NTT: Nguyễn Thụy Kha như một từ điển sống về ca khúc Việt. Mỗi lần hỏi anh bất ngờ về một ca khúc xa xưa nào đó, anh đều đọc vanh vách lời ca và có thể hát lên ngay lập tức. Anh đã tuyển chọn nhiều tập ca khúc, và lần này, anh cho ra mắt tuyển tập “1000 ca khúc Thăng Long - Hà Nội”. Dưới đây là cuộc phỏng vấn anh về cuốn sách đó, do nhà báo Vũ Quỳnh Trang thực hiện.
@ Thưa nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, anh có thể cho biết phải mất bao nhiêu thời gian anh mới hoàn thành tuyển tập “1000 ca khúc Thăng Long - Hà Nội”?
Nguyễn Thụy Kha: Khởi nguồn về ý tưởng này của tôi rất đặc biệt. Sau giải phóng miền Nam tôi đã gặp và yêu một cô gái Hà Nội gốc. Sau này nàng là vợ tôi. Vì yêu nàng nên tôi đi tìm những bài hát về Hà Nội, nơi nàng sinh ra. Và vì nàng cũng là dân nghệ thuật. Dần dần, việc sưu tầm những bài hát về Hà Nội giống như một thú vui của tôi. Cho đến khi có người gợi ý tôi nên làm tuyển tập 1000 ca khúc Thăng Long - Hà Nội thì tôi nhận ra mình đang sở hữu một “tài sản” thực sự. Và tôi đã bỏ công suốt 2 năm qua để củng cố, tập hợp tư liệu cho công trình mang ý nghĩa văn hóa này.
@ Vẫn biết Hà Nội là mảnh đất gợi rất nhiều cảm hứng cho văn nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực. Số lượng ca khúc viết về Hà Nội không hề nhỏ, nhưng để chọn lọc, sưu tầm được 1000 tác phẩm thì chắc chắn là anh phải có một tiêu chí nào đó?
Nguyễn Thụy Kha: Tiêu chí lựa chọn tất nhiên là phải có rồi. Đầu tiên tôi ưu tiên tất cả những bài hát có nhắc đến tên Hà Nội và các địa danh của Hà Nội. Tiếp đó là những tác phẩm được sáng tác ở Hà Nội, mang âm hưởng Hà Nội. Những bài hát được nhạc sĩ viết về nơi khác, nhưng lại viết tại Hà Nội, xuất phát tại Hà Nội cũng được tuyển lựa, như bài của nhạc sĩ Lưu Cầu, ông viết về quê hương ông ở miền Nam nhưng mà câu mở đầu lại ở Hà Nội: “Chiều nay bên hồ Tây tôi cất tiếng ca mặt hồ êm đẹp bao la, tiếng hát vang tới quê hương nhà, miền Nam tiếng ai hò ơi!”. Quan niệm Hà Nội trong ca khúc tuyển lựa của tôi là một quan niệm mở. 1000 ca khúc trong tuyển tập cho chúng ta một bức tranh toàn cảnh về Hà Nội. Với tình yêu Hà Nội, mọi cá nhân sáng tạo đều bình đẳng. Không có nhạc sĩ nổi tiếng hay không nổi tiếng ở đây. Rất nhiều tác giả không phải hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng có bài hát được tuyển chọn trong tuyển tập này.
@ Bài hát về Thăng long - Hà Nội cổ nhất trong tuyển tập 1000 ca khúc mà anh thực hiện là của tác giả nào?
Nguyễn Thụy Kha: Đó là bài hát không nói một chữ nào về Hà Nội nhưng lại rất Hà Nội, là bài “Bình minh” của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát phổ thơ của nhà thơ Thế Lữ. Bài hát này đã được đăng trên báo Ngày nay năm 1938.
@ Kỷ lục người có nhiều bài hát về Hà Nội nhất thuộc về ai, thưa anh?
Nguyễn Thụy Kha: Hai nhạc sĩ có nhiều bài hát về Hà Nội nhất là Phú Quang và Quỳnh Hợp. Họ đều là hai người Hà Nội gốc, có một điểm chung là đều đi xa và đắm đuối tình cảm với Hà Nội. Một tác giả nữa có nhiều bài hát về Hà Nội khiến cho không ít người bất ngờ, đó là nhạc sĩ Hữu Xuân. Thời tiền chiến, Đoàn Chuẩn là nhạc sĩ có nhiều bài hát viết về Hà Nội.
@ Theo như tổng kết của anh, trong 1000 ca khúc viết về Hà Nội, có những hình ảnh nào, chi tiết nào được lặp đi lặp lại nhiều nhất?
Nguyễn Thụy Kha: Những hình ảnh được lặp đi lặp lại nhiều nhất trong các ca khúc viết về Hà Nội chính là các địa danh: ví dụ tên phố, tên cửa ô, tên các di tích lịch sử. Rồi cây cỏ Hà Nội cũng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như cây liễu, cây hoa sữa. Các cụm từ chỉ thời gian như thu Hà Nội, ngày Hà Nội, đêm Hà Nội, đặc biệt là chiều Hà Nội cũng được nhắc đến với tần số lớn. Trong tuyển tập 1000 ca khúc này, tôi thấy vỉa hè Hà Nội, một nơi gắn với văn hóa sống của người Hà Nội lại rất ít được nhắc đến. Bài hát “Vỉa hè Hà Nội” của Hữu Ước là một bài hát hay về chủ đề này. Nhân đây tôi cũng tổng kết luôn là nhạc sĩ trẻ nhất viết về Hà Nội có mặt trong tuyển tập là nhạc sĩ Đức Cường. Anh sinh năm 1982.
@ Trong ba thời kỳ: tân nhạc, tiền chiến, chống Mỹ và đương đại, cá nhân anh thích âm nhạc Hà Nội thời kỳ nào hơn?
Nguyễn Thụy Kha: Nói một cách chính xác thì tôi thích nhất âm nhạc viết về Hà Nội thời kỳ chống Mỹ. Thời tiền chiến, âm nhạc Hà Nội rất hay, rất sang, nhưng thiếu cái bi hùng. Chỉ có thời chống Mỹ, toàn bộ cái đẹp của âm nhạc Hà Nội mới được khơi gợi một cách đầy đủ nhất.
@ Từ góc nhìn của một người làm lý luận phê bình âm nhạc, anh có thể lý giải vì sao Hà Nội lại trở thành một chủ đề lớn, rất quyến rũ đối với các thế hệ nhạc sĩ như vậy?
Nguyễn Thụy Kha: Theo tôi, điều cốt tủy nhất khiến cho Hà Nội trở thành đặc biệt trong tâm tưởng và tinh thần của người sáng tạo, chính là vẻ đẹp hào hoa của nó. Mảnh đất này là nơi thiêng liêng, nơi hội tụ của địa linh nhân kiệt, nơi thiên nhiên mang vẻ đẹp của thi ca, nhạc họa. Vẻ hào hoa của nó khi thì lẩn khuất, lúc lại hiện ra mơ màng. Trong lịch sử âm nhạc, Hà Nội được nhìn bằng nhiều cặp mắt khác nhau, có khi là niềm vui, có khi là ưu tư, đau buồn, có khi hào hùng, bi tráng. Số lượng lớn các ca khúc và sự phong phú trong cách thể hiện chỉ riêng trong âm nhạc viết về Hà Nội đã khiến cho người nghe phải ngỡ ngàng.
@ Một cuốn sách nhạc cầu kỳ và dày dặn như thế sẽ tốn không ít tiền mới có thể ra mắt bạn đọc. Ai sẽ làm “Mạnh Thường Quân” để anh in cuốn sách này?
Nguyễn Thụy Kha: Tôi không có “Mạnh Thường Quân” chính thức nào cả. Tôi tự thấy mình cần phải thực hiện cuốn sách này cho 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, vì ý nghĩa sâu sắc của nó. Tôi cho rằng dẫu có đi vay tiền để làm chăng nữa thì cũng không ngại, bởi cái lãi về mặt văn hóa của cuốn sách là vô giá. Hiện tại đã có một số doanh nghiệp giúp tôi bằng cách ứng tiền mua sách trước. Đây là một cách ủng hộ rất hay và tôi biết ơn họ.
@ Xin cảm ơn nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha!
VŨ QUỲNH TRANG (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét