Thứ Tư, 14 tháng 11, 2007

Cảm nhận về một bài thơ của Đồng Đức Bốn

Tôi đọc thơ Đồng Đức Bốn khá muộn, hơn một năm sau khi nhà thơ đã qua đời do căn bệnh ung thư quái ác. Nhưng những bài thơ lục bát của Đồng Đức Bốn cứ ám ảnh tôi mãi, giống như bị bỏ bùa mê thuốc lú của một người con gái mà mình không thể nào dứt ra được. Tôi như một kẻ độc hành trên sa mạc tìm được nguồn nước cứu sinh khi đọc thơ ông. Phải công nhận rằng, sở trường của Đồng Đức Bốn là thơ lục bát. Nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa, nếu coi bậc thợ kim hoàn cao nhất là 7/7 thì Đồng Đức Bốn được xếp vào bậc 9/7. Ông viết trên 500 bài thơ lục bát, trong đó có khoảng vài chục bài thơ được liệt vào hàng tuyệt đỉnh. Thơ lục bát của ông có một nét riêng, rất quyến rũ, từ tốn, chậm rãi, khiến người ta có cảm tưởng như những câu ca dao, những câu nói bình thường trong đời sống hàng ngày. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp quả đã không ngoa khi cho rằng Đồng Đức Bốn là nhà thơ lục bát kỳ tài của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, khoảng hơn chục sáng tác của ông là tài tử vô địch, còn phần nhiều lại chẳng ra gì [1].

Trong số những bài thơ lục bát tài tử vô địch của ông, bài thơ làm tôi nhớ nhất và đau đầu nhất vì khó hiểu chính là bài "Vào chùa" [2].

Đang trưa ăn mày vào chùa
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày

Mới đọc qua, ta cảm giác bài thơ lục bát này có gì đó tầm thường, rỗng tuyếch. Vỏn vẹn 28 chữ, mà cũng chẳng đặc sắc nếu xét về mặt niêm luật thơ lục bát. Nếu nói nghiêm khắc, bài thơ này hỏng về mặt gieo vần cũng như luật thơ. Thứ nhất, ở câu đầu tiên, chữ thứ hai và chữ thứ tư cùng vần bằng với nhau (trưa-mày), trái với luật bằng trắc trong thơ lục bát. Thứ hai, bài thơ bị điệp vận (trùng vần) ở câu thứ hai và câu thứ tư (đi-đi). Như vậy, chỉ có bốn câu lục bát mà đã mắc tới hai lỗi về gieo vần và luật bằng trắc thì làm sao mà thành một bài thơ hoàn chỉnh được. Bài thơ này nếu mà rơi vào tay những nhà phê bình chỉ chăm chăm đi xem mặt chữ để bình phẩm giá trị nghệ thuật thì sẽ bị chê cho tới số. Một người nước ngoài học tiếng Việt ở trình độ sơ cấp chắc là cũng dịch được tốt bài thơ này.

Vậy thì, bài thơ này tuyệt đỉnh ở chỗ nào?

Tôi chợt nhớ tới những bài thơ (hay văn) không có chữ như có lần Trần Đăng Khoa đã từng nói [4]. Không có chữ ở đây nghĩa là bản thân những con chữ bạc phếch kia, tự nó sẽ chẳng là gì nếu ta không thổi hồn thơ vào trong đó, và khi đọc hay bình phẩm những bài thơ không có chữ, nên đọc bằng trực giác nhiều hơn là đọc bằng lý trí. Trong lịch sử thơ ca Việt Nam, có thể bắt gặp một số ít nhà thơ như vậy. Chẳng hạn, trong thơ Bùi Giáng, thơ Hàn Mặc Tử, thơ Lê Đạt... có rất nhiều bài là thơ không có chữ. Thậm chí, có người còn nói đó là những bài thơ điên, vì toàn những gầm rú, la hét, điên loạn,.. chẳng có vần điệu tối thiểu của thơ gì cả. Thực ra thì những bài thơ này đâu có điên loạn như mọi người nghĩ. Chẳng qua là những bài thơ đó được viết ra bằng một thứ được gọi là tư duy vô trí, khi sáng tác nhà thơ không cần quan tâm đến đến cấu trúc thơ, luật thơ ra làm sao mà chỉ cần có một ý tưởng bất chợt lóe lên trong đầu là họ chộp lấy và ghi ra giấy. Họ cũng chẳng cần sửa chữa gì nhiều đối với những bài thơ này. Làm thơ kiểu này khó vô cùng và vì thế, có rất ít nhà thơ có thể sang tác theo kiểu tư duy vô trí được. Những bài thơ không có chữ như vậy không thể hiểu, chỉ cảm nhận được mà thôi, cũng giống như không khí xung quanh chúng ta vậy, có ai nhìn thấy được nó bao giờ đâu mặc dù có thể cảm nhận được nó.

Quay trở lại với bài thơ lục bát này. Theo tôi, đây cũng là một bài thơ không có chữ.

Đang trưa ăn mày vào chùa

Câu thơ nêu lên một sự việc có vẻ lạ đời. Tại sao ăn mày lại vào chùa, và lại vào lúc đang trưa? Nếu chỉ để tìm kiếm cái ăn, sao anh ta không đi đến nơi chợ búa, cửa hàng ăn uống vốn có nhiều thức ăn hơn? Đây là một sự vô tình hay hữu ý của kẻ ăn mày. Tôi đã phải đọc đi đọc lại câu này cả chục lần mà cũng vẫn chưa tìm ra được lời giải thích hợp lý. Tuy vậy, tôi có thể cảm nhận được những cặp từ đối lập “ăn mày – chùa” phải chăng chính là “vô minh – cao minh” theo triết lý nhà Phật. “Đang trưa” ở đây có phải là “nửa đời người” không?

Sư ra cho một lá bùa rồi đi

Đến câu này, sự việc có vẻ rõ ràng hơn. Ăn mày đứng ở chùa mãi không ai cho ăn gì nên có nhà sư thương tình ra cho một lá bùa, có lẽ để “đuổi khéo” kẻ ăn mày đi cho khỏi ô uế nơi cửa Phật, vốn là nơi thanh tịnh không thể chứa chấp một kẻ nghèo hèn nhất xã hội. Vẫn cái giọng điệu thơ rất đặc trưng, tửng tưng đến dễ ghét của thơ Đồng Đức Bốn, giọng thơ làm say đắm lòng người, làm “mê cung đình” ấy mà sao tôi thấy phát sợ, rờn rợn vì cái câu thơ này.

Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày

Kết cục là thế này đây. Ăn mày đang đói mà nhà sư cho lá bùa để làm gì? Có hộ mệnh được gì không? Nghèo kiết xác đến thế thì quỉ thần cũng chẳng thèm tha đi, nữa là những người ở trần gian. Thế nên ăn mày thì vẫn là ăn mày mà thôi, có thay đổi đâu, vẫn cái vòng luân hồi luẩn quẩn ấy, không thoát ra để đến cõi Niết bàn được.

Khi xem lại tiểu sử của Đồng Đức Bốn, tôi thấy ông cũng là một người ngưỡng mộ đạo Phật (ông có theo đạo Phật hay không thì tôi không được rõ lắm). Có lẽ vì lý do đó mà ông đã viết nên bài thơ tuyệt đỉnh này chăng?

Theo như Nguyễn Huy Thiệp đã từng phân loại, thơ lục bát được chia làm hai phái: Ngộ năng và Trí năng. Loại trí năng có vẻ ở câu sáu như thế này thì ở câu tám phải như thế kia, những liên tưởng dễ dắt nhau lôgic và có lý, đọc câu sáu người ta luận được câu tám. Những người nhiều chữ, những trí thức làm thơ, hoặc học đòi trí thức làm thơ thường ở loại này. Loại ngộ năng vị tình, lấy tình át chữ, đọc câu sáu mà không đoán ra được câu tám thế nào. Ngộ năng có phần hay hơn trí năng. Thực ra làm thơ lục bát cần tinh thông trí năng, nhưng trí năng học tập được, rèn luyện được, ngộ năng thì chịu, dứt khoát trời cho. Bởi vậy, lục bát mà ngộ năng thì hiếm quý. Ngộ năng đương nhiên bao gồm trí năng, nhưng trí năng không thể bao gồm ngộ năng được [1]. Theo cách phân loại này, thơ lục bát của Đồng Đức Bốn được xếp vào loại Ngộ năng. Vì vậy mà đọc thơ của Đồng Đức Bốn, ta không thấy chán và tẻ nhạt vì thơ của ông lấy tình làm trọng, không quá quan tâm đến câu chữ, niêm luật mặc dù điều này cũng quan trọng trong thơ ca.

Khi viết những dòng cảm nhận về bài thơ này, tôi cũng vẫn chưa hiểu được hết ý nghĩa của nó. Vội vàng lật giở lại những bài phân tích về thơ của Đồng Đức Bốn của các nhà phê bình văn học trong đó có bài “Vào chùa”, tôi nhận ra rằng đây là một bài thơ thiền. Đã là thơ thiền thì mọi lời bình luận đều vô nghĩa. Còn các bạn, các bạn nghĩ thế nào về bài thơ này?

Tham khảo
[1]. http://nguyenhuythiep.free.fr/giangluoi/GIOITHIEU.html
[2].
http://annonymous.online.fr/Thivien/viewauthor.php?ID=398
[3].
http://www.thovn.net/Viewarthor.asp?athor=44
[4]. Trần Đăng Khoa. Chân dung và đối thoại, NXB Dân tộc 2003

Nhân đây xin giới thiệu với các bạn một số bài thơ mà theo tôi là những tuyệt đỉnh khác của nhà thơ Đồng Đức Bốn. Hy vọng các bạn sẽ bổ sung thêm những bài thơ khác:

Chợ buồn

Chợ buồn đem bán những vui
Đã mua được cái ngậm ngùi chưa em
Chợ buồn bán nhớ cho quên
Bán mưa cho nắng, bán đêm cho ngày
Chợ buồn bán tỉnh cho say
Bán thương suốt một đời này cho yêu
Tôi giờ xa cách bao nhiêu
Đem thơ đổi lấy những chiều tương tư

Đời tôi

Tôi vừa lo được miếng cơm
Thì mất tí lửa tí rơm gầy lò.
Tôi vừa vượt bão mưa to
Chân đã phải lội đi mò sông sâu.

II
Mải mê tính chuyện không đâu
Qua song đã gẫy nhịp cầu chẳng lo.
Bòn mãi được mấy sợi tơ
Giăng ra bao kẻ đã vơ vào lòng.
Bây giờ còn có ai mong
Mà người mượn gió bẻ con trăng ngà.

III

Đời tôi tan nát bơ vơ
Nhớ thương là đợi còn chờ là yêu.
Đời tôi như một con diều
Đứt dây để trống cả chiều ngẩn ngơ.


VI
Đời tôi mưa nắng ở đâu
Bây giờ vuốt gió trên đầu tóc rơi.
Đời tôi tình rách tả tơi
Bây giờ nhặt mảnh sao rơi vá vào.
Đời tôi giầu ở chiêm bao
Bây giờ ngồi hút thuốc lào với trăng.

Trở về với mẹ ta thôi

Cả đời ra bể vào ngòi
Mẹ như cây lá giữa trời gió rung
Cả đời buộc bụng thắt lưng
Mẹ như tằm nhả bỗng dưng tơ vàng
Đường đời còn rộng thênh thang
Mà tóc mẹ đã bạc sang trắng trời
Mẹ đau vẫn giữ tiếng cười
Mẹ vui vẫn để một đời nhớ thương
Bát cơm và nắng chan sương
Đói no con mẹ xẻ nhường cho nhau
Mẹ ra bới gió chân cầu
Tìm câu hát đã từ lâu dập vùi.

2.
Chẳng ai biết đến mẹ tôi
Bạc phơ mái tóc bên trời hoa mơ
Còng lưng gánh chịu gió mưa
Nát chân tìm cái chửa chưa có gì
Cầm lòng bán cái vàng đi
Để mua những cái nhiều khi không vàng.

3.
Mẹ mua lông vịt chè chai
Trời trưa mưa nắng đôi vai lại gầy
Xóm quê còn lắm bùn lầy
Phố phường còn ít bóng cây che đường
Lời rào chim giữa gió sương
Con nghe cách mấy thôi đường còn đau.

4.
Giữa khi cát bụi đầy trời
Sao mẹ lại bỏ kiếp người lầm than
Con vừa vượt núi băng ngàn
Về nhà chỉ kịp đội tang ra đồng
Trời hôm ấy chửa hết giông
Đất hôm ấy chẳng còn bông lúa vàng
Đưa mẹ lần cuối qua làng
Ba hồn bảy vía con mang vào mồ
Mẹ nằm như lúc còn thơ
Mà con trước mẹ già nua thế này.

5.
Trở về với mẹ ta thôi
Giữa bao la một khoảng trời đắng cay
Mẹ không còn nưa để gầy
Gió không còn nữa để say tóc buồn
Gió lùa khung cửa bên song
Mắt mẹ khô lệ mỏi mòn nhớ thương
Chiều ra đầu ngõ để chờ
Tóc bay trắng xoá bên bờ tịch liêu
Người không còn dại để khôn
Nhớ thương rồi cũng vùi chôn đất mềm
Tôi còn nhớ hay đã quên
Áo nâu mẹ vẫn bạc bên nắng chờ
Nhuộm tôi hồng những câu thơ
Tháng năm tạc giữa vết nhơ của trời
Trở về với mẹ ta thôi
Lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ.


Bây giờ


Bây giờ không thấy Thị Mầu
Nhưng con mắt ấy còn lâu mới già.
Mỗi lần cây cải nở hoa
Thì tôi lại nhớ người ta chưa về.
Mỗi lần cỏ dại trên đê
Chim ngói đi thả bùa mê khắp đồng.
Bây giờ em đi lấy chồng
Tôi giờ về lại bên sông tìm mình.

II
Bao nhiêu là thứ bùa mê
Cũng không bằng được nhà quê của mình.
Câu thơ nấp ở sân đình
Nhuộm trăng trăng sáng, nhuộm tình tình đau.
Nhuộm buồn những hạt mưa mau
Thành sao nở trắng vuờn cau trước nhà.
Nhuộm hương của các loài hoa
Thành mơn mởn tóc đuôi gà cho em.
Chẳng mong thì bão cũng đi
Chẳng chờ thì nắng đương thì vẫn sang.
Đất nâu tưởng đã cũ càng
Tiếng chim trong bụi tre làng cứ non.
Có đi trên quãng đường mòn
Mới tin rùa tháp vẫn còn linh thiêng.
Mỗi người có một cõi riêng
Cũng như tiếng trống tiếng chiêng hội mùa.
Câu ca mẹ hát như đùa
Mà làn nước mặn đồng chua đổi đời.

1 nhận xét:

Nguyệt Tâm nói...

Lại tìm thấy người quen rồi :D