Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2007

Giáo sư Cao Xuân Hạo


(Bài viết này tôi đã đăng trên blog của Yahoo. Nay đăng lại để quí vị và các bạn cùng xem)

Hôm nay đọc báo mới biết Thầy Cao Xuân Hạo, nhà ngôn ngữ học hàng đầu Việt Nam đã ra đi cách đây vài hôm (hồi 19h40, ngày 16 tháng 10 năm 2007) sau hai tuần nằm bệnh từ một cơn đột qụy. Thầy mất đi là một thiệt thòi lớn cho ngành ngôn ngữ học Việt Nam, cho tiếng Việt vốn đang cần nhất sự trong sáng không lúc nào như lúc này. Tôi chỉ được biết Thầy qua một số bài viết bàn về ngôn ngữ tiếng Việt trên các báo. Tôi ấn tượng bởi cách giải thích rõ ràng, rành mạch, sự phân tích thấu đáo từ, ngữ, nghĩa tiếng Việt và cũng bởi cách viết không cầu kỳ, hoa mỹ của Thầy. Cách viết này không giống với cách viết làm dáng, thích lên mặt phán xét, tự cao tự đại của một số trí thứ dởm ở ta. Với tư cách là một kẻ hậu sinh, chưa hiểu biết nhiều về nhân tình thế thái, xin kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của Thầy, một người Thầy lớn của ngành Ngôn ngữ học, một nhân kiệt của nước Nam ta và trên hết, một con Người thuần Việt.
Nhân đây xin giới thiệu với các bạn hai bài viết về Thầy Cao Xuân Hạo của những người bạn, người đồng nghiệp của Thầy. Đó là bài viết của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và Giáo sư Tương Lai mà tôi tìm được trên mạng. Cũng xin tạ lỗi với các tác giả vì chưa hỏi ý kiến trước khi đăng lại bài.

------------------------------------------------------------------------------------------------


"CẬU HẠO" - ANH CAO XUÂN HẠO


Làng Cao Quan (xã Diễn Thịnh) cách làng tôi không xa, chừng 6 km. Đấy là một cái làng nổi tiếng nhiều những người tài. Trong một bài viết về vùng đất khoa bảng này tôi đã nhớ lại: “Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng cao quý nhất về văn học nghệ thuật và khoa học, sau hai đợt đã có 4 người Diễn Châu được trao giải, đó là giáo sư Cao Xuân Huy, nhà văn hóa Cao Huy Đỉnh, giáo sư TS nông học Phạm Văn Tân (Diễn Thịnh) và giáo sư Lê Huy Thước (Diễn Quảng)”… Tức là một làng Cao Quan đã có đến 3 giải thưởng Hồ Chí Minh. Cao Xuân Hạo là con trai của cụ Cao Xuân Huy, cháu cụ Cao Xuân Dục vốn là quan Thượng thư trông coi việc khoa bảng triều Nguyễn. Cái làng ấy, cái làng họ Cao ấy, cả huyện tôi đều kính nể.
Là đồng hương với anh, một thời cùng ở Hà Nội, nhưng tôi không có dịp gặp anh. Mãi đến năm 1983 nhân ngày sinh nhật nhạc sĩ Văn Cao 60 tuổi, tôi và anh mới có dịp gặp nhau. Đêm hôm ấy, anh đã hát cho Văn Cao, Trần Dần, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Thụy Kha và tôi nghe hai bài hát do anh sáng tác từ thời kháng chiến chống Pháp. Anh Văn Cao nói: Nếu ngày ấy Hạo đi vào âm nhạc, chắc sẽ thành một tay anh chị trong làng nhạc.
Giọng anh trong, vang, và đầy sức truyền cảm. Làng nhạc gọi là giọng teno bay. Và dù chọn nghề ngôn ngữ, tôi nghĩ anh đã chọn đúng. Là người Nghệ, nhưng anh phát âm rất chuẩn. Anh học tiếng Anh nhưng cũng thạo tiếng Pháp. Và có điều lạ là anh chỉ tự hoc tiếng Nga có 6 tháng, đã tham gia dịch bộ tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình ra tiếng Việt được nhiều chuyên gia tiếng Nga khâm phục.
Sau lần gặp anh ở nhà Văn Cao, tôi còn nhiều dịp gặp anh nữa. Nhưng có vài lần gặp không thể quên.
Năm 1988, tôi vào Sài Gòn, đi uống bia 80 Trần Quốc Thảo với Thu Bồn, bỗng thấy anh đội mũ phớt ngồi một mình một bàn với một cốc bia hơi, như đang đợi ai đó. Tôi và Thu Bồn hỏi anh, anh bảo không đợi ai cả. Thế là chúng tôi mời anh cùng uống. Nhiều người cầm cốc bia đến chạm cốc với anh, và họ thường gọi anh là “Cậu Hạo”. Từ cậu nghe có vẻ như công tử, cái từ gọi vừa thân mật vừa sang trọng. Sau cuộc nhậu, anh mời tôi trưa mai đến nhà anh ở đường Huỳnh Văn Bánh ăn cơm với vợ chồng anh. Trưa hôm sau Tôi đến nhà anh. Vợ anh – chị Kim Thanh từng là diễn viên điện ảnh – đã chuẩn bị một bữa tiệc khá thịnh soạn. Anh hỏi tôi thích rượu hay bia. Tôi bảo rượu. Thế là anh mang một chai whisky ông già chống gậy ra. Chị Kim Thanh uống nước ngọt, còn anh em nhà tôi xơi gần cạn chai whisky. Khi biết vợ tôi cũng tên Kim Thanh, anh Hạo nói vui: Anh em mình có mấy cái trùng nhau đó, vợ đều là Kim Thanh, còn bọn mình đều cùng vần ạo. Tôi đùa: Ừ nhỉ, toàn vần xạo, và chắc còn trùng một điểm gì nữa chớ anh!... Còn nhớ hôm đó có món mắm tép để chấm thịt heo ba chỉ luộc rất hợp khẩu vị, tôi cứ tấm tắc khen. Anh chú ‎ý cái sở thích đó của tôi. Trưa hôm sau, trước khi tôi rời Sài Gòn, thấy anh đến khách sạn chia tay và mang theo cho tôi hai chai mắm tép.
Năm 1995, anh ra Huế giảng dạy một cua ngôn ngữ ở Đại học Sư Phạm, và gọi điện cho tôi lúc đã khuya, (chắc ai đó đã cho anh số điện thoại của tôi). Tôi hẹn anh sáng mai tôi đến sớm đưa anh đi ăn sáng. Khi tôi đến, anh đã áo quần tươm tất. Vẫn cái mũ phớt ngày nào. Nhưng trông anh già hẳn so với tám năm trước. Tôi chở anh đến quán bánh bèo cạnh Cung An Định, ây là cái quán có đủ các loại bánh Huế: bánh bèo, bánh bột lọc, bánh ít, bánh su-sê (phu thê), v.v… Tôi gọi một mẹt đủ các loại bánh. Anh bảo hồi nhỏ học ở Huế, thường được ăn quà là các loại bánh này, nhưng chưa bao giờ được ăn một lúc đủ các loại bánh như thế này. Vừa uống bia Ken vừa ăn bánh, anh nhấm nháp những kỷ niệm ấu thơ với giọng nói chân thành, xúc động. Rồi anh bảo: Biết bao giờ lại được ăn đủ các loại bánh Huế cùng một lúc như thế này…
Khi trò chuyện về ngôn ngữ và dịch thuật văn học, Cao Xuân Hạo vô cùng bình thản. Anh có những nhận định của kẻ đắc đạo mới có. Anh muốn tìm cho ra cái cách riêng của ngôn ngữ Việt. Và vì thế anh thường so sánh rất nhiều với những ví dụ của ngôn ngữ ngoại quốc. Tuy vậy, anh vẫn cố gắng để giữ lại cái phong cách Tây khi dịch các tác phẩm văn học. Anh nói, người Tây là người Tây, đừng biến người Tây thành người ta. Và ngược lại, anh khẳng định: Mình không bao giờ muốn biến người ta thành người Tây, tiếng ta thành tiếng Tây.
Vài năm nay, anh viết nhiều bài nghiên cứu, trao đổi, tranh luận rất sắc sảo, quyết liệt nhưng luôn lịch lãm. Bởi anh có một nền tảng văn hóa dày dặn, từng trải, và sang trọng. Anh là một người tài, một người ga lăng hay một người thầy. Nhưng tôi cứ bị ấn tượng mãi cái đại từ Cậu mà người ta vẫn thường gọi anh.
Hôm nay được tin Cậu Hạo mất, tôi viết mấy dòng tưởng nhớ anh, người anh, người đồng hương mà tôi luôn kính phục và nể trọng.

NGUYỄN TRỌNG TẠO

Tiểu sử:
Giáo sư Cao Xuân Hạo sinh năm 1930 tại Huế, thân phụ là Cao Xuân Huy. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng với giai thoại tự học nghe, nói và viết thành thạo tiếng Pháp chỉ từ việc chơi với một người bạn Pháp. Ông từng làm giảng viên ngôn ngữ học, khi đó ông đảm nhận phần lớn công việc dịch sách và hiệu đính các sách dịch tại bộ môn ngôn ngữ học, tại Đại học tổng hợp Hà Nội, hiện nay ông sống ở Sài Gòn và thành viên của Hội nhà văn Việt Nam. Tuy nổi tiếng như một nhà ngôn ngữ học, dịch giả, ông còn nổi tiếng như một nhà văn. Năm 1985 giáo sư Cao Xuân Hạo đã được trao tặng giải thưởng về dịch thuật 1985 của Hội nhà văn Việt Nam.
Giáo sư Cao Xuân Hạo từ trần lúc 19h40' ngày 16-10-2007 tại bệnh viện Thống Nhất - TPHCM - sau hai tuần nằm bệnh từ một cơn đột quỵ.

Những đóng góp ngôn ngữ học và dịch thuật:
Tác phẩm dịch đã xuất bản:
Người con gái viên đại uý (truyện 1959);
Chiến tranh và hòa bình (tiểu thuyết 1962);
Chuyện núi đồi và thảo nguyên (truyện ngắn 1963);
Trên những nẻo đường chiến tranh (tiểu thuyết 1964);
Truyện ngắn Goócki (1966);
Con đường đau khổ (tiểu thuyết 1973);
Tội ác và trừng phạt (tiểu thuyết 1983);
Đèn không hắt bóng (1986);
Papillon (1988);
Khải hoàn môn (1988).
Nô Tỳ Isaura (tiểu thuyết 19??)
Sách đã xuất bản:
(1998) Tiếng Việt – Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa, Hà Nội: NXB Giáo dục.
(2001) Tiếng Việt Văn Việt Người Việt, NXB Trẻ.
(Quý II năm 2006) Tiếng Việt sơ thảo ngữ pháp chức năng, NXB Khoa học xã hội và Công ty văn hóa Phương Nam.
Bài viết quan trọng đã đăng báo:

“Hai cách miêu tả hệ thống thanh điệu của tiếng Việt”, Cao Xuân Hạo
“Chiết đoạn và siêu đoạn trong ngôn ngữ học phương Tây và trong tiếng Việt” và “Nguyên lý ‘tuyến tính của năng biểu’ trong âm vị học”, Phonologie et linéarité: réflexions critiques sur les postulats de la phonologie contemporaine, 1985 - Cao Xuân Hạo, viết bằng tiếng Pháp, do Hội Ngôn ngữ học và Nhân loại học Pháp quốc (SELAF) xuất bản
“Vấn đề âm vị trong tiếng Việt”, Cao Xuân Hạo
“Trọng âm và các quan hệ ngữ pháp trong tiếng Việt” (1978), Cao Xuân Hạo
“Về cương vị ngôn ngữ học của ‘tiếng’”, Cao Xuân Hạo
“Nhận xét về các nguyên âm của một phương ngữ ở tỉnh Quảng Nam
“Một số biểu hiện của cách nhìn Âu châu đối với cấu trúc tiếng Việt”
“Về cách phân tích âm vị học một số vận mẫu có nguyên âm ngắn trong tiếng Việt”
“Thêm mấy giải pháp âm vị học cho các vận mẫu có nguyên âm ngắn của tiếng Việt”
“Sợ hơn bão táp”, Báo Văn Nghệ

Những nhận định về ông

"Cao Xuân Hạo thuộc vào số rất ít nhà ngữ học Việt Nam vượt lên khỏi cái địa vị thuần túy cung cấp tư liệu minh họa cho các lý thuyết ngữ học của phương Tây, để đĩnh đạc tranh luận với giới ngữ học quốc tế." (Hoàng Dũng viết về Cao Xuân Hạo)
“Hình như trong cuộc đời ông cũng chịu không ít bầm dập. Nhưng tôi cho là may mà đời có ông. Ông chân thực vô tư mà minh triết như chú bé trong ngụ ngôn Andersen đã nói huỵch toẹt: hoàng đế cởi truồng. Không hiểu sao tôi có liên tưởng ngộ nghĩnh: một chiều gió bấc, một con đường mòn xa tít hun hút tới chân trời. Trên đó chàng kỵ sĩ gầy, mái đầu muối tiêu, nách cắp cây thương, cưỡi trên con ngẽo cà khổ. Đó là ông, Cao Xuân Hạo, chàng kỹ sĩ độc hành. Trong chiều tà, ngọn bút của ông được phản quang phóng to thành cây thương. Một người một ngựa, ông trơ trọi đi trong chiều vắng. Trước mắt, những hồn ma bóng quế chập chờn. Nhưng ông vui vì tin rằng một ngày mai những con chữ Việt sẽ tưng bừng trong cuộc hoan ca chào đón ông - người giải phóng. ” (Hà Văn Thuỳ viết về Cao Xuân Hạo)
------------------------------------------------------------------------------------------------

CAO XUÂN HẠO, MỘT TRÍ THỨC, MỘT THÂN PHẬN


Thế là nhà trí thức tài hoa ấy đã ra đi. Và lần này, nhà ngữ học bậc thầy ấy đã ra đi “một cách tuyệt đối”, không còn cách gì cứu vãn được nữa. “Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở, tôi tuy thương lấy nhớ làm thương, tuổi già hạt lệ như sương…” Phải cố nghĩ đến câu thơ người xưa khóc bạn để mà gắng vơi đi nỗi đau đã được báo trước. Đành rằng, rồi cũng phải lấy nhớ làm thương, vì làm sao cưỡng lại được quy luật nghiệt ngã mà ai rồi chẳng phải đón nhận. Một trí thức như Cao Xuân Hạo thì cũng phải mỉm cười, nụ cười diễu cợt và thách thức, mà chấp nhận sự nghiệt ngã đó. Đó là diễu cợt và thách thức thân phận của một người trí thức. Trí thức theo cách nói của J.-P. Sartre, là người ý thức được sự xung đột xảy ra trong lòng họ và trong lòng xã hội giữa việc đi tìm sự thật qua thực tiễn hành động và hệ ý thức… là người xớ rớ vào những chuyện không liên quan đến họ. Chuyện không phải của họ mà họ thấy là của họ. Cái thấy đó làm họ trở thành trí thức. Mà cũng vì thế, theo K. Marx, người trí thức là người “phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu, không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không thụt lùi dù trước kết luận của chính mình…”.* Là tôi tưởng tượng ra nụ cười thường ngày của Hạo vào phút giây nghiệt ngã anh nắm chặt tay tôi, khi chính tôi đang run lên nghẹn ngào trước sự thật sẽ phải đón nhận đó. Anh đã ra đi thật rồi, khoảng trống vắng nhà ngữ học lớn ấy để lại không biết rồi đây sẽ ai sẽ khỏa lấp, măc dù anh tự cho mình chỉ là “người trần tục tầm thường”. Tự nhận mình là người trần tục, để không thể nào chấp nhận những ai đó “lấy làm thỏa mãn với dăm bảy thí dụ chợt nghĩ ra trong vài giây, vào những khoảnh khắc xuất thần của thiên tài. Nhà trí thức tài năng ấy đã quyết dành “hàng buổi, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm nếu cần, lần giở từng trang từ điển hòng kiểm tra lại những phát hiện sáng chói mà các bậc thiên tài đã thực hiện, và hễ có cơ may thì tự mình tìm ra những quy tắc khác ít mang dấu ấn của thiên tài, nhưng lại vượt qua được sự thử thách của một quá trình kiểm nghiệm kỳ khu, để lần mò tới những sự thật có thật trong tiếng Việt chứ không phải trong tiếng Pháp hay tiếng Nga”.** Và thực sự là anh đã tạo ra “cơ may” ấy bằng cách góp phần quan trọng vào việc làm nên một diện mạo của Việt ngữ học từ khi có nền đại học Việt Nam. Nhưng xin hãy để chuyện này cho các nhà ngữ học, đồng nghiệp của Anh, bình luận thẩm định về Anh, là người ngoại đạo của chuyên ngành này, tôi chỉ xin khóc bạn về đôi điều cảm nhận về bản lĩnh của người trí thức và cũng do đó mà phải gánh chịu một thân phận nghiệt ngã của người trí thức, người tôi yêu mến và kính trọng. Con người ấy, như anh đã tự kể về mình : “ Cách đây gần bốn mươi năm, một người bạn học cũ, khi thấy tôi ngồi mỗi ngày mười tiếng trong Thư viện Khoa học ở phố Lý Thường Kiệt để đọc cho bằng hết các sách ngôn ngữ học, tri thức luận và logích học trong đó, có khuyên tôi thôi làm cái chuyện dã tràng xe cát ấy đi, vì nếu muốn giỏi bằng một anh phó tiến sĩ của Nga, một người Việt Nam tự học phải thông minh gấp ba và đọc gấp mười mới được. Lòng tràn đầy tự ái, tôi đáp : 'Sao anh biết tôi không thông minh gấp ba và sẽ đọc nhiều gấp mười nó'”.** Cao Xuân Hạo kể để tự phê phán mình, nhưng qua đó, có thể hiểu ra được ngọn nguồn tài năng của thân phận nghiệt ngã mà người trí thức tài hoa ấy đã phải gánh chịu. Tự giam mình mỗi ngày mười tiếng như vậy trong suốt mười lăm năm anh bị một án kỷ luật để không được đứng lớp giảng dạy, chỉ được “làm tư liệu” để “phục vụ nghiên cứu”. Và rồi cũng vì cái án kỷ luật đó, trong thời gian dài đó, anh “chỉ được dịch”, chứ không được viết ! Để “phục vụ nghiên cứu”, Cao Xuân Hạo tự trở thành một nhà ngữ học tài ba mà tác phẩm của anh đã làm “một cuộc cách mạng Copernic thực sự của ngữ học hiện đại” *** như nhận định của Jean-Pierre Chambon. Và vì “chỉ được dịch”, anh đã để lại cho đời hơn hai vạn trang sách văn học trong đó có các kiệt tác như Chiến tranh và hoà bình, Tội ác và hình phạt, Con đường đau khổ, Khải hoàn môn, Đèn không hắt bóng, Papillon, người tù khổ sai…. Điều đáng nói hơn nữa, khi dịch như vậy, từ cái vốn hiểu biết sâu sắc thành tựu của ngữ học hiện đại qua quá trình làm tư liệu “phục vụ nghiên cứu”, trên cở sở bám rất chắc vào mảnh đất tiếng Việt, khẳng định dứt khoát “Linh hồn tiếng Việt không hề mất. Cái ý vị vô song của ca dao, tục ngữ, của những câu Kiều, những câu ngâm của người chinh phụ vẫn còn sống mãnh liệt trong tiếng nói hàng ngày của dân ta…”**, anh đã có dịp so sánh, đối chiếu cách diễn đạt tiếng Việt và các thứ tiếng Châu Âu, rút ra được những điểm dị đồng giữa hai loại hình ngôn ngữ, Cao Xuân Hạo đã dám sửa cái chuẩn tắc vốn được giới ngữ học thừa nhận theo quan điểm “dĩ Âu vi trung” (europeocentrism), mở ra một hướng mới đầy thách thức. Thì ra tạo hóa đã không quá bất công, luật “bù trừ” phát huy tác dụng, cái án kỷ luật buộc anh phải treo bút đã giúp anh “vượt qua được sự thử thách của một quá trình kiểm nghiệm kỳ khu, để lần mò tới những sự thật có thật trong tiếng Việt” ** để có những cống hiến lớn trong lĩnh vực Việt ngữ học, cũng đồng thời để lại dấu ấn nổi bật trong lĩnh vực dịch thuật. Mà nào có gì to tát, khó hiểu đâu, cái án kỷ luật buộc anh phải treo bút ấy là do khi đi dạy, học trò cứ hỏi riết mãi về một “vụ án văn học, nghệ thuật” đang gây bức xúc dư luận, không thể im lặng mãi không trả lời, anh nói với học trò của mình : “trong tranh luận học thuật và văn chương, khi ai buộc phải dùng đến uy quyền và trấn áp thay cho tranh luận công khai thì chính ngừoi đó sợ chân lý”. Đó là cái tội “phát ngôn vô nguyên tắc” của mình. Vẫn nụ cười hiền lành song không dấu cái vẻ khinh bạc, anh kể lại chuyện đó, khiến tôi nhớ lại đoạn văn M. Gorki nói về Chekhov : “ Trước cái đám đông xám ngắt những kẻ bất túc, đã hiện ra một người… bằng giọng nói trung thực mà sang sảng, buồn buồn mà mỉm cười, với một nỗi sầu hoài tuyệt vọng trong tâm khảm và trên sắc mặt, giọng đầy quở trách dịu dàng mà thâm thúy, người ấy bảo cả bọn họ : Các vị sống bậy quá đi thôi ! ”. Cao Xuân Hạo đã cố gắng thực hiện cái lương năng trí thức của mình như K. Marx đã từng chỉ ra, người trí thức là người “ phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu, không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không thụt lùi dù trước kết luận của chính mình…”. Nhưng rồi số phận đã chơi khăm anh, là nhà ngôn ngữ học tài ba, anh đã không còn diễn đạt được ý nghĩ anh có trong đầu sau mấy lần bị tai biến, tình trạng ấy kéo dài mãi cho đến khi anh không còn nói được nữa, chỉ biểu đạt ý nghĩ của mình bằng ánh mắt. Thì cũng giống như Chekhov đấy thôi, suốt đời “dùng ngòì bút tinh nhuệ của mình để phát giác ra những cái mốc meo của sự phàm tục” để khi ông mất, thi hài của ông được chuyên chở về St. Petersburg trên cái vagông đen chứa sò huyết của chuyến tàu chợ! Tôi nhớ mãi ngón tay trỏ của Hạo cứ gõ gõ trên ngực mình ngày anh mới nhập viện mà cô cháu đứng lau mồ hôi cho anh giải thích “đấy là ông cháu gõ vi tính đấy ạ. Ông cháu chỉ đánh vi tính được theo kiểu mổ cò”! Nhà ngữ học tài hoa ấy vẫn đang tư duy, chỉ không nói được! Hạo ơi, anh đã tuyệt đối nằm xuống, nhưng sự nghiệp của anh thì đang đứng dậy vì càng ngày người ta sẽ càng nhận ra khoảng trống về sự thiếu vắng của một tài năng bẩm sinh từ cái “gien”di truyền và sự truyền dạy của cha anh, người thầy đáng kính của riêng anh và của một lớp trí thức có nhân cách, thầy Cao Xuân Huy. Một bậc minh triết, từng được mệnh danh là một nhà “Đạo học” ngay từ buổi mới trong ngoài ba mươi tuổi. Được sự chăm sóc và truyền dạy của cha, Cao Xuân Hạo theo được cái chí của cha vói cảm nhận thường trực về “cái gánh nặng tinh thần đang đè lên một người con không thực hiện được hoài bão của cha, một người học trò dốt đã phụ lòng mong đợi của thầy”**. Sự tự vấn ấy khiến anh để lại lời nhắn gửi “hy vọng các nhà khoa học nhân văn thuộc các ngành khác nhau, nhất là các đại diện của thế hệ trẻ, sẽ tiếp tục nghiên cứu theo hướng này” ** tức là hướng từ sự khác nhau về cấu trúc ngôn ngữ (tuyến tính/phi tuyến tính) để suy nghĩ thêm về sự khác nhau về phương thức tư tưởng giữa phương Đông và phương Tây mà cụ Cao Xuân Huy đã dẫn dắt anh. Tôi muốn mượn lời của chính anh, để nói về sự nghịệp của anh, khi với tư cách là một nhà ngữ học tài ba, một nhà dịch thuật uyên bác để kiến nghị về cách anh hiểu một ý thơ của Nazim Hikmet qua sự diễn đạt tinh tế của tiếng Việt mà anh suốt đời đau đáu : Nếu tôi không cháy lên Nếu anh không cháy lên Thì làm sao Bóng tối Có thể trở thành Ánh sáng ? Ở thế giới bên kia, anh hãy tự bằng lòng vì thân phận trí thức của anh cũng đã giúp “ mỗi người trong chúng ta phải có đủ nhiệt huyết để dám tự thiêu huỷ trong đấu tranh thì Chân mới thắng được Ngụy, Thiện mới thắng được Ác ” ** như anh đã từng lý giải về cách dịch câu thơ của Hikmet.


TƯƠNG LAI


* Cao Huy Thuần, Thế giới quanh ta, NXB Đà Nẵng, tr. 61.

** Những trích dẫn đều lấy từ Tiếng Việt, Văn Việt, Người Việt của Cao Xuân Hạo

*** “ Có lẽ chính cái hướng do Cao Xuân Hạo chỉ ra – chứ không phải hướng của ngữ pháp tạo sinh cải biến – mới thật là cái hướng mà ta phải theo để tìm đến một cuốc cách mạng Copernic thực sự của ngữ học hiện đại ” (Revue des langues romanes, tome LXXXIII, n° 1978, fasc. 1, pp.205-210), dẫn lại theo Hoàng Dũng trong “Cao Xuân Hạo. Nhà ngữ học”

Không có nhận xét nào: