Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2007

Vài nét về nghệ thuật cải lương


Nhà sinh vật học người Anh Thomas Huxley (thế kỉ 19) từng nói rằng người làm khoa học mà không biết đến văn hóa nghệ thuật thì chẳng khác gì một cỗ máy. Tôi rất đồng tình với ý kiến trên. Theo tôi, một con người nếu không biết, không nhớ, không yêu văn hóa nghệ thuật truyền thống thì có lẽ anh/chị ta không thể lớn nổi thành Người được. Cha ông đã để lại cho chúng ta những di sản văn hóa nghệ thuật vô giá, trong đó có nghệ thuật cải lương. Cải lương là bộ môn nghệ thuật ra đời sau các môn như: ca trù, chèo, tuồng, quan họ, nhã nhạc cung đình, hát ví,... nhưng đã có một đời sống vô cùng phong phú, dẻo dai, mãnh liệt trong lòng những người dân Việt.

Tôi nhớ những ngày còn bé (đầu thập niên 90), lúc đó chưa có nhiều tivi để xem truyền hình. Thế mà những lần Đài truyền hình Việt Nam chiếu một vở cải lương nào đó là lũ trẻ chúng tôi lại háo hức, tranh nhau được ngồi ở hàng đầu để được xem những nghệ sỹ cải lương mà mình yêu thích biểu diễn. Hồi đó thì làm gì đã có ghế êm, phòng máy lạnh để xem cải lương đâu, chỉ toàn trải chiếu trong nhà, ngoài sân cùng với một chiếc tivi 14 inch nhỏ xíu để xem thôi. Xem những vở cải lương hồi đó, thú thực, tôi chỉ thích giọng ca của các nghệ sỹ là chính, chứ cũng chưa hiểu về ý nghĩa giáo dục, ý nghĩa nhân văn của các vở cải lương. Cũng thấy các bà, các chị xung quanh sụt sùi nước mắt với nhân vật trong truyện, tôi chỉ buồn buồn đôi chút, sau đó đi chơi là quên hết, không nhớ gì đến những vở cải lương đó cả. Tuy thế, có những giọng ca hồi đó mà tôi không thể quên được, những giọng ca mà sau này tôi mới biết là những nghệ sỹ tài danh (theo cách nói của những nhà chuyên môn). Đó là chất giọng thổ đầy chân thành của Lệ Thủy, cao vút của Minh Vương, nghẹn ngào của sầu nữ Út Bạch Lan, hóm hỉnh của Diệp Lang, ngọt ngào của Bạch Tuyết, liêu trai của Phương Hồng Thủy, thủ thỉ của Thanh Kim Huệ, da diết của Tài Linh, tâm trạng của Linh Tâm,... những giọng ca sẽ sống mãi trong lòng những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này. Đó là những giọng ca để đời.

Cái tên “cải lương” có lẽ xuất phát từ câu “Cải biến kỳ sự. Sử ích tự thiên lương” , nghĩa là đổi những gì cũ còn lại ra thành những gì mới và hay [1]. Nói đến cải lương, người ta thường nghĩ ngay đến vọng cổ. Thực ra quan niệm này chỉ đúng một phần vì rằng cải lương là bộ môn nghệ thuật sân khấu ra đời muộn hơn, do vậy nó đương nhiên phải tiếp thu những tinh hoa của các bộ môn nghệ thuật khác trước đó. Chẳng hạn, trong cải lương chúng ta có thể bắt gặp những câu hát trong nhã nhạc cung đình, nhạc Trung Hoa đã được cải biên cho phù hợp hay những câu hò, điệu Lý rất quen thuộc trong đời sống của nhân dân lao động miền Nam. Chính vì thế, cải lương dễ dàng đi vào đời sống của mọi tầng lớp người dân lao động, từ thành thị tới nông thôn.

Theo như nhiều nhà nghiên cứu về cải lương thì bộ môn nghệ thuật này chỉ thực sự phát triển sau khi có bài “Dạ cổ hoài lang” (nghĩa là nghe tiếng trống đêm khuya nhớ người chồng xa) do Cao Văn Lầu sáng tác năm 1918 [2]. Bài này chỉ có 20 câu hát và nhịp 2. Sau đó, bài này được phát triển thành thành nhịp 8 trên sân khấu Tái Đồng Ban vào năm 1922. Cố nghệ sị Lư Hòa Nghĩa, tự Năm Nghĩa, cũng do âm cảm tiếng chuông chùa núi Sam (Châu Đốc) đã đưa bản này thành nhịp 16 với tên khác là Vọng cổ Bạc Liêu vào năm 1936. Khoảng đầu năm 1951, nghệ sĩ Nguyễn Thành Út, biệt hiệu Út Trà Ôn đã biến thành Vọng cổ nhịp 32 mà đa số nghệ sĩ cải lương hiện nay vẫn còn hát. Vọng cổ nhịp 64 bắt đầu phát triển. Có người còn hát thành nhịp 128 nhưng không mấy phổ biến [1]. Các nghệ sĩ muốn được nổi tiếng và thành công thì phải ca thật “ngọt” bài Vọng cổ. Cải lương không chỉ phổ biến ở vùng Nam Bộ mà đã lan ra cả Bắc Bộ với những giọng ca nổi danh trên đất Bắc như: Minh Thành, Thanh Thanh Hiền, Trung Kiên,…

Cho đến nay, trải qua gần một trăm năm tồn tại và phát triển, có thể nói, cải lương đã thực sự có chỗ đứng vững chắc trong lòng những người yêu văn hóa nghệ thuật truyền thống. Hiện nay, đã có những cuộc thi ca cải lương nhằm phát hiện và bồi dưỡng những tài năng cải lương cho nước nhà. Đó là điều rất đáng mừng để gìn giữ và phát huy bộ môn nghệ thuật đầy chất trữ tình này. Cải lương vẫn sẽ mãi là hành trang tinh thần cho tôi khi bước vào thế kỷ 21, thế kỷ của toàn cầu hóa, thế kỷ mà người ta sẽ phải hỏi nhau “Anh đến từ đâu? Văn hóa của anh có gì đắc sắc không?” khi gặp mặt.

Không có nhận xét nào: