ cũng không thiếu lao động có tay nghề. Người Việt nam qua Đức, qua các nước Đông Âu chủ yếu là làm chợ. Cũng như ở Balan, khu chợ Đồng Xuân ở Đức cũng sầm uất không kém. Phạm Quỳnh Nga gọi điện cho anh Bình, phó chủ tịch hội đồng hương Nghệ an tại Đức, bảo là có các nhà văn Việt nam sang. Có cả bác Lê Huy Mậu đồng tác giả Khúc hát sông quê nữa đấy. Chúng tôi chỉ định ghé chỗ làm việc của Phạm Quỳnh Nga cho biết, nhưng không ngờ phải qua chào Hội đồng hương Hà tĩnh trước khi sang với Hội đồng hương Nghệ an. Dù ở Đức, thì phong tục Việt nam vẫn vậy. Gặp nhau lần nào cũng nhậu. Bia Đức ngon. Trời lạnh uống càng ngon. Nguyễn Hoàng Thu không uống được bia. Không bia Đức thì Vodka Nga. Báo hại mình vừa bia vừa rượu uống tỳ tỳ. Lê Đình Việt phó chủ tịch Hội đồng hương Hà tĩnh bảo, trước đây chỉ có Hội đồng hương Nghệ tĩnh thôi. Bây giờ đông quá, phải tách làm hai Hội. Giữa Berlin xa xôi chợt nghe tiếng quê choa trọ trẹ, bỗng dưng mình có cảm giác như thuở gặp đồng hương giữa rừng Trường sơn. Xưa thì từng đoàn trai trẻ vượt Trường sơn đi cứu nước, nay thì từng đoàn trai gái trẻ xuất dương đi cứu nghèo! Nghệ tĩnh mình ơi!

Nhà hàng của vợ chồng anh Bình nằm trong chợ Đồng xuân. Bình quê Diễn Châu, là bác sỹ chuyên khoa bệnh viện Bạch Mai Hà nội. Bây giờ anh có thể là đại gia rồi, nhưng trong câu chuyện vẫn có gì như xa xót. Luyến tiếc lắm chứ! Yêu nghề lắm chứ! Người thầy thuốc chân chính đáng được xã hội tôn trọng lắm chứ. Nhưng biết làm sao được! Đường đời vạn nẻo! Niềm an ủi lớn lao của anh là những đứa con được ăn học thành tài. Bình bảo: Làm gì không quan trọng, làm gì lương thiện mà có tiền cho con du học là tốt rồi.

Thời gian không còn nhiều, chúng tôi còn phải về nghỉ để sáng mai ra sân bay sang Pháp. Mọi người yêu cầu hát Khúc hát sông quê. Màn hình Karaoke to như tấm bảng được bật sáng. Và một giọng nam Nghệ tĩnh khàn khàn theo từng câu hát có ca sỹ Anh Thơ hát thầm trên màn hình. Và tất cả cùng hát, và bình, và yêu cầu tác giả lời đọc thơ. Hình như sau khi nghe tôi đọc trọn vẹn bài thơ, tôi thấy nhiều người xúc động, rưng rưng. Chúng tôi chia tay trong sự bịn rịn không muốn rời.

Lẽ ra, đoàn chúng tôi có một cuộc giao lưu hoành tráng với các văn nghệ sỹ người Việt tại Berlin, nhưng do cập rập, cuối cùng chỉ có mỗi mình bác Mạch Chính Tường đến. Bác Mạch Chính Tường người Hoa. Sang Đức từ năm 1978 trong dịp lùm xùm người Hoa tại Việt nam. Bác Tường sinh ra lớn lên ở Việt nam. Bác coi Việt nam như là tổ quốc của mình. Cả tuổi hoa niên sôi động của mình bác gắn bó với Hà nội. Vợ bác là cháu nhà thơ Hoàng Cầm. Bác là cựu cầu thủ bóng đá của công an Hà nội lừng lẫy một thời. Bây giờ đã 76 tuổi mà trông vẫn tráng kiện như thanh niên. Số phận dành cho ông thật nhiều ưu đãi. Cơ thể sức vóc cầu thủ bóng đá. Tâm hồn thì thi sĩ. Đàn hát như văn công. Tài tử như diễn viên điện ảnh. Ông làm khổ không ít đàn bà con gái Việt. Chuyện của ông hào sảng, phóng khoáng, hấp dẫn như chuyện diễm tình tiền chiến. Chúng tôi chẳng có gì đãi ông tại khách sạn cả. Ngoài rượu Vodka, có ít nem chua mang từ Balan sang, nhưng ông không ăn gì, chỉ uống. Lúc đầu còn uống ly nhỏ. Về sau Vodka rót vào ly cối. Lúc đầu còn đủ bốn người luân phiên, về sau chỉ còn Nguyễn Hoàng Thu cưa đôi với ông. Và ông còn muốn ngồi tới sáng. Chưa bao giờ tôi thấy một ông già chịu chơi như thế! Ông bảo , ông hút một ngày 3 gói thuốc lá. Còn em út thì mênh mông. Văn nghệ sỹ Việt nam sang Berlin ai cũng muốn gặp ông nhưng không phải ai cũng có may mắn đó. Mạch Chính Tường để lại trong tâm trí tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp, không thể quên. Chúng tôi hẹn ông, và bị ông hẹn lại, là tháng 12 tới, ông sẽ tổ chức gặp mặt hết 3 anh em tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhất định là thế anh thanh niên 76 tuổi Mạch Chính Tường ạ!

Kinh nghiệm từ những chuyến đi trước, tôi có trong tay mấy cái địa chỉ. Cái Balan, cái Đức, cái Pháp. Đành thì đi có đoàn, nhưng phòng khi lạc đoàn, phòng khi gặp khó khăn, còn có nơi mà nhờ vả. Biết tôi có sang Đức, Hồ Đình Khai bảo, con bác Trung ở Đức, bác xin bác Trung địa chỉ, sang đó cháu Yến dẫn các bác đi chơi, mua sắm. Vừa sang tới Đức, vợ chồng Hải Yến- Ngọc Nam tiếp đón, cưu mang các bác nhà văn suốt 3 ngày ở Berlin.Thật cảm động, cháu Yến theo chân các bác cả 3 ngày. Ngọc Nam bận làm việc, không chở các bác đi chơi được. Nhà văn Nguyễn Hoàng Thu chưa đi Metro, mấy bác cháu lượn Metro cả ngày. Hải Yến giao dịch bằng tiếng Đức khá thông thạo. Nếu không có người hướng dẫn, thì e các bác cũng chẳng dám chui xuống tàu điện ngầm dích dắc phức tạp như một ma hồn trận dưới lòng đất. Tôi gặp Hải Yến lúc còn nhỏ loắt choắt. Bây giờ Hải Yến đã làm mẹ, đã thành một thiếu phụ xinh đẹp và có một gia đình yên ấm, hạnh phúc giữa thủ đô Berlin. Ngọc Nam là một chàng trai lịch lãm, có công việc ổn định, bố mẹ các cháu chưa sang, nhưng bác tin là bố mẹ cháu sẽ rất vui khi nhìn thấy đời sống, gia cảnh của các cháu nơi đất khách quê người.

Mỗi người Việt nam trên đất khách mà chúng tôi gặp đều để lại trong chúng tôi một cái gì ấm áp, trìu mến vô cùng. Ôi Việt nam! Tổ quốc thân yêu đang có bao nhiêu người con sống xa tổ quốc, họ đang lao động kiếm tiền, đang trực tiếp hoặc gián tiếp đóng góp cho quê hương một cách hết sức cụ thể. Là nhà văn, chúng tôi may mắn hơn nhiều người được gặp gỡ, chuyện trò với họ, qua họ mà trân trọng những giá trị tinh thần nhân văn Việt nam. Người Việt nam ai cũng yêu tổ quốc, ai cũng muốn tự hào về tổ quốc. Dù cho hôm nay còn biết bao điều nhức nhối, về nạn tham nhũng, tiêu cực tràn lan trong đời sống xã hội. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang làm suy giảm lòng tin của nhân dân, trong đó có những người đang làm ăn sinh sống ở nước ngoài. Không ai có thể chọn lựa được quê hương tổ quốc, bởi thế nhiều nỗi niềm canh cánh về Việt nam mà anh em chúng tôi cứ cảm thấy như người có lỗi, trước họ!

Sắp phải rời khỏi Berlin, Cháu Ngọc Nam lo bốc vé giá rẻ giúp các bác. Cám ơn cháu! Đúng là các bác muốn thăm nhiều nơi nhưng không có nhiều tiền, còn chịu khó chịu khổ thì các bác làm được, thậm chí làm quen rồi. Bốc được vé máy bay giá rẻ cho các bác sang Paris rồi, cháu lại bốc cả vé tàu về cho các bác đỡ lúng túng bị động. Các bác sang tới Paris rồi, cháu lại lo các bác thân già ngồi tàu đường dài từ Paris về Munchen mệt, mày mò tìm hãng đổi vé giúp các bác cả đêm. Ngọc Nam làm các bác cảm động vô cùng!

Paris lạnh thấu xương, nhà khách Trung tâm văn hóa Việt Nam hỏng lò sưởi, tôi nằm co ro trong chăn, tranh thủ ghi lại đôi điều về 3 ngày ở Berlin, kẻo quên. Vừa mệt, vừa rét, tôi cầm ngược máy laptop, nằm để gõ. Lỗi lung tung cả. Tôi thầm thương mình quá thể. Bỏ tiền túi đi nước ngoài. Không ăn chơi sắm sanh gì, chỉ nhăm nhe góp nhặt những điều mắt thấy tai nghe, tự làm giàu sự hiểu biết của mình là chính, và, mạo muội sẻ chia với mọi người, dù biết thế có khi lợi bất cập hại!

Lê Huy Mậu

Không có nhận xét nào: