Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

Nghĩ vẩn nghĩ vơ

Triêu như thanh, mộ như tuyết câu thơ tài tình của Cao Bá Quát hay Giật mình ôi chiếc lá thu phai trong ca từ họ Trịnh là những lời than, những tiếng thở dài cho thân phận ngắn ngủi và mỏng manh mây trôi bèo dạt của kiếp người. Từ thuở còn để tóc ba vá, chơi đùa nghịch ngợm ban trưa ngoài cánh đồng bênh bang sóng nước, đến lúc bước vào cuộc đời sương gió, đầy những trầm luân dâu bể và cuối cùng lại trở về với cát bụi. Ôi, thời gian sao mà xuẩn ngốc/Mới đó thôi đã một đời người...

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Chuyện cấm luyến ái giữa người trong quan họ

Quan họ ngày xuân. Nguồn: quanvan.net
Quan họ là một thể loại âm nhạc rất độc đáo của người Việt, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Quan họ tập trung chủ yếu ở vùng văn hóa Kinh Bắc. Về nguồn gốc của nó, cho đến nay vẫn chưa có một giả thuyết nào được đa số các nhà nghiên cứu đồng tình. Chỉ biết rằng, đây là hình thức hát đối đáp giữa người nam và người nữ, thường diễn ra vào những dịp lễ hội, đám cưới, giỗ chạp,… của xã hội. Quan họ có tới hơn 300 bài, với làn điệu phong phú nhất trong số các loại hình dân ca của Việt Nam. Nhiều bài dân ca Quan họ đã trở nên quen thuộc với mọi người: Mời trầu, Khách đến chơi nhà, Tương phùng tương ngộ, Vào chùa, Còn duyên, Con nhện giăng mùng, Giã bạn,…  

Mặc dù có một kho tàng bài bản và đồ sộ, kỹ thuật thanh nhạc rất cao và phong cách biểu diễn chuyên nghiệp như vậy, song những người tham gia Quan họ đều coi đây là một thú Chơi nghệ thuật, chứ không phải là một nghề để kiếm sống. Người ta hát Quan họ như để giải bày, để sẻ chia, để phục vụ cho những cuộc Chơi năm tháng, làm giàu có hơn tâm hồn của bản thân mình và đồng loại. Vì thế, nó trở thành loại hình thuộc về nhân dân, mang đậm nét tính cách Việt và văn hóa Việt.

Trong một dịp nghe một bài hát của nhạc sỹ Lê Minh Sơn về miền Quan họ, tôi thấy thật khó hiểu bởi một “lời nguyền” nào đó dành cho các liền anh, liền chị nếu họ lấy nhau. Tò mò, tôi vội đi tìm hiểu và thật may mắn, tôi gặp được bài viết dưới đây. Tác giả Bùi Trọng Hiền đã giải thích rất rõ ràng và thuyết phục về vấn đề này. Đây có thể là một trong những lý do khiến cho nghệ thuật hát Quan họ tồn tại được theo thời gian. Cũng qua bài viết, tôi mới cảm nhận được tại sao mà khi chia tay nhau, người Quan họ lại ngậm ngùi thương cảm đến vậy: Người về em vẫn khóc thầm/Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa/Người về em vẫn trông theo/Trông nước nước chảy, trông bèo bèo trôi…/Người ơi người ở đừng về…

Trân trọng cảm ơn anh Hiền và kính mời bạn đọc...

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

Biển, nỗi nhớ và em


Trên chuyến bay của Vietnam Airlines từ Frankfurt về Hà nội, tình cờ tôi được thưởng thức giọng ca của Lê Anh Dũng. Một giọng tenor thật sang trọng. “Gió âm thầm không nói mà sao núi phải mòn/Em đâu phải là chiều mà nhuộm anh đến tím…”. Nghe bài hát ở độ cao trên 10000 mét quả là khác biệt so với khi nghe ở dưới mặt đất. Một nỗi buồn lai láng bất chợt dồn nén trong một không gian thăm thẳm. Của màn đêm. Của khí trời. Của anh và của em. Cả một chuỗi đong đầy kỷ niệm lại ùa về trong anh. Em, giờ này em đang ở đâu? Em còn nhớ lần đầu tiên anh đã hát bài này, duy nhất một lần cho em nghe. Riêng anh và em, như thể thế giới này chỉ còn có hai kẻ cô đơn đang tự đi tìm cho mình một giấc mơ bằng pha lê. Lúc đó em thật đẹp. Bờ môi em ảo tưởng. Suối tóc em nồng nàn. Anh đã bị ma đưa quỉ khiến… Để đến bây giờ, không thể nào anh quên được: “Xa em lòng bỗng thấy buồn/Mặt trời lặn bóng cánh buồm đi đâu/Mưa suông gió buốt núi sâu/Đời anh nghiêng ngả đếm sầu…nhớ em”... 

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Hạ tầng tư duy

Cả thế giới đã từng ngưỡng mộ một nước Nhật phục hồi mạnh mẽ kinh tế sau chiến tranh, kính trọng một tinh thần Đức trong công việc hay trầm trồ trước những thành tựu về khoa học và kỹ thuật Mỹ... Chắc chắn việc đi tìm nguyên nhân của những thành công đó sẽ không bao giờ chấm dứt, vì nó luôn được nhìn ở nhiều góc độ. Ở đây, chỉ xin giới thiệu một góc nhìn khác về sự phát triển của một quốc gia, dựa vào một khái niệm mới: Hạ tầng tư duy. Bài viết của Tiến sỹ Giáp Văn Dương (Singapore). Có thể coi đây cũng là một cách lý giải về sự thành công của các dân tộc khác nhau trên thế giới.